KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 30 Tháng năm 2012

Qua cầu Hiền Lương




Tác giả: BinhNH

Ngay từ hồi còn nhỏ, lời và âm điệu  bài hát “ Bên ven bờ  Hiền lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê hương, đôi mắt đượm tình quê …” đã in sâu vào trí nhớ của lũ trẻ con chúng tôi. Những năm tháng trước giải phóng miền Nam,  cầu Hiền Lương và dòng sông Bến hải đã trở thành một địa danh mà có lẽ người Việt nam nào thời chúng ta cũng từng nhớ tới  ...

Bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương

 

Chiến tranh  qua đi đã 37 năm, vậy mà tôi vẫn chưa một lần được nhìn thấy tận mắt cây cầu và dòng sông giới tuyến ngày ấy. Cho nên , đầu tháng 4/2012, vừa dự xong hội du xuân của hội KGU tại Thiên Sơn suối Ngà về, hai Bình ( CL77) vội “chớp ngay thời cơ” được tháp tùng bà nội Minh Anh  đi từ Hà nội,qua miền Trung, đất Vĩnh Linh, thành cổ Quảng Trị , vì chúng tôi biết rằng: sẽ được đi qua sông Bến hải và cầu Hiền Lương. Cây cầu đã trở thành ranh giới hai miền Nam Bắc đúng vào năm hai Bình ra đời còn gì…

Sẵn sàng lên đường

Xe chúng tôi xuất phát từ Hà nội lúc 2h30 chiều ngày 9/4/2012, tối hôm ấy chúng tôi dừng chân ở Cửa lò để nghỉ đêm. Trời sáng, xe đưa chúng tôi đi tiếp tới Hà Tĩnh, cảnh thanh bình dọc đường đi làm chúng tôi khó tưởng tượng ra bắt đầu từ nơi đây hơn 40 năm về trước chiến tranh ác liệt đã diễn ra suốt cả miền trung. Lúc đó chúng tôi  còn nhỏ, đi sơ tán ở miền Bắc, dù có biết tiếng bom đạn , nhưng nào thấm tháp gì với sự hy sinh, gian khổ của người dân, thanh niên xung phong và bộ đội ở miền Trung…

Đến địa phận Hà Tĩnh , hai Bình bắt đầu mở máy nói , luôn nhắc đến các bạn nam cùng lớp Hoá 77 quê ở miền Trung như bạn Mậu, bạn Trự, bạn Hiến, chú Cường … chẳng biết các bạn ấy có máy mắt không? Rồi chuyện lan cả ra em Mùi,em Cúc dân Hoá,chị Yến dân Sinh vật..

Mải nói nên khi xe dừng bánh, hai Bình giật mình nhìn ra ngoài và nhận ra đã đến ngã ba Đồng Lộc nổi tiếng, nơi đã có 10 nữ Thanh niên xung phong nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi vội xuống xe, bao nhiêu chuyện cười vui vẻ lúc nãy biến đi đâu hết. Cảm giác tiếc thương tràn ngập trong lòng. Nhìn khu tưởng niệm ngày nay được xây dựng rất khang trang tại chính ngã ba Đồng Lộc. bên một hố bom vẫn còn được giữ nguyên, chúng tôi tràn nước mắt.

Bên mộ các chị

 

 Mộ của cả 10 chị đều còn đang có hương khói toả ngát. Chắc trước khi đoàn chúng tôi đến cũng đã có nhiều đoàn ngang qua thắp hương cho các chị. Họ thật xứng đáng để đời đời người dân Việt nhớ công . Đọc bia mộ các chị : Người trẻ nhất mới 17 tuổi, chị lớn nhất cũng mới 24 và cùng quê ở Hà Tĩnh … chúng tôi chỉ biết hình dung lại hình ảnh hồn nhiên của các chị qua bộ phim “ Ngã ba đồng lộc “ được xem cách đây hơn chục năm … Chắc chắn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về những con người hết sức bình dị , trẻ trung mà anh hùng ấy.

Toàn cảnh Khu mộ 10 nữ liệt sỹ Ngã ba đồng lộc

Chia tay với ngã ba Đồng Lộc chẳng  mấy lúc mà chúng tôi đã đến bên bờ sông Nhật lệ, Quảng Bình. Chúng tôi xuống xe, ngắm nhìn dòng sông Nhật lệ rộng mở, ngay bên bờ là bức tượng mẹ Suốt chèo đò.

