|
|
Đang xem 64 - 72 của tổng số 80 Blogs.
Tối hôm nay 31/10/2011 chúng tôi đến Cung Văn hóa Hữu nghị dự Cầu truyền hình trực tiếp đặc biệt với hai đầu cầu là thủ đô Hà Nội và thủ đô Moskva mang tên “Bài ca chiến thắng” nhân kỷ niệm 70 năm cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ (7/11/1941-7/11/2011), cũng như năm bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Điểm cầu ở Moskva là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật của khách sạn Kosmos- nơi đoàn Về nguồn đã lưu lại trong những ngày tham quan thủ đô của nước Nga. Anh chị em Hội Người KGU tham dự Cầu truyền hình trực tiếp có cả nhà chị Chi (4 người gồm anh chị và hai cháu), chị Phạm Thanh Bình, vợ chồng anh Vũ Chu Hiền, vợ chồng Hạnh- Nghị và chị Hương Hương. Có thể có những anh chị em khác nữa cũng đến dự mà chúng tôi chưa nhận ra.
Trong khoảng ba giờ đồng hồ của Cầu truyền hình, chúng tôi đã được xem lại những thước phim lịch sử về những mốc quan trọng nhất kể từ ngày chiến tranh bắt đầu là ngày 22/06/1941 cho tới ngày chiến thắng 9/5/1945: Đức bất ngờ tấn công Liên Xô 22/6/1941; Phòng thủ Moskva, trong đó có có sự kiện những sỹ quan và chiến sỹ tham gia duyệt binh ngày 07/11/1941 trên Quảng trường Đỏ đã tiến thẳng ra mặt trận đánh phát xít Đức; Trận Stalingrad; Trận vòng cung Kurk; Lêningrad 900 ngày đêm bị phong tỏa và phá phong tỏa của bọn Đức...
Tôi rất xúc động khi nghe một số nhân chứng của các sự kiện này kể lại những năm tháng khốc liệt và hào hùng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Liên Xô đã chịu gánh nặng nhất của chiến tranh. Liên Xô bị tổn thất to lớn nhất, nặng nề nhất, riêng số người bị hy sinh, bị chết là trên 20 triệu người. Liên Xô đã giải phóng cả loài người khỏi họa phát xít.
Một người lính đã kể về việc mình tham gia trận vòng cung Kurk như thế nào. Ông nói: Lần đầu tiên tôi ra trận run bần bật. Bên cầu Hà Nội, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tán đồng:- Tôi còn run hơn thế!
Và điều đặc biệt là chúng tôi đã được nghe 15 bài hát về chiến tranh, về thân phận con người trong chiến tranh, về tình yêu, về tình người trong chiến tranh, về niềm vui chiến thắng qua giọng hát của ba ca sĩ Nga và một số ca sĩ Việt Nam. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng và các đồng đội cũng đã hát khá hay bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Dàn nhạc của quân đội Nga đã chơi rất hay.
15 bài hát chúng tôi được thưởng thức, đó là: 1. Bài ca thanh niên sôi nổi 2. Cuộc chiến tranh thần thánh 3. Cachiusa 4. Giờ này anh ở nơi đâu? 5. Đêm đen 6. Cô bé ơi, đừng khóc! 7. Mẹ ơi, hãy nói với ! 8. Đàn sếu 9. Ba chiến sĩ xe tăng 10. Năm anh em trên một chiếc xe tăng 11. Họa mi 12. Aliosa 13. Những con đường 14. Trận chiến đấu cuối cùng 15. Ngày chiến thắng
Mấy anh em chúng tôi đã tham gia hát rất to cùng cả hội trường hai bài Bài ca thanh niên sôi nổi và Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Đại tá Chu Kỳ Minh hát to nhất, rõ nhất, trầm hùng nhất. Các bài hát khác anh chị em ta đều thuộc, nhất là chị Bình Phạm, chị Hương Hương, Hạnh và anh Kỳ Minh. Các ca sĩ hát đến bài nào mấy anh chị đều hát theo say sưa. Chị Chi bình luận: -Toàn bài về lính, về Chiến tranh Vệ quốc nên đại tá Minh thuộc hết mà.
Cám ơn Đài truyền hình Việt Nam đã làm một công việc rất có ý nghĩa- thực hiện C truyền hình cảm động, tưởng nhớ, tri ân. Chúng ta không bao giờ quên công lao và sự hy sinh to lớn của nhân dân và quân đội Liên Xô đã cứu nhân loại khỏi ách phát xít. Không ai có thể bị lãng quên, không có gì có thể bị quên lãng! Vinh quang đời đời thuộc về nhân dân Liên Xô và các chiến sĩ Xô Viết!
