Nữ Đại sứ Hội KGU: Người KGU mình trẻ trung lắm, các anh chị ơi!
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Nhân dịp Nữ Đại sứ HuyềnBT và phu quân về nước tham dự Du Xuân 2013, PV mạng KGU đã có bài phỏng vấn dưới đây. Rất tiếc vì thời gian ngắn ngủi mà PV đã không kịp ghi hình chị.
Chào nữ Đại sứ, bạn và phu quân, anh Kỳ, đã vượt gần 10 nghìn km để tham gia Du Xuân 2013. Vì sao anh chị lại quyết tâm tham gia Du Xuân năm nay?
-Hội KGU được thành lập bắt đầu bởi các anh chị năm trên. Em bước vào ngôi nhà đó đã quen mình được gọi là Em, nên xin phép được xưng “Em” nhé.
Vâng, có lẽ vấn đề không chỉ là khoảng cách. Từ lúc bước chân lên máy bay lần này, 10 tiếng bay là 10 tiếng mong ngóng, hình dung, mường tượng trước cảnh Du Xuân. Những Du Xuân trước, em cũng tham gia, nhưng là theo kiểu online như anh Nghị và những anh chị em không đến được với Du Xuân phương Nam bây giờ. Em bắt đầu dõi theo Du Xuân từ bờ sông Hồng, có nón thúng, quai thao, áo tứ thân, Liền anh, Liền chị. Em từng mơ thấy mình “tựa mạn thuyền Rồng “ cùng mọi người dạo quanh Hồ Tây, từng theo lên Thiên Sơn, ngủ nhà sàn không chăn, không đệm…Còn lần này thì em Ofline. Người ta bảo: ”Cầu được, ước thấy”, cuối cùng thì mơ mãi rồi cũng thành hiện thực. Anh chị em nào chưa “được”, thì hãy “cầu”, hãy “ước” nữa đi nhé!
Và Du Xuân 2013 có đáp ứng được những mong đợi, những hình dung của bạn?
-Em hình dung nhiều lắm về Du Xuân. Có những lúc, có cảm giác đó là một cuốn phim, chỉ em nhìn thấy, nhưng rõ ràng từng chi tiết, từng cảnh nhỏ,từng gương mặt người, cả từng câu chuyện nữa.Thế nhưng bao giờ cũng vậy, khi vào việc thực thì cuốn phim của em thay hình đổi dạng, bao nhiêu điều bất ngờ khác xảy ra, những điều thậm chí em chưa một lần nghĩ đến. Em rất thú vị với những bất ngờ đó. Chẳng hạn ai cũng hình dung rằng, trên xe buýt 40 người KGU, nhất định sẽ hát,hò thật nhiều, đến khản cả cổ. Mà trên xe của em, chị Linh lại ngẫu hứng chuyển toàn bộ quãng đường 3 tiếng rưỡi đồng hồ thành một cuộc tâm sự “tự bạch” của từng người. Lần đầu tiên em được nghe về mỗi người KGU đầy đủ, với những trải nghiệm thú vị đến thế. Thấy gần gũi hơn bao nhiêu! Bao nhiêu điều ngày xưa không dám nói, bây giờ bộc bạch với nhau, chuyện gì cũng cảm thấy dễ thương, kể cả những giận hờn hồi đó. Có nhắm mắt lại em vẫn hình dung thấy cảnh chị Quang Vinh, thay vì trả lời lời tỏ tình của một anh con trai kém mình 2 tuổi, bên bờ hồ Komxomol thơ mộng ngày đó, đã mua kem đãi cậu bé, và cậu bé ấy, sau khi được chị cho ăn kem thì tuyệt không còn nhắc gì đến “lời muốn nói” ấy nữa!
Em rất muốn nói điều này: cuộc gặp gỡ nào với Người KGU cũng vượt qua những mong đợi của em. Với em quan trọng nhất là được gặp, được nhìn thấy, và nói chuyện với mọi người. Phong cảnh và không khí du xuân chỉ tạo thêm hứng cho cuộc hội ngộ, để làm phông màn cho hồi tưởng và nhớ sau này… Chẳng hạn một cái gốc cây to tướng như một bức tường thành cổ kính bao bọc hàng mấy chục người KGU trong một bức ảnh…rất gợi đến sự sum vầy, quây quần của người KGU, thiên nhiên cũng đã chứng kiến và chở che. Một ví dụ nữa: khi anh 3Chai tìm thấy những bông hoa tua rua, bay lơ lửng trong không trung, đôi khi chạm vào nhau….lại gợi đến một cảnh rất xúc động trong phim Avatar, những bông hoa tua rua đó tìm chạm vào nhau, để kết bạn, để nhận ra “người mình”. Nhân tiện, em mong ai đã có tấm ảnh đó thì post lên cho em xem cùng với!
