Hậu Du xuân 2014 - Một chuyến đi đầy ấn tượng
Tác giả: TuyetHA
Sau 3 ngày Du xuân Đà Nẵng, 6g sáng ngày 21.4 chúng tôi gồm hơn 40 người từ khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam lại hăm hở lên đường tiếp tục chương trình “Hậu Du xuân”.
Ngay từ khi xác định địa điểm Du xuân năm 2014 của người KGU là thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng, chúng tôi đã có ý tưởng làm một cuộc “Hậu Du xuân”: ĐN-Động Thiên Đường với các điểm đến là thành cổ Quảng Trị - Nghĩa trang Trường Sơn - Động Thiên đường và cầu Hiền Lương. Ý tưởng này được khá nhiều anh chị em hưởng ứng khi đăng ký tham gia Du xuân 2014. Những cuộc diện thoại ríu rít từ Nam ra Bắc hẹn hò nhau: “Đi nhé!”.
Trưa ngày 18.4.2014, khi ngồi trên xe chở nhóm chúng tôi gồm 15 anh chị em KGU tp. HCM từ sân bay về KS. Trường Sơn Tùng 2, hướng dẫn viên du lịch thông báo: Chuyến đi Đà Nẵng - Động Thiên đường sẽ không ghé Nghĩa Trang Trường Sơn mà chúng ta sẽ đến Vũng Chùa - nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong tôi một thoáng tiếc nuối vì đã thầm mong được một lần đến thăm nghĩa trang Trường Sơn để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự sinh tồn của dân tộc, nhưng được đến viếng mộ “Người anh cả của quân đội NDVN” cũng mừng lắm, nhất là năm nay cả đất nước đang hướng những ngày lễ lớn: 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm ngày thành lập QĐNDVN. Trên xe có 4 chị khóa 72 cũng reo lên: bọn chị sẽ đổi vé, không về SG vào ngày 21.4 nữa để tham gia “Hậu Du xuân”. Chị Tâm, anh Trí khi hay tin cũng đăng ký ngay với tôi: “Anh, chị tham gia luôn nhé!”. Vui quá, đi càng đông càng vui.
Một trục trặc nho nhỏ đã xảy ra: chẳng là một số anh chị em HN, theo chương trình ban đầu của “Hậu Du xuân” là ghé Nghĩa Trang Trường Sơn mà không qua Vũng Chùa nên đã mua vé tàu từ Đồng Hới về HN ngay sau khi kết thúc chương trình, nhưng lại có một số chị em đề nghị Ban Tổ chức ghé Vũng Chùa viếng Đại tướng mà không qua Nghĩa Trang Trường Sơn. Nảy sinh mẫu thuẫn. Địa điểm nào đến thăm được đều rất quý, chỉ ngặt một nỗi thời gian eo hẹp quá, sợ không kịp đi hết, sợ lái xe căng thẳng. Một cuộc hội ý chớp nhoáng giữa ban Tổ chức và đại diện Vitour ĐN, quyết định được đưa ra: sẽ đến cả 2 địa điểm: Nghĩa Trang Trường Sơn và Vũng Chùa. Đoàn sẽ xuất phát sớm, vào đúng 6g sáng ngày 21.4 và kết thúc muộn hơn một chút: vào khoảng 11g đêm 22.4 đoàn sẽ về lại ĐN.
Quyết định này được anh chị em nhất trí ngay, tất cả mọi người đều vui vẻ, ai đã từng qua nghĩa trang Trường Sơn, được ghé thăm thêm lần nữa cũng rất quý, tất cả đều chưa được đến Vũng Chùa, đây là một cơ hội thật hiếm hoi. Hướng dẫn viên và lái xe chịu vất vả thêm một chút nhưng được phục vụ một đoàn vui vẻ, nhiệt tình như chúng ta nên đều rất sẵn lòng. Vậy là xong. Mọi khó khăn, trở ngại đến đâu, nếu chúng ta đoàn kết, nhất trí cao, cùng nhau giải quyết sẽ vượt qua được nhanh chóng. Chúng ta là “Người KGU” và tiêu chí của chúng ta là “Vui là chính” mà.
Chưa đến 6g, gần như cả đoàn đã có mặt trước cửa khách sạn. Nhiều anh chị em không tham gia “Hậu Du xuân” cũng có mặt từ rất sớm để tiễn đoàn. Những cái bắt tay, những vòng tay ôm chặt, thắm thiết, lưu luyến chẳng muốn rời. Ba ngày bên nhau, biết bao kỷ niệm, biết bao câu chuyện được ôn lại, thời gian sao ngắn ngủi quá, giá mà được ở bên nhau thêm ít ngày nữa! Bao nhiêu, rồi cũng vẫn là ít vì cả một thời thanh xuân, những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, chúng ta đã gắn bó với nhau, cùng chung một mái trường, cùng chung thầy, chung bạn, cùng chung nỗi khát khao học được thật nhiều kiến thức để ngày trở về xây dựng quê hương đất nước thân yêu, rồi cũng đến lúc phải “nói lời chia tay” để “bâng khuâng, bồi hồi lòng đắm say”.
Trên xe ngoài đoàn “Hậu Du xuân” còn có 11 anh chị em trở về Huế. Xe chỉ có 45 chỗ mà người thì đến năm mươi mấy. Ghế 2 chỗ thành 3 người ngồi, có anh phải ngồi cả xuống sàn xe, nhưng có sao đâu, càng vui, tiếng cười nói, trêu ghẹo nhau không ngớt. Được “Ku Khoai” – hướng dẫn viên rất vui tính, lanh lợi, hiểu biết khá rộng, khá chi tiết về các vùng miền. Những câu chuyện vui của cháu về Huế làm các cô chú cười nghiêng ngả. Xe chạy được khoảng hơn 2 giờ đồng hồ thì tới Huế. Lại một cuộc chia tay cho một số anh chị xuống Huế và những câu hẹn hò: “Sang năm lại đi nhé!”, “Hẹn sang năm gặp lại!”.
Hơn 12g trưa, xe đưa đoàn tiến vào thành cổ Quảng trị, nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu khốc liệt của bộ đội ta để giữ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc, mỗi nắm đất đều thấm đẫm máu xương của các anh. Thành Cổ là một trong hai nghĩa trang không mộ của tỉnh Quảng trị: Thành Cổ Quảng Trị và lòng sông Thạch Hãn.
Thành cổ Quảng Trị
Lòng sông Thạch Hãn trở nên linh thiêng bởi ẩn trong nó biết bao số phận của những người lính:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Hóa tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”
Bên tai tôi văng vẳng lời thơ giản dị mà sâu sắc của Lê bá Dương – người lính của Trung đoàn 27 thời đánh Mỹ. Đó chính là lời nhắn gửi tới mọi thế hệ: Hãy luôn nhớ và nghiêng mình bên dòng sông thiêng nơi tuổi xuân các anh hùng, liệt sỹ đã trở nên bất tử.
Đứng trước đài tưởng niệm các chiến sỹ đã nằm xuống mảnh đất thiêng thành cổ, trong nghi ngút khói hương bên tài tôi lại vang lên những dòng thơ “Về giữa lòng mẹ” của Phạm Minh Tâm - người thương binh 2/4, năm xưa đã từng chiến đấu tại thành cổ:
“…Một nghĩa trang bạt ngàn trong đất
Nấm mồ chung hương khói Cổ Thành
Xin cây cỏ chớ vô tình tươi tốt
Và sông kia đừng xiết xoáy đổi dòng
Móng những công trình xin đừng vô cảm
Lớp lớp địa tầng, đồng đội chúng tôi đông
Và hoa nữa mỗi lần đua nở
Ngát hương đời cũng từ đất mà thơm
Bản nhạc du dương cung thanh đừng réo rắt
Đêm ngoài kia giao hưởng những linh hồn
Xin tất cả một lần thôi cũng đủ
Được hồi sinh từ máu đổ xương tàn…”.
Sau khi thành kính dâng lên các anh những nén nhang thơm, lòng cầu mong các anh phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an, chúng tôi nhanh chóng tập trung cùng nhau chụp một bức ảnh kỷ niệm nơi đây. Tạm biệt các anh, chúng tôi lại lên đường đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.
Nghĩa Trang Liệt sỹ Trường Sơn
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn có quy mô nhất Việt Nam, với kiến trúc khá độc đáo, được chia thành nhiều khu. Trong đó, Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn đồi cao hơn 32m từ dưới cổng đi lên. Ở đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc bằng đá ghi lại những hình ảnh các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Ở giữa sân có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi, rỗng ruột và khuyết ba mặt. Phía sau tượng đài có một cây bồ đề thiêng tự mọc. Quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố, mỗi khu gồm các mộ liệt sĩ của một đến ba tỉnh. Nằm về phía trái của tượng đài Tổ quốc ghi công là khu mộ liệt sĩ vô danh với 68 ngôi. Từ khu tưởng niệm nhìn ra phía trước là hồ nước. Nghĩa trang nằm ở vào thế “địa linh” với đồi, núi, sông suối bao quanh.
Dẫu đã nghe nhiều về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Khi đứng trước hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Hơn 10.000 người con trai, con gái từ khắp các miền quê VN, sau chiến tranh lại tụ họp ở đây. Tới đây, ai cũng có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các liệt sĩ. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Họ tuy sinh thành ở khắp 3 miền đất nước nhưng giữa họ có chung một hướng đi, một con đường ra trận – đó là đường Hồ Chí Minh.
Sau khi thắp hương ở tượng đài chúng tôi tỏa ra thắp hương cho các khu mộ xung quanh. Vợ chồng tôi chạy ngay đến Khu mộ của các liệt sỹ Hà Nội. Ở đây có liệt sỹ Nguyễn Mạnh Minh, người bạn chung của hai vợ chồng từ thủa ấu thơ. Mạnh Minh nhập ngũ năm 1971, ngay sau khi thi tốt nghiệp phổ thông và năm 1972 bạn hy sinh trong một trận đánh tại đường mòn Hồ Chí Minh. Hoàng Anh – chồng tôi kể, năm 2007 trong chuyến xuyên Việt cùng đồng nghiệp Bệnh Viện ND 115, các anh đã ghé thăm Nghĩa trang Trường Sơn, tại đây anh tha thẩn Khu liệt sỹ Hà Nội, hy vọng gặp được mộ người quen. Chân cứ bước như có ai dẫn đường, đưa anh đến trước mộ của Mạnh Minh, nước mắt nhạt nhòa, anh gục xuống bên mộ bạn, người bạn ở đã sống cùng một nhà tại Khu tập thể Nam đồng-HN học cùng trường Bế văn Đàn, người bạn đã cùng gắn bó suốt bao năm trong trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi và năm học phổ thông cuối cùng ở trường cấp III Đống Đa.
Mộ Mạnh Minh đây rồi, tôi cúi xuống thắp nén hương và thì thầm: Mạnh Minh ơi, thế là sau 43 năm mới được gặp lại bạn ở đây, chúng mình đã già rồi, còn bạn mãi mãi ở tuổi mười 18 – tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Bọn mình luôn nhớ đến bạn, yên nghỉ Minh nhé, bọn mình đã sống và sẽ sống xứng đáng với sự hy sinh của bạn, Mạnh Minh ơi!
Bên mộ Mạnh Minh
Tạm biệt Nghĩa Trang Trường Sơn, xe đưa chúng tôi đến thị trấn Đông Hà, nghỉ ăn trưa tại đây rồi nhanh chóng “hành quân” ra Vũng Chùa, nơi yên nghỉ ngàn thu của vị Đại tướng lừng danh – Võ Nguyên Giáp. Để tranh thủ thời gian, xe đưa chúng tôi đi theo đường tắt, đường hẹp, gồ ghề hơi khó đi nhưng chúng tôi đang nóng lòng muốn nhanh chóng được đến viếng mộ Đại tướng nên chẳng thấy mệt mỏi chút nào.
Kia rồi, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy một núi cao trước mặt – đó là núi Thọ thuộc dãy Hoành Sơn có “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, bên phải xe chúng tôi là Vịnh Hòn La, xa xa có đảo Yến, như một tấm bình phong chở che cho đất liền. Xe dừng lại, từ đây chúng tôi theo các bậc thang dẫn lên mộ Đại tướng. Tấm bia của Người nằm giữa một “rừng hoa”. Mỗi người một nén nhang thắp lên tưởng nhớ Người và lòng chúng con thầm khấn: Cầu mong Người yên nghỉ trong lòng quê hương, đất mẹ và phù hộ độ trì cho đất nước được bình yên.
Bên mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chúng tôi về đến Đồng Hới khi thành phố đã lên đèn, đây là lần đầu tôi vào trong thành phố. Trước mới chỉ đi qua ga Đồng Hới trên những lần ra Bắc vào Nam trên tàu hỏa. Ăn tối xong, đoàn về nghỉ tại Luxe Hotel, một khách sạn “gần 3 sao” theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên. Suốt một ngày, vượt qua một chặng đường dài, tuy rất thỏa mãn vì đã viếng thăm được 3 địa điểm rất đáng đến: Thành cổ Quảng Trị - Nghĩa trang Trường Sơn – Vũng Chùa, chúng tôi ai cũng thấm mệt, chỉ muốn tắm rửa xong là đi ngủ để sáng sớm mai đi Động Thiên Đường. Đang mơ màng, nửa thức, nửa tỉnh, chợt tiếng chuông điện thoại trong phòng reo vang. Đầu dây bên kia là tiếng Mai Lâm (CL79): “Chị ơi, lên dự Sinh nhật B.Lai đi”. Ồ tý quên, lúc nãy trên xe, bạn Lam đã thông báo : “Hôm nay là ngày SN của BL” rồi. Khi cùng Lam lên phòng Blai, Thu Hồng và Lâm đang gọt trái cây: dưa lê, bưởi, nho. Sinh nhật trong dã ngoại chỉ có vậy thôi, vui là chính mà. Hồng, Lâm, BLai đã kịp chạy đi mua trái cây và còn kịp ghé thắp hương ở tượng đài mẹ Suốt. Các em giỏi thật. Mấy chị em đang bù khú thì Mai Lâm kêu chóng mặt và đau đầu. Bồng Lai lôi máy đo huyết áp bắt nằm xuống đo. Hơn 130/80 mmHg. Cao quá rồi, nằm xuống nghỉ đi! Lâm vẫn nhấp nhổm không yên vì chưa gọi được chị Huệ sang (Huệ VL77, ở cùng phòng Lâm). “Kiểm tra cho mình với!”. “Bác sỹ” Bồng Lai tất bật hết đo cho Tuyết lại chuyển sang đo cho Lam, Hồng. Một lúc sau Huệ sang cũng bắt nằm xuống để kiểm tra huyết áp ngay. Kết quả: Lâm Lam, Tuyết đều bị tăng huyết áp. Hồng, Huệ thì bình thường. máy đo chuẩn, nếu cả Hồng, Huệ đều bị tăng huyết áp là các chị đổ ngay cho là máy “đểu” rồi.
Lục cục mãi đến gần 24g mới giải tán, vậy mà sáng hôm sau (22.4) tất cả vẫn dậy sớm, chuẩn bị hành lý, ăn sáng, trả phòng rồi tiếp tục lên đường đi Động Thiên đường theo đúng kế hoạch về giờ giấc. Theo nguyện vọng của anh chị em trong đoàn, xe dừng lại tượng đài mẹ Suốt 10 phút để mọi người thắp hương và chụp ảnh kỷ niệm.
Bên tượng đài mẹ Suốt
Khoảng sau hơn 1 giờ chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại Di sản Thiên nhiên Thế giới – Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ bàng. Động Thiên đường thuộc quần thể này. Được mệnh danh là " hoàng cung trong lòng đất" Động Thiên Đường là một trong những kỳ quan tráng lệ và huyền ảo bậc nhất thế giới. Động nằm ẩn mình sâu trong lòng Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, thuộc địa hình cattơ cổ, có niên đại hình thành cách ngày nay khoảng 350 đến 400 triệu năm. Động Thiên Đường nằm cách trung tâm thành phố Đồng Hới chừng 70km về hướng Tây Bắc cạnh nhánh Tây đường Hồ Chí Minh.
Trước đường vào Động Thiên Đường
Sau khi leo mấy trăm bậc thang, chúng tôi dừng chân trong nhà “chờ” để nghe thuyết minh về Động Thiên đường cũng như những chỉ dẫn cần thiết khi vào thăm quan động. Theo tục lệ “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, một số anh, chị em đại diện cho 3 miền lên miếu thần núi thắp hương cầu an cho đoàn. Cuộc thăm quan động bắt đầu. Chúng tôi leo lên cửa động theo các bậc thang. Cửa động khá hẹp, chỉ chừng 4 m2, từ đây có hơn 500 bậc thang gỗ dẫn xuống dưới. Mới xuống được vài chục bậc, ai cũng phát thốt lên kinh ngạc trước vẻ đẹp kỳ vĩ của động. Chúng tôi lần lượt tham quan 1 km đầu tiên của động dưới sự thuyết minh của hướng dẫn viên – một cô gái Quảng bình trắng trẻo, nhỏ nhắn dễ thương, có giọng nói rất dễ nghe, truyền cảm, hấp dẫn du khách. Dù đã được báo trước rằng lượt đi đừng chụp ảnh vội, hãy bám sát hướng dẫn viên để nghe, để thưởng thức, để thỏa sức tưởng tượng nhìn ngắm những kiệt tác thiên nhiên trong động, vậy mà chúng tôi không ai đừng được, vẫn tranh thủ làm vài kiểu ảnh để rồi lại hối hả đuổi theo đoàn. Trên đường quay ra thôi thì thỏa sức chụp ảnh, chỗ nào cũng muốn chụp, chụp chung rồi lại chụp riêng, đến lúc chợt nhận ra muộn quá rồi theo giờ hẹn phải tập trung mấy đứa chúng tôi (Lam, Tuyết, Hồng, Minh, Lâm) mới hò nhau chạy. Đến gần những bậc thang lên mới đuổi kịp mọi người. Trước mặt bọn tôi là cặp đôi Lý-Tuấn. Chúng tôi ai cũng mệt phờ, nhăn nhó vì chân đau, vậy mà chị Lý vẫn nhẫn nại dìu anh từng bước, từng bước nhẹ nhàng, bình thản. Chỉ bằng tình yêu nồng thắm mới giúp họ bên nhau bền vững sắt son như vậy. Tôi thầm cảm phục và cầu mong anh chị luôn được khỏe mạnh để có thêm nhiều năm tháng bên nhau và có thêm nhiều cơ hội chung vui với gia đình KGU chúng ta.
Vợ chồng Tuấn - Lý trong động Thiên Đường
An cơm trưa xong, xe đưa đoàn trở về Đồng Hới, đến một Nhà khách gần Ga Đồng hới, 11 anh chị em HN vào đây nghỉ để chờ đến 7 giờ tối lên tàu ra Hà Nội, kết thúc chương trình “Hậu Du xuân”. Lại bịn rịn chia tay, hẹn ngày gặp lại. Những cánh tay giơ lên vẫy mãi, có người còn lưu luyến gửi lại bạn một nụ hôn gió qua cửa kính của xe.
Xe lại bon bon chở hơn 30 người còn lại (đa số là anh chị em tp.HCM và Đà Nẵng và 6 bạn từ HN là vợ chồng Mai luật, Giảng – Nhâm và An, Minh SV77 ) tiến phía Nam, điểm đến cuối cùng của chương trình là cầu Hiền Lương và Vĩ tuyến 17, nơi chia cắt hai miền Nam, Bắc của đất nước trong suốt 21 năm trời với một cuộc chiến tranh khốc liệt chưa từng có.
Thời tiết chiều hôm ấy thật đẹp, buổi trưa nắng chang chang, vậy mà từ lúc đến Vũng Chùa, trời râm mát hẳn, chúng tôi bảo nhau: chắc Đại tướng phù hộ cho chúng mình đấy. Xuống xe, chúng tôi tập trung chụp ảnh dưới chân cột cờ giới tuyến. Lá cờ Tổ quốc rộng dài kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Vĩnh Linh, thật tự hào và cảm động biết bao về lịch sử cây cột cờ này. Ai cũng tranh thủ chụp thêm vài kiểu ảnh. Men theo con đường nhỏ dẫn lên cầu cũ - chiếc cầu gỗ nối hai bờ sông Bến Hải đã đi vào lịch sử với bao câu chuyện bi thương nhưng cũng rất hào hùng của người dân vùng giới tuyến. Chụp ảnh, lại chụp ảnh vì ai cũng muốn ghi lại những kỷ niệm hiếm hoi này.
Dưới chân cột cờ giới tuyến
Lần lữa mãi rồi cũng phải lên xe vì thời gian gấp lắm rồi, phía trước còn hơn 100 km nữa mới tới Huế và cũng khoảng cách gần như thế mới về tới Đà Nẵng. Hình ảnh chiếc cầu và dòng sông Bến Hải biểu tượng vĩ tuyến chia cắt đất nước trong bao năm qua vẫn còn gây nhiều cảm xúc trong mọi người, nhất là đối với các anh chị là con em miền Nam, tập kết ra bắc khi còn nhỏ xíu. Các chị cùng nhau hát vang những bài ca thời ấy: “Bên ven bờ Hiền Lương”, “Tình trong lá thiếp”, tôi hiểu trong các chị đang sống lại những ngày xa quê hương, xa ba má để sống trong các trường học sinh miền Nam, thiếu thốn tình cảm gia đình, vật chất cũng rất khó khăn, vì hồi đó miền Bắc mới được giải phóng còn nghèo lắm. Đặc biệt chị Cấp SV72, lúc thăm cột cờ lịch sử ở bờ Bắc, tình cờ thấy một cuốn sách trưng bày có ảnh ba mình – Thượng tướng Trần Nam Trung, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, đang hướng dẫn Phidel Catstro thăm Quảng Trị vào năm 1973. Chị Cấp nói ba chị kể lại rằng trong chuyến thăm Quảng Trị năm ấy, khi gặp một xác xe tăng Mỹ bị quân ta bắn cháy, thấy Phidel đứng ngắm nghía hoài, tướng Nam Trung hỏi đùa : “Đồng chí thích không? Nếu thích thì tặng đồng chí đấy!”, tưởng chỉ nói chơi thế thôi, ai dè hơn một tháng sau, Cuba cho người sang nhận và chuyển về bằng đường biển.
Sắp đến thị trấn Đông Hà, anh Hoành – Hóa 74, xin phép mọi người có đôi lời trước lúc chia tay. Anh rất cảm động và sung sướng khi cùng bà xã tham dự một chương trình Du xuân và Hậu Du xuân trọn vẹn thế này. Cám ơn Ban Tổ chức, cám ơn anh chị em KGU Đà Nẵng. Anh hát tặng mọi người bài “Một đời người, một rừng cây”, như ngầm nhắc nhở anh chị em KGU chúng ta như một rừng cây, nhờ sức mạnh tập thể mà từng cây tươi tốt và cả rừng cây mãi mãi xanh tươi. Chia tay vợ chồng anh Hoành, xe chúng tôi hướng về thành phố Huế. Tại đây xe dừng lại đón Thanh Thu-SV78 từ Bỉ về dự Du xuân. Hôm xe từ Đà Nẵng ra Thu ghé xuống Huế thăm mẹ và gia đình, nay nhập lại với đoàn để hôm sau về tp.HCM rồi trở lại Bỉ. Cũng tại Huế chúng tôi cùng nhau ăn bữa cuối cùng của đợt Du xuân này.
Thành phố Đà Nẵng, điểm cuối cùng đã gần lắm rồi, một thoáng im lặng, chắc hẳn ai cũng bồi hồi khi nghĩ đến giờ phút chia tay. Chị Tâm, bạn Giảng, bạn Thìn lần lượt nói những cảm nhận về chuyến đi, những lời cám ơn chân thành nhất đối với Ban Tổ chức, anh chị em Đà Nẵng và với tất cả những người nhiệt tình tham gia để tạo nên thành công cho cuộc gặp mặt truyền thống mỗi khi mùa xuân về của Hội. Khoảng hơn 21g chúng tôi về đến khách sạn Trường Sơn Tùng 2, nhận phòng, tắm rửa, nhóm con gái chúng tôi lại “họp chi bộ” đến gần 1g khuya.
“Đà Nẵng yêu quý của tôi ơi
Ngày mai chúng tôi lại xa rồi
Tàu lướt nhớ tới em
Trên bờ khăn xanh thắm vẫy chào ta”.
Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Khép lại một cuộc vui để chờ đón cuộc vui mới. Tôi chợt nhớ đến câu nói của Bồng Lai trong một cuộc gặp mặt của người KGU tp.HCM:”Ở tuổi này mà còn được gặp nhau để cùng vui chơi, trò chuyện thế này thì hạnh phúc nào bằng!”. Xin chúc tất cả mọi người luôn vui, luôn khỏe để chúng ta còn được gặp nhau trong nhiều, nhiều năm nữa!
Người post: TuyetHA
Ngày đăng: 25-04-2014 13:01
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 21 - 30 của tổng số 45 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |