KGU Events >>Sự kiện
KGU Tạo bài viết  
Thứ tư 17 Tháng sáu. 2015

BỘ KẾT NỐI




Tác giả: CucNT

BỘ KẾT NỐI

 

“ Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.Câu châm ngôn đó đã trở thành chân lý đối với mọi quốc gia trong mọi thời đại. Những năm gần đây, ý kiến đóng góp để cải cách nền giáo dục nhiều chưa từng có, ai cũng mong muốn ý kiến của mình được tiếp thu để những người đứng đầu ngành giáo dục có thể tổng hợp để đưa ra những phương án tốt nhất nhằm cải cách nền giáo dục đồng nghĩa với việc thay đổi vận mệnh đất nước theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trong nhiều ý kiến đánh giá về nền giáo dục Việt Nam hiện nay, bên cạnh những ý kiến cảm thông, chia sẻ, cũng có  rất nhiều ý kiến chê bai, khiển trách. Hằng ngày, tôi vẫn thường theo dõi và trăn trở nhưng bản thân tôi chỉ đọc để biết thôi.

Một hôm anh Cao Đăng Tân, Giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tôi với thầy  Nguyễn Hướng Việt , giảng viên, công tác  tại phòng thí nghiệm DESLAB – Khoa điện tử viễn thông – Trường Đại học khoa học tự nhiên – Thuộc đại học quốc gia Tp. HCM. Tôi và anh Nguyễn Bá Liễu đã tới phòng thí nghiệm tham quan và tôi thực sự xúc động. Những nhà khoa học này không có nhiều ý kiến, họ âm thầm cống hiến cho nền giáo dục bằng cách sáng  tạo các thiết bị nhằm nâng cao chất lượng cho  giáo dục và y tế. Chúng tôi được làm quen với “Bộ kết nối kính hiển vi máy vi tính” ( Sau này nâng cấp đổi thành “thiết bị Nhúng  tốc độ cao, công suất thấp, kết nối kinh hiển vi với thiết bị nghe nhìn” . Dưới đây gọi tắt là “Bộ kết nối”.

Các nhà khoa học thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh do  thầy Nguyễn Hướng Việt chủ trì đã nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị kết nối “Kính hiển vi - Máy vi tính” với 6 ứng dụng cơ bản, phục vụ cho các ngành giáo dục và y tế (có thể trở thành máy quay phim, máy chụp hình kỹ thuật số, kết hợp với kính hiển vi để có chức năng như kính hiển vi số, kính loop số, kính hiển vi thông thường, sử dụng với phần mềm chuyên dụng để hỗ trợ xét nghiệm máu). Chi phí lắp đặt thiết bị thấp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thiết bị đã được ứng dụng tại nhiều trường học, bệnh viện, phòng xét nghiệm… cho kết quả khả quan.

Tôi đặt 1 bông hoa trước kính hiển vi, bông hoa được phóng to lên gấp 2, 10, 400 lần tùy ý mình điều chỉnh , những hạt phấn li ti trên nhũ hoa được phóng to lên nhìn rất thú vị. Và kỳ diệu hơn, tôi không phải dán mắt vào kính hiển vi mà hình bông hoa được chiếu trên màn hình lớn, cả hội trường có thể xem được. Tôi xuýt xoa, “thú vị quá!”  Anh Hướng Việt hứa sẽ tài trợ cho trường học ở quê tôi 1 bộ để phục vụ trong giáo dục. Hàng năm, anh và các cộng sự vẫn thường nghiên cứu sáng tạo ra các sản phẩm ứng dụng thiết thực trong giảng dạy và y tế theo chương trình tài trợ của Quỹ hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.ting. Anh Tân gọi tôi và anh Bá Liễu tới tham quan là với hy vọng chúng tôi xin được 1 bộ cho trường THPT Phan Bội Châu.

Thi thoảng tôi gọi điện cho anh xem chương trình đến đâu và tôi tò mò vì cái tên Hướng Việt của anh. Rồi anh kể tôi nghe, quê hương anh ở Đồng Tháp, ba anh tập kết ra bắc trong những ngày chiến tranh ác liệt, khi đó  má anh mang bầu. Sinh ra anh, ông bà nội của anh đặt tên anh là Hướng Việt với mong ước dù đi bất cứ nơi đâu cũng hướng về quê Việt . Vậy nên học xong đại học Khoa học tự nhiên Tp. HCM, anh đi nghiên cứu sinh ở Pháp rồi đi giảng dạy rất nhiều nước trên thế giới nhưng anh đã trở về Việt Nam, làm việc tại trường Đại học khoa học tự nhiên – thuộc Đại học quốc gia Tp. HCM. Anh tri ân đất nước đã có ngày hôm nay, ngày trên quê hương bình yên sạch bóng quân thù nên giờ đây khi 2 con anh đã trưởng thành, 1 đứa làm việc tại Nhật, 1 đứa tại Canada anh đi làm từ thiện bằng cách cống hiến trí tuệ, sức lực của mình sáng tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong giáo dục, y tế, nông nghiệp vv và đem các sản phẩm đó tài trợ cho khắp mọi miền tổ quốc. Anh yêu quý dãi đất miền Trung vì nơi đó, ba anh đã cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc cứu nước vĩ đại của dân tộc. Tôi vui mừng và dần dà xin anh cho thêm các trường khác. Cuối cùng, anh đã đồng ý tài trợ cho tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, mỗi tỉnh 5 bộ cho trường học và 2 bộ cho bệnh viện.

Sau trường THPH Phan Bội Châu, tôi nghĩ ngay đến trường THCS năng khiếu Phan Huy Chú, Thạch thượng, Thạch Hà, nơi chúng tôi là khóa đầu tiên do thầy giáo lê Đức Hân làm Hiệu trưởng  và nay là anh Trương Hữu Hoa là cựu học sinh PBC làm hiệu phó. Tôi liên hệ nhiều nơi, gửi tài liệu cho họ đọc, hướng dẫn họ cách viết đơn đề nghị được tài trợ. Và cuối cùng 5 trường học ở Hà Tĩnh + 1 bệnh viện  và 5 trường học ở Nghệ An + 1 bệnh viện  đã được đồng ý hỗ trợ.

Đơn đã được duyệt, danh sách đã có, tôi hồi hộp chờ ngày các nhà  khoa học bàn giao thiết bị, các trường thì liên tục gọi điện hỏi.

Ngày 10/6  thầy Nguyễn Hướng Việt và 2 thầy giáo nữa chất đầy thiết bị lên chiếc oto 16 chỗ hành trình về Miền Trung để bàn giao cho các trường. Tôi đi máy bay về trước.

CHIẾC XE CHỞ ĐẦY THIẾT BỊ BẮT ĐẦU LĂN BÁNH TỪ TP.HCM ĐI XUYÊN VIỆT

DỪNG LẠI TẠI NGHỆ AN


Tối ngày 11/6 tôi nhắn tin cho các trường hẹn gặp nhau ở quán cà phê  Bé Trang tại Thị Xã Hà Tĩnh. Thật xúc động khi các hiệu trưởng đều có mặt.

Các thầy cô hiệu trưởng ở Hà Tĩnh

Chúng tôi nói chuyện về giáo dục, ai cũng trăn trở mong sao có phương tiện, cách thức để nền giáo dục được tốt hơn, đáp ứng được kỳ vọng của dân tộc. Tôi đã gửi tài liệu về trước, bộ kết nối ứng dụng trong  giáo dục giá trị chỉ 8 triệu đồng, trong y tế thì giá trị 30 triệu đồng. Các thầy cô bảo chúng tôi biết, giá trị vật chất có thể không cao nhưng tấm lòng của các nhà khoa học là vô giá. Thi thoảng các trường cũng nhận được tài trợ của các doanh nhân khi sách vở, khi tiền bạc nhưng những thứ đó chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, điều các trường cần nhất là phương tiện và cách thức giảng dạy. Tôi lắng nghe và cảm nhận lòng yêu nghề tha thiết của các thầy cô. Chúng tôi nhắc đến những ý kiến của nhiều chuyên gia góp ý cho nền giáo dục và tất cả cùng nhắc tới Doanh nhân Lương Hoài Nam, tuy không có chuyên môn về giáo dục nhưng anh là người đã dày công nghiên cứu rất nhiều nền giáo dục trên thế giới để đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực cho nền giáo dục nước nhà.

Cô Nhật Ái hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Thiêm tâm sự, trường không chỉ dạy cho các em kiến thức mà còn luôn nêu gương các anh hùng của dân tộc và những nhà khoa học đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Những tấm gương miệtmài nghiên cứu học tập như Viện trưởng viện toán học VN , Giáo sư Lê Văn Thiêm luôn là hình mẫu để các em noi theo. Thầy Võ Tri Kỳ từ Cẩm Xuyên xa xôi cũng có mặt. Thầy là hiệu trưởng trường PTTH Hà Huy Tập, thầy đã đi nhiều nước trên thế giới nhất là Singapore học tập cách giảng dạy của họ để áp dụng ở trường thầy. Cô Giáo Trần Thị Kim Hiền, thầy Nguyễn Văn Hạt, trường đại học Hà Tĩnh kể rằng ở trường đang đào tạo nhiều sinh viên lào, Camphuchia và mong ước trong tương lai sẽ nhận thêm nhiều sinh viên của các nước Asian đến học. Thầy Thanh, thầy Hoa trường THCS Phan Huy Chú tự hào kể rằng ngôi trường ngày xưa em Cúc học chỉ có 2 lớp nay đã là 1 trường học hàng trăm học sinh và đã đạt được nhiều thành tích tốt đẹp.

Tôi quay sang thầy Tứ, hiệu trưởng trường THPT Ngọc Sơn “Lý do em chọn trường anh để đề nghị được tài trợ, anh biết vì sao không?"

Thầy Giáo Nguyễn Lê quê ở Hóc Môn, TP. HCM, thầy đã tập kết ra Bắc, dạy học ở trường cấp 3 Lý Tự Trọng, Hà Tĩnh. Thầy trò đã dạy học dưới hầm sâu trong mưa bom, bão đạn. Vào cái hôm nghiệt ngã đó, ngày 19/08/1968  1 loạt bom Mỹ đã dội xuống trường, cướp đi sinh mạng của 16  em học sinh. Các em đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời mới 14, 15, máu các em nhuộm đỏ cả sân trường và thầy giáo Nguyễn Lê đã viết bài thơ “Mẹ”, làm rung động trái tim hàng triệu con người:

….Trưa về đến sau nhà,

Gọi con như mọi bận,

Mà không nghe trả lời,

Thì mẹ ơi! Đừng giận!

….Thấy áo com đẫm máu

Đừng đừng khóc mẹ ơi!

Giặc Mỹ nhắm vào con,

Mà bắn vào tim mẹ,

Đừng khóc con mẹ nhé!

Khóc sao hả căm hờn…”

Sau giải phóng thầy trở về Miền Nam giảng dạy nhưng vẫn đáu đáu với miền quê, với mái trường đầy kỹ niệm đó. Tôi rưng rưng nước mắt, anh Tứ nghẹn ngào, ở xã Thạch Tiến mỗi khi có ai đến thăm trường vẫn  thường đứng lặng trước tấm bia “Di tích tội ác chiến tranh” khắc  tên 16 em học sinh yêu dấu. Tôi kể,  Thầy Nguyễn Hướng Việt muốn làm nhiều việc thiện cho Miền Trung vì ba thầy đã cùng nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh “chia lửa” từ những năm 1958 đến năm 1976, ba anh coi đó là quê hương thứ 2 của ông!

Tôi tạm biệt các thầy cô giáo ở Hà Tĩnh, hẹn gặp lại họ ở Vinh. Trong tôi dâng lên 1 niềm tự hào, quê hương tôi còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần vượt khó vươn lên thì thời nào cũng vậy. Từ những mái trường này, bao đứa con đã trưởng thành, trở thành những nhà khoa học, những doanh nhân, những công dân tốt của xã hội. Những người thầy ở quê dù khó khăn vẫn đang say mê với nghề giáo, chăm chút đào tạo cho xã hội những công dân tích cực.

Sáng 14/06/2015, chúng tôi tập trung tại trường PTTH  Lê Mao, Tp. Vinh để giao nhận “Bộ kết nối”.

Miền Trung mùa này nắng chói chang, ông trời dường như mang cả chảo lửa khổng lồ đổ xuống đất. Mồ hôi chảy đầm đìa nhưng thầy Hướng Việt, thầy Thu Hảo, thầy Hải Chi vẫn miệt mài lắp vi tính, kính hiển vi, các phụ kiện để chuẩn bị cho buổi thuyết  trình.

Tôi nhìn thấy một người tuổi đã cao ngồi ở hàng ghế đầu nên lại gần hỏi thăm. 

               Bác Trần Đức Ngoạn

Bác kể cho tôi nghe, bác là bạn của ba anh Hướng Việt. Ba anh Hướng Việt tên là Nguyễn Thanh Ri, thời kỳ chiến tranh, bác Ri là phó giám đốc công ty cầu đường 2, phụ trách chặng đường từ Thanh Hóa về đến sông  Gianh.  Ngày đó bom đạn ác liệt lắm cháu ạ! Trách nhiệm của các bác và những người trong công ty là bảo đảm giao thông thông suốt  nên bất kể ngày đêm các bác phải bám trụ ở mặt đường, nơi nào hỏng thì vá ngay lại, cầu, phà, sập thì sửa ngay bằng cuốc xẻnh và sức  người là chính. Một luồng kí ức chạy qua đầu tôi, ừ những năm tháng ấy, làng tôi nằm giữa 2 cây cầu nên đã hứng không biết bao nhiêu bom đạn Mỹ , cả nhà  tôi đã bị trúng bom, kinh khủng quá! “Lúc đó chắc nhiều người bị thương bác  nhỉ?” Không chỉ bị thương mà còn chết rất nhiều cháu ạ! Các bác không chỉ bảo đảm cho tuyến đường nguyên vẹn mà còn cấp cứu thương binh, có những chiếc oto chạy qua, trúng bom bốc cháy , các bác phải nhanh chóng đưa oto qua 1 bên để những chiếc sau chạy tiếp, kịp tiếp tế lương thực và đạn dược vào chiến trường Miền Nam. Giữa những phút hiếm hoi im tiếng súng, bác Ri thường kể cho bác nghe về gia đình, về quê hương Đồng Tháp của bác và mong ước đến ngày đoàn tụ. Bác lo nhiều vì ở trong đó, giặc Mỹ thường đi càn và nếu gia đình ai có người đi tập kết ra Bắc là chúng đánh đập, bắt bớ, tran tấn rất dã man. Có 1 lần bác Ri bị thương nặng, tưởng không thể qua khỏi nhưng người dân Hà Tĩnh Nghệ An đã hết lòng cứu chữa, cưu mang bác. Ngày giải phóng, bác trở về quê hương Đồng Tháp, đứa bé mà ngày bác ra đi chỉ mói là hài nhi mới hình thành trong bụng mẹ nay đã trở thành 1 thanh niên trai tráng, thông minh. Giấy khai sinh của anh Hướng Việt, ở mục cha ghi là “ vô danh”.  Bác Ri về mới khai lại tên cha cho anh. Bác Ri dặn con người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã hồi sinh cho ba nếu không con đã chẳng bao giờ được biết mặt ba nên những gì có thể làm được cho miền quê ấy thì con hãy hết sức làm. Sau giải phóng năm 1975, Bác Ngoạn lại từ Miền Trung cùng bác Ri vào quê hương Đồng Tháp, bác Ngoạn làm giám đốc xí nghiệp vận tải Đồng Tháp. Tình bạn của họ gắn bó keo sơn qua năm tháng như anh em một nhà…

Câu chuyện đang thu hút nhưng đến giờ rồi. Tất cả đã sẵn sàng lắng nghe anh Hướng Việt, Hải Chi, Thu Hảo thuyết trình. Tôi lướt nhìn và thật xúc động khi các trường ở rất xa như Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Diễn Kỷ vẫn có mặt đầy đủ.

GIÁO VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH

Các thầy cô thuê xe đi cả 5 người để đón nhận kiến thức mới. Đặc biệt thầy hiệu trưởng trường THCS Phan Huy Chú bỏ cả chuyến du lịch đi Phú Quốc cùng trường để đưa 4 thầy cô giáo ra Vinh lắng nghe buổi thuyết trình.

GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS NĂNG KHIẾU PHAN HUY CHÚ

Thầy Tứ, hiệu trưởng trường Ngọc Sơn lái oto chở các thầy cô có mặt từ sáng sớm.

Thầy Tứ - Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Sơn

Trưởng khoa lý luận Mác lê trường Đại học Hà Tĩnh đưa theo 3 cô giáo chuyên môn đi oto tới nơi. Tôi nhìn thấy 1 thầy giáo không quen, hỏi thăm và thầy bảo thầy ở Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ. Năm trước trường thầy đã nhận “Bộ kết nối”, ứng dụng rất hiệu quả nên năm nay, “Bộ kết nối”  được thay đổi công nghệ tiên tiến hơn nên trường thầy cũng được tài trợ tiếp.

THẦY HƯỚNG VIỆT ĐANG HƯỚNG DẪN

Theo quy định, sau khi xem các thầy hướng dẫn, các thầy cô sẽ lên thực hành, trường nào thực hiện tốt nhất, nhanh nhất sẽ được tặng thêm 1 cái tivi 32 ink. Chúng tôi hồi hộp theo dõi để chấm điểm. Ai cũng nghĩ trường Phan Bội Châu sẽ đoạt giải nhưng thật bất ngờ kết quả là trường THCS Kim Liên Nam Đàn vì trường đó thao tác nhanh nhất, chính xác nhất, cho kết quả sớm nhất.

Trường Phan Bội Châu.

Xứng đáng thôi vì cả thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó và 3 giáo viên chuyên môn đều có mặt. Tôi thầm tiếc cho trường Phan Bội Châu nhưng khi hỏi ra mới biết thầy giáo chuyên môn bận chấm thi nên cử cô giáo khác đi nhận thay. Các trường lần lượt lên nhận” Bộ kết nối”. Cả hội trường vỗ tay vang dội mừng cho trường Kim Liên, Nam Đàn nhận thêm giải thưởng là cái Tivi 32 ink. Ngoài “ bộ kết nối”  Thầy Hướng Việt quyết định tặng thêm cho Bênh Viện  trường Đại học Y Vinh và bệnh viện huyện Nghi Xuân 1 cái ti vi và 1 máy in phun màu Epson LX 300. Nan giải đây vì không biết 2 bệnh viện sẽ chia thế nào? Thầy hỏi  đại diện của 2 bệnh viện, 2 bên đều vừa cười vừa trả lời muốn có cả 2. Ngay lúc đó, bác Ngoạn bảo, tặng cho cả 2 đi. Thế là các thầy đồng ý! Một tràng pháo tay lại nổi lên.

Thầy Hướng Việt đang trao bộ kết nối cho đại diện các trường.


Thầy Hướng Việt nói tiếp về hướng phát triển rằng thầy và các cộng sự sẽ tiếp tục xin tài trợ, tìm tòi nghiên cứu để phát minh ra nhiều những sản phẩm có giá trị hơn nữa nhằm mục đích tài trợ cho giáo duc, y tế , nông nghiệp. Thầy và các đồng nghiệp đã đào tạo, hỗ trợ cho 20 sinh viên đi du học Đại học, nghiên cứu sinh  ở nước ngoài và sẽ tiếp tục hỗ trợ tiếp.

Tôi động viên mọi người, những trường không được nhận thêm giải thưởng xin đừng buồn, điều quan trọng là chúng ta sử dụng “Bộ kết nối” thật hiệu quả, năm sau, chúng tôi sẽ về và sẽ tài trợ thêm và sẽ lại có chương trình thi đua như năm nay. Chúng ta không dừng lại ở việc nhận tài trợ là những “Bộ kết nối” mà hướng tới đào tạo học sinh chất lượng cao để các em có thể dành được học bổng đi du học do quỹ cộng đồng Lawrence S. Tinh tài trợ. 


Thầy Phan Thu Hảo, Cucnt và Bs Cao Trường Sinh.

Tôi giới thiệu  thêm để mọi người biết, người mà ai cũng tưởng là cậu học sinh cấp 3, 17 tuổi đây chính là thầy Phan Thu Hảo. Thầy nguyên là sinh viên trường Đại học KHTN Tp. HCM. Nhờ kết quả học tập xuất sắc, thầy được giữ lại làm việc ở trường và nay đang làm việc tại phòng thí nghiệm của thầy Hướng Việt. Chúng tôi mong muốn học trò của quý thầy,  cô đây sẽ có nhiều em xuất sắc như vậy.

Buổi trao nhận kết thúc lúc 15g, ai cũng đói meo nhưng khuôn mặt rất hớn hở. Đại diện các trường nói với tôi rằng, họ rất muốn có thêm kính hiển vi vì kính hiển vi ở trường đã cũ, có kính hiển vi mới thì việc sử dụng  “ Bộ kết nối” mới có hiệu quả tốt hơn. Tôi hứa là sẽ truyền đạt với thầy Hướng Việt ý kiến này. Tôi cảm ơn tất cả các thầy cô đã tiếp nhận “Bộ kết nối” với thái độ nhiệt tình, tính cầu thị, niềm say mê mong ước được tiếp nhận những tri thức mới trong lý thuyết cũng như thực hành. Chính thái  độ đó đã làm cho những người như chúng tôi cảm thấy yêu thích công việc của mình hơn!

Buổi tối, bác sỹ  ( Đồng thời cũng là giảng viên trường Đại học Y - Vinh) Cao Trường Sinh, Phó giám đốc bệnh viện  đại học y Vinh mời chúng tôi ăn cơm. Các thầy chỉ ăn cơm rau và uống nước Soda, không ai uống  được bia cả.

THẦY HƯỚNG VIỆT, CUCNT VÀ BS CAO TRƯỜNG SINH



Bác sỹ  Sinh nói rằng, đã từ lâu thầy  ao ước có được “Bộ kết nối” này nhưng chưa có điều kiệm mua vì ở VN chưa có bán, chỉ có thể mua bên Mỹ mà thầy chưa liên hệ được. Thầy nhắc đi nhắc đi nhắc lại sản phẩm này dùng trong khám, chẩn đoán bệnh và tuyệt vời, là 1 bước tiến vượt bậc so với những sản phẩm sử dụng lâu nay. Tôi không hiểu gì về y học nhưng nghe các thầy nói chuyện thấy rất thú vị. Thầy Hướng Việt bảo thầy sẽ xin kinh phí và nghiên cứu tiếp về các công cụ có thể chẩn đoán bệnh từ xa để tài trợ cho các bệnh viện. Thầy Sinh tặng chúng tôi cuốn sách do thầy và GS Huỳnh Văn Minh đồng chủ biên “TheoTHEO DÕI HUYẾT ÁP LƯU ĐỘNG 24 GIỜ” TỪ NGUYÊN LÝ ĐẾN THỰC HÀNH. Tôi mừng quá, mẹ bị cao huyết áp, tôi sẽ đọc để hướng dẫn cho mẹ. Chúng tôi nói nhiều chuyện về cuộc sống, thời sự hiện nay. Thầy Hướng Việt bảo, tôi muốn làm từ thiện để tri ân cuộc đời này, ngày trước, khi còn nhỏ, nhà thầy nghèo lắm, đói triền miên, thầy phải đi nhặt những bịch bánh người ta cúng cô hồn để ăn. Tôi ngạc nhiên, “Em tưởng miền Trung quê em mới nghèo khổ thế chứ, thầy ở Miền Nam mà!”. Thầy cười, “Khi đất nước bị xâm lăng thì không có ở đâu đầy đủ cả em ạ! Chúng ta được như thế này là phải ghi nhận công lao cả dân tộc nhiều lắm vì thế mỗi người 1 vị trí trong xã hội, làm được điều gì tốt trong khả năng của mình để xã hội  được tốt hơn thì hãy làm”.

Tôi bay vào Tp. HCM còn các thầy vẫn đi tiếp ra phía Bắc để chuyển giao " Bộ kết nối"  cho các trường học,  bệnh viện ở Thanh Hóa, Phú Thọ vv. Tôi lại vào đọc rất nhiều những ý kiến đóng góp cho nền giáo dục đăng dàn trãi trên mạng. Bất chợt động tới bài viết của Trần Thị Phương Hoa khi so sánh nền giáo dục Mỹ với nền giáo dục Việt Nam, cô đã lớn tiếng phê  bình, chỉ trích thậm chí miệt thị nền giáo dục nước nhà và tôi chợt thấy những người như thầy Nguyễn Hướng Việt và cộng sự của thầy mới là những nhà khoa học chân chính, những người yêu nước thiết tha, họ không nói, chỉ miệt mài nghiên cứu, làm việc và cống hiến.

Tp HCM ngày 15/06/2015

Cucnt

 


 


Người post: CucNT

Ngày đăng: 17-06-2015 11:11






Xem 11 - 20 của tổng số 25 Comments



Từ: Guest Lộc hoá 72
21/06/2015 09:24:20

Cúc ơi em giỏi thật chị phục em quá.Em làm được nhiều việc có ích cho Hội kgu (cho ACE được đọc và hiểu nhiều về quê hương,con người,giáo dục...)cho xã hội.Chị lớn tuổi rồi nhiều khi cũng muốn làm điều gì đó có ích cho đời,cho mình vui mà người khác cũng vui mà lực bất tòng tâm,chỉ làm được những việc nhỏ xíu mà thôi(như đọc báo thấy ai đó khó khăn gởi giúp tí tiền) còn em thật đáng khâm phục.Đúng như em viết những người như cô trần thị phương-phê bình,chỉ trích...thì dễ làm được như thầy Nguyễn hướng Việt và cộng sự mới khó và đáng tôn vinh



Từ: CucNT
20/06/2015 18:34:13

 


Cảm ơn các anh chị đã động viên, khuyến khích em. Điều em làm chỉ là 1 chút nhỏ thôi, những nhà khoa học như thầy Nguyễn Hướng Việt mới đáng khâm phục.


Đọc comment của Utnguyen mới biết thêm sự tận tụy của thầy Hướng Việt. Đã 8 năm thầy rong ruổi khắp các vùng sâu vùng xa với chương trình thiện nguyện...


Sự nhiệt tình của các thầy cô giáo ở Nghệ Tĩnh đã làm em suy nghĩ, phải làm thế nào để thu hút thật nhiều những chương trình như của thầy Hướng Việt về với quê hương em. Và em sẽ luôn mong ước mình được là người kết nối. 


Và sẽ không chỉ ở quê em mà mọi miền quê Tổ quốc. Thầy Hướng Việt bảo quê thầy cũng nghèo, cũng cần lắm những chương trình thiện nguyện.


Em đã học được tinh thần xẻ chia đó từ gia đình Kgu yêu quý của chúng ta. Cám ơn các AEC lần nữa!


 


 



Từ: Guest LamTB
20/06/2015 15:28:50

Cúc đã làm được một việc rất thiết thực rất hữu ích cho quê hương Nghệ Tĩnh. Phải có một tấm lòng luôn trăn trở yêu thương mới làm được vai trò kết nối hiệu quả như vậy. Cảm phục em, Cúc ạ.



Từ: HaiNV
20/06/2015 15:09:58

Anh rất cảm phục em CúcNT. Chúc Em - "Bộ kết nối" tuyệt vời tiếp tục hoạt động mãi với sứ mạng cao đẹp của mình!  



Từ: Guest nguyễn thị tỵ ob76
20/06/2015 14:55:48

C,ảm phục em cúc quá. Không ngờ em trông bề ngoài mảnh mai thơ mộng vậy mà đã làm được những việc phi thường. Tấm lòng của em đối với quê hương thật đáng nể


. Chúc mừng em nhé



Từ: Guest LiTM
19/06/2015 17:05:11

Em Cúc thật tuyệt vời! Tấm lòng với quê hương thật sâu đậm!



19/06/2015 08:41:37

Like cho CucNT.



Từ: Guest utnguyen299@yahoo.com
18/06/2015 12:49:47

Cám ơn nhiều lắm tác giả CucNT


Bài viết chia xẻ của chị như môt nguồn động viên lớn cho thầy Nguyễn Hướng Việt...sau 8 năm thầy rong duỗi các vùng sâu xa của đat nước với chương trình thiện nguyện bộ kết nối KHV vói máy tính do quỹ Laurence S.Ting của công ty Phú Mỹ Hưng tài trợ



Từ: Guest Phạm Thị Ngọc Hoa Hóa 72
18/06/2015 10:18:50

Quá khâm phục Cúc! Em viết bài nào cũng lưu giữ trong người đọc cả một sự tìm tòi, uyên bác và cả một tấm lòng. Em là một bộ kết nối tuyệt vời. Cám ơn em.



Từ: CucNT
18/06/2015 08:42:14

Cảm ơn các anh chị đã động viên Em lúc nào cũng đau đáu với quê hương mình anh Hoài ạ Chỉ tiếc là khả năng có hạn nhưng những gì có thể làm để trở thành "bộ kết nối" thì em sẵn sàng thôi.


Cảm ơn anh Kỳ Minh lúc nào cũng khuyến khich em Cúc.


'Em thích câu này anh Khánh, anh Nghị  ạ "kết nối vật lý đã thành kết nối tâm tình"


Chị Thoa ơi! Anh Hướng Việt bảo có biết thầy Nguyễn Đình Phư, anh ấy ca ngợi thầy Phư nhiệt tình lắm, chỉ tiếc là dịp này thầy Phư không được khỏe nên không đi nhiều nơi được chứ thầy Phư cũng làm nhiều chương trình từ thiện lắm. Em thật tự hào!


 





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s