Thời những năm 1965- 1967  bài thơ Tố hữu viết về người mẹ anh hùng đã đi vào lòng người :

            Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng gió tàu bay

Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!

Kể chi tuổi tác già nua

Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!

Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ...

Gan chi gan rứa, mẹ nờ?

Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?

Chẳng bằng con gái, con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc sớm trưa đưa đò...[4]

Cả đoàn ai cũng muốn chụp ảnh cạnh tượng mẹ Suốt, người đã được phong tặng danh hiệu anh hùng. Mẹ Suốt mất năm 1968 trong một trận oanh tạc của bom Mỹ ở bến đò Bảo Ninh trên sông Nhật Lệ. Hai Bình cảm thấy chuyến đi này thật ý nghĩa. Chúng tôi không chỉ biết thêm non sông đất nước mà còn tận mắt chứng kiến những câu chuyện lịch sử của những con người bình dị.

Bà nội Minh Anh bên tượng mẹ Suốt

 

 

Lên xe, đã vào buổi chiều, nắng chói chang, ai nấy đều buồn ngủ. Duy nhất chỉ có chú lái xe là tỉnh như sáo sậu. Phải nói đoàn chúng tôi gặp may vì có một tài xế trẻ, giỏi, nhanh nhẹn,lại có tâm. Cả quãng đường dài, chú lái xe luôn quan tâm đến các cô chú lớn tuổi, đặc biệt là rất chú ý giúp đỡ bà nội Minh Anh. Bỗng tôi giật mình mở mắt để hỏi vì nhớ ra sắp đến địa điểm mong dợi nhất. Chú tài xế vui vẻ trả lời : Sắp đến cầu Hiền Lương rồi đấy ạ. Thế là cả xe choàng tỉnh, ai cũng muốn xuống và ghi lại hình ảnh nơi đây. Hoá ra, chẳng riêng hai Bình mà nhiều người cũng chưa có dịp thăm cây cầu lịch sử này.

 

Toàn cảnh cầu Hiền Lương lịch sử bên cạnh cầu xi măng mới

 

 

Trong tâm trí chúng tôi, hình ảnh  cầu và dòng sông như thấp thoáng trong các phim : Con chim vành khuyên,Chung một dòng sông,  chị Tư hậu, hay Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… Chẳng biết có phải vì hồi bé ít có phim nước ngoài để xem hay vì thời ấy trẻ con ai cũng có lòng yêu nước cao độ, nên tôi luôn thấy mấy bộ phim đó rất hay , diễn viên cũng đẹp mà đóng rất thật. Những hình ảnh  cầu Hiền Lương ngăn đôi bờ Nam Bắc trong ký ức tôi đều lấy từ mấy bộ phim ấy cả…

 

hai Bình trên cầu Hiền Lương

 

Cầu Hiền Lương bằng gỗ xưa, nay đã được giữ lại làm di tích lịch sử. Một cây cầu xi măng to đã được xây ngay bên cạnh để thay thế. Vậy là chúng tôi thả sức ngắm sông, nước , nhìn kỹ cả bốt gác bên kia bờ Hiền Lương của quân Sài gòn, bên này cũng còn đồn của QĐND mình. Rồi cột cờ nay đã xây lại rất bề thế , cao vút bên bờ sông.

 

Cột cờ Tổ quốc bên bờ sông Bến Hải

 

Đứng trên cầu chụp ảnh, tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Không biết bao nhiêu hy sinh xương máu, bao nhiêu của cải , sức người của dân ta đã mất đi ở nơi chiến tuyến này…Bây giờ cảnh trí nơi đây thật thanh bình, dòng sông lững lờ trôi…

 

Tạm biệt cầu Hiền Lương

 

 

Đến tham quan nơi đây chúng tôi thấy có cả các đoàn đi du lịch. Nhưng tôi có cảm giác những địa danh như thế này xứng đáng được đầu tư hơn nữa, cần có cả bảo tàng các di vật để dân ta và bạn bè quốc tế có thể hiểu rõ lịch sử nước mình… Thực tế ở bên cầu cũng đã có bảo tàng nhỏ, nhưng trông sơ sài. Lúc chúng tôi đến lại đóng cửa nên chúng tôi chỉ tự xem bên ngoài mà thôi.

 

 Hai Bình say sưa ngắm cảnh , chụp ảnh mà quên mất là đích đến của Đoàn lần này là Festival Huế. Nghe tiếng gọi  đi tiếp, hai Bình vội lên xe và “ra tuyên bố hùng hồn “ đã toại nguyện ước mơ được đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử.

 

 


Người post: BinhNH

Ngày đăng: 30-05-2012 17:05






Xem 11 - 20 của tổng số 25 Comments



Từ: BinhPT
01/06/2012 14:55:54

Bình K đi nhiều lại có tài chia sẻ nên cả hội hay được đi du lịch ghé! Mình cũng nhớ lần đầu tiên đi qua cầu Hiền Lương là lần đầu đi công tác vào Nam bằng ô tô tháng 2 năm 1978, nhưng qua cầu không được xuống vì không có giấy phép. Rất may là qua cầu khoảng vài trăm mét có một hàng nước, bọn mình xuống uống nước, gặp anh bộ đội người Bắc, nghe bọn mình than thở, đặc cách cho lại gần ngắm sông và cầu. Đến giờ vẫn còn nhớ cảm giác đó! Mình nghĩ ai đi qua cầu này cũng không khỏi nhớ đến bài Câu hò trên bến Hiền Lương " đâu nhỉ!?



01/06/2012 10:12:54

Tố Hữu đã viết:


"Sông Bên Hải bên bồi bên lở


Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương"


Bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", từng được giải thưởng Liên hoan quốc tế tại Matxcơva.


Còn xin mới các bạn nghe Thu Hiền hát "Câu hò bên bến Hiền Lương" của nhạc sỹ Hoàng Hiệp:


http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=yvjVM5phoi


Cầu Hiền Lương từng là biểu tượng của nỗi đau đất nước VN bị chia cắt.


Hồi đó ta bị ép, đúng ra vĩ tuyến 16 mới là chia đôi VN như Đòng minh đã chia sau thế chiến 2 cho quân Anh và Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật


 


 



Từ: BinhNH
31/05/2012 21:13:57

Giảng và Thu thân mến,


Thực tình mình đã quên chuyện học sinh K8 trong muôn vàn chuyện thời chiến tranh. Mà đay là một chuyện đáng nhớ. Theo mình nghĩ, đó là một sáng kiến của ta hồi bấy giờ để bảo vệ mầm non đất nước hồi ấy. Rất đáng ngưỡng mộ.
@ Thu ơi, đúng là hai chị Bình cùng dự lễ hội áo dài. Thế mà chẳng biết em ở đó mà gặp nhau thì hàn huyên và du ngoạn cùng nhau thì vui biết mấy. Nhưng thôi, còn nhiều dịp đấy Thu ạ.


@ Cúc và TLương ơi,


Đi tham quan các địa điểm lịch sử là niềm say mê của nữ Hoá 77 nói chung và của Hai Bình nói riêng, các bạn hãy tranh thủ đi mà xem, nhiều lúc thấy có ý nghĩa cũng vui lắm.


@ Chị Chi ơi, trẻ con nhà em ít đi cùng bố mẹ. Vậy là riêng điểm đó anh chị hơn chúng em rồi.


@ Thanh ơi,


Mình cũng nhớ cậu đã kể chuyện vào Ngã ba đồng lộc từ mấy năm trước mà. Bây giờ bọn mình mới đến được đây



Từ: ThuTT
31/05/2012 17:01:33

Quê hương em ở phía bên kia cầu. Cũng như tất cả các gia đình tập kết khác, bọn em chứng kiến sự khắc khoải và mong nhớ người thân, nhớ quê hương của các bậc phụ huynh suốt nhiều năm ròng. Năm 1978, khi vừa về nước, lại đúng dịp ba em có đợt đi công tác vào Nam, ông cho đi cùng. Đến đầu cầu Hiền lưong (cũ), xuống đi bộ qua cầu. Ông bà đã cố gắng tạo điều kiện để tất cả con mình được đi bộ bước qua cầu Hiền lưong để nhớ rằng đã mất 21 năm và rất nhiều xương máu...Cũng nhờ dịp đó mà em được tận mắt nhìn thấy bãi mìn dày đặc cắm cờ trắng xóa dọc khu DMZ, được thấy những hố bom chi chít dọc vĩ tuyến 17. Em cũng được cho xuống đi bộ nhiều chỗ với lời dặn cấm đi trệch ra khỏi đường nhựa vì bom mìn còn nhiều quá


