KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 13 Tháng chín. 2017

MỘT CHUYẾN ĐI TRÊN CẢ TUYỆT VỜI




Tác giả: TuyetHA

Tháng 7 năm 2017 vừa tròn 40 năm chúng tôi, khoá 1971-1977 tốt nghiệp trở về nước sau 6 năm miệt mài học tập ở nước bạn - Nước CH Môndavia, Liên Xô.

Những năm trước thấy các anh chị các khoá 74, 75, 76 kỷ niệm 40 năm ngày ra trường, chúng tôi đã nhắc nhau: đến lượt chúng mình phải làm cho hoành tráng nhé!

Đã nói là làm mà đã làm phải làm cho ra trò như bạn Dương Thanh Mai (VL 77) đã nói: Ăn chơi là cứ phải đúng QUY TRÌNH!

Bước 1: Khởi động.

Bước Khởi động là Hội nghị “Hươu nai” được tổ chức vào ngày 14.01.2017 với mục đích: thể hiện quyết tâm và trưng cầu ý kiến của anh chị em về việc tổ chức Kỷ niệm 40 năm. Kết quả: nghị quyết 14.01.17 được ra đời với 3 mục tiêu chính: có quà, có kỷ yếu và có du lịch đồng thời một Ban liên lạc của Khoá cũng được thành lập để điều hành công việc. Ban Liên lạc gồm có: Dương Thanh Mai, Hoàng Lương (VL), Trần Thu Lan, Lưu Kim Thanh (Hoá), Phạm Thanh Bình, Hoàng Ánh Tuyết (SV). Trong Ban LL có mỗi Hoàng Ánh Tuyết ở tận Sài gòn, nhiệm vụ “trọng đại” được giao là “ngóng” tin tức từ Hà Nội để truyền đạt cho anh chị em “đằng trong” và thay mặt anh chị em “đằng trong” nhất trí cao độ với các quyết định của Ban LL.

 

Được giao trọng trách, Ban LL thoả sức sáng tạo. Họp ngay thôi và nhà Bình P., ngôi nhà mới ấm cúng, giản đơn nhưng vô cùng xinh đẹp đã trở thành “trụ sở” để nghị sự. Bạn Tuyết do cách trở về mặt không gian nên đành phải tham gia làm việc online vậy. Không đơn giản một chút nào cho việc xây dựng một kế hoạch hoàn hảo. Các thành viên Ban LL cứ gọi là “vắt óc mà suy nghĩ” thế rồi từng người đã được phân công những việc rất cụ thể, cứ thế mà tiến hành, chẳng may ai có quên việc gì sẽ được sự hỗ trợ tận tình của GS. Hoàng Lương (cũng may trong Ban LL lại có một GS.).

 

Muốn tổ chức cho thật chu đáo bất kỳ một sự kiện nào, việc đầu tiên là phải nắm được danh sách những người tham gia. Ban LL bắt đầu hô hào anh chị em đăng ký tham dự theo từng Khoa (bao gồm các thành viên Khoá 77 và phu quân, phu nhân, nếu có thêm con cháu càng tốt). Để tiện lợi cho việc cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, Lưu Kim Thanh đã nhanh nhẹn lập nhóm “Ban LL Khoá 77 KGU” trong Messeger. Quả là tiện lợi thật, thông tin trao đổi liên tục được cập nhật. Song song với việc đăng ký tham gia, mỗi người phải nộp một bản kê khai theo mẫu của Ban LL đưa ra, gồm các nội dung: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, địa chì e-mail, facebook (nếu có), các thông tin về chồng (vợ), con, cháu (nếu có) và những sở thích cá nhân. Tất cả những thông tin này sẽ được đưa vào cuốn Kỷ yếu của Khoá 77. “Nhất cử, lưỡng tiện”, sau này có việc gì cần, con cháu cứ việc mở ra mà tra cứu, ít nhất cũng liên lạc được với những người bạn thân thiết nhất từ thủa sinh viên của bố mẹ, ông bà. Và phải nộp một ảnh cá nhân ngày nay nữa chứ. Riêng chuyện ảnh này cũng khá nhiều chuyện vui; Đa số các bạn đều cố gắng tìm một ảnh mới nhất, đẹp nhất và trông trang trọng nhất. Có bạn cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn thì gửi 1 loạt ảnh nhờ Ban LL “thích cái nào” thì chọn cái đấy. Có bạn cẩn thận ra Hiệu chụp ngay, không phải 1 kiểu đâu nhé mà là 2 kiểu, hai trạng thái khác nhau rồi đưa lên Fb lấy ý kiến của mọi người để lựa chọn, cẩn thận ghê chưa, nhưng có vài bạn thì gửi ảnh mình chụp cùng người bạn đời đang chụp đầu vào nhau khá tình tứ làm Ban LL lúng túng, làm sao bây giờ? Đưa vào hay không đưa vào làm ảnh đại diện của bạn ấy? Quyết định cuối cùng: để đảm bảo tính thống nhất chỉ sử dụng ảnh chân dung “chính chủ” thôi. Điểm sơ qua mấy việc nho nhỏ như vậy cũng đủ thấy tất cả đều hào hứng thế nào với sự kiện này. Rồi việc chọn mẫu cho cuốn Kỷ yếu, cho bức ảnh chung đầy đủ các thành viên sau 40 năm tốt nghiệp, cũng công phu lắm, cẩn thận lắm. À còn chuyện chuẩn bị đồng phục (nữ áo dài, nam cravat) cho đêm Gala Kỷ niệm nữa chứ. Ban LL quyết định đồng phục của Khoá phải chuẩn bị xong trước Du xuân của Hội KGU tại Huế (4/2017). Đầu tháng 3, nhân dịp Tuyết có việc ra HN, các bạn rủ đi chọn vải may áo dài đồng phục, ngắm nghía mãi cuối cùng các chị nhất trí lấy màu cam (cho nổi kiểu cơn lốc màu da cam ấy) và để tương xứng, các chị chọn cho các anh cravat màu đỏ. Trong đêm Gala Du xuân KGU tại Huế, Khoá 77 đã kịp diện để bà con KGU chúc mừng nhân 40 năm ngày tốt nghiệp. “Cơn lốc màu da cam” đã gây ấn tượng mạnh trong đêm Gala ấy!

