KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 30 Tháng bẩy. 2015

XUYÊN VIỆT - CHẶNG 1: HÀ NỘI - TÂY NGUYÊN




Tác giả: HoaiPV

XUYÊN VIỆT – CHẶNG 1: HÀ NỘI – TÂY NGUYÊN

(Ghi nhận từ một chuyến đi)

 

Hè năm ngoái, chúng tôi- những người bạn thuở hàn vi, đã có chuyến đi Vòng cung Tây Bắc, qua Mai Châu, Mộc Châu, TP Sơn La, đèo Pha Đin, Điện Biên, Mường Lay, Lai Châu, Sapa, Lào Cai, Yên Bái và vút thẳng theo đường cao tốc về Hà Nội. Đầu năm nay chúng tôi lại xuyên vòng cung Đông Bắc, qua Hải Dương, Uông Bí, Bãi Cháy, Hạ Long, Móng Cái,và cửa khẩu Hoành Mô. Giữa tháng 6, bạn gọi điện cho tôi: “”Xuyên cho hết Việt”, ông có đi được không? Máu ham chơi lại nổi lên cuồn cuộn! Vậy là “mặc kệ Bu nó” ở nhà, chăm lo ông bà, con cháu, tôi quyết định “Bay”! (Nói vậy thôi, chứ cũng bàn bạc, giao ban đầy đủ, xin phép đàng hoàng và nhận được sự nhất trí cao của đại gia đình rồi!)

Các bạn tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm “phượt” bằng xe hơi, lại tham gia Hội CaravanViet, nên chỉ sau ít hôm các công việc chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày đã được hoàn tất, từ việc “phân công nhiệm vụ“ cho từng người, lịch trình chi tiết, nước nôi, lương khô, bản đồ hướng dẫn,...đến cả khoản “cay cay” và thẻ ATM đều không được thiếu!

Sáng chủ nhật 28/6 chúng tôi khoác ba lô, xách túi lên đường!

Quân số ban đầu dự kiến xuất phát là 4 lão tướng đều tuổi 63, vào đến Sài Gòn sẽ thêm một “lão” nữa, nhưng 5h00 sáng một lão đồng chí gọi điện báo tin, chiều hôm trước lỡ quá mấy chén “ngọc cẩu tửu” trong lễ xuất quân, sáng sớm người vẫn nổi đầy “u bướu” do dị ứng nên sẽ tìm cách hội nhập sau!

Vậy là có 3 tên chính thức lên đường từ Hà Nội: Trọng Thông – trưởng đoàn kiêm lái 1, Quốc Thắng, Mama tổng quản kiêm lái 2, Văn Hoài – trưởng ban tài chính kiêm “lơ và...la xe”. Xe 7 chỗ, hiệu KIA Sorento, nhiên liệu đổ đến mức “nổ cò”! (từ rất chuyên môn!)

Mục tiêu đầu tiên chúng tôi đặt ra là đi cho hết tuyến đường Hồ Chí Minh, bắt đầu từ miền Trung, đặc biệt là đoạn đường HCM tây dài khoảng 500 km (từ Khe Gát – Bố Trạch, Quảng Bình đến Thạch Mỹ - huyện Nam Giang, Quảng Nam).

 

                                           

    

