KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ sáu 20 Tháng bẩy. 2012

Chiến trường Quảng Trị năm 1972




Tác giả: NghiPH

Nhân kỷ niệm 40 năm về những sự kiện bi tráng tại chiến trường Quảng Trị, tôi xin tổng hợp từ các nguồn tài liệu khác nhau về bối cảnh, về lực lượng tham gia, về những tổn thất to lớn, không kể xiết về con người trong những tháng năm đỏ lửa đó. Tôi cũng có đưa ra một vài ý kiến cá nhân.

Chiến tranh thật khốc liệt! Biết bao máu xương người Việt đã đổ trên mảnh đất này! 

 

1. Bối cảnh

 

Kể từ sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đến năm 1972 bốn năm trôi qua. Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hồi phục và ngày càng lớn mạnh. Sau Mậu Thân, Hoa Kỳ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Paris.

 

Năm 1972 chính quyền Nixon mở đột phá khẩu trong quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô. Các nước lớn muốn dùng Việt Nam như một con bài trên bàn thương lượng, đàm phán vì lợi ích riêng của mình.

 

Năm 1972 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Không có ứng cử viên nào muốn gây bất bình trong dư luận công chúng Mỹ.

 

Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho rằng, đây chính là thời điểm rất thích hợp để mở một trận đánh chính quy lớn, hợp đồng binh chủng vào lực lượng quân đội của chính quyền Việt Nam cộng hòa tại Mặt trận Quảng Trị, giáng cho chúng những đòn chí mạng.

 

Về điều kiện thiên nhiên, giai đoạn ác liệt nhất của chiến trường Quảng Trị năm 1972 diễn ra trong thời tiết mưa to nhiều ngày. Nước sông dâng cao, công sự sũng nước. Việc cung cấp đạn được và tiếp tế lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Lực lượng phòng ngự trên các chốt, lính tráng phải tát nước suốt ngày suốt đêm, hầm hào bị sụt lở không còn tác dụng che chắn đạn bom.

 

2. Lực lượng tham gia của hai bên

 

         2.1. Quân đội Nhân dân Việt Nam:

- Các sư đoàn bộ binh: 304, 308, 320B, 324 và 325, sau được tăng cường thêm Sư đoàn 312 từ Lào về.

- 2 trung đoàn tăng, thiết giáp: 202 và 203 với hơn 100 xe tăng T- 34, T- 54, PT 76.

- Một số tiểu đoàn đặc công.

- Bốn trung đoàn pháo binh cơ giới với 408 khẩu gồm: 63 khẩu pháo chiến dịch 130mm, 93 khẩu pháo cấp sư đoàn (122 ly và 105 ly) và 247 khẩu pháo cùng bộ binh (sơ pháo 76mm hoặc 85mm).

- Hai sư đoàn phòng không: Sư đoàn 367 và 376 với 3 trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai trung đoàn tên lửa 238, 237 với tên lửa đất đối không SA-2.

- Một số trung đoàn công binh.

- Các lực lượng tại chỗ của Mặt trận B5, B4 và Đoàn 559.

         2.2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa:

- 2 sư đoàn bộ binh 1 và 3.

- Sư đoàn dù và Sư đoàn thủy quân lục chiến.

- 4 trung đoàn và 2 chi đoàn thiết giáp: thiết đoàn 7, 18 kị binh, trung đoàn 51 bộ binh.

- 17 tiểu đoàn pháo binh gồm 258 khẩu đại bác cỡ 105mm trở lên (chưa kể các loại pháo bắn thẳng), một số tiểu đoàn công binh.

  2.3. Quân đội Hoa Kỳ:

 

. Không quân:

- 2 không đoàn máy bay chiến lược B-52 (D và G)

- 1 liên đội máy bay F-111

- 5 liên đoàn không quân chiến thuật F-4A-7

- 2 liên đội trinh sát và tác chiến điện tử SR-71, EB-66, EC-121, F-105G

- 2 liên đoàn tiếp dầu KC-135

. Hải quân:

- 6 Tàu sân bay, 135 tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu nổi khác.

Lính tráng chúng tôi gọi pháo từ Hạm đội 7 là pháo bầy, pháo giàn, pháo chụp. Mỗi lần máy bay chiến lược B52 xuất kích từ Thái Lan, chúng tôi đều được báo trước nhưng biết chạy đi đâu.  

Thống kê cho thấy thị xã Quảng Trị bị lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ tàn phá với 328.000 tấn bom đạn, 9552.000 viên đạn pháo 105mm, 55.000 viên đạn pháo 155 mm, 8164 viên đạn pháo 175mm, hơn 615.000 viên đạn hải pháo, 2240 lần oanh tạc của không quân (tổng số bom đạn trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản). Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong hai năm 1968-1969. Dữ dội nhất là ngày 25/7, thị xã phải chịu 5000 quả đạn pháo. Thị xã Quảng Trị với 3 km2 và vùng ven có ngày phải chịu hơn hai vạn quả đạn đại bác cỡ lớn.

 

Những người chốt giữ Thành Cổ đã chứng kiến hàng chục loại bom pháo khác nhau như: Bom đào, bom phạt, bom bi, bom na ban, pháo khoan, pháo chụp, pháo càng. Đặc biệt lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Trị, Mỹ đã dùng loại bom dù - một loại bom mà khi thả xuống lưng chừng, một quả bom mẹ nổ thành hai quả bom con, những quả bom con ấy cũng được dù mang cứ lừ lừ rơi xuống, trông thấy hẳn hoi mà không có cách gì phá nổi.

 

Xét về trang bị thiết bị kỹ thuật, vũ khí, Quân lực Việt Nam cộng hòa có không quân riêng với hơn 1.200 máy bay; Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có gần 100 máy bay tiêm kích chỉ đủ phòng thủ không phận miền Bắc. Quân lực Việt Nam cộng hòa có hơn 400 máy bay trực thăng chở quân và yểm hộ mặt đất; Quân đội nhân dân Việt Nam không có. Quân lực Việt Nam cộng hòa có không quân chiến thuật (TAC), không quân chiến lược (SAC) (chủ yếu là B-52) và các pháo hạm của Hạm đội 7 yểm hộ; Quân đội nhân dân Việt Nam không có. Bộ binh, quân dù, thủy quân lục chiến của Quân lực Việt Nam cộng hòa tiếp cận chiến trường và tham chiến bằng máy bay trực thăng, tàu đổ bộ LCU, xe thiết giáp M-113 các loại quân xa khác; bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam chủ yếu tiếp cận chiến trường bằng đôi chân. Quân đội nhân dân Việt Nam có SAM-2, SAM-7pháo cao xạ nhưng phải vừa yểm hộ chiến trường, vừa phòng thủ toàn bộ không phận miền Bắc với cơ số đạn hạn chế do Trung Quốc cố tình làm chậm việc chuyển hàng quân sự từ Liên Xô đến Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ phong tỏa các cảng của Bắc Việt Nam từ ngày 6 tháng 4 năm 1972. Trong năm 1971, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ nhận được 58 xe tăng T-54, 18 xe tăng T-59 (do Trung Quốc chế tạo), 27 xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 (do Ba Lan chế tạo). Dù sao, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã có thể huy động một lực lượng tăng thiết giáp tham gia chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay.

 

Như vậy, xét về số lượng đơn vị tham chiến, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, xét về số lượng quân trực tiếp chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam không nhỉnh hơn mà thậm chí còn ít hơn vì hàng ngày bị thương vong rất lớn bởi hỏa lực pháo, bom của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ và của Quân đội Việt Nam cộng hòa.

 

Xét về hỏa lực không quân, pháo binh và hải quân thì phía Quân đội Hoa Kỳ và Quân đội Việt Nam cộng hòa có ưu thế vượt trội so Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là giai đoạn sau của chiến dịch khi mùa mưa đến khâu tiếp tế vũ khí gặp rất nhiều khó khăn.

 

3. Tóm tắt diễn biến chính và chiến thuật

 

. Diễn biến chính

 

Năm 1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tổng tấn công trên 3 chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long, Bình Phước), trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị.

 

Đúng 11 giờ 30.03.1972, Quân đội nhân dân Việt Nam đồng loạt tiến công các căn cứ, hệ thống phòng ngự của quân đội Việt Nam cộng hòa, vô hiệu hóa 12 trận địa pháo của chúng. Trong vòng chiến đấu 1 tháng, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội và du kích địa phương của tỉnh Quảng Trị làm chủ nhiều huyện lỵ. Để nhanh chóng kiểm soát Quảng Trị, ngày 01.5.1972, bộ đội chủ lực Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Sư đoàn 320 hiệp đồng tiến công từ La Vang vào trung tâm thị xã, cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam lên nóc dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị.

 

Trong đợt tấn công đầu tiên này, cả tập đoàn phòng ngự của Quân lực Việt Nam cộng hòa với trên 3 vạn quân, 178 máy bay, 11 tàu chiến, 320 xe tăng, 237 khẩu đại bác đã bị phá vỡ trước những cuộc tiến công như vũ bão của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Bị mất tỉnh Quảng Trị, Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam cộng hòa huy động nhiều sư đoàn và phương tiện, vũ khí hiện đại hòng chiếm lại tỉnh Quảng Trị mà trước hết là Thành Cổ bằng mọi giá.

 

Từ giữa tháng 6, Quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn lực lượng phản công với sự tham gia có tính chiến lược của không quân, hải quân Hoa Kỳ và bắt đầu lấy lại ưu thế trên chiến trường. Đến đầu tháng 7 họ đã tiến đến thị xã Quảng Trị.

 

Cuộc chiến 81 ngày đêm ở thị xã và thành cổ Quảng Trị (thành Đinh Công Tráng) đã diễn ra vô cùng căng thẳng, ác liệt. Cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề về quân số. Đêm 15.9.1972 Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu rút có tổ chức ra khỏi thành cổ và thị xã Quảng Trị.

 

Sáng ngày 16.9.1972 một nhóm binh sĩ thuộc tiểu đoàn 6 Thủy quân lục chiến đã cắm cờ Việt Nam cộng hòa trên cổng thành phía tây của thành cổ Quảng Trị.

 

.Về chiến thuật:

 

Giai đoạn đầu lực lượng bộ binh của Quân đội nhân Việt Nam với sự yểm trợ tối đa của pháo binh và xe tăng tấn công như vũ bão vào lực lượng của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân lực Việt Nam cộng hòa bị bất ngờ, không thể chống đỡ nổi đã phải rút lui. Sư đoàn 3 bị loại khỏi vòng chiến. Quân đội Việt Nam đã thành công trong cách đánh hợp đồng binh chủng: Lục quân- Pháo binh- Tăng, thiết giáp.

 

Giai đoạn sau Quân lực Việt Nam cộng hòa với sự yểm trợ vô cùng có hiệu quả của không quân, hải quân và pháo binh, trong đó có máy bay chiến lược B 52 và lực lượng pháo binh của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã bền bỉ, quyết liệt phản công Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Ngay trong giai đoạn bị đối phương phản công quyết liệt, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn lúng túng giữa phòng ngự và tấn công, không chuyển sang tích cực phòng ngự. Lúc đó, những người lính chúng tôi đang vô cùng chật vật phòng ngự mà vẫn được quán triệt là phải chuẩn bị tấn công Thừa Thiên- Huế. Không có hệ thống phòng ngự vững chắc lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam bị thương vong rất lớn khi đối phương phản công mạnh mẽ. Sau này Quân đội nhân dân Việt Nam mới chuyển sang phòng ngự chủ động theo chiều sâu.

 

Sau khi rút khỏi thị xã Quảng Trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập phòng tuyến vững chắc chống lại Quân lực Việt Nam cộng hòa. Quân lực Việt Nam cộng hòa tổ chức chiến dịch Lam Sơn 72A và các cuộc hành quân "Sóng thần" để tái chiếm bờ bắc sông Thạch Hãn, đánh chiếm Cửa Việt nhưng đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại. Hai bên quay về giữ thế giằng co cho đến khi hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1 năm 1973.

 

4. Những tổn thất của hai bên

 

Theo số liệu đã công bố tại mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng Quảng Trị (01.05.1972- 01.05.2012) trên toàn bộ chiến trường Quảng Trị trong năm 1972 Quân đội nhân Việt Nam đã tiêu diệt 26.000 quân của quân đội của chính quyền Sài Gòn. Quân đội nhân dân Việt Nam bị thiệt hại 36.000 quân.

 

Sau 81 ngày đêm chiếm giữ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị, Quân đội nhân dân Việt Nam đã bị tổn thất nặng. Riêng Trung đoàn Triệu Hải (Trung đoàn 27 Mặt trận B5) với hơn 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã bị thương vong gần như toàn bộ tại trận địa, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội thoát ra ngoài vào đêm 15.9.1972. Chi tiết về trung đoàn này cũng đã được phóng viên Báo Tuổi trẻ ghi lại theo lời kể của một cựu chiến binh (một trong chưa đến chục người sống sót của trung đoàn này) qua bài ký đăng trong số báo ra ngày 26 tháng 7/1998, có đoạn: “Tết năm 1968, ngay sau khi trung đoàn được thành lập ở miền Bắc, một tháng sau trung đoàn này có mặt tại Quảng Trị. Từ đấy cho đến năm 1972, Quảng Trị đã trở thành chiến trường của trung đoàn 27, và ở đây, họ mang một cái tên mới: Trung đoàn Triệu Hải (tên của hai huyện đồng bằng Quảng Trị ghép lại)... Phải đến bây giờ, chúng ta mới được nghe cả một trung đoàn vào giữ Thành Cổ, lúc rút ra còn chưa đến một tiểu đội”.

 

Ngoài Trung đoàn Triệu Hải (Mặt trận B5) gần như bị xóa sổ, Trung đoàn 48 B thuộc Sư đoàn 320B - đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80% quân số.

 

Về phía Quân lực Việt Nam cộng hòa, tuy tái chiếm được thành cổ nhưng cũng phải trả giá rất đắt. Kế hoạch chiếm thị xã trước ngày 13/7 để mặc cả tại Hội nghị Paris không thực hiện được mà còn phải mất gấp 5 lần thời gian định trước. Để chiếm lại thành cổ, chỉ riêng Sư đoàn Thủy quân Lục chiến có 3.658 binh sĩ tử trận, chiếm 25% tổng quân số (tổng thương vong là hơn 5.000 chiếm 38% quân số). Các đơn vị thuộc Sư đoàn Dù và các đơn vị khác cũng chịu thiệt hại nặng tương đương.

 

Thiệt hại rất lớn của các đơn vị tinh nhuệ này khiến Quân lực Việt Nam cộng hòa không đủ sức tấn công tiếp ra phía bắc. Các chiến dịch Lam Sơn 72A và các cuộc hành quân "Sóng thần" để tái chiếm bờ bắc sông Thạch Hãn và đánh chiếm Cửa Việt đã bị thất bại.

 

5. Tại sao Quân đội Nhân dân Việt Nam cố gắng giữ Thành cổ và cả thị xã Quảng Trị còn Quân lực Việt Nam cộng hòa với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cố tái chiếm thành cổ và thị xã Quảng Trị?

 

Vùng đất Quảng Trị là nơi đối đầu, là nơi mà cả hai bên Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa đều muốn thể hiện sức mạnh của mình. Nói rộng ra, Quảng Trị cũng là nơi hai phe XHCN và phe TBCN đối đầu nhau về sức mạnh quân sự. Tất cả các vũ khí hiện đại được Hoa Kỳ sử dụng ở đây từ những năm 65-68, nhất là tại Mặt trận Khe Sanh- Đường Chín.

 

Năm 1972 Quân đội nhân dân Việt Nam đã phải tung vào chiến trường lực lượng dự trữ chiến lược của mình là Sư đoàn 308, Sư đoàn 312. Chính quyền Sài Gòn cũng đã phải huy động hai sư đoàn thuộc lực lượng dữ trữ chiến lược và thiện chiến nhất là Sư dù và Sư Thủy quân lục chiến trực tiếp chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị.

 

Các nhà lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muốn khẳng định mạnh mẽ với thế giới rằng: Chúng tôi giải phóng được một tỉnh địa đầu của miền Nam Việt Nam và hoàn toàn có thể giữ được tỉnh này. Giữ Quảng Trị trong điều kiện Hoa Kỳ chi viện tối đa về hỏa lực không quân, hải quân là để Việt Nam dân chủ cộng hòa có thế mạnh trong đàm phán với Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa ở Paris.

 

Về phía Việt Nam cộng hòa, họ không thể cam chịu mất tỉnh địa đầu của mình vì chiếm được Quảng Trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam có bàn đạp để tiến đánh các tỉnh khác. Từ đây có thể gây phản ứng dây truyền mất tiếp những tỉnh khác.

 

Chính quyền Việt Nam cộng hòa cho rằng, chiếm lại được Quảng Trị sẽ gây tiếng vang lớn trên thế giới, sẽ gây sức ép được với chính quyền Hà Nội và cả chính quyền Hoa Kỳ (đang muốn bỏ rơi miền Nam Việt Nam) trên bàn đàm phán ở Paris. Mặt khác, chính quyền Sài Gòn cũng muốn chứng minh: Mặc dù quân đội Mỹ không còn trực tiếp tham chiến bằng bộ binh nữa thì Quân lực Việt Nam cộng hòa vẫn hoàn toàn có thể đứng vững, chiến đấu và có thể chiến thắng Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Thị xã Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị trở thành địa điểm tượng trưng cho tỉnh Quảng Trị. Chiếm được Thành Cổ được coi như là chiếm được tỉnh Quảng Trị. Thành Cổ Quảng Trị được cả thế giới biết đến.

 

81 ngày đêm máu lửa đã diễn ra…Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương chưa có nơi nào chiến sự diễn ra ác liệt và bi tráng như tại Thành Cổ Quảng Trị năm 1972!

 

 

 

 

 


Người post: NghiPH

Ngày đăng: 20-07-2012 09:09






Xem 11 - 18 của tổng số 18 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: ChiNB
23/07/2012 09:44:48

Sắp đến kỷ niệm 40 năm trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị, mấy hôm nay TV chiếu nhiều những thước phim thời sự hồi đó, mình đã xem không biết bao lần rồi nhưng lần nào cũng thấy thật xúc động. Cám ơn Nghị đã có một bài viết ngắn gọn nhưng đã tổng hợp được tất cả những điều cần biết về trận chiến này. Mấy tháng trước, anh chị cũng đã đi xem phim "Mùi cỏ cháy", một bộ phim hay, cảm động do Nghị giới thiệu, đúng là ác liệt và bi tráng.



Từ: LienTP
22/07/2012 10:23:07


Cảm ơn Nghị đã ghi lại toàn cảnh về một trong những trận chiến ác liệt nhất ở miền Nam hồi đó. Thật hào hùng và cũng rất bi thương. Nhưng con số nói lên mất mát không gì so sánh được. Những nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh góp phần chuyển tải các thông tin nhanh nhất đến bạn đọc. Thật cảm động khi từ một bức ảnh có thể tìm thấy người lính anh hùng trong chiến trận và trả lại cho anh những gì đáng được hưởng.


Mình ghi lại đây một đoạn trong bài báo cuối cùng của bố mình, Nhà báo Trần Công Mân, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, về các nhà báo thời chiến tranh:


“Chúng tôi phải phân công làm việc như thế này: các phóng viên đi theo những đoàn quân để nắm tin, và có trách nhiệm chuyển tin về tòa soạn, anh em còn lại ở tòa soạn dùng tin tức đó để viết thành bài bình luận, xã luận để đưa tin và một phần phân tích tình hình cho dân hiểu. Nếu không có số liệu, tin tức do các anh em phóng viên mặt trận đưa về, chúng tôi cũng không thể viết được. Rất nhiều người trong số những anh em phóng viên này đã hy sinh ngay trên chiến trường như một người lính thực thụ. Những bài báo hồi ấy đã phải đổi bằng máu của biết bao phóng viên trẻ, đầy tài năng. Chiến tranh quả là một trường học dữ dằn. Nó đem đến cho người viết những thực tế, vốn sống lớn lao, nó góp phần tạo nên nhiều tài năng và nó cũng tàn nhẫn cướp đi nhiều cây bút còn đang sung sức.”


 



Từ: GiangHV
22/07/2012 08:37:37

Cách đây 4 năm, nhân chuyến oông tác dài ngày tại Đông Hà, tôi có dành cả một buổi sáng để đến thăm Thành cổ Quảng Trị. Rất may là tại đây tôi đã bắt gặp 2 cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972 trở lại thăm chiến trường cũ và viếng thăm các đồng đội yêu dấu của mình. Trong tay họ cầm hương, cầm hoa đi đến rất nhiều vị trí trong khuôn viên Thành Cổ. Họ không chỉ cắm hương, đặt hoa tại ngôi mộ chung (mang tính biểu tượng), mà còn ở rất nhiều ví trí khác.Tôi đi theo họ và được nghe họ nói rất nhiều về sự ác liệt của 81 ngày đêm giừ Thành và nhất là sự mất mát diến ra trong đêm thứ 81, khi lính ta được lệnh rút ra khỏi Thành qua sông Thạch Hãn. Vô cùng xót xa khi được trực tiếp nghe những người trong cuộc nói về "ý chí Việt Nam" ngay tại Nghĩa trang Thành Cổ.



Từ: HaiNV
22/07/2012 05:04:46


Tối qua mình rất tình cờ và xúc động được xem (nửa chừng) một đoạn ngắn phim trên VTV1 về Thành cổ Quảng Trị, được nhìn thấy cựu chiến binh Lê Xuân Chinh - nhân vật chính của nụ cười chiến tháng Thành cổ ngày nào và cuộc sống vất vả cả bất hạnh của anh hôm nay (anh có người cháu nội bị di tật bẩm sinh, có thể do ảnh hưởng của chất độ da cam/ dioxin từ ông nội!). Trong phim còn có hình ảnh của Lê Bá Dương bên dòng sông Thach Hãn và được nghe lại bài thơ đầy xúc động của anh...


Một đêm không ngủ...


Mời cả nhà đọc thêm bài viết về bức ảnh lich sử của phóng viên mặt trận Đoàn Công Tính trên báo Quân Đội Nhân Dân:


http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/91/68/74/74/74/187866/Default.aspx




Từ: HanhLM
21/07/2012 19:38:16

Không thể diễn tả nổi cảm xúc khi đứng giữa Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Thành cổ...


Xót xa , đau thương lắm!



Từ: VinhDT
21/07/2012 18:37:37


Mặt trận đẫm máu của cả hai bên, đều là người Việt Nam cả.


Cứ nghe đến Quảng Trị năm 72 là tôi nghĩ  đến “mỗi ngày một đại đội hy sinh”, đến dòng sông máu, sự mất mát kinh hoàng. Nhưng thực tế này còn lớn hơn nhiều.


Cám ơn Nghị, tôi chưa đọc được bài nào tổng hợp đầy đủ như bài của Nghị.  Tôi sẽ đưa các con tôi đọc bài này để các cháu hiểu thêm là mỗi tấc đất của tổ quốc đã được dành giật bằng máu cha ông như thế nào.




Từ: CucNT
20/07/2012 22:16:20

Một bài viết rất kỹ lưỡng, công phu. ta đọc thấy ở đây những con số cụ thể, chính xác. tác giả trân trọng sự thật của  Lịch sử và diễn tả lại chân thực sự kiện điển hình của Chiến trường Quảng trị năm 1972.


Có lẽ tất cả  người dân Vn, khi nhắc đến Chiến dịch mùa hè đỏ lửa ở Quảng trị đều không khỏi bàng hoàng vì những hy sinh mất mát đã điễn ra nơi đây.


Chúng ta đã được đọc và đã comments  những câu thơ của Lê Bá Dương ...


Giờ đây chúng ta được đọc những câu thơ rất xúc động của anh Hải NV.


Cảm ơn tác giả đã giúp chúng ta hiểu thêm về Lịch sử để chúng ta yêu thêm cuộc sống bình yên này và sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời.



Từ: HaiNV
20/07/2012 19:03:41


Nụ cười anh…


Thân tặng NghịPH và đồng đội của anh


 


Tám mốt ngày đêm, kiên cường bám trụ


Đạn bom thù cày nát biết bao lần?


Có phút giây nào lặng yên nơi thành cổ?


Có sinh linh nào sống sót với trần gian?  


 


Những nụ cười tươi mãi tuổi hai mươi


Trên những khuôn mặt sạm đen khói súng


Những  nụ cười của những đứa con anh dũng    


Nơi Đất Mẹ Hiền đã thấm máu các anh…


Tháng 7. 2012





<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s