|
|
Đang xem 55 - 63 của tổng số 80 Blogs.
Hè xưa, ta lông nhông chạy khắp cánh đồng Phù Long, Đầu Gai, Nà Mả, Cửa Đình, Nương Sơn, Đồng Áng. Khi tát cá, lúc đánh dậm, bắt cua, bắt cáy. Lúc đánh trận giả, khi đánh vật, thi bơi. Da ta đen nhẻm nhèm nhem. Về nhà, khi ta cởi áo may ô ra, ai nấy đều gọi: - Quạ khoang! Quạ khoang!
Hè nào, ta đến Kyrgyzstan. Nắng khô rát, nhiệt độ 40- 43 độ C. Để thân thể không bị khô rộp, mọi người mặc áo bông, uống trà thật nóng.
Hè nay, nóng như thiêu như đốt. Lửa từ mặt đường bốc lên. Lửa từ trên trời đổ xuống. Nóng tỏa ra từ những căn nhà. Cái gáy ong ong. Cái lưng ran rát. Mặt mũi đỏ gay đỏ gắt. Mồ hôi túa ra. Ta nhanh nhanh chạy trốn. Biến vào sau những bức tường bê tông.
Anh chị công nhân đang làm đường. Bác nông dân đang làm ruộng lúa hay đang làm muối. Người thợ đang xây trên cao. Những chàng lính ở trên bãi tập, trên vọng gác ở ngoài đảo xa... Các bác, các anh, các chị, các em biến vào nơi nao?
Xin ghi lại trong bài này cảm xúc của tôi khi nghe tin hồ Komxomol đã được nạo vét, cải tạo. Thay vào một hồ bị rút hết nước, đầy lau sậy và bị ô nhiễm là một hồ đầy nước sạch với sóng nước lao xao.
Đường bậc thang xuống hồ thênh thang Lối dạo ven hồ huyền ảo Sóng lao xao Màn chiều buông xuống… Không gian tĩnh lặng, Đi bên ai Mà lòng xao xuyến, Có chú chim ngừng hót, ngó theo Hồ Komxomol tái sinh Mặt nước lung linh Hoa lá rung rinh, Trái tim muốn hát: - Lại trở về với ta, Hồ nước bao la! Ngày xưa từng cạn kiệt, Ngày xưa từng da diết Nhớ một thời thơ ngây... Hồ nước lại đầy, Trông ngóng những con thuyền, Mái chèo khua nhẹ, Sóng nước xôn xao, thổn thức Xốn xang nhịp đập tim ai! Hồ Komxomol đang đợi Lối nhỏ bên hồ chờ bước chân ai!
Tháng 6/1972 sau 5 tháng chiến đấu ở chiến trường, tôi ngồi viết thư cho thầy mẹ và cho Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã cùng toàn thể nhân dân trong xã. Trong lá thư chung tôi thể hiện tình cảm của mình đối với quê hương, kể về chặng đường hành quân vào chiến trường và những ngày chiến đấu quyết liệt, gian nan… Vừa rồi về quê, rất may, tôi đã gặp được ông cựu xã đội trưởng và nhờ tìm lá thư này. Tiếc là chỉ tìm được 3 tờ kể về thời gian đầu nhập ngũ và trên đường hành quân còn 3 tờ kể về những ngày đánh nhau thì không còn nữa. Xin gửi anh chị em đọc để cùng nhớ lại một thời có những người trong chúng ta đã từng suy nghĩ, đã từng hành động như thế…