@chị Bình NH: Hai chị vào đúng dịp festival Huế, em đang ở trong Huế, thế mà không biết. Có khi cùng ngồi xem Lễ hội áo dài mà không gặp nhau, tiếc quá


@anh Giảng: Lớp SV78 có hai người thuộc diện K8 là Trần Văn Chương và Trương Nam Hải. Em nhớ mãi là ngày Nam Hải học dự bị ở Axtrakhan đến Kishinhop, hai người gặp nhau có nhắc đến K8 rất cảm động, em chỉ nghĩ là tên của một trại sơ tán (hồi xưa các trại sơ tán đều có mã số riêng). Mãi gần đây xem Như chưa hề có cuộc chia ly, nói về những đứa trẻ K8 mới hiểu được K8 nghĩa là gì. Một cuộc di chuyển quy mô lớn những đứa trẻ nhỏ ra khỏi vùng đặc biệt ác liệt đến những vùng ít ác liệt hơn để bảo toàn sự sống cho tương lai. Trong những đứa trẻ K8 ấy nrất nhiều người sinh ra trong địa đạo và rất nhiều người sau này thất lạc gia đình



Từ: CucNT
31/05/2012 16:06:56

Em là người Miền Trung nên khi đọc ký sự của 2 chị về Miền trung thì xúc động vô cùng. Một thời đạn bom đã qua nhưng không bao giờ có thể xoá nhoà trong ký ức em.  Em đến khu tưởng niệm 10 cô gái ngã ba Đồng lộc nhiều lần và lần nào cũng khóc. Trên mộ của các chị phần lớn mọi người đạt hoa và gương, lược để cúng...


cầu Hiền Lương đi vào lịch sử. Em cũng mong đến đó mà chưa đến bao giờ. ( Về quê cứ lên máy bay bay thẳng ra Vinh). Cảm ơn các chị đã thổi lên trong em khao khát được đi du lịch tới mọi miền ghi đâm dấu ấn lịch sử của đất nước.



Từ: ThanhLK
31/05/2012 15:02:02

Bình ơi, mình cũng đã từng có lần qua cầu Hiền Lương, cũng có tâm trạng như các cậu, nhưng lâu rồi và không còn lưu được ảnh. Mấy năm trước có dịp vào Nghệ An, mình cũng đẫ 2 lần tổ chức đoàn đi đến thăm Ngã ba Đồng Lộc. Mỗi lần nhìn 10 ngôi mộ khói hương nghi ngút với hoa trắng, nón, lược và ảnh các cô gái trẻ măng là nước mắt cứ tự trào ra không cầm được. Các cô gái đó cũng cùng khoảng tuổi như chúng mình, họ đã hy sinh để bao người được sống sung sướng. Mình còn nhớ lần đầu đến thắp hương, vừa thắp xong mộ chị tổ trưởng thì chân hương bùng cháy. Đoàn mình đa số là chị em nữ, có người nói: "các chị ấy linh thiêng tỏ ra rất mừng khi chúng mình đến thăm". Cám ơn cậu đã có bài ký sự hay gợi lại những kỷ niệm về các địa danh lịch sử.



Từ: LuongDT
31/05/2012 14:05:09

Lưỡng Bình mà không Bình. Như tuổi hai mươi, đâu cần là hai Bạn có mặt. Những bức ảnh và bài viết đầy cảm xúc. Các bạn xứng đáng được phong danh hiệu nhà báo nhân dân của KGU. Ước gì có một ngày được đi xẻ dọc đất nước như các bạn. Được đến thăm các cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, thắp nén nhang bên mộ các chiến sĩ vô danh, thăm Mẹ suốt và được đi qua con Cầu chia cắt hai miền đất nước...


