HoaNT
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


Đang xem 10 - 18 của tổng số 18 Blogs.


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |


Phú Quốc mùa này với những cơn mưa
Ngày đăng 27/07/2013 12:50:41

Phú Quốc mùa này với những cơn mưa

Theo kế hoạch  đã đinh trước từ đầu năm cũng  như theo yêu cầu của mọi người  thì chúng mình  sẽ có cuộc Hội thảo về Hóa chất diệt côn trùng với các tỉnh phía Nam tù 23 đến 25/8/2013 tại Phú Quốc. Tất cả ban tổ chức cùng khách mời ai cũng háo hức được đặt chân lên hòn đảo Phú Quốc với biết bao hình ảnh tuyệt vời về hòn đảo này trên Internet, đa số mọi người đều là lần đầu tiên được đi Phú Quôc. Lần này mình lại mua thêm một vé tặng cậu bé nhà này  đang nghỉ hè sau khi thi cử xong.

 

Vé máy bay Phú Quốc mùa này hầu như cháy vé, phải cầy cục mãi mới lấy được vé đúng ngày dự kiến và không có vé giảm giá  đã thế còn phải trả thêm cao hơn một chút nữa. Sáng 22/7/2013 hai mẹ con vừa bước ra taxi đi ra sân bay Nội Bài thì cơn mưa đổ ập xuống thế là 2 mẹ con vớ vôi 2 áo gió, cũng may có nó chứ còn tất cả quần áo chuẩn bị đều là đồ mùa hè, quần áo bơi... vì nghỉ hè cơ mà.

Sau 2 tiếng máy bay hạ cánh xuống sân bay Phú Quốc  khá hiện đại với cơn mưa nặng hạt. Lên xe taxi về khách sạn cậu lái xe cho biết Phú Quốc mùa này là mùa mưa nên ngày nào cũng mưa hết, thế là cậu con trai lo là sẽ không bơi được và bảo mẹ là phải thay đổi kế hoạch mấy ngày ở Phú Quốc cho đỡ phí chuyến đi. Ban Tổ chức bố trí Hội thảo và nơi nghỉ tại Paris Beach Resort Phú Quốc. Mới nghe Resort có vẻ sang trọng nhưng mình thấy hầu hết khách sạn ở trên đảo này đều là resort hết. Resort bon mình ở nằm sát bờ biển do một đôi vợ chồng người Pháp có vợ là Việt kiều người Hà Nội rất nhẹ nhàng lịch sự, niềm nở. Hỏi ra mới biết bà chủ kém mình 2 tuổi, trước kia cũng sống ở phố Huế gần nhà mình ngày xưa và có con trai là người mẫu kiêm ca sỹ Nathan Lee chắc nhiều người biết đến. Để đi vào được resort này thường là taxi quen vẫn phải vất vả đi vào con đường ngoằn nghèo lầy lội    hai bên có hai con suối. Đứng ở đây có thể nhìn thấy xa xa kia là  đất của Campuchia. Từ đây có thể nhìn thấy công trình Salinda của nhà Huyền-Kỳ và đi bộ tới đó chỉ khoảng 5 phút thôi.

 

Vừa ổn định chỗ ở mình gọi điện cho Tiến - người nhà của đại sứ Huyền đón 2 mẹ con đến cơ sở nước mắm Khải Hoàn tại Phú Quốc luôn vì sợ hôm sau còn nhiều việc phải làm. Trước khi đi mình đã trao đổi với Huyền qua mail nên Huyền cử ngay Tiến đón tiếp hai mẹ con rất chu đáo, rât tiếc là dịp này Huyền không ra Phú Quốc được  Mặc dù trời mưa rất to Tiến vẫn nhiệt tình lái ô tô đến ngay KS đón 2 mẹ con và đưa đến thăm cơ sở sản xuất nước mắm. Đến nơi mình thấy ngạc nhiên,  ngỡ ngàng vì cơ sở sản xuất nước mắm rất hiện đai, quy củ, sạch sẽ, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không có mùi khó chịu, mùi nước mắm thơm, rất ngon đặc trưng nước mắm Phú Quốc. Đặc biệt nữa là trên đảo hầu như không có ruồi, mình đã đi nhiều đảo để ý thấy hầu hết các đảo rất nhiều ruồi ngay cả đảo Corsica xinh đẹp ở Pháp cũng đầy ruồi thế mà ở đây ngay cả cơ sở làm nước mắm trong những ngày mưa cũng không có con ruồi,bọ nào cả.

         

 

Cu Hà nhà mình còn háo hức trèo lên tận trên cao để tận mắt nhìn vào các thùng nước mắm.

 

Tiến đã giới thiệu các công đoạn làm nước mắm cũng như giới thiệu ngôi nhà ở rất hiện đại song trông rất giản dị của đôi Huyền- Kỳ mỗi lần ra Phú Quốc làm việc. Hai mẹ con mình mạn phép Huyền – Kỳ ngồi trong căn phòng hạnh phúc của 2 người  một lát để tạo dáng  nhé.

            &nb sp;

Mặc cho trời mưa tầm tã vợ chồng Tiến vẫn thiết tha  mời 2 mẹ con mình dùng bữa cơm hải sản tại chợ đêm Phú Quốc, chiều tối nào cũng tấp nập người đếnthưởng thức hải sản tươi sống của đảo:  Sò, ốc hương, mực trứng nướng... và tất nhiên là có canh chua cá bớp món đặc sản của PQ.

 

 

 

Đến ngày hôm sau Hội thảo vẫn tiến hành theo đúng kế hoạch trong cơn mưa to như trút nước với gió, sóng biển đập dữ dội. Các đại biểu lại có phần đầy đủ hơn dự kiến nên BTC phải bảo nhân viên KS  kê thêm ghế. BTC cũng xin lỗi vì là  người miền Bắc không có kinh nghiệm đã chọn ngày cho Hội thảo đúng vào mùa mưa của Phú Quốc nên ra ngoài đảo họp như đi tù Phú Quốc.  Cũng vì thế mà chẳng có ai bỏ họp đi chơi và lại còn phát biểu hăng say nữa.

       

 

Nghe mình giới thiệu về cơ sở nước mắm Khải Hoàn ai cũng mê nên sau buổi Hội thảo mình nhờ Tiến đến đón mọi người sang thăm.

 

 

Đoàn đại biểu đến thăm bao gồm Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Bộ Y tế PGs.Ts. Nguễn Huy Nga người đã từng học trường y Leningrat cùng năm với khóa 77, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Bác sỹ Hào Hiệp, đại diện Văn phòng Chính phủ Ts. Đức Cảnh  cùng các chuyên viên. Các đại biểu đều rất hài lòng về cơ sở sản xuất nước mắm Khải Hoàn và ai cũng gật đầu công nhận là cơ sở đạt tiêu chuẩn An toàn thực phẩm.

 

Ngày hôm sau  24/7/2013 vẫn mưa to nhưng cả đoàn Hà Nội quyết tâm thuê xe đi thực tế Nam Phú Quốc. Theo yêu cầu của cu Hà thì 2 mẹ con mình quyết vào thăm nhà tù Phú Quốc còn bọn thanh niên sợ không dám vào mà chỉ dám đứng ở ngoài thắp hương tưởng nhớ và tri ân các liệt sỹ. Vào đến nơi chứng kiến cảnh tù đày, chuồng cọp nơi giam giữ các tù nhân chính trị cu Hà xót xa bảo: mẹ ơi con thương các ông bà bị tù đày ở đây quá, sao bọn giặc dã man đến tột độ không còn tính người như thế này, vào đây thăm và thắp hương cho các ông bà liệt sỹ là đúng dịp 27/7 mẹ nhỉ, đã đến Phú Quốc mà không vào đây thăm thì phí quá. Mình thường tranh thủ cho lũ trẻ con nhà mình đi thăm các di tích lịch sử vì đấy cũng là sở thích, niềm đam mê của bọn chúng, đi thăm được nhà tù Phú Quốc lần này là một trong các mục tiêu làm cho cháu thỏa mãn nhất.

 

 

Tiếp theo đó cả đoàn đi thăm cơ sở sản xuất ngọc trai ở Long Beach,nếm rượu sim PQ rồi qua thị trấn An Thới rồi Dương Đông. Dọc đường đi hai bên đường là các vườn hồ tiêu bạt ngàn. Sau đó mọi người vẫn quyết định thuê tàu ra biển ăn trưa, câu cá ngắm san hô. Chẳng có ai đi tàu dưới trời mưa nên thuê thuyền được ngay. Ra đến biển thì trời mưa to dễ sợ luôn, gió rét, tàu chòng trành chóng hết cả mặt, mấy chị nằm, ngồi co ro tàu. Thế mà lũ thanh niên vẫn thích thú, say mê câu cá.

 

 

May quá trời cũng tạnh mưa cả đoàn lại hối hả cập bở lên Bãi Sao tranh thủ tắm biển, bơi thuyền. Bãi sao là một bãi đẹp, nước trong veo, mùa này không có sóng mấy nên rất thích hợp cho tắm biển. Ở đây cũng có đầy đủ các dịch vụ giá vừa phải và rất sach sẽ, lịch sự.

 

 

Tối về mọi người vẫn tranh thủ ngắm trăng trên biển vào ban đêm với sóng biển rì rầm rất nên thơ. Phú Quốc mùa mưa cũng vẫn đẹp mê hồn.

 

Sáng 25/7/2013 trời nắng đẹp tuyệt vời cả đoàn tiếc rẻ vì phải ra sân bay về Hà Nội. Lũ trẻ vẫn tận dụng thời gian ít ỏi còn lại ở Phú Quốc ào ào chạy ra biển nhảy sóng. Trước khi ra sân bay vẫn tranh thủ tạt vào suối Tranh ngắm cảnh.Đúng là Phú Quốc ngày càng thay da đổi thịt, phát triển không ngừng, thay đổi từng ngày. Các con đường đang được mở mang, chắc vài năm nữa quay lại sẽ thấy một Phú Quốc hiện đại không kém gì các nước phát triển trong khu vực.

 

 

Ra đến sân bay đã nghe tiếng loa mời các quý khách cuối cùng chuyến bay ra Hà Nội check in chỉ còn vài phút nữa máy bay sẽ cất cánh, may quá hai mẹ con kịp chuyến bay. Sau đó 30 phút lại có một chuyến bay tăng cường  tiếp từ PQ ra Hà Nội chứng tỏ là có quá nhiều người ra đảo này vao mùa mưa.

 

 

Chào tạm biệt Phú Quốc hẹn gặp lại thời gian tới cùng người KGU thăm Phú Quốc tại cơ sở Salinda nổi tiếng ở Phú Quốc của Hyền Kỳ nhé.

 

 

Ngay sáng hôm sau đến cơ quan mình vẫn tranh thủ gọi điện cho Thành mang 8 thùng gồm 48 chai nước mắm Khải Hoàn đến Cục Quản lý Môi trường Bộ Y Tế để chuyển cho các đại biểu của Cục vừa từ Phú Quốc về và mình cũng kịp thanh toán  trên mạng cho Thành luôn với giá ưu đãi của hãng. Mọi người nhận được nước mắm Khải Hoàn ngạc nhiên vì sao lại nhận được nhanh gọn và khoa học  thế. Huyền và mọi người KGU yên tâm là nước mắm Khải Hoàn đã khẳng định được thương hiệu với Bộ Y tế là những Thượng đế khó tính nhất.

 


Niềm vui ngày sinh nhật
Ngày đăng 17/07/2013 22:33:26

Niềm vui ngày sinh nhật

Từ tối hôm trước nghe thấy thằng nhỏ thì thầm với  mẹ : mẹ ơi ngày mai là ngày gì, mình bảo là ngày Bác Hồ có câu nói bất hủ: Không có gì quí hơn độc lập tự do thế rồi nó tủm tỉm cười xuống nhà thì thầm hỏi bố: Bố có biết ngày mai là ngày gì không? Bố cười nói không biết . Nó tức quá nói luôn: Ngày sinh nhật của vợ mình mà không nhớ à? Buổi sáng ngủ dậy đã nhận được đầy lời tin nhắn của con trai lớn từ Thái Lan , rồi bạn bè trên Feace book, trên điện thoại  và đặc biệt là lời chúc mừng của người KGU trên e.mail., hội MK. Tối hôm trước Gs. Hoàng Lương gọi điện báo tin cu Hà nhà Hoa đ vào lớp 10 chất lượng cao của trường Tổng hợp rồi đấy. Cu Hà mừng quá thì thầm với mẹ : món quà này con tặng mẹ đấy.

 

Sáng đến cơ quan các cháu đồng nghiệp chúc mừng cô sinh nhật và trưa cả phòng thí nghiệm ăn mừng sinh nhật cô Hoa hàng chả cá Kinh kỳ. Mọi người đề nghị tháng nào cô Hoa cũng có sinh nhật. Chiều về sớm thấy anh Vĩnh dặn là:  chiều nay không phải nấu cơm, đợi Hùng đi làm về mua các thứ về ăn sinh nhậtbà béo nhà đ còn xem đá bóng với đội Arsenal.  Thế là cu Hà rủ mẹ đi một vòng quanh Hồ Tây chụp ảnh với đầm sen nhân tiện trời mát và  đ xả niềm  sung sướng sau mấy tháng trời học, thi, chờ đợi kết quả .

 

 

Mấy hôm trước sốt ruột quá nhân tiện có cuộc họp Hà Tĩnh phải lôi  cu Hà đi vào đấy thăm và đến mộ cụ Nguyễn Du  cầu may vì con nhà này khả năng văn thơ kém lắm, đẫ thế lại bị gãy tay phải hồi trong năm suốt học kỳ 1 không viết được toàn phải xung phong kiểm tra miệng.

 

Thế rồi ra ngã ba Đồng Lộc đ thăm và thắp hương cho 10 bác gái Đồng Lộc rồi vào đền ông Hoàng Mười. Trước khi thi thì cả nhà đã vào Văn Miếu, Đền Ngọc Sơn, về quê thắp hương cho các cụ.... và nhiều chùa khác để thăp hương cầu may mắn cho thi cử.

 

Về Hà Nội thấy báo điểm thi và điểm chuẩn vào lớp 10 của Hà Nội thằng cu Hà nhảy cẫng lên sướng rơn vì được 9,5 toán và 6,75 văn nó bảo Cụ  Nguyễn Du , 10 bác gái Đồng Lộc và ông Hoàng Mười thiêng thật. Bởi vì đối với các bạn cùng lớp thì Hà nhà mình cũng không giỏi lắm, so với anh thì không bằng. Nó cứ bảo ai bảo mẹ đẻ con muộn quá nên không thông minh nhưng cũng may là không bị dở hơi.

Chiều nay 3 bố con tặng hoa và chuẩn bị bữa cơm sinh nhật tại nhà thật đầm ấm.

Đến bây giờ cũng vẫn thấy cảm động và tràn ngập niềm vui và chợt nghĩ thầm  là chẳng nhẽ già thế này vẫn được mọi người chúc mừng sinh nhật cơ à.Mong sinh nhật nào cũng được như thế này

 

Xin cám ơn  chồng, các con, bạn bè, đồng nghiệp  và người KGU đã nhớ và chúc mừng sinh nhật của mình. Mọi người đã dành cho mình nhiều niềm vui quá.

 


Vô cảm
Ngày đăng 08/07/2013 15:54:19

 

VÔ CẢM.

Trời bừng sáng sau cơn mưa đêm… Bầu không khí tươi mát ùa vào căn phòng trực cấp cứu của bệnh viện. Cô y tá trẻ mặc bộ blue trắng nhận ca trực, cô vừa lật cuốn sổ ghi chép của ca trước vừa sửa lại bình hoa tươi trên bàn. Hai má cô ửng hồng, đôi mắt long lanh và làn môi xinh tươi như hoa hồng mới nở.
Cách đó không xa, ông bác sĩ tuổi trung niên ngồi trước bàn làm việc của mình, mỉm cười nhìn dòng chữ “Thầy thuốc như mẹ hiền” uốn bằng đèn huỳnh quang màu đỏ tươi rực rỡ vừa mới sắm.

Bỗng một chiếc xe gắn máy phóng thẳng tới cửa phòng cấp cứu. Gã lái xe mặt mày bậm trợn, ngồi sau là cô gái mặc mỗi chiếc áo nịt, phấn son nhòe nhoẹt. Cô ta đang ôm một thằng bé chừng mười tuổi được quấn trong cái áo khoác phụ nữ loang máu.

Gã lái xe giật thằng bé trên tay cô gái rồi bồng vào trong phòng, nói với cô y tá:

- Bác sĩ ơi cấp cứu!...

Cô y tá rời mắt khỏi cuốn sổ:

- Sao vậy?

- Thằng bé bị tai nạn giao thông!

- Anh là bố nó à?

- Không, tôi lái xe ôm…

- Thế còn cô kia?

Cô y tá liếc mắt về phía cô gái ăn mặc hở hang đứng ngoài cửa rồi bĩu môi cau mặt! Nước mưa đã cuốn trôi lớp son phấn rẻ tiền trên mặt cô ta để lộ ra lớp da nhợt nhạt. “Trông chẳng khác gì gái điếm đứng đường mạt hạng. Vào nơi công cộng mà dám phô ra như thế à!?...” -Cô y tá nghĩ. Quả thật cô gái mặc áo ngực ấy là một gái điếm nghèo, sáng sớm nay cô đang đi xe ôm của gã kia về phòng trọ thì gặp thằng bé bị tai nạn nằm ngất bên đường. Chiếc xe nào đã quẹt phải nó rồi bỏ chạy luôn. Thương hại, cô cởi áo khoác quấn cho thằng bé rồi cùng anh xe ôm đưa nó đến đây.

Gã xe ôm bối rối liếc qua cô gái, ấp úng trả lời cô y tá:

- À! Cô này…

Cô y tá xinh đẹp không thèm nhìn hai người, cất giọng lạnh lùng:

- Sang bên kia làm thủ tục nhập viện.

 

Gã xe ôm đặt thằng bé xuống thềm, rồi chạy sang dãy nhà đối diện. Người bảo vệ chỉ cho gã cái lỗ hình vuông bằng hai bàn tay trên tấm kính dày, chung quanh bịt lưới sắt. Gã khom lưng nhìn vào trong ô vuông đó, thấy gương mặt hồng hào của người nữ nhân viên ngồi sau chiếc bàn chất đầy sổ sách. Gã nhũn nhặn:

- Chị ơi, cho tôi làm thủ tục nhập viện…

Người phụ nữ không ngẩng mặt lên, nói máy móc:

- Tên gì? Hộ khẩu? Chứng minh nhân dân?...

- Dạ… thằng nhỏ mà!...

- Thằng nhỏ à?... Anh là gì của nó?

- Tôi lái xe ôm… Thấy nó bị tai nạn nên chở tới đây.

- Rắc rối đây! Sao anh không gọi bố mẹ nó tới làm thủ tục nhập viện?

Gã xe ôm nói lắp bắp:

- Tôi đâu biết bố mẹ nó… Với lại gấp quá! Cấp cứu mà!

- Thôi được! Nộp tiền tạm ứng viện phí.

- … Bao nhiêu chị?

- Hai triệu.

Gã xe ôm ngẩn ra, hắn biết trong túi mình có chưa tới hai trăm ngàn. Gã móc hết tiền ra rồi nói với chị nhân viên:

- Tôi chỉ có bi nhiêu… Chị làm ơn cho thằng bé nhập viện, rồi tôi sẽ tìm bố mẹ nó tới thanh toán.

- Không được! Anh không biết bố mẹ nó thì làm sao mà tìm?

- Chị làm ơn… Thằng bé sắp chết!...

- Đã bảo không được! - Chị nhân viên gắt, cộc cằn máy móc - Bệnh viện đã quy định.

 

Gã xe ôm đành chạy trở lại lại phòng cấp cứu, hỏi cô gái điếm:

- Cô có tiền không?...

Cô gái khẽ quay đi, moi trong chiếc áo nịt ra mấy tờ bạc được xếp cuốn chặt rồi đưa cho anh xe ôm. Anh ta mở ra: Chưa tới trăm ngàn!...

- Bi nhiêu nhằm nhò gì? - Anh xe ôm lắc đầu cau mặt.

Mặt anh xe ôm xám ngắt, mắt đỏ ngầu, hai hàm răng nghiến chặt của anh ta như muốn nhai nát cái gì đó… Cô gái điếm nhìn bộ mặt cau có của anh ta mà phát sợ, nói như phân trần:

- Đêm qua mưa… tôi không có khách…

 

Thằng bé nằm dưới thềm kêu khóc thảm thiết. Nhìn nó thật thê thảm: Chiếc quần đùi rách tướp để lộ ra cẳng chân dập nát, da thịt chỗ đó bầy nhầy. Máu vẫn chảy từ vết thương chưa được băng bó. Da thằng bé bợt nhớt như con cá ươn, ngực thoi thóp và đôi mắt long lanh đảo nhìn mọi người như cầu cứu. Trong túi áo ngực của nó còn thò ra xấp vé số ướt nhẹp.

Gã xe ôm nhìn thằng bé mà ứa nước mắt. Gã chợt quỳ mọp xuống trước mặt ông bác sĩ, hai tay cầm mấy tờ bạc cô gái điếm vừa đưa đội lên đầu:

- Tôi lạy bác sĩ! Bác sĩ làm ơn cứu thằng bé!...

Khuôn mặt đen sạm của gã xe ôm méo mó khổ sở. Ông bác sĩ ngoảnh mặt đi chỗ khác, nhịp nhịp chân phải…

 

Gã xe ôm biết có quỳ xin cũng không được. Gã đứng dậy nói với cô gái điếm:

- Thôi được! Cô trông thằng bé, để tôi đi cầm đỡ chiếc xe vậy.

Cô gái điếm lau nước mắt:

- Hay anh… để em qua phòng bên kia… bán máu?

Gã xe ôm nhìn lướt qua thân hình gầy gò của cô gái, lắc đầu:

- Cô thì có bao nhiêu máu mà bán? Chưa chắc họ đã chịu mua…

Gã nói xong hấp tấp chạy ra cửa bệnh viện.

 

 

Lúc ấy phòng cấp cứu tiếp nhận thêm mấy bệnh nhân: Một cô gái tự tử vì thất tình, một anh chàng say rượu bị trúng gió và một người đàn ông bị nhồi máu cơ tim - ông này được đưa tới bằng xe hơi Mercedes kèm hai Honda @ hộ tống. Người thân của ông nhà giàu đứng chật phòng cấp cứu. Bà vợ mập mạp của ông ta nhanh nhẹn dúi vào tay bác sĩ và cô y tá mỗi người một phong bao:

- Tốn kém bao nhiêu cũng được, bác sĩ mau mau cứu sống chồng tôi.

Ông bác sĩ vội vã rời cái bàn như bị bắt vít từ sáng, cô y tá cuống quýt đẩy băng ca… Ông bệnh nhân “đại gia” được đưa thẳng vào phòng chăm sóc đặc biệt không cần qua thủ tục nào.

Trong khi đó, thằng bé bị bỏ quên ngoài thềm cùng cô gái điếm.

 

Người thân của những bệnh nhân nghèo kéo nhau tụ tập dưới chân cột cờ để nhận cơm, nhận cháo từ thiện của một sư bà mang tới.

Đang múc cơm cháo cho mọi người, sư bà bỗng nghe tiếng kêu rên của thằng bé từ phòng cấp cứu vọng ra. Bà ngừng tay lắng nghe… tiếng kêu rên càng lúc càng rõ hơn… Bằng tâm thức của một người tu hành, sư bà thấu hiểu tiếng kêu tuyệt vọng của một sinh linh. Bà vội trao công việc phát cơm cháo cho người khác rồi chạy tới.

 

Thằng bé đã kiệt sức, mắt nhắm nghiền… Cô gái điếm bất lực ngồi bên cạnh. Sư bà cúi sát xuống khuôn mặt trẻ thơ trắng bệt:

- Nam mô A Di Đà Phật!...

Thằng bé mở mắt nhìn bà sư, nước mắt nó ứa ra. Sư bà nhìn chiếc áo phụ nữ vấy máu, rồi liếc qua cô gái ốm yếu ăn mặc hở hang phong phanh… Bà hiểu ngay sự tình, liền quay lại chỗ phát cơm cháo từ thiện, nói với mọi người:

- Thưa quý vị! Trong kia có một đứa trẻ đang hấp hối vì không có tiền nhập viện. Tôi biết quý vị ở đây cũng không giàu có gì…

Sư bà chỉ nói được như vậy. Những người nghèo khó lại có trái tim nhạy cảm - họ hiểu ngay điều sư bà muốn nói và việc cần làm. Thế là chiếc vung nồi cháo từ thiện biến thành thùng công đức…

Vừa lúc đó gã xe ôm trở về, mặt mướt mồ hôi. Gã đã cầm được chiếc xe gắn máy là cần câu cơm của gia đình, phải năn nỉ mãi mới được triệu rưỡi, cộng với số tiền của gã, của cô gái và lòng hảo tâm của nhiều người nghèo, may quá được hơn hai triệu! - Đủ ứng tiền nhập viện cho thằng bé.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm, ngồi quây quần bên nhau ở góc sân chia nhau húp những bát cháo từ thiện.

Bỗng cô y tá xăm xăm đi tới nói với gã xe ôm:

- Thằng bé cần phải tiếp máu. Nhóm máu O…

- Trời! - Gã xe ôm thốt lên! Thẩn thờ đặt bát cháo đang húp dở xuống nền gạch…

Bầu không khí như chết lặng trước tình huống bất ngờ. Cô gái điếm bỗng lên tiếng:

- Máu O à!?... Tôi nhóm máu O!...

Nói xong, cô nhanh chóng theo y tá vào phòng hiến máu. Gã xe ôm cũng vội vã bước theo…

 

Nửa giờ sau gã xe ôm dìu cô gái điếm ra. Trên gương mặt nhợt nhạt của cô hé nở nụ cười.

 

 

Người sưu tầm HoaNT


Tháng 5 nhớ cha
Ngày đăng 07/05/2013 11:47:32

Tháng 5 nhớ cha

Cứ đến tháng 5 tôi lại bồi hồi nhớ đến những kỷ niệm đối với gia đình chúng tôi.  Đầu tiên là nhớ tới bố mẹ tôi - những người lính cụ Hồ năm xưa.

Từ lâu tôi vẫn cứ tự hào và thường khai trong các lý lịch ở cột tự khai thành phần  là “ Quân nhân cách mạng” vì nghĩ bố mẹ của mình toàn là sỹ quan quân đội. Sau này mới biết rằng làm gì có thành phần này mà đúng ra bố mẹ tôi phải là xuất thân từ gia đình tiểu tư sản hay tư sản gì đấy. Lúc còn nhỏ bố mẹ tôi thường phải đi công tác xa hay trực đêm nên tôi thường xuyên được thoải mái chơi đùa với bạn bè mà chẳng học hành gì và bố mẹ tôi cũng chẳng có thời gian kiểm tra. Cũng chính vì thế mà sau này các cụ khuyên tôi là không nên theo nghề y của các cụ nữa vì công việc vất vả và phải trực đêm nhiều quá không có thời gian chăm sóc con cái. Thế mà thế nào lúc tốt nghiệp về nước bố tôi lại hướng cho tôi vào Viện Vệ Sinh Dịch tễ Trung ương, nơi  mà tôi đã gắn bó gần 36 năm.

  Là bác sỹ nhưng chữ của bố tôi rất đẹp, hát hay, đá bóng, đánh bóng bàn  rất giỏi và  hay làm thơ. Mẹ tôi bảo xưa kia trong chiến khu bố tôi hay trang trí các tờ báo tường cho đơn vị, bố viết và vẽ rất giỏi và đấy cũng là một phần mà mẹ mê bố.  Chúng tôi vẫn để lại cái tủ  cũ của bố với đầy ắp các tác phẩm thơ bố tôi viết bằng tay, sau này con trai tôi có đánh vi tính cho ông mấy tập để làm kỷ niệm. Là những chiến sỹ Điện biên năm xưa nên hồi còn sống bố mẹ tôi vẫn giữ nguyên cái ca có lá cờ Quyết chiến quyết thắng, bi đông bằng nhôm, chiếc ba lô con cóc và mảnh vải dù màu xanh lá cây là những kỷ niệm chiến trường. Sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ những năm 1968-1975 bố tôi đi B và phục vụ ở chiến trường nên những bức thư bố tôi gửi về từ chiến trường như các ký sự chiến trường rất hay.  Hồi ở Kis lũ con gái CL77 cũng rất thích và háo hức  mỗi khi được tôi đọc thư của bố cho nghe. Trong các bước ngoặt của cuộc đời tôi nhiều khi có sự tư vấn của bố. Khi về nước bố tôi đích thân liên hệ và xin việc cho tôi. Chính bố tôi là người làm chủ hôn cho đám cưới của chúng tôi cách đây 26 năm trong bộ quân phục

và rồi cách đây 18 năm bố tôi cũng chọn đúng ngày 7/5/1995 ngày chiến thắng Điện Biên  để con gái của bố bảo vệ Phó tiến sỹ.

Nhân dịp này ông chú ruột  Quốc Cường của tôi cũng là chiến sỹ Điện Biên năm xưa , sau này là Trưởng đoàn Văn công Tây Bắc và  Đoàn ca múa Đắc Lắc , chú cũng có khả năng văn nghệ, đá bóng tốt và đặc biệt là đánh đàn ghi ta bằng 2 tay đã làm một bài thơ để tặng Bà Nghè  Thúy Hoa cô cháu gái đầu tiên của họ Nguyễn Hữu đã” Vinh quy bái tổ về ... nhà” . Hôm đấy lũ con gái CL77 và MìnhTL OB77  cũng đến dự và chia vui.

Sau này bố tôi cùng  mẹ trông nom dạy dỗ đứa con trai lớn của tôi suốt 5 năm đầu đời của cháu khi bố cháu nghiên cứu bên Ba Lan. Đối với các cháu nội ngoại bố mẹ tôi cũng hết lòng chăm sóc dạy dỗ. Thỉnh thoảng ông lại cho các cháu lên xe xích lô đi chơi vòng quanh bờ Hồ. Hôm nay tôi bất chợt nhặt được mẩu giấy nhỏ năm xưa bố tôi viết thư cho con trai tôi khi ông nằm điều trị ở bệnh viên. Bức thư đã làm tôi rưng rưng nhớ bố quá:’ Cháu Hùng mini của ông. Hùng ở nhà vẫn đi mẫu giáo đều đấy chứ. Có những ưu điểm gì, khuyết điểm gì? Thứ bảy có được cô giáo thưởng phiéu bé ngoan không? Nhắc mẹ khoảng 11h-11h15  thứ sáu này ngày 7/5/1992 thì đến đón ông về nhé . Người ta đang làm đường có thể là lầy lội khó vào vì vậy cứ đứng ở ngoài cửa viện nhé . Nếu trời mưa mang cho ông áo mưa. Nhớ phải đúng ngày, giờ đấy. Chủ nhật về ông với Hùng đi cắt tóc nhé. Ông hay Hùng cắt trước nhỉ.  Hôn Hùng 2 cái vào má và nhờ Hùng sang hôn Nga hộ ông 2 cái Và đây là bài thơ của ông tặng các cháu. Một lần  nữa tôi  muốn  post bài thơ này  lên mạng vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 10  ngày giỗ của bố tôi -  Đại tá,  Bác sỹ Quân Y, người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.

 

Ông với cháu

Ông tặng các cháu Hữu Hùng và Vân Nga

 

Thứ năm Hùng đến

Ông chưa nhìn thấy

Hùng đã đi ngay

Thế là bị tẽn

Chủ nhật ông chờ

Để dành bánh cho

Nhưng Hùng chẳng đến

Thế là bị nhỡ

Hôm nay thứ năm

Ông cứ đi nằm

Đã bảy giờ rưỡi

        Chờ Hùng đến thăm

         Ông ơi ông ơi

À nó đây rồi

Ông ra mở cửa

Đón nó vào chơi

Chiều Vân Nga đến

Hai đứa mừng rên

 

 

Xếp nhà buôn bán

Rồi đùa như điên

Rồi trêu trọc nhau

Hai đứa làu bàu

Giận nhau một lát

Chẳng lâu được đâu

Ông thấy vui vui

Ông thấy buồn cười

Ngây thơ các cháu

Đời chúng thật tươi

Ông đã già rồi

Thấy chúng vui chơi

Là ông thích thú

Hơn vợ con rồi

Điều đấy đúng thôi

Đấy là luật trời

Đây là tình cảm

Của ông cháu ơi

 

 

 

 

 


Lên lương
Ngày đăng 26/04/2013 16:20:25

 

Lên lương

Thế là cuối cùng tôi cũng có danh sách trong những người được lên lương trước thời hạn của năm 2012. Danh sách này đang được đưa lên mạng của Viện VSDTTƯ để trưng cầu ý dân cho đến ngày 25/4. Sáng thứ hai sau mấy ngày nghỉ nhân dịp giỗ tổ Hùng vương đến cơ quan được mọi người chúc mừng nhưng chắc cũng phải chờ cho hết ngày 25/4 khi không có ai thắc mắc thì danh sách mới chính thức được Viện trưởng ký rồi mới đưa lên Bộ Y tế .

Thực ra thì việc lên lương cũng bình thường cứ đến hẹn lại lên ba năm một lần. Từ trước đến nay tôi ít khi để ý đến chuyện lương, không bao giờ nhớ được chính xác lương mình là bao nhiêu và hệ số lương như thế nào, cứ hàng tháng lương được chuyển vào tài khoản. Trước đây khi mới về viện thì nhưng loại lính mới tò te như chúng mình thường xuyên phải nhường lên lương cho các anh chị năm trước do có nhiều công hiến hơn. Đến những năm sau này khi làm cán bộ quản lý và công đoàn thì không bao giờ mình nhận các danh hiệu khen thưởng như : chiến sỹ thi đua, bằng khen hay các hình thức khen thưởng gì hết vì là thành viên  trong hội đồng xét lương của Viện nên hầu như đề xuất cho anh chị em đồng nghiệp là chính. Là chủ tịch công đoàn của Viện 30 năm liên tục mình luôn nghĩ đến các anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, lương thấp. Chẳng thế mà nhưng đợt đi công tác biên giới năm 79 hay các đợt đi chống dịch vất vả nhưng hầu như mình đều đề xuất ACE đồng nghiệp. Nhớ đợt chống dịch SARS rồi sau đó là cúm H5N1 cách đây 10 năm lúc đó bố mình còn đang bị ốm nặng phải nằm viện nhiều lần, sau đó mất thì mình vẫn phải có mặt ở hầu hết các trọng điểm của dịch: Bệnh viện Việt Pháp, Bạch Mai, Lâm sàng Y học các bệnh nhiệt đới... rồi các tỉnh biên giới cửa khẩu phía Bắc  thế nhưng đến lúc tổng kết khen thưởng thì không có tên của mình.  Trong khi các lãnh đạo của  các Viện, Bộ và nhiều người khác được nhận các phần thưởng cao quý : Anh hùng, Huân chương lao động các hạng rồi bằng khen chính phủ...do nguyên nhân nhiều người được quá nên bọn mình bị gạch tên. Để an ủi có người đề xuất để chúng tôi  nhận Giấy khen do Viện trưởng ký, nhưng chúng mình xin từ chối vì cũng chẳng giải quyết được gì. Hôm vừa rồi nghe nói kỷ niệm 10 năm Việt Nam phòng chống thành công bệnh SARS thì chúng tôi cũng chẳng được tham dự.Thế rồi trong các đợt xét lên lương trước thời hạn hàng năm có 5% thì hầu như tôi cũng ít màng tới. Từ 2010 trở lại đây khi tôi thôi quản lý thì tôi luôn được anh em bầu là CSTĐ vì có đủ tiêu chí  cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học như; có bài báo hàng năm đăng trong và ngoài nước hay chủ trì đề tài...

Năm 2010 tôi lần đầu tiên được lên lương trước thời hạn sau khi đi thi Nghiên cứu viên cao cấp ( Đợt thi vét cuối cùng trong toàn quốc trong đó có một số người KGU  ta dự thi và cũng được Bộ Nội Vụ bổ nhiệm là NCVCC như : anh Khoa, Nghị, Hàm và ngồi Hội đồng chấm đề cương Khoa học của tôi là  các anh Cảnh và Trương Nam Hải ) Do đó tính ra thì tôi mới chỉ được chuyển ngang sang với số lương tăng khoảng 0,2 hệ số tương đương với khoảng 50 ngàn VNĐ. Sau lần này thì tôi cũng hơi được “mở mang “ kiến thức về cách tính lương, ngạch lương của nhà nước mình, tức là rất phức tạp rất nhiều mã số và hệ số lẻ loi như 6,54 rồi 6,92... nghĩa là không phải như là các nguyên số tự nhiên 1.2.3... Đến cuối năm ngoái 2012 khoa của tôi lại đề xuất để tôi được lên lương trước thời hạn với các tiêu chí của Viện  và với lý do nữa là tôi sắp sửa về hưu hết cơ hội tăng lương thì tôi được BGĐ mời tôi lên gặp và giải thích là: Rất tiếc khi xét đến trường hợp của tôi, mặc dù biết là có rất nhiều công hiến cho Viện nhưng chưa đủ thành tích và theo quy định riêng của viện là không cho ai lên lương trước thời hạn 2 lần liên tiếp và nếu xét cho tôi lại có nhiều trường hợp tương tự phải giải quyết. rồi chỉ  tiêu có 5% được xét thôi...Tôi có góp ý là nên bỏ quy định đấy và nên tự cởi trói cho mình đừng nên ra nhưng quy định khác người như vậy, càng nhiều người được lên lương thì càng tốt, có ảnh hưởng tới ai đâu, mà ban lãnh đạo có quyền làm chủ cơ mà vả lại lên lương không giải quyết được gì  về mặt kinh tế vì không đáng kể nhưng sẽ động viên được mọi người và nhất là với những người sắp về hưu. Sau đó tôi có xin gặp Viện trưởng để đề đạt ý kiến nhưng VT bận và nhân tiện có đại hội Công đoàn viện trong phần thảo luân tôi xin phép đại hội 5 phút để cùng tâm sự với tư cách là một đoàn viên công đoàn lần đầu tiên được ngồi dưới sau nhiều năm ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Tôi chỉ đề cập tới mấy vấn đề: làm lãnh đạo nên nghĩ đến quyền lợi anh em, sống nên có tình người, phải biết trước biết sau và nên tạo điều kiện cho anh em trẻ có quyền tham gia và chủ trì  vào các đề tài khoa học không nhất thiết phải là lãnh đạo. Phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học vất vả và thiệt thòi nhiều khi về hưu sau nam giới 5 năm lương sẽ thấp hơn hẳn 2 bậc mà nữ lại thường sống lâu hơn nam giới...  Ý kiến của tôi được toàn thể đại hội vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng nghe đâu là không làm vui lòng ban lãnh đạo lắm.  Gần 19h tối hôm đó tôi được Viện trưởng mời lên nói chuyện nhưng tôi xin phép được giải thích vào 10 ngày hôm sau vì lúc đó đã muộn tôi đã về nhà rồi và hôm sau tôi phải đi công tác. Tôi cũng hơi ân hận về ý kiến của tôi, biết thế không nói cho xong vì cuối cùng họ cũng không thay đổi mà mình lại mang tiếng, nhưng đã chót nói rồi cũng không rút lại lời nói được. Thế rồi suýt nữa tôi lại bị lãng quên trong đợt đi dự Hội thảo tại Tokyo đầu năm nay, nhưng sau đó ban lãnh đạo thương tình lại cho đi và tôi quyết định lên núi Phú sỹ cầu may đầu năm. 

Theo quy đinh mới  từ năm 2012 thì tỷ lệ lên lương trước thời hạn được thay đổi lên 10%. Thế là tôi lại được đứng  đầu trong đợt 2 của  đợt lên lương trước thời hạn năm 2012 cùng với 8 người nữa. Hôm qua thấy các cháu thì thào nói chuyện với nhau là chắc là tại cô Hoa phát biểu nên đợt này trong danh sách toàn dân thường không có lãnh đạo. Có cháu khác nói luôn: mọi người chẳng để ý gì cả,  lấy đâu ra ban lãnh đạo nữa vì tất cả ban lãnh đạo đã có trong danh sách đợt 1 rồi còn gì nữa, chẳng lẽ 1 năm lên 2 lần lương trước thời hạn à ? Thế rồi cả lũ cười vang. Đến hôm nay hết hạn niêm yết danh sách trưng cầu ý dân về tăng lương, chắc không có  ai thắc mắc gì với bà già lẩm cẩm như tôi, rồi  họ cũng ký để sang năm về hưu cho nhẹ nợ.  Hôm này nếu được lên lương tôi sẽ mời các đồng nghiệp ăn liên hoan nhẹ ở quán cơm bình dân gần viện cho vui.  


 


Làm bánh mỳ tại nhà
Ngày đăng 30/09/2012 15:04:12

            &nb sp;                      Bánh mỳ ra lò tại gia

Hồi năm ngoái em Hạnh LT có giới thiệu với mấy chị MK thiết bị làm bánh mỳ tại nhà đã được các chị CL77 như ThanhLK, Bình K, Bình T rồi chị Chi CL74 … hưởng ứng nhiệt liệt mua liền và đã được em Hạnh liên hệ mua thiết bị rồi mang các loại nguyên vật liệu như bột mỳ, bột nở  thậm chí cả cân tiểu ly  nữa để thao tác ngay tại nhà ThanhLK. Riêng mình thì dửng dưng không quan tâm vì nghĩ là mua làm gì cho bận vào thân mặc dù nhà mình sáng nào mọi người cũng ăn sáng bằng bánh mỳ nhưng toàn mua sẵn cho tiện. Sau nhiều lần được ăn tại nhà của các bạn thấy ngon quá và lại được Thanh LK thuyết phục là làm rất đơn giản ngay đến  Hoàng Lương nhà Thanh hay là Đình Minh nhà Bình K cũng làm được thì mình quyết định mua và được 3 người đàn ông nhà mình hưởng ứng nhiệt liệt vì cả nhà mình có đầu óc ăn uống bao la, rất hào hứng trong lĩnh vực ẩm thực. Nhà mình cứ theo số điện thoại và công thức làm bánh mỳ nhà Thanh LK để làm sau đó thì  rút kinh nghiệm dần để làm theo sở thích của nhà mình là thêm nhiều sữa, bơ hơn. Tất nhiên là cũng phải có vài mẻ đầu không theo ý muốn ví dụ như là nở ít hay nhạt quá, khô quá…

 Nhà mình là phân công theo sở trường của từng người: mình thì đi chợ cung cấp các nguyên vật liệu và chế biến thức ăn còn anh Vĩnh sẽ đảm nhiệm việc nấu cơm vì vậy cái khoản nấu cơm là mình hơi kém chắc là 2 Bình đã nếm cơm mỗi khi mình đặt ở nhà chị Thảo ĐP hồi ở Paris rồi lúc khô quá lúc lại nhão quá và mới đây lại có hôm bị sống nữa  làm cả nhà tròn mắt ngạc nhiên vì sao lại xảy ra chuyện hy hữu như thế khi mà thời buổi nay mà lại có người đoảng vị nấu cơm sống cũng may là khắc phục được dễ dàng. Như vậy phần tinh bột nhà mình sẽ phân công cho anh Vĩnh đảm nhiệm và lần này là thêm việc làm bánh mỳ. Mỗi lần làm thì mình chỉ việc đong bột,  bột nở, nước.,   bơ, sữa, đường… vào máy còn vận hành ra sao là anh Vĩnh. Cứ gần đến giờ bánh ra lò là cả nhà được thưởng thức mùi bánh mỳ thơm phức tỏa ra làm ai cũng thèm và tất nhiên là ai cũng phải nếm thử vài lát bánh mỳ nóng hổi thơm giòn vào lúc nửa đêm ( vì nhà mình làm bánh buổi tối để sáng ra cho mọi người ắn sáng). Như vậy là chương trình giảm cân đối với mình thời kỳ này sẽ bị thất bại, nhưng chắc mấy hôm nữa ăn mãi cũng sẽ chán không ăn đêm nữa.

Mình đã mang sản phẩm bánh mỳ nhà mình đến cơ quan cho mọi người thưởng thức ai cũng thích và hỏi địa chỉ mua. Mới khoảng 1 tuần mà đã có đến 7 người mua rồi và ai cũng gọi điện nói là người nhà của chị Hạnh LT  là Luật sư học ở Kisinhop để được giảm giá.  Suốt mấy hôm nay nhà mình luôn được nghe điện thoại vào buổi trưa và buổi đêm  để hỏi đáp về việc làm bánh mỳ, nào thì  hẹn giờ ra làm sao, làm thế nào cho bánh nở hơn rồi mềm hơn… Tất nhiên là đến đoạn này là mình lại phải chuyển máy cho “chuyên gia” Vĩnh nhà mình vì hôm mang máy đến thì mình ngồi ngoài để trông xe và mấy máy nữa mang đến cho người khác để cậu bé ở hãng phổ biến cách vận hành cho anh Vĩnh nên mình mù tịt khoản vận hành và cũng không cần biết dù có đơn giản vì đã có người khác làm hộ rồi. Trưa nay cũng có một anh gọi điện hởi là bây giờ làm thế nào để đặt thời gian dài hơn khi mà máy đang quay tít trộn bột thế là mình lại phải chuyển máy cho anh Vĩnh đang ngủ để hướng dẫn khoảng nửa tiếng bằng điện thoại.  Từ khi có máy làm bánh mỳ không khí trong gia đình vui và đầm ấm náo nhiệt hẳn lên mọi người ạ, ai cũng hào hứng tham gia, góp ý và có nhiều sáng  kiến hay để cho bánh ngon hơn mỗi ngày và vui nhất là lúc bánh ra lò ai cũng hồi hộp, háo hức thưởng thức sản phẩm từ chính mình làm ra. Chẳng bù cho lúc  nấu cơm thì chỉ mỗi mình thui thủi làm một mình mời mãi mọi người mới ra ăn.

 Theo góp ý của mọi người mình sẽ copy công thức làm bánh mỳ đơn giản của Thanh LK để mọi người cùng thực hiện nhé.

 

CÔNG THỨC LÀM BÁNH MỲ GỐI

Loại nhỏ 750 g (1) ; French (2)
____________

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu.

 Đổ nguyên liệu vào khuôn sạch theo thứ tự:

1.    Nước , 1 cốc nhựa đầy;

2.    Sữa bột (VD Cô gái Hà Lan), 2 – 4 gạt thìa nhựa, đầu to;

3.    Muối 1 gạt thìa đầu nhỏ;

4.    Đường 1 thìa đầy, đầu to

5.    Dầu ăn 1 thìa đầu to  & bơ (một miếng nhỏ)

6.    Bột mỳ, 3 cốc nhựa đầy;

7.    Bột nở, một gạt vơi thìa nhựa đầu nhỏ.

Bước 2:  Set up nồi nướng

         Chọn “Menue”   VD “basic” chọn số 1, vỏ bánh sẽ trắng;

            &nb sp;                         &nb sp;    “French” chọn số 2, vỏ bánh vàng hơn.

         Bấm “Loaf size”, hiển thị số 1 là bánh loại nhỏ 750g;

         Bấm “color”, nếu muốn chỉnh màu (không bấm để có màu tự nhiên);

         Đặt giờ “time” theo mong muốn. VD dự kiến ăn sáng vào 7am, tối 10 pm bắt
           đầu set up thì chọn giờ là 9:00.

         Cuối cùng, bấm “Start”.              &nb sp;      

Khi bánh chin sẽ nghe thấy tiếng “bip” báo hiệu. Có thể lấy bánh ra ngay, nếu muốn vỏ bánh  dày và cứng hơn thì để lâu hơn.

Trường hợp muốn đặt lại thì bấm stop, giữ 3 giây. Sau khi nghe tiếng “bip” thì set up lại theo mong muốn.

            &nb sp;                         &nb sp;                         &nb sp;                          Hà nội, ngày 24/3/2012

 

·          Đa chỉ mua bột mì và bột nở:  21 – 23 B/ Đào Duy Từ (gần Ô Quan Chưởng)

 

Nếu nhà ai thích ăn bánh mỳ thì mua và làm đi rất đơn giản và bánh lại ngon đảm bảo chất lương và an toàn thực phẩm nữa. Địa chỉ mua máy làm bánh mỳ Tiross của Ba Lan tại Hà Nội : 0912876742;  0437830793 hay 0437830794  

 


Sơ tán
Ngày đăng 15/09/2012 20:48:14

Nhân đọc bài Sơ tán của cô bạn tôi và Ánh Tuyết  OB77 là Kim Thu ở Colone gửi về và xem lại các hình ảnh thời sơ tán của Vnexpress mà Ngọc BQ gửi mọi người KGU đường link tôi xin post bài Sơ tán của Kim Thu. Phần 1 là nơi mà Kim Thu và tôi cùng sơ tán ở Hồng Châu Thường Tín mà hôm vừa rồi tôi có dịp về thăm sau gần  50 năm.

 Thât là bât ngờ là tôi được gặp lại cô giáo Hạnh ( người đứng cạnh tôi bên trái) là cô giáo dạy Địa lý của tôi và Kim Thu ở trường cấp 2 Hồng Châu và cô bạn Cánh ( đứng cạnh tôi bên phải) cùng học với tôi và Kim Thu nguyên  là hiệu truưởng của trường câp 2 Hồng Châu mới nghỉ hưu.

Sau đây là bài Sơ tán của Kim Thu tôi xin gửi tới để các bạn cùng đọc và nhớ lại những ngày sơ tán

            &nb sp;                SƠ TÁN  

              


            &nb sp;   Phần 1. QUÊ NGOẠI, THƯỜNG TÍN , HÀ TÂY. 

            Th& aacute;ng Chín năm 1964, bà nội và chị em tôi sơ tán về quê mẹ ở Thường tín, Hà tây cũ. Bố tôi muốn cho các con kịp nhập niên học mới. Thật ra, bố tôi là người chấp hành quá nghiêm chỉnh, chứ nhiều gia đình khác, mãi đến cuối năm 1965 mới cho con rời khỏi Hà nội. 
           Đầu tiên bà cháu tôi ở nhà bà Tô, chúng tôi gọi bà là bà trẻ. Một nếp nhà tranh, vách đất , ba gian, nhưng gọn gàng, xinh xắn. Trước mảnh sân gạch là cái bể nước. Một hình ảnh không bao giờ tôi quên, đó là giàn mướp hương của bà. Nó thấp lắm, là xuống mặt bể, chúng tôi với được, quả sai lúc lỉu, rất thơm, đúng là mướp hương. 
Hồng Vân quê mẹ tôi, là một làng nhỏ, nằm phía ngoài sông Hồng. Làng gồm hai thôn ,Vân la thượng và Vân la thị. Một cái chợ quê họp dưới Vân la thị nơi chúng tôi ở. Những ngày đúng phiên,rất đông vui, nhộn nhịp, với đủ các món quà quê. 
Nhà bà trẻ tôi nghèo. Trong nhà, ở chính giữa là bàn thờ, có hai cái giường to, thì một đã nhường cho bà cháu tôi rồi. Bà trẻ tôi ở đây với dì Hạ, con gái út của bà. Mẹ tôi vẫn kể, ngày trước dì Hạ và cậu Phi là hai người chăm bẵm , bế ẵm tôi nhiều nhất. Tôi vẫn ơn dì. 
         Làng tôi, phần lớn, nhà cửa tềnh toàng, đơn giản. Chả cổng ngõ gì. Nếu có ổ khóa, cũng chẳng biết lắp vào đâu. Quê tôi hồi ấy, chẳng được mấy nhà kín cổng cao tường. Thế mà rất nghiêm, tịnh không có trộm cắp. 

Từ ngoài Bằng, Vồi ( huyện lỵ trước) vào đến Hồng Vân, có đến bảy cây số chứ không ít. Cứ theo đường 71, qua làng Vân Tảo, đến Dốc Hiệu, thấy một con đê to cao lừng lững chắn ngang tầm mắt, là tới làng tôi. Tôi nhớ hôm đầu mới đặt chân đến đây, chị em tôi reo lên: A, mình sẽ lên núi nhé. Bố tôi vội giải thích: Không phải là núi, nó là con đê. 
Năm ấy, tôi vào lớp 4, còn Vân mới lớp 2. Chị Quỳnh Nga tôi đã là nữ sinh lớp 7. Hồng Vân làng tôi không có trường cấp II, chị phải sang học ở làng Hồng Châu bên cạnh. 
Trường cấp I Hồng Vân nằm trên Vân la thượng. Có độc một lớp 4 do thày Hồng chủ nhiệm, nên cũng chẳng cần phải phải đặt tên cho nó là 4a, hay 4b gì nữa. Học chung với tôi năm đó có Hoàng Văn Thái, Hoàng Thị Thanh Vân. Sau này về cấp III Việt Đức, Hà nội, chúng tôi lại cùng học trong khối 10 của trường. 
Những ngày đầu sơ tán, sinh hoạt của chị em tôi đảo lộn hết, nhưng riêng tôi nhanh chóng hội nhập được với cảnh sống nơi thôn dã. 
          Nhà bà trẻ tôi mỗi khi xay sát và giã gạo thường phải sang nhờ bên bà Cời, bên ấy rộng rãi và có đủ cả. Ở dưới quê, tôi thấy bà con sống rất cởi mở, dễ dãi, ít soi mói để ý nhau như trên Hà nội. Và cái mà tôi trân trọng nhất , ấy là tính thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi khi đi xay sát, giã gạo, tôi thường được đi theo dì Hạ. Tôi đứng trước, dì đứng sau. Tay phải bám vào một sợi dây thừng cho chắc, cứ theo nhịp chày nhún xuống. Khi nào dì bảo: Dừng đã nhé, để dì xem gạo được chưa. Dì vốc một nắm lên tay, rồi chao sang tay kia, miệng thổi cám. Dì bảo hai chục nhịp nữa chắc gạo được cháu ạ. Gạo trắng muốt, hạt đều tăm tắp, chắc ngon cơm lắm. Nhưng tôi thấy nhà dì chẳng mấy khi ăn cơm, hình như gạo chỉ để vào dịp dỗ chạp, hoặc có khách, còn phải bán lấy tiền tiêu vào việc khác. Bà trẻ và dì tôi ăn khoai là chính. Đấy là món khoai nước ( có nơi gọi là khoai chè). Khoai nước gọt sạch vỏ, đổ ngập nước, nấu kỹ, khoai mềm, chắt nước, rồi để than vần, như vần cơm. Đến lúc chín, đánh khoai ra cho nhuyễn, ăn thơm ngon lắm. Chúng tôi rất thích đổi cơm trắng cho bà và dì. Chúng tôi ăn khoai ấy với đường kính, lạ miệng nên rất ngon. 
        Tôi cũng theo bọn trẻ trong xóm đi chăn trâu. "Ai bảo chăn trâu là khổ". 
 
Đúng là như vậy! Chúng tôi có một lãnh địa riêng, đấy là nghĩa trang của làng. Ở đây chúng tôi tha hồ làm vương làm tướng. Đám trẻ bên Vân Tảo có nhỡ độ đường mà lạc vào, chẳng có cơ hội thả trâu trên vương quốc của chúng tôi.Thả trâu vào một chỗ xong, tôi theo bọn cái Điệp, cái Khế và thằng Kha chạy khắp cánh đồng. Lúc đã gặt hái xong, cánh đồng khô ráo, đây đó còn sót lại rơm rạ chưa gom, một màu vàng buồn phơi dưới nắng chiều. Cái cảm giác dịu dàng, da diết ấy, sao tôi nhớ nó thế. Cái thằng Kha nó nhỏ người mà lanh gớm, loáng một cái, nó lôi về bao nhiêu tàu lá chuối to và rộng, trải lên thềm gạch cửa vào nghĩa trang, chúng tôi ngồi khoanh chân bằng tròn, bắt đầu sát phạt nhau với bộ tam cúc. Bộ tam cúc, trước khi ra khỏi Hà nội anh Kỳ tôi mua cho, bây giờ thấy nó giá trị vô cùng. 
Nếu là những ngày mùa đông thì thú vị hơn nhiều. Bọn tôi kiếm rơm, kiếm củi về đốt lửa. Rồi đi đào củ giong riềng về nướng, ăn gau gáu với nhau. Nhìn lên, mặt đứa nào cũng đen nhẻm, dính đầy than bụi. Hoa giong riềng có màu đỏ rất đặc biệt. Nó giống một ngọn lửa, đỏ rực và mãnh liệt, đầy sức sống. 
      Mỗi sáng chủ nhật, nếu chỉ có mình mẹ về thăm bà cháu tôi, thì mẹ sẽ đi xe bus xuống Bằng,Vồi, rồi đi bộ từ đó vào Hồng Vân, trên con đường 71, với bảy cây số toàn những ổ gà. Đấy là những buổi sáng canh cánh mong đợi của chị em tôi. Ăn sáng xong, chúng tôi dắt nhau ra cửa, mắt dõi đăm đắm về hướng đền Trắng. Cho tới khi bóng dáng mẹ xuất hiện. Mái tóc của mẹ nhấp nhô theo nhịp đi, cái dáng thanh, cao cao của mẹ đã rõ dần lên, mẹ đây rồi. Mẹ về! Mẹ! Chúng tôi reo lên, cậu Châu lon ton chạy lên trước, mẹ vứt đống đồ mang theo, đón cậu vào lòng. Tôi biết mẹ đang khóc, nước mắt chảy vào trong con tim mẹ. Con trai bé nhỏ của mẹ chưa được 4 tuổi, trời ơi là thương, là nhớ nó! Mẹ phải xa nó, mẹ buồn ngơ ngác đến cả tháng trời. 
Mẹ mang bao nhiều quà, đồ ăn cho bà cháu tôi và cả quà cho bà con trong xóm nữa. Mẹ vác nặng được như vậy? Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy phục mẹ thật sự. 
     Rồi những chiều chủ nhật, lúc bố mẹ phải rời sơ tán trở về Hà nội, là lúc buồn đến thê thảm cho chị em tôi. Cái cảm giác nặng nề khó tả ấy, bóp nghẹt lấy tim. Tôi dắt cậu Châu đi chơi chỗ khác, để tránh cuộc chia tay. Cả nhà sợ cậu níu lấy mẹ, rồi lăn ra khóc, đòi mẹ thì sao. Hai chị em tôi lên con đê trước nhà, đường rộng thênh thang, phơi phới mà trong tôi nặng trĩu một nỗi buồn.Tôi muốn ở lại bên bố mẹ tôi trước lúc cả hai về Hà nội, nhưng đâu được. Tôi phải dỗ nó, thằng em bé bỏng, bằng những câu chuyện cổ tích trong rừng, do tôi phịa ra. Một tuần có bảy ngày, có đến thánh sư của kho chuyện cổ cũng không thể nghĩ ra bảy câu chuyện khác nhau mà kể. Em tôi luôn phát hiện ra câu chuyện chị đã kể rồi. Tôi nghĩ mà thương các em tôi, cả cô Yến, cậu Châu còn quá nhỏ. Bằng tuổi này, trẻ con ở những nước phồn vinh, chúng sống vui tươi trong thái bình với cha mẹ. Được bao nhiêu cưng chiều, ôm ấp yêu thương. Xung quanh chúng là cả một thế giới vật chất với cơ man nào là sách, truyện và đồ chơi. Còn chúng tôi, các em tôi, không cha mẹ nơi đây, trường lớp nghèo nàn tồi tệ, thiếu thốn trăm đường, chưa kể đến bom rơi đạn lạc đe dọa hàng ngày hàng giờ... 
      Bà và chị em tôi chỉ ở với nhà dì Hạ hơn nửa năm, rồi chuyển sang nhà cô Thử, ở đây đã rộng rãi hơn chút xíu. Gia đình cô Thử chỉ có hai mẹ con, chồng cô vẫn đang ở mặt trận, con trai cô là Tường, nhỏ tuổi bằng cậu Châu em tôi. Cô Thử đúng là một mẫu phụ nữ nông thôn ngày ấy, hiền thục, tần tảo, yêu thương con hết mực, nhất nhất phục tùng gia đình bên chồng. 
     Trên Vân la thượng, phía Cẩm cơ, đi lên nữa đến Xâm xuyên, Xâm thị, là khu vực phà, cảng. Mục tiêu bắn phá của không lực Hoa kỳ. Chúng muốn đưa Bắc kỳ trở lại thời đồ đồng, đồ đá. 
Đến cuối hè 1965, bố tôi lại lo để bà nội và chị em tôi chuyển sang làng Hồng Châu bên cạnh, tránh xa hơn nữa địa phận cảng và bến phà. 
    Hồng Châu, hay còn có tên Tự Nhiên, cách Hồng Vân chỉ một thôi đường. Con đường cát trắng với hai hàng phi lao cao vút, xanh rì, rất đẹp. Nhắm mắt lại, tôi tưởng tượng ra ngay con đường ấy, quen thuộc từ độ nào, ngay cạnh tôi và vẫn tiếng phi lao reo trong gió vi vu. 
Hồng Châu là vùng đất bãi, được thiên nhiên ưu đãi, hoa màu tươi tốt quanh năm. Suốt hai bên đường vào làng, bạt ngàn những cánh đồng mía. Ven sông xanh mướt những vạt ngô non, những cánh đồng lúa đang thì con gái, nõn nà. 
Bức tranh của làng quê trù phú và đọng trong tôi biết bao kỷ niệm buồn, vui. 
Hồng Châu có bảy xóm. Xóm bảy lại chia thành xóm Bảy 1, xóm Bảy 2 và xóm Bảy 3, nằm ngoài bãi, sát với sông Hồng. 
Thoạt đầu, bà cháu tôi về ở nhà bác Ấm, trên xóm Hai. Một căn nhà gạch khang trang, cao ráo, ở đây rộng rãi hơn hẳn. Bác trai chủ nhà ,là chủ tịch huyện Thường tín lúc ấy. 
Nhà bác chủ, có cái Thục xấp xỉ tuổi tôi. Bước xuống sân dưới là nhà bác Mậu, em trai kế của bác Ấm bên này. Tôi học với cái Phương, con gái đầu lòng của bác Mậu. 
Bà nội và hai em nhỏ của tôi ngủ ở gian trong. Mấy chị em tôi lớn hơn được một cái phản ở gian nhà ngoài. Trên cái phản ấy là toàn bộ sự nghiệp của chị em tôi. Ăn cơm trên phản, đọc chuyện, xem sách trên phản. Những lúc đợi cơm chín, bò lăn bò toài ra phản đánh tiến lên, đánh tú lơ khơ. Tối đến, cũng trên phản ấy, chụm nhau lại dưới ngọn đèn dầu ma-dút làm bài. Xong được bài tập, thì ôi thôi, mắt mũi đen xì như người nạo ống khói, vì muội đèn. Cũng trên cái phản này, tôi và Vân còng lưng dán túi cà phê xuất khẩu. Hàng do mẹ nhận về, của Công ty ăn uống Hà nội. Bố tôi phản đối việc này, sợ các cô con gái nhỏ của mình sẽ hỏng cột sống, mà nhà nào có thiếu thốn. Nhưng mẹ thì ủng hộ, vì biết chúng tôi thích làm. Mẹ nói, làm một chút sẽ đỡ buồn, đỡ nhớ nhà, đỡ nhớ bố mẹ và nữa là sẽ biết quý, biết trân trọng đồng tiền. Thế là vào dịp khai giảng, hai chị em tôi đã rủng rỉnh tiền sắm sửa giấy bút. 
      Nhiều đêm hè, nằm trên phản chưa ngủ được, chị em tôi lại kể chuyện Hà nội, nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ phố nhỏ Ấu Triệu, nhớ bạn bè lại ùa về. Phố tôi nhỏ lắm, nhưng tên trên biển vẫn là Phố Ấu-Triệu, chứ không phải Ngõ, như bên Ngõ Huyện hay Ngõ Thọ-Xương. Ấu-Triệu thông từ đường Phủ Doãn ra đến đường Lý Quốc Sư. Bên tay phải là Nhà Thờ Lớn. Tôi nhớ những tối mùa hè, ve kêu ra rả, cây cối đứng im phăng phắc, nhưng sân Nhà Thờ Lớn lúc nào cũng mát và thơm hương hoa sữa, lúc tiết thu về. Bọn trẻ con phố tôi rủ nhau ra hết ra sân Nhà Thờ.  Ở đây có đủ các trò chơi. Trốn tìm, trốn ống bơ, sô-vê, cướp cờ, chơi ù, sờ mó chó thiu, rồng rắn lên mây... Hà nội ơi, bao giờ sẽ được trở về nơi thân yêu ấy, Hà nội! Thao thức suốt trong tâm can những đứa trẻ chịu chung số phận đất nước có chiến tranh. 
Những năm trước khi đi sơ tán, lúc Hà nội còn thật thanh bình, tối đến, nhà tôi thường có tiết mục đọc truyện. Bố bao giờ cũng là người khởi đầu. Giọng bố tôi ấm và truyền cảm, nhất là ở những câu nghi vấn, phải lên giọng. Chị em tôi cứ há hốc mồm ra nghe. "Những Người Khốn Khổ" với Giăng Van giăng và Phăng-tin. Hình dáng Phăng-tin bao đêm đông bươn trải trên những đại lộ lớn ở Paris, trong cái lạnh cắt da, để kiếm vài đồng nuôi Cô-dét... 
"Không Gia Đình" có cụ Vitalis với con khỉ Giôlicơ và đàn chó Đônxơ, Giecbinô và Capi. Chú bé Rêmi khi tìm lại được mẹ trên thuyền Thiên nga... "Đống lửa Trong Rừng" với Chim Khách, Pantớtchia và Ơmatchi. Rồi "Timur và đồng đội"... Cả cuốn "Đất Rừng Phương Nam" nữa... 
Tối nay bố đọc xong một phần. Gấp sách lại bố nói: Mai đến lượt Vân nhé và mốt sẽ đến lượt Thu. 
Trước cửa nhà tôi, nhà ông Bảo là hợp tác xã đóng sách. Bố tôi đã thuê bọc bìa các cuốn truyện ấy, ở gáy của nó là tên truyện với một hằng chữ màu vàng nhũ. 
        Tôi học lớp 5C trường cấp II Hồng Châu. Chị Nga tôi đã vào cấp III Trưng Vương, nội trú bên xóm Bảy. Tôi bỗng trở thành con chim đầu đàn trong nhà và là chỗ dựa chính của bà nội. Bao nhiêu công việc nhà, giờ đây tôi phải cáng đáng. Trong làng lúc ấy có nhiều học trò Hà nội sơ tán. Trên xóm Hai có bọn chị Chỉnh, chị Thu Nga, chị Hạnh của công ty ăn uống trung ương. Dưới xóm Sáu có Vân Nga, Thúy Hoa, Bồng Lai và thằng Chiến béo, của Quân y 108. Thúy Hoa và Bồng Lai sau này đều trở thành cựu sinh viên Kishiniop. Còn Vân Nga, tôi gặp lại bạn ở trại trẻ T45 vào mùa hè 1968. 
Lớp 5C của bọn tôi do thầy Thắng người Hà nội chủ nhiệm. Mới đây, tôi và Thúy Hoa còn nhắc đến thầy. Tôi nhớ thầy lắm, cao lớn, đẹp trai và rất hài hước. Chính thầy đề nghị để tôi làm Liên đội trưởng của trường. Lúc duyệt đội, đeo phù hiệu ba gạch đỏ thắm, tôi thấy mình đĩnh đạc, người lớn hẳn. 
Ở quê tôi vụ lúa mùa là chính vì thế nghỉ mùa chính ở vụ này. 
Vui lắm! Người lớn vui vì có thóc mới, gạo ngon, rủng rỉnh trong bồ. Trẻ con vui vì được nghỉ học, đó là dịp NGHỈ MÙA. 

Tôi xin bà cho tôi và Vân ra Hà nội chơi trong mấy ngày nghỉ mùa ấy. Chúng tôi nhớ bố mẹ, nhớ nhà , nhớ Hà nội quá. 
- Bà, cho cháu với Vân ra Hà nội, được nghỉ một tuần bà ạ! 
- Ra Hà nội? Ra thế nào được. Tàu xe chả có, ai đưa đi, mà máy bay bom đạn thế này. Ở nhà với bà, mai bà quấy bánh đúc gạo nhân hành mỡ, ngon lắm! 
- Bà ơi không có bom đạn đâu, chúng cháu chả ăn bánh đúc, cho chúng cháu ra Hà nội đi! 
Tôi và Vân năn nỉ bà mãi, chả ăn thua gì. 
Hai chị em tôi dỗi cơm, bỏ luôn bữa trưa. Chúng tôi mỗi đứa một chỗ, mặt buồn thiu, đứng im không nhúc nhích, giống như những pho tượng nhỏ. 
Đến độ quá trưa, nắng đã xiên vào đến đầu hiên. Mọi khi giờ này chị em tôi đã lên phản, mỗi đứa vớ một quyển truyện, rồi mệt quá lăn ra ngủ lúc nào không hay. 
Bà nội từ gian trong bước ra, gương mặt đầy hốt hoảng, thì ra chúng nó vẫn đứng, không hề cựa quậy. Bà nội tôi thương các cháu quá, đành "xuống thang": 
- Ừ, rồi bà cho ra Hà nội, mai rồi đi. Bây giờ ăn cơm đã nhé, sắp chiều rồi, đói lả đi còn gì. 
Bà dọn cơm cho chị em tôi. Món trám tím hấp thịt ba chỉ băm nhỏ của bà nội là món ngon của chị em tôi. Sau này, tôi vẫn cứ nhớ nó, nhớ cái vị ngọt và hơi chát của trám, nhớ cả cái bát cao chân bà nội vẫn dùng nó, chỉ để hấp trám. 
Chúng tôi vui đến lớn cả người. Mai sẽ đi sớm cho khỏi nắng, một cuộc việt dã trên con đường 71, dài đằng đẵng 7 cây số, đang chờ đón chị em tôi, hai đứa trẻ mới 9 và 11 tuổi. 

 Cuối năm 1965, bà nội và chị em tôi lại chuyển nhà lần nữa, xuống xóm Bốn. Tôi đã vào lớp 6 và vẫn học trường cấp II Hồng Châu. Học sinh sơ tán chúng tôi, đã mang khá nhiều giải, từ các kỳ thi học sinh giỏi Văn, Toán, cấp huyện và cấp tỉnh, về cho trường. 
Chiến tranh đã kề cận sát nách. Trên đường làng, đâu đâu cũng thấy những ụ pháo, hố cá nhân, giao thông hào. Có khi sáng mai ngủ dậy, thấy ngay gần cửa trường một trận địa pháo mới toanh, chưa kịp được ngụy trang. Ở các lớp học, phần lớn nhà trường làm hầm chữ A. Học trò đội mũ rơm tới trường, trông xa, giống như những cây nấm màu vàng di động. 

       
Trong xóm Bốn tôi đang ở, đã nghe thấy hàng xóm kháo nhau về giấy báo tử của anh con trai bà cụ còng. Các đơn vị bộ đội đóng quân liên tiếp đến, rồi lại đi. Tôi nghe các chị lớn nói, các anh ấy vào trong kia, đi B rồi. 
     Lên đến lớp 6, tôi tự thấy mình đã cứng cáp, chững chạc hẳn, mặc dù chưa được là thiếu nữ. Tôi đã biết gánh nước. Gánh từ sông lên, vục nước với đôi thùng lớn, bước những bước chắc chắn trên cầu tre ghép lại từ ba cây tre, cây cầu đã bị phong rêu làm ngả sang màu xám xịt. Quần xắn cao như du kích tập trận, tôi bám chân thật chắc vào những bậc đất lên dốc, chỉ sảy chân là có thể bị què. Điều ấy không dễ gì cho một bé gái Hà nội, mới 12 tuổi. 
    Tôi theo các bạn gái trong xóm đi kiếm củi. Phải sang bên kia sông, bên xóm Bảy. Đó là những rừng phi lao xanh bạt ngàn, suốt ngày reo với gió sông. Đặc biệt rừng rất sạch, khô ráo, như rừng châu Âu vậy. Lá phi lao rụng , một nguồn chất đốt đáng kể cho các gia đình. Bà nội đóng cho tôi một cái cào, để cào lá phi lao. Nó tựa như một cái thước chữ T. Ở phần trên của chữ T được đóng dăm cái đinh,như những cái răng bồ cào mà dì Hạ tôi thường trang thóc khi phơi. Cầm cái cào, chạy vài đường là cả đống lá phi lao mắc vào. Gỡ chúng ra cho vào quang gơ. Gơ là một loại sọt tre,nhưng nhỏ hơn, nông hơn và hơi bè bè, mắt tre đan cũng thoáng hơn. Chúng tôi kéo nhau sang bãi sau bữa ăn trưa. Nắng như như đổ lửa, chả mũ nón gì, mỗi đứa trên vai một đôi quang gơ và cái cào. Mỗi chân tôi có dép, đôi dép cao su đen được bố tôi trang bị cho mấy chị em, trước lúc ra khỏi Hà-nội.

Rất tiếc, không ghi lại được hình ảnh ấy, dám chắc đi thi ảnh quốc tế đề tài Thiếu nhi, Nhân đạo và Bác ái, sẽ đoạt giải : Một bầy trẻ cả trai lẫn gái, tuổi chừng 12, 13, đen nhẻm, gày nhom, má hóp, tóc hoe vàng và khét lẹt vì nắng. Chỉ riêng những cặp mắt, thấy sáng, lanh lợi, đầy sức sống và phấn khích. Những đứa trẻ không biết sợ bom rơi, đạn nổ, bất chấp cái chết đe dọa, vươn lên trong bấy nhiêu thiếu thốn, để sống, để học tập, để làm tồn tại những gì đang là mục tiêu quân sự của không lực Hoa kỳ. 
Chiều về, lúc mặt trời chưa xuống hẳn, phía tây đỏ rực như một cái mâm lửa. Nắng vương lại trên đỉnh những rặng phi lao, hắt xuống dải cát ven sông, một bức tranh tuyệt vời cho chủ đề hoàng hôn. Bây giờ, chúng tôi phải gánh chỗ phi lao đã kiếm được, lội qua con sông nhỏ này, để về nhà. 
Tôi đang lúng túng chưa biết xử lý vụ gánh phi lao ra sao. Nước cao thế này, đi không còn khó, nói gì đến việc gánh một gánh nặng lá phi lao. Nó sẽ ướt sũng, gọi gì là củi? Phương hiểu ngay băn khoăn của tôi, gọi giật: 
- Thu, nhìn này! 
Cô bé cởi phăng quần dài, vấn lên đầu, rút ngắn những sợi dây thừng ở đôi quang gánh lại. Bây giờ, nó đưa hai tay nâng đòn gánh lên cao và nhẹ nhàng lội xuống nước qua sông. Tôi kêu lên: - Cởi quần? Tao chả cởi. 
Phương rất nhanh, đã sang được bờ bên kia. Cô bé rẽ nước bơi, trở lại đón tôi. 
- Xắn cao quần nữa lên, sang trước đi, tao gánh cho! Phương ra lệnh. 
Tôi nhẹ cả người. Sang được bờ bên này, chúng tôi vẫn chưa về, chúng nó còn phải hong quần cho khô. Tôi thấm mệt, ra sức vắt cho kiệt nước trên hai ống quần dài. Ngày mai sẽ phơi lại đám lá phi lao này. Nắng to mau khô lắm. Lúc nó đang nỏ, đun rất tuyệt, đượm lửa, ít bụi và nó nổ lép bép nghe thật vui tai. Bà nội tôi mê lắm. 
        Đến cuối hè, chớm sang thu, đậu tương đã được thu hoạch. Bọn cái Niên, cái Hạ và Nhâm trong xóm, lại rủ tôi đi mót đậu tương. Lúc đầu, bà nội không cho đi, bà sợ máy bay, sợ bom đạn, rồi sợ nắng, tôi sẽ bệnh. Tôi quyết năn nỉ bằng được, lát sau bà cũng mủi lòng. Bà biết tính chị em tôi. Xin không được là dỗi, bỏ cơm, tảy chay, đình công, tuyệt thực, chống lại bà. Thế còn quá tội. Bà buộc lại quai nón cho vừa, rồi đưa tôi đội. 
Ra đến cánh đồng, chúng tôi bị chơi vơi, không biết bắt đầu từ đâu. Đằng kia loáng thoáng đã có người mót đậu. Bọn tôi kéo nhau sang ruộng khác. Nhâm nói:- Ở đây nhé! 
Tôi xắn quần, bỏ dép trên vệ ruộng. Phải nhổ cả cây đậu lên. Chúng đã khô. Cây nhỏ và thanh, may mà không có rằm,không có gai. Người hái đậu phải khom lưng suốt, cứ thế đi dọc trong rãnh theo luống. Hai tay thoăn thoắt , mắt liếc sang phải, rồi sang trái và nhổ đậu bằng hai tay. Người ta hái kỹ, đậu sót lại chẳng còn là mấy, nhưng hạt đậu rất mẩy, chắc lắm. Tôi đi được hai luống, cầm nắm đậu mót được trong tay, rũ cả người. Ôi chao là cái lưng nó mỏi. Bọn cái Nhâm, cái Hạ nhanh lắm, đã sang đến ruộng bên. Tôi rớt lại đằng sau từ bao giờ. Nắng quá, mồ hôi thánh thót lăn xuống ngực, chả có thời gian mà lau nữa. Xem kìa, chúng nó đã được lùm lùm cái sọt tre. Tôi bắt đầu tăng tốc, nếu không sẽ về tay không. Xế chiều, chúng tôi gom đậu đã mót được vào sọt, về thôi. Bà nội chưa ăn, còn đợi tôi về. 
Tôi thả sọt đậu xuống, là sà vào mâm cơm ngay. 
- Cá mòi rán hả bà? Mắt tôi sáng lên. 
- Bà nhờ cô Thử mua từ sớm, cá tươi lắm. Nhai cẩn thận chả có xương. 
- Cháu nhai cả xương bà ạ. Mai phơi đậu một nắng nữa là khô cong. Tôi bảo bà 
- Chả biết có được mẻ tương ? Bà bảo 
Bà nội tôi làm tương ngon nhất xóm. Quê tôi làm tương bằng ngô, chắc nếp đắt. Bà nội tôi làm tương bằng nếp,vì nhà tôi cũng chẳng làm nhiều. Bà thổi cơm nếp, rồi ủ, để lên men. Màu men hoa hòe là được, bà bảo thế. Tương rất ngọt, thơm, sánh lắm và có màu nâu sáng. 
Dọc sông Hồng, dân quê tôi được ăn mòn răng cái món cá mòi. Bà nội thường khía con cá ,cả hai mặt. Đập gừng bằng con dao phay ( đừng thái lát, đập nó mới vỡ tự nhiên), rồi lại bằm nhỏ, sát gừng ấy vào chỗ cá đã khía. Sát bữa ăn, bà nội mới rán. Hồi ấy chỉ chạy qua hàng mỡ chút thôi, chả có đâu nhiều dầu rán và mỡ như bây giờ. Cá mòi rán chấm nước mắm chanh, ớt, tỏi ăn với canh cải xanh, ngon cứ gọi là nhất hạng. 
Tôi nhớ mãi câu quê tôi vẫn nói: " Sáng mưa mòi, chưa nắng lòi mắt ra". 
        Những năm ở xóm Bốn, bà cháu tôi sống ở nhà bà cụ Côi, gọi theo tên anh con trai của bà. Chú Côi đi bộ đội, vợ chú là cô Nghĩa, cô chú đã có một bé gái, cái Vụ. Cô Nghĩa là một phụ nữ đẹp nhất nhì trong làng. Cô lấy chú Côi cũng vì gia đình chú Côi là bần nông. Lấy để cái lý lịch của gia đình cô sáng lên một chút, chứ chẳng môn đăng hậu đối gì, vì chú Côi già và xấu quá. 
   Có những bữa trưa, bên này bà cháu tôi cơm nước đã no nê, xong bữa, tôi chẳng thấy cụ Côi ăn gì, cứ ẵm cháu nằm võng xuông. 
Tôi hỏi bà nội: 
- Mình còn cơm bà nhỉ? 
- Còn đấy, bà rỡ ra rổ cho khỏi hỏng, cháu đói à? 
- Cháu không đói, nhưng chắc bà cụ Côi đói, có thấy ăn gì đâu. Hay đưa cụ ấy chỗ cơm bà nhé! 
Tôi đi xuống bếp tìm chỗ cái rổ cơm. Mùa hè nóng, cơm còn thừa, bà nội thường rỡ ra cái rổ con. Tôi còn nhớ đến tận hôm nay cái rổ xinh xinh ấy. Nó chỉ nhỉnh hơn cái đĩa tây, nan tre màu trắng ngà, đan rất mỹ thuật. 
- Còn cả khoai tây xào đấy, mang hết lên đây ! Bà nội nói vọng xuống bếp. 
Tôi bưng lại mời bà cụ chủ nhà, tội nghiệp, nhưng cụ cứ chối đây đẩy, khó tính quá cơ. 
- Cháu ẵm cái Vụ để bà ăn cơm nhé. Tôi gợi ý. 
- Ừ, hai chị em lên võng mà nằm, nó ngủ ngay ấy mà. 
Tôi ôm cái Vụ trong tay, lòng miên man nghĩ. Con bé sinh ra đã khổ. Bố đi bộ đội biền biệt, mẹ ra đồng cầy cấy từ mờ đất. Nó khát sữa, thèm hơi mẹ, nhiều khi khóc ngằn ngặt. Sữa mẹ thì chả có chất, con bé gầy như cái dải khoai. Trăm cái tội đổ cho nghèo khó, thiếu thốn và chiến tranh.Tôi bắt đầu ru cái Vụ bằng bài hát: 
            &nb sp;           "Chiều nay ra đứng trên Trường Sơn 
            &nb sp;             Lòng tràn đầy vui sướng, mùi lúa thơm ngạt ngào 
            &nb sp;             Dòng sông đưa nước về xuôi 
            &nb sp;           In bóng nương ngô cùng "bồng con" phất cờ...." 
Bài hát do tốp ca nữ đài tiếng nói VN trình bày, tôi rất thích và thuộc nó ngay. 
Sang năm 1966, cô Yến em giáp út đã lên 7. Nhưng bà nội tôi không muốn cho em đến trường. Bà sợ bom đạn Mỹ, bà sợ đủ thứ xảy ra cho chị em tôi - các cháu nội yêu của bà. Bà chỉ còn bố tôi là con trai duy nhất. Chú Sơn hy sinh, vết thương lòng ấy của bà mẹ già vẫn mang lớp da non. Xót thương lắm, mà bà phải đằn cái tình cảm ấy xuống, sống nốt những năm khó khăn này với các con, các cháu . 
Bà nội nói Yến, Châu cứ học ở nhà cũng được, vẽ chuyện phải đến trường. Và Vân bắt tay vào sự nghiệp sư phạm. Năm ấy cậu Châu mới 5 tuổi. Chương trình vần vỡ lòng được xúc tiến. Cứ mỗi lần nhắc lại kỷ niệm này, cả nhà tôi lại được trận cười chảy nước mắt. 
Vân có một năng khiếu sư phạm đặc biệt. Với cách dậy có nhiều hình tượng và thí dụ minh họa, khiến học trò nắm bắt được dễ dàng. 
Lần ấy ,Vân bảo cậu Châu: 
- Nhìn này, chữ Y giống như hình cái trạc súng cao su nhé! 
Còn chữ X, học chữ C rồi, thì nó chính là hai chữ C "chổng đít" vào nhau! 
Còn chữ Kh, nó gồm chữ K và chữ H ghép lại. Người ta đọc nó với cái âm như "khò" và "khè". 
Hôm sau hiểm tra bài. 
-Chữ gì đây, Vân đưa ra chữ Y? 
- Chữ "trạc". 
- Không, nó chỉ giống cái trạc súng cao su thôi, chị nói vậy mà. 
- Thế còn chữ gì đây, Vân đưa tiếp chữ KH? 
- Chữ "khò". 
- Không đúng! Vân buồn qúa, thất vọng ra mặt. 
- Chữ "khè" ! Cậu Châu reo lên, lần này chắc không sai. 
- Không đúng nốt. 
Thế mà chỉ từ cuối hè 1966 sang đến tháng Chín năm 1967, cả hai em tôi, Yến và Châu đã đọc thông, viết thạo và được trang bị trình độ toán của chương trình lớp 2. 
       Hỡi những bà mẹ Mỹ, hỡi những người Mỹ chân chính của xứ Cờ Hoa - Hợp chủng Quốc xa chúng tôi từ nửa vòng trái đất. Nếu thấy tận mắt hình ảnh những đứa trẻ VN trong cuộc chiến tội lỗi, do nước Mỹ nhẫn tâm gây ra ? Trái tim các người sẽ rớm máu, mắt các người sẽ rỏ lệ. Vì có bao giờ những đứa bé con của nước Mỹ phải từng trải như chúng tôi, vươn lên như chúng tôi, trong thiếu ăn, thiếu mặc, trong kề cận với cái chết của bom đạn kẻ thù. 
     Lâu lâu, đoàn thanh niên của xã lại tổ chức ăn cơm tập đoàn. Nó là một hình thức ăn liên hoan. Vì quỹ chẳng có, làm gì có tiền mà gây quỹ, nên mỗi người sẽ đóng một bát gạo và hai hào. Nó vui, nhộn nhịp ở lúc chuẩn bị. 
Tôi hỏi Thanh, con gái bà Rào, bên cạnh nhà cụ Côi: 
- Họ có cho tớ tham gia ăn cơm tập đoàn không ? Tớ chưa là đoàn viên ? 
- Cho đấy, để tớ hỏi nhé! 
Thanh là con nuôi bà Rào. Cô bé đẹp lắm, trong đám bạn gái ở sơ tán, có lẽ cô đẹp nhất. Con gái nông thôn mà trắng nõn, đặc biệt là đôi môi dày dặn lúc nào cũng đỏ mọng. Thanh hơn tôi 2 tuổi, 14 rồi, đã sinh hoạt với đoàn thanh niên trong xã. Có lẽ Thanh biết mình là con nuôi trong gia đình, cô làm việc cật lực. Thanh chỉ được học hết lớp 5, rồi đi làm ruộng như một lao động chính. Có lần chỉ vào tờ lịch treo cạnh bàn thờ, hình một cô văn công quân đội bên hoa lay-ơn đỏ rực, nàng đẹp lộng lẫy. Tôi bảo Thanh: 
- Thanh ơi, Thanh xinh như cô văn công đấy. 
- Xinh đâu mà xinh, tớ chả có quần áo đẹp như Thu . 
Tôi nhìn bạn chảy nước mắt vì thương. 
Đúng, mẹ mua cho chị em tôi toàn quần áo Đức Hạnh, nhưng cũng nhuộm hết sang màu phòng không và nâu gụ rồi. Còn gì nữa đâu mà đẹp! 
Tôi hay đi làm giúp Thanh, cả cuốc vườn, nhổ cỏ và giã gạo, sàng sảy gạo. Thanh dạy tôi cầm dần, sàng sao cho đúng. Lúc đầu thật là ngượng ngập, tay cứng đờ ra, thao tác đến vụng. Dần dà, tôi đã biết xoay cái dần, cái sàng cho tròn, cho dẻo. Biết cách sảy thóc, nhất là biết dần, biết sàng cho thóc chụm lại, rồi bốc chỗ ấy ra khỏi lô gạo đã sạch sẽ. Thanh nhìn tôi: 
- Giỏi ghê rồi,lấy chồng nông thôn được đấy. Sau này, lúc đã có con, tôi sàng sảy gạo, trước bao con mắt ngạc nhiên của cả nhà. 
Tôi xin phép bà nội để được đi ăn cơm tập đoàn với các anh chị thanh niên trong xã. 
- Úi dào, cháu còn bé, ai cho tham gia. Bà nội chẳng muốn tôi đi nên nói ra thế. 
- Ơ, bà, người ta đồng ý mà. Cái Thanh hỏi cho cháu rồi. Nhưng phải có 2 hào và một bát gạo để nộp. 
- Ừ, bà cho đi, ăn xong về ngay nhé, trời tối, con chó bên trước cửa dữ lắm đấy. 
- Ngay sân kho đây mà, bà cứ ra đầu hè nhìn sang là thấy. Không sợ bà ạ! 
Được rồi! Tôi vui như tết, khấp khởi từ chiều hôm trước. Tôi sắp ra ngoài cái áo sơ mi cổ lá sen tròn đã nhuộm màu nâu gụ và một cái quần phăng màu tím than.Tối nay liên hoan toàn xã, chả biết bọn cái Phương trên xóm Hai có đi không. Cả các chú bộ đội đóng quân trong xóm Bốn bọn tôi cũng đến. Ăn cơm xong, sẽ có liên hoan văn nghệ mà. 
Đêm ấy vui lắm. Cơm nước xong từ lâu, các anh các chị vẫn còn cuốn hút trong chương trình văn nghệ. Chúng tôi chỉ được phép dùng hai ngọn đèn bão, chứ không được dùng măng-sông, vì sáng quá. Đèn vặn rõ nhỏ, hai ngọn chia ra hai đầu sân kho, để ánh sáng không bị tập trung. 
Bao giờ liên hoan văn nghệ ở đây, cũng có tiết mục hát "xì điện". Không nhanh là bị bỏ bom. Các anh các chị đề nghị tôi hát, chắc lại cái Thanh "mách" rồi. 
- Em không có bài. Tôi giật thót mình 
- Trần Thị Vân đi! 
- Thôi, mãi bài ấy chán lắm. Tôi biện bạch. 
- Hát đi Thu ơi! Tiếng bọn cái Nhâm, Niên và Hạ gào lên 
Đã qua rằm, nhưng ánh trăng rất đẹp, đủ để tôi nhìn được những gương mặt của bao người thân yêu, đang hiện diện trước mắt tôi, những người con của quê ngoại giang tay ôm chúng tôi vào lòng, đùm bọc san sẻ với chúng tôi từng củ khoai, từng gióng mía. Tôi bỗng thấy một thanh bình thật sự, một cảm giác tràn ngập yêu thương với mảnh đất này, với những con người này. 
Tôi bị cái Thanh kéo tuột dậy, đảy ra phía chính giữa nơi làm sân khấu và hát. 
Tôi chỉ còn nhớ, đó là bài hát ca ngợi người nữ anh hùng Miền Nam, người con gái xứ Quảng kiên cường. Tên chị là Trần Thị Vân. 
            &nb sp;                         &nb sp;   " Tôi nghe tiếng ca từ lòng đất nước 
            &nb sp;                         &nb sp;     Tôi nghe tiếng ca từ giữa quê hương, vượt trong đêm dài 
            &nb sp;                         &nb sp;     .... 
            &nb sp;                         &nb sp;     Vượt qua bao song sắt nhà tù, 
            &nb sp;                         &nb sp;     Vượt qua bao đầu lê mũi súng...! 
Lần nào có họp chi đội, họp liên chi đội ở trường, tôi cũng hát bài này. Chẳng bao giờ quên được tuổi thơ với những ký ức đẹp ở nơi sơ tán. Tôi sẽ không bao giờ thấy lại được nó nữa, dù gói ghém trong đó biết bao nhiêu buồn, vui, thương nhớ. 
Nhưng sang học kỳ II của năm lớp 6, tôi gặp khá nhiều rắc rối. Nhóm nữ sơ tán bọn tôi bị các bạn nam ở làng Chương Dương bên cạnh chọc phá. Chương Dương nằm ngay cạnh Hồng Châu, cũng giống như Hồng Vân, bên đó không có trường cấp II. 
Chúng tôi bỏ học liên tục vì sợ. Mà sao tôi không nghĩ ra để nói cho mẹ biết. Mẹ sẽ có cách giải quyết cho bọn tôi chứ. Tôi, Thơ, Hồng và chị em cái Lan, Oanh, bỏ học như cơm bũa. Bọn tôi chui vào nhà Thơ, ngồi tán dóc , nấu ăn và kể chuyện Hà nội. Kết quả của năm học lớp 6 với tôi chẳng có gì là tự hào. 

Mùa hè năm 1967, bố mẹ tôi quyết định đưa bà và chị em tôi rời khỏi Hồng Châu, Thường Tín, Hà Tây. 
Có lẽ bố mẹ tôi cũng nhìn thấy bà nội già yếu đi nhiều, còn mấy sức cơm nước, chăm bẵm chị em tôi. 
Cũng có lẽ, về mặt vị trí, địa hình, Thường Tín, Hà Tây đang trở thành mục tiêu quân sự trọng điểm, nhưng bố tôi không nói cho bọn tôi điều đó. Tạm biệt Hồng Châu, tạm biệt mái trường làng, tạm biệt những cô bạn bé nhỏ yêu dấu của tôi và hẹn ngày gặp lại. 

 


Cologne tháng Chín 2012

Tags: Tán


30 năm theo Đảng
Ngày đăng 19/05/2012 22:14:58

Ba mươi năm theo Đảng

          Nhân dịp sinh nhật bác Hồ lần thứ 122 tôi vinh dự được trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Tôi là một trong hơn 650 đảng viên đảng bộ Quận Hai bà nơi  mà đảng bộ Viện VSDTTW của tôi sinh hoạt được nhận trong đợt này.  Hầu hết là các đảng viên lão thành nhân Huy hiệu 65, 60, 55,  40 năm và có khoảng 1/3 là các đảng viên nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và hầu hết là đã về hưu. Có lẽ  tôi là một  những nữ đảng viên ít ỏi của Viện tôi khi  đang còn công tác dược nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, bởi vì hầu hết chị em ở viện tôi vào đảng rất muôn nên hầu như về hưu mới được nhận các huy hiệu của Đảng. Nhớ lại quá trình phấn đấu của mình  ( không biết là tôi dung từ phấn đấu ở đây có đúng với trường hợp của tôi không?) vì tôi có cảm tưởng như so với những người khác thì tôi  có phần may mắn và dễ dàng hơn trong quá trình làm việc và phấn đấu.

          Hồi còn học phổ thông phải mãi đến tận lớp 9 tôi mới được kết nạp vào đoàn với lời nhận xét của Bí thư đoàn Hoàng Hữu Phê lúc bấy giờ  ( học Kiến trúc ở Kiev, sau làm NCS ở Anh và nay đang làm giám đốc 1công ty R&Dcủa Vinaconex) là: học tập tốt nhưng không hòa mình với quần chúng và không có tính tập thể cần có tinh thần giúp đỡ bạn bè hơn trong học tập. Sau này có lần họp lớp phổ thông tôi bảo với HH Phê là ngày xưa phấn đấu vào Đoàn của cậu khó hơn vào Đảng nhiều. HH Phê tủm tỉm cười và bảo: tớ bây giờ vẫn chưa là Đảng viên, thế là cả lũ phá lên cười vui vẻ. Tôi còn nhớ là ngày xưa tiêu chuẩn là đoàn viên cũng là một tiêu chuẩn để xét đi học nước ngoài. Chúng tôi may mắn hơn các bạn nam cùng lứa là được đi du học nước ngoài còn đại đa số các bạn nam năm chúng tôi đi bộ đội và có bạn  đã ra đi không trở về , còn các bạn khác đi bộ đội về có bạn được đi học đại học tiếp, có nhiều bạn thành đạt song cũng có một số bạn  gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

           Trước khi đi học đại học ở Liên xô thì chúng tôi được tập trung để học chính trị ở trường Bách khoa và sinh hoạt ở trường Kinh tế Quốc dân. Buổi tối tôi và Tuyết  SV 77 ngủ ở giường 2 tầng nghe các bạn nữ trường khác nằm ở giường bên cạnh cùng phòng thủ thỉ với nhau là: Chúng mình cần phải xác định xem là “lý tưởng” của chúng ta là gì khi ra nước ngoài học. Tôi với Tuyết nhìn nhau lo lắng hồi hộp để cố nghe thử xem” lý tưởng” của họ là gì mà chúng tôi cố gắng dỏng tai nghe lỏm  mà không nghe được. Chúng tôi lo lắng thật sự và bảo nhau: chết thật họ xác định được  lý tưởng gì mà chúng mình không biết có đi học nước ngoài được không vì không biết là lý tưởng gì?

          Thế rồi suốt thời sinh viên ở Kis. Lũ con gái CL77 chúng tôi đi xem phim tư bản nhiều quá nên ít khi đạt tiêu chuẩn đoàn viên 4 tốt lắm. May sao đến năm cuối Phong PT lớp tôi được làm bí thư nên lũ con gái CL77 mới đạt được đoàn viên 4 tốt và có lời phê lý lịch sáng sủa hơn để còn về nước dễ xin việc làm. Đoàn đã thế thì cảm tình đảng đối với tôi là xa vời hồi ấy, đảng còn lâu mới dòm ngó đến những thành phần chậm tiến như tôi và mấy bạn nữ CL77.  Ấy thế mà về nước lũ con gái CL 77 chúng tôi nhiều đứa được vào đảng hết, đến  cả 2 Bình lớp tôi cũng được vào đảng khá sớm đúng là sự kiện hiếm có.  

  

Lúc mới về nước thì nghe đâu tôi có danh sách đầu quân cho thuỷ điện sông Đà. Lúc đầu cũng hăng hái lên nhận công việc nhưng bố mẹ tôi có mỗi cô con gái diệu nên không muốn cho đi xa và các bác đồng nghiệp với bố tôi ở cục Quân Y lúc bấy giờ cũng khuyên nhủ gia đình tôi nên vận động  cho cháu đi làm ở một cơ quan thuộc Bộ Y tế để tiếp nối truyền thống ngành y trong  gia đình . Do có mối quan hệ đồng nghiệp nên cố Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn trước đây là Cục trưởng cục Quân Y có giới thiệu tôi về Viện Vệ Sinh Dịch tễ học. Ở đây cũng có khá nhiều dân Kis. của chúng ta đã từng làm việc như: chị Bon, chị Bạch Ngọc, Chị Hồng Hạnh, Hoàng Ánh Tuyết, và rất nhiều những người đã từng học ở Liên xô về. Các anh chị thế hệ trước ở Viện tôi đã gọi chúng tôi là Thế hệ vàng vì  chúng tôi đã phát huy hết sở trường của mình trong các hoạt động nghiên cứu cũng như các hoạt động xã hội khác và chúng tôi cũng đóng góp khá nhiều cho Viện.   

Lúc bấy giờ cái tên Viện VSDT đối với tôi lạ hoắc. Hôm đầu tiên đến Viện tôi cầm lá thư viết tay đến gặp Gs. Hoàng Thủy Nguyên là viện trưởng. Lúc qua cổng ông bảo vệ hỏi giấy tờ và sau đó quay số điện thoại đến phòng Gs. Nguyên rồi hướng dẫn để tôi vào phòng làm việc của Gs. Nguyên. Vì chưa biết mặt Gs. Nguyên nên khi đến phòng gặp một người trông rất trẻ mặc quần áo bò, đi guốc mộc đang quét và hót rác nên tôi hỏi: anh làm ơn cho em gặp bác Nguyên ạ. Anh ta cười và bảo tôi ngồi chờ, quét xong nhà anh ngồi vào ghế nhờ một chị rất trẻ và đẹp trong phòng thí nghiệm rót nước mời và ôn tồn hỏi: Thế cậu cần gì nào? Tôi là Nguyên đây.Lúc đó tôi ngơ ngác và ngạc nhiên nói : thế chú là Nguyên ạ cháu xin lỗi vì không nghĩ chú lại trẻ thế ạ.  Sau đó Gs. Nguyên đọc hồ sơ của tôi và bảo sẽ xếp tạm vào khoa Dịch tễ do chú Lê Diên Hồng là bạn với bố tôi hồi ở chiến khu là phụ trách khoa. Chú Hồng vừa làm Tiến sỹ ở Ba lan về nên rất thích những ai học ở nước ngoài về. Chú bảo xếp cho tôi vào phòng Thí nghiệm Côn trùng thực nghiệm để có cơ hội phấn đấu vì ở đó có các anh chị có trình độ cơ bản rất hăng say với nghề nghiệp.  Thời gian đầu tôi cảm thấy hơi shock vì những gì mình học là chẳng phù hợp với công việc của phòng TN này, tôi cảm thấy chán và như bị lạc lõng vào một môi trường không phù hợp, trái ngành, trái nghề. Có lẽ không có tình yêu tình báo gì cả nên tôi có rất nhiều thời gian ngồi đọc sách về công việc của mình Thế rồi dần dần với sự giúp đỡ, động viên cuẩ các anh chị trong phòng tôi đã dần dần tìm ra cho mình một chỗ đứng trong chuyên môn đặc biệt là  trong lĩnh vực diệt côn trùng gây bệnh bằng hoá chất. Suốt thời gian đầu tôi đọc và nghiền ngẫm quyển   дезинфекция, дезинцекция и дератизация  của Gs người Nga   В.И. Вашков dầy 735 trang khổ gần như A4. Đây là quyển sách của một anh bạn đồng nghiệp tuy không biết tiếng Nga nhưng anh ấy đã nhờ người viết thư liên hệ với chính tác giả là Gs В.И. Вашков để xin quyển sách này, vì cảm động trước một người Việt Nam yêu quý mình mà tác giả đã viết một bức thư và gửi quyển sách cuối cùng của mình còn lại về Việt Nam trong thời gian chiến tranh, Viện tôi còn phải sơ tán. Sau khi nhận được quyển sách quý này anh bạn đồng nghiệp của tôi đã bị Viện và Bộ Y tế kiểm điểm vì liên hệ và nhận quà của người nước ngoài. Nhờ quyển sách này và một  số sách bằng tiếng Nga khác tôi cũng đã học hỏi được nhiều về phần lý thuyết để cùng với đồng nghiệp làm ra những sản phẩm diệt côn trùng như: mồi độc diệt ruồi, hương trừ muỗi và một số sản phẩm diệt côn trùng khác Made in Viện VSDT. Cũng nhờ những sản phẩm này mà khoa Dịch tễ cũng như viện VSDT của tôi làm kế hoạch 3 cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên chức những năm 80-90 của thế kỷ trước. Hồi đó chúng tôi say xưa ngày đêm làm các sản phẩm này để có tiền thu nhập mặc dù biết là độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 Năm 1978 tôi đã cùng với đồng nghiệp tham gia chống các dịch bệnh như: dịch  hạch năm 79, rồi sốt xuất huyết là những dịch rất cần các sản phẩm bằng hóa chất diệt côn trùng phù hợp với sở trường của tôi. Năm 1979  chiến tranh biên giới xảy ra tôi cũng tham gia một mũi lên các chốt vùng biên giới  Lào Cai tham gia công tác sát trùng tẩy uế, phòng chống dịch, khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh biên  giới chống tàu dòng dã suốt tháng 4 đến tháng 5/1979. Thời gian đó cả thành phố Lào Kai vườn không nhà trống, dân đi sơ tán hết. Có lần tôi  suýt bị bộ đội trên chốt bắn vì trông giống người Trung Quốc mà lại thấy tôi xuất hiện trên đường lên chốt ở trên núi cao. Có những lúc hết tiền tôi cùng mọi người mang bao mì sợi mang theo lên phà phố Lu để bán lấy tiền tiêu, bất ngờ chúng tôi gặp bác Vũ Kiên ( bố của Bình Kều,  lúc bấy giờ là Bí thư đảng đoàn của Bộ Y tế) đi kiểm tra vùng biên giới Lao Kai. Thế là anh bạn tôi vội xách bao mì lẻn  đi bán còn tôi nói chuyện với bác Vũ Kiên trên phà để đánh lạc hướng. Rồi có rất nhiều những đợt tôi tham gia đi chống các bệnh dịch hiểm nghèo như bệnh tham, viêm não …. ở những vùng rừng núi hẻo lánh  của đất nước. Có nơi chúng tôi đến đồng bào bảo dân tộc đánh cồng chiêng lên báo hiệu cho cả bản làng đến vì họ bảo chưa bao giờ có người của chính phủ đến đây như các anh, các chị .

Năm 1980 tôi được kết nạp Đảng trong sự vui mừng cùng với sự  ngỡ ngàng của một số anh chị em lớn tuổi  trong khoa vì rất nhiều người trong số họ đã từng công tác lâu năm hơn tôi và cảm tình đảng trước tôi rất lâu nhưng họ lại không được sự ủng hộ của 100% trong chi bộ đồng ý và bị mọi người rất định kiến trong việc nhận xét. Năm đó tôi 26 tuổi so với mọi người ở một viện nghiên cứu như thế là rất trẻ. Lúc đọc quyết định kết nạp tôi đ/c bí thư kiêm trưởng khoa của tôi lúc bấy giờ xúc động quá không đọc được mà phải nhờ một đ/c khác trong chi ủy đọc hộ vì ông ấy bảo rằng: tôi xúc động quá, chưa bao giờ kết nạp ai trẻ như cô Hoa, thời của chúng tôi vào đảng phải phấn đấu khó lắm.  Rút kinh nghiệm bản thân sau này tôi rất ủng hộ các anh  chị em trẻ trong khoa vào đảng nếu như họ yêu thích và tự nguyện muốn vào đảng. 

Đối với tôi  đảng viên hay không đều như nhau miễn là tâm huyết có trách nhiệm với nghề, sống với mọi người phải có tâm thế thôi. Hơn 50 công trình khoa học tôi đã tham gia đều xuất phát từ lòng yêu nghề chứ chẳng có động cơ mục đích gì cả. Tôi cũng rất mừng vì những công trình tôi cùng đồng nghiệp đã đi vào cuộc sống thật sự giúp ích cho đời. Tôi vào Đảng vì tôi nghĩ rất đơn giản là nhờ ơn  nhà nước này có đảng đứng đầu đã cho tôi  được trưởng thành và gia đình tôi có cuộc sống như ngày hôm nay. Mặc dù hai vợ chồng tôi theo đảng nhưng chúng tôi cũng chẳng được phân nhà vì chúng tôi đã được thừa kế của các cụ nhà chồng để lại, chúng tôi cũng chẳng được đặc ân đăc cách gì trong bước đường phấn đấu, thực sự là chúng tôi đi lên bằng chính bàn tay, trí tuệ của mình.


Hai ngày vắng anh
Ngày đăng 12/05/2012 10:54:52

Hai ngày vắng anh

 Đã hơn một năm nay nhà mình bữa chiều và tối bao giờ cũng đầy đủ các thành viên và ông chủ hộ từ hôm về hưu đến giờ hầu như chẳng đi đâu. Bỗng nhiên tuần trước anh Vĩnh nhà mình hớn hở báo tin sẽ đi nghỉ Tuần Châu với Chi bộ Viện Cơ học vào 2 ngày cuối tuần này và bảo định xin cho mình 01 xuất ăn theo nhưng may quá chi bộ của họ không đồng ý cho đảng viên của chi bộ khác đi cùng.

 Cả gia đình

Thế là suốt cả tuần mình thường phải nhận điện thoại của các đảng viên chi bộ Viện Cơ hẹn hò nhau vì anh Vĩnh đi vắng : lúc thì đi đón cu Hà đi học, lúc thì đưa Hà đi học thêm, lúc thì đưa bà chị về quê Linh Đàm ăn giỗ và nhiều việc khác nữa.  Hóa ra là các anh già cũng ham tụ tập đàn đúm như hội MK của chúng mình ( Viện Cơ học rất ít nữ). Buổi tối hôm kia mình và con trai lớn Hùng được anh Vĩnh phân công là sáng mai phải dạy sớm để 7h sáng bà béo Hoa sẽ  đưa Hà đi học rồi đi làm luôn 11h trưa về đón Hà, đến chiều xin phép nghỉ luôn để đưa và đón Hà đi học thêm từ 14h đến 16h, còn Hùng thì sẽ đưa bố sang Viện Cơ tập trung để đi Tuần Châu. Suốt từ tối đến sáng mình và Hùng được anh Vĩnh tập huấn về đóng cửa, tắt đèn, khóa bếp ga, kiểm tra máy bơm nước rồi cách bơm bút mực cho Hà ( Hà không viết bút bi mà cứ đòi viết bút mực từ bé, đến cô giáo góp ý cho cũng không nghe) rồi vị trí các sách vở, cặp sách học thêm các ngày khác nhau…. rồi cách  vận hành các máy móc trong nhà, nghe mà ù hết cả tai lên, mình và Hùng đều cười và gật gù nghĩ thầm toàn chuyện đơn giản mà cứ dặn mãi  

     Mình thấy anh Vĩnh khấp khởi chuẩn bị từ 5 giờ sáng, cả 3 mẹ con mừng thầm và cảm thấy sung sướng nhẹ nhõm, thoải mái  vì bố đi vắng là được giải tán bữa ăn. Tối qua, trưa  và chiều nay 3 mẹ con ra hàng ăn rồi ăn kem nhân dịp Mother's day do cậu cả chiêu đãi .

 Ăn nhà hàng

 Anh Vĩnh nhà mình là con trai độc nhất của dòng họ Trần Hữu, mồ côi cha từ lúc còn nằm trong bụng mẹ  nên được cả họ chiều chuộng từ bé chẳng phải làm gì.Bà mẹ chồng mình lại là người đàn bà chịu khó tần tảo nuôi và chiều con hết mực, ăn uống kiêng khem kỹ quá nên từ bé chẳng biết ăn các loại mắm trừ nước mắm nguyên chất, kiêng tỏi và từ hồi bị viêm dạ dày (chắc là do kiêng khem nhiều thứ quá ) thì kiêng tuyệt đối các vị chua cay: chanh, gừng, dấm, ớt tỏi…thậm chí cả cà chua nữa vì bảo cà chua  có chữ chua thì chắc là chua. Từ lâu mình đã phải thay ô sin để nấu ăn cho nhà mình theo 2 chế độ : mình và các con ăn như người bình thường còn anh Vĩnh thì ăn tiêu chuẩn kiêng. Như vậy một bữa nhà này bao giờ cũng 2 bát canh, 2 bát nước mắm các món ăn cũng 2 đĩa một đĩa không có gia vị gì hết, thậm chí thịt bò không tỏi, gừng, canh cá không có vị chua và không có rau thì là và rất nhiều các món ăn vô lý khác, chẳng giống con trai phố cổ  Hà Nội gì cả. Bởi thế mình đã nói đùa với các bạn MK là không ai mê được ông Vĩnh nhà mình vì đã  không có tiền mà phải  phục vụ phức tạp quá. Suốt hơn 10 năm sống ở Ba Lan anh Vĩnh bảo chỉ ăn có hai món: thịt và bắp cải luộc vì không ăn được đồ tây và chẳng biết làm gì. Sau này mỗi lần đi công tác hay đi ăn cỗ hoặc ăn bên ngoài thì bao giờ anh cũng chỉ yêu cầu cho một bát nước mắm nguyên chất.

   Cũng vì ôm đồm nhiều việc ở nhà thế nên mình còn nhớ khi mới đẻ cu Hùng mình có nhờ anh đi mua hộ cân đường, anh hỏi rất kỹ là đường gì, mua ở đâu và giá bao nhiêu thế mà lúc về tay không và anh bảo : không có loại đường giá 7.000 đ như Hoa dặn mà chỉ có loại 6.500 đồng thôi và nghĩ rằng loại đường mà hoa dặn là loại đặc biệt có giá cố định chứ không nghĩ là hôm đấy đường đã giảm giá,  đúng là bệnh máy móc của các nhà Cơ học. Có lần  mình nhờ mua hộ mớ rau thơm về nấu phở  thì anh nhanh nhẹn nhiệt tình chạy ra chợ mua 1 túi to các loại : tía tô, kinh giới, hung… vì bảo tất cả đều là rau thơm hết. Rút kinh nghiệm mình đã dạy Hùng từ bé phải biết ăn mọi thứ và làm mọi việc thay mẹ cũng vì vậy mà Hùng nhà mình trước khi sang Singapore học đại học đã có một giải đặc biệt về nấu ăn của trường Amsterdam – Hà Nội ngoài các giải toán và hóa của thành phố và cháu rất vững vàng bước vào cuộc sống tự lập ở bên Sing. và Anh.  Đến lượt cu Hà thì mình chủ quan  và bận nhiều việc nên giao phó hết cho bố: dạy học, đưa đón, cho ăn... thế là bây giờ cu Hà cũng giống bố chẳng biết làm gì hết ỉ lại toàn bộ cho mọi người làm hộ.

    Mặc dù trưa và tối hôm qua anh Vĩnh vẫn liên tục gọi điện về để nhắc giờ và địa  điểm đón Hà học thêm hôm nay ở đâu ( Hà bị học thêm nhiều quá mặc dù đã có bố là gia sư ở nhà ), rồi tắt đèn trên bàn thờ, bơm nước, khóa cửa nhưng mấy mẹ con lúng túng tìm mãi chẳng thấy chìa khóa và ổ khóa đâu, rồi bơm mực cho Hà như thế nào… Thế mới biết giá trị của ông chủ nhà là thế nào, cũng có vai trò quan trọng ra phết, mới  vắng anh 2 ngày mà mấy mẹ con xáo trộn hết sinh hoạt, đúng là 2 ngày  tất bật, lao động mệt nhoài. Viết đến đây thì  tiếng điện thoại reo vang, anh gọi về bảo : Tối nay mới về. Thế là 3 mẹ con tôi lại tranh thủ đi ăn các món mà anh không ăn được và mua thịt bò với rau cải để nếu tối anh có về thì sẽ làm bát mì thịt bò với rau cải cho anh ăn. Chờ anh về để hôm này bảo Hùng xem chương trình chiếu phim như thế nào mua vé cho bố mẹ  đi xem phim Mùi cỏ cháy vì bọn trẻ con nhà mình  không hào hứng với những loại phim thể loại này.  




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |