KGU Poetry
KGU Tạo bài viết  
Chọn
Mục: Thơ >> Tho cho Em
Thứ ba 03 Tháng chín. 2013

TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ




Tác giả: MinhCK

       Tôi có anh bạn, biết quê ngoại tôi là Hà Tĩnh nhưng chẳng biết tiếng gì cả nên anh ấy đã cho tôi một quyển "TỪ ĐIỂN" như thế này. Nó có ba chương, đăng một chương để bạn đọc thưởng thức nhé. Hy vọng nhận được nhiều nhận xét cho những lần sau.

 

TIẾNG NGHỆ NHÀ CHOA

“Gưn” là “gần”, “ngái” là “xa”
”Đi mô? ” để hỏi ai là “đi đâu? ”
”Nác su” ý nói “nước sâu”
“Trấy bù” để gọi “quả bầu” đấy nha
“Gác bếp” thì gọi là “tra”
“Lôông cơn” thực chất đó là “trồng cây”
“Ra sân” thì nói “ra cươi”
“Đi nhởi” ý nói “đi chơi” ấy mà
“Chúng tôi” thì nói là “choa”
“Các bạn”, thân mật gọi là bọn “bay”
“Tê” là “kia”, “ni” là “này”
“Mi” “mần” ý nói là “mày” “làm” thôi
“Chộ” là “thấy”, “nhác” là “lười”
“Mắm tôm” cứ gọi “ruốc bôi” đúng liền
“Đọi” là “bát”, ”nôốc” là “thuyền”
“Khủy chân” đích thị có tên “lặc lè”
“Đàng” là “đường”, “đấy” là “tè”
“Thế thôi” thì nói “rứa hè” là xong
“Núi” là “rú”,“rào” là “sông”
“Ngá khu” tức thị “ngứa mông” thật rồi
“Mơ” là “mớ”, “thúi” là “hôi”
“Nỏ nhởi” ý nói “chịu thôi” đó mà
“Ả” là “chị”, “tau” là “ta”
“Lọi cẳng”để nói đó là “duỗi chân”
Vải “đen” ắt hẳn vải “thâm”
”Trụt quỳn” ý nói “tụt quần” thế thôi
“Dốc” là “trôộc”, “đôộng” là “đồi”
“Mui” là để chỉ cái “môi” trước mồm
“Đầu” là “trôốc”, “hun” là “hôn”
“Ló” chưa hết là “Lúa” còn đấy em
“Ngượng ” là “rầy” “thích” là “sèm”
Ai hỏi đến “lả” thì châm “lửa” liền
“Nỏ” là “không” nhé đừng quên
“Lá trù” chính xác là tên “lá trầu”
“Mắc” là “bận”, “mô” là “đâu”
“Ăn nể” , “ăn vã” như nhau cả mà
Có người gọi “bọ” là “cha”
“Nương” là “vườn”, “rẫy” gọi là “nương” thôi
“Bù rợ” “bí đỏ” đúng rồi
“Nước chè” quê bạn, quê tôi “nác chè”
“Nướng” là phải “náng” đó nghe
Gọi mang lọ “muối” đừng bê “mói” nhầm
Trục cúi” “đầu gối” của chân
Nói “đài” múc nước phải cầm “gầu” ngay


Người post: MinhCK

Ngày đăng: 03-09-2013 02:02






Xem 11 - 20 của tổng số 27 Comments



Từ: Guest ThongNV
06/09/2013 08:26:06

Nếu lấy phương ngữ làm tiêu chí để xác định nguồn gốc thì dân quê tôi cũng là dân châu Ái rồi. Vì hồi nhỏ tôi cũng thấy các cụ sử dụng các phương ngữ như anh Tấn Định nhắc tới. Nhưng bọn thanh niên quê tôi bây giờ bảo đích thực chúng là dân tộc Thái ở châu Man ri.



Từ: KhanhT
05/09/2013 22:31:55

 


Câu chuyện từ điển tiếng Nghệ (Nghệ ngữ) đã được bàn thảo lâu lâu trên mail-đànKGU. Mình nhớ là Khửu đưa ra một bài thơ bằng tiếng Nghệ bảo mình dịch, sau đó hắn nhủ miềng pot lên mạng. Thế nào quên mất, để hôm nay MinhCK bắn lên, hơi bị tiếc! Tuy nhiên nói tiếng Nghệ thì cũng là một khái niệm chung thôi, theo lãnh thổ gọn nhất là tiếng nói của dân vùng châu Hoan ngày xưa nghĩa là Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ, còn rộng ra thì từ Thanh Hóa vào Bình Trị Thiên. Mới đây mình nhận thấy cả Ninh Bình nhà Nghị cũng có thể ghép vào đây, bởi trong tiếng Ninh Bình có nhiều từ ngữ giống Nghệ, chỉ có phát âm là nhẹ hơn thôi, mà Thanh Hóa người ta cũng đã nói nhẹ đi nhiều lắm, Quảng Bình cũng nhẹ hơn.


Lại nói nghe tiếng Nga còn dễ hơn nghe người Nghệ nói. Thì chính là do phát âm vậy. Ôi nó nặng lắm, người ngoài thật khó nghe. Cho nên tiếng Nghệ có đặc thù xứng đáng để được gọi là một NGỮ như HiềnVC hỏi tại sao được gọi là Nghệ ngữ, mà các phương ngữ vùng miền khác chỉ gọi là "tiếng" là vì nó có một hệ thống từ ngữ riêng biệt và lối phát âm đặc trưng không nơi nào có.


Một đặc điểm nữa là văn hóa dân bản xứ Nghệ cũng có những đặc thù, ví như câu nói phổ biến gọi họ là "dân cá gỗ" cũng cho một khái niệm mang tính cá biệt của người dân xứ này.


Mặc dù nói có một hệ thống tiếng nói chung cho cả vùng, nhưng bên trong từng địa phương nhỏ cấp huyện, thậm chí đến cấp xã làng cũng có tiếng nói riêng, có vùng chỉ cách nhau một con sông, hay quãng đường chỉ vài cây số mà đã có tiếng nói khác nhau. Ví dụ quê tôi cách quê Cụ Hồ khoảng 5-6 cây số lại cách sông. Bên tôi nói khác nhiều so với bên Bác Hồ, bên tôi nói cũng nặng nhưng có dấu đủ cả, còn bên Cụ Hồ thì nói không dấu là phổ biến, với bên đó nói không thành khoông, ông thành oông, công thành coông như Nguyện Sinh Coông chẳng hạn. Lan man dài quá, để dành bao giờ MinhCK pot tiếp lên lại còm tiếp.


 



Từ: CucNT
05/09/2013 22:21:52

"Không thể cứ vần Âu là thành vần U, khát quát thế nguy hiểm lắm". Thật hả bác Tổng, em không lường hết. mong bác dạy bảo thêm, lấy ví dụ cho rõ ràng nhá!


Chị Tuyết ơi! Xu nác hay nác xu đều thịt ba chỉ rồi, phải là nác su.


Anh Nhã ơi! sao lại  điên tiết, cứ hun đại cho nó biết 'mẩn răng anh hun" em chứ.


Mần răng có nghĩa là làm sao. Ngắn gọn lại Răng là Sao. Nên khi các cô cười, bà già bảo "Mấy đứa bây cười nhăn sao".



Từ: TuyetHA
04/09/2013 19:56:40

   Bác Minh vừa chu du phương trời Tây trở về, hẳn trong chuyến đi này  có lúc bực mình vì bất đồng ngôn ngữ nên khi về nhà bác đã cho ngay một bài "Nghệ ngữ"? Mình nhất trí với Hoa: Nhớ, nghe và nói tiếng Nghệ khó hơn tiếng Nga! Ông xã nhà mình hồi nhỏ có thời gian khá lâu sống ở Vinh, khoảng 6-7 năm gì đó (ba má công tác ở Quân khu 4), cho nên cũng đã một thời nói giọng nghệ rặt. Thỉnh thoảng ông xã giảng giải cho mình nghe một vài từ của Nghệ ngữ, mình thì cứ loáng thoáng câu được, câu chăng, nhớ không chính xác nhưng lại nghĩ mình cũng biết đôi từ nghệ ngữ. Một lần trong lúc trò chuyện với anh em ở cơ quan (cơ quan tôi người xứ Nghệ cũng khá đông), cũng loanh quanh chuyện về đề tài này, tôi đố một anh người xứ Nghệ nhưng đã xa quê lâu lắm rồi: Xu nác là gì? Ông này gãi đầu, gãi tai, nghĩ một lúc rồi nói: làm gì có xu nác nhỉ? Mình dấn thêm: thôi ông ạ, ông xứ nghệ mất gốc không nhớ là phải! Mấy người Nghệ nhà ta thấy cũng im im, nên mình nghĩ là mình nói đúng rồi, "xu nác là gánh nước, có thế mà cũng không nhớ", thầm nghĩ vậy và tối hôm đó về nhà , mình kể với ông xã, ông ấy kêu toáng lên: làm gì có xu nác là gánh nước? chỉ có nác xu tức là nước sâu thôi! Khỉ quá! Được phen cười vỡ bụng Lần đó mình phải nộp phạt mấy trái bưởi. "Dốt còn khỏe cãi!" ông kia được dịp mắng mình!


 @Nghị à mình cũng từng nghe nói tiếng Nhật có nguồn gôc từ tiếng Nghệ, chả là cô con dâu lần đầu về thăm quê chồng ở xứ Nghệ, vừa về đến đầu làng đã nghe tiếng chào hỏi:"O ni du ai?", cô dâu thầm nghĩ:"Ở đây người ta nói tiếng Nhật!"



Từ: HienVC
04/09/2013 18:49:00

 


Sao không thấy anh Khánh T- hậu duệ của các ông đồ Nghệ chính cống tham gia đề tài này nhỉ ?


Tại BTM trước đây có tồn tại luật bất thành văn là muốn được đề bạt phải đạt 2 tiêu chuẩn " Xăng pha Nghệ ".


Ирония судьбы, mình không đạt tiêu chuẩn nào cả !


 


 



Từ: NghiPH
04/09/2013 18:39:10

Dù có thuộc từ điển tiếng Nghệ đến mấy chúng ta cũng không nên khái quát quá sớm.
Không thể cứ "âu" là thành "u". Khái quát như thế nguy hiểm lắm!
Lại có tin, tiếng Nhật có nguồn gốc từ tiếng Nghệ đấy. Bằng chứng là, khi đến Nghệ An chúng ta thấy người dân hỏi nhau:
- Ga ni ga chi?
- Ga ni ga si!



Từ: Guest NHA
04/09/2013 16:19:36

Có lần mình đang đốt rác, tự nhiên có con hàng xóm la : " Mần răng anh hun em " điên tiết cãi lại :         " ...này con ranh tao hun mày bao giờ ? mà nói khe khẽ chứ hàng xóm, hay bà xã tao nghe thì có giết tao không "....hê hê.


Cám ơn anh trai MinhCK nhắc lại thứ tiếng nhớ lại xém tí nữa là cũng theo tui đi hết cuộc đời.



Từ: CucNT
04/09/2013 16:16:08

Em Cúc chính gốc Hà tĩnh đây. bái phục bác Tấn Định đi xa lâu rồi vẫn nhớ hết tiếng quê choa. Hay nhất vẫn là từ "trụt mấn". Ở quê em, chỉ có các bà đã già mới mặc mấn, nên cái từ đó nhiều người quên là phải.


Không  phải "trầy cấy trôôc cúi" mà chính xác phải là "cảy cấy trôốc cúi". "Bổ ngoài cươi, gạy cẳng luôn".


Hồi nhỏ em đi chăn bò, bác tổng đi chăn trâu, bác Tấn  Định kết luận, em Cúc và anh Nghị chăn chung một con tru.


Có 1 bạn em ở Hà nội ra vẻ sành điệu, tiếng Hà tĩnh, anh biết hết: 'Ở quê em, con dâu gọi là con tru chứ gì". Cứ vần "âu" thì đọc ra vần "u" nên  con dâu về mần du hết khổ.



Từ: DinhNT
04/09/2013 10:19:48

@HienVC: Bình tĩnh, đừng nóng vội sẽ hỏng việc...của anh! Vấn đề Nghệ ngữ phương ngữ là nội dung luận văn TSKH về ngôn ngữ học của anh đấy, 3 năm nữa sẽ bảo vệ, hôm ấy nhớ đến dự nhá, hehe!


-----


@MM: Không phải "Ngã ngoài cơi" mà là "Bổ ngoài cươi" em ạ. Còn nữa: "trầy cấy trôốc cúi" - "cấy" chớ khôông phải "cái". Nửa nạc nửa mỡ rùi, thịt ba chỉ rùi, MM ơi ời!


Lại nữa: Thanh Hóa hay QB hay Thái Bình thì khác gì nhau, hê hê.



Từ: HienVC
04/09/2013 09:32:21

@MinhCK: Đại tá còn rảnh thời gian post lên một bài khá thú vị về phương ngữ của một miền quê nổi tiếng. Miền Trung dằng dặc nối hai miền Bắc Nam nơi nào cũng có những phương ngữ độc đáo cả nhưng không hiểu sao chỉ có tiếng Nghệ mới được phong là "Nghệ ngữ " còn các phương ngữ khác ( gọi một cách hàn lâm ) thì chỉ được gọi là tiếng ( phương ngữ - ngôn ngữ địa phương) mà thôi mà những tiếng này cũng không kém phần đặc sắc   (như tiếng xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi chẳng hạn)  và tất nhiên là " khó hơn ngoại ngữ"  đối với người Việt ở các vùng miền khác.


Tại sao tiếng Nghệ lại được phong là "Nghệ ngữ" trong khi các phương ngữ khác lại không được phong ?


Ai biết xin mách bảo giùm.


Xin cảm ơn trước.





Tổng số bài và comment post theo từng khoa

KhoaBài viếtComment
Sinh 563 9482
387 2824
Hóa 882 9765
Luật 721 11647
Toán 66 376
Kinh tế 4 108
Câu Lạc Bộ 30 1
NCS 3 70
Bạn bè 197 1189
Dự bị 0 0
Ngôn ngữ 2 2

10 người post bài nhiều nhất

UserSố bài viết
TungDX 289
NghiPH 306
NgocBQ 130
ThaoDP 108
CucNT 123
CoDM 88
PhongPT 73
HaiNV 93
LiTM 85
MinhCK 70

10 người comment nhiều nhất

UserComment
Guest 7169
NghiPH 3219
LiTM 1879
HaiNV 1853
KhanhT 1743
CucNT 1718
TungDX 1565
ThanhLK 1545
VanNH 1441
ThoaNP 1257
s