KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ hai 31 Tháng tám. 2015

KỸ NIỆM 30 NĂM LƯU HỌC SINH ĐI LIÊN XÔ




Tác giả: CucNT

 

 

LỄ KỸ NIỆM 30 NĂM LƯU HỌC SINH ĐI LIÊN XÔ

 

 

Mấy tháng nay  thông tin về cuộc hội ngộ kỹ niệm  30 năm đi Liên Xô du học tràn ngập trên Fb. Chúng tôi náo nức chờ tới ngày 15/8 để có mặt tại Hà Nội thỏa nỗi nhớ mong bao tháng ngày.

Tôi và chị Trinh cùng con trai chị bay ra Hà Nội vào chiều ngày 14/8/2015. Anh Tuấn Chi đã đón chúng tôi và đưa đi chơi, chụp ảnh nhiều nơi trước khi đến trang Trại Đông Dư dự buổi hội ngộ.

 



                      TẠI TẦNG 65 TÒA NHÀ LOTTE  HÀ NỘI

Kết quả kỳ thi Đại học năm 1983 -1984 đã lựa chọn được gần 1 ngàn sinh viên đạt điểm cao được chọn đi du học ở Liên Xô  và các nước Đông Âu.

Chúng tôi từ mọi miền đất nước tập trung về trường Đại học ngữ Thanh Xuân Hà Nội học ngoại ngữ để chuẩn bị đi du học. Nơi đây nhiều mối tình chớm nở, nhiều tình bạn đã đơm hoa

Một năm chật vật với môn ngoại ngữ đã trôi qua, ngày 13,14,15/8/1985 những chuyến bay đã đưa chúng tôi rời tổ quốc yêu thương tới Liên Xô và các nước Đông Âu. Những người được học ở Liên Xô có tình cảm đặc biệt thân thiết với nhau. Chúng tôi ôm hôn từ biệt nhau để đến học ở 15 nước Cộng hòa khác nhau. Những lá thư viết cho nhau nóng hổi tình yêu thương. Hồi đó các phương tiện thông tin còn khó khăn nên mỗi lá thư đến với nhau là niềm động viên lớn lao để vượt qua nỗi nhớ quê hương da diết. Các kỳ nghĩ đông, nghĩ hè, chúng tôi đến thăm nhau, bạn bè gặp nhau vui mừng khôn xiết như gặp người ruột thịt nơi xa quê. Những mối tình chớm nở từ thời học ở trường ngoại ngữ Hà Nội đã thắm đượm hơn trên đất nước Xô viết và nhiều đôi đã nên vợ nên chồng. Xa gia đình, quê hương, xa những người ruột thịt, nơi đây, trên mảnh đất Xô Viết này chúng tôi đã có những tình bạn đẹp đẽ, thủy chung. Cuộc sống đang bình yên nơi nước bạn thì năm 1991 Liên Xô tan rã. Hầu như tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng, choáng váng trước sự thật dữ dội đó. Nhiều bạn học xong về nước đi làm trong thời bao cấp cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân xây dựng cuộc sống. Nhiều người qua các nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Rimani  bằng con đường không chính thức và ở lại đó mưu sinh. Nhiều người như tôi ở lại Mondova học tiếp. Một sự xáo trộn khủng khiếp trong lòng Liên Xô, các hàng rào hải quan được lập nên, chúng tôi không được qua lại thăm nhau như trước nữa. Khi Liên Xô đang tồn tại các ngành công nghiệp của  15 nước sản xuất theo phương thức dây chuyền, khi 15 nước đó bị tách ra thành 15 quốc gia khác nhau, 1 cỗ máy dường như bị tách ra thành 15 mảnh, tan vỡ, lụi tàn. Trong sự khủng hoẳng chung đó, mỗi chúng tôi dường như cũng bấn loạn. Trước đó, 2 đứa bạn thân của tôi đang học trường MGU khoa triết, chủ nghĩa cộng sản khoa học – đã bỏ học giữa chừng. Chúng tôi phân tán mỗi người 1 nơi, chật vật để mưu sinh, để học hành và tạo dựng cuộc sống. Những lá thư thưa thớt dần và tin tức về nhau cũng trở nên mất hút.  Ba mươi  năm trôi qua với biết bao biến động của 1 đời người, biết bao thăng trầm chúng tôi đã trãi để rồi hôm nay, chúng tôi lao vào nhau, ôm nhau trong nước mắt giàn dụa của ngày gặp  mặt . Trang trại Đông Dư hôm nay chứng kiến sự có mặt của hơn 200 cựu sinh viên Liên Xô trong niền vui náo nức. Các bạn từ khắp các nước Nga, Ba Lan,Tiệp Khắc, Đức vv và mọi miền đất nước cùng về hội tụ.

               

 

 

HỘI NGỘ TẠI TRANG TRẠI ĐÔNG DƯ VỚI NHỮNG LON BIA NGA

Người đế xuất ra ý tưởng và là nhà tài trợ chính của ngày gặp mặt của cựu sinh viên Liên Xô là bạn  Nguyễn Cảnh Sơn. Sơn sinh năm 1967 tại Thanh Chương, Nghệ An, học ngành xây dựng tại liên bang Nga. Năm 1994 Sơn thành lập công ty T@M trans tại Nga. Bạn đã rất thành công trong sự nghiệp. Hiện nay bạn là Chủ tịch HĐQT  CT CP Eurowindow holdinh, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư T@M VN, Phó  CT HĐ QT ngân hàng  TM CP Kỹ thương Techcombank vv

                  Bạn Nguyễn Cảnh Sơn

Bạn Lưu Quang Định cùng bạn Hoàng Yến, bạn Phú là những người dẫn chương trình cùng rất nhiều các bạn khác trong ban tổ chức. Chúng tôi biết Định khi học ở Hà Nội. Qua Liên Xô, Định học tại  Odesa – Ukraina còn chúng tôi học tại Kishnew – Mondova. Bạn thân của tôi là Nghiêm, Tuấn cùng học  với Định. Các kỳ nghĩ, chúng tôi tới Odesa thăm Nghiêm, Tuấn và rất muốn làm quen với Định chỉ vì Định là em ruột của Lưu Quang Vũ. Hầu như cuốn sổ tay nào của chúng tôi cũng có những bài thơ tình của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Tình yêu của chúng tôi dường như đẹp hơn, lãng mạn hơn nhờ những bài thơ đó.  Vào mùa hè năm 1988  giới văn nghệ sỹ và công chúng bàng hoàng hay tin: Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng đứa con trai của 2 người lâm nạn trong vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương.  Sự nổi tiếng của cặp vợ chồng nghệ sĩ tài danh này đã khiến cho việc ra đi của họ gây nên niềm tiếc thương vô hạn trong lòng công chúng. Lúc đó Định vừa về phép từ Việt Nam qua Odesa. Ba ngày sau vụ tai nạn, đọc báo nhân dân Định mới biết. Định dường như hóa đá trước nỗi đau, chúng tôi chỉ biết dặn Nghiêm, Tuấn hãy thường xuyên động viên và chăm sóc bạn.

Hôm nay gặp lại Định, chúng tôi rất mừng khi thấy bạn khỏe mạnh và thành công trong sự nghiệp làm báo của mình.

BẠN ĐỊNH ĐỨNG GIỮA CÁC NÀNG CA SỸ

16gchiều, buổi lễ bắt đầu trong trang trại Đông Dư, mùi ổi chín thơm ngọt ngào lan tỏa khắp trang trại.

 

 

TRONG CĂN NHÀ LÁ CỦA TRANG TRẠI ĐÔNG DƯ

Chúng tôi ngồi quanh những chiếc bàn , uống nước Kvac, bia Nga và hồi tưởng lại bao kỹ niệm. Bạn Phú và bạn Hoàng Yến đọc diễn văn chào mừng ngày hội ngộ: “Sau bao năm tháng cách xa, chúng ta hội tụ về đây để ôn lại kỹ niệm, để làm thắm đượm thêm tình bạn và kết nối cùng nhau, hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống, công việc, chia sẻ cùng nhau những buồn vui, hạnh phúc”.

BẠN HOÀNG YẾN VÀ BẠN PHÚ TRONG VAI TRÒ MC.

Clip do anh Lê Thanh Minh dày công dàn dựng về những hình ảnh 1 thời ở Thanh Xuân Hà Nội và những năm tháng trên đất nước Xô Viết được chiếu lên, hiện thực và sống động. Chúng tôi ngắm say sưa, hồi tưởng lại chính mình những tháng năm tuổi trẻ. Chị Trinh, các bạn Hồng Hà, Linh Chi vv cất lên những bài hát tiếng Nga da diết.

CHỊ TRINH VÀ CÁC BẠN HÁT CÁC BÀI HÁT TIẾNG NGA.

Buổi lễ diễn ra long trọng còn bởi sự có  mặt của Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và 2 phự nữ Nga xinh đẹp làm việc ở viện văn hóa Việt Nga.

BÍ THƯ THỨ NHẤT ĐẠI SỰ QUÁN NGA, BẠN ĐỊNH VÀ 2 CÔ GÁI NGA.

Tất cả im lặng lắng nghe bài hát quen thuộc “Nước Nga, tổ quốc tôi”, “Cuộc sống ơi! Tôi mến yêu người” do ca sỹ Ngọc Khang trình bày. Anh đã từng học tại học viện âm nhạc Traicopxky nên tiếng hát của anh thấm đượm tâm hồn Nga, du dương truyền cảm. Chúng tôi chờ đợi anh Hồng Thanh Quang đọc thơ nhưng có lẽ do âm thanh không được tốt nên anh để dành vào dịp khác.

 

CA SỸ NGỌC KHANG, NHÀ THƠ HỒNG THANH QUANG

Tham tán đại sứ quan Nga Volodia Sustop phát biểu “ Tôi rất vinh dự được có mặt tại buổi lễ này, nơi hội tụ của những người đã từng sống, học tập, nghiên cứu và làm việc tại nước Nga, những người nói tiếng Nga, yêu nước nga. Tôi hy vọng rằng những tình cảm, kiến thức các bạn có được từ nước Nga rất hữu ích cho các bạn. Tôi chúc cho tình bạn của các bạn trường tồn mãi mãi, cầu mong cho tình yêu đối với nước Nga không bao giờ phai nhạt trong trái tim các bạn…”

 

Những lời anh nói chính là sự thật. Người dân Nga nói riêng và người dân Xô Viết nói chung đã trao cho chúng tôi tình cảm, kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi giúp chúng tôi trở nên những con người hữu ích như hôm nay.

TẶNG QUÀ CHO CÁC CÔ GÁI NGA

Các thầy cô giáo dạy tiếng Nga đến chung vui cùng chúng tôi. Ngày đó học tiếng Nga sao mà khó thế.

Chúng tôi ở ký túc xá , lớp C2 của tôi ở 2 nơi, các bạn ở 1 phòng còn tôi và Nhàn,  Ngà, Phương Hoa ở cùng các anh chị lớp C5 ở chung 1 phòng. Quê tôi ở Hà Tĩnh, Nhàn ở Nghệ An, Ngà quê Phú Thọ, chị Lan, Trinh ở Sài Gòn, Hoa và các chị khác quê Hà Nội. 

  THU LAN, THU CÚC, THU NGÀ.

CẢ BA THU ẤY, ANH THA THU NÀO ?

(Thơ Tuấn Chi)

Mỗi người 1 vùng miền nên kiểu cách sinh hoạt và giọng nói khác nhau nhưng chỉ  sau 1 thời gian ngắn bỡ ngỡ, chúng tôi  đã hòa  vào nhau, yêu thương, xẻ chia cho nhau  mọi vui buồn trong cuộc sống. Tôi và Nhàn  là những đứa quê mùa  nhất, nghèo nhất nhưng được các bạn và các anh chị thương yêu nhất, nhất là chị Trinh, người chị mà mỗi lúc gặp nhau chúng tôi luôn nhắc tới chị với niềm vui và lòng biết ơn vô hạn. Lớp C2 của chúng tôi cũng góp nhặt đủ mọi miền quê. Anh Bảo lớn tuổi nhất và học tiếng Nga dường như cũng vất vả nhất. Các bạn ở Hà Nội đã từng học chuyên ngữ nên nói tiếng Nga tằng tằng còn chúng tôi nghe như vịt nghe sấm. Điểm thi đại học thì đã đủ chỉ còn ngoại ngữ và môn chính trị là phải vượt qua thì chúng tôi mới được chính thức đi du học. Ngày đó được đi du học dường như là ước muốn của tất cả sinh viên, vừa là ước mơ đổi đời (Vì ở Việt Nam cuộc sống khó khăn quá) vừa là niềm vinh dự cho bản thân cũng như gia đình. Tôi nhanh chóng kết thân với Lan (quê Thanh Hóa), chiều chiều 2 đứa lên sân thượng học thuộc lòng 50 từ mới, đứa này khảo bài cho đứa kia nhưng khi về tới phòng thì còn nhớ khoảng 10 từ.

                                  CÚC, CHỊ TRINH VÀ CÁC BẠN.

Lên lớp cô Tiến (chủ nhiệm) rất kiên trì dạy chúng tôi nhưng nhiều lúc cô buồn vì giọng Nghệ Tĩnh phát âm chán quá, nhất là khi chúng tôi đánh sai trọng âm rất nhiều. Vui nhất là anh Bảo, cứ hỏi hết người này đến người kia “Từ thì anh nhớ nhưng anh không thế nào chia ra 6 cách được, anh chỉ thắc mắc cái đuôi thôi, động từ "yêu" sao lại không liubiu mà lại liu bờ liu?”. Chúng tôi học ngày học đêm mà chẳng thể nào giỏi lên được. Tầng trên có anh Nho thường thức rất khuya, lẩm bẩm các từ. Có lần anh cầm sách đi ra hành lang, bạn Kết thức  giấc, hỏi bằng tiếng Nga “Anh đi đâu đấy?”. Anh Nho trả lời “Đi thư viện”. “Thư viện đâu vào lúc 1 giờ đêm thế này? Anh phải nói là anh đi hóng mát hoặc đi nhà vệ sinh” bạn Kết nhắc. Anh Nho bảo “ Khổ quá! Anh nhớ được mỗi cái từ “thư viện” thôi”. Chín tháng trôi qua, kỳ thi quyết định đã đến, tất cả vùi đầu vào học tiếng Nga, riêng mình anh Lữ - chúng tôi vẫn gọi anh là nhà thơ Thế Lữ , ngơ ngác như con nai vàng lạc giữa rừng thu, cứ ôm cuốn sách chính trị học ngày học đêm. Lo lắng cho anh, có bạn nhắc, anh học tiếng Nga đi chứ, sao cứ học chính trị hoài vậy? Anh Lữ trả lời “Có bạn bảo với anh, được 10 điểm chính trị thì khỏi thi tiếng Nga”. “Trời ạ! Bạn nào mà đùa ác vậy? làm gì có chuyện đó, với nữa anh nghĩ được 10 điểm chính trị dễ lắm sao?” “Tất nhiên là khó nhưng mà còn dễ hơn được 5 điểm tiếng Nga em ạ!”

Vì giai thoại đó và tính cách thoải mái, galang của anh, hầu như tất cả đều nhớ tới anh. Hôm nay gặp lại, anh đã là 1 biên tập viên, 1 phóng viên xuất sắc của báo pháp luật.

                                       ANH LỮ BÂY GIỜ

 

Chúng tôi nhắc lại chuyện cũ, tất cả đều cười vui. Ban tổ chức mời các thầy cô giáo lên sân khấu nhận quà và nói lời tri ân. Mỗi chúng tôi cầm cốc tới  bàn của thầy cô giáo chúc sức khỏe thầy cô và khẳng định nếu không có sự dạy bảo tận tình của thầy cô năm đó, chúng tôi đã chẳng thể nắm vững được tiếng Nga mà đi du học. Mọi người hỏi về cô Tiến, chủ nhiệm lớp C2 của tôi, tôi rưng rưng nước mắt. Ngày tôi về nước năm 1999, qua Matxcova tôi đã đến tạm biệt thầy cô. Thầy Hoàng từng bồi dưỡng kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc cho chúng tôi năm 1984 nên tôi quen biết thầy. Chúng tôi rất mừng khi cô Tiến, vợ thầy, chủ nhiệm lớp tiêng Nga của tôi. Ngày 1/8/1993 khi đó Quỳnh Nga, con gái đầu của thầy cô mới 13 tuổi bị mất tích ở Xochi. Lúc đó thầy cô chuẩn bị cho đợt bảo vệ luận án tiến sỹ nên để Quỳnh Nga đi nghỉ mát ở Xochi cùng người bạn như 1 phần thưởng khi cháu đoạt danh hiệu học sinh xuất sắc tại trường học cấp 2 của Nga. Hai mươi ba  năm đã trôi qua, thầy cô đã tìm con khắp nơi trong nắng cháy, dưới bão tuyết, trong mưa dầm gió bấc nhưng hình bóng đứa con vẫn mịt mờ. Thầy Hoàng sang  Bungari gặp bà Wanga , nhà chiêm tinh nổi tiếng này đã phán rằng con gái của thầy cô còn sống. 15 năm trước khi gặp thầy, tôi thấy tóc thầy đã bạc trắng và chân thì đi khập khễnh vì bị gout. Tôi xót xa, mùa đông Nga lạnh cóng như thế, sức khỏe thầy cô vậy làm sao mà bảo đảm. Hay là thầy cô về Việt Nam đi, có tin tức gì mọi người sẽ báo. “Không thể em ạ! Thầy cô phải tìm ra con gái Quỳnh Nga rồi mới về”. Chẳng ai đếm hết bao nhiêu nơi thầy cô đã đến, bao đêm dài thức trắng, bao nhiêu lần trái tim thầy cô chảy máu vì đi từ hy vọng sang thất vọng. Nước Nga đã cho chúng tôi rất nhiều thứ, sao nỡ gây cho thầy cô giáo của tôi nỗi bất hạnh lớn lao như thế chứ?

Chúng tôi hỏi thăm về nhau, về những người bạn từ bấy đến nay không gặp mặt nhưng trong lòng mỗi người đều có hoài niệm về họ với những kỹ niệm ngọt ngào. Tôi kể các bạn nghe về Khuyên, cô gái rất xinh đẹp, nết na đang định cư tại Đức và có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Tôi tránh không nhắc đến anh nhưng mọi người vẫn hỏi và tôi đã kể về anh Tiền, người kết nghĩa thân thiết của tôi. Khi học xong, lên Matxcova lấy vé để về Tiền Giang quê anh, anh gặp mấy người, họ bàn anh trốn qua Đông Đức và anh đã đồng ý. Cuộc sống nơi đó không đưa đến cho anh may mắn, anh về 1 làng quê sống ở đó và rồi anh bị bệnh, đến nay vẫn chẳng thể về Việt Nam. Thi thoảng anh viết cho tôi với sự tiếc muối, giá như ngày đó anh về Việt Nam. Với mỗi người khác nhau, không biết sự lựa chọn nào là đúng đắn nhất. Tôi an ủi anh, hãy tin tưởng, sẽ có ngày anh khỏe mạnh và tổ quốc yêu thương đang đón chờ anh!

Ban tổ chức trao qùa cho các mạnh thường quân, bạn Hùng, bạn Trần Ngân, Lê Đức, Hoa Khoa, Đặng Hồng vv Mọi người bảo bạn Sơn phát biểu nhưng bạn mỉm cười từ chối. Bạn lúc nào cũng thế, không phải chỉ ở đây, bạn đã làm rất nhiều chương trình từ thiện nhưng lúc nào cũng lặng lẽ, khiêm nhường.

                                   CÁC MẠNH THƯỜNG QUÂN

Quà được trao cho những cặp vợ chồng được tác thành từ tình yêu của những ngày tháng ở Thanh Xuân và nở rộ, chín đỏ trên đất Nga. Mọi người thật vui. Những món ăn Nga được dọn ra. Có lẽ ban tổ chức đã mất rất nhiều thời gian và công sức để đưa được từng đó rượi, bia nước Kvac từ Nga về.

Chúng tôi – những người từ xa đến cũng được nhận quà.Ban tổ chức thật sâu sắc sắc và chu đáo.

Những cặp đôi tác thành từ đợt đi du học năm 1985

Trong niềm xúc động, tôi đón lấy micro từ tay bạn Phú nói lời cảm ơn đến các nhà tài trợ, ban tổ chức, các thầy cô, khách mời và sự hiện diện của tất cả đã làm nên buổi gặp gỡ ấm áp tình thân như hôm nay. Chúng ta đã chung nhau những năm tháng học tập trên đất Xô Viết, 30 năm ấy bao nhiêu thăng trầm đã trãi, mỗi người 1 số phận, 1 hoàn cảnh khác nhau giờ đây mỗi người 1 vị trí nhưng chúng ta không phân biệt, chúng ta gặp gỡ để nối lại tình bạn, để chia sẻ cùng nhau trong công việc và cuộc sống.Và chúng ta kết nối để khẳng định với nhau 1 điều, chúng ta yêu và tri ân Liên Xô  và người dân Xô Viết.Trong niềm xúc động, tôi đọc tặng tất cả những câu thơ:

“ Rồi sẽ có 1 ngày ta ngoái lại,

Bạn bè ơi! Khi đó có còn nhau,

Cơn lốc đời xô đẩy bạn về đâu?

Ta ngoái lại nhìn nhau mắt đẫm lệ.

Rồi sẽ có 1 ngày sau tháng ngày dâu bể,

Chúng mình cùng ngoái lại tìm nhau

Ta nói yêu thương khi tóc đã đổi thay màu.

Bàn tay héo cầm lâu cho ấm mãi,

Bàn tay héo, nụ cười xưa dẫu héo

Chỉ xin đừng tàn lụi chút niềm tin

Dẫu mong manh, rạn vỡ chẳng nguyên lành

Xin hãy có 1 ngày nhen nhóm lại.”

Tôi nâng niu món quà các bạn trao. Đó là hình cô gái Nga dịu dàng xinh đẹp. Cuộc vui dường như bất tận, các lớp thi nhau chụp hình làm kỹ niệm. Chúng tôi ra về khi màn đêm buông, Hà Nội lánh lánh trong ánh điện. Giấc ngũ an lành đã đến với tôi. Sáng hôm sau, lớp C2 của chúng tôi lại tụ tập. Ngoài những người bạn cùng quê Nghệ Tĩnh, tôi đã có thêm bao bè ở mọi miền đất nước, những người bạn rất thân như anh Nhân, Lan (Thanh hóa), ban Văn,Ngà (Phú Thọ), Chị Trinh ( Sài Gòn), bạn Kết ( Hà Bắc), Mai (Thái Bình) vv tôi thấy mình giàu có biết bao nhiêu.

                                          LỚP C2



Chúng tôi về lại Tp. HCM tiếp tục cuộc sống của mình nhưng dư âm về cuộc hội ngộ 30 năm đi Nga thì còn mãi.Chúng tôi tri ân đất nước Xô Viết, tri ân những năm tháng tuổi trẻ đó và tôi muốn nói với tất cả  bằng 1 câu theo ý trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của đại thi hào Nga Lev Nikolayeviv Tolstoy: “Năm tháng rồi sẽ qua đi, mặt đất sẽ bình yên trở lại, những cuộc chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, các cuộc cách mạng sẽ thôi gầm rú, cho dù có những thay đổi không ngờ như sự tan rã của liên bang Xô Viết thì vẫn còn lại tình yêu bất diệt chúng tôi dành cho người dân Xô Viết ” và sẽ vĩnh hằng tình bạn mà chúng tôi xác lập trong những tháng năm sống xa Tổ quốc trên  đất  Xô Viết.

Hà Nội – Tp HCM, tháng 8/2015.

Cucnt


Người post: CucNT

Ngày đăng: 31-08-2015 03:03






Xem 11 - 15 của tổng số 15 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: NgaHT
31/08/2015 22:05:48

Chúc mừng em và các bạn


 30 năm xa cách. Biết bao đổi thay trong cuộc đời 1 con người.


Gặp nhau thật vui phải không em?


10 năm sau, các em sẽ có cuộc hội ngộ như năm của các chị.


Nhưng chắc sẽ hoành tráng hơn.



Từ: NguyetTM
31/08/2015 15:59:28

Chúc mừng em Cúc và các bạn khóa 1985 có buộc gặp mặt vui vẻ nhé. Khóa em tổ chức hoành tráng hơn khóa Thanh Xuân 1975 (những người học dự bị ngoại ngữ ở Thanh Xuân năm 1975)  vừa mới tổ chức cuối tháng 7 đấy. Gặp nhau tươi cười rạng rỡ thật là hạnh phúc. Chị cũng vui thay. Các em còn mời được cả đại diện Sứ quán Nga, bạn bè Nga và những "ca sĩ hát tiếng Nga xịn" nữa. Thật tuyệt vời. Hãy giữ mãi những tình cảm đẹp đẽ của thời sinh viên nhé.



Từ: Guest LamTB
31/08/2015 06:52:34

Hay lắm. Đúng là mỗi khóa cũng có rất nhiều kỷ niệm chung thân thương. Nhưng tổ chức được cuộc gặp theo khóa có lẽ là khó hơn theo trường,


Chúc mừng em Cúc lại tìm thấy nhiều bạn cũ.



Từ: ThanhLK
31/08/2015 05:58:21

Chị xem ảnh ở fb tưởng là Cúc gặp bạn hồi PT. Chúc mừng các bạn đã có cuộc hội ngộ tưng bừng thế .



Từ: ThoaNP
31/08/2015 04:19:42

Thảo nào bữa đó em Cúc không đến nhà chị Ngọc Hoa được.


Tổ chức được cuộc vui rộng như vậy, khóa các em phải giỏi liên kết lắm nhỉ. Chúc mừng em vui gặp lại bạn bè cũ. Bây giờ về nhà rồi lại tiếp tục viết bài cho web mình nhé. Cũng hơi lâu rồi chưa được đọc những bài viết chân tình của em.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7170
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s