 Tuy nhiên trước lúc đi, theo lời khuyên của cộng đồng “phượt”, đoạn từ Khe Gát đến Khe Sanh cực kỳ heo hút, quanh co, lại sợ mưa nguồn vào mùa này, nên chúng tôi quyết định sẽ bắt đầu vào đường HCM tây từ Khe Sanh. Như vậy từ HN chúng tôi sẽ theo đường 1A vào đến Đồng Hới, rẽ lên đường HCM đông, qua nghĩa trang Trường Sơn, vào đến Cam Lộ, theo đường 9 ngược lên Khe Sanh, Làng Vây. Ngày đầu tiên xe chạy 650 km theo đúng lịch trình đã định. Đường 1A từ HN vào đến Đồng Hới về cơ bản đã khá “ngon”, trừ đoạn qua thị xã Kỳ Anh- Hà Tĩnh đến chân Đèo Ngang đang thi công dở (có đường tránh thị xã, nhưng chúng tôi muốn “lượn” qua Vũng Áng một chút xem thực hư công ty Farmosa là thế nào!). Qua hầm Đèo Ngang- nguồn cảm hứng của bà huyện Thanh Quan chút xíu đã thấy ngay biển báo đến Vũng Chùa. Chúng tôi sẽ vào viếng Bác Giáp lúc trở ra. Xe đến Khe Sanh lúc mặt trời đã bắt đầu chuẩn bị xuống núi. Chúng tôi quyết định ngược đường HCM tây vài km đến sân bay Tà Cơn “đêm nào bốc cháy” và đồi Đồng Tri “xác Mỹ chất đầy” năm xưa, trận Điện Biên Phủ thời đánh Mỹ! Chú phó chỉ huy bảo tàng nồng nhiệt đón chúng tôi vì không nghĩ rằng lại có mấy bác tóc bạc vào thăm lúc chạng vạng thế này! Chú giục chúng tôi ra thăm đường băng sân bay ngay cho kịp trời tối, và thế là chúng tôi có được mấy tấm hình rất ấn tượng. Bao anh chị và các bạn cùng trang lứa chúng tôi đã ngã xuống nơi này!

 

                                                                                   

 

Chúng tôi ăn tối và nghỉ lại Khe Sanh. Khe Sanh đã thực sự hồi sanh! Cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (nơi có nhà tù chính trị “con cá chột nưa” nổi tiếng khắc nghiệt của Pháp năm xưa) có 20km và nằm trên quốc lộ 9 sang Lào, Khe Sanh có đủ điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Buổi sáng ở Khe Sanh bây giờ đã tĩnh lặng như bao vùng quê khác, có tiếng chuông chùa và những cánh chim

 

                            

 

Sáng sớm chúng tôi xuôi đường 9 (cũng trùng với đường HCM tây) hơn 10 cây số, vượt cầu ĐắcKrông và chính thức vào đoạn đường HCM tây riêng biệt.  

 

                                  

                     

Xe qua những địa danh mà âm vang vẫn đọng và day dứt mãi trong ký ức của những người lính Trường Sơn, của những người mở đường 559 năm xưa như A Lưới, A Tép, A Roàng, Brao, Thạch Mỹ, Khâm Đức, Tân Cảnh, Đắc Tô, Đắc Hà,..

 Đi trên con đường thảm nhựa hôm nay, không thể hình dung và quên được những ngày các anh, các chị, các đồng đội đã cắt rừng, vượt dốc, trèo đèo, lội suối, đội pháo, đội bom đến với ngày Chiến thắng! Bạn Xuân Xoăn lớp chúng tôi trong những ngày tháng 7 này đi xe ôm từ Đông Hà lên thắp hương cho đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn đã viết:

” Từ Binh trạm 5 chúng tôi theo giao liên tiến về phía Nam, đường dốc loanh quanh, cây cối che rợp đường mòn, những đoạn theo đường ô tô chúng tôi phải rảo bước nhanh để tránh bom B52. Dốc và dốc bắt đầu thử sức những chàng trai trẻ đất Hà thành, lúc này mình mới thấy thấm thía những đêm dài đeo đất luyện quân dã ngoại ở dốc Cun tỉnh Hòa Bình; qua một binh trạm bắt đầu thấy áo rét bằng sợi mầu cứt ngựa của lính Hà được treo trên cây và sau đó những ngày tiếp theo là những đồ dùng cá nhân khác được lính bỏ bên đường thậm chí cả tăng võng, ruột tượng gạo và sữa bột cũng được các anh chàng lười rèn luyện thời tân binh bỏ cẩn thận cho phía sau chúng tôi. Lúc đầu thấy tiếc cũng nhặt, nhưng sau mệt quá mình cũng bỏ dần, không nhặt gì nữa.