 

Bước 2: Chọn địa điểm tổ chức và đi tiền trạm.

Sau khi tham khảo ý kiến đề xuất của bạn Đặng Thị An-SV77, Ban LL đã nhất trí chọn địa điểm tổ chức kỷ niệm 40 năm là Khu Du lịch sinh thái - Vườn chim Thung Nai và ngày 5/7/2017 đã lên đường đi tiền trạm. Ở Sài Gòn, tôi đang khấp khởi chờ đợi kết quả thì nhận được thông báo: Khu này không phù hợp lắm, đoàn khảo sát đã mất nhiều công sức, hết xuống động Cô Tiên lại lên Vườn Chim bướm Thung Nham nhưng vẫn chẳng ưng ý nên biểu quyết: "Đằng sau quay, lên miền Đông Bắc". Thế là quay ngoắt 1800 từ hướng Nam chuyển lên hướng Bắc với các điểm đến là Thác Bản Dốc, Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), động Ngườm Ngao, Khu di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng) với suối Lê Nin, núi Cac Mac, hang Cốc Pó. “Hay quá, toàn những nơi chưa được đến. Cứ quyết thế đi, đừng thay đổi địa điểm nữa nhé!”, tôi nói với các bạn HN và thông báo lại cho anh chị em trong này.

Trong đoàn đi tiền trạm hôm ấy, ngoài Ban LL khoá 77 còn có anh Tánh – SV 73. Chả là khi nghe tin chúng tôi chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày ra trường, anh Thắng SV 73 gọi cho tôi đề xuất: “Hai khoá 73 và 77 kết hợp làm chung đi, bọn anh kỷ niệm 50 năm tròn (1967-1973) ngày vào trường!”. Quá hay, tôi tán thưởng liền và báo thông tin này cho Ban LL khoá 77 ngoài HN, mọi người nhất trí ngay và thế là anh Tánh - đại diện cho khoá 73 tham gia cùng Ban LL khoá 77 chuẩn bị cho sự kiện này.

 

Bước 3: Tiến hành các công việc chuẩn bị theo kế hoạch

Địa điểm đã được xác định, lần này Ban LL không phải đi tiền trạm nữa mà tất cả giao cho tour du lịch, vấn đề là chọn Công ty nào đáp ứng được yêu cầu: dịch vụ tốt mà giá cả lại phải chăng. Sau khi khảo sát một vài nơi, Ban LL đã nhất trí chọn Công ty Sinhcaphe. Tới đây công việc chuẩn bị tưởng như đã tạm ổn, chỉ còn chốt số người tham dự để ký Hợp đồng với bên tour thì lại xảy ra vấn đề: Lũ quét làm sạt lở gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở một số nơi vùng núi Tây Bắc. Nguy hiểm quá! Liệu tình hình này có thực hiện được kế hoạch như đã định không? Tới tấp các cú điện thoại gọi về cho Ban LL: Có thể hoãn ngày đi lại không? Có thể chuyển địa điểm khác được không? Có phương án dự phòng nào chưa? v.v… và v.v…Bên tour khẳng định: vùng Đông Bắc nơi đoàn sẽ đến không bị ảnh hưởng gì hết, trời vẫn nắng đẹp vả lại là đơn vị tổ chức tour, nếu có vấn đề gì họ phải có trách nhiệm thông báo cho đoàn. Sự an toàn của khách là trên hết. Tuy thế cũng chưa làm an lòng được nhiều anh chị em. Ban LL lại phải khẩn cấp trao đổi bàn bạc để tìm ra phương án dự phòng tối ưu nhất. Ngày thì không thay đổi được rồi vì  anh chị em ở phía Nam đã mua vé máy bay từ nhiều tháng trước và tất nhiên là loại vé giá rẻ nên không được hoàn, huỷ. Một loạt địa điểm thay thế được đưa ra để chọn lựa: nào là Ecopark, Ba Vì, Resort Sông Hồng Vĩnh Phúc…nhưng chẳng nơi nào hấp dẫn được như tour đã chọn, chỉ cầu mong trời phù hộ để không phải thay đổi.

