KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Chủ nhật 16 Tháng tư. 2017

BẢN HỢP XƯỚNG VỀ TÌNH THẦY TRÒ




Tác giả: CucNT

BẢN HỢP XƯỚNG VỀ TÌNH THẦY TRÒ.

 

Mùa hè năm 1985, chúng  tôi  đã được nhà nước lựa chọn trong số những người thi đại học có điểm số cao nhất đưa qua Liên Xô du học. Máy bay hạ cánh xuống thành phố Matxcova – thủ đô Liên bang Nga, từ đó, chúng tôi được chia đi học tập ở 15 nước cộng hòa khác nhau thuộc liên bang Xô Viết. Tôi và 11 bạn khác lên tàu đi về thành phố Kishinew - thủ đô của nước Cộng hòa Moldova.  

Moldova  nằm ở Đông Nam châu Âu, là nước nhỏ nhất trong 15 nước cộng hòa,  với diện tích khoảng hơn 33 ngàn km2 và dân số lúc đó khoảng 3 triệu người. Ngày đó tôi cảm thấy buồn, bạn bè mình được học ở những thành phố lớn hoàng tráng như Matxcova, Leningrad, Kiev, Minsk, v.v.. còn mình đi về nơi mà nếu lấy Matxcova làm tâm điểm thì đây đúng là chốn “khỉ ho cò gáy”. Năm tháng qua đi, sau rất nhiều trari nghiệm, tôi mới hiểu rằng, đó chính là may mắn lớn nhất cuộc đời tôi. Bởi không có nơi đâu trên trái đất này (ngoài quê mẹ dấu yêu) tình người lại mênh mông, sâu  đậm đến vậy!

Những du học sinh  Việt Nam đầu tiên đến Moldova du học từ những năm 1962. Hơn 50 năm trôi qua, bao thế hệ sinh viên ra trường, về Việt Nam hoặc đến rất nhiều nước trên thế giới làm việc đã không bao giờ quên mảnh đất ấy, những thầy cô giáo và bạn bè nơi ấy. Hội tụ với nhau là mơ ước của tất cả. Đáp ứng nguyện vọng đó, tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc đã thành lập hội cựu sinh viên Kishinew - chúng tôi gọi trìu mến là Người Kgu ( Kgu- trường đại học tổng hợp Kishinew). Hội được thành lập ngày 10/04/2010.

Từ đó đến nay, hàng năm, chúng tôi tổ chức hội Du Xuân, tất cả những ai đã từng  học tập tại Kishinew đều tham gia với lòng say mê phấn khởi.

Du xuân năm nay, đặc biệt hơn là chúng tôi đón thầy cô giáo từ Kishinew qua Việt Nam tham quan. Sau một thời gian chuẩn bị , ngày 27/3/2017, các thầy cô đã có mặt tại Hà Nội với sự đón tiếp nồng nhiệt của Hội Kgu tại Hà Nội.  Ban tổ chức tại Hà Nội đã đưa thầy cô đi thăm Hạ Long và sau khi tham quan các thầy cô đã chia sẻ “Không thể tin rằng, đã được đến với Hạ Long. Một giấc mơ thật ngọt ngào! Ước gì được được tham quan kỳ quan thế giới lâu hơn nữa, được bơi trong Vịnh Hạ Long!”.  Cũng đúng thôi, khán giả đã cuồng lên trước vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước Việt Nam trong những thước phim “KÔNG” ,  mà trong đó chỉ một ít cảnh quay thôi. Còn nay, thầy cô được chiêm ngưỡng bằng mắt toàn cảnh hoàn toàn hiện hữu.  Rồi thầy cô đến tham quan Flaminga Dalai Resort, ghé thăm Biệt thư sen của vợ chồng Hội trưởng Nguyệt- Ngọc. Tôi chưa có dịp đến đó, chỉ nghe thầy cô nhắc đi nhắc lại hai chữ “tuyệt vời”!

Tôi bay ra Huế, hòa vào gia đình Kgu để đắm chìm trong lễ hội Du Xuân, ngập tràn cảm xúc,  ấm nồng nghĩa tình thầy trò, bạn hữu.

Chúng tôi đưa thầy cô đi thăm  Đại Nội và một số danh lam thắng cảnh của Huế. Xe đưa thầy cô và học trò trên những con đường rợp bóng cây, qua những hàng thông vi vu, trên dòng sông Hương lững lờ, mộng mơ,“sông chảy vào lofng nên Huế rất sâu”. Những khuôn mặt dịu hiền, những nụ cười e ấp tỏa sáng sau vành nón lá che nghiêng đón chào chúng tôi  đến  với những danh lam thắng cảnh  đậm chất lãng mạn, trữ tình.

 Chúng tôi đến với Đại Nội, Lăng vua Khải Định, Lăng vua Minh Mạng, thăm viếng chùa Thiên Mụ,  điện Hòn Chén, v.v.. Mỗi nơi là một vẻ đẹp linh thiêng bí ấn, ghi dấu những thời khắc lịch sử của dân tộc. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. 

 

 

Có thể thầy cô đã từng đến cung điện Kremlin, Cung điện Mùa Đông, Mùa Hè của nước Nga lộng lẫy với bao nét vàng son nhưng với cố đô Huế có nét đẹp riêng, có sự linh thiêng và huyền bí ghi dấu ấn lịch sử dân tộc Việt. Tôi đi bên anh Bùi Quang Ngọc và nhận ra, anh không chỉ là một CEO FPT xuất chúng về công nghệ thông tin và kinh doanh mà anh còn là môt Từ điển sống về lịch sử Việt và còn là một phiên dịch viên xuất sắc, kịp thời giải thích bằng tiếng Nga cho thầy cô những gì tôi còn chưa kịp nghĩ ra dù một thời tôi từng làm phiên dịch tiếng Nga cho một Liên doanh Việt- Nga.

Buổi tối lễ hội diễn ra trong nhà hàng sang trọng tại khách sạn Duy Tân. Hai Mc Ánh Tuyết và Hoàng Lương dịu dàng và trang trọng trong bộ áo  dài truyền thống dẫn chương trình. Các tiết mục văn nghệ lần lượt được trình diễn. Những điệu múa, lời ca thật điêu luyện, ngọt ngào. Tất cả có chung một nhận xét là văn nghệ năm nay hay hơn, đặc sắc hơn cả 6 năm trước đó. Điều đó thể hiện mọi người đã dành thật nhiều thời gian và tâm huyết cho Du xuân năm nay như một món qùa tri ân thầy cô. Chúng tôi kể mãi cho nhau nghe những kỷ niệm của một thời học tập ở Kishinew.  Lễ hội diễn ra từ 19 giờ đến 22 giờ. Xong tiệc, mọi người thi nhau chụp hình, ai cũng muốn lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc bên thầy cô và bạn hữu. Vì bận họp nên anh Cao – Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên- Huế ghé thăm chúng tôi khi đã muộn. Thấy mọi người đang náo nức quanh thầy cô nên anh ngồi cùng tôi ở quán cà phê trước cửa, anh gửi lời cảm ơn Hội Kgu đã chọn Huế làm điểm du xuân. Tôi cảm ơn anh đã cùng nhân dân Huế gìn giữ và phát triển Huế được như hôm nay. Không ồn ào, náo nhiệt như Thủ đô Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh nhưng Huế vẫn đang dần khẳng định sự phát triển của một thành phố giàu tiềm năng du lịch. Và tôi cảm ơn anh Là một kỹ sư xây dựng nhưng anh đã để lại cho Huế, cho đời lời bài hát thiết tha, sâu lắng mà những ai đến Huế sẽ không bao giờ  quên:


“Huế ơi bao huyền thoại

 Nhớ Thương một thời để lại

In vào thành quách rêu phong.

Ai về Vĩ Dạ cùng em,

Nghe lá, hoa ân tình kể chuyện

Huế thủy chung, sâu lắng, mặn mà”.

 

 

 

Tạm biệt Huế, chúng tôi về thành phố Hồ Chí Minh.

Khách sạn Victory nhộn nhịp hẳn  khi gần một trăm cựu sinh viên và thầy cô cùng đến dự tiệc. Dường như ai cũng chọn cho mình bộ đồ mặc vào nhìn trẻ nhất để hình dung mình đang là sinh viên dù thời đó đã qua ba bốn chục năm rồi. Hội trưởng Thắng nói tiếng Nga như một biên tập viên Tiếng Nga của hãng tin tức Nga dẫn chương trình nói về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Vợ chồng thầy Osmochescu Nicolae Grigorevich, vợ chồng  thầy Carpov Trofim  Ivanovich, cô gái Olga Cirlan - con gái cô giáo tiếng Nga Ludmila, cô  giáo  môn sinh vật Crivoi Aurelia, vợ chồng bạn học- luật sư Corochi Nichifor và con trai Nirochil Dragos, vợ chồng bạn học Grecu Ilia,   tất cả gồm 11 người  “ngoại quốc” ngồi lẫn giữa các cựu sinh viên Việt Nam. Mỗi thầy cô đều được chăm sóc từ món ăn đến các câu chuyện bởi tất cả đều hiểu rõ tiếng Nga. Tất cả im lặng lắng nghe:  “Chúng tôi vô cùng cảm kích vì thầy cô đã đến thăm Việt Nam. Đối với chúng tôi, Moldova là Tổ quốc thứ hai, các thầy cô là một trong  những  người thân yêu nhất, đáng trân trọng nhất.   Đặc biệt cô giáo dạy sinh vật Crivoi Aurelia  là chị kết nghĩa của  tôi. Chúng tôi, những cựu sinh viên Kishinew luôn tri ân thầy cô vì chính các thầy cô đã dành cho chúng tôi tình yêu thương,  truyền đạt cho chúng tôi kiến thức , dạy cho chúng tôi thành những chuyên gia đầu ngành để chúng tôi mang kiến thức về dựng xây đất nước khi đất nước chúng tôi sau chiến tranh đang nghèo nàn về tri thức cũng như vật chất. Ơn nghĩa đó, chúng tôi không bao giờ quên, cuộc gặp hôm nay, nhằm thể hiện phần nào nghĩa tình đó. Chúng tôi rất tiếc vì hoàn cảnh, chúng tôi không thể mời các thầy cô tham quan VN sớm hơn nên nhiều thầy cô đã qua đời, chúng tôi chưa kịp nói với họ lời tri ân nhưng trong tâm khảm, chúng tôi luôn ghi nhận điều đó".

Thầy Osmochescu, cô Aurelia, em gái Olga lần lượt lên phát biểu, tất cả đều nói lên một điều họ thật hạnh phúc vì đã được dạy sinh viên Việt Nam. Sinh viên nhiều nước đã từng du học tại Moldova nhưng chỉ có sinh viên Việt Nam mới tình sâu nghĩa nặng như thế. Chị Thoa đã chuẩn bị sẵn video và những hình ảnh về sinh viên Việt Nam khi học tại trường  Đại học Tổng hợp Kishinew được trình chiếu. Bức ảnh treo trong tòa nhà chính của trường  được chiếu lên, hình những sinh viên Việt Nam còn rõ nét. Tất cả òa lên sung sướng, vỗ tay reo vui khi phía dưới anh chị Tâm, Trí bước lên. Đây chính là 2 sinh viên Việt Nam đầu tiên học tại trường trong bức ảnh, họ đã trở thành những chuyên gia hàng đầu của nước nhà về ngành học của mình. Và kỳ diệu hơn, họ trở thành cặp đôi hạnh phúc và là anh chị cả của Hội Kgu.

Chúng tôi thuộc khoa luật, các bạn cùng đến để gặp gỡ trò chuyện, ôn kỷ niệm  và chụp hình cùng thầy cô. Tôi nhớ như in ngày đó, khi được  5 điểm môn học của thầy Carpov, thầy nguyên là trưởng khoa luật, tôi đã chạy một mạch từ trường về để khoe với chị Huyền. Chị mỉm cười khen “Em giỏi lắm!”.  Hôm nào thi bị điểm thấp, tôi tránh gặp chị vì sợ nhìn thấy nỗi buồn trong mắt chị.  Vào đời tôi mới thấy, những người mong cho người khác giỏi bằng hoặc giỏi hơn mình rất ít. Ngày đó, chị Huyền luôn thi điểm xuất sắc và chị mong cho tất cả sinh viên Việt Nam đều như thế!


Buổi tiệc tan trong sự quyến luyến của thầy trò. Ngày hôm sau, anh Uyển và mọi người  đưa thầy cô đi tham quan một số nơi như Đầm Sen và miền Sông nước miềnTây.

Tiếp đó, thầy cô bay ra Phú Quốc đến resort Salinda nghĩ dưỡng.

“Đảo Ngọc Phú Quốc là nơi dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn sau chuyến Du Xuân xuyên Việt của đoàn Thầy Cô KGU.

Ngụp lặn trong làn nước biển màu ngọc bích, thả ánh nhìn theo những con thuyền bình yên trôi trên biển, săn đón khoảnh khắc mặt trời lặn, ngập tràn trong ánh hoàng hôn, uống nước trái cây, nghe nhạc chiều... Đó là những gì Salinda đón chào và dâng tặng thầy cô”- ( Bùi Thanh  Huyền)

Tôi và anh Phước, anh Khôi ra sân bay đón thầy cô. Da các thầy cô rám nắng nhưng nét mặt thì rạng ngời hạnh phúc. Thầy cô bảo, “Chúng tôi tưởng đã đến thiên đường”. Tôi định nói với thầy cô rằng, nhiều người mơ ước được đến đấy mà chưa có điều kiện, trong đó có tôi vì giá nghỉ dưỡng ở đó rất đắt, là nhờ anh Ngọc tài trợ vé máy bay và anh chị Huyền- Kỳ tài trợ suốt cả chuyến nghĩ ngơi ở đảo cho thầy cô đó chứ. Nhưng thôi, tôi im lặng.

Chiều tối, tôi đưa thầy cô đi mua sắm, tại Saigonsquaer và chợ Bến Thành. Cái gì cũng đẹp, cái gì cũng rẻ, cái gì các thầy cô cũng muốn mua làm quà về bên đó nhưng tất cả chỉ gói gọn trong ba mươi ký nên ai nhìn gì cũng tiếc rẻ.

Buổi tối, chúng tôi tới nhà hàng ở  tòa nhà Bitexco.  Ngồi trên tầng 50 nhìn xuống dòng sông Sài Gòn đang lững lờ trôi, lấp lánh muôn màu trong ánh điện, thành phố lung linh huyền ảo, thầy cô thốt lên: - Đất nước các bạn đẹp quá và chúng tôi là những người hạnh phúc nhất vì được có mặt ở đây! Tôi ngồi cùng bàn  với anh  Đinh Ngọc Hiện và những người bạn của anh. Anh kể là 40 năm trước, anh học cùng Corochi Nichifor và khi bạn ấy đưa anh về nhà thì bố bạn ấy đã nhận anh làm con nuôi.  Sau gần 40 năm mất liên lạc, cách đây mấy năm, anh quay lại Moldova mới tìm ra và dịp này vợ chồng bạn ấy cùng con trai qua Việt Nam. Thật tuyệt vời! Giống như những nhân vật trong “Như chưa hề có cuộc chia ly”.  Dịp tối qua Kishinew cùng anh Hiện, anh nói với tôi "Em cứ vận động đi, anh sẽ là một trong những người tài trợ chính cho chương trình mời thầy cô qua thăm Việt Nam”. Chỉ 5 tháng sau thì ước mơ đó đã thành hiện thực với sự chung tay góp sức của rất nhiều người.

Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Anh Quang mang những chai rượu Chivas mấy chục năm đãi mọi người.  Vợ chồng anh là người có ý tưởng và trực tiếp chiêu đãi thầy cô cùng những người khác tại nhà hàng ở tầng 50 tòa nhà Bitexco. Tôi nhớ dịp qua Kishinew, chị Hà đã khóc khi nhắc lại những kỷ niệm với cô giáo Ludmila Franxeena Xelexkaia vì cô đã thương yêu chị và các học trò Việt nam như con ruột. Dịp này, mời cô  Olga- con gái cô giáo qua là một niềm vui lớn của mọi người. Anh Quang tặng Olga chiếc áo của Vietjietire và nói với mọi người Olga là em kết nghĩa của chúng tôi. Tôi tin nơi suối vàng cô giáo Ludmila đang mỉm cười mãn nguyện.  Tôi vô cùng cảm ơn anh chị vì nếu không được anh chị ưu tiên, có lẽ, tôi chẳng có cơ hội mà đến những nơi sang trọng như thế này.

 Anh Thắng thay mặt hội nói lời chia tay. Các thầy cô nhắc đi nhắc lại, chưa nơi đâu có  tình cảm tốt đẹp như sinh viên  Việt Nam và họ rất khâm phục về tình đoàn kết của cựu sinh viên Kgu. Khi được đón tiếp tại Hà Nội với  hàng trăm  người tham gia,  họ nghĩ đó là tất cả. Không ngờ, đến Huế, cuộc họp quy tụ khoảng 150 người và về Tp. HCM có khoảng 100 người tham gia nữa. Ở đâu họ cũng được đón tiếp nồng hậu nhất và ở đâu họ cũng chỉ có thể nói “Tuyệt vời!”. Tôi trả lời, “Chính tôi cũng ngạc nhiên và tự hào về điều đó. Đó là sức hấp dẫn từ những người “đứng mũi chịu sào” như anh Ngọc, chị Huyền, chị Tuyết, anh Thắng, chị Tỵ, chị Hạnh, anh Hiện, anh Quang , anh Phước, v.v.. và tinh thần, ý thức tình thương yêu của những người còn lại. Tất cả đã làm nên một bản hợp xướng tuyệt vời về tình thầy trò, bạn hữu.

Chúng tôi chia tay thầy cô ra về.

Tôi chụp hình với thầy cô và chị Hà. Tôi luôn ngưỡng mộ chị vì chị là một phụ nữ dịu dàng, không chịu già theo thời gian, chị luôn khiêm nhường đứng bên cạnh chồng và luôn ủng hộ chồng trong những việc vì cộng đồng chung.

 

Tôi nhìn các thầy cô giáo của mình trong sự kính trọng và dâng dào một tình thương vô hạn. Theo quy luật nghiệt ngã của thời gian, họ già đi, lần này đến Việt Nam, biết còn lần sau nữa?

Anh Khôi, anh Phước, chị Ngân đến  khách sạn gói gém đồ đạc cho thầy cô và hôm sau mọi người tiễn thầy cô ra sân bay. Anh Kỳ đã bay từ Phú Quốc về Sài Gòn đưa thầy cô về  lại Moldova. Khi  được tin máy bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Kishinew, tôi mới thở phào vui sướng.

Xin chân thành cảm ơn các nhà tài trợ chính như anh Hiện, Anh chị Ngọc Nguyệt, anh chị Huyền Kỳ, anh Chị Quang Hà, anh chị Phước Ngân, anh chị Khôi Huynh.

Xin cảm ơn sự chuẩn bị tận tâm chu đáo của các “lãnh đạo” ở Hà Nội và ở Tp. HCM như anh Thắng, Chị Tuyết, chị Thoa.

Xin chân thành cảm ơn những người đã bỏ hết công việc để tận tâm đi theo chăm sóc thầy cô bao ngày tháng như chị Tỵ, chị Hạnh- Nghị, em Ngọc, anh Uyển...

Xin cảm ơn sự chung tay góp sức của tất cả anh chị em để chúng ta có được những ngày đón tiếp thầy cô thật nống ấm, nghĩa tình.

Xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được học tập tại trường  Đại học Tổng hợp Kishinew để rồi tôi được là một thành viên bé nhỏ trong đại gia đình Kgu.

 Tp. HCM ngày 15/04/2017

Bài viết của Cucnt còn sơ sài, rất mong sự bổ sung của nhiều người khác.

 

 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 16-04-2017 14:02






Xem 1 - 10 của tổng số 48 Comments


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: Guest Pt Thơ
05/09/2017 18:18:16

 


Thợ thì em không dám nhưng Thẩn thì em nhận. Em hay "Thơ Thẩn" lang thang khi rỗi lắm, trên mạng lại có rất nhiều điều hay được chia sẻ, may sao ngày 2 tháng 9 lại được ghé vào đây. Thế là thích nơi này luôn. 



Từ: Guest Cucnt
05/09/2017 15:40:18

Cảm ơn PT Thợ đã động viên chị Cúc. Nếu em đã bền bỉ đi chợ Kgu 3 năm nay và giờ   chưa thấy chán thì điều đó mình chứng cho sự hấp dẫn của chợ Kgu. Ở đây có những tấm lòng chân tình đến với nhau, những niềm vui nỗi buồn chia sẻ cho nhau và cả những kiến thức làm giàu cho nhau nữa. Có thời gian và cảm xúc chị sẽ viết tiếp em ạ! Có thể có một vài người không muốn chị viết nhưng có lẽ những người đó không đại diện cho số đông nên chị cảm ơn em và mọi người đã luôn ủng hộ chị.


 



Từ: Guest Phạm thi Thơ
13/07/2017 18:30:14

 


Chị Cúc thân mến.


Phải có cái tình rất sâu mới viết được một bài giàu tình cảm như vậy. Đợt du xuân năm nay, em đã đợi khá lâu mới được đọc bài của chị. Nhìn ảnh chị chụp rất đẹp, em rất vui vì thấy nụ cười hạnh phúc của chị. Khi bài của chị đăng em chỉ mới tham gia comment nên không dám nói nhiều, dù trước đó đã biết được gần 3 năm. Chị là một tác giả không thể thiếu của trang KGU, bài của chị rất giàu tình cảm, đậm tình người, đọc thấy hiện lên rất đậm nét, dù các bài viết của các anh chị khác có cái tình này nhưng thể hiện rất khác, ẩn, hoặc hiện lên ở những dạng khác nhau. Em xin cảm ơn chị thật nhiều chị Cúc ạ.



Từ: CucNT
29/04/2017 23:46:24

Xin chân thành cảm ơn tất cả anh chị em đã chia sẻ, an ủi, động viên em Cúc trong thời gian qua. Có rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn qua Fb, qua Email mong Em Cúc đừng buồn.


Có người cẩn trọng bảo với em Cúc, thế nào có người cũng tìm ra rất nhiều khuyết điểm của Cúc để minh chứng cho những hiểu lầm là có cơ sở. Có người lo xa, còn bảo, từ nay, các cuộc hội ngộ ở Tp. HCM , Em Cúc sẽ không được tham gia nữa...


Nhưng phần lớn còn lại đều mong em Cúc viết tiếp, rằng  chợ Kgu vẫn nên tồn tại và sự góp mặt những bài viết là điều cần thiết.


Sự quan tâm của tất cả đã làm em Cúc rất xúc động và vui vì rõ ràng rất nhiều anh chị em vẫn thường xuyên đi chợ vẫn coi những bài viết của em Cúc là có giá trị.


Trước đây, vì những comment thiếu tính  xây dựng nên có người từng là linh hồn của trang Web đã cảm thấy bị tổn thất nên không post bài lên nữa. Lúc đó em Cúc đã khuyên " nếu chị kg post bài nữa nghĩa là chị để cho cái thiếu thiện chí thắng điều thiện chí " . Tiếc rằng cho đến nay, chị ấy vẫn chưa nguôi.


Có nhiều người bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết để viết bài nên bài viết của họ hoàn hảo. Bản thân em Cúc dịp này không có thời gian, tranh thủ chút thời gian eo hẹp để  đưa tin nên những khiếm khuyết trong bài là chuyện thường xuyên xảy ra.


Khen, chê, thậm chí bị ném đá là chuyện thường trên mạng XH, trong cuộc sống. 


Anh Bắc Hải bảo em Cúc thường viết màu hồng. Thực sự, em đã nhìn cuộc đời hồn nhiên như thế và hồn nhiên thể hiện cảm xúc của mình. Ai nhìn xiên xẹo thì đó là cách của họ.


  Điều em Cúc mừng nữa là qua bài viết của em Cúc , rất nhiều người biết đến hội Kgu của chúng ta, họ ngưỡng mộ và mong muốn làm được như chúng ta...cái tốt được nhân lên!


Hội của chúng ta là hội không bình thường, hội của những người là được những  điều mà những hội bình thường khác không thể làm được. 


Em yêu quý hội và tin là khi hội còn tồn tại thì em vẫn là một thành viên.


 Em sẽ vẫn viết tiếp khi có thể!


Lần nữa, xin chân thành cảm ơn tất cả anh chị em đã quan tâm, đã dành thời gian để an ủi, động viên em Cúc.


Mong cho chợ Kgu ngày càng sầm uất!


 Chúc cả nhà những ngày nghĩ lễ thật vui.


 



Từ: Guest Nguyễn Ngọc Chu
29/04/2017 08:42:18

 KGU Kishiniev là tập thể biểu thị tình cảm và lòng biết ơn với thầy cô giáo cũ thuộc bậc tốt nhất trong tất cả các nhóm lưu học sinh đã từng học tập tại Liên Xô trước đây. Các bạn đã thể hiện rất tốt lòng thủy chung uống nước nhớ nguồn của Dân tộc Việt. Cảm ơn em Cúc đã ghi lại một cách sinh động cuộc tiếp đón thầy cô giáo Moldova của cựu sinh viên KGU - cho người ngoài chúng tôi được biết.



Từ: Guest Phạm thi Thơ
28/04/2017 11:45:53

Anh Ngọc, lẽ dĩ nhiên là câu đó chỉ có thể để trong đầu mà thôi. Chứ không chữ "hâm" của anh sẽ không còn dấu ngoặc kép nữa (Chắc đọc được My home is Moldova cùng với "Nụ hôn bên hồ" nên em mới nghĩ như vậy).



Từ: Guest Phạm thi Thơ
28/04/2017 10:10:02

Không, bình luận của chị Cấp hết sức nhẹ và thanh, em rất thích. Còn kiểu của anh Ngọc thì khác hơn, theo kiểu của riêng anh. Em thích cả hai. Xin cảm ơn anh, chị.



Từ: ThoaNP
28/04/2017 09:27:08

@Ngọc: Nói "cần gì thể hiện ..." mà cho cả Hội chiêm ngưỡng mấy chục phút hôm Gala! Nói thế thôi chứ mình rất thích nhìn các bạn trẻ và cả ông bà già hôn nhau.



28/04/2017 09:16:12

Cám ơn Phạm Thị Thơ. Câu bạn nói nó nằm trong đầu, cần gì phải thể hiện ra ở đâu nữa. Cám ơn bạn.


@Phạm Văn: Ko hiểu 2 câu thơ bạn trích dẫn. hoặc, ai cũng hiểu 2 câu đó, chỉ có 1 người ko hiểu là tôi?


@Chị Cấp: Khái niệm của chị "phức tạp quá", trong KGU có người bình thường, có người ko bình thường. Em chỉ thấy ai cũng ko bình thường, có vẻ hơi hâm hâm (theo định nghĩa hâm là khác với số đông bình thường còn lại). Và em lại thích cái hâm hâm ấy của NguoiKGU



Từ: Guest Phạm Văn
28/04/2017 08:48:40

"Ai cũng hểu, chỉ một người không hiểu


Nên có một gã khờ ngọng ngịu đứng làm thơ"




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s