Tối đến binh trạm mới, mỗi thằng đổ 1 ca gạo (bi-đông có ca ở phía dưới) góp để nấu cơm. Tiểu đội mình có thằng Dụng, nhà ở phố Hàng Bột (khi hành quân đến Paksong trên người chỉ còn đúng cây AK) không có gạo góp; lúc đầu cũng tức, nuôi quân định không chia, sau mình bàn với Thắng người Gia Lâm (Thắng chết sốt rét ác tính ở binh trạm cuối trước khi rẽ sang Lào, mộ Thắng sau được quy tập về nghĩa trang Trường Sơn, nằm hàng đầu khu vực anh em liệt sĩ người Hà Nội ) để anh em san xẻ ăn cùng và tối nó tự tìm chỗ ngủ chung hoặc nằm phía dưới võng anh em tiểu đội khi gặp trời mưa. Hồi đó anh em cũng tức Dụng, vì mỗi khi họp trung đội, Trung đội trưởng Đ. người dẫn quân vào cứ mang nó ra phê bình suốt dọc đường hành quân, nhưng anh chàng vẫn cứ tỉnh bơ kiểu Hà Nội: “Mackeno”, vai đeo súng, nhiều khi vừa đi vừa kéo rê báng súng và nghêu ngao vài câu nhạc vàng “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu/ bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều…”.. Ngẫm lại, giờ mới cảm phục tinh thần của nó: chấp nhận là “ăn xin số 1” trên đường dây 559 những vẫn không đảo ngũ.

Bây giờ nghĩ nếu ai đó vượt được Trường Sơn thời đó như Dụng, chàng “tây rau muống” đích thị dân Hà nội, đồng đội của tôi thủa đó; tôi nghĩ họ đều xứng danh anh hùng!”

Nhiều dân “phượt” đi trên cung đường này vào buổi tối có kể rằng vẫn thấy bóng các anh các chị trên đường! Các anh chị vẫn đang đi tìm đồng đội, vẫn tìm để về với Mẹ, với vợ con, với những người yêu dấu của mình!

 

                   

                   

                   

                   

 

Sau hơn 500 cây số, đi hết đường HCM tây và nhập vào đường HCM đông ở Thạch Mỹ, chúng tôi dừng và nghỉ đêm thứ hai tại Kontum. Kontum bây giờ đã đổi thay nhiều lắm. Dấu vết của những cuộc chiến ác liệt gần như không còn. Những công trình kiến trúc mang dấu ấn hoặc ngày xưa vẫn còn đó, như Nhà thờ gỗ (tất cả hầu như làm bằng gỗ)

 

                 

 

hoặc dấu ấn ngày nay, nhỏ như quán cafe Indochina (chất liệu bằng tre gần giống như ở Flamingo- Đại Lải), lớn như cây cầu- cửa ngõ Kontum.

 

               

                

 

Chúng tôi “xuýt” đến được Măng Đen, huyện lỵ của huyện Kon Plong, khu du lịch quốc gia- Đà Lạt thứ 2, chỉ do đường đang làm, quá xấu nên xe phải quay lại, đành dừng chân tại quán cafe mang tên Măng Đen cho “bõ” giận!

Xe qua Pleiku “dài dằng dặc”, qua Banmêthuột với tượng đài chiếc xe tăng uy nghi mở màn cho chiến dịch “Đại thắng mùa xuân” 1975. Chúng tôi quyết định sẽ nghỉ đêm tại thị xã Gia Nghĩa – tỉnh lỵ của Đắk Nông, tỉnh Tây Nguyên mới được thành lập đầu năm  2004, xem nó ra sao! nhưng trước đó, chúng tôi kịp ghé thăm gia đình anh Thạch (anh bạn của Thắng tổng quản) và thác Dlaysap hùng vĩ trên đất Tây Nguyên. Anh Thạch cùng gia đình từ Bắc vào, nhưng đã thực sự trở thành những người con Tây Nguyên. Đất đỏ bazan màu mỡ đã cho anh chị những hàng cafe chín đỏ, những hàng hồ tiêu xanh ngát và những cây sầu riêng trĩu quả

 

                 

                 

 

Anh chị chiêu đãi chúng tôi quả sầu riêng chín cây hái từ vườn

 

                 

 

Tôi “làm khách” chỉ dám chén có một múi (các bạn tôi không quen ăn!), vậy mà hai tiếng sau, trên xe vẫn vương vấn hương vị...sầu chung!

