Em gặp Thầy Cô KGU
Tác giả: HuyenBT
Em chào các anh chị và các bạn,
Em muốn viết mấy chữ ngay từ khi trở về từ Moldova, nhưng phần vì bận việc đột xuất, phần vì muốn giữ lại để đến hôm nay, ngày cuối tuần gửi đến các cả nhà KGU chút niềm vui. Em đã thăm được nhiều thầy cô của các anh chị, và các bạn.
Học trò của thầy Arcady Ivanovich thân mến,
Em đã viết trong mail gửi ngay hôm đến thăm thầy cô rồi, nên hôm nay không nhắc lại nữa. Chỉ biết rằng hôm nay đã sang tháng Bảy, vậy là bắt đầu mùa câu cá trên sông, sau những tháng dài chờ cá sinh nở, thầy Arcady Ivanovich chỉ nhấp nhổm chờ đến ngày ấy, là lên đường. Thầy bảo giờ mới là bắt đầu lễ hội của tôi. Và thế nào cũng có bật bia, uống mừng mùa câu cá. Cô thì bảo, chả phải bây giờ mới lễ hội, thầy chuẩn bị cần câu từ cả nửa tháng trước: cần câu bằng trúc có đến mấy loại, cần câu bằng dây cước, ngắn , dài… thả chi chít ven bờ, lưỡi câu dọc, lưỡi câu ngang, lưỡi câu chùm… Nghe thầy nói thế, thì biết thế, chứ em cả đời đi câu chẳng nhòm đến lưỡi câu, chỉ chú tâm vào nồi Уха nghi ngút khói. Nhưng em nghĩ, cái kiểu thả dây câu giăng mắc thế, chả cá nào đi qua mà không đụng phải lưỡi câu, kiểu gì cũng có cá, chả bao giờ phải về không.
Thầy gói ghém những chai vodka vào cái túi vải, bảo : lương thực đấy! Rồi cười hóm hỉnh trong cái nguýt dài của cô. Vậy thôi chứ vừa lườm, vừa nguýt lại vừa ấn vào đó ít đồ nhắm (giò hun khói), bảo: tôi đổi lấy cá. Thầy hân hoan như trẻ nhỏ, chả nghĩ đến cái chân đau. Ở đấy, trên dòng sông Dnestr ấy, một thiên đường đang đợi: Một dòng sông êm, một thuyền độc mộc, một túp lều bạt dựng vội trên thảm cỏ non, và vô số lúc nhúc những phụ kiện đi câu nằm bên mép nước. Hai tháng trời như thế, cứ trôi theo dòng nước. Cá câu được phơi ngay trên bờ. Nắng và gió làm chúng khô cong, chẳng kịp ươn. Khi thầy tay xách, nách mang trở về nhà, đã sang tháng Chín. Lá quanh hồ đã lốm đốm vàng, như mái tóc muối tiêu của người trung niên. Và ban-công nhà thầy lủng lẳng những xâu cá khô. Nhìn từ dưới sân lên, thấy ban-công có những bao lơn gỗ na ná con thuyền đánh cá. Mỗi sáng, thầy ra đó hít ngửi mùi cá khô thơm phức. Ấy là chỉ có một mình thầy nhận thấy “hương thơm” này thôi , (còn em, ra đó một tí là phải thụt vào nhà luôn!). Và thầy dành món quà quý đó tặng cho những khách quý. Các anh chị em, học trò của thầy hẳn vẫn nhớ món quà đặc biệt này của thầy do em mang về năm trước. Chả biết khi anh Hiền mang bia và bánh mì đen đến để “nhắm” với cá khô của thầy thì thế nào, chứ em, được thầy tặng nguyên một xâu cầm về, vừa mới nhấm một tí đã nhăn hết cả mặt: nó mặn đến phát đắng, hơn cả thuốc. Và nó cứng như khúc gỗ, chẳng may mà rơi xuống chân, chắc chân thâm tím. Em có người để “tặng lại”- mấy bác bảo vệ quanh nhà em!
Chúc thầy luôn khỏe mạnh để hưởng một trong những thú vui nhất trên đời- thú đi câu!
Các anh chị khoa Vật lý thân mến,
Em cảm ơn các anh chị đã giao nhiệm vụ, để tạo cho em một cơ hội được tiếp xúc với một người thật đáng kính, thầy Alexei Vasilevich Simashkevich. Trước khi em bay, anh Hùng (Lý) gọi điện bảo: “ Em cố gắng đến nhé! Sinh nhật 85 tuổi của thầy, hiếm lắm! Và thầy thì rất tình cảm, thầy thương bọn anh lắm, vì thầy cũng có một thời tuổi trẻ vất vả như học sinh Việt Nam thời chiến tranh”. Em đến nơi tổ chức lễ mừng sinh nhật thầy. Em ngơ ngác tìm. Tìm một ông già tóc bạc, chậm rãi, đôi bàn tay chắc đã run run, và có thể lắm, một cái gậy chống, trong tay, hay một cô cháu gái đang đỡ ông từng bước. Nên khi có một người rẽ đám khách khứa đông đúc đang tụ tập chuyện trò râm ran, để tiến thẳng đến chỗ em, đỡ cho em bức tranh thêu Việt Nam với cái khung khá nặng, em ngỡ ngàng nhìn và thầy tự giới thiệu: Simashkevich, sinh nhật 85!
Em lút cút theo thầy vào trong phòng tiệc. Đó vốn là một cái Столовая ngày xưa, nằm ngay trên lối rẽ xuống hồ Komsomolskoe. Các thầy cô của mình đi đâu, làm gì, cũng chỉ quanh quẩn khu vực trường KGU, có lẽ vì vậy mà Столовая ấy được chọn. Em rất thích không gian trong Столовая ấy. Nó gợi cho em hoàn toàn cảm giác thời gian quay ngược lại, trở về thời Xô Viết. Một gian phòng không rộng lắm, trần nhà thấp, những ô cửa sổ nhìn ra vườn cây, những tấm rèm cửa đơn sơ, màu sắc nhã nhặn. Một dãy bàn chạy dài theo căn phòng, những chiếc ghế chắc chắn, không bọc nơ, bọc vải, đứng trang nghiêm. Trên tường là những bức hoa văn bằng thạch cao, giản dị mà như là sự cố gắng của những bàn tay “thợ nhà”. Mọi người mặc thanh lịch kiểu lễ hội thời Liên xô. Phụ nữ cũng có uốn chải với những прическа đơn giản. Họ im ắng một cách hơi căng thẳng trong một vài khoảng thời gian. Đó cũng là điều riêng, em nhận thấy, và rất thích không khí lễ hội cổ điển này. Điều em thú vị là ngắm nhìn mấy bà, mấy cô phục vụ. Họ trang nghiêm lắm. Họ phục phịch trong những bộ áo lễ hội: sơ mi trắng có cổ áo cứng, dựng đứng hoặc viền đăng-ten và tay măng-set, bên ngoài khoác áo ghi-lê màu đen có những chiếc cúc to, giả đồng. Nặng nề thế, nhưng họ đi lại rất êm quanh bàn, hai tay nâng cao những cây bạch lạp mạ bạc sáng loáng, mắt nhìn rất nghiêm trang. Họ mải chú ý đến cách đi đứng, và họ cũng xúc động nữa, hơi bối rối, hẳn thế, nên họ đã quên khuấy mất chuyện thắp nến, cho đến khi sam-panh được rót ra, và có người nào đó thảng thốt nhắc: nến chưa thắp kìa!
Nhưng không khí trang nghiêm lễ hội đó chỉ dừng được đến mức ấy, khi thầy Simashkevich tuyên bố: “ Chỗ ai, người ấy ngồi, như lần trước nhé”. Tiếng cười rộ lên. “Lần trước”, tưc là 5 năm trước. Kỷ niệm sinh nhật tuổi 80, thầy cũng tổ chức ở gian phòng này và vì điều quan trọng là thành phần khách hoàn toàn như xưa, cũng từng ấy người bạn, nên mọi người đều cảm thấy thân thương và ấm cúng. Thầy bảo: Hôm nay tôi chỉ xếp chỗ cho mỗi vị khách đặc biệt này của tôi, vì lần trước em ấy không có mặt ở đây. Là thầy nói đến em, và cầm tay em đưa về ghế ngồi, dặn ông bạn của thầy ngồi bên cạnh em: Ухаживайте за ней!” rồi trở về chỗ của mình. Ông bạn mà thầy tin cậy nhờ “yхаживайте за em” là Viện trưởng viện Vật lý thuộc viện Hàn lâm khoa học, Sếp của thầy trước đây. Vì em được thầy giới thiệu là sinh viên khoa luật KGU, nên “ ông bạn thầy” liền bắt đầu câu chuyện với em bằng các vấn đề pháp luật. Khổ thân em, từ ngày rời bút nghiên, chưa một ngày nào làm luật, biết tiếp chuyện nhà uyên bác này thế nào đây. May quá, trong cái đầu mụ mị vật lý của em bỗng nhiên lại hiện ngay ra cái “lỗ đen vũ trụ”, đôi lần em nghe lỏm được từ cô bạn em, cũng người KGU ta, có chồng là nhà Vật lý Đàm Thanh Sơn. Em mới chạm vào đúng một cụm từ đó thôi, là thầy hào hứng chuyển sang chủ đề ấy, thầy bảo có nghe, có đọc Đàm Thanh Sơn. Em mừng rỡ vì thấy bây giờ chỉ toàn ông ấy nói, còn em rất nhẩn nha, thanh thản nghe, (thanh thản vì chẳng hiểu gì, và chẳng phải tư duy gì cả).
Em được giới thiệu qua về những vị khách dự: xung quanh toàn Viện sĩ. Nhưng điều em muốn nói ở đây là họ toàn là bạn phổ thông, bạn thời sinh viên của thầy, và họ được mời đến đây với tư cách ấy, ngoài ra không vì tư cách nào khác. Em nhìn thầy và những người bạn thầy đầy kính yêu và ngưỡng mộ: Hôm nay là buổi gặp gỡ của những người bạn chí cốt, thân tình, những người bạn phổ thông của 70 năm về trước. Họ ngồi theo nhóm: ví dụ nhóm phổ thông lớp 4A, lớp 7, “lớp Internat”. Ai cũng biết rõ về thầy, họ tranh nhau kể cho em nghe với niềm tự hào (xen chút bí hiểm về một thời tuổi trẻ dữ dội ) của những người bạn thật hiểu về nhau, thật gắn bó với nhau. Em nghĩ: Thầy thật hạnh phúc. Cái hạnh phúc của người được sống hết mình, cởi mở, chân thành trong vòng tay bạn hữu. Cái hạnh phúc của người có chức, có tước mà vẫn được mở lòng với năm tháng, kỷ niệm tuổi thơ. Cái hạnh phúc của người không phải khách sáo mời những nhân vật tai to, mũ lớn khi mình không thích. Hạnh phúc đích thực của một con người!
Tất nhiên trong bữa tiệc không thể thiếu được những cái tost, văn hóa đặc trưng của người Liên Xô, đặc biệt là dân vùng Kavkazo. Cái tost đầu tiên, mở đầu vòng vèo lắm, dẫn dắt lắt léo lắm, rồi đưa đến một câu hỏi: Người hạnh phúc, đầy đủ, thành đạt ấy đã đi một chặng đường đủ dài đầy ý nghĩa rồi, тогда зачем до этого возраста? Mọi người hơi hoảng nhìn nhau khó hiểu. Ông bạn lớp 4A này chậm rãi: vì điều đó là необходимость! Крайнняя необходимость! Нам нужен такой Человек: Хороший, Добрый, Умный, Милый, Преданный …còn rất nhiều tính từ liệt kê phẩm chất nữa, cho đến khi ông này hụt hơi, phải dừng lại. Bạn bè vỗ tay rầm rầm tán thưởng. Trong căn phòng này không có những Ngài, những Vị cao siêu, chỉ có những người bạn, đơn giản là những người bạn đến với nhau. Em nghĩ, cuộc sống này vẫn thật đẹp, thật ý nghĩa!
Em cũng chúc mừng thầy. Em tặng thầy lẵng hoa, và trao cho thầy món quà của các học trò thầy gửi đến: 2 bức tranh thêu, một trên nền trắng, một trên nền đen, mà khi bị hỏi bất ngờ, em buộc phải giải thích đó là Đêm và Ngày(!). Mọi người gật gù có vẻ tâm đắc lắm. Còn em hơi ân hận vì nhỡ đâu em đã chẳng vừa “ lừa” các Viện sĩ (vì em chả chắc gì với câu trả lời của mình, các anh chị xem ảnh 2 bức tranh dưới đây rồi cắt nghĩa giúp em nhé!). Nhưng tâm điểm của quà cáp hôm đó lạii là cái khác: Những tổ Yến! Em đã lo không biết sẽ giải thích cho thầy và mọi người thế nào về cái món “thần dược” làm từ nước bọt của một loài chim, thì may quá, thầy giải thích hộ, vì thầy đã được các học trò tập huấn cho rồi. Cả gian phòng lặng nghe, háo hức về những điều mới mẻ. Rồi họ rộ lên đồng thanh: “ Vậy thì chia ra đi, cho mỗi người nếm một tí!” Thầy cười bí hiểm : “ Ối, ăn không đúng là hỏng hết, cái này phải rửa dưới vòi nước 5 phút,ngâm 60 phút, để ráo 10 phút, cho vào nồi chưng cách thủy 40 phút, để nguội, chia nhỏ, ăn từ từ, vừa ăn vừa nghi: mình đang ăn gì, nó bổ như thế nào, nó trôi xuống đến đâu, bổ đến đâu rồi!” “Và quan trọng nhất này: chỉ ăn vào nửa đêm! Còn bây giờ mới là 7 giờ tối!”. Vì sao? – Cả gian phòng lại lao xao hỏi. –“Vì rằng, ăn lúc đó thì ăn một mình, mọi người đi ngủ hết cả rồi, chả ai xin!” Cả gian phòng lại vỡ ra tiếng cười.
Sinh nhật của một người 85 tuổi như thế đấy! Người đó lại là thầy giáo KGU của chúng ta. Mừng không, đáng tự hào không, các anh chị ơi?
Em mỏi tay viết quá rồi, nhưng không thể thiếu chuyện này:
Chị Hạnh, anhh Mai, anh Hiện, anh Tiến Long và Mèo Mun chú ý nhé: Em đã chuyển quà của các anh chị cho thầy Osmokescu rồi. Hôm đó thứ bảy, em dậy từ sáng sớm, xếp vào cốp xe bao nhiêu gói, túi, nhẩm tính, căn đường xem đến nơi nào trước, nơi nào sau thì tiện. Vì biết là đến đâu em cũng sẽ bị giữ lại lâu hơn thời gian em dự định, nên em chẳng dám gọi điện hẹn giờ trước cho thầy Osmokescu, em cứ phóng thẳng đến nhà. Thế là phải ngồi chờ. Thầy đến Đài truyền hình theo lời mời cộng tác. Em đợi thầy, ngồi nói chuyện với cô. Có điện thoại của cô bạn thân của cô, ồn ào từ đầu dây bên kia: “ Sao hôm nay ông ấy lại ăn mặc như thế lên TV?” Em hỏi cô: thầy mặc gì đặc biệt vậy? Cô cười: “ Sáng thứ bảy nào ông ấy cũng lên truyền hình. Thảo luận, phát biểu về nhiều vấn đề lắm, chủ yếu Luật Quốc tế. Quan chức, Ngoại giao đông, nên tôi hay phải chuẩn bị đồ cho ông ấy từ tối. Ông ấy thích áo là phẳng dựng đứng lên, comple sẫm màu và cravate màu đỏ sậm. Hôm nay tôi ngủ dậy muộn, ông ấy đã đi rồi, tôi thấy bộ comple vẫn nằm ở đây, chả biết mặc gì mà để người ta ngạc nhiên thế, đợi ông ấy về xem!”
Thầy về, hồ hởi lắm! Mặc cái áo “ta”, ngắn tay, có hàng cúc bằng tre, in hình họa tiết thuần Việt- Áo chị Hạnh tặng hồi thầy cô đến Việt Nam mấy năm trước. Đã thấy rung rinh xúc động rồi. Thầy chả mấy khi bỏ comple khi đi họp hành, hơn nữa lại lên truyền hình nữa. Thầy hỏi cô pha trà cho em chưa, còn em hỏi thầy hôm nay thầy nói về vấn đề gì trên truyền hình? Thầy bảo về vấn đề an ninh biên giới, cả lãnh thổ lẫn lãnh hải. Vì thế hôm nay mặc áo này”, (thầy tự giải thích, mặc dù cả em và cô chưa kịp hỏi). “Mặc áo của trò Việt Nam tặng để gửi thông điệp ủng hộ Việt Nam. Rồi thầy cúi xuống ngắm nghía lại cái áo, nói tôi còn một cái nữa, cũng tương tự thế này, nhưng dài tay, các em ấy tặng khi tôi ở TP. Hồ Chí Minh. Trong tấm ảnh em chụp là thầy trong chiếc áo của trò Việt Nam tặng đấy.
Bây giờ thầy cô là chỗ dựa tin cậy của em. Hồi này em hay về Phú Quốc vì công việc nên ít khi ở Moldova. Có quay lại đó cũng chớp nhoáng 1, 2 tuần. Cũng có đôi việc các anh chị nhờ, khi thì giấy tờ, văn bằng, khi thì chuyển thư và quà tới các thầy cô. Những gì chưa làm kịp em nhờ thầy cô. Các thầy cô khác già lắm rồi, dù ai cũng nhiệt tình nhưng em chẳng nỡ phiền. Thầy cô Osmokescu còn trẻ hơn, lại quen đây, quen đó, nhiệt tình lắm. Em nhớ hồi năm trước có các anh chị khoa toán 81 sang thăm Moldova. Lại đúng vào lúc em và gia đinh đi nghỉ ở nước ngoài. Làm sao để có giấy mời để làm visa cho kịp? Chị Hạnh gõ cửa nhà thầy cô. Dưới nắng hè tháng Bảy, hai người chạy đôn chạy đáo. Vì phải nhờ cô mời cựu sinh viên với tư cách cá nhân, nên thủ tục phức tạp, rầy rà hơn, nào là phải chứng minh đó là các học trò của trường KGU xưa, nào là phải có đảm bảo tài chính cho mấy em đó, đảm bảo các em ấy quay trở về nước. (Bộ Nội vụ Moldova vốn hay “cả nghĩ”, lo xa , chứ ai cũng biết mấy Đại gia Châu HM, Bình, Thanh, và nữ nhà khoa học giải thưởng Kovalepskaia Chi Mai mà ở lại Moldova thì lấy ai run business ở Việt Nam, lấy ai nghiên cứu khoa học cho Việt Nam?) Nhưng thủ tục là thủ tục. Và cô Nadia, vợ thầy phải mang cả căn hộ thầy cô đang sống ra làm bảo đảm. Vẫn chưa đủ độ tin cậy, những 4 người cơ mà! (Cũng phải thôi, những 4 người, nếu mà ở lại, thì nước Moldova nuôi họ cũng hơi chật vật đấy, toàn người nổi tiếng!). Cô Nadia đã quen với tất cả, chả ý kiến gì cho mất thêm thời gian, liền chạy về quê, xin phép cầm sổ đỏ đất đai vườn tược của mẹ lên làm giấy bảo lãnh tài chính. Anh Ngọc sau nghe chuyện này thì nhăn mặt : “khổ thân thầy cô”, nhưng lúc đó thì em ngồi ở nước ngoài, biết trông cậy vào ai? Nhưng đừng ai lo ngại, phiền lòng nhé. Lòng nhiệt tình của thầy cô, niềm vui, hạnh phúc của người được lo cho học trò mình, đón học trò mình sang chơi, đủ để làm giấy mời cho cả hội KGU mình vào bất cừ lúc nào!
Còn em thì rất sướng vì có chỗ dựa tin cậy trong khi thi hành nghĩa vụ Đại Sứ KGU của mình. Em cảm ơn thầy cô Osmokescu!
Người post: HuyenBT
Ngày đăng: 06-07-2014 15:03
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 21 - 30 của tổng số 36 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7170 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |