HoaNT
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


Đang xem 1 - 9 của tổng số 18 Blogs.


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>


Tháng 5 về quê
Ngày đăng 07/05/2016 20:26:00

 

 

Tháng 5 về quê

Những ngày tháng năm này nhà tôi có đầy ắp những sự kiện không quên. Vào dịp này là ngày giỗ lần thứ 13 của Bố tôi

 

và cũng là những ngày đi công tác triền miên với phòng chống dịch SARS ác liệt, dịp kỷ niệm 39 năm tốt nghiệp đại học KGU,  20 năm tôi bảo vệ luận văn Tiến sỹ, 13 năm đứng trước Hội đồng Học hàm trình bày những nghiên cứu để được xét duyệt nhận  Hoc hàm Phó Giáo sư và rồi  hết tháng 7 này tôi cũng nghỉ hưu kết thúc 39 năm làm việc.

 

Những lúc như thế này tôi  thường ngồi một mình rưng rưng nhớ những kỷ niệm với bố mẹ và  lại nhớcác cụ vô cùng. Ngày nào bố mẹ vẫn còn trẻ măng bế con gái đầu lòng về Hà Nội.

 

Cứ đến dịp này  tôi về quê thắp hương cho bố mẹ và các  cụ, ông bà của tôi ở làng Cự Khối, Gia Lâm nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội. Quê tôi nằm ngay dưới cầu Thanh Trì, để về quê tôi chỉ cần đi bằng xe máy gần 30 phút qua cầu Thanh Trì là đến.

Làng quê tôi nằm dưới chân  đê sông Hồng quanh co, êm ả, thanh bình mặc dù bây giờ đã thuộc thành phố của Hà Nội rồi.

 

Ông nội tôi là nhà giáo nên cứ về quê hỏi các cụ bô lão già là biết ngay ông giáo Tri nổi tiếng với biết bao học trò một thời.

Đến lúc bố tôi mất mà vẫn có nhiều ông bà là học trò của ông tôi và là đồng niên với bố tôi và các cô, chú bác tôi đến viếng. Bố tôi có 10 anh chị em

 

 

Trong đó có 5 trai

 

Trong những kỷ vật mà bố tôi để lại có khá nhiều ảnh cùng các bài thơ của bố tôi, trong đó có bức thư mà bố tôi viết và gửi cho tôi năm 1973 lúc tôi đang học năm thứ 2 ở KGU. Đọc thư mà biết bao kỷ niệm với bố mẹ hiện ra trước mắt tôi như một cuốn phim lịch sử gia đình. Tôi xin ghi lại bức thư này để mọi người cùng đọc

 

Thúy Hoa Yêu quý

          Bao giờ bức thư viết cho con vào dịp tháng 7 cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Đối với con đó là tháng kỷ niệm con cất tiếng khóc chào đời, con lọt lòng giữa niềm vui mừng của toàn quân dân sau chiến thắng Điện biên phủ lịch sử. Đối với bố mẹ đó là một niềm hạnh phúc khó lòng tả siết của 1 cặp vợ chồng lúc đó tuổi đã quá 30 đang trông chờ 1 đứa con đầu lòng mà bố mẹ đoán chắc phải là một cô “công chúa” .

Niềm hy vọng trước những ngày tháng 7 đáng ghi nhớ đó đã kèm theo một mối lo, con có biết tại sao không? Ai lại gần đến tháng đẻ rồi mà nghe tim thai đập yếu quá, có khi lại không nghe thấy mới sợ chứ. Bố mời 1 số bác sỹ có kinh nghiệm đến “ hội chân” tức là cùng khám để kết luận. Cũng có ông nói thế nọ, ông nói thế kia nhưng bố vẫn phải động viên mẹ là yên trí . Nhưng yên trí sao được khi bản thân mẹ con cũng thấy thai ít cựa quaayjquas. Bố thì quả quyết là mẹ sẽ cho ra đời một cô con gái chỉ phải cái là sẽ ẻo lả, yếu đuối, và chắc là lành lắm. Điều đó đúng như dự đoán cách đây 19 năm nhưng tới nay thì không đúng nữa phải không con? Vì ít nhất bây giờ con cũng ngót ngét 50kg tán róc hơn khiếu và ăn như tằm ăn rỗi, chứ có kém ai. Nhưng cứ nghĩ lại lúc ấy thì đúng là con bị đe dọa ghê quá. Trung bình 1 hài nhi khi lọt lòng phải từ 2,5kg trở lên thì con chỉ được 1,7kg. Mà lại nuôi dưỡng trong hoàn cảnh khangs chiến ở vùng rừng núi . Cứ cái việc kiếm đủ sữa hộp cũng đã vất vả rồi. Bố mẹ chắc cũng nhiều lần kể cho con nghe hồi con được 2 tháng, bố mẹ đi họp đêm, để con ở nhà cạnh buồng họp thôi, úp cho con một cái màn như lồng bàn, lúc khuya về đã hoảng hồn vì có 1 con rắn độc nằm cuộn khúc ngoài rìa màn. May nó lại ngoan ngoãn tuồn đi chứ nếu nó lách được vào màn đớp cho con một cái thì…! Và trong quá trình con lớn lên cho tới khi 9,10 tuổi thì nhiều bệnh tật quá, cứ có bệnh dịch gì là con cũng mắc làm mẹ con hết sức vất vả đấy, tất nhiên là bố cũng vất vả nhưng kém mẹ vì bố phải đi công tác luôn. Bố rất thương mẹ con, trong kháng chiến chống Pháp mặc dù gầy yếu ( có 37 ki lô thôi) nhưng đã chịu đựng gian khổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhưng từ khi có các con thì rất vất vả, ốm yếu nhiều và đã phải thiệt thòi. Là một người chồng bố biết lắm chứ, mẹ con nghỉ ở nhà bây giờ cũng vẫn còn vất vả, buồn lắm đấy mặc dầu sức khỏe, đời sống bây giờ ngày càng cải thiện hơn. Con hãy viết thư về động viên mẹ và khuyên em Trung chăm học đừng làm mẹ phiền lòng. Thằng Trung nó chỉ ham chơi và chén thôi. Kể ra thì nó học được nếu nó chịu khó hơn một chút.

         

    Mùa này ăn thịt vịt nhiều rẻ thôi,± 2đồng/ 1 con thì ăn 2 bữa đối với gia đình mình. Thế nhưng trưa hôm qua bố chặt thịt vịt để ½ con đến chiều, anh ta vẫn thắc mắc là bữa này ăn thế thôi à? Mặc dầu còn lòng xào dứa nữa. Hoa quả cũng nhiều, tháng trước ăn 1 bữa vải thiều rất ngon, tháng này đang có nhã, mít. Những thứ đó chắc bên ấy không có. Sáng nay đến cơ quan trực bố mang đi 1 bánh mỳ , 1/3 hộp sữa và 2 trứng vịt thay bữa trưa. Sang không con? Lại còn uống thêm 1 chai bia, ăn tráng miệng 2 qur chuối tiêu và uống 1 tách cà fe nữa , chủ nhật mà.

 

          Cách đây 1 tuần, bố ra ga đón một người bạn đi chữa bệnh nước ngoài về nhưng lại đón hụt vì  anh ta chưa về. Vẫn cảnh tượng như hồi bố mẹ và Trung và bạn con ra ga tiễn con đi làm bố lại càng mong ngày ra ga đón con. Nói vậy thôi chứ con đừng số ruột, ngày đó sẽ đến thôi vì mới hồi nào tiễn con đi mà thấm thoắt đã 2 năm rồi tức là đã 1/3 thời gian rồi đó.Đêm hôm đó bực mình vì bạn không về lại gợi cho mình nhớ đến con nhiều hơn nhưng bố đã giải quyết bằng cach cùng mấy anh bạn cho xe ô tô 1 tua khắp Hà Nội, mỗi người ăn 1 bát phở gà và 3 chiếc kem dừa, về đến nhà đúng 12h đêm mới lên giường ngủ.