Và chức mọi người đều nhận thấy chưa có Du Xuân nào mà “Việt kiều” đổ về nhiều thế! Cũng hẹn nhau í ới từ “bển” nhưng cuối cùng người về trước, người về sau, có người đến ngày chót mới quyết định được, như chị Nhuận, anh Hải, có người về trứớc cả tháng như chị Phương Thảo, lại có người tận đến lúc lửa trại cháy lên em mới thấy anh ấy đứng bên cạnh, người về từ Canada. Và đặc biệt hơn là ai cũng chuẩn bị chu đáo, ai cũng mang một món quà về. Một trong những món quà em thích là tập bài dịch, lời các bài hát hay nhất một thời sinh viên của chúng ta, được in ấn trình bày đúng kiểu sinh viên ta… Chị Thảo hãy chia sẻ nhiều với mọi người nhé.
Đấy, mỗi lần gặp, lại có những điều thú vị bao giờ cũng vượt ngoài mong đợi của em!
Bạn có gặp lại nhiều bạn bè mà lâu lắm rồi chưa gặp không? Cảm xúc của bạn khi đó?
Bạn có thấy những con người đó vẫn gần gũi với bạn không, dù đã bao năm xa cách?
-Có một điều lạ là người ta thường bảo: “Xa mặt, cách lòng”, nhưng em lại không bao giờ có cảm giác ấy đối với người KGU. Lần đầu tiên gặp người KGU ở Hà nội, em nhận ra hầu hết mọi người. Em đã xin các chị đừng xưng tên trước, để em đoán, và đã đoán trúng hết. Cho dù nhiều bức ảnh avatar của các anh chị trên trang web có khác nhiều so với ngoài đời, thì em vẫn nhận ra cái “thần mặt” của từng người. (Chắc ngắm mọi người trên web KGU nhiều quá!). Duy có anh Khánh, em ngần ngừ giấy phút trước khi gọi tên, vì quả thật anh ấy trẻ hơn là mái tóc bạc trắng của anh ấy, và anh Hải Bột thì quả là “trắng quá, nhìn không ra” (em nhớ đến cảm giác này của Hàn Mặc Tử).
Em không gặp cảm giác xa lạ nào, chỉ nhận thấy chị nào đó có vẻ khỏe ra, tươi tắn hơn, so với lần trước, rất lạ là không thấy ai già đi tí nào, mặc dù 2, 3 năm cũng là thử thách đối với phụ nữ. Chỉ có mỗi người em thấy khang khác, cứ tính hỏi han, rồi lại thôi, vì thấy người ấy có vẻ kiêu kiêu, mặt mũi có vẻ rất quan trọng… hỏi ra thì mới biết người ấy vừa lên chức ông ngoại. Cuối cùng thì em cũng mạnh dạn đi đến bắt tay Hội trưởng.
Du Xuân năm nay, bạn và anh Kỳ được nhận danh hiệu “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”, bạn nghĩ sao về danh hiệu này?
-Thì đấy cũng là một nét bất ngờ của Du Xuân năm nay. Mấy năm trước em được hân hạnh nhận chức danh Đại sứ của người KGU tại Moldova, em cứ thế mà làm thôi, việc đến tay thì làm. Không ngờ, trong khi thi hành công vụ, vẫn được hội để mắt đến lại còn được nhận thêm danh hiệu “Giỏi việc nước-đảm việc nhà”. Ông chồng em hỏi: “Ơ, thế mọi người kết nạp anh vào hội phụ nữ từ khi nào vậy?”. Em phải giải thích: Hội mình vậy đó, rất độc đáo, những gì ngày xưa chỉ giành riêng cho phụ nữ, thì nay giành cả cho đàn ông, và ngược lại”! Việc anh HiềnVC được kết nạp vào hội MK cũng là chuyện thường tình ở KGU mà! Nghe chừng vẫn chưa thấu, em giải thích thêm: Người KGU hay triết tự lắm:-“Nhà” ở đây là “Nhà KGU”. Anh làm cái gì ngoài KGU thì gọi là việc nước, ví dụ bán thuốc, bán nước mắm, xây Resort..là “việc nước”, chả ai quan tâm, quan trọng là anh đi Du Xuân, vác conhiac Moldova, vác Buket Moldova, lôi tha cả hạt hướng dương Moldova về… thì gọi là “đảm”- đảm đang việc nhà KGU. Cái này thì mọi người ghi nhận, nhớ mà phát huy nhé. Thấy không hỏi gì nữa, không biết là đã hiểu thấu rồi, hay là còn suy nghĩ (!?)
Không phải ngẫu nhiên bạn và anh Kỳ được nhận danh hiệu đó. Hai bạn có nhiều kết quả (rất tốt đẹp là khác) trong công việc, nhưng vẫn dành rất nhiều thời gian cho Hội KGU. Mọi người không quên những hạt hướng dương, nhưng chai rượu cô-nhắc, buket mà hai bạn mang từ Moldova về. Làm sao bạn dành đủ thời gian cho mọi việc?
-Thực ra cũng chỉ giống cảnh “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thôi, chúng em biết làm sao mà đủ rượu cho một cuộc gặp mặt đã rất hưng phấn này. Chỉ có cách mời các anh chị em sang Moldova, chúng mình sẽ đổ bộ vào một hầm rượu, và ở đó từ sáng đến đêm, có khi không còn nhớ cửa ra nữa. Em chỉ mong mang về một chút hương vị Moldova thôi. Rượu thì ở đâu cũng mua được, nhưng lại muốn mang vác từ “quê” ra. Cây nhà, lá vườn bao giờ cũng có vị ngon riêng. Em rất cảm động nghe ai đó nói: “Mấy chục năm rồi mới nhấp lại vị rượu Moldova”, “Từ ngày rời xa Moldova, nghĩ là không bao giờ nữa được sờ lên những quả lê, quả táo…”. Chỉ có mỗi điều phiền toái khi qua hải quan. Bên Moldova, xuất rượu ra thì không sao. Chỉ nhớ cái cậu Hải quan nhìn đống chai lọ, thì nháy mắt tinh quái, ngón tay trỏ búng búng vào một bên cằm, dấu hiệu thông cảm của những “sâu rượu”. Thì cũng được, miễn đừng hỏi han lôi thôi. Và trót lọt!
Nói đến bằng khen thì đúng là “Của hiếm” đối với nhà em. Từ ngày bỏ việc “Hợp tác xã” sang làm “cá thể””, em chả còn biết mặt mũi tấm huy chương hay tấm bằng khen thế nào nữa. Đôi khi mấy tổ chức doanh nghiệp Quốc tế rủ rê đi họp rồi phát cho mấy cái Cup nặng trịch… đi một vài lần rồi thấy nó cứ na ná như nhau, chả đi nữa. Nhưng cái bằng khen có in hình trường cũ KGU… thì làm xúc động. Nó gợi đến mái trường ấy, những người bạn ấy, một thời đẹp ấy…Nhân đây em muốn nói lời cảm phục ai nghĩ ra phông nền cho tấm giấy khen của hội KGU, rất thành công. Nếu không có hình trường KGU của mình, không gợi đến một thời tuổi trẻ, thì nó đã không hấp dẫn và cảm kích người nhận đến thế. Cả trong buổi Dạ hội 10/3 trong nhà Hữu nghị Việt Nga cũng thế- tấm phông trang trí trên sân khấu rất thành công. Ai ngước nhìn lên cũng xúc động: chạm vào một hình ảnh quá quen thuộc, gợi về một miền đất rất thân thương, gặp lại những gương mặt sinh viên… những năm tháng không bao giờ còn trở lại. Và giai điệu bài hát “Как молоды мы были” cũng không còn là bài hát nữa, mà đã trở thành tiếng lòng lưu hoc sinh KGU rồi. Em cảm ơn các anh chị, cảm ơn Ban tổ chức…đã cho người KGU được sống lại những giờ phút tuổi trẻ thương mến nhất của mình!
Vâng, được biết bạn còn nhận thêm một bằng khen khác “Hấp dẫn NguoiKGU”. Và các năm trước bạn đều nhận được bằng khen của Hội. Bạn cho biết nhà bạn có đủ chỗ treo các bằng khen đó, tuy biết nhà bạn là to và rộng, nhưng nói chung ai cũng có rất nhiều thứ để treo, để chiêm ngưỡng.