Hà nội đang trong những ngày mưa bão nhưng các công việc thiết kế backdrop, slideshow, thu thập thông tin, ảnh cá nhân cho cuốn Kỷ yếu và làm ảnh lưu niệm cho cả khoá cùng với việc chuẩn bị các phương án dự phòng lũ quét, sạt lở vẫn được tiến hành với không khí khẩn trương chưa từng có.  Các bạn gái vẫn cặm cụi tập hát để biểu diễn trong đêm Gala. Đến chiều 17.8.2017 mọi việc đã hoàn tất. Bên tour thông báo: thời tiết tốt, không có gì trở ngại, tuy nhiên chúng tôi vẫn đôi chút lo lắng, cả đêm 17.8 Hà Nội  mưa tầm tã, mưa kéo dài đến sáng.

 

Lên đường:

Sáng 18.8.2017, trời vẫn mưa lâm râm tuy thế mới hơn 6g mọi người đã tập trung khá đông đủ ở trước cửa Nhà Hát Lớn, gặp nhau ai cũng hồ hởi, tay bắt, mặt mừng, thỉnh thoảng lại rộ lên những tiếng cười reo khi nhận ra nhau, vui quá là vui, không kém gì những cuộc gặp gỡ trong các kỳ Du xuân của người KGU. Chụp ảnh, chụp ảnh, tốp lớn, tốp nhỏ, ai cũng muốn ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ này. Gần 7g, đến giờ xuất phát rồi, lên đường thôi. Hơn bốn chục con người vội vã lên xe. Khoá 77 khá đông, lên một xe lớn, các anh chị khoá 73 chỉ hơn chục người thoải mái trong chiếc xe 15 chỗ. Xe ra khỏi Hà Nội chừng hơn chục cây số, trời tạnh và bắt đầu hửng nắng như báo hiệu trước thành công của chuyến đi.

 

Ngày thứ nhất:

Điểm đến của đoàn trong ngày đầu tiên là Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), xe xuất phát được khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi dừng chân tại khu vực Bánh chưng Bờ Đậu, ăn sáng bằng đặc sản bánh giò, bánh chưng và thưởng thức nước trà Thái nguyên. Thời tiết rất đẹp, nắng nhẹ, gió mát. Ăn uống xong anh chị em lại tranh thủ làm vài kiểu ảnh kỷ niệm rồi mới tiếp tục hành trình. Hơn 12 g trưa chúng tôi dừng ăn trưa ở thị trấn Chợ Rã sau đó thẳng tiến đến hồ Ba Bể. Đến nơi, đoàn chia thành từng nhóm 12 người xuống một thuyền máy để thăm quan hồ.

Ba Bể là một hồ nước ngọt tự nhiên độc đáo nhất và lớn nhất Việt Nam nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể. Cách đây hơn 200 triệu năm, cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Hồ Ba Bể được ví như một nàng tiên nằm giữa lưng chừng trời. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Ngày 27.9.2012, Hồ Ba Bể đã được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt”.

Ngồi trên thuyền, thư giãn, ngắm cảnh sơn thuỷ hữu tình cùng những người bạn đã cùng nhau gắn bó suốt 6 năm trời với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của cuộc đời sinh viên thật không gì sung sướng hơn, chuyện trò không ngớt, thi nhau tạo dáng chụp ảnh, ảnh đôi, ảnh ba, ảnh tốp, đủ kiểu.

Trong hành trình du ngoạn quanh hồ, chúng tôi đã ghé Động Puông (dài 300 m, cao hơn 30 m) với những nhũ đá đủ muôn hình vạn trạng tuyệt đẹp. Trong động còn có đàn dơi hàng chục vạn con sinh sống và trú ngụ.

Sau động Puông, chúng tôi tới thăm Đền An Mạ nằm trên đảo An Mạ giữa hồ Ba Bể. Đền An Mạ là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê Mạc, sau khi bị thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị quan quân nhà Lê trả thù nên đã đổi tên thành đền thờ họ Ma. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “mồ yên mả đẹp”.

Trên đường trở về bến, thuyền chúng tôi chạy qua Đảo Bà Goá - đảo được tạo nên từ những phiến đá nhỏ xếp chồng lên nhau, cây cối xanh tốt quanh năm, nhìn khá hấp dẫn và lý thú. Tương truyền đảo chính là nơi sinh sống của hai mẹ con bà góa tốt bụng năm xưa đã dùng vỏ trấu lấy từ hạt thóc bà Tiên cho tách làm đôi, biến thành hai chiếc thuyền độc mộc đi cứu giúp dân lành trong trận đại hồng thuỷ hình thành hồ Ba Bể. Đảo Bà Góa cô đơn giữa mênh mông hồ Ba Bể trong chiều tà gợi cho mọi người một thoáng buồn man mác.

Thuyền về đến bến đã hơn 5g chiều, xe chở chúng tôi đến bản Pác Ngòi, nơi chúng tôi sẽ ở lại qua đêm  trong một Homestay và cũng là nơi diễn ra đêm Gala kỷ niệm 50 năm ngày vào Trường của khoá 1767-1973; 40 năm ngày ra Trường của Khoá 1971-1977.

Đêm Gala diễn ra thật tưng bừng, tưng bừng bởi ai cũng háo hức chờ đợi thời điểm này, tưng bừng còn bởi sắc áo dài đồng phục màu da cam của chị em và cravat đồng phục đỏ rực của anh em khoá 77. Không có sân khấu và những ánh đèn màu rực rỡ, Gala Kỷ niệm diễn ra trong phòng ăn của nhà sàn Homestay, nhỏ, đơn sơ  nhưng rất trang trọng với một backdrop thật hoành tráng mà Ban LL đã công phu chuẩn bị và mang theo, và cũng rất hoành tráng với sự tham gia giao lưu nhiệt tình của đội văn nghệ địa phương.

 

Mở đầu đêm Gala là sự ra mắt của nhóm 10 anh chị Khoá 73, các anh chị lớn hơn chúng tôi 4 khoá, tuổi cũng hơi cao, sức cũng hơi yếu  nên số người tham dự sự kiện này hơi bị khiêm tốn. Anh Kim đại diện cho Khoá phát biểu: nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mônđova, nhớ những kỷ niệm năm tháng sinh viên, cám ơn các em Khoá 77 đã tổ chức một chuyến đi, một đêm Gala thật tuyệt vời, sự phối hợp giữa hai khoá thật tuyệt vời! Nói tóm lại là Tuyệt vời!

 

Khoá 77 trình diện bằng một slideshow với những hình ảnh thời sinh viên, hình ảnh những cuộc gặp gỡ sau khi tốt nghiệp trên nền bài hát “Мой белый город” làm mọi người không khỏi bồi hồi xúc động. Kết thúc slideshow là phần tặng quà lưu niệm cho mỗi thành viên của Khoá. Quà tặng là cuốn Kỷ yếu 40 năm tốt nghiệo ĐHTH Kishinhop và tấm ảnh đầy đủ 45 thành viên của khoá bao gồm các khoa Vật lý-Toán, Hoá học và Sinh học.

 

Anh Thịnh – con chim đầu đàn của Khoá được mời lên trao quà tặng cho các bạn Khoa Lý-Toán và khoa Hoá, còn các bạn Khoa Sinh vinh dự được anh Nguyễn Tiến Thắng đại diện cho khoá 73 trao tặng. Trong không khí vừa sôi nổi vừa sâu lắng, tốp nữ  khoá 77 trình bày bài hát “Песня o Тревожной Молодости” – bài hát nằm lòng của mỗi người từ thủa sinh viên ấy và bài “Ứơc mong kỷ niệm xưa”, những muốn:”Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy ước muốn cho thời gian trở lại…”

 

Xen kẽ những tiết mục múa hát của đội văn nghệ địa phương mang đậm sắc thái dân tộc Tày là những bài thơ sáng tác tập thể của các lớp Hoá, Lý, Sinh vật. Những vần thơ giản dị, hài hước, dí dỏm nhưng rất chân thành, rất sinh động về quá khứ và hiện tại của Khoá 77 làm mọi người vô cùng thích thú. Chắc chỉ khoá 77 mới có những bài thơ như thế.

Đã hơn 10g khuya, anh chị em cũng đã thấm mệt sau một ngày vất vả: sáng dậy sớm sau một đêm hồi hộp khó ngủ, vượt qua chặng đường dài hàng trăm cây số lại leo trèo lên, xuống thuyền, vào hang động, rồi hò hát, rồi chuyện trò. Chỉ ăn chơi mà cũng thật vất vả! Đêm Gala kết thúc, đêm nay chắc ai cũng ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp. Như thường lệ, một nhóm vẫn còn ở lại để sinh hoạt “chi bộ”, lại trò chuyện không ngớt xoay quanh cuộc sống sinh viên ngày ấy và thêm cả những câu chuyện ngày nay. Quy định của homestay là không được tụ tập quá 23g để khỏi ảnh hưởng đến khách nghỉ ở đây, vậy mà cả nhóm cũng chỉ giải tán lúc đã quá 23g30 sau vài lần nhắc nhở của chủ nhà.

 

Ngày thứ hai:

Hôm trước khá mệt và thức khá khuya nhưng mới hơn 5g sáng mọi người đã lục tục trở dậy. Không khí miền núi sáng sớm thật trong lành, thật mát mẻ, tốp chị em trên tầng 3 rủ nhau dàn hàng ngang ở hành lang vừa tập thể dục vừa ngắm cảnh núi rừng thật hùng vĩ đang dần dần hiện ra trong làn sương sớm. Thật sảng khoái, thật thú vị, một trạng thái lần đầu tiên được trải nghiệm.

Sau bữa sáng, chúng tôi lại lên thuyền rời bản Pác Ngòi trở về địa điểm hôm trước bên hồ Ba Bể, hai ô tô đã chờ sẵn ở đây. Tạm biệt Bắc Kạn, tạm biệt Ba Bể, chúng tôi lên đường đi Cao Bằng đến với Thác Bản Giốc. Rong ruổi trên cung đường phía Đông Bắc của Tổ quốc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi băng qua những con đường quanh co uốn lượn dưới chân núi, chứng kiến vẻ đẹp nao lòng của núi non trùng điệp, của những dòng sông, con suối, và của những cánh rừng xanh ngút ngàn.

Những vạt hoa dại nở ven đường và cả khung cảnh yên bình của những nếp nhà nép mình dưới chân núi làm làm tâm hồn nao nao những cảm xúc khó tả.


Xe đưa chúng tôi vượt qua một loạt các đèo: Đèo Gió, đèo Tài Hổ Sìn, đèo Cao Bắc, đèo Mã Phụ, đèo Khau Liên. Mặc đường xa, mặc cho xe lắc lư, máu làm thơ bắt đầu nổi lên, chúng tôi nhao nhao tìm ý, gieo vần. Yêu cầu đặt ra là phải có tên đầy đủ các thành viên khoá 77 trong bài thơ mà lại phải phù hợp với những việc làm, những hành động của những nhân vật ấy trong quá khứ (thời sinh viên) hoặc hiện tại. Cảm hứng lúc trào dâng, thơ tuôn ào ào, cũng nhiều lúc rất bí vần, dòng cảm hứng bị đứt quãng, cuối cùng mọi người thống nhật:”Stop here!”, nuôi dưỡng cảm hứng, ngày mai tiếp tục.

 

Thác Bản Giốc đây rồi, từ bãi đậu xe vào đến thác phải đi bộ một quãng đường khá xa. Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, thác chia làm hai phần. Phần chính nằm giữa biên giới Việt – Trung, được phân chia ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn chảy phía dưới; và phần còn lại nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thác chính rộng khoảng 100 mét, cao 70 mét và sâu 60 mét, nhìn từ xa thác đổ xuống trắng xóa như dải lụa trắng vắt ngang núi rừng, tạo nên một nét quyến rũ đến bất ngờ. Đã từng ngắm thác Bản Giốc qua ảnh, qua những thước phim tài liệu, phần nào tôi đã cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của danh thắng này. Thế nhưng không gì có thể so sánh với cảm giác khi  thực sự được đặt chân đến nơi đây. Đứng ngắm Thác Bản Giốc chúng tôi như mê man trong làn gió mang theo hơi nước lành lạnh để cảm nhận hết sự mênh mông, uyển chuyển, kỳ diệu mà tạo hóa ban cho vùng đất này. Thế rồi như chợt bừng tỉnh, chúng tôi ùa ra chụp ảnh, chụp chung toàn đoàn, chụp riêng từng khoá rồi ai cũng muốn chọn cho mình một vị trí thật đẹp để lưu lại những hình ảnh kỷ niệm.

 

 

Rời Thác Bản Giốc, chúng tôi đến động Ngườm Ngao - một động lớn nằm trong lòng quả núi thuộc dãy núi đá vôi bản Gun, xã Đàm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng. Theo tương truyền, xưa kia trong động có rất nhiều Hổ dữ sinh sống nên người Tày mới đặt tên động là: Ngườm Ngao có nghĩa là: Động Hổ. Động được tạo thành do sự phong hoá lâu đời của núi đá vôi.  Thiên nhiên đã miệt mài từ bao đời để tạo ra những "tượng" đá quyến rũ sức tưởng tượng của con người, có tượng đá mang dáng dấp con người, có tượng giống cây rừng, giống súc vật như trong truyện thần thoại, có những hốc đá trông như "trướng rủ màn che" bên một nàng tiên đang nghiêng mình chải tóc, như ông tiên hiền từ, như búp sen khổng lồ... Nhiệt độ trong động Ngườm Ngao rất lí tưởng, luôn dao động ở mức 18-25 độ C nên mùa hè thì mát mẻ còn mùa đông lại ấm. Đường trong động Ngườm Ngao khá khó đi, phần lớn đường ướt, có bùn lầy, thậm chí có những đoạn đi qua phải khom lưng xuống thật thấp, không cẩn thận dễ bị va đầu vào trần đá phía trên.

 

Theo lịch trình của tour, trên đường từ động Ngườm Ngao về thành phố Cao Bằng đoàn sẽ  ghé thăm làng rèn dao Phúc Sen nổi tiếng, có truyền thống từ rất lâu đời, nhưng anh chị em đều đã thấm mệt nên chỉ ngắm địa điểm này từ trên xe. Về đến Cao Bằng, thành phố đã lên đèn, vào khách sạn, chúng tôi nhận phòng, nhanh chóng tắm rửa rồi tập trung đi ăn tối. Mọi người đang say sưa thưởng thức món lẩu đặc sản của Cao Bằng thì đèn trong phòng ăn vụt tắt. Chuyện gì thế? Đâu đó lao xao tiếng phàn nàn, chợt loé lên ánh sáng của vài cây nến và vang lên tiếng nhạc bài “Happy Birthday” mọi người lập tức vỗ tay và hát hoà theo. Đèn bật sáng, 3 bạn gái khoá 77: Lưu Kim Thanh, Trần Hoà Bình, Trần Thu Lan tươi cười hoan hỷ đón nhận chiếc bánh gato mừng SN từ tay đại ca Thắng.

Mọi người chưa hết bị bất ngờ với “lễ” mừng SN của ba bạn CL, góc phòng đằng kia lại vang lên những tiếng hô:”Горько! Горько! Горько!”, thì ra khoá 73 tổ chức kỷ niệm ngày cưới của cặp đôi anh Kim, chị Phương, lại bánh gato, lại nến lung linh xuất hiện trong tiếng hò reo chúc mừng của mọi người.

Ngày thứ ba – ngày cuối: Thăm quan khu di tích lịch sử Pác Bó.

Sáng hôm đó mọi người dậy thật sớm, ai cũng muốn tranh thủ thăm chợ ngay trước cửa khách sạn để tìm mua một số đặc sản Cao Bằng về làm quà: nào là nấm hương, nào là rau bò khai, nào là miến và cả món bánh khảo rất đặc trưng của Cao Bằng nữa chứ. Lên đường thôi, nhiều quà quá rồi.

Pắc Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng  là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa để lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Bác đã sống và làm việc trong hang Cốc Bó và đặt tên dòng suối trước cửa hang là “suối Lênin” và ngọn núi có hang này là “núi Các Mác”, 

nơi đây không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Cách Pác Bó không xa là khu di tích anh hùng liệt sỹ  Kim Đồng, vì thời gian không cho phép, theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi chỉ chiêm ngưỡng khu di tích này từ xa. Từ Pác Bó, chúng tôi quay lại tp. Cao Bằng để về Hà Nội  qua đường Lạng Sơn. “Nào bài thơ đang làm dở đâu, tiếp tục thôi!” , ai đó kêu lên, thế là lại xúm vào tìm ý, gieo vần, lại những trận cười nghiêng ngả. Cuối cùng thì bài thơ cũng đã được hoàn thành trước bữa cơm trưa với lời hò hẹn:“Chia tay chẳng biết nói gì. Hẹn 5 năm tới, ta thì gặp nhau”.

 

Khoảng 4g chiều xe dừng lại Đồng Đăng, chúng tôi có nửa tiếng để mọi người ghé thăm một ngôi đền lớn ở gần đây hoặc vào thăm chợ Đồng Đăng. Chỉ nửa tiếng thôi vậy mà nhóm vào chợ Đồng Đăng khi trở ra trên tay cũng thêm một vài món vừa sắm được. Thế mới biết shopping hấp dẫn với chị em đến thế nào. Sự mua sắm đến đây cũng chưa hết đâu. Khi đến Chi Lăng xe lại dừng để mọi người mua na - một đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn. Hôm sau là mùng 1 tháng 7 ÂL rồi, ai cũng muốn mua một ít trái cây tươi để thắp hương. Những trái na to, mắt căng tròn  trông thật hấp dẫn, lại túi lớn, túi bé theo người lên xe. Thế là thoả mãn lắm rồi nhé!

Xe vào địa phận Hà Nội rồi, chỉ ít phút nữa mọi người sẽ chia tay nhau sau một chuyến đi 3 ngày 2 đêm với biết bao kỷ niệm đẹp. Chúng tôi đã thông nhất với nhau trong đêm Gala: lần tới sẽ kỷ niệm 45 năm chứ không chờ đến 50 năm nữa. Với chúng tôi thời gian còn lại chẳng nhiều, đợi đến 50 năm thì lâu quá, thậm chí các anh chị khoá 73 còn đề nghị: sang năm ta lại tổ chức kỷ niệm 1 năm ngày hai khoá cùng nhau! Khoá 73 và 77 có lẽ có duyên với nhau thật, học cách nhau những 4 năm vậy mà rất “tâm đầu, ý hợp”. Vâng, các anh các chị, các bạn ơi, cứ còn sức khoẻ là còn tụ tập với nhau nhé! Mong mọi người giữ gìn sức khoẻ để các cuộc vui của chúng ta còn tiếp nối dài dài.

Một quy trình thật hoàn hảo!

Một chuyến đi đầy may mắn, một chuyến đi trên cả tuyệt vời!

                                                                                                          Sài Gòn, ngày 13.9.2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Người post: TuyetHA

Ngày đăng: 13-09-2017 23:11






Xem 21 - 29 của tổng số 29 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Từ: Guest Dương Mai
14/09/2017 23:26:05

Cám ơn Tuyết đã rất công phu thay mặt K77 viết bài rất hay, rất cảm xúc để chia sẻ với Hội to về chuyến đi của Hội nhỏ chúng mình.


 



14/09/2017 18:43:26

Cuối cùng cũng được đọc bài tường thuật sự kiện 50-40 của K73 và K77, sau nhiều ngày thắc mắc: sao ko có bài tường thuật nào được đưa lên trên web KGU?



Từ: Guest HoaiPV
14/09/2017 16:05:38

Cách đây 11 năm lũ bạn học phổ thông của tôi cũng đã có chuyến thăm Thác Bản Giốc đây, và cũng ghé thăm động Ngườm Ngao - hao hao "Ngườm nhà" nữa!



Từ: TuyetHA
14/09/2017 11:49:44

Xin bổ sung mấy chi tiết quan trọng mà khi viết sơ ý tôi không đưa vào:


1. Chị Lê Xuân Ba khi được tin sẽ có một chuyến đi như thế này đã đăng ký tham gia ngay, rất nhiệt tình, chị bảo với chúng tôi: đi với các em là vui quá rồi! Chúng tôi mừng lắm, nếu chị không đăng ký chúng tôi cũng sẽ mời chị với tư cách thành viên Ban LL KGU. Chỉ tiếc khi đã ra HN rồi chị lại bị mệt, nhắm thấy sức khoẻ không cho phép, chị đành bỏ tour mặc dầu đã nộp tiền đầy đủ. Thật tiếc nhưng cũng đành vậy, mấy ngày đi tour, leo trèo vất vả, mọi người nghĩ: chị Ba không đi là hợp lý. Tuy vậy chị vẫn cùng một nhóm K77 chúng tôi tham dự hành trình thăm Bắc Giang quê hương của bạn Trần Lê Minh theo lời mời của bạn. Chúng tôi được đến thăm 2 ngôi chùa cổ nhất VN: Chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Về nhà các em của Minh, được các em đón tiếp nồng nhiệ, chiêu đãi các món ngon, đặc sản của Bắc Giang. Chuyến đi này cũng rất tuyệt vời. Riêng tôi và chị Ba còn được thăm lại nơi đã từng sống trong thời gian đi sơ tán tránh bom đạn của giặc Mỹ từ hơn 50 năm trước. Mong ước từ rất lâu giờ mới thực hiện được.



 Thăm chùa Bổ Đà


2. Khoá 77 đáng lẽ còn vui hơn rất nhiều nếu không thiếu 2 bạn - 2 nhân vật quan trọng của khoá, đó là Hoàng Lương và Bình kều như anh Thắng đã phát hiện. Bạn Hoàng Lương, nhân vật chủ chốt trong Ban LL khoá 77, người đã dày công cho các bước chuẩn bị và là MC dày dạn kinh nghiệm của KGU thì đến phút chót lại bị ốm (chắc do quá căng thẳng trong quá trình chuẩn bị) nên đành bỏ tour. Bình kều cũng thế háo hức chờ đợi đến ngày đi lắm rồi cũng không tham gia được vì lý do sức khoẻ.



Từ: HoaNT
14/09/2017 11:47:42

Một chuyến đi trên cả tuyệt vời. Tks Tuyết HA đã có một bài viết tập thể công phu về chuyến đi của K77 và các anh chị K73 với tư cách là ban LL và người tham gia. Bọn mình là ban thành viên chỉ biết vô cùng cám ơn mọi người trong Ban LL đã làm việc khoa học, tỷ mỷ, cụ thể có nhiều sáng tạo để tổ chức một chuyến đi dài vui và tuyệt vời như thế nào. Có nhiều tình tiết đặc biệt trong chuyến đi vì đông nên phải chia ra 2 xe và nhiều thuyền, nhiều phòng nên mỗi nhóm lại có những chuyên, những kỷ niệm dư âm đến tận bây giờ. Mình định lúc nào có thời gian sẽ làm một phóng sự ảnh trên máy của mình về chuyến đi vì mấy năm nay mình bị mang tiếng là "ngáo FB" và "ngáo ảnh" nên chỗ nào cũng thích chụp, ngày nào cũng post lên FB. Theo gợi ý của mọi người thì Ban LL này sẽ làm việc liên tục cho đến khi nào không làm được nữa và các chuyến đi sẽ được tổ chức nhiều hơn tranh thủ khi còn sức khỏe, còn đi được không sau này già yếu không đi được nữa. 



Từ: ThangNT
14/09/2017 09:59:48

Úi giời ơi, bài viết của Tuyết quá hay. Rất công phu liệt kê tất cả những địa điểm đã qua và lại được minh họa bằng hình ảnh nữa. Xin bổ sung là ngoài khóa 77 và 73 còn có đại diện của khóa 74 là Tống kim Thuần và Vũ chu Hiền. Trên xe 16 chỗ cho đám già 73 và 74 chuyện cũng vui ra phết. Và tạo một cảm giác là nên tổ chức kiểu nhóm thế này đi theo tour du lịch có lẽ là phương án mới thú vị. Riêng đối với tôi chuyến đi này trên cả tuyệt vời. Một phần vì là lần đầu tiên đi thăm thú các tỉnh Đông Bắc, phần vì phong cảnh tuyệt vời. Chưa bao giờ thấy đất nước mình lại đẹp như vậy.


Trước chuyến đi tôi đã "gạ" chú em Thìn SV 77 mang 5 lít rượu quê ngâm táo mèo. Bù lại tôi sẽ tặng quyển sách mới viết. Tưởng là nhiều hóa ra vẫn chưa đủ. Phải thêm phần của Anh Quý bầu chồng của Lan SV 77, của anh Hiền Hóa 74 và 1 chai xịn của anh Tánh thì phải. Bữa ăn nào cũng họp chi bộ mở rộng. Nên hết nhanh quá. Lần sau phải rút kinh nghiệm. Thêm kỷ niệm nữa là sau chuyến đi lứa già 73 và 74 bị mệt khá nhiều. Tôi vào Sài gòn ngay vì công việc. Anh Tánh  có gọi điện hỏi có ốm đau gì không và kể một số người năm 73 và 74 bị mệt. May quá tôi không việc gì. Đi như chuyến đi vừa rồi mới đã. Chỉ tiếc đi không đủ. Năm 77 thiếu mấy nhân vật chủ chốt như Hoàng Lương, Bình kều. Năm 73 thiếu nhiều. Đề nghị sang năm khóa 74 hay 78 gì đó tổ chức nhớ thông báo để các năm khác tham gia. Nhưng cũng phải nói thật là trong Hội của chúng ta, xôm tụ nhất có lẽ là khóa học sinh miền Nam 72, khóa 73 và đặc biệt là khóa 77, là các ACE KGU sống theo tiêu chí "ham vui là chính". Một lần nữa xin cám ơn các ACE khóa 77 đã tổ chức chuyến đi trên cả tuyệt vời. Đề nghị Phạm Bình làm việc với Hồng post một số ảnh tập thể lên mạng KGU, vì anh không "chơi" Fb. 



Từ: Guest DIÊP CHI MÂU
14/09/2017 09:48:27

Các ban tổ chức 1 chuyến đi hoành tráng quá. Đúng là trên cả tuyệt vời. Chúc mừng các bạn!



Từ: HoaiPV
14/09/2017 09:23:15

40 năm...Ngon!


45 năm sẽ còn..."giòn" hơn nưa (nữa) !!!


(phỏng thơ tập thể của K77!)



Từ: ThoaNP
14/09/2017 08:02:46

 


Cảm ơn Tuyết. Hôm qua vừa nhắc BLam "Khóa 77 chắc chỉ lo chia vui trên FB mà quên mất chợ KGU rồi sao". Lam trấn an "Không, đang chuẩn bị tư liệu đấy, sẽ có bài".


Đọc mà thấy vui lây với mọi người.


À, bao giờ post bài thơ tập thể đấy?


 


 


 




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 | 3 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s