Cảm ơn hai Bạn



Từ: ChiNB
31/05/2012 12:33:08

Hè năm 2008, cả nhà chị cũng đã xuyên nửa Việt bằng ô tô, cũng đã qua nhưng địa danh lịch sử như bọn em, qua cả nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn khi trên đường trở về. Nhiều xúc cảm lắm khi qua những nơi đó nhưng chị không viết được như Bình (mà hồi đó chưa có Web KGU để chia xẻ với ai cả). Đi cùng với với bọn trẻ con nhà chị, bọn nó cũng cảm nhận được nhiều điều, biết được địa lý nước ta (từ HN qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị... chứ không phải Nghệ An rồi đến Thanh Hóa, Ninh Bình...) và lịch sử chiến tranh chống Mỹ mà chúng nó chỉ học vẹt trên sách vở. Đi du lịch bằng ô tô của mình cũng hay lắm phải không Bình ?



Từ: GiangHV
31/05/2012 09:23:40

Tôi đã từng được đi bộ trên cầu Hiền Lương cũ và đi ô tô (nhiều lần) qua cầu Hiền Lương mới. Tôi cũng được ngồi trên xe máy qua một chiếc cầu nhỏ, song rất đẹp, bắc qua sông Bến Hải ngay sát cửa biển (cạnh khu du lịch Cửa Tùng). Rất đẹp, rất thơ mộng và đặc biệt là rất thiêng liêng. Chả là hồi chiến tranh chống Mỹ (1965-1970) bố mẹ tôi (ở Hà Nam) có đón nhận 4 em học sinh của huyện Vĩnh Linh (gọi theo mật khẩu là học sinh K8) về nuôi. Gọi là nuôi cho tình nghĩa thôi, chứ các em đều được Nhà nước chu cấp cho mọi thứ khá đầy đủ. Bốn em này sống với anh em chúng tôi như những người ruột thịt trong một gia đình. Ăn cơm cùng mâm, ngủ cùng giường, gọi bố mẹ tôi là bố mẹ và xưng là con. Cũng đi chăn trâu, cắt cỏ và làm các công việc đồng áng cùng anh em chúng tôi. Học xong cấp 2 các em đều đi học sư phạm 7 +3 hoặc học trung cấp, sau đó trở về quê hương công tác. Quê các em là thôn Tùng Luật và thôn Di Loan của xã Vĩnh Giang (xã nằm sát bờ sông Bến Hải, kéo dài cho đến tận Cửa Tùng). Chúng tôi đã tới gia đình các em chơi vài lần, kể cả thăm ngôi nhà các em ở cùng với bố mẹ trước khi đi sơ tán ra quê tôi, vì trong thời gian ở cùng với gia đình tôi các em rất hay kể về ngôi nhà này. Các em đã dẫn chúng tôi đi thăm thú nhiều nơi, kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện về đôi bờ Bến Hải, về sự ác liệt của chiến tranh, sự căng thẳng của giới tuyến và sự hy sinh mất mát của bà con nơi đây. Rất cám ơn Bình N. đã có bài viết rất hay và làm cho tôi nhớ lại hình ảnh của sông Bến Hải lịch sử mà tôi có nhiều gắn bó (qua những con người được sinh ra, lớn lên và hiện nay đang sinh sống tại nơi ấy).



Từ: BinhNH
31/05/2012 08:48:12

Vinh à, bọn mình chạy trên cầu Hiền Lương thoải mái, gió mát lộng, khoái lắm cậu ạ. Chẳng ai nghĩ ngày xưa gươm súng chặn đứng đâu nhỉ.


Bọn mình chẳng thấy có chỗ nào mở cửa để vào hỏi han gì, mà cũng không có dân đi ngang qua để hỏi, Rất đáng tiếc vì vậy. Xung quanh chỉ có bốt gác 2 đầu. Đúng đằng sau ảnh 2 Bình là bốt gác bên nguỵ. Còn bên mình có đồn biên phòng và có cột cờ đấy. Mình gửi thêm cậu cái ảnh đồn biên phòng nhé



Anh Uyển ơi. cám ơn anh đã đọc và cảm thấy được. Vấn đề là so với những bậc tiền bối thì còn xanh chứ so với xã hội thì đã quá Date rồi anh ạ.


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s