Đơn vị 4.6.1972 Các bác, các anh, các chị trong Đảng ủy và Ủy hành chính xã kính mến! Toàn thể nhân dân trong xã kính mến! Thưa các bác, các anh, các chị và toàn thể đồng bào trong xã, Ngày 19.8.1971, chúng con - những người con yêu quý của quê hương được sung vào Quân đội nhân dân Việt Nam vinh quang. Sau trọn 5 tháng được Đảng và quân đội rèn luyện chúng con đã trưởng thành về mọi mặt. Sắp đến ngày nhận nhiệm vụ chiến đấu chúng con được cấp trên quan tâm cho về ít ngày thăm quê hương. Những ngày được sống trên quê hương dạo ấy đến bây giờ đây vẫn in đậm nét trong trí não của chúng con. Chúng con còn nhớ rõ những ngày Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã, Chi ủy và Ban quản trị các hợp tác xã tổ chức gặp mặt anh em chúng con. Đó là những buổi gặp gỡ rất nhiều ý nghĩa, rất thân mật, thiêng liêng và cảm động. Những lời căn dặn, những lời chỉ bảo ân tình và những lời hứa của tất cả những người ở lại hậu phương làm cho chúng con thêm an tâm, vững vàng một ý chí quyết tâm: Quyết đi, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Ngày 19.1.1972 chúng con được lệnh đi chiến đấu. Với bầu máu nóng của tuổi trẻ, với ý chí quyết tâm cao, sẵn có trình độ kỹ và chiến thuật của quân đội rèn luyện, chúng con đã lên đường với tất cả niềm phấn khởi, tự tin. Hôm đi qua huyện nhà (20.1) chúng con lại được chứng kiến cảnh tượng tiễn đưa vô cùng thiêng liêng và cao thượng giữa người đi chiến đấu và người ở lại hậu phương. Chúng con đã được cha mẹ, các bác, các anh, các chị động viên, an ủi. Những lời nói thân thiết và cảm động của người cha, người mẹ vẫn còn in sâu trong lòng chúng con: “Con cứ yên tâm đi chiến đấu, chiến đấu cho thật giỏi, giết được nhiều giặc cho nước nhà mau thống nhất. Con không lo gì đến bố mẹ cả. Bố mẹ đã có Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã, hợp tác xã và bà con giúp đỡ... Ở hậu phương bố mẹ sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với tiền tuyến lớn”. Trước tấm lòng cao cả ấy, với quyết tâm của tuổi trẻ quyết phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp nhất của mình chúng con ai nấy đều phấn khởi, hồ hởi lên đường đi chiến đấu. Sau những giây phút xao xuyến trong lòng chúng con lại trở lại là những người giầu nghị lực, tràn đầy nhựa sống. Ngồi trên tầu chúng con hát vang những bài ca cách mạng. Tiếp đến những ngày hành quân (bằng) xe ô tô, từ trên xe chúng con đã hát vang bài ca “Giải phóng miền Nam”, “Tuổi trẻ lên đường”.
Lúc nào chúng con cũng vững vàng ý chí quyết tâm: “Đi mau tới đích tiêu diệt quân thù”. Cuộc thử lửa trên đường hành quân bắt đầu. Bắt đầu vượt đèo leo dốc, vượt suối ngàn dưới sự dòm ngó của quân thù. Không mảy may lùi bước trước bất cứ mưa bom bão đạn của quân thù, đèo dù có cao, có cheo leo đến mấy chúng con cứ đi, cứ lao đi, lao đi hết ngày này qua ngày khác. Đoàn quân chúng con như một mũi tên sắc nhọn sắp đâm vào cổ quân thù. Quân thù run sợ cố tìm kiếm và tiêu diệt nhưng chúng không thể làm được. ……….
Dạo ấy nhà tôi có phần còn gieo neo. Nhiều gia đình cũng vậy. Bữa cơm hầu như không có thịt cá. Rau đâu có nhiều. Gạo thì là gạo cũ bị ẩm, bị mốc. Mọi thứ đều theo chế độ tem phiếu. Lẽ đương nhiên, ti vi chưa thể có. Cả 5 dẫy nhà với mấy chục hộ trong khu tập thể mà chỉ có ba cái ti vi. Một cái ở nhà ông bà Niên- Hảo. Một cái bên nhà bác Chúc. Một cái nữa của nhà bác Hựu. Hồi đó các nhà chưa cửa đóng then cài như bây giờ. Cháu N- con trai tôi rất thích xem tivi nên cứ tự nhiên xà vào nhà các bác xem nhờ. Có hôm cậu sang nhà ông bà Niên- Hảo xem phim. Đúng vào bữa tối. Bà Hảo hỏi cu N ăn cơm chưa? N thật thà:- Bây giờ mẹ cháu mới thổi cơm bà ạ. - Vậy ăn cơm với ông bà nhé? Dạ, vâng ạ- Cháu trả lời rất khẽ. N ngồi ăn bữa tối với ông bà và các cô các chú. Ăn cơm với thịt gà, với cá ngon quá. Nhà ông bà thường có thịt gà bởi vì bà làm ở trại gà mà. Còn cá, chú Hùng- con trai ông bà câu trộm được ở hồ của hợp tác xã ngay cạnh nhà. Ba mẹ sang đón con về. Con trai có vẻ chần chừ. Bà Hảo liền bảo để cho cháu ăn xong bữa đã. Đưa con về nhà rồi mẹ mới thẽ thọt: - Sao con nói sang xem tivi nhờ mà lại đi ăn chực nhà bà Hảo? - Con có ăn chực đâu. Ông bà mời mãi, mời mãi con mới ăn đấy chứ!- N ta trả lời khá rành rọt.
Tôi vừa có chuyến về quê trong dịp giáp Tết Nhâm Thìn. Trong chuyến đi này tôi lại gặp lại những cây gạo, cây đa, những trái núi thân thiết, gần gũi của tuổi thơ tôi. Gặp lại những bông hoa búp bỏng, hoa xương rồng. Được ăn trái khế ngọt lành trong mảnh vườn thầy bu tôi để lại.
Sau khi làm lễ ở nghĩa trang và từ đường phái tộc, thắp nén hương báo cáo với thầy bu về công việc trong năm của gia đình, tôi đi quanh xóm thăm anh em bà con và bạn bè. Tôi đến thăm các vị cao niên trong tộc họ, đến viếng bà Tãnh và bà Cấp mới đi về cõi vĩnh hằng cách đây hai tuần. Bà Tãnh là xã viên hợp tác xã cùng với tôi vào những năm 60 của thế kỷ trước. Năm nay bà thọ 96 tuổi. Tôi đã được cùng bà đi bỏ phân, làm cỏ, gặt lúa, trục lúa, trồng khoai. Bà là người rất vui tính, kể chuyện tiếu lâm rất hay. Bà hay nói tục nhưng cứ chống chế:- Tao nói ngọng chữ “l”, chúng mày bảo tao nói tục là oan cho tao lắm. Bà hò cũng tuyệt. Mấy đứa con chọn tấm ảnh bà đang nheo mắt cười làm ảnh thờ, trông rất ngộ. Bà có đứa con gái đầu lòng tên là Sơ cùng tuổi với tôi. Năm lên 9 tuổi nó bị chó dại cắn, sốt li bì trên chục ngày rồi ra đi. Hôm nay lúc thắp hương cho bà Tãnh tôi thầm nói chuyện với cái Sơ như cái thuở hai đứa cùng đi chăn trâu, cắt cỏ ven núi Nương Sơn. Bà Cấp- chị dâu của tôi năm nay đã 85 tuổi. Khi nào tôi về quê bà chị cũng chạy sang:- Chú N đã về đấy à! Có hay lên Sơn Tây thăm bà Hành không? Về được lâu không? Chị tôi rất vui chuyện. Chị kể mọi chuyện, trên trời dưới bể. Chuyện xưa chuyện nay, không dứt ra được. Chị kể chuyện hồi bọn Pháp bắn moóc chê xuống chân núi Mỏm Nàng. Chuyện tầu bay Mỹ ném bom khu Động Thiên Tôn. Trung đội dân quân xã tôi bắn rơi một tầu bay Mỹ được thưởng một con bò. Rồi chuyện hợp tác xã tổ chức tiễn mấy đứa em của chị, trong đó có tôi đi bộ đội. Chị chúc chúng tôi thắng trận trở về. - Chị Cấp ơi! Em N lại về tiếp chuyện chị đây. Chị em mình kể chuyện nuôi bèo hoa dâu, đi làm cỏ sục bùn bằng cái cào cỏ cải tiến nặng chình chịch năm xưa nhé! Cuối buổi chiều tôi đi thăm Đặng Ngọc Phấn- thằng bạn cùng nhập ngũ năm 1971. Phấn và tôi nhập ngũ một ngày, cùng nhau luyện rèn ở đồi Đô, Lạc Thủy, Hòa Bình. Chúng tôi cùng sang Lào, tham gia chiến đấu ở cánh đồng Chum, Sảm Thông. Rồi cùng vào Quảng Trị. Phấn là một chàng trai to khỏe. Hồi còn đi chăn trâu trong các cuộc thi vật nhau, hắn luôn giành phần thắng. Cả nhóm có 9 đứa thì 8 đứa nuôi trâu, chỉ riêng Phấn có một chú bò. Khi thi phi trâu bò bao giờ Phấn cũng về nhất vì con bò của hắn phi rất nhanh. Chúng tôi coi con bò của Phấn như chú "ngựa chiến". Cả Phấn và chú "ngựa chiến" này đều có dáng rất đẹp. Trong thời gian ở chiến trường do có sức khỏe tốt, Phấn thường được đơn vị giao súng ĐKZ hoặc súng trung liên. Khi xung trận hắn có dáng rất kiêu hùng. Phanh áo ngực, hét vang trời, xả đạn vào đối phương. Phấn đã hai lần được thưởng Huân chương chiến công. Khi tôi đến, Phấn đang ngồi trên xe đẩy. Cơ thể bạn tôi đang teo dần. Đôi chân to lớn, rắn chắc khi xưa nay teo tóp, khòng kheo. Các cơ trên đôi tay của bạn cũng đang dần dần biết mất… Tôi ôm lấy bạn:- Phấn ơi! Le Te về thăm Phấn đây!- Le Te hả? Vợ con mày có về không? Trông mày có vẻ béo ra đấy! Chúng tôi ngồi ôn lại cái thời trẻ con đi học trường làng, đi chăn trâu, bắt cua, đánh dậm, đánh trận giả ở quê, đánh trận thật ở Lào, ở Quảng Trị. Giọng Phấn vẫn sang sảng. Vậy mà bạn không thể đi lại trên đôi chân của mình được nữa.- Phấn ơi! N đi đây! N để lại cho Phấn ít tiền mua thuốc men chữa bệnh. - Cám ơn N. Lần sau N về không biết có còn gặp được Phấn nữa không.- Sao lại không gặp được Phấn nữa. Bom đạn mù trời có “tiu” được ông bạn của tôi đâu! ... Quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác cứ như một công trình xây dựng khổng lồ. Đất đá đổ đầy hai bên đường. Quốc lộ ở giữa thành sông, thành ao trông rất nhếch nhác. Những bờ xôi ruộng mật đang bị những khu đô thị mới, khu công nghiệp xóa sổ. Mặt đất bị cào xới khắp nơi. Các trái núi bị gặm nhấm nham nhở… Không biết đến bao giờ quá trình tấn công vũ bão vào thiên nhiên mới dừng lại. Chúng ta đang đi về đâu?
Trời lạnh căm căm. Gió rít từng hồi. Mưa rơi lộp bộp. Tay chân tê cóng. Nhiệt độ xuống 8- 9 độ C. Trẻ con phải nghỉ học. Người lớn nếu có phải ra đường, ai nấy đều đi thật nhanh để sớm được chui vào những căn nhà ấm áp. Bật lò sưởi lên. Ngồi rung đùi với cốc trà nóng.
Anh chị công nhân trên đường Khuất Duy Tiến biết chui vào đâu. Họ không thể chui vào đâu cả. Vẫn hối hả đào hố. Làm khung sắt. Đổ bê tông. Điều khiển cần cẩu. Lắp đặt các dầm cầu. Họ không thể mặc nhiều quần áo như bạn, như tôi. Mặc thế vướng víu lắm. Làm việc sao được. Họ vẫn hăng say làm việc trong cái lạnh căm căm.
Anh chị công nhân ơi! Anh chị được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn chưa. Mỗi tháng được lĩnh bao lương. Công ty có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho không. Tết này được thưởng bao nhiêu. Bao giờ, đến bao giờ mỗi chị, mỗi anh có thể mua hoặc thuê cho mình một căn hộ. Nhỏ thôi, 8-9 m2. Rồi còn lấy chồng lấy vợ. Ước gì, ước gì hè này được ra biển nghỉ lấy vài ngày. Cho bõ 24 tháng gian nan. Chịu nóng như thiêu như đốt vào hè. Chịu rét cắt thịt da vào thời cao điểm gấp rút hoàn thành công trình nên phải làm ngày làm đêm trên đường vành đai 3 ở Thủ đô Hà Nội.
Câu chuyện rơi nước mắt về bà lão bán rau trên Facebook
- Sao chú mua nhiều thế?
Mấy chục năm qua tôi đã đi qua nhiều vùng miền đất nước, đã được ngắm những cây lộc vừng trong các khách sạn, trong các vườn cây cảnh và trong vườn nhà nhiều bạn bè. Đó là những cây lộc vừng rất đẹp. Nhưng để lại ấn tượng trong tôi lâu dài nhất là cây lộc vừng bên ngõ nhà tôi ở quê. Cây lộc vừng này mọc trên đất nhà ông Tập. Đây là một cây lộc vừng to lớn, cành lá xum xuê, che mát cả một khoảng đất rộng. Dưới gốc cây lộc vừng chúng tôi chơi bi tự chế từ các hòn đá nhỏ, chơi đánh đáo bằng các hạt gấc hoặc các đồng tiền xu, chơi nhảy dây, chơi ù, chơi đánh chắt, đánh chuyền… Đến mùa hoa lộc vừng nở rụng đỏ quanh gốc cây. Mấy đứa con gái nhặt những cánh hoa rồi lấy chỉ xuyên vào làm thành những chuỗi vòng hoa đeo tòng ten trước ngực trông rất ngộ. Hoa lộc vừng có hương thơm dịu, thoang thoảng. Tôi say, tôi mê hương hoa lộc vừng. Hương hoa lộc vừng theo tôi đi khắp nơi. Những năm tháng ở chiến trường hay sang xứ Moldavia, nhiều lúc vẫn như cảm thấy hương thơm dìu dịu của hoa lộc vừng quấn quýt bên tôi. Năm trước về quê, tôi không còn thấy cây lộc vừng nữa. Nhà ông Tập bán đất cho người khác. Ông chủ mới đã bán cây lộc vừng để lấy đất làm nhà. Cây lộc vừng không còn đã để lại cả một khoảng trống trong ngõ nhà tôi. Cây lộc vừng của tuổi thơ tôi không còn nữa. Mất đi một người bạn lớn từ thời ấu thơ, tôi rất buồn. Nhân dịp về thăm bà chị cả lấy chồng ở Quốc Oai, tôi đem chuyện này kể với chị. Chị bảo: - Em nhớ cây lộc vừng thì trồng lấy một cây trước cửa nhà ấy. - Em đã mua một cây của người bán rong về trồng nhưng một thời gian sau nó chết mất rồi. - Bên cô Trinh có ươm rất nhiều cây lộc vừng. Em sang chọn lấy một cây đem về trồng. - Dạ, vâng, thế thì may quá, em sẽ sang xin cô Trinh một cây về trồng ngay bây giờ đây. Tôi sang nhà cô Trinh (em gái của anh rể tôi) xin một cây. Sáng hôm sau, đứa cháu rể đã đánh và đem ngay ra nhà cậu. Đây là một cây lộc vừng mới lớn. Hai cậu cháu hì hục đào một cái hố ở bên góc sân trước nhà rồi trồng cây lộc vừng xuống đó. Mới đấy mà đã được 5 năm. Sau một năm cây lộc vừng đã trổ hoa nhưng chỉ có 3 bông. Năm thứ hai, thứ ba, thứ tư cây tiếp tục ra hoa, nhưng cũng chỉ có 5- 7 bông. Năm nay cây lộc vừng nhà tôi ra hoa nhiều quá. Từ tháng 4 đến tháng 9 nó đã ra 4 đợt, đợt nào cũng ra rất nhiều hoa đẹp. Bước sang tháng 11, cây lộc vừng nhà tôi đã có nhiều lá vàng. Thế mà giữa những lá vàng tôi phát hiện những dây hoa đang nhú ra. Tôi rất vui nói với cả nhà:- Cây lộc vừng nhà ta lại ra hoa một lần nữa đấy. Ai nấy đều rất mừng. Mới đầu chỉ là một vài bông nhú ra. Chẳng bao lâu sau vô vàn các dây hoa dăng dăng khắp các cành cây. Trông rất vui mắt. Mấy hôm nay hoa nở rất nhiều. Lại như thuở xưa, tôi được hít hà hương thơm dìu dịu, rất quyến rũ của hoa lộc vừng. Một cảm giác thư thái, an nhiên lan tỏa trong tôi!
Nhìn kỹ mới thấy một vài dây nụ hoa vừa nhú ra
Đã có thêm những dây nụ hoa mới góp mặt
Lá xanh, lá vàng, nụ hoa và ánh nắng mặt trời le lói
Từ đầu một cành cây nảy ra 5 dây hoa
Những cánh hoa mong manh, mong manh
Những dây hoa lộc vừng dăng dăng
Hoa đỏ đậu trên lá vàng. Chú ốc sên con đang bò Các con tôi kết cánh hoa lộc vừng thành hình trái tim Anh Quý Huy ghé thăm
NghiPH rất vui
Hoa lộc vừng nở rộ
Lá vàng che chở cho những cánh hoa mong manh
Lá vàng rụng kín một khoảng sân
Ảnh Lê Minh Trung (con trai chị Khuất Minh Hoa, Sinh vật 1981)
Lời tựa của tác giả: Giữa hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ có danh và chưa rõ danh tại nghĩa trang liệt sỹ Phong Điền, có duy nhất một ngôi mộ khác lạ. Ngôi mộ ấy trên bia không có dòng tên, không có dòng đơn vị, không có năm sinh, ngày mất nhưng chính giữa ngôi sao năm cánh nằm trên mộ ấy có một mầm sống xanh mướt, vươn lên mãnh liệt giữa nắng gió của miền Trung. Sự hy sinh không phải là kết thúc, người liệt sỹ ra đi để đem lại cho chúng ta sự sống mới, hãy nâng niu và trân trọng màu xanh, nâng niu và trân trọng sự sống, bởi mỗi cành cây, ngọn cỏ trên đất nước Việt Nam này được bảo vệ và giữ gìn bởi chính xương máu và là hóa thân của linh hồn các bậc cha anh. Xin cúi đầu trước anh linh các anh hùng liệt sỹ. Nguyện một lòng tri ân. Không vì danh, không vì tiếng, không vì tài, không vì lộc. Chỉ mong sơn hà: âm siêu dương thái.
Vượt qua hàng trăm tấm ảnh, tác giả tấm ảnh Mầm sống đã đạt được giải nhất cuộc thi Geen and a piece of me.
Ban tổ chức cuộc thi đã phân tích, đánh giá: Ý nghĩa của cuộc thi tăng lên khi BTC biết tác giả của tác phẩm Mầm sống là một bạn trẻ. Điều đó cho thấy thế hệ trẻ Việt Nam rất quan tâm đến lịch sử, trân trọng những gì mà cha ông để lại và sống có trách nhiệm hơn. Điều đó cũng chính là tinh thần Xanh mà BTC muốn khơi gợi ở các bạn trẻ.
Tiêu chí để tác phẩm Mầm sống được trao giải cao nhất là bức ảnh thể hiện được mầu Xanh bên ngoài với mầu Xanh bên trong tâm hồn. Sự sống vươn lên từ những hy sinh mất mát. Hình ảnh dung dị mà lay động lòng người.
Bức ảnh Mầm sống đã được đem ra đấu giá để gây Quỹ hoạt động thiện nguyện của Trung tâm quản lý dữ liệu về liệt sĩ và người có công (Trung tâm Marin) do chị Ngô Thị Thúy Hằng làm Giám đốc.
|