Em đã thỏa thuận với chồng: “Em muốn có một góc riêng cho những lưu niệm Moldova và KGU!” Từ ngày đó, em đã ttranh thủ mỗi chuyến đi về, tha vác vài thứ: đồ lưu niêm, những quyển sách, những bức tranh về Moldova do các hoạ sĩ Moldova vẽ. Đã “tha” về khoảng 50 bức tranh, về những góc phố cổ Kisinhop, về những con đường đi học có hoa Sireni ngan ngát tháng 5, có hoa Lê, hoa Táo rụng trắng cả mặt đường… về đại lộ Lenin có trolaybus vẫn chạy qua, về những kí túc xá xưa cũ, che chở một thời sinh viên nghèo mà vui, về những cánh đồng nho, những sườn đồi xanh biếc, một cái giếng nước quê, có những bà già Moldova tụ tập nhau lấy nước và tán chuyện…nhiều lắm. Trong góc nhỏ thân thương đó có những bức ảnh người KGU, và những tấm bằng khen rất lạ, chỉ người KGU mới nghĩ ra để thưởng cho nhau. Em cảm ơn tình cảm của các anh chị.
Bạn có nhận xét gì về Du Xuân 2013, cụ thể về chuyến đi Nam Cát Tiên, Gala? (Vì phải quay về Moldova sớm mà HuyềnBT không tham dự được chuyến du lịch miệt vườn)
- Du Xuân nào em cũng yêu, cũng quý, luôn muốn nhớ. Mỗi du xuân chỉ khác nhau ở địa điểm, và những bất ngờ thú vị tự nhiên xảy ra. Những điều này giúp làm nên sự khác biệt và điểm nhấn, gợi nhớ của mỗi Du Xuân. Ở Cát Tiên rất ấn tượng cảnh một đoàn hơn trăm người KGU nối đuôi nhau trên con đường độc đạo xuyên rừng nguyên sinh. Lúc các anh chị hò nhau chụp ảnh dưới một thân cây già 500 năm tuổi, em thấy chúng mình trẻ quá, như trẻ thơ trước thiên nhiên già cỗi. Người KGU mình trẻ trung lắm, các anh chị ơi!
Em có một kỷ niệm riêng, là khi em và chị Nguyệt mải nói chuyện, nên bị lạc lối. Nhìn trước không thấy ai, nhìn sau cũng không một bóng người. Chị Nguyệt gọi điện kêu cứu. Được lệnh: “Tìm hướng tiếng suối chảy mà đi!”. (Mọi người đã tụ tập bên suối). Em với chị Nguyệt làm theo như thế, dỏng tai nghe tiếng suối, (lần đầu tiên trong đời em có được trải nghiệm này!).Càng đi, càng mừng vì nghe thấy tiếng rì rầm rõ hơn lên...và cuối cùng thì lần được đến lối rẽ vào suối, có người ra đầu đường đứng đón. Thiên nhiên mở ra "một hõm" (Hồ Xuân Hương thật chuẩn khi dùng chữ này). Đó là nơi dòng suối mở ra. Người lô nhô như kiến bò quanh một miếng đường kính trắng lấp lánh (là mặt suối). Các chị em đổ bộ lên chiếm đảo (là các tảng đá nối giữa dòng chảy), trong khi các đàn ông thì ngồi trên những rễ cây nổi hẳn lên mặt đất như những con trăn. Em thấy tiếc là sao họ không ra ngồi trên những tảng đá giữa dòng, để tận hưởng cảm giác mình "mọc" lên từ thiên nhiên, hoặc mình được "nứt" ra từ một tảng đá, hoặc mình "ngoi" lên từ đáy biển như một nàng tiên cá...nhưng cuối cùng thì biết là anh em làm thế là khôn hơn. Từ chỗ ngồi của mình, họ vừa được ngắm suối, vừa được ngắm chị em, (kiểu “2 trong 1”, hoặc là ngắm suối mà được "khuyến mãi" thêm ngắm cái khác nữa!). Nói chung tuyệt vời! Em thấy anh Nghị, anh Hải NV anh Tung và nhiều anh chị em khác không được đi Du Xuân lần này cũng đỏ mắt ngóng trông, thậm chí còn viết bài vẽ ra những cảnh Du Xuân trong tưởng tượng. Có người còn “tủi thân” ví mình là cánh én lẻ chao nghiêng, trong khi bầu bạn thì bay về tổ ấm. Em chia sẻ nỗi niềm này nhé, và mong được gặp các anh chị Du Xuân sau!
Còn buổi Gala thì đem đến bao nhiêu bất ngờ! Đầu tiên là khi bước vào phòng, gặp ngay hình ảnh Hồ Komxomol đầy nước và các gương mặt sinh viên tươi trẻ. Chẳng cần biết ảnh ai, cứ thấy như đấy chính là mình, bạn mình ngày ấy. “Không khí KGU” đã bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên ấy! Các tiết mục văn nghệ đưa em về không khí của Дом Культуры hồi nào. Có ai đó thốt lên: “Đúng là hội diễn mùa xuân ở Kisinhop! Đúng là hội diễn 26/3 hàng năm ở Kisinhop!”. Em ngẩn ngơ nhìn chị Bồng Lai “nhỏ bé” ngày ấy ôm cây Acordeon to tướng, che hết cả người….say mê thả nhạc cho các tiên nữ KGU cất cao tiếng hát. Hệt như trong một bức ảnh trắng đen em đã dán lên Góc VN ở nhà bảo tàng trường KGU ở Kisinhop. Nhìn các chị Hà Nội chụm lại trong điệu múa như một đầm sen… em cảm phục tất cả, trong đó có chị Hạnh yêu quý, vừa chạy từ bệnh viện ra, bay thẳng lên sân khấu để góp vui cho Dạ hội người KGU. Em nhìn các chị KGU HCM nhảy điệu nháy Gangnam, mà lòng thốt lên: “Các chị ơi, đừng già đi nhé!”. Em nhớ những ngày trước Du Xuân, những email các chị gửi cho em thường ngắn ngủi, vội vàng, vì: “chị phải đi tập văn nghệ ngay bây giờ, mọi người đang chờ!”. Chỉ có người KGU mới hy sinh để cống hiến cho nhau như thế! Khi thấy các anh chị, tuổi trên, tuổi dưới đều mặc áo đồng phục KGU, em thấy tinh thần KGU bất diệt quá!
Và còn điều này nữa, một điều khó khăn đã trở thành hiện thực: anh Tuấn, chị Lý đã được dự Du Xuân phương Nam! Câu chuyện này bàn bạc cả nửa năm nay, và kết thúc có hậu. Em cảm ơn các anh chị đã nghĩ ra, và tổ chức đưa được anh Tuấn chị Lý vào vui cùng. Món quà là tập thơ riêng anh Tuấn quyết tâm hoàn thành để kịp dự Du Xuân cũng nói lên lòng mong mỏi và quyết tâm đến với Du Xuân của anh chị. Em chúc anh chị sức khỏe!
Câu hỏi cuối cùng, hơi có vẻ lãng mạn viển vông: Bạn nghĩ gì về một Du Xuân của NguoiKGU được tổ chức tại Moldova?
-Em bao giờ cũng mong là con chim được bay về tổ. Du Xuân nào cũng mong. Nhưng trong cuộc sống không phải điều gì cũng thực hiện được. Miễn là biết mong ước điều đó, cũng đã thấy hạnh phúc rồi!
Em luôn nghĩ đến một Du Xuân ở Moldova. Những chuyến Về nguồn vừa qua cũng như một kiểu Du Xuân vậy. Nhưng lần này, khi trở lại Moldova sẽ tổ chức theo một Format khác. Sẽ lang thang, sẽ riêng tư, sẽ tự cảm nhiều hơn là những cuộc gặp gỡ оfficial. Sẽ một mình đi trên đường phố thân quen để được nghe rõ tiếng bước chân mình lạo xạo trên mặt đường xưa, sẽ leo lên một cái trolleybus quen thuộc ngày nào, kệ cho nó chở mình đi hết bến này, bến khác, đến bến cuối cùng, không còn đường nữa, người tài xế hỏi: “Ông (bà) còn muốn đi đâu nữa?”, thì ngơ ngẩn trả lời: “tôi cũng không biết nữa!”
Nào hãy khởi động tinh thần, Du Xuân bên hồ Komxomol Kisinhôp! Nhà em sẽ đón các anh chị ở Moldova.
Em dừng đây, biết là bài trả lời dài lắm rồi! Nhưng mà xin PV đừng cắt cứa gì đi nhé! Cái gì cũng là điều em muốn nói. Em phải nói hết ra, rồi im cả năm cũng được.
Em cảm ơn ban tổ chức, các anh các chị, nếu gọi tên ra thì dài bằng bài này nữa, nên thôi. Em chúc các anh chị em khỏe, vui, mang theo về cảm xúc Du Xuân phương Nam 2013, để đủ niềm vui cho cả một năm, cho đến Du Xuân năm sau nhé!
Xin cám ơn bạn HuyềnBT và mong bạn sẽ có mặt tại các Du Xuân tiếp theo
Phóng viên thường trú trên mạng studentkgu.vn
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 15-03-2013 23:11
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 121 - 130 của tổng số 137 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |