KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 17 Tháng hai. 2014

NHẮC LẠI KỶ NIỆM




Tác giả: MinhCK

NHẮC LẠI KỶ NIỆM CỦA MỘT THỜI

(nhân kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc)

Trong một lần gần đây, khi đi thăm trang trại của thầy giáo cũ tại Ba Vì  tôi đã gặp lại vợ của một anh bạn cùng tham gia với tôi trong lần phục vụ cho chiến trường biên giới phía Bắc. Nói là gặp lại vì đã lâu quá rồi tôi không hề liên hệ hay biết tin gì của vợ chồng em cả. Vả lại từ khi chồng em rời khỏi  VKTQS tôi có bao giờ gặp lại nhau nữa đâu. Lần này cũng tình cờ khi nói chuyện với em tôi mới biết em là vợ của Nguyễn Nam Vũ (con trai bác Nguyễn Văn Kỉnh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại CCCP). Cuộc gặp làm tôi nhớ lại một kỷ niệm với Nam Vũ thời còn khoác áo lính tại VKTQS.

 

….Hồi đấy là vào những năm 1983-1984 của thế kỷ trước, Viện chúng tôi có một đề tài được áp dụng trên biên giới phía Bắc. Chúng tôi phải thay nhau lên thực địa để cùng với các chiến sỹ pháo binh của Quân Khu 2 triển khai đề tài này. Hồi đó chiến tranh trên biên giới phía Bắc đang trong giai đoạn quyết liệt. Sau năm 1979, “bạn” rút hết về bên kia biên giới và làm chủ hầu hết những cao điểm nằm trên đường biên trên toàn tuyến biên giới của QK-2 quản lý. Chúng tôi cùng với các cán bộ pháo binh của QK-2 triển khai một đại đội tên lửa không điều khiển, trận địa nằm trên sân bay Phong Quang cách đường biên theo đường chim bay khoảng 15 km.

 

     Chúng tôi phải phân chia nhau làm hai bộ phận. Một vận chuyển tên lửa từ sân bay Sao Vàng Thanh Hóa ra Hà Nội. Bàn giao toàn bộ đoàn xe hơn 10 chiếc ôtô ZIN 130 chở đầy tên lửa, mỗi xe chở 05 quả tại ngoại ô Hà Nội cho người khác áp tải lên mặt trận Hà Giang.

 

       

        Đường vào sân bay Phong Quang.

     (Dẫy núi trước mặt là đường biên có cao điểm 1059 nhìn rất rõ từ phía Tầu sang Việt Nam)

     Lần ấy đến lượt tôi và Nam Vũ đi, chúng tôi mang theo những thiết bị cần thiết để bổ sung cho trận địa đang triển khai sẵn sàng chiến đấu trên sân bay Phong Quang. Ngày ấy cũng vào những ngày cuối tháng 12 này, hình như vào khoảng 18 – 20 tháng 12 thì phải. Chúng tôi chờ tại 10 Trần Hưng Đạo (nhà chị dâu tôi, chị ruột Tôn Gia Quí Trỗi K4) để đón xe do Duy (cũng là một thằng Trỗi K2, hiện là chủ nhà nghỉ “Bạn bè” Thung Nai Hòa Bình) chỉ huy lấy đạn từ Thanh Hóa ra. Cả đoàn xe chở đầy đạn qua phà Khuyến Lương tập kết tại Đông Anh, chỉ có xe chỉ huy qua Hà Nội đón bọn tôi. Theo kế hoạch thì 10 giờ phải có mặt tại Hà Nội rồi, thế mà chúng tôi chờ mãi sau trưa vẫn không thấy gì. Buổi trưa Thái (vợ Nam Vũ) có vẻ lo lắng quay lại 10 Trần Hưng Đạo xem chuyện đi đứng thế nào. Lo là phải thôi vì Nam Vũ không phải là kỹ sư vũ khí đạn (Nam Vũ học trường ngoài sau khi tốt nghiệp được điều vào Quân đội). Tôi trấn an Thái và động viên để Thái đỡ lo lắng cho chồng. Ngày đấy tôi cũng không biết rằng Thái cũng là học sinh trường Trỗi. Hai giờ chiều Duy mới ra đến Hà Nội, chúng tôi bàn giao công việc cho nhau và tôi thay Duy chỉ huy đoàn xe hướng mặt trận Hà Giang thẳng tiến.

   

     Hồi đó Quốc lộ 2 không được tốt như bây giờ nên phải chiều ngày hôm sau chúng tôi mới tới Hà Giang. Trên đường đi chúng tôi cùng chỉ huy trưởng đoàn xe là một người anh hùng lái xe thời chống Mỹ triển khai nấu ăn dọc đường hành quân. Cũng bếp lửa dã chiến, nào gạo, rau, tôm cá đủ cả, chẳng khác mấy so với hồi chiến tranh phá hoại. Có điều không phải chú ý tới khói lửa đề phòng máy bay Mỹ nữa, thiếu cái gì có thể chạy ngay vào nhà dân xin tạm tí mắm muối hay thâm chí ít gạo nấu cơm. Tập kết đạn vào nơi qui định xong chúng tôi lên báo cáo với tư lệnh tiền phương QK-2  lúc bấy giờ là Thiếu tướng Nguyễn An về sự có mặt của hai sỹ quan Viện KTQS và tình trạng, cũng như số lượng đạn tên lửa được vận chuyển lên. Tư lệnh bàn giao chúng tôi cho Cục Kỹ thuật tiền phương QK-2. Chúng tôi được nghỉ một ngày để hôm sau vào trận địa. Ra khỏi phòng Tư lệnh chợt nghe tiếng pháo nổ đầu nòng cầm canh từ bên kia biên giới mà cũng cảm thấy sờ sợ vì đã lâu lắm rồi không được nghe tiếng đó. Không nói ra nhưng lúc bấy giờ trong lòng cũng thấy nao nao khó tả. Sáng hôm sau tôi và Vũ theo cậu liên lạc còn rất trẻ vào trận địa đặt trong sân bay Phong Quang. Trước khi đi cậu liên lạc dặn chúng tôi răng: ” khi nào nghe tiếng nổ đầu nòng các Thủ trưởng thấy cháu nhẩy vào các hố cá nhân đào sẵn trên đường đi thì các Thủ trưởng phải cố gắng tìm ngay chỗ ẩn nấp cho mình”. Cũng may hôm đó tuy trời nắng đẹp, tầm nhìn xa rất rõ nhưng chúng tôi không bị một cú tập kích nào của phía bên kia bắn đến.

 

      Vào đến trận địa vào lúc trời chạng vạng tối, chúng tôi được đại đội trưởng và chính trị viên đại đội phân nằm trong hang đá tại vị trí rất an toàn của đơn vị. Khoảng 18.00 là đến giờ ăn cơm tối. Bữa cơm đầu tiên tại đơn vị tiền phương là bữa cơm kỷ niệm 39 năm ngày thành lập QĐNDVN, nhưng hôm đó làm tôi nhớ mãi. Chúng tôi ăn cơm cùng mâm với chỉ huy đơn vị. Đơn vị thịt con lợn 80 kg, làm rất nhiều món cho anh em chiến sỹ ăn. Tôi thấy nhiều thức ăn quá nên hỏi đại đội trưởng ngồi ngay cạnh tôi – sao không làm ít vừa đủ ăn thôi, còn để dành đến những ngày sau chứ - biết ngày mai còn sống mà ăn nữa đâu mà để dành hả anh. Câu trả lời ngắn gọi, đủ ý nhưng nhói đau vào trái tim tôi. Đại đội trưởng thường nhắc chúng tôi về đi lại và an toàn trên trận địa. Giọng nói của cậu ta nhẹ nhàng, mềm mỏng đến không ngờ. Tôi hiểu rằng, tại đây, cái sống và cái chết chỉ cách nhau có gang tấc. Mọi người luôn cảm thấy cần nhau, yêu quí nhau, dựa vào nhau để sống, vì vậy, không có chủ nghĩa quân phiệt như ở các đơn vị phía sau. Trên trận địa những ngày mới lên nhiều đêm không ngủ được. Hoàn toàn không phải vì sợ, mà thấy tiếc thời gian cho giấc ngủ. Cứ nghĩ rằng, mình ngủ và chẳng biết liệu ngày mai mình có còn sống để mà dậy không, nghĩ như thế là lại cố căng mắt để thức.

 

Thương những người lính trên trận địa vô cùng. Hồi đó cuộc sống khó khăn lắm, lương thực, thực phẩm tiếp tế lên các điểm tựa, lên các chốt tiền tiêu thiếu một cách nghiêm trọng. Cầm bát cơm người chiến sỹ liên lạc ngồi đầu nồi sới cho mà tôi không cầm được nước mắt phải đứng dậy đi ra ngoài. Gạo thì sắp mục, mùi hôi hôi. Tôi đếm trong bát cơm đúng 32 hạt thóc. Thế mà những người lính của chúng ta vẫn ngày đêm vững tay súng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ Quốc.

 

Nơi tập kết liệt sỹ

Chúng tôi khắc phục những hỏng hóc của khí tài trên trận địa ngay ngày hôm sau. Hôm sau nữa trận địa đã phát hỏa sang bên kia biên giới. Đài BBC thời đó đưa tin Việt Nam đã bắn bom bay sang tiêu diệt một vài cứ điểm của phía Trung Quốc. Sau đấy trận địa chúng tôi tạm thời im hơi lặng tiếng để giữ bí mật. Được biết sau này phía Trung Quốc cũng tìm hiểu xem Việt Nam sử dụng loại vũ khí gì, nhưng có lẽ đến bây giờ cũng chẳng ai biết được đó là loại gì. Nhân dịp 35 năm ngày chiến tranh biên giới cũng muốn nhắc lại một chút kỷ niệm cuộc đời binh nghiệp của mình trên miền biên cương của Tổ quốc để anh chị em hiểu thêm “bạn” và ta.

 


Người post: MinhCK

Ngày đăng: 17-02-2014 17:05






Xem 11 - 18 của tổng số 18 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HoaNT
18/02/2014 15:31:27

Tháng 3/1979 sau khi quân TQ rút thì Viện mình chia thành nhiều nhóm lên Biên giới phía Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh. Mình được phân công cùng với 2 Bác sỹ nam trẻ nữa đi mũi Lào Kai- Yên Bái. Lúc đó bọn mình cứ 1 xe Toyota đi suốt dọc Yên bái, Phố lu, Lào Kai hơn một tháng. Bọn mình cứ tự liên hệ với các đơn vị bộ đội, lên chốt tiêm phòng, phải tự túc nấu cơm,  mang hóa chất sát trùng để tẩy uế các xác chết,  làm sạch môi trường ... Lúc đó phải lội qua suối đi sang phố Lào Kai vì đi ô tô rất dễ bị pháo kích. Đường phố Lào kai lúc đó không một bóng người, dân đi sơ tán hết, nhà cửa cứ cài chốt, buộc lạt cũng chẳng ai lấy gì. Có hôm đang đi lên chốt thì có mấy anh bộ đội chạy theo hỏi giấy tờ vì thấy anh em trên chốt đang ngắm tầm ngắm vào cô gái đi trong đoàn là mình vì họ thấy trông giống Tàu, nghi là gián điệp định bắn. Sau này lên chốt anh em mới kể rằng trước đấy có rất nhiều cô gái người gốc Hoa làm nội gián đưa quân đội TQ lên chốt để diệt quân ta.


    Hơn một tháng trời sống với anh em bộ đội trên chốt mình được chăm sóc , đón tiếp rất chu đáo, anh em rất thông cảm, cảm phục vì giữa lúc chiến tranh như thế lại có cô gái Hà Nội trẻ lên chốt ( lúc đó mình 25 tuổi). Mình được hòa vào không khí ba cùng với anh em, khổ , vất vả nhưng vui. Đi đến đơn vị nào cũng được anh em bộ đội chuẩn bị những món ăn hơi rôm rả hơn bình thường một chút, lúc đó có rất nhiều người cùng  trâu bò, lợn gà bị chết. Nhưng có những lúc hết tiền, hết gạo, nhịn đói, có hôm phải mang mì đi bán để lấy tiền mua thức ăn. Lội suối, băng rừng nhiều quá lại lạ nước  mà lúc đó lại là mùa hoa xoan  raast nhiều côn trùng như muỗi, dĩn, bọ chét.. đốt làm mình bị dị ứng,lở loét hết chân nên lúc lội suối  phải vén quần lên thấy toàn mụn lở loét  bôi thuốc xanh thuốc đỏ trông sợ lắm, làm anh em lính trêu cười con gái Hà Nội ở bẩn quá nên bị ghẻ


Nhanh thật đã 35 năm, bây giờ mình vẫn còn những bức thư của các em bộ đội gửi về Hà Nội. sau này. Thế mà đoàn của mình duy nhất không được giấy khen của Bộ Y Tế vì đi dài ngày quá, không có bản thành tích. Lúc đấy cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện tự viết bản thành tích và cũng chẳng nghĩ làm để được khen thưởng


 



Từ: Khửu
18/02/2014 12:17:53



Cảm ơn anh MinhCK đã có bài hồi ký đầy kỷ niệm của người lính về cuộc chiến dũng cảm của quân dân ta chống quân TQ bành trướng nhân 35 năm ngày Tàu khựa phát động cuộc chiến xâm lược VN. Thời đấy bọn em tuy là dân văn phòng nhưng cũng hừng hực khí thế lắm, nào là đi đắp phòng tuyến sông Cầu, tập tự vệ sẵn sàng chiến đấu, riêng em được cơ quan biên chế vào trung đội 3 tức là trung đội dự phòng nếu có biến (giặc tàu tiến đến HN) thì ôm tài liệu quan trọng chạy vào TP HCM, hì hì. Rất muốn anh Minh chia sẻ thêm những trận đánh bằng tên lửa của đơn vị anh vào các cứ điểm Tàu khựa, chắc là hay và thú vị lắm, các anh có thấy cảnh hỏa tiễn mình phóng lên như dàn Cachiusa trong chiến tranh giữ nước của LX không? Chúng có phản công lại không? Chắc là chúng run bần bật vì đã biết đánh đấm chiến tranh hiện đại bao giờ đâu.



Lần nữa cảm ơn bài viết của anh. Xin gửi thêm đường link nói về cuộc chiến này của cựu tùy viên QS ta tại TQ: https://www.youtube.com/watch?v=hEPgYDeJzbc







Từ: Guest VinhCX
18/02/2014 10:41:30





Hay quá anh MinhCK ạ. Bài hồi ký của anh nhẹ nhàng và thật quá, nó sẽ được nhớ lâu trong tâm trí mọi người ." Tôi thấy nhiều thức ăn quá nên hỏi đại đội trưởng ngồi ngay cạnh tôi – sao không làm ít vừa đủ ăn thôi, còn để dành đến những ngày sau chứ - biết ngày mai còn sống mà ăn nữa đâu mà để dành hả anh...


    Đại đội trưởng thường nhắc chúng tôi về đi lại và an toàn trên trận địa. Giọng nói của cậu ta nhẹ nhàng, mềm mỏng đến không ngờ. Tôi hiểu rằng, tại đây, cái sống và cái chết chỉ cách nhau có gang tấc. Mọi người luôn cảm thấy cần nhau, yêu quí nhau, dựa vào nhau để sống, vì vậy, không có chủ nghĩa quân phiệt như ở các đơn vị phía sau."..


Thấm thía lắm chứ !


 



Từ: Guest GiảngHV,OB77
18/02/2014 09:23:09

Anh Minh! Cảm ơn anh đã có một bài viết hay, nhất là khi được đăng đúng vào ngày 17-2 lịch sử.


Anh à! Theo em, người anh gặp tại Ba Vì rất có thể là Thái- em gái anh Nguyễn Thế Thịnh lớp OB77. Thái học Hóa tại MGU, sau về làm giảng viên tại khoa Hóa - ĐHTH Hà Nội (nay đã chuyển công tác). Nếu đúng như vậy thì Nam Vũ là con trai bác Nguyễn Văn Kỉnh (cũng Nguyên là Đại sứ VNDCCH tại CCCP, trước thời bác Chân và bác Khiếu). Quả đất cực nhỏ và tròn mà, người KGU ta lại rất có duyên với nhau. Vợ chồng anh Thịnh (Đại tá đã nghỉ hưu) hiện đang ở quận Gò Vấp (Tp.HCM), là Thủ lĩnh Hội học sinh trường Trỗi tại KGU đấy anh Minh ạ. Cuối tháng 11/2013 vừa rồi cả vợ chồng anh ấy đã đi chơi với hội chị Chi tại Thiên Sơn-Suối Ngà, sau đó về nhà em tại Xuân Mai. Anh Thịnh (cả vợ nữa) cũng đã mua vé máy bay ra ĐN vào tháng 4 tới. Hy vọng hai vị đại tá, hai cựu học sinh trường Trỗi, anh rể và bạn chiến hữu của Nam Vũ sẽ có cuộc hội ngộ thật ý nghĩa tại ĐN.



Từ: Guest BM
18/02/2014 08:24:25

Cảm ơn anh Minh nhắc lại một kỷ niệm thời chúng ta phải nổ súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc! nay sống, mai liệu có còn? nhưng không một ai nhụt chí vì sau lưng mình là làng xóm, trước mặt là pháo bay, đạn nổ, là chiến trường lấy thịt đè người. Không ai quên và không ai được phép quên những người đã chiến đấu vì Tổ quốc và những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh nơi đây:


Một thời nhớ, chí quật cường


Thương bao chiến sỹ, như dường còn đây


tuyến đầu lửa đạn khói bay


cơm pha cát, tóc bám đầy khói vương,...




Hôm nay chiến đấu kiên cường


biết đâu mai đã chiến trường vùi thây,...


Giận quân cướp nước mặt dày


ba vạn sinh mạng nơi này máu khô,...




Hồn thiêng sông núi đến giờ


vẫn còn vang vọng mơ hồ lời ca


đất này đất của ông cha


bọn bay sẽ chết thật xa quê nhà!




Đống Đa, Vạn Kiếp đầy ma


Chương Dương, Hàm Tử,... là nhà chất xương!


mỗi hòn đất, mỗi hạt sương


biến thành tên đạn, vùi xương chúng mày!




Bây giờ cây cỏ ken dày,


hoa cười, nhụy lộc, mê say hé mầm


Hồn chiến sỹ vẫn âm thầm


báo ta cảnh giác, mưu thâm kẻ thù,...!




Trẻ trung mãi tới ngàn thu


biên cương nơi ấy phiêu du tháng ngày


đồng đội vẫn tới nơi đây


hương hoa gợi nhớ những ngày chiến chinh!



Từ: LienTP
18/02/2014 07:01:28

Cảm ơn anh Minh về câu chuyện rất cảm động. Bọn em thường nghĩ là các anh ở Viên KTQS là các Viện sĩ ngồi bàn giấy đấy chứ, không nghĩ là các anh đã trực tiếp ra chiến trường thế này. Những kỷ niệm không bao giờ có thể quên được. Thật vinh dự và tự hào.



Từ: 3Chai
17/02/2014 17:36:03

10 xe x 5 quả/xe=50 quả. Các bác có tương hết cả sang cho "bạn" Tàu được không?



Từ: 3Chai
17/02/2014 17:33:12

Kho chuyện đây rùi!


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s