KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ năm 10 Tháng mười một. 2011

Trên những cánh đồng xứ Flander




Tác giả: ThuTT

Ngày 11/11 năm nay sẽ được cả thế giới nhớ đến nhờ “6 con 1”. Nhưng ở châu Âu thì 11/11 năm nào cũng được nhớ tới vì đó là ngày nghỉ lễ: ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, hay còn gọi là ngày “buông vũ khí”.  Những ai đã từng sống ở nước Anh hoặc hay xem truyền hình BBC đều có thể nhận ra rằng vào ngày lễ này và ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai 9/5 rất nhiều người ở Anh đeo trên ve áo một bông hoa anh túc đỏ thắm. Và nếu bạn theo dõi chương trình truyền hình Ngày tưởng niệm  (Remembrance Day) 11/11 bạn sẽ thấy cả nhà hát lớn nơi diễn ra lễ kỷ niệm tràn ngập một màu đỏ của bông hoa anh túc ấy. Cả nữ hoàng lẫn thủ tướng Anh cũng mang một bông anh túc đỏ trên bộ lễ phục sang trọng của họ. Và phần lớn những vòng hoa đặt tại các đài Tổ quốc ghi công ở Tây Âu cũng được kết bằng hoa anh túc đỏ. Vậy truyền thống này bắt nguồn từ đâu và tại sao lại là hoa anh túc đỏ.

Thanh pho Ieper: Toa thi chinh va bao tang
"Trên những cánh đồng xứ Flander"
 

Hoa anh túc đỏ màu máu ấy là một loài hoa dại thường nở vào mùa hè trên những cánh đồng ở châu Âu. Điểm đặc biệt của hạt  anh túc là chúng có vỏ khá cứng nên khó nảy mầm trong điều kiện bình thường. Thường để giúp cho hạt nảy mầm nhanh, người ta phải chà xát hạt rất mạnh. Cây anh túc dại này thường phát triển mạnh ở những vùng đất có độ dinh dưỡng cao. Mùa hè năm 1915, khi chiến trận nổ ra ác liệt ở khu vực chiến trường  phía tây Vương quốc Bỉ, nơi thường được gọi trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất là Những cánh đồng xứ Flander  (The Flanders Fields), một mùa hoa anh túc nở rộ chưa từng thấy. Lý do mà người ta thường dùng để lý giải cho hiện tượng này là vì những gót giày của lính đã chà đi xát lại trên những cánh đồng này làm cho không một loài cây nào có thể mọc được trừ anh túc. Và vì máu của chiến binh đã đổ thành sông ở đây nên hoa anh túc mới nở bùng lên như thế và đỏ rưc lên như thế. John McCrae là bác sĩ quân y người Canada đã tham chiến trên những cánh đồng xứ Flander vào năm 1915 và ông đã viết bài thơ nổi tiếng (được coi là nổi tiếng nhất viết về chiến tranh thế giới thứ nhất): Trên những cánh đồng xứ Flander (In Flanders Fields) vào tháng 5/1915 sau khi chôn cất những người đồng đội của ông. Lúc đó sơn ca bay rợp bầu trời chiến địa và anh túc nở rộ chưa từng thấy khắp mặt đất.  Biểu tượng của bài thơ, những bông anh túc đỏ màu máu của những chiến binh đã ngã xuống ở chiến trường sau này đã được dùng để đặt tên cho quỹ hỗ trợ các cựu chiến binh và gia đình họ ở nhiều nước: Quỹ hoa Anh túc (The Poppy Fund). Quỹ này được hình thành do việc bán những bông hoa anh túc làm bằng vải cho mọi người đeo trong lễ Tưởng niệm chiến tranh nhờ sáng kiến của bà Moina Michael một người phụ nữ Mỹ và ngày Tưởng niệm chiến tranh (Armistist Day: 11/11) còn được gọi là ngày Hoa anh túc (Poppy Day). Ở Anh việc sản xuất những bông anh túc bằng vải để tạo quỹ Hoa anh túc được thực hiện bởi những người tàn tật, những nạn nhân  chiến tranh và nhà máy Hoa anh túc đã được thành lập vào năm 1922.

Bác sĩ John McCrae không bao giờ ngờ rằng bài thơ của ông đã có một đóng góp lớn lao như vậy cho nhân loại. Ông cũng đã ngã xuống ở chiến trường vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Và như bài hát Trận cuối cùng đã viết: Trân cuối cùng trận khó khăn nhất. Ông đã không được trở về quê hương mà nằm lại vĩnh viễn ở một nghĩa trang nhìn thẳng ra những cánh đồng xứ Flander ngập tràn hoa Anh túc. Trên mộ ông Hoa Anh túc vẫn đỏ cho đến tận ngày nay.

 

Bo kenh , noi bac si John McCrae viet bai tho noi tieng

Vào một ngày cuối tháng 10, khi những bông anh túc muộn màng nhất cũng đã biến mất khỏi « những cánh đồng xứ Flander », khắp nơi chỉ còn một màu vàng rực của lá thu, tôi có dịp cùng bạn bè ghé thăm nơi chiến địa  này. Thành phố Ieper, nằm phía tây nam nước Bỉ, một thành phố nổi tiếng sầm uất, một trung tâm thương mại lớn của Châu Âu thời Trung cổ là một trong những địa danh thuộc khu vực « những cánh đồng xứ Flander » đẫm máu. Người ta nói rằng thành phố đã bị san phẳng hoàn toàn sau chiến tranh. Nhưng nếu không được giới thiệu thì du khách ngày nay khi đến thăm Ieper sẽ nghĩ rằng mình đang chiêm ngưỡng một thành phố cổ tuyệt đẹp. Sau chiến tranh người ta đã xây dựng lại thành phố theo đúng như nó vốn có từ thời xưa, khi chưa bị tàn phá. Tọa lạc tại trung tâm thành phố là một tòa nhà tuyệt đẹp, vốn là khu trung tâm buôn bán vải vóc vào loại lớn nhất châu Âu thời Trung cổ, tầng dưới là các cửa hàng còn tầng trên là các kho chứa vải. Ngày nay một phần tòa nhà là Tòa thị chính thành phố, còn một phần đáng kể là Bảo tàng mang tên « Trên những cánh đồng xứ Flander ». Và hòa quyện với những kiến trúc tuyệt đẹp thời xa xưa vẫn là những dấu tích nhắc những người đang sống về sự tàn khốc của chiến tranh. Cổng vào thành phố là bức tường khắc tên những người lính thuộc lực lượng quân đội Anh (gồm Anh và các nước trong khối liên hiệp Anh). Như dòng chữ khắc trên mái cổng thì đây là nơi « để tưởng niệm những người lính của Đế chế Anh quốc đã bám trụ nơi đây từ 1914 đến 1918 và để tưởng niệm những ai đã chết nơi đây mà không để lại một nấm mồ ». Và để có thể hình dung được có bao nhiêu người được « tưởng niệm » ở đây thì xin hãy đọc những con số được khắc trên một miếng đồng nhỏ bé, ít người để ý trên sân trời nhìn ra dòng kênh nhỏ bên cạnh cổng. Pháp: dân số 40 triệu, tử vong 1 triệu 250 ngàn, bị thương 4 triệu; Khối liên hiệp Anh: dân số 392 triệu, tử vong 1 triệu, bị thương 2 triệu; Bỉ : dân số 8 triệu, tử vong 13 ngàn 8 trăm, bị thương 44 ngàn 7 trăm; Liên quân Đức- Áo: dân số 12 triệu, tử vong 1 triệu rưỡi, bị thương 3 triệu rưỡi. Con đường nhỏ chạy dọc theo kênh sẽ dẫn ta đến nơi mà bác sĩ quân y người Canada đã ngồi viết những dòng thơ « Trên những cánh đồng Flander » nổi tiếng. Dù mùa này ngoài cánh đồng không có bông anh túc nào còn nở nữa nhưng ở chỗ này không bao giờ thiếu những vòng hoa anh túc, và những bông anh túc vẫn nở trên ve áo đội quân nhạc chiều nào cũng tấu lên nơi đây khúc nhạc tưởng niệm để kết thúc một ngày an bình, và cả trên ve áo những bạn trẻ đang tìm về quá khứ. Tôi gặp những bạn trẻ người Úc vừa bước ra khỏi Bảo tàng. Họ là những người khách đi theo tour du lich mang tên « Hoa anh túc » và tôi đã thấy họ lần tìm tên người trên từng bức  tường. Chắc là họ đang tìm tên của người thân trong gia đình đã vĩnh viễn nằm lại ở  một trong những nơi chiến địa khốc liệt nhất của lịch sử nhân loại.

 

Buc tuong con lai cua thanh pho sau chien tranh  

In Flanders Fields
by John McCrae, May 1915

In Flanders Fields the poppies blow
Between the crosses, row on row
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heard amid the guns below

“We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved, and were loved, and now we lie
In Flanders fields.”

“Take up our quarrel with the foe:
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields.”

 

Và bản tạm dịch tiếng Việt của tôi:

 

Trên những cánh đồng xứ Flander

John McCrae, 5/1915

 

Trên những cánh đồng xứ Flander nở bùng hoa anh túc
Giữa hàng hàng những cây thập ác
Đánh dấu nấm mồ của chúng tôi;

Và trên bầu trời
Những con sơn ca cố tránh xa  làn đạn

Kiêu hãnh hót vang và  lượn giữa đất trời

Chúng tôi chết.    trước  đó vài ngày
Vẫn  còn sống, nằm ngắm hoàng hôn xuống
Chúng tôi đã yêu, và  được yêu say đắm

Để rồi bây giờ nằm lại nơi đây
Trên những cánh đồng xứ Flander này

Hãy chiến đấu, hãy nâng cao ngọn đuốc

Chúng tôi trao khi ngã xuống nơi đây

Trên những cánh đồng xứ Flander hoa anh túc nở đầy

Đấy chính là vì chúng tôi không yên ngủ.

 

Trần Thanh Thu


Người post: NgocBQ

Ngày đăng: 10-11-2011 21:09






Xem 11 - 13 của tổng số 13 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: LyMX
11/11/2011 10:25:32

Cám ơn bạn Thu đã có bài viết rất bổ ích. Đặc biệt là bạn đã giới thiệu bài thơ ý nghĩa mà tôi chưa từng biết đến. Mấy hôm nay đội tuyển bóng đá Anh đấu tranh với FIFA để được đeo Poppy vào ngày mai trong trận đấu hữu nghị với Tây Ban Nha. Cuối cùng FIFA đã nhượng bộ. Thật vô lý nếu ngăn cấm một việc làm ý nghĩa như thế - một hành động tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong chiến tranh. Hôm nay 11/11 cũng là ngày Ba lan giành lại độc lập sau 123 năm bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Toàn dân được nghỉ ăn tết Độc Lập và tôi có chút thời gian lướt Web KGU để được thưởng thức bài viết của bạn.



Từ: NghiPH
10/11/2011 23:30:33

Ngày11/11 là ngày  kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, hay còn gọi là ngày “buông vũ khí”.  Thế mà sau đó nhân loại vẫn bị hút vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai khốc liệt hơn nhiều lần. Bây giờ thì các nước đang tích cực mua thêm vũ khí. Nhiều kẻ giầu lên do bán súng ống, đạn dược.  Những người lính đã ngã xuống trên cánh đồng xứ Flander ở Bỉ, trên mảnh đất Quảng Trị ở Việt Nam... đâu có yên nghỉ. Chiến tranh vẫn đang rình rập đâu đây. Nhân loại ơi! Hãy cảnh giác!  



Từ: ManhNX
10/11/2011 21:43:06

Một nước Belgium có 2 vùng văn hóa: Flander và Cộng đồng tiếng Pháp. Các trường có khoa Khoa học và Công nghệ thực phẩm Vương quốc Bỉ và Việt Nam đã thành lập chính thức Mạng lưới VB FoodNet, nhưng 01 GS khối Cộng đồng Pháp ngữ đã tâm sự với tôi: GS của 2 vùng này ngồi với nhau thì hàng tháng không thống nhất được công việc. Nếu 1 phía có Dự án thì có thể mời một số GS của bên kia tham gia giải quyết một việc cụ thể nào đó.


Bài dịch của bạn Thu hay và sát nội dung.


NXManh SV76




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s