ÂN TÌNH VÍ GIẶM
Mẹ tôi kể rằng hồi thanh niên mẹ đi hát ví phường vải nên gặp cha tôi, hát đối nhau nhiều đêm, hai người quen nhau và đã nên vợ nên chồng. Tôi hỏi hồi đó cơ cực thế mà cũng đi hát hả mẹ. Mẹ tôi cười, “Thi thoảng mẹ mới theo bạn đi hát đối thôi, đã khổ cực mà không hát hò nữa thì lấy sức đâu mà sống hả con?”. Tôi lớn lên trong tiếng ru à ơi của mẹ từ những điệu hò, ví giặm thấm đẫm nghĩa tình của quê hương. Rồi tôi đi học xa, những điệu ví ít dần mà thay vào đó chúng tôi được nghe, được hát những bài hát trẻ tràn đầy khí thế của một thời cách mạng. Qua Nga du học, những bài hát Việt mờ hơn, ngày ngày chúng tôi nghe nhạc Nga từ ti vi, radio gắn trên tường. Thế rồi một ngày, tất cả chúng tôi ôm ngực thổn thức , xúc cảm trào dâng , nước mắt chan chứa khi Thu Lan bạn tôi cất lên tiếng hát “ Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò xứ Nghệ”.
Ôi câu hò xứ sở, hết giận rồi lại thương
Ôi! Câu hò quê hương, em hát chiều nay răng mà thương mà nhớ”.
Ai đi xa quê mới hiểu hết nỗi niềm của những người con xa xứ, nỗi nhớ không đặt thành tên, cứ day dứt, thổn thức trong lòng mỗi người và âm nhạc như một thứ men say làm con người ta đắm chìm vào đó những nỗi niềm riêng đau đáu.
Tôi về nước, không về quê sinh sống như khi đi xa vẫn tâm niệm mà chọn Sài Gòn làm nơi định cư. Cuộc sống thành thị hối hả, tấp nập đi cả vào trong nhịp điệu của âm nhạc. Thi thoảng tôi đi xem ca nhạc và không còn được nghe những giọng hát tinh khiết vút lên không trung rơi chầm chậm xuống lòng khán giả nữa mà hòa vào đó rất nhiều phối khí của các loại nhạc cụ. ‘Âm nhạc hiện đại nó phải thế’, tôi tự nhủ nhưng vẫn đăm đắm ước muốn được nghe những làn điệu dân ca ví giặm quê nhà cất lên từ những giọng hát chân chất nhất.
Quê hương tôi:
“ Một mảnh đất miền Trung dài hẹp,
Một niềm Trung đất thiếu trời thừa.
Nắng và gió và bụi mù bốc lửa
Cháy lòng tôi những khao khát khôn cùng”.
Dù bao đời nay người dân nghèo khó, quanh năm lam lũ với mùa màng với bão lũ thiên tai nhưng chất chứa trong người một tâm hồn lãng mạn, bay bổng,“ những khao khát khôn cùng”, đằm thắm một tình yêu thiết tha với ruộng đồng, làng quê, chòm xóm. Cố PGS Ninh Viết Giao người dành cả cuộc đời nghiên cứu về văn hóa xứ Nghệ từng viết “Quanh năm trên đất Hồng Lam, lúc nào cũng có tiếng hát ví của bà con lao động….Tiếng hát vì đó đưa như nhớ thương người, theo nhịp mái chèo từ mặt nước sông Lam, sông La, sông Phố vẳng lên quyện với giọng hát ví phường vải “êm như liễu, nhẹ như tơ”, trầm ấm man mác từ các thôn xóm vọng ra, lan tỏa khắp đồng nội, cỏ cây".
Điều đó thể hiện ví giặm là sản phẩm của người lao động, họ hát lên, đối đáp nhau từ cảm xúc tức thời trong môi trường lao động vì thế nó truyền cảm hứng đến đối tác trực tiếp mà không cần sự trợ giúp của một không gian sân khấu sau bàn tay của nhà đạo diễn nào.
Ngày 27/11/2014 tại Paris (Pháp) Dân ca ví giặm tại Nghệ Tĩnh là một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Chúng tôi, những người con xứ Nghệ thật vui sướng, tự hào về điều đó. Tuy nhiên, được UNESCO công nhận là quý rồi nhưng làm thế nào để bảo tồn và phát huy mới là điều quan trọng.
Một nhóm cựu học sinh trường Phan đã tổ chức một đêm ví giặm Nghệ Tĩnh tại sân trường Phan nhằm tôn vinh và giúp đỡ một số nghệ nhân và kết quả thật tốt đẹp. Ví Giặm lan tỏa mọi nơi, địa điểm tiếp theo là nhà hát Âu Cơ Hà Nội, sau đó là nhà Hát Bến Thành, Tp. HCM và nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng, rồi lan tỏa ra mấy nước ở Châu Âu với châm ngôn “ ở đâu có người Nghệ, ở đó có ví giặm. Người dân Nghệ Tĩnh khắp mọi niềm đất nước và năm châu được thưởng thức những làm điệu quê nhà trong niềm vui sướng và đam mê. Những buổi biểu diễn đó là do cựu học sinh Phan Bội Châu tổ chức cũng như đóng góp kinh phí.
Em Phan Ngọc Minh cựu học sinh Phan Bội Châu trao đổi với tôi “ Chị ơi! Năm nay, hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội sẽ tổ chức chương trình này nhưng em vẫn là tổng đạo diễn”. Đúng rồi, “ em đã làm trưởng ban tổ chức ở Hà Nội, Đà Nẵng, Châu Âu rất thành công thì nay em tiếp tục làm là đúng rồi, chị không làm được gì giúp em nhưng chị sẽ là một cổ động viên nhiệt thành. Em cứ làm đi, chị tin là sẽ thành công”. Sau bao tháng trời đi giao lưu, gặp gỡ bao nhiêu người, lên kế hoạch, hoạch định chính sách em đã được các bác trong hội đồng hương Nghệ An nhiệt thành ủng hộ nhất là các bác như Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Quắc Thước, Nguyễn Đình Lương, Nguyện Như Khôi, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Nguyễn Hồng Thái vv.
Em đã cùng mọi người về quê rất nhiều lần đến những câu lạc bộ ví giặm để tuyển chọn các tiết mục . Đường em đi trãi dài từ đầu Nghệ An, Thanh Chương, Nghi Xuân đến cuối Hà Tĩnh như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên để gặp gỡ, giải thích và vận động các nghệ nhân trình diễn. Nhiều người đã rất ái ngại “các bác chỉ quen hát với nhau trên chiếu cói ở sân đình, giờ ra trình diễn ở trung tâm Hội nghị quốc gia, ngại lắm cháu ơi! Sợ “đem chuông đi đánh đất người lắm!”. Thế nhưng bằng tấm lòng chân thành và trái tim đầy nhiệt huyết em và một số người trong ekip (do em chỉ định) đã thuyết phục được các nghệ nhân hẹn ngày hội ngộ tại Hà Nội.
“ Chị ơi! “Ân tình ví giặm sẽ được trình diễn vào đêm 12/11 ) giá vé là 1 triệu, năm trăm ngàn và ba trăm ngàn chị ạ” - Minh gọi cho tôi. .” Giá vé như thế là quá cao đối với những chương trình bình dân như ví giặm em ạ”. “Nhưng thuê ở trung tâm Hội nghị quốc gia đắt lắm chị ơi!”. Chị biết nhưng em hãy làm thế nào để 4000 chổ không còn trống.”. Với tài năng và tấm lòng của mình, em đã vận động được rất nhiều mạnh thường quân và cuối cùng giá vé chỉ còn 500 ngàn ( vé vip) và 200 ngàn ( vé thường).
Tôi bay ra Hà Nội đứng trước trung tâm Hội nghị quốc gia lòng lâng lâng cảm xúc.
Ban đầu số người còn thưa thớt nhưng dần dần thì mọi người ùn ùn kéo đến. Là trí thức, là doanh nhân là sinh viên, học sinh và cả những người lao động lam lũ hôm nay cũng diện bộ áo mới để đến thưởng thức hương vị quê nhà. Tôi gặp ở đây cả những ông bố, bà mẹ lưng đã còng, tóc đã bạc vẫn được con cháu đưa đến chung vui. Nhiều người có lẽ xa quê đã lâu nay nghe tin có chương trình âm nhạc của quê hương thì náo nức đến xem để qua đó hồi tưởng lại những tháng ngày trên quê mẹ.
20 giờ khán giả đã ngồi chật khán phòng. Sân khấu trang trí hoành tráng nhưng đượm chất dân gian. Mở đầu chương trình là tiết mục tập thể “ Về Miền ví giặm” của tác giả An Ninh
…” Đưa nhau về miền ví giặm, lời nhắn bạn xa gần
Về xứ Nghệ thân thương, say trong câu ví giặm, say nghĩa tình ví giặm
Chắt chiu từ chua mặn, từ trong đục lỡ bồi, từ môn khí của đất trời,
một nắng hai sương ví giặm nối nên lời, là cốt cách tâm hồn bao đời dân xứ Nghệ…..”
4000 khán giả lặng người dõi theo từng tiết mục. Điểm đặc sắc của đêm nhạc là sự đan xen giữa các tiết mục của những nghệ sỹ điêu luyện đến từ nhà hát dân ca Nghệ an, Trung Tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ như NSND Tiến Dũng, NSND Thu Hiền, NSUT Khánh Cầm với các bài hát nổi tiếng như “ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” ( An Thuyên), “Khúc hát giao duyên”, NSND Tiến Dũng, “Giận mà thương” ( Trần Hoàn), “Khúc hát sông quê” (Nguyễn Trọng Tạo) với các tiết mục của các nghệ nhân đến từ các câu lạc bộ Ngọc Sơn ( Thanh Chương), Xuân Giang ( Nghi Xuân), Kỳ Trinh ( Kỳ Anh), Cẩm Mỹ ( Cẩm Xuyên) các tiết mục như Phụ tử tình thâm, duyên phường Cấy, Ví giặm bỏ bùa, Giặm xay lúa vv
Nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền đẹp rực rỡ tuổi xế chiều, thướt tha trong tà áo dài, cất cao câu hát " "câu đợi, câu chờ"
"Ngày ấy bên bờ sông La
Anh nghe câu hò Ví dặm
Để một đời anh đi xa
Để ngàn lần anh nhớ mãi".
Rất nhiều người rơi nước mắt trước tiết mục “ Phụ tử tình thâm” do NSND Hồng Lựu và các em ở câu lạc bộ Chồi Xanh trình diễn. Lời thơ kể về công sinh thành cưỡng dục của cha mẹ từ khi con lọt lòng đến lúc con trưởng thành. Cha mẹ suốt một đời hy sinh lo lắng, chăm sóc cho con để đến khi con khôn lớn, mong ước đến đáp công sinh thành của cha mẹ thì cha mẹ đã qua đời, mâm cơm dọn ra “chỉ có ruồi với muỗi”.
Bài hát “ Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” đưa người nghe về với hình ảnh của bác từ tuổi ấu thơ
…”Bác lớn lên trên quê đất mẹ hiền.
Bác theo phường đi nghe hát,
Quần sắn gối đương đầu sân
Dân mất nước mới lầm than,
Mà nghe lời ca .nghe cũng xót xa”
Từ những lời ca đó, trong lòng Bác trào dâng một tình thương bao la đối với dân tộc và những lời ấy đã là sức mạnh giúp Bác “ra đi tìm đường cứu nước”.
Tuổi ấu thơ Bác đã đi,
Suốt chiều dài câu đò đưa,
Tuổi ấu thơ Bác đã sống,
Suốt chiều rộng câu dân cạ
Rồi từ ấy...........ơ.ơ
Bác tìm đường cứu nước.ư.ư non “…
Thanh thản ngồi trong Trung tâm hội nghị quốc gia hoành tráng thưởng thức những làn điệu trữ tình tha thiết, bài hát về Bác làm mỗi người đều lắng lại, hiểu thêm giá trị của cuộc sống bình yên này, tri ân Người và nhận thức thêm trách nhiệm của mình trước cộng đồng và xã hội.
Tiết mục “Trai Phường Chài, gái Phường Vải”, Giặm Xay Lúa vv giúp người xem cảm nhận được sự dí dỏm, duyên dáng và sức sống mãnh liệt của những chàng trai, cô gái tuổi thanh niên đang tìm cách “giao duyên” vô cùng tế nhị và đầy thú vị trong những đêm trăng nơi làng quê yên bình.
Tôi đã nghe “ Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo do ca sỹ Anh Thơ trình diễn nhiều lần và lần nào cũng thấy hay nhưng đêm nay, khi không gian là những âm hưởng của quê hương thì lời hát cùa ca sỹ Lê Mận cất lên “ Hơn nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt giữa sống quê” đã làm tôi ngất ngây, đắm say.
Tôi tin ở 1 chổ nào đó trong khán phòng Nguyễn Trọng Tạo cũng đang hài lòng nhấm nháp tuyệt phẩm của mình như khi anh hớn hở bước vào nghị trường
Khán giả đã được thưởng thức một đêm âm nhạc tuyệt vời và thấu hiểu qua những điệu hò, câu ví người xứ Nghệ đã gửi gắm cho nhau tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, gửi gắm cho nhau cả những giận hờn, trách cứ rất đáng yêu “ giận thì giận mà thương". Đêm nhạc cũng ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người.
Mười lăm tiết mục trong thời lượng 130p đã kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giản. Chủ tịch hội đồng hương bước lên sân khấu trao cúp cho Tổng đạo diễn Phan Ngọc Minh với cái bắt tay thật chặt “ Chỉ có Phan Ngọc minh mới làm được một đêm hoành tráng thế này”.
Nhận xét về đêm diễn hầu như ai cũng chung một lời “ Tuyệt vời” nhưng tôi nhớ mãi lời bác Nguyễn Đình Lương – Trưởng đoàn đàm phá BTA hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ “ Dù có chết trên bàn đàn phán cũng phải ký” “ thật tuyệt, thật vui, vui như khi ký được hiệp định cháu ạ! Cảm ơn Phan Ngoc Minh!”
Tôi cùng ban tổ chức ngồi lại một lát để giao lưu. Mục đích ban đầu của chương trình là chỉ quảng bá dân ca ví giặm , kêu gọi cộng đồng cùng chung ta góp sức. Số tiền thu được sau khi tổ chức sẽ dành để ủng hộ câu lạc bộ Ví Giặm ở cả hai tỉnh Nghê An và Hà Tĩnh. Trước tình hình lũ lụt liên tiếp diễn ra, Hội đồng hương đã quyết định kêu gọi ủng hộ cho các vùng bão lũ. Tôi thật ấn tượng với poster của chương trình đó là hình ảnh người nông dân đói rét ngồi chông chênh trên chiếc thuyền nhỏ bé giữa dòng nước lũ và đôi bàn tay dựng trái tìm thắp lửa đang chìa ra cứu giúp.
Rất nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ cho chường trình này vì thế giá vé kiêm tốn (200 ngàn) đã giúp cho nhiều người dân lao động có thu nhập thấp, nhiều em sinh viên học sinh có cơ hội được thưởng thức đặc sản âm nhạc quê nhà ngay giữa thủ đô.
Chúng ta đã được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật của các vùng Miền như Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Lý, hát Hò ở Huế. Mỗi loại hình có một nét đặc sắc riêng nhưng phần lớn chỉ diễn ra ở các lễ hội nơi quê hương. Lần đầu tiên một loại hình nghệ thuật dân gian ví giặm Nghệ Tĩnh được trình diễn ở trung tâm hội nghị hoàng tráng nhất đất nước.
Điều đặc biệt nữa, diễn viên không phải chỉ là những nghê sỹ đã có tên tuổi dày công luyện tập mà là những nông dân châm lấn tay bùn bước từ ruộng nương lên sân khấu. Họ hồn nhiên chân chất tinh khiết nên đã cuốn hút người xem từ những cử chỉ đầu tiên. Đây cũng là giá trị nhân văn rất cao của chương trình.
Nhiều nghệ nhân lo lắng khi họ mất đi, trước các loại nhạc ồn ào hiện đại đang lôi cuốn lớp trẻ, những điệu ví, câu hò cũng vì thế mà mai một nhưng khi nhìn thấy trên sân khấu, các em nhỏ đang tiếp nối cha ông gìn gữi phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, tôi thấy lòng mình ấm lạ và muốn nói với họ hãy tin vào sức sống mãnh liệt của chương trình “ kết nối và lan tỏa tình yêu ví giặm” qua mỗi miền quê, qua thời gian.
Tôi gặp nhiều khán giả không phải là người Nghệ Tĩnh, họ xem say sưa và không ngớt lời khen ngợi. Cũng đúng thôi, tôi sống ở Hà Nội chỉ một năm mà bài hát nào về Hà Nội cũng thích nghe và nhớ Hà Nội da diết khi Thu đến, khi Đông về.
Xin cảm ơn ban tổ chức chương trình.
Xin cảm ơn em Phan Ngọc Minh – Tổng đạo diễn và cũng là nhà tài trợ lớn của chương trình.
Xin cảm ơn những người tình nguyện viên đã hết lòng phục vụ chương trình.
Xin cảm ơn những người bạn đã theo lời “hiệu triệu” của Cucnt mà có mặt trong số 4000 khán giả của đêm diễn để đời này!
Xin cảm ơn tất cả những người yêu ví giặm đã vì nó mà yêu thêm quê hương mình.
Tôi đắm chìm trong câu hát “Lời Người dặn trước lúc đi xa”
Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. …
Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, ….
Bác muốn nghe một câu hò Huế hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà.
Bác muốn nghe một đôi làn quan họ bởi bài ca đất nước sao quên.
Lúc chia ly, lời di chúc đơn sơ,
Bác muốn non sông đinh ninh lời hẹn thề:
"Rằng đã yêu tổ quốc mình, càng yêu tha thiết... những khúc hát dân ca".
Hà Nội - Tp. HCM tháng 11/1016
Cucnt