Thác Dlaysap đẹp tuyệt vời! Mặc dù đang mùa ít nước và chúng tôi đến lúc đã xế chiều, nhưng sắc cầu vồng vẫn nhuộm màu óng ánh và “Nghệ sĩ nhiếp ảnh” của chúng tôi vẫn không thể dứt ra được!    

 

                            

                      

 

Đêm ở Gia Nghĩa mang đến cảm giác đang ở một vùng thị trấn nào đó miền trung du. Cũng chút gập ghềnh phố xá, cũng dăm bảy quán ăn đêm, cũng nhạc nhẹ quán cafe thưa người. Sáng hôm sau khi qua khu vực hành chính, chúng tôi mới thấy được không khí của tỉnh lỵ! Đăk Nông cần được đầu tư nhiều hơn để phát triển cùng các tỉnh bạn trên đất cao nguyên.

Rời Đăk Nông, chúng tôi theo đường HCM đông về Đà Lạt mộng mơ! Đúng 30 năm trước tôi đã một lần đến Đà Lạt, lần này tôi háo hức muốn ngắm ĐL bây giờ! Có “hẫng” một chút vì ĐL đã khác nhiều so với ngày xưa! Vẫn những đồi thông mát mắt, vẫn những biệt thự rêu phong nấp dưới tán cây cổ thụ, vẫn rực rỡ sắc hoa, vẫn cái lạnh se se, nhưng ĐL bây giờ sầm uất, đông đúc và “bê tông” hóa nhiều hơn hẳn! Sao tôi vẫn chờ một thoáng sương giăng trên Hồ Than thở, một thảm cỏ mượt mà trên Đồi Cù, một tiếng nhạc leng keng, một tiếng lóc cóc xe ngựa gõ và một phút thảnh thơi ở Thung lũng Tình yêu (nay đã thành công viên, khu vui chơi giải trí), nơi ta có thể tự do ôm ghì lấy người mình yêu và đặt lên đôi môi thắm đỏ một nụ hôn cháy bỏng! Mình đã quá nhiều tuổi rồi chăng?

 

                  

                   

                   

                  

                 

 

Do kế hoạch bạn tôi phải có mặt dự cuộc họp ở Long Xuyên (An Giang) chiều ngày 3/7 nên chúng tôi không dám dừng lâu tại các điểm ở Tây Nguyên, sáng 2/7 chúng tôi theo con đường cao tốc từ ĐL về sân bay Liên Khương dài đúng 27 km (chạy ngang qua thác Phren), vào quốc lộ 14, quốc lộ 20, vượt đèo Bảo Lộc (mưa như trút nước), qua tỉnh Đồng Nai, qua hầm Thủ Thiêm về đến Sài Gòn, “gọn gàng” 2000 cây số từ Hà Nội! Ở đó bạn chúng tôi đang chờ nhập hội để tiếp tục chuyến hành trình “Xuyên cho hết Việt”, mà trước hết là mảnh đất miền Tây Nam Bộ, trong đó có đảo Phú Quốc và Đất mũi Cà Mau! Tối hôm ấy ở lại Sài Gòn, tôi kịp đến thắp nén hương muộn cho GS Trần Văn Khê, người chú kính yêu của gia đình nhỏ chúng tôi!

 

                   

                       

                     Chú Khê và Tân Thanh – vợ tôi năm 1989 tại Philippin

                    

 

                    Ông Khê ẵm cháu Thủy Tiên ngày cháu đầy tháng (12/1993)

                                     

                      

CHẶNG 2: MIỀN TÂY NAM BỘ

 


Người post: HoaiPV

Ngày đăng: 30-07-2015 06:06






Xem 11 - 18 của tổng số 18 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: Guest HoaiPV
01/08/2015 04:54:46

@MM: anh chỉ chụp bằng Ipad, suốt đời vẫn là "nghiệp dư" mà em! Anh chỉ chụp khi mình thích, vậy thôi! Nhiều khi chia sẻ được cũng "khoái", nhưng cũng "thèn thẹn' MM à! Chú Khê có Cố nội là Cụ Trần Quang Thọ, trong ban nhạc triều đình Huế và Cố ngoại là Cụ Nguyễn Tri Phương , trở thành Chú của chị Thanh từ năm 1988-1989 khi hai chú cháu "duyên kỳ ngộ". Sau đấy Chú trở thành người chú thực sự yêu quý của gia đình anh chị. Anh sẽ viết về điều này, nhưng không phải bây giờ, có lẽ sau khi Ông đã thảnh thơi về chốn Vĩnh Hằng! Chỉ biết khi thắp nén hương cho Chú, anh đã thầm niệm với Chú rằng, đây cũng là nén hương của con gái thắp cho Ba!



Từ: Meomun
01/08/2015 03:06:38



@Anh Hoài: Em rất thích những bức ảnh anh chụp phong cảnh trong bài viết. Bố cục và ánh sáng rất chuẩn, nhiều bức như tranh vẽ ấy. Đặc biệt là anh “tóm” được những moment tinh tế và sinh động, anh chụp bằng máy nào xịn thế? Chúc anh có nhiều sức khỏe để đi được nhiều nơi, chụp được nhiều ảnh đẹp.  


Bác Trần Văn Khê cũng là người Huế, cùng quê với chị Tân Thanh nhỉ. Thế ra bác Khê có họ với bên nhà chị Tân Thanh ạ?


 



Từ: Guest Binh TK
31/07/2015 15:36:27

Lâu nay em dị ứng với cầu thang , bữa nay nhớ KGU quá nên lên gác đọc bài của anh Hoài mà em cảm nhận mình đang được đi  với các anh tới những vùng miền của đất nước , mặc dù có những nơi em đã đi nhưng không được ngắm kỹ và chiêm ngưỡng những cảnh đẹp mà anh đã chụp , thật tuyệt vời quá . Mong sao anh mãi phát huy tinh thần đó anh hoài nhé ! Quá tuyệt vời anh ạ 


 



Từ: CucNT
30/07/2015 22:39:27

Nhiều người chê em Cúc viết dài, bài này của anh Hoài còn dài hơn mà em Cúc đọc 1 mạch, hay quá, thú vị quá . Những tên đường, những địa danh những kỹ niệm cứ lần lượt hiện ra dưới làn sương, trong ánh hoàng hôn trong cảm xúc mộng mơ của người đàn ông đã u 70 vẫn thèm được ôm ghì người yêu mà hôn trong chiều sương Đà Lạt vv


Cảm ơn anh Hoài đã dẫn đắt anh chị em đi theo 1 chuyến xuyên hết Việt thật thú vị.



Từ: Guest Hanh LT
30/07/2015 22:03:17

Một chuyến đi thú vị,thèm quá đấy...các anh hùng xa lộ U70 thật giỏi.Có lẽ Hoài là người đầu tiên của KGU có chuyến đi xuyên hết Việt kỹ càng và kỳ thú như thế( không biết có ai khác nữa không?)Sầu riêng chín cây,khg hoá chất chắc ngon lém...hihi.



Từ: ThoaNP
30/07/2015 20:50:41

Hoài ơi, bài hay quá. Rất rất hay đấy. Cảm ơn Hoài.



Từ: NguyetTM
30/07/2015 17:15:37

Anh Hoài post Album ảnh vào Web. để mọi người chiêm ngưỡng nhé. Cả ảnh bác Khê nữa nhé. Ảnh chị Tân Thanh và bac Khê năm 1989 còn trẻ quá nhỉ. Bác khê có giọng nói thật ấm áp và truyền cảm. Em có gặp bác ở Sài Gòn mấy năm trước, khi bác đã cao tuổi rồi.



Từ: NguyetTM
30/07/2015 17:11:14

Anh Hoài ơi, chỉ còn biết bình luận là trên cả tuyệt vời ! Các anh có chuyến xuyên "nốt" việt thật ý nghĩa và thú vị. Những bức ảnh anh post thật là đẹp - thật đáng tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam.


Xin cảm ơn anh đã chia sẻ những tình cảm khi qua những vùng chiến sự năm xưa, về những người lính năm xưa. Đoạn trích về người lính như Dụng rất chân thành đầy cảm thông sâu sắc. Cả nửa thế kỷ trôi qua rồi mà những tình cảm rất nhân văn và lòng yêu nước tuyệt đối của thế hệ trước vẫn làm chúng ta thật là xúc động.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s