          Bao giờ bạn con về khi sang bố mẹ sẽ gửi quà cho con ( dép, thuốc ho hoặc gạo nếp, bánh đa nem gì đó) thư này viết có lẽ lâu con mới nhận được vì con đi nghỉ mát nơi khác mà. Nếu con ốm thì cứ đi khám bệnh đi, đừng sợ . Con kể bệnh bên này bố có kê đơn cho cũng khó và không đúng nguyên tắc. Tranh thủ ăn hoa quả là tốt, nếu yếu có thể mua đa sinh tố ở hiệu thuốc mà uống thêm. Con đừng mua những thứ gì lăng nhăng gửi về, vì khi đi Trung nó thích cầu lông còn bây giờ chưa chắc nó đã thích đâu. Bố của con Ứng.

TB. Bố chuẩn bị 2 tờ giấy như thế này viết thư cho con vì là trực cả ngày chủ nhật hôm nay ở cơ quan mà. Nhưng bây giờ lại có việc đột xuất phải đi đây. Thư sau vậy nhé.

TB.Hôm qua gặp bác Hương là bố bạn Minh. Chưa có dịp gặp bố mẹ Quế của bạn Thanh. Chúc con và các bạn con khỏe, học tốt và đoàn kết.

 

Vâng con xin thắp một nén hương các cụ, các ông bà, bố mẹ, kính mong các cụ, ông bà, bố mẹ yên nghỉ bình an nơi suối vàng phù hộ độ trì cho các con cháu. Vô cùng nhớ bố mẹ, hôm này  mùng 4/4 âm lịch chị em con làm mâm cơm giỗ bố lần thứ 15 thì bố mẹ về ăn cùng bọn con và các cháu nhé, sẽ có món thịt vịt mà bố thích đấy bố ạ. 

 


Những ngày đầu với tiếng Nga
Ngày đăng 19/08/2015 05:46:22

Những ngày đầu với tiếng Nga

Lần đầu tiên tôi viết bài trên trang KGU là Bài  Lần đầu tiên Đi du học bằng tàu hỏa  vào ngày 23/9/2010 tức là sau khi trang Web ra đời đúng 1 tháng. Lúc đó còn chưa biết post ảnh và cũng chưa có sự đam mê chụp hình như bây giờ. Thế rồi cứ có sự kiện gì cùng với người KGU tôi lại viết bài với niềm đam mê, thích thú và post cũng khá nhiều bài ảnh một cách thành thạo, có lần vào Tp. HCM chơi còn tập huấn cho ACE trong đó. Cho đến năm ngoái tôi bắt đầu say mê với Facebook với chức năng nhanh, tiện, do vậy cũng có sao nhãng với trang KGU và đôi khi có nhiều điều phải suy nghĩ với những comment hơi nhạy cảm nên tôi cũng hơi ngại viết bài. Hôm nay lại được Hội trưởng “Đặt bài” tôi lại liều trở lại với trang này và sẽ cố gắng viết nhiều hơn vì tôi có rất nhiều cuộc gặp gỡ, rất nhiều kỷ niệm với người KGU và cũng có rất nhiều ảnh để post. Hôm nay tôi thử post bài với chức năng mới của trang KGU xem có thuận tiện hơn không với những kỷ niệm của tôi cùng với KGU trong những ngày đầu sang Kisinhop với nhiều sự ngớ ngẩn, ngây thơ của tuổi trẻ (ảnh phải resize  như cũ thì đẹp hơn mọi người ạ)

Như mọi người biết, vốn tiếng Nga hồi mới sang  của tôi và nhiều người khác là số 0 vì những năm 70 thì phải đi sơ tán nên hầu như lứa chúng tôi chẳng được học ngoại ngữ. Sau này khi được về Hà Nội học tôi còn nhớ mỗi lần kiểm tra tiếng Nga là một cực hình đối với chúng tôi những học sinh từ các trường sơ tán về. Tôi cứ phải học thuộc lòng mấy bài tex như : Quân đội nhân dân VN được sinh ra trong ngọn lửa chiến tranh ... cả dịch xuôi lẫn dịch ngược để đọc cho thầy mà chẳng hiểu gì hết. Hồi mới sang Kis. lần đầu tiên đi nước ngoài du học đã là một sự kiện lớn rồi đã thế lại chẳng biết một tý tiếng Nga nào quả thật lúc đấy như vừa câm, vừa điếc luôn và gặp rất nhiều sự cố buồn cười.. Dạo đầu muốn mua cái gì chúng tôi toàn chỉ bằng tay vào hiện vật để mua. Chính bởi thế mà có lần tôi và Thục đã ăn các loại kem bán ở các quầy kem trên đường, lần ấy chúng tôi đi chợ và thấy xuất hiện loại kem mới trên quầy kem nên chúng tôi muốn ăn thử và đã  chỉ vào gói bột men làm bánh trông giống hệt kem rồi chúng tôi liền bóc ra cho vào mồm ăn luôn trước sự ngạc nhiên của bao nhiêu người ngoài chợ thế rồi chúng tôi phải nuốt chửng cả cái cục bột ấy vào bụng mà không dám nhổ ra vì các anh chị năm trên dặn là: Tây người ta rất sợ nhổ bậy. Cho đến bây giờ đã già rồi cái thú ăn kem của tôi vẫn còn như xưa


  Hồi đầu mới sang các anh chị năm trên  có dạy cho mấy từ thông dụng để chúng tôi dễ mua bán như :масло, магgарин, жир, колбаса,собака … chỉ có mấy từ thông dụng  và dặn là cứ nhìn chữ họ ghi cái gì thì đọc lên để mua. Cả năm dự bị chúng tôi gồm : Thanh, Thục, Tuyết và tôi thường hay tụ tập ăn uống với nhau trong những ngày lễ, ngày nghỉ... nên hầu như chúng tôi hoàn toàn dùng масло, магgарин để rán thay dầu mỡ vì không biết жир là mỡ,  mà các loại dầu thì hồi đấy do ảnh hưởng của thời sơ tán lúc nào cũng nghĩ là các loại dầu lạc có mùi hôi và không có thói quen ăn dầu như bây giờ. . Rồi mua  колбаса nói nhầm thành  mấy lạng собака cũng là lỗi mà chúng tôi có người đã mắc phải.

Năm dự bị thời gian đầu ở với các chị năm trên sau đó chúng tôi được xếp ở với các bạn Nga để có thời cơ nói tiếng Nga nhiều. Lúc đầu ngôn ngữ bất đồng nên cũng có nhiều chuyện vui.

Hai cô gái Nga hồi đầu tiên sống với chúng tôi năm dự bị có một bạn tên là Galia thì phải ( tôi không nhớ chính xác lắm) có người yêu là cậu вания học hoá  năm trên cùng với anh Sơn, chị Thảo CL76, cậu này rất hay lên phòng  chúng tôi chơi và ngồi lỳ cả buổi làm tôi và Thanh rất khó chịu. Một hôm Thanh và tôi  đang nằm trên giường để học bài đến lúc chúng tôi có nhu cầu ra ngoài thì cậu này vẫn cứ ngồi tán tỉnh cô người yêu bên giường bên kia. Tôi bảo Thanh là : mình phải đuổi cái thằng kia ra khỏi phòng. Thời gian đấy tiếng Nga của tôi còn rất kém chưa phân biệt các từ сюда тудa . Tôi bèn hướng về phía giường của Galia và nói gay gắt:

   - вания  иди сюда  (thay vì уйди от сюда)

Vừa nghe nói thế cậu ta  tủm tỉm cười và nhảy bổ sang giường tôi ngồi chỗm chệ cạnh tôi và nói:

   -  Boт я

Thấy thế tôi và Thanh cùng hét to :

-         Heт сюда a от сюда

Thế là cả mấy đứa ta lẫn tây trong phòng cười phá lên và cả lũ Nga cùng xúm vào dạy cho chúng tôi phân biệt các từ cùng giới từ trong tiếng Nga một cách vui vẻ

 

Năm tháng trôi qua chúng tôi bước vào đại học với những bài học bằng tiếng Nga cùng với khối kiến thức khổng lồ của khoa học.

Chúng tôi có những giây phút thoải mái nghỉ ngơi sau những ngày học, thi căng thẳng. Có những chiều đánh bóng chuyền ăn thua, gây cấn dưới sân ký túc xá.

Có những đợt nghỉ mát thoải mái ở các nhà nghỉ

 

 

        Ảnh nhà nghỉ Kodru năm 76

Kết thúc 6 năm sống và học tập ở Kis. đến ngày chúng tôi chia tay Kisinhop để lên đường về nước.

Ảnh trước khi lên tàu tạm biệt Kis. lên Moskva để về nước 7/1977

Mỗi đứa làm ở một cơ quan khác nhau nhưng thường xuyên gặp gỡ nhau song phải đến khi có hội KGU ra đời rồi lại có trang KGU đã kết nối người KGU với nhau qua những dòng tâm sự, những bài viết tuyệt vời có lẽ chẳng có hội nào có được. Cứ mỗi buổi sáng vào mạng thì bao giờ cũng vào trang KGU đọc thì mới yên tâm không cứ như cảm thấy thiêu thiếu một cái gì ấy. Cám ơn Hội trưởng Bùi Quang Ngọc,  cám ơn Ban Liên lạc, cám ơn tất cả ACE KGU đã làm nên những trang KGU ngày càng hay, có ý nghĩa. Mọi người ơi hãy đến trang KGU và làm cho nó thêm phong phú và đẹp hơn nữa nhé.

 

 

 

 


Những ngày này cách đây 60 năm
Ngày đăng 02/10/2014 22:46:37

Hà nội vào thu, đang chuẩn bị ráo riết cho chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ Đô, đại đa số khóa 77 chúng tôi đều bằng tuổi với ngày này. Tôi được sinh ra đúng vào dịp tháng 7/1954 tại quân y viện 108 lúc bấy giờ ở chiến khu Việt Bắc. Chính bởi vì có con nhỏ nên bố mẹ tôi lại một lần nữa tạm chia tay để bố tôi cùng đoàn người tiến về tiếp quản Thủ đô vào những ngày này, còn tôi và mẹ ở lại chiến khu

 

Cho đến năm 1955 gia đình tôi mới được đoàn tụ tại Hà Nội. Bố mẹ của tôi cũng như biết bao chàng trai cô gái Hà Nội hăm hở tham gia tòng quân từ trước năm 1945 lúc mà họ còn rất trẻ như chúng ta ở thời sinh viên ở Kis. Năm 1952 bố mẹ tôi cưới nhau vào 06/01/1952 tại chiến khu Việt Bắc. Lúc bấy giờ bố mẹ tôi được Quân Y Viện 108 tổ chức cưới dưới sự chứng giám của bạn bè chứ chẳng có ai là họ hàng cả.

 

Nên cách đây 60 năm khi bố tôi cùng đoàn quân về Tiếp quản Thủ đô cũng là lần đầu tiên ra mắt họ hàng bên nhà gái.

Tình cờ tôi tìm thấy mấy lá vàng Kim Thành và  lá thư bố tôi viết vào những ngày này năm 1954 kể cho mẹ tôi biết bao nhiêu là chuyện Thấy lá thư bố tôi viết khá hay và chi tiết về không khí Hà Nội những ngày này cách đây 60 năm, tôi xin chép lại để mọi người cùng đọc: ( ở nhà mọi người gọi tôi là Hòa Bình)

 

 

Hà Nội, ngày 10/11/1954

Em thân yêu

Từ hôm về chưa viết thư cho em được vì chưa có hoàn cảnh gửi. Hôm nay viết về cho em yên lòng. Con Hòa Bình có ngoan không, nhớn tý nào chưa, em đã khỏe và công tác chưa. Cứ yên tâm và đừng thắc mắc gì nhé. Anh kể chuyện cho mà nghe.

          Hôm đầu tiên về Thủ đô, chưa được đi chơi đâu cả, một hôm đi công tác qua nhà cô Hồng( là em ruột của mẹ tôi), chỉ dám nghé vào một tý mà không dám vào, hành quân trông thấy chị ngồi bán hàng ở chợ Hàng Da cũng phải fớt đi. Sốt ruột nhưng độ 1 tuần sau thì được phép ra thăm gia đình. Trước hết anh đến nhà mợ ở 18 fố Cửa Đông, mợ thuê căn nhà này và ở với 3 em gái và 1 em giai của anh, Cô Nhâm và cô Tân bán vải ở chợ Hàng Da, em Hiền và em Thảo( là các em của bố tôi) đi học. Mợ cũng bán hàng vải. Các em hôm anh về thì mừng tíu tít, nhưng mợ thì đi vắng. Mấy hôm sau mợ về anh cũng tranh thủ về gặp. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cả nhà mong em và con Hòa Bình về lắm. Gia đình khỏe mạnh. Sau đó anh đến nhà anh Fan ở 22 Hàm Long. Anh Phan ( anh cả của bố tôi) vẫn làm ở nhà thương và đã có 6 cháu. Chúng nó cũng đều ngoan và anh chị Fan đều khỏe. Sau đó anh xuống phố Duy Tân (phố Huế bây giờ). Hồi hộp và cảm động lại hơi ngượng nữa. Nhìn xa xa hai chữ Hồng Điệp ( hàng kem Hồng Điệp, cửa hiệu lấy tên bà gì và cậu ruột của tôi, cậu cũng tham gia đi bộ đội cùng mẹ tôi ở 149 phố Huế nơi mà nhà tôi đã ở hơn 10 năm sau bị công tư hợp doanh trả nhà cho nhà nước, bây giờ là hàng bánh Thu Hương) anh cảm thấy gia đình em lúc nào cũng hướng về em và cậu Điệp ở ngoài kháng chiến. Thoạt bước vào thì gặp ngay vợ chồng cô Hồng. Hai người cũng tưởng là một anh bộ đội vào hỏi thăm cái gì kia. Biết là cô Hồng rồi nhưng anh cũng hỏi xem có đích thực là cô em gái em không?Sau đó anh mới tự giới thiệu: Tôi là Ứng đây. Cô Hồng reo lên và tíu tít chạy vào nhà gọi chị Đoan. Gia đình gặp anh vui vẻ lắm nhưng chưa nói chuyện được mấy chỉ mới nói qua tình hình Hà Nội, kháng chiến thôi. Sau đó cô Hồng, chị Đoan ( chị cả của mẹ tôi) và cu gì đấy con chị Đoan đưa anh lên nhà chị Chính. Các chị đều khỏe cả, các cháu cũng vậy. Anh Phụng và chồng cô Hồng cũng khỏe mạnh lắm. Trưa hôm đó anh ăn cơm ở nhà chị Chính. Anh định 1 hôm nào được phép sẽ về nhà tâm sự với các chị và cô Hồng nhiều hơn vì hôm đó chỉ được nghỉ từ sáng đến chiều mà lại phải đi thăm nhiều gia đình mà chẳng có em cùng đi thành thử cũng vẫn ngường ngượng thế nào ấy. Ai lại hôm đến cô Hồng anh khát nước ghê mà nhà có kem thì không mời ăn lại pha cafê mà anh cũng không dám phát biểu ý kiến đề nghị. Gia đình mong gặp em và con lắm. Biết tin cậu Điệp các chị cũng yên tâm. À con bé gì con chị Chính mà trước đây gọi em là má ấy bây giờ nó cũng từa tựa cô Lâm ấy, em về thì chả nhận được mặt cháu đâu. Ngay anh khi về nhà các em ruột có 4 đứa thì chỉ nhận được một còn các cháu thì quên hẳn vì nó khác quá. À anh gặp cả anh Đào nữa, nó khỏe và vui tính lắm. 

Hôm nay anh viết thư có lẽ cô Cả và mợ San( các bà là gì và mợ của bố tôi) cũng sắp về Hà Nội. Mợ và các em chờ cô Cả và mợ San lắm. À quên sau khi anh ăn cơm xong ở nhà chị Chính về thì đã 2 giờ chiều, tạt vào nhà anh Phan lại phần một mâm cơm tướng lại phải cố gắng ngồi nhắm với mấy thằng cháu vì anh Phan đi làm rồi. Sau đó anh trở về nhà các em thì lại cũng một mâm cơm linh đình chờ đợi. Anh lại cũng mạnh dạn ngồi ăn một cách ngon lành với các em mặc dù đã quá no. Những bữa cơm đó là những bữa anh không thể từ chối được.

          Bây giờ đến chuyện Hà Nội: vẫn như trước căn bản không có gì thay đổi. Chỗ bán hoa ở Tràng Tiền nay xây lại,

 

quanh Bờ Hồ có nhiều quán bán giải khát hơn, tàu điện sơn màu sặc sỡ hơn, chỗ ga tàu điện cũ ở Bờ Hồ phá mất và cạnh đấy dựng lên một trạm thông tin, không còn xe kéo nữa mà chỉ có cyclo và taxi. Phố xá thì vẫn vậy.

Còn chuyện công tác thì hiện nay đang làm công tác tiếp đón thương bệnh binh, sáng tập thể dục thay vào tăng gia. Hiện nay nhân viên biến thành những người công nhân sửa giường, sơn giường … Mọi người đều lo lắng với nhiệm vụ nặng nề sắp tới.

Thôi thư sau anh sẽ nói nhiều hơn vì mấy hôm nay bận lắm. Em cố gắng và yên tâm công tác nhé. Một ngày gần đây chúng ta đưa nhau cùng về thăm gia đình. Hôn con và em nhiều.

Nói với Thiện, Nga, chị Thái, Điệp, Tuyên và Phương, Toại là mình lúc nào cũng nhớ những người ở lại, không viết thư được là cũng áy náy lắm đấy. Nhưng đọc chung thư này vậy thôi, chúc tất cả mạnh.

Anh Ứng  

 

Nhanh thật mới ngày nào tôi còn bé tí tẹo, được mẹ bế trên tay nay đã 60 tuổi rồi, già và xấu hơn mẹ tôi ngày xưa nhiều.

 

 

Rồi tôi lại tần ngần nhìn những lá vàng Kim Thành của mẹ tôi được họ hàng gửi  ra chiến khu để bồi dưỡng sức khỏe, mẹ tôi tần tiện dành dụm để đến lúc trước khi chết dặn tôi tặng cho 4 cháu nội ngoại, mỗi cháu 1 cây vàng. Dạo này thấy giá vàng xuống giá nhiều người báo bán đi cho được giá, tôi thấy tiếc nên cứ để lại để cho các cháu làm kỷ niệm về ông bà của chúng nó. Nhìn thấy mấy lá vàng này tôi cứ xót xa thương bố mẹ quá. Lúc sống các cụ hết sức tần tiện, chẳng dám ăn tiêu gì cứ cố tiết kiệm dành dụm để cho con, cho cháu. Nghĩ mà thương nhớ bố mẹ quá.

 


Chuyến tàu đời
Ngày đăng 11/08/2014 15:01:52
Chuyến tàu đời

Cuộc đời giống như một chuyến tàu: người này lên tàu người kia xuống ga, có những tai nạn, có những chuyện ngạc nhiên ở những trạm này, rồi chuyện buồn tột bậc ở những trạm khác.
Lúc ta chào đời cũng như khi ta bước lên tàu, ta gặp những người, ta đã tưởng rằng họ sẽ ở lại với ta suốt chuyến đi: đó là cha mẹ ta! Thật không may, sự thật…… lại khác hẳn. Song thân đã xuống một ga nọ, bỏ mặc chúng ta thiếu tình yêu thương và sự trìu mến, thiếu tình âu yếm và sự đồng hành của các đấng sinh thành.
Dù sao, lại có những người khác lên tàu, họ trở nên rất quan trọng đối với chúng ta: Đó là anh chị em ta, các bạn bè và những người tuyệt vời mà ta thương yêu.
Có những người xem cuộc hành trình như một buổi dạo chơi.
Có những người khác lại chỉ thấy buồn rầu trong suốt chuyến đi.
Có những người luôn luôn hiện diện và sẵn sàng giúp đỡ những ai cần.
Có những người, khi xuống tàu, đã để lại một nỗi nhung nhớ triền miên…
Có những người vừa lên đã xuống ngay, chúng ta chỉ vừa kịp thấy họ thôi…

Chúng ta ngỡ ngàng vì một vài hành khách mà chúng ta yêu mến lại ngồi ở một toa khác, bỏ mặc chúng ta trong hành trình đơn độc. Dĩ nhiên, không ai có thể cấm cản chúng ta đi tìm họ khắp nơi trên xe lửa. Đôi khi, thật không may, chúng ta không thể ngồi bên họ bởi vì chỗ đã có người.
Không can chi… hành trình là như thế: đầy thách đố, lắm giấc mơ, nhiều hy vọng… với những lần từ biệt mà không biết bao giờ trở lại.
Hãy cố gắng thực hiện chuyến đi cho tốt đẹp.
Hãy cố gắng hiểu những người ngồi bên mình và tìm ra điều tốt nhất nơi mỗi người.
Hãy nhớ rằng vào mỗi khoảnh khắc của chuyến đi, một người đồng hành nào đó có thể chao đảo và cần được chúng ta thông cảm.

Chúng ta cũng thế, chúng ta có thể chao đảo và sẽ luôn có ai đó có thể hiểu chúng ta.
Mầu nhiệm lớn lao của cuộc hành trình là ta không biết được khi nào ta sẽ xuống tàu mãi mãi. Chúng ta cũng chẳng biết được khi nào các bạn đồng hành chúng ta cũng xuống tàu như vậy. Ngay cả người ngồi ngay bên cạnh chúng ta cũng thế.
Tôi nghĩ là tôi sẽ buồn khi rời con tàu… Chắc chắn như vậy!
Chia tay với tất cả bạn bè đã gặp trên chuyến tàu sẽ đau đớn đấy; để lại những người thân yêu trong cô đơn thì thật là buồn. Nhưng tôi chắc chắn rằng một ngày nào đó tôi sẽ đến ga trung tâm và tôi lại được thấy họ đều đến với một hành trang họ không hề có khi bước lên tàu.

Ngược lại, tôi sẽ sung sướng vì được góp phần làm cho hành trang của họ tăng thêm và phong phú hơn.
Các bạn mến! Tất cả chúng ta, hãy cố gắng thực hiện một cuộc hành trình đẹp và hãy để lại những kỷ niệm đẹp về chúng ta khi lên và xuống tàu.
(HoaNT Sưu tầm)

Về Hưu
Ngày đăng 01/08/2014 00:15:56

Về hưu

Thế là hôm nay 31/7/2014 là ngày cuối cùng tôi là công chức của viện VSDTTW còn kể từ ngày mai 1/8/2014 cuộc đời của tôi sẽ bước sang một trang mới, một bước ngoặt trong cuộc đời: chính thức về hưu

Kết thúc 5 năm được kéo dài công tác, thôi quản lý, tôi gọi thời gian này là “ thực tập về hưu”, ngày 01/ 8/2014 tôi nhận Quyết định về hưu sau 37 năm làm việc tại viện Vệ Sinh Dịch tễ TƯ.

Trước đó 1 tuần  theo lịch công tác của Viện là có buổi chia tay cán bộ về hưu, nhưng phải hoãn lại sang ngày khác vì lý do đương sự đang đi công tác Tp. HCM và Côn Đảo tối hôm qua 30/7 tôi mới kêt thúc cuộc họp ở Côn Đảo ra Hà Nội. Với lại ban lãnh đạo viện bảo hình thức về hưu thế thôi chứ đã nghỉ hẳn đâu mà vẫn tiếp tục làm dự án đến khi nào chán thì thôi. Thế là trước khi  có quyết định về hưu tôi lại được thăm các nhà tù Côn Đảo, trước đó là các chuyến đi từ Nam ra Bắc suốt từ sau tết. Có lẽ chưa có lúc nào tôi lại có những giây phút thảnh thơi đi dạo chơi trên đường phố Sài Gòn để thưởng thức những cơn mưa Sài Gòn, khi thì dạo chơi trên đường phố dẫn  đến nhà thờ Đức Bà rồi những trung tâm mua bán sầm uất Vincom, Bitexco, có lúc lại vào Dinh Độc lập, rồi có hôm cùng con trai út ra Bến Cảng nhà Rồng để nghiên cứu con đường cứu nước của Bác Hồ

 

 Có những giờ phút thảnh thơi cùng các con tại Mũi Né

 

Có những giây phút thơ mộng bên dòng sông Nhật Lệ

Những giây phút vui vẻ bên đồng nghiệp tạo dáng tại Sen Hồ Tây, Hà Nội.

 

 

Những lúc tĩnh tâm đi chùa tại Tokyo, Nhật Bản sau những lúc họp hội nghị

 

  Rồi chớp thời cơ tranh thủ mùa hoa cải vàng để chụp ảnh với đồng nghiệp

Tạo dáng bên vườn hoa xuân cùng bạn bè

Hay có lúc tập làm nghệ sỹ

 

Có lúc say mê thưởng thức say sưa và chụp với hoa anh đào

 

Dạo quanh phố phường ngắm hoa bằng lăng gần nhà

Có khi ngẫu hứng với Hoa ban tại Hà Nội

 Đi chùa với đồng nghiệp ở Đài Loan

Có thời gian thoải mái đi Cần Giờ cùng các bạn KGU

 

Rồi đi chơi Phủ Thành Chương cùng KGU khi chị Ba ra Hà Nội chơi

 

  Những chuyến đi họp, đi tập huấn, công tác tại Phú Quốc, Côn Đảo, Quảng Bình, Điện Biên , Thanh Hóa, Đà nẵng, Đà Lạt …

 

Ở đâu  tôi cũng thích chụp ảnh làm bọn trẻ cười  chế nhạo cái  sở thích của bà già lẩm cẩm, vừa béo vừa xấu nhưng thích ảnh chụp phải đạt tiêu chuẩn: không giống mình thật, không được già, không béo, phải đẹp…

Cám ơn Viện VSDTTW đã tạo điều kiện để tôi đạt được những những bước ngoặt trong sự nghiệp và nhất là do đặc thù công việc tôi được đi công tác hầu hết 63 các tỉnh thành , nhiều huyện và xã từ Bắc  tới Nam,  được đi học tập , dự Hội nghị khoa học ở hầu hết các nước Asean, một số nước ở các châu Mỹ, Á, Phi, Úc,  có lẽ còn có châu Mỹ la tinh là chưa đi. Bây giờ nhìn vào ngăn kéo có tới hơn chục quyển Pasport công vụ hết hạn sử dụng với nhiều dấu xuất nhập cảnh mới thấy rằng mình đúng là tuổi Ngựa..

 

Tôi định viết những dòng này từ rất lâu nhưng không biết bắt đầu như thế nào và cũng không có thời gian khi mọi công việc cứ cuốn hút hết việc này đến việc khác. đến lúc  mà tôi không còn chức vụ gì nữa, kết thúc năm 2009 với rất nhiều biến đổi trong cuộc đời của tôi,  thì tôi nhận được quyết định thôi quản lý, mặc dầu chỉ là chức trưởng khoa thôi nhưng cũng làm tôi hơi có suy nghĩ, không phải là tham quyền cố vị vì thực ra chức vụ này phải là cái gì ghê gớm. Hôm cuối cùng giao ban của năm 2009 tôi có lời chia tay ngắn gọn với các cán bộ chủ chốt của viện VSDTTƯ và được Viện trưởng có vài lời ngắn gọn cám ơn ( thực ra cũng chẳng nhớ là có cám ơn hay không hay là nói gì đó)sau đó tặng cho tôi một bó ly màu vàng.

Thời gian quả thật đi nhanh quá, mấy hôm nay tôi cũng thấy bồi hồi, nao nao lòng, có nhiều cảm xúc khi nghĩ đến những kỷ niệm và  biết bao nhiêu sự kiện đi qua với cuộc đời sau gần 40 năm gắn bó với Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung ương. Tại nơi này tôi đã trưởng thành trong sự nghiệp cũng như hoàn thiện chức năng của một người phụ nữ làm vợ, làm mẹ, và nghiên cứu khoa học.

Sau khi tốt nghiệp  đại học tại Kisinhop về nước tôi có danh sách làm việc trên thủy điện sông Đà. Hồi đó tôi nghĩ đơn giản, chờ quyết định là đi ngay nhưng bỗng nhiên cố Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là Bác sỹ Vũ Văn Cẩn, nguyên Cục trưởng Cục Quân Y trước đó, là bạn đồng nghiệp  bố tôi có hỏi về tình hính công việc của tôi và bác Cẩn đã nói với bố tôi là: cậu có 1 cô con gái, du học ở nước ngoài về thì nên cho nó làm việc ở Hà Nội và Bộ Y tế cũng đang cần những người như nó. Thế là sau khi bác Cẩn thảo luận với bác Nguyễn Đình Tứ tôi có quyết định của Bộ Đại học cử tôi về Bộ Y tế và bác Cẩn viết 1 lá thư tay cho Gs. Hoàng Thủy Nguyên để tôi được làm việc tại Viện Vệ Sinh Dịch tễ học. Hồi bé tôi thường hay đi qua viện này với tên viện "Vi trùng học" hay là "Nhà thương chó" và rất hay chơi ở vườn hoa Pasteur để nhặt  các quả dừa non ăn với các bạn. Tôi chẳng có khái niệm gì về Viện VSDTH này cả mà chỉ thích viện có kiến trúc thời Pháp rất cổ kính và đẹp. Lần đầu tiên đến viện tôi được ông bảo vệ( sau này biết tên là Ngự)  trông sắc mặt rất nghiêm trang xem giấy tờ và gọi điện vào phòng Viện trưởng nói: Báo cáo anh Nguyên là có một cô gái rất trẻ muốn vào gặp Sếp có được không ạ. Sau đó tôi được hướng dẫn vào phòng của Viện trưởng. Đến phòng tôi thấy một người đàn ông đẹp trai, lịch lãm  mặc quần áo bò rất thời trang lúc bấy giờ, đi guốc mộc đang quét nhà, tôi chào và hỏi: anh làm ơn cho em gặp bác Nguyên ạ. Ông ta nhẹ nhàng mời tôi vào phòng thí nghiệm và  bảo tôi : cô cứ ngồi chờ. Đang ngắm và choáng ngợp với phòng thí nghiệm quá khang trang và hiện đại, khác hẳn với phòng thí nghiệm của trường tổng hợp mà tôi vẫn làm hồi sinh viên thì có một chị trông rất xinh, dáng  thanh cao  ( sau này biết đấy là chị Hằng học ở Hunggari về trước tôi 1 năm ) mang  nước ra mời, một ý nghĩ thoáng qua: sao viện này toàn người đẹp và phong cách  quá tây. Sau khi hót rác và rửa tay thì người đàn ông lịch lãm bảo tôi: tôi là Nguyên đây. Tôi giật mình ngạc nhiên bởi tôi nghĩ bác Nguyên là bạn với bố tôi thì phải tầm tuổi như bố chứ sao lại trẻ thế.. Tôi vôi vàng xin lỗi vì sự xưng hô lúc ban đầu do không biết chú là Hoàng Thủy Nguyên. Sau khi xem giấy tờ, bằng cấp chú Nguyên bảo tôi là tuần sau đến viện làm, tôi vội vàng vâng luôn. Lúc đó đã là cuối tháng 11/1977 tôi nghĩ là cứ chơi cho hết năm cho bõ những ngày học vất vả ở Kis.. Thế là tôi bắt đầu đi làm vào ngày 01/12/1977 tại Phòng Thí nghiệm Côn trùng thực nghiệm sau này là Hóa diệt, Khoa Dịch tế viện VSDTTW cho đến khi về hưu 31/7/2014. Tại nơi đây đã trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm, những bước ngoặt trong công việc, trong cuộc sống trong sự nghiệp, vui có, buồn có, tất cả đã hiện ra trước mắt tôi như một cuốn phim dài suốt gần 40 năm. Lúc đó chú Diên Hồng là Phó tiến sỹ ở Ba Lan về,  là phó khoa Dịch tễ ( lúc này chú Thành là trưởng khoa đi học ở Pháp), chú cũng là bạn với bố tôi hồi kháng chiến bảo tôi là: Khoa Dịch tễ rất phức tạp, nên chú muốn cho cháu về phòng thí nghiệm Côn trùng Thực nghiệm có các anh chị  là những người tốt, có trình độ giúp cháu thì tốt hơn chứ về những bộ phận khác thì cháu sẽ bị ảnh hưởng tới tương lai của cháu sau này.  Thế là từ đây tôi bắt đầu làm quen với các công việc với sự học hỏi, tìm tòi, đọc các tài liệu bằng tiếng Nga, sau đó bằng tiếng Anh với sự giúp đỡ của đồng nghiệp tôi cũng đã định hướng cho mình một hướng nghiên cứu sâu về các biện pháp sử dụng hóa diệt côn trùng trong phòng chống dịch bệnh và  cho tới bây giờ những việc này cũng giúp ích nhiều cho cộng đồng phòng chống bệnh dịch và tôi cũng tự hào vì mỗi khi nói đến lĩnh vực này thì được  Bộ Y tế và các bộ, các viện khác mời hướng dẫn nghiên cứu sinh, cố vấn cho các đề tài, dự án, ngồi các Hội đồng chấm luận án, đề tài, giảng dạy…Thế rồi suốt những năm làm việc tôi cũng hết sức cố gắng để tìm những gì mà các công việc của tôi có thể áp dụng được trong các đợt đi chống dịch bệnh, tôi nghĩ rất đơn giản là làm sao tìm được các biện pháp diệt được côn trùng mang mầm bệnh nhanh, an toàn với môi trường và có hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Cho đến lúc này thì tôi cũng cảm thấy rất tự tin trong công việc và không còn cảm thấy tự ti rằng minh học trái nghề nữa. Bởi vì suốt 37 năm gắn bó với công việc, 20 năm làm phó chủ nhiệm rồi  chủ nhiệm Khoa Dịch tễ - một khoa chủ chốt của viện VSDTTW và kiêm phụ trách một phòng thí nghiệm để được làm những việc mình thích nên  tôi cũng đã trưởng thành lên rất nhiều về mọi mặt và tôi tự hào vì mình đi bằng chính đôi chân và trí tuệ của mình không cần phải sử dụng bất cứ một ‘ô dù” gì cả. Kết thúc suốt gần 40 năm làm việc  nhà nước, đạt những bằng cấp trong khoa học, nhưng vợ chồng tôi cũng chẳng có mảnh đất, nhà cửa nào cho thuê, cũng chẳng được nhà nước phân phối nhà cửa, mua nhà, mua đất nhưng cũng may là được hưởng ½  ngôi nhà phố cổ  thừa kế của nhà chồng để lại với lương hưu, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái vì nghĩ có ít ăn ít có nhiều ăn nhiều.

Điều quý giá nhất của tôi bây giờ là một gia đình nhỏ bé với 3 người đàn ông yêu quý sẽ cùng đồng hành với tôi trong suốt cuộc đời còn lại. Và còn tài sản quý giá nữa là rất nhiều bạn bè trong đó có cộng đồng KGU của chúng ta.

Vì thế về hưu đối với tôi sẽ không đến nỗi "hưu quạnh", "hưu hắt" vì tôi còn có nhiều trách nhiệm với gia đình với các con, nhất là còn con nhỏ. còn nhiều việc phải làm. Còn công việc của viện thì cũng được tiếp tục tham gia dự án, các công việc trong phòng thí nghiệm... thì tôi cũng xác định là vui vẻ thì làm tiếp còn nếu không thì thôi, cứ thử xem thế nào.

 

 


Nhà tôi nằm viện
Ngày đăng 26/06/2014 10:48:06

Nhà” tôi nằm viện

Trong một bài Bình Kều CL77 đã viết về Giáo sư đi khám bệnh thì lần này tôi lại kể tiếp chuyện anh Vĩnh nhà này đi nằm viện để mọi người cùng suy nghĩ và cảm nhận về bệnh viện của nước nhà bây giờ.Anh Vĩnh nhà tôi được khám bảo hiểm ở Bệnh viện Việt Xô với tiêu chuẩn A cho nên cũng đươc được ưu tiên hơn trong những lúc chờ đợi, nhưng mà loại ưu tiên này cũng có rất nhiều người nữa nên cũng rất mất thời gian chờ đợi với lại loại ưu tiên này cũng chỉ có vài khoa thôi chứ cũng bình đẳng như mọi bệnh nhân khác. Sau mấy lần đi khám bệnh trĩ thì bác sỹ cho đơn thuốc hoạt huyết dưỡng não và bảo là: anh cứ về uống thuốc này ăn được ngủ được là khỏi hết bệnh, rồi khám dạ dày lại cấp cho Bổ thận âm vì bác sỹ nói bảo hiểm thì chỉ có thế thôi. Chán quá nên anh Vĩnh nhà tôi bẵng đi một thời gian dài không đi khám nữa nhưng lần này vì bị ù tai và nghe có tiếng lạo xạo trong tai nên lại đi vào Việt Xô khám và được bác sỹ trả lời là: đây là bệnh tuổi già cứ phải chung sống với bệnh. Thấy khó chịu nên anh Vĩnh lại vào bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương để khám tự nguyện thì được các bác sỹ ghi vào sổ y bạ là ĐĐN  (sau này mới biết là viết tắt của bệnh “điếc đột ngột”)và đề nghị vào khoa Tai-Tai thần kinh để điều trị ngay. Thời gian này tôi có đợt đi công tác miền Trung gần 1 tháng nên sau khi Du Xuân Đà Nẵng tôi lại phải mua vé máy bay ra Hà Nội để kịp đợt công tác đột xuất này không dự đươc Hậu Du Xuân mặc dù đã mua vé Đà Nẵng –Hà Nội nhưng do mua vé rẻ nên không cho đổi ngày.

Cũng may là hôm đó là hôm cuối cùng  của đợt tôi đang ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa nên tôi có gọi điện cho anh bạn là PGs.Ts Bác sỹ Quang là Viện trưởng Viện Tai mũi Họng nhờ giúp thì anh Quang có hẹn anh Vĩnh  sau giờ làm việc đến phòng khám tư của anh ấy để kiểm tra lại vì lúc đó cũng muộn rồi. Thấy anh Vĩnh kể lại với sự khó chịu là gọi điện mãi Bs. Quang mới ra vì phòng khám khá đông bệnh nhân, sau khi xem qua hồ sơ bệnh án Bs. Q đề nghị là anh phải vào viện cấp cứu ngay. Anh Vĩnh chần chừ  muốn vài hôm nữa mới vào viện với lý do là vợ đang đi công tác và phải đi đón con đi học thêm. Bs.Q nói luôn: tôi không biết vì anh phải biết là với bệnh của anh thì cứ mỗi ngày tai của anh sẽ giảm nghe đi 20% nếu tuần sau anh vào thì sẽ điếc hẳn, tùy anh tôi không quan tâm tới những lý do riêng của anh, vào cấp cứu sớm ngày thì tốt ngày đấy, mà cũng không chắc là chữa khỏi được. Sau này Quang bảo: em phải nói  gắt gao như thế thì anh Vĩnh mới chịu vào viện nằm. Thế là anh Vĩnh vội vào viện ngay mặc dù hôm đấy là thứ sáu. Trưa hôm sau về đến Hà Nội tôi đến Viện Tai Mũi Họng TƯ thì thấy anh Vĩnh nằm trong phòng  có 3 giường,điều hòa mát mẻ, sạch sẽ, anh Vĩnh nằm giường giữa còn 2 giường bên cạnh là 2 bệnh nhân nữ tầm tuổi gần 60, vừa truyền thuốc vừa nói chuyện rôm rả, TV mở với volum khá to để theo dõi tình hình biển Đông, vì cả phòng đều bị căn bệnh ĐĐN giống nhau. Hai em bệnh nhân cùng phòng bảo tôi là: 3 anh em em đã thống nhất với nhau rồi cứ nằm ở phòng này điều trị một tuần thôi chả tội gì đi đi về về gì vào lúc Hà Nội đang nóng cực điểm 40 độ C, chị không cần phải vào đâu, bọn em sẽ giúp nhau và cùng đi ăn cơm ở viện luôn cho người nhà khỏi vất vả, cứ yên tâm các phòng toàn cửa kính trong suốt mà chúng em già rồi chẳng làm ăn gì được vả lại còn đang tập trung vào chữa tai là chính.

 

Vì hàng ngày phải tiêm vào tai theo phương pháp nội soi và truyền thuốc 2 lần nên nằm viện là hợp lý.Tôi sướng quá, phải động viên mọi người cố gắng chữa bệnh vì mấy hôm ấy Hà Nội nóng lắm tôi cứ ra vào bệnh viện, đến cơ quan, rồi đón con, đi chợ … từ nóng vào điều hòa bị cảm sốt và ho suốt từ hôm Du Xuân mãi không khỏi được. Mỗi giường như thế là 600.000 đồng/ngày, còn không thì nằm phòng 3 người/1giường với giá 150.000 đ/1người không có điều hòa và tiền phòng này không nằm trong chế độ bảo hiểm mà bệnh nhân phải trả 100%. Trước khi vào viện bệnh nhân nào đúng tuyến (tất cả các bệnh nhân ở các tỉnh khác chuyển về bệnh viện Hà Nội là đúng tuyến) nộp đặt cọc 2,5 triệu tiền viện phí  và 5 triệu tiền phòng được hưởng 100% bảo hiểm  còn những bệnh nhân nào ở Hà Nội như anh Vĩnh phải nộp 8 triệu đặt cọc tiền viện phí và 5 triệu tiền phòng và chỉ được hưởng 30% bảo hiểm thôi. Lúc ra viện phải xếp hàng chờ thanh toán mất khoảng một ngày để hoàn tất các thủ tục rất phức tạp, nhiêu khê, máy móc, và còn phải trả rất nhiều khoản phát sinh trong quá trình nằm viện nữa nên gây khá nhiều phiền hà cho người bệnh nhất là đối với những người ở các tỉnh xa. Nếu ai không có tiền chữa bệnh theo kiểu tự nguyện thì cứ chờ đợi đến khi nào có chỗ mới được vào mà bây giờ tất cả các bệnh viện ở Hà Nội đều quá tải trầm trọng. Như vậy người nghèo vẫn là khổ nhất. Có một anh nông dân ở Thanh Hóa đưa con gái 12 tuổi về nói rằng:nằm viện 1 ngày ở đây là mất vài tạ thóc cả năm làm ăn vất vả của nhà cháu rồi, nghe mà đắng lòng.

 

 

          Nghe kể chuyện mấy chị CL77 cùng với chị Thảo vội vào thăm anh Vĩnh luôn. Vừa vào Bình K đã nói luôn là: bọn chị tuy là vào thăm anh Vĩnh nhưng thực ra là thăm 2 em là chính. Thế là cả lũ cười nói rôm rả và mong sau này nếu được nằm viện cùng nhau thế này thì vui quá vì từ hồi còn ở Kis. chúng tôi cũng ước ao được như thế và sau này thì dự định mua một mảnh đất để làm trại dưỡng lão lúc già cùng ở cho vui.

 

          Trong lúc điều trị tai phải thì các bác sỹ đề nghị anh Vĩnh mổ luôn tai bên kia vì cách đây gần 50 năm anh Vĩnh bị viêm tai giữa phải mổ nên sau đó bị mất xương trong tai vì vậy  màng nhĩ và xương không liên kết được với nhau ảnh hướng đến thính giác, tai bên ấy hầu như không nghe được, bây giờ mổ để  áp dụng phương pháp mới cấy xương vào với sắc xuất nghe là khoảng 50-60% trở lên. Tin tưởng vào khoa học và lo có nguy cơ bị điếc cả 2 tai nên anh Vĩnh đồng ý ra viện và 2 tuần sau lại nhập viện để mổ tai. Lại phải xếp hàng chụp cắt lớp, rồi thử máu, chụp phổi…Đến ngày hôm sau Bs đề nghị  sang Bv Bạch Mai ngay cạnh đấy kiểm tra lại tim, có lẽ do đi lại leo trèo cầu thang nhiều quá nên nhịp tim hơi nhanh. Sang bên Bạch Mai khám lại phải thử máu, chụp X-quang lại vì không công nhận kết quả của Bv. Tai Mũi Họng, đúng là quá bất cập, vừa tốn sức và tốn tiền của bệnh nhân.

Trước mấy hôm mổ anh Vĩnh vốn cẩn thận đã lên tham khảo một số bệnh nhân đã mổ để lấy thêm kinh nghiệm vì chưa nằm viện bao giờ nên cũng hồi hộp dù là mổ tai cũng vẫn lo sợ. Sau đó anh Vĩnh gặp trực tiếp Bs mổ trao đổi và xin nhập viện trước 2 ngày để trấn an tinh thần mặc dù bác sỹ cho phép về nhà và đến viện trước khi mổ 1-2 tiếng. Theo đề nghị của viện trưởng Quang thì anh Vĩnh sẽ được ưu tiên mổ đầu tiên nhưng vì có rất nhiều cháu nhỏ phải gây mê nên anh Vĩnh nhường cho các cháu. Trước khi vào mổ Viện trưởng đã xuống phòng mổ trức tiếp gặp bệnh nhân Vĩnh cùng Bác sỹ Huy mổ trực tiếp để trao đổi, động viên, chỉ đạo về chuyên môn đối với trường hợp bệnh nhân Vĩnh, mặc dù trước đấy cũng đã gặp trực tiếp và gọi điện vài lần và dặn tôi  ngồi ngoài chờ khi nào hồi sức xong thì vào. Sau 2 tiếng thì mổ xong tôi được mời vào phòng hồi sức thấy anh Vĩnh đang nằm trên cáng tươi cười và chỉ vào tai mổ nói: tai này đã nghe được rồi mặc dù vẫn còn băng kín tai, đúng là yếu tố tinh thần đã quyết định rất nhiều.

 

Tôi cảm ơn kíp mổ và gửi quà cám ơn nhưng các bác sỹ từ chối bảo người nhà y tế không cần phải quà song tôi nói đây là quà của gia đình cảm ơn các bác sỹ và kíp mổ cũng như anh chị em trong khoa.

Sau khi về giường nằm bệnh nhân Vĩnh chẳng hề chóng mặt, không cần dùng đến thuốc giảm đau của bệnh viện phát cho và không kêu đau như các bệnh nhân khác, ăn 2 bát cháo, uống sữa ngon lành, đi lại bình thường, đêm ngủ say ngáy to làm bệnh nhân bên cạnh cùng tôi mất ngủ, nhưng tất cả mọi người đều thán phục. Cũng có thể người có thần kinh khá vững vàng và anh Vĩnh hầu như không bao giờ bị say ô tô, tàu thủy, hôm ra đảo Trường Sa công tác tất cả mọi người say lướt khướt mà anh Vĩnh chẳng làm sao. Sau 2 ngày nằm viện cùng anh Vĩnh các nhân viên và bệnh nhân trong khoa đều nói đùa: anh Vĩnh sướng quá có ô sin cao cấp vừa có học hàm học vị phục vụ, đúng là không có gì bằng bà trông ông trong lúc tuổi già và bảo thôi ô sin có thể về nhà được rồi để thổi cơm và mang cơm vào cho bệnh nhân không phải ở lại đêm nữa cho đỡ bị mất ngủ. Hôm  qua các bạn CL77 vào thăm nói chuyện vui vẻ và anh Vĩnh đã trao đổi kỹ càng với các bạn về bệnh tật cũng như kinh nghiệm và bảo ai bị các triệu chứng như anh Vĩnh thì cứ dùng theo đơn thuốc và phương pháp của anh Vĩnh.  Các bạn Kim Thanh, Hương Hương, Bình Trần bảo từ nay Hoa phải nói năng ít thôi không anh Vĩnh phải nghe nhiều quá và nghe được hết. Theo nhận xét của các bạn CL77 thì anh Vĩnh bắt đầu nói nhiều hơn cả chị em CL77 rồi.

Cám ơn tất cả các ACE KGU, đặc biệt là anh chị em đồng nghiệp của tôi cùng các bạn CL77 đã thăm hỏi, động viên nhà mình nhé, mỗi khi có ai đến thăm, gửi lời hỏi thăm, động viên là anh Vĩnh nhà mình vui lắm, bác sỹ bảo sau 1 tháng còn nghe rõ hơn nhiều. Chúc mọi người có sức khỏe, vui, hạnh phúc, tinh thần sảng khoái nhất là đối với những người đã về hưu để không có bệnh tật và không bao giờ phải đến khám và nằm bệnh viện.

 

 


Phần quan trọng nhất trên cơ thể
Ngày đăng 22/04/2014 15:15:34

PHN QUAN TRNG NHT TRÊN CƠ TH

 M tôi đã ra mt câu đố: "Con yêu, phn nào là quan trng nht trên cơ th h con?"

 Ngày nh, tôi đã nói vi m rng âm thanh là quan trng đối vi con người nên tai là b phn quan trng nht. M lc đầu: "không phi đâu con. Có rt nhiu người trên thế gii này không nghe được đâu, con yêu . Con tiếp tc suy nghĩ v câu đố đó đi nhé, sau này m s hi li con."

Vài năm sau, tôi đã nói vi m rng hình nh là quan trng nht, vì thế đôi mt là b phn mà m mun đố tôi. M li nhìn tôi âu yếm nói: "Con đã hc được nhiu điu ri đấy, nhưng câu tr li ca con chưa đúng bi vi vn còn nhiu người trên thế gian này chng nhìn thy gì."

Đã bao ln tôi mun m nói ra đáp án, và vì thế tôi toàn đoán lung tung. M ch tr li tôi: "Không đúng. Nhưng con đang tiến b rt nhanh, con yêu ca m."

Ri đến năm 1991, bà ni yêu quý ca tôi qua đời. Mi người đều khóc vì thương nh bà. Mt mình tôi đã va đạp xe va khóc trên sut chng đường 26 km t th xã v quê trong đêm mưa rào ngày 4/5 âm lch ca năm đó. Tôi đạp tht nhanh v bnh vin huyn để mong được gp bà ln cui. Nhưng tôi đến nơi thì đã mun mt ri. 

Tôi đã thy b tôi gc đầu vào vai m tôi và khóc. Ln đầu tiên tôi thy b khóc như tôi.

Lúc lim bà xong, m đến cnh tôi thì thm: "Con đã tìm ra câu tr li chưa?" Tôi như b sc khi thy m đem chuyn đó ra hi tôi lúc này. Tôi ch nghĩ đó là mt trò chơi gia hai m con thôi.

Nhìn v sng s trên khuôn mt tôi, m lin bo cho tôi đáp án: "Con trai , phn quan trng nht trên cơ th con chính là cái vai."

Tôi hi li: "Có phi vì nó đỡ cái đầu con không h m?" 

M lc đầu: "Không phi thế, bi vì đó là nơi người thân ca con có th da vào khi h khóc. Mi người đều cn có mt cái vai để nương ta trong cuc sng. M ch mong con có nhiu bn bè và nhn được nhiu tình thương để mi khi con khóc li có mt cái vai cho con có th ng đầu vào."

 T lúc đó, tôi hiu rng phn quan trng nht ca con người không phi là "phn ích k", mà là phn biết cm thông vi ni đau ca người khác.


Mười thích của người cao tuổi
Ngày đăng 02/01/2014 20:22:49

 

 

Đầu năm Trần Lê Minh OB77 và Thúy Hoa CL77 cao hứng rủ nhau đi ăn bún ốc, sau đó rủ nhau về nhà Minh nằm tán chuyện, chúng tôi thích thú với bài thơ này và mong ước được như thế khi về già nên liền sưu tầm để tặng mọi người KGU cùng đọc cho vui và xin chúc mọi người một năm mới sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc


Mười thích của người cao tuổi

Một thích trong túi có tiền

Mỗi khi hiếu hỷ khỏi phiền cháu con

Hai thích được bát canh ngon

Cao lương chẳng thiết bởi còn răng đâu

Ba thích con cháu rể dâu

Gia phong giữ nếp hàng đầu hiếu trung

Bốn thích thỏa mãn riêng chung

Ăn riêng nhưng vẫn vui cùng cháu con

Năm thích làng phố vuông tròn

Đói no sướng khổ mất còn có nhau

Sáu thích sống thọ chết mau

Ốm lâu con khổ lại đau thân mình

Bảy thích toàn bộ gia đình

Bạc cờ, ma túy thực tình tránh xa

Tám thích mồ mả ông cha

Xây cất tôn tạo ít ra bằng người

Chín thích đầy ắp tiếng cười

Cả nhà hưởng khí vui tươi hàng ngày

Mười thích khuất bóng dương này

Tùy nghi biện lễ chớ vay mượn nhiều

Tuổi già mong được bấy điều

Mỗi người đạt được bao nhiêu còn tùy

Sống vui sống khỏe khôn bì

Nam tào có lệnh ra đi nhẹ nhàng

 


Ông biết tôi là ai không?
Ngày đăng 07/08/2013 19:30:31

Ông biết tôi là ai không?
 
Cho mãi đến mấy hôm trước, tôi mới tìm ra được câu trả lời cho một câu hỏi tôi bị hỏi từ hơn ba mươi lăm năm trước.
Một bữa đang ngồi trong quán cà phê ở Sài Gòn, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi : “Ông biết tôi là ai không ?”
Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết. Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.
Ít lâu sau, tôi được cho biết ông là đàn em của một quan chức lớn, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút “hào quang” vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.
Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó của họ cả. Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ. Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, thì tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.
Mấy tháng trước, trong chuyến về lại Los Angeles, California , tôi phải ghé lại Newark, New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra.
Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy.
Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông.
Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần : “Cô biết tôi là ai không ?” (Do you know who I am ?).
Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này.
Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng: “Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112.”
Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa. Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười.
Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu : “Đ.M. mày”( F,,k you) .
Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này : “I’m sorry, sir, but you’ll have to stand in line for that, too”.( Thưa ông, chuyện đó, chuyện ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.)
Chao ôi, hay biết là chừng nào ! Thế mà tôi không nghĩ ra từ bao nhiêu năm nay để mà ấm ức không nguôi.
Bây giờ, nếu người đàn ông ngày xưa ở Saigon hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark , New Jersey hai hôm trước.

Người sưu tầm: HoaNT




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>