|
|
Đang xem 37 - 45 của tổng số 80 Blogs.
Xin có vài dòng tiếp ý MM và chị Kim Thu về Mùa Hè:
Hè về ve sầu kêu râm ran. Cả lũ ra sông vùng vẫy. Được chơi trận giả đến khuya. Tha hồ đọc sách. Được tự do chạy lông nhông trên đường. Tóc tai khét nắng hè!
...Hè về con được ra biển. Được mẹ cho đi chơi công viên. Được nằm đọc truyện. Được lên tầng thượng ngắm trăng sao.
Những ngày nghỉ hè trôi nhanh quá. Con lại lao vào trận tuyến học thêm học nếm. Cặp sách trĩu nặng, con tôi khom lưng trên đường.
Các ông, các bà
Các bác, các anh, các chị ơi!
Níu lại Mùa Hè cho con tôi với!
Níu lấy Mùa Hè của tuổi thơ tôi!
Hắn vừa rời mái trường phổ thông, sau mấy tháng huấn luyện được tung vào chiến trường. Rất may, hắn đã tăng từ 39,5 kg lên 43 kg do được ăn theo chế độ đặc biệt- muốn ăn bao nhiêu cơm cũng được. Nhờ thế hắn vác khẩu súng đã khá chững chạc. Cùng đồng đội hắn đến Sảm Thông. Đây là vùng đồi núi khá cao ở nước bạn Lào. Từ trên chốt phải đi xuống suối rất xa để lấy nước. Vác được ống nước lên tới chốt mồm mũi tranh nhau thở. Đi hái rau tàu bay, rau mì chính phải vượt qua những con dốc khá dài. Từ chốt này sang chốt khác phải leo những dốc rất cao. Khiêng cáng thương binh, bệnh binh, đi lấy đạn, lấy gạo phải lội qua suối sâu, leo qua nhiều dốc cao… Ngày nào cũng leo lên, tụt xuống. Cơ chân luôn ở thế rướn lên, rướn lên. Dần dần hắn đã quen. Rồi có ngày hắn ra quê Bác Hồ đóng quân trước khi đi vào Quảng Trị. Hàng ngày hắn đi trên con đường làng. Những bước chân uể oải. Không có dốc để mà leo. Bước chân cứ đều đều nện trên mặt đường bằng phẳng. Hắn cảm thấy chán quá! Hai chân mỏi nhừ!
(Xin có đôi dòng về tình trạng lạm dụng từ “khiêm tốn” hiện nay ở nước ta). Vừa rồi có trận bóng đá giao hữu quốc tế giữa tuyển Anh và tuyển Brazil. Tuyển Brazil nổ tưng bừng, tuyển Anh khiêm tốn. Ở ta, hoa hậu, người mẫu học hành kém nên bảng điểm khiêm tốn. Vòng một của cô ấy rất khiêm tốn. Cô ấy trả lời không hay vì khiêm tốn! Đi dự lễ cưới, thấy người ta phán: Chàng rể có chiều cao khiêm tốn! Cô dâu có sắc đẹp khiêm tốn! Xuất khẩu sang Mỹ la tinh của ta còn khiêm tốn. Vỡ đập thủy điện do chất lượng công trình khiêm tốn. Công việc bê trễ vì cán bộ, công chức, viên chức ta khiêm tốn quá. Lương thấp, ấy là lương khiêm tốn. Lúc đầu chỉ có ít người khiêm tốn, ít ngành khiêm tốn. Nhưng khiêm tốn là phong trào dễ lan rộng. Bởi vậy cho nên, bây giờ bài ca “khiêm tốn” được ca vang ở khắp nơi!
TB: Từ điển Tiếng Việt định nghĩa về khiêm tốn như sau:” Biết đánh giá cái hay của mình vừa phải và dè dặt”. (Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, HN-1997,tr.425). Cuốn Từ điển này đã cũ chưa?
Đồng chí Song Tùng, Đại sứ Việt Nam nhiều năm ở nước ngoài kể một câu chuyện về Bác Hồ liên quan đến đức tính khiêm tốn như sau: “Sáng ngày 23 tháng 7 năm 1957, trong bữa cơm thân mật, Chủ tịch nước Balan Davátski có hỏi Bác: “Thưa Chủ tịch, đồng chí là một người nổi tiếng về khiêm tốn . Vậy theo đồng chí khiêm tốn phải thế nào?”. Bác trả lời: “ Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam. Đối với bản thân bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Đối với đồng chí và bạn bè ai cũng là thầy học của mình phải học tập. Đối với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”. Theo cuốn Khắc sâu những lời Bác dạy” (Nxb Chính trị quốc gia, HN-2009, tr.56-57).
Đây là lần thứ hai, trên trang web này, tôi nhớ về cây mưng của tuổi thơ tôi...
Trước cổng nhà tôi
Trong góc vườn của người hàng xóm
Có cây mưng
Bóng chùm mát rượi
Cho chú trâu và cho mấy đứa trẻ con
Tôi mê ngắm những dây hoa mưng
Lúc đầu bé tí
Chỉ vài mili
Dây hoa cứ dài ra, dài ra
Tôi rướn lên đo ba gang tay chưa hết
Những dây hoa giăng giăng
Những nụ hoa nhỏ xinh
Dưới ánh trăng lung linh
Lao xao trước gió
Đung đưa, đung đưa
Tối đến nở hoa thơm ngát
Sáng ra kết thành tấm thảm
Mấy đứa con gái mải mê làm những vòng hoa
Đeo tòng teng trước ngực
Rồi hít hà
Mùi hoa mưng thơm dịu tỏa ra
Cái mùi hoa mưng,
thơm dịu, theo tôi đi khắp nơi…
Một ngày tôi về thăm quê
Người hàng xóm bán đất cho ai đó
Cây mưng bỏ đi đâu rồi!
Nhìn lên khoảng trống vắng rưng rưng!
Trong trận chiến đấu không cân sức chống quân Trung Quốc xâm lược, cách đây 25 năm các chiến sĩ hải quân đã kết thành vòng tròn để bảo vệ biển đảo, bảo vệ lá cờ của Tổ quốc. Các anh đã anh dũng hy sinh. Chúng ta hãy thành kính hướng về Gạc Ma- Trường Sa tưởng nhớ các anh! Gạc Ma! Gạc Ma! Nỗi day dứt không nguôi!
Chắc anh chị em KGU còn nhớ, anh Bắc Hải đã sáng tác Vòng tròn bất tử- tráng ca về các chiến sĩ hy sinh anh dũng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Vòng tròn bất tử hướng chúng ta về Hoàng Sa, Trường Sa những quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một bài ca hào hùng, sâu lắng. Tôi vừa lên mạng KGU mở ra nghe và hát vang bài ca này.
Anh chị em KGU ơi, nhân kỷ niệm 25 năm trận chiến Gạc Ma 14/3/1988-14/3/2013 chúng tôi hãy ca vang Vòng tròn bất tử: http://www.studentkgu.vn/music/song/id_710/
Xin ghi lại lời bài hát Vòng tròn bất tử:
Vòng tròn bất tử Trường Sa Khắc ghi trong lòng đất nước Anh hùng thân hòa biển xa Vẫn ôm lá cờ Tổ Quốc. Tay trong lòng tay, ta đi cùng nhau Gọi sóng Bạch Đằng réo vang Trường Sa Nghe hồn nước trên đầu ngọn sóng Nghe trái tim đập vọng Trường Sa!
Mỗi ngày hướng về đảo xa Thiết tha bạc đầu con sóng Mỗi ngày ta nhủ lòng ta Chớ quên tiếng gọi Hoàng Sa! Tay trong lòng tay, ta đi cùng nhau Gọi sóng Bạch Đằng réo vang Trường Sa Nghe hồn nước trên đầu ngọn sóng Nghe trái tim đập vọng Trường Sa!
Mỗi ngày hướng về đảo xa Thiết tha bạc đầu con sóng Mỗi ngày ta nhủ lòng ta Chớ quên tiếng gọi Hoàng Sa! Tay trong lòng tay, ta đi cùng nhau Gọi sóng Bạch Đằng réo vang Trường Sa Nghe hồn nước trên đầu ngọn sóng Nghe trái tim đập vọng Trường Sa
Tay trong lòng tay, ta đi cùng nhau Gọi sóng Bạch Đằng réo vang Trường Sa Nghe hồn nước trên đầu ngọn sóng Nghe trái tim đập vọng Trường Sa Nghe hồn nước trên đầu ngọn sóng Nghe trái tim đập vọng Trường Sa!
Năm dự bị tôi học ở thủ đô Erevan của nước Cộng hòa Armenia thuộc vùng Kavkaz. Người dân nơi đây đau đáu nhìn lên núi Ararat tuyết phủ trắng trên đỉnh. Nay ngọn núi này đã thuộc lãnh thổ nước khác. Ở nước Cộng hòa Armenia có hồ Xevan như viên ngọc quý mà trời dành cho người dân vùng đồi núi. Hồ Xevan nằm ở độ cao 1900 m được bao bọc xung quanh bởi các dẫy núi, diện tích 1240 km², độ sâu đến 83 mét. Có 28 dòng sông lớn nhỏ chảy vào hồ. Còn từ hồ chỉ có một dòng sông chảy ra- đó là sông Razdan. Xevan là hồ trên núi có trữ lượng nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau hồ Titicaca tọa lạc trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes trên biên giới của Peru và Bolivia. Hè đến cả lớp dự bị chúng tôi được đi nhà nghỉ ở ven hồ Xevan. Nước hồ Xevan có màu xanh da trời đẹp mê hồn. Hàng ngày chúng tôi đi dạo ngắm mặt trời mọc, mặt trời lặn, đi thăm các nhà thờ, tu viện quanh vùng, chơi bóng bàn, chơi tá lả… Dù là giữa mùa hè nhưng nước của hồ này vẫn khá lạnh, nhất là lúc sáng sớm. Có rất ít người xuống tắm. Tôi đã từng vượt sông Bến Hải, sông Thạch Hãn nên chẳng xá gì. Lạnh mấy tôi vẫn lao xuống bơi. Lúc đó tôi không được khỏe. Bị thương, nằm quân y viện điều trị, an dưỡng đến nửa năm trời thế mà sức khỏe chưa hồi phục hẳn. Nhưng vì muốn chứng tỏ với mọi người, nhất là các bạn gái là chàng trai này rất khỏe, rất cường tráng, tràn đầy sinh lực nên sáng nào tôi cũng dậy sớm, nhảy xuống làn nước lạnh bơi đi bơi lại. Có một buổi sáng như các buổi sáng khác, tôi lao xuống hồ và từ từ bơi sải ra xa. Trên bờ có nhiều nữ sinh viên Việt Nam, Armenia đi dạo ngắm mặt trời từ từ mọc lên ở phía bên kia hồ. Đang bơi, tôi bỗng sa sầm mặt mũi, chân tay co lại. Tôi chới với, chìm dần. Mấy cô gái Việt Nam kêu thất thanh:- Anh N bị chuột rút, bị chìm rồi! Các anh ơi, cứu cứu! Các anh nhà ta đang ngủ sau một đêm thức khuya đánh tá lả đã có ai dậy đâu mà lao ra cứu. Nhanh như cắt một cô gái Armenia nhảy ào xuống nước, thoăn thoắt bơi ra chỗ tôi đang chìm dần. Cô gái túm tóc tôi kéo vào bờ. Cô xốc tôi trên vai chạy một quãng cho nước từ trong bụng tôi chảy ra. Lúc đó tôi đâu có biết gì, sau này mới nghe mọi người kể lại. Rồi cô cõng tôi vào Phòng y tế của nhà nghỉ. Ở đấy tôi được lau khô, sưởi ấm. Cám ơn cô gái Armenia! Không có em thì tôi đã nằm lại vĩnh viễn với hồ Xevan. Tỉnh lại tôi biết cô gái Armenia xinh đẹp đã cứu tôi tên là Karine. Suốt thời gian còn lại ở nhà nghỉ Karine và tôi hay cùng nhau dạo ven hồ Xevan. Có tối hai đứa được ngắm trăng lên từ sau dãy núi xa xa. Trăng dải vàng trên những lớp sóng xanh lóng la lóng lánh! Cả một khoảng không gian huyền ảo, mộng mơ. Trước hôm rời Xevan, tôi và Karine đi thăm Tu viện Xevanavank được xây dựng từ năm 874 cổ kính, huyền bí.
Gần một tháng sau tôi chuyển đến thành phố khác để học. Chúng tôi vẫn thường xuyên viết thư cho nhau. Có một mùa hè tôi theo một đoàn sinh viên đi thăm thành phố Leningrad. Khi đang đợi ở cửa mua vé vào thăm Nhà thờ Thánh Isaac thì tôi nhìn thấy một cô gái vừa chạy đến vừa reo lên: - N ơi! N ơi! Tôi nhận ra ngay ra em, vội chạy ra đón em. Vừa chạy, tôi vừa kêu to: - Karine! Karine! Hai đứa lao vào nhau. Đi Leningrad tôi có viết thư báo cho Karine. Còn Karine không báo gì cho tôi biết về việc em cũng đi Leningrad. Gặp nhau quá bất ngờ, chúng tôi rất sung sướng. Và thế là chúng tôi quyết định không đi theo đoàn nữa. Tôi và Karine tách đoàn, tay trong tay đi thăm rất lâu tòa nhà thờ Thánh Isaac tuyệt đẹp của thủ đô phương Bắc của nước Nga.
Tôi đang trong “cơn say” viết về trẻ chăn trâu và những chú trâu nên xin phép anh chị em cho tôi “nhô” ra một lần nữa với bài viết về những kỷ niệm với chú trâu thân yêu mà tôi được chăn dắt hồi trẻ thơ…Cám ơn HuyềnBT và các anh chị em về sự gợi ý và khuyến khích. Con trâu nhà tôi trở thành trâu của hợp tác xã khi thầy mẹ tôi được vận động vào hợp tác xã nông nghiệp Liên Thành. Là trâu chung thuộc sở hữu của của hợp tác xã, trâu nhà tôi đã từng được giao cho một hộ khác nuôi. Nuôi trâu được đến 900 điểm một vụ. Lại được chia khá nhiều rơm. Chất thải của nó cũng rất đáng giá. Vì thế mà có nhiều nhà cứ muốn nuôi trâu. Nhưng nhà này không biết nuôi. Hay như mẹ tôi nói, họ không mát tay. Thấy nó gầy quá, ốm quá, Ban quản trị HTX giao lại cho nhà tôi nuôi. Lúc đó, tôi lên 8 tuổi, có thể đi chăn trâu vững rồi. Sau một thời gian được nhà tôi chăm sóc, nó đã trở thành một con trâu đực to lớn, kềnh càng, có dáng đi hùng dũng. Trong hợp tác xã có ba chú trâu to khỏe. Đó là trâu nhà ông Chí, trâu nhà ông Hát và trâu nhà tôi. Con trâu nhà tôi đã giao chiến với cả trâu nhà ông Chí và trâu nhà ông Hát. Có trận thắng, có trận thua. Tôi nhớ có lần con trâu nhà tôi húc nhau với trâu nhà ông Hát. Nơi bắt đầu nghênh chiến là Đồng Đĩnh. Chúng đuổi đánh nhau sang Đồng Quen. Đây là cánh đồng ngập nước. Hai chú lao vào thủy chiến. Mấy đám lăn lác bị chúng quần nát. Rồi chúng xô nhau lên Gò Giữa Đồng. Lồng sang khu Đá Trụt, Hậu Bành, vòng sang Vườn Vầu, ngoặt về Cửa Đình… Cả làng ra xem trâu húc nhau như đi xem lễ hội. Nhân lúc chúng khóa sừng nhau, bốn thanh niên trai tráng dũng cảm lao vào gỡ ra. Trận húc nhau giữa trâu nhà tôi và trâu nhà ông Hát lần ấy chưa phân thắng bại. Hàng ngày sau nửa buổi đi học, chúng tôi đi chăn trâu kết hợp với đánh dậm, bắt cua, bắt cá. Tất nhiên, nhiều buổi chỉ chăn trâu và chơi các trò như đánh khăng, vật nhau hoặc đánh trận giả. Nơi chăn trâu là các rẻo đất ven các dãy núi và các gò giữa đồng. Cũng có lúc ngồi túm tụm kể chuyện cho nhau nghe. Tôi thường làm người kể chuyện vì chịu khó đọc sách hơn các bạn một chút. Vừa kể chuyện, vừa phải ngó ra, để mắt đến trâu, sợ nó ăn lúa của hợp tác xã. Có lần con trâu của tôi xông ra ruộng lúa liếm nhanh cả một vạt con. Tôi lao ra định đánh mắng nó. Nó ngửa mặt lên trời nhe răng cười sảng khoái. Nó vừa được ăn những cây lúa sắp ra đòng mà. Tôi bật cười, không đánh mắng nó nữa. Đòng đòng lúa đến chúng tôi cũng mê nữa là những chú trâu! Những hôm thày tôi đi cày, đi bừa, tôi đi đón trâu cùng với mấy đứa trong xóm. Tôi đi ra đồng gặp thày để nhận trâu, rồi đưa trâu lên gò gặm cỏ đến căng bụng mới về. Bọn trẻ đi đón trâu thường đem theo 1-2 củ khoai lang luộc ăn thay bữa tối. Khoai vừa vớt trong nồi ra bỏ vào túi áo, nóng lắm. Mấy đứa vừa đi vừa nhảy tưng tưng vì nóng, trông rất buồn cười. Những buổi chiều tối ở ngoài đồng thật đẹp. Cảnh vật, thiên nhiên, cây cỏ rất nên thơ. Trăng sáng và trong vắt. Sau này sống ở thành phố, tôi vẫn luôn thèm được nhìn ánh trăng như thế, mà chưa bao giờ được thấy. Bầu trời đầy sao, gió hiu hiu thổi. Tôi và các bạn thi nhau đếm sao trời, đếm đến mỏi cả miệng, mỏi cả mắt. Cũng có lúc nghêu ngao đọc thơ. Rồi có lần ngủ quên trên mình trâu. Trâu quen ngõ đưa chúng tôi về nhà. Rồi Mỹ đem máy bay ra miền Bắc đánh phá. Vào một sáng chủ nhật, tôi và thằng Giá đang chăn trâu ven núi Voi thì máy Mỹ ào đến ném bom vào khu kho của quân đội đóng ở đây. Bom rơi ra ngoài cả khu kho, khu doanh trại bộ đội. Tôi bị ù tai. Đất tung lên rồi rơi xuống ào ào trên người chúng tôi và hai chú trâu. Rất may tôi và Giá đều đội mũ rơm. Chúng tôi lao một khe núi tránh bom. Hai chú trâu chạy tứ tung. Mấy cái máy bay quần đảo vài lượt rồi mới bỏ đi. Chúng tôi chui ra khỏi hang, nhớn nhác đi tìm trâu. Nó chạy đi đâu mất rồi? Có bị trúng bom không? Tôi chạy ra cánh Đồng Quen tìm. Không thấy. Tôi chạy sang khu Nương Sơn. Cũng không thấy. Tôi vù sang khu vực xa hơn là Vườn Vầu. Vẫn không thấy. Buồn quá, tôi thất thểu đi về với bao nhiêu hình dung khốn khổ về chú trâu tội nghiệp của tôi, thì kìa, tôi nhìn thấy gì đây? - Chú trâu của tôi đang ung dung nằm dưới gốc cây mưng cạnh nhà bỏm bẻm nhai lại cỏ gặm được sáng nay! Nó quay lại nhìn tôi bình thản, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi mừng đến nỗi, nếu ôm được nó trọn trong tay, có lẽ tôi đã ôm nó ngấu nghiến! …Có một lần tôi đã đánh rất đau trâu nhà tôi. Mà lại là đánh oan mới tội chứ! Chả là, mùa hè nóng quá, chú trâu của tôi cũng như bao con trâu khác rất thích đằm bùn. Tôi đã hì hụi tắm sạch cho nó, nhưng vừa sểnh ra, nó lại lao xuống vũng bùn để vầy. Toàn thân lấm be lấm bét. Cáu quá, tôi cột chặt dây thừng trâu vào một gốc cây. Tôi dùng roi làm bằng cành cây găng quất rất mạnh vào mình nó. Đau quá, nó chạy vòng quanh thân cây mà có thoát được đâu. Sau đó nó đứng im chịu đòn của đứa trẻ ranh vẫn thường ngồi vắt vẻo trên lưng nó hàng ngày. Cái đứa trẻ ranh ấy, chiều nay sao mà ác thế! Rồi nước mắt nó ứa ra. Nó khóc, khóc lặng lẽ. Tôi buông roi, ôm lấy đầu nó, nước mắt lưng tròng. …Rồi tôi đi lính, hợp tác xã giao chú trâu cho nhà khác chăn. Khi vừa ở chiến trường Quảng Trị ra, tôi hỏi ngay thầy tôi:- Con trâu nhà ta bây giờ ai nuôi, hả thầy? Con muốn đi thăm nó! Thầy tôi khẽ nói:- Nó chết rồi, con ơi! Tôi lặng người đi. Sao một con trâu vốn khỏe mạnh thế, cường tráng như thế lại có thể bị chết cơ chứ! Mãi mãi trong tâm trí tôi ghi đậm hình ảnh của chú trâu thân yêu mà có lần tôi đã đánh oan nó! Ghi chú: Tấm ảnh minh họa là ảnh chụp lại bức tranh Chăn trâu, cắt cỏ do cháu Hoàn (con bà chị thứ ba của tôi) vẽ tặng cậu nó- một đứa trẻ có nhiều năm chăn trâu.
Mấy hôm nay rét quá. Nhớ về cái thuở chăn trâu. Ở quê tôi, nơi thả trâu là những gò đất, rẻo đất ven núi Nương Sơn, Núi Voi, Đá Trụt, Hậu Bành. Vào mùa đông cỏ có mọc được đâu. Trong gió lạnh các đám cỏ ngắn ngủn, lơ thơ, hiu hắt, đỏ quyệch. Trâu gặm mãi không no. Lẽ ra phải yêu thương, chăm sóc “con trâu là đầu cơ nghiệp” như bố mẹ và thầy cô dạy bảo. Nhưng do mải chơi nên chúng tôi cứ để cho lũ trâu tự kiếm ăn thôi. Hồi đó, chúng tôi chưa có áo len để mặc. Mỗi đứa được bố mẹ thắng cho hai, ba áo khách nhuộm củ nâu cứng queo. Đứa có khăn quấn cổ, đứa không. Để chống rét cần đốt lửa hay làm bùi nhùi. Chúng tôi chui vào các bụi dứa dại tìm các thân cây đã chết khô. Mấy đứa khéo tay kết rạ thành những cái bùi nhùi dài ngoẵng. Kiếm được một đoạn thân dứa dại làm bùi nhùi là hay nhất. Lửa của nó rất đượm. Cháy được khá lâu. Lại có mùi thơm thơm. Thằng Phấn hô lên: - Vật nhau cho đỡ rét, chúng mày ơi! Chúng tôi hưởng ứng ngay. Đã vật nhau là phải cởi bớt quần áo. Trong cái lạnh căm căm, từng cặp hai đứa một lao vào nhau giữa tiếng hò reo cổ vũ vang vách núi của lũ trẻ chăn trâu. Tổ chức đánh trận giả cũng là cách làm cho nóng người lên. Có trận đánh bằng gươm đao, có trận đánh bằng súng gỗ, súng bẹ chuối. Cũng có chỉ huy, cũng dàn trận. Lăn lê, bò toài. Tiến lên! A la xô! Xung phong! Đánh giáp lá cà. Súng gươm va vào nhau "xoang xoảng". Chạy nhảy nhiều, bụng đói meo. Mấy đứa con trai bèn rủ nhau đi đào khoai lang. Còn mấy đứa con gái đi vơ rạ nướng khoai. Một đống lửa được đốt lên. Cả lũ nóng lòng đợi khoai chín. Dùng cái que tre chọc chọc vào các củ khoai, thằng Phấn reo to:- Khoai chín rồi! Chín rồi! Ta đánh chén thôi! Chúng tôi chia nhau những củ khoai nóng hổi. Vừa ăn vừa thổi. Rồi cười rúc ra rúc rích. Được ăn khoai lang nướng giữa tiết trời rét đậm, rất thơm, rất ngon. Lũ trẻ chăn trâu sướng nhất trần đời!
Đêm thứ bẩy, 29/12/2012 tôi đi xem kịch Lời thề thứ 9. Kịch bản Lưu Quang Vũ. Đạo diễn Xuân Huyền. Trợ lý đạo diễn: Chí Trung. Kịch do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng và biểu diễn. Xin kể lại nội dung của vở kịch. Ông Hà có con trai là Hiến đóng quân trên biên giới. Ông lên thăm con. Ông vốn là sư trưởng sư đoàn nơi con ông tại ngũ, nay ông là chủ tịch tỉnh. Gần đến nơi, ông xuống xe đi bộ để thăm lại những nơi mà một thời ông đã gắn bó. Bỗng ông bị hai người tự xưng là lính chặn lại. Họ nghi ông là người buôn lậu nên đã yêu cầu ông để lại cái cặp căng phồng. Theo họ, không là kẻ buôn lậu thì ai dại gì mà đi vào vùng rừng núi nguy hiểm này. Ông nói thế nào họ vẫn quyết định tịch thu cái cặp. Ông bảo họ đọc lại Lời thề thứ 9 thì người lính có hai cái răng sứt nói là không thèm đọc cho cái kẻ đi buôn lậu nghe. Ông đi rồi. Hai ngươi lính mở cặp ra xem. Một anh có tên là Xuyên, một anh tên là Đôn sứt. Còn người thứ ba trong tổ 3 người là Hiến đang đứng gác ở một nơi khác. Đôn và Xuyên thấy trong cặp có mấy cái thư, gói bánh, hộp sữa, cái quần đùi và một ít tiền. Họ thích nhất là trong cặp có tiền. Ở quê hương Xuyên, bố Xuyên bị bắt do tố cáo các hành vi tham ô, tham nhũng đất đai, ức hiếp nhân dân của chủ tịch xã Quách Văn Thuần. Tay chủ tịch xã có quan hệ dắt dây thân thiết với các cán bộ xã, huyện, tỉnh. Hắn rất tự tin về vây cánh của mình. Hắn coi trời bằng vung. Còn bố Xuyên vốn là bộ đội kháng Pháp. Chủ tịch xã tống giam ông vào căn hầm đất phía sau trụ sở ủy ban. Ông bị bệnh tim. Sức khỏe rất yếu. Vợ ông gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Gửi cả lên chủ tịch tỉnh Hà mà không được giải quyết. Cô bé Lan hàng xóm đang được con trai ông chủ tịch xã (suốt ngày vi vu trên xe cúp theo đuổi) đã viết thư báo cho Xuyên biết tình cảnh của bố anh. Chính cô bé này đã tận tình đưa mẹ Xuyên đi khắp các cơ quan nhà nước để khiếu nại. Hôm nay Lan lại đưa mẹ Xuyên đến phòng tiếp dân của Ủy ban nhân dân tỉnh với hy vọng được ông chủ tịch tiếp. Tại phòng tiếp dân có những khẩu hiệu: “Cán bộ là đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân; “Nhân dân làm chủ”. Bà Mỡi- chánh Văn phòng UBND tỉnh yêu cầu mẹ Xuyên về địa phương nộp đơn theo đúng trình tự, thủ tục. Thấy cái bảng ghi khẩu hiệu: Nhân dân làm chủ to quá, bà chánh Văn phòng chỉ đạo cho nhân viên: “Sao lại để cái bảng dân làm chủ to thế. Treo cái bảng to thế dân người ta nhìn thấy tưởng mình được làm chủ thật thì có mà loạn. Thay ngay cái khác be bé thôi!”.
Trên biên giới ba chiến sĩ Đôn sứt- Hiến- Xuyên do có thành tích diệt thám báo nên được Ban chỉ huy đại đội thưởng 3 ngày phép. Họ đã bàn bạc và quyết định về quê cứu bố của Xuyên khỏi cảnh bị giam cầm. Nhờ tịch thu cặp của kẻ buôn lậu mà họ đã có một ít tiền nhảy xe, nhảy tầu về quê. Thật trớ trêu: Khi Hiến từ một điểm chốt trở về xem cái cặp thì phát hiện ra có thư của mẹ và các em. Qua mô tả của hai đồng đội, anh biết hai bạn của mình đã tịch thu cặp của bố. Cả ba vô cùng bối rối. Lính lại đi trấn lột của dân mà dân ở đây chính là người nhà của mình?
Tại trụ sở trung đoàn, Chủ tịch tỉnh Hà, trước là sư trưởng sư đoàn này đang phàn nàn với Trung đoàn trưởng và Chính ủy về việc bị lính ta trấn lột. Chính ủy đề nghị ông chủ tịch kể lại nơi bị trấn lột và mô tả hai người lính chặn ông. Ông tả một trong hai người lính trấn ông có cái sẹo bên má phải và có hai cái răng bị sứt. Nghe tin này chính ủy bàng hoàng. Không lẽ lại là Đôn sứt? Người chiến sĩ vô cùng dũng cảm chiến đấu với bọn tham báo mà lại trở thành kẻ trấn lột ư? Trung đoàn trưởng đi xác minh về cho biết: Những kẻ trấn lột ông Hà là Xuyên, là Đôn và cả Hiến con trai ông chủ tịch tỉnh cũng nhận là người trong nhóm đó. Một quyết định được đưa ra:- Lệnh cho quân báo bắt tống giam cả ba người. Biết tin dữ Vân- cô gái làm văn thư ở Trung đoàn bộ rất mến chiến sĩ Hiến, đã chạy một mạch về đại đội để báo cho Hiến- Đôn- Xuyên biết. Tại đơn vị ba chiến sĩ đang lên kế hoạch về quê giải cứu cho bố của Xuyên. Khi Vân báo tin có lệnh bắt giam, ba chiến sĩ vô cùng lo lắng. Họ rất lo kế hoạch giải cứu bố Xuyên mà không được thực hiện thì tính mạng của ông sẽ bị đe dọa. Đại đội trưởng đến, ba chiến sĩ đã nói rõ ý định của họ. Đôn sứt day dứt nói với đại đội trưởng và hai chiến hữu của mình: “Chúng ta vẫn nói nước ta tươi đẹp. Tươi đẹp ở chỗ nào đây. Chúng ta vẫn nói dân ta anh hùng. Dân ta có anh hùng thật không? Dân ta nhát lắm!”. Trước đó, đại đội trưởng đã nhận được lệnh quản lý chặt ba chiến sĩ để sáng hôm sau lực lượng chức năng đến bắt. Dù biết rằng, mình sẽ bị mất chức, bị kỷ luật nặng nhưng đại đội trưởng đã hành động theo tiếng nói của trái tim: Đồng ý cho ba chiến sĩ về quê giải cứu cho bố của Xuyên.
Ba chiến sĩ nhận thấy: Sáng mai lệnh bắt mới được thực thi. Vậy cần phải hành động ngay. Họ sẽ ra đường bắt xe tải ra ga, rồi từ đó bắt tầu về quê Xuyên. Nói là làm họ lao đi để lại Vân văn thư ngơ ngác, lo âu. Sáng hôm sau lực lượng bắt giữ kéo đến. Ba chiến sĩ đã rời khỏi đơn vị. Đại đội trưởng bị chất vấn về tội để các chiến sĩ trốn lệnh bắt. Anh nhận hoàn toàn trách nhiệm về hành động đã không giữ các chiến sĩ ở lại đơn vị nhưng kiên quyết không đồng ý với Trung đoàn trưởng, Chính ủy và ông Chủ tịch tỉnh coi ba chiến sĩ Hiến- Xuyên- Đôn những những chiến sĩ hư hỏng. Lệnh truy nã được phát ra. Cả một lực lượng hùng hậu được huy động đi bắt ba người lính vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Trong lúc ấy, ba chiến sĩ của chúng ta đã tiếp cận được mục tiêu trụ sở ủy ban nhân dân xã. Họ xông vào trụ sở giữa lúc tay chủ tịch đang say sưa nghe ca vọng cổ. Họ trói người bảo vệ lại, họ cắt dây điện thoại. Đôn sứt và Hiến vạch tội chủ tịch Thuần. Rồi họ nhanh chóng giải thoát cho bố Xuyên và tống giam ngay tay chủ tịch xã vào cái hầm đất. Ba chiến sĩ đưa bố Xuyên về nhà. Do bị giam giữ nhiều ngày ông đã bị ngất. Khi biết sự tình con mình cùng hai người bạn đã bỏ đơn vị về giải cứu cho bố, mẹ Xuyên vô cùng lo lắng. Bố Xuyến tỉnh lại. Nghe rõ mọi chuyện, ông yêu cầu ba chiến sĩ đưa ông về trụ sở ủy ban xã và lập tức quay lại đơn vị. Đúng lúc ấy cô bé Lan hàng xóm chạy sang thông báo: Lực lượng đi bắt ba chiến sĩ đang kéo đến. Xuyên, Đôn sứt, Hiến vội chào bố mẹ Xuyên, xách súng chạy lên đồi cố thủ. Lan lao theo. Trong lực lượng vây bắt ba chiến sĩ có Trung đoàn trưởng, Chính ủy, Đại đội trưởng, Chủ tịch tỉnh Hà, Vân- cô văn thư. Và đủ đại diện các phòng ban của huyện, của xã (!). Có cả tay Thuần chủ tịch xã đã được cứu ra khỏi hầm. Hắn dùng loa kêu gọi các chiến sĩ ra chịu tội. Rồi tiếp đó là Trung đoàn trưởng, Chính ủy, Đại đội trưởng ra sức thuyết phục. Vân văn thư trung đoàn thuyết phục không được đã lao lên đồi với các chiến sĩ. Mọi người yêu cầu ông chủ tịch tỉnh nói chuyện với các chiến sĩ nhưng ông lặng thinh. Cuối cùng bà mẹ của Xuyên đã muợn cái ghế của ông chủ tịch tỉnh đang ngồi để đứng lên nói chuyện với ba chiến sĩ và 2 cô con gái.
Họ nghe lời bà, lần lượt đi ra ôm hôn bà. Họ đứng bao quanh Người Mẹ. Người Mẹ ôm các con, nói với các con mà như nói với bao người: - Các con ơi! Đến bao giờ dân mình mới hết khổ, các con ơi! Các con ơi! Đến bao giờ dân mình mới hết khổ, các con ơi!
Ghi chú: Lời thề thứ 7 và Lời thề thứ 9 trong 10 lời thề của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam: Lời thề thứ 7: Xin thề: Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí! Lời thề thứ 9: Xin thề: Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên: - Kính trọng dân - Giúp đỡ dân - Bảo vệ dân và ba điều răn: - Không lấy của dân - Không dọa nạt dân - Không quấy nhiễu dân Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí!
|