Hỡi nhân loại! Hãy luôn cảnh giác!
NghiPH
Xin kể các anh chị em nghe một chuyện ở khu tập thể thời bao cấp
Do chỉ được phân cho nửa phòng 6 m2 hoặc 9 m2 nên nẩy sinh nhu cầu cơi nới để có chỗ cho bà nội, bà ngoại ra chăm cháu, nhất là khi có đứa con thứ hai. Rồi cũng cần có chỗ nấu nướng, nuôi gà, nuôi lợn nữa.
Cơi nới ra không gian còn trống phía trước cửa ấy mà. Đương nhiên là Nội quy khu tập thể cấm cơi nới. Nhưng một người làm được thì những người khác cũng làm được. Rồi “té nước theo mưa”. Một số gia đình có tiền thì đi mua gạch, gỗ, xi măng về làm. Còn những nhà không có tiền thì làm sao đây? Anh H- một người nổi tiếng bắt cá giỏi trong đầm sen Liễu Giai đã có một “sáng kiến”.
Khi đó trong khu tập thể người ta đang xây một dẫy nhà mới. Thời cơ đã đến. Anh H sáng nào cũng dậy rất sớm, chạy tập thể dục, miệng hô to: một, hai, ba, bốn; tay quơ hai viên gạch từ đống gạch bên cạnh dẫy nhà đang xây. Miệng vẫn hô to: một, hai, ba, bốn; hai tay đưa viên gạch lên xuống như đang tập tạ; ngó trước ngó sau, chạy vù về nhà, bỏ gạch vào gầm giường.
“Kiến tha lâu ngày đầy tổ”. Cát và gỗ anh cũng lấy theo cách tương tự. Nhưng còn vôi? Đã có thùng vôi mới tôi, có thể “xin” được. Anh dậy sớm, đem xô, đem cuốc (hàng ngày cuốc được dùng để trồng rau) đi lấy. Anh ung ung xách xô vôi về nhà.
Ai dè, bảo vệ cơ quan lần theo dấu nước vôi rớt trên mặt đường đã ào tới. (Báo hại, cái xô do phải xếp hàng lấy nước trong nhiều năm nên đã quá mòn, bị thủng lỗ chỗ). Hai bác bảo vệ xông vào nhà anh H: - Tại sao anh ăn cắp vôi của cơ quan? Chúng tôi bắt quả tang nhé! Anh H từ tốn mời hai bác bảo vệ vào nhà. Pha nước chè mời hai bác uống. Anh nhỏ nhẹ hỏi hai bác: - Bây giờ các bác tính sao? - Chúng tôi sẽ lập biên bản về tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa rồi gửi lên cơ quan anh. - Các bác cứ lập thôi nhưng cái chính là phải lập cho chính xác. - Chúng tôi sẽ viết rõ là anh lấy trộm vôi của cơ quan tức là anh ăn trộm tài sản xã hội chủ nghĩa. - Các bác đợi em một tý, em cho các bác xem cái này. Rồi anh mở tủ lấy Quyết định phân nhà đưa cho hai bác bảo vệ:- Em mời hai bác đọc cái này. - Đây là giấy phân nhà cho anh, anh đưa cho chúng tôi xem làm gì? - Các bác cứ đọc kỹ đi xem có phải là giấy phân nhà cho em không? - Đúng là giấy phân nhà của cơ quan cho anh. Thế nó gắn gì với việc anh ăn trộm tài sản của cơ quan. - Có gắn đấy các bác ạ. Cái nhà tôi được phân là tài sản xã hội chủ nghĩa, có đúng không? - Đúng! - Cái xô vôi tôi lấy ở chỗ thùng vôi về đây cũng là tài sản XHCH, có phải không? - Phải! - Vậy cả hai cái này đều là tài sản XHCH cả? - Đúng! - Hai cái này đem nhập vào nhau thì vẫn là tài sản XHCN? - Đúng! - Vậy em có ăn trộm của ai đâu, hai bác à! - ? ? ?
(Chú ý: Không được tuyên truyền cho việc trộm cắp tài sản, dù đó là tài sản của bất cứ ai!)
NghiPH Đoàn của tôi đến Oslo vào lúc 0h25 ngày 17.11.2011 sau chuyến bay dài 11h30 phút từ Băng Cốc. Về tới khách sạn rửa mặt, đi ăn sáng, chúng tôi có buổi làm việc đầu tiên với các bạn Na Uy trong chương trình đối thoại nhân quyền thường niên Việt Nam- Na Uy. Chủ đề trao đổi hôm nay là: 1. Vụ khủng bố 22/7/2011 và nguyên tắc suy đoán vô tội; 2. Vụ khủng bố 22/7/2011 và báo chí.
Về chủ đề thứ nhất, ông phụ trách cảnh sát điều tra hình sự của Na Uy cung cấp thông tin: Vụ khủng bố 22/7 đã làm cả nước Na Uy rung chuyển. Cả đất nước chìm trong đau thương vô hạn. Vụ nổ bom gần tòa nhà chính phủ giết hại 7 người và làm bị thương nhiều người. Vụ xả súng giết chết 69 người. Kẻ giết người Breivik đã ra đầu thú. Theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, chúng tôi cần điều tra, thẩm vấn chu đáo nhưng dư luận xã hội và báo chí cho rằng tay này phạm tội là rõ ràng rồi, hắn đã tự thú thì không cần điều tra, thẩm vấn nữa. Chính vì vậy, chúng tôi đã mời các nhà báo đến dự thẩm vấn và đưa lên truyền hình. Xưa nay chưa làm như vậy bao giờ. Nguyên tắc suy đoán vô tội là thành tựu của nền tư pháp nhân loại chúng tôi nhất định không từ bỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Về chủ đề thứ hai, những người tham gia trao đổi đã điểm lại nội dung và thái độ của báo chí trong nước trong thời gian sau vụ khủng bố. Nhìn chung báo chí đã đề cập mấy nội dung sau: Thứ nhất, nói về cá nhân tên khủng bố Breivik- một người sống trong một gia đình bố mẹ ly hôn, ly tán, có tâm lý không ổn định, sớm bỏ học, việc làm bấp bênh. Từ đây hình thành tư tưởng ghét người nước ngoài, chống đối chính quyền đã cho đạo Hồi phát triển ở Na Uy. Thứ hai, viết về các nạn nhân của vụ khủng bố như về độ tuổi, nghề nghiệp, sở thích, tình cảnh gia đình. Thứ ba, viết về phản ứng của các cơ quan nhà nước, nhà chức trách trong thời gian xảy ra vụ khủng bố. Báo chí khen Chính phủ luôn sát cánh với người dân ngay trong thời gian vừa xảy ra khủng bố, thành lập ủy ban độc lập điều tra về khủng bố. Chê Chính phủ, lực lượng cảnh sát đã phản ứng chậm trong vụ khủng bố này. Tại sao lực lượng cảnh sát không được trang bị máy bay trực thăng để ứng phó kịp thời, tại sao các cơ quan trọng yếu của nhà nước không được bảo vệ? Thứ tư, viết về các khía cạnh chính trị- xã hội sau khủng bố. Các đảng chính trị đều học được nhiều bài học từ khủng bố. Nhân dân trấn an nhau, trấn an chính quyền không nên hốt hoảng vì khủng bố. Dư luận xã hội đòi hỏi các cơ quan công quyền chủ chốt phải được bảo vệ. Sau vụ khủng bố, xã hội Na Uy đồng thuận hơn, đoàn kết hơn, mọi người gắn kết với nhau hơn. Thứ năm, ở góc độ hình sự cần nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi: Ở Na Uy có nên xác lập lại hình phạt tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng không? (Hiện nay theo pháp luật của Na Uy không có hình phạt tử hình) Thứ sáu, chính báo chí phải nâng cao trách nhiệm xã hội, không thổi phồng các thiệt hại gây hoang mang cho nhiều người; không viết quá chi tiết về các tội ác. Ngày mai chúng tôi tiếp tục đối thoại.
Thời điểm này cả thành phố Oslo cũng đang được trải một mầu vàng rực (khá giống với màu vàng của thành phố Xanh Peterbua). Thủ đô Na Uy chỉ có 550 nghìn dân nên không có nhu cầu xây nhà cao tầng. Các nhà chỉ khoảng 3- 5 tầng. Cả thành phố chỉ có một khách sạn cao 34 tầng và bị coi là ngôi nhà xấu nhất thành phố. Rất nhiều gia đình sống trong những căn nhà nho nhỏ xinh xinh. Khắp nơi có các khoảng cây xanh, thảm cỏ. Trước năm 1914 Na Uy khi thì phụ thuộc Đan Mạch, khi thì phụ thuộc Thụy Điển. Nước này về diện tích tương đương với Việt Nam nhưng dân số chỉ có 5 triệu người. Họ có nguồn khoáng sản rất lớn, có nghề hàng hải, nghề đánh cá rất phát triển. Na Uy là một nước có mức sống rất cao trên thế giới. Chính quyền Na Uy khẳng định: Không vì nạn khủng bố mà thắt chặt, kiểm soát chặt con người đến mức vi phạm quyền con người. Nước Na Uy phải giữ gìn và phát huy thành tựu về dân chủ và pháp quyền đã đạt được sau nhiều thập kỷ tạo lập.
NghiPH Nhà của cô giáo chúng tôi đây. Phòng làm việc của cô giáo chúng tôi đây. Từng tập, từng tập giáo án cô soạn; từng tập, từng tập tài liệu minh họa cho bài giảng do cô sưu tầm; những tờ giấy ghi bài phát biểu của cô vẫn còn nguyên vẹn trên bàn kia. Chúng tôi bước lại gần cái bàn thân thương, quý giá. Bên bàn này cô đã ngồi thâu đêm soạn bài giảng cho chúng tôi. Những bức tranh, tấm rèm phong cảnh Việt Nam vẫn còn đây. Chúng tôi lặng người khi nghe chồng và con gái của cô kể chuyện về cô. Cô của chúng tôi lúc nào cũng yêu Việt Nam, yêu thương sinh viên Việt Nam, dành tình cảm và sự chăm sóc đặc biệt cho sinh viên Việt Nam. Thật là hạnh phúc đối với cô trong những ngày bị bệnh hiểm nghèo đã có học trò từ Việt Nam sang thăm hỏi. Hôm cô đi xa, các trò Việt Nam đã gửi điện tín chia buồn cùng chồng và con gái của cô. Ольга- em gái bé nhỏ, xinh xắn năm xưa ứa nước mắt nói với chúng tôi:- Mẹ em rất yêu quý các anh, các chị. Lúc nào cũng nhớ đến các anh, các chị. Tình cảm yêu quý sinh viên Việt Nam của mẹ em đã truyền sang em, sang bố em. Em cũng rất yêu quý và rất nhớ các chị, các anh! Cả nhà Ольга đều trân trọng những kỷ vật của cô giáo chúng tôi để lại. Mọi thứ đều được giữ gìn rất cẩn thận. Mọi thứ vẫn như xưa. Không gian, thời gian như lắng đọng trong căn phòng này. Chúng tôi cảm thấy mình nhẹ bỗng, bồng bềnh, bồng bềnh… Cô giáo chúng tôi vừa chạy ra ngoài một tý thôi mà. Chút nữa cô sẽ trở về với mái tóc vàng rực rỡ được uốn chải công phu, với giọng nói tiếng Nga chau chuốt, mượt mà, không thể lẫn với ai. Chúng tôi lại được quây quần bên cô, bên chồng cô, bên em Ольга nhí nhảnh. Được thưởng thức những món ăn rất ngon do cô nấu. Cô còn chuẩn bị sẵn mấy lọ mứt, lọ nước hoa quà để tý nữa “bắt” mấy đứa chúng tôi đem về ký túc xá. Chủ nhật tới, chúng tôi lại ríu ra, ríu rít, tíu ta, tíu tít bên cô đi hoạt động hữu nghị, đi lao động ở vùng ngoại thành thoáng đãng với công việc buộc các dây nho lên giây thép giăng ngang… Cô ơi! Chỉ một chút, một chút nữa thôi cô sẽ hiện ra ở bên cánh cửa kia. Chúng con sẽ ào ra xà vào lòng cô: - Здравствуй Мама! Мы- твои ученики. Мы приехали из Вьетнама. Мы вернулись дома, Мама!
Tôi vốn là người không có tính tiền phong, gương mẫu, không hăng hái, học hành bình thường thế mà có đến hai năm học được các bạn đoàn viên bầu vào Ban chấp hành Đoàn trường. Đó là năm học 1978-1979 và năm học 1979-1980. Năm đầu tôi được phân công phụ trách mảng báo tường và thể thao. Năm sau tôi được phân công phụ trách mảng học tập. Việc tôi được bầu vào BCH đoàn trường là điều bất ngờ đối với tôi và đối với nhiều người. Thường thì anh chị em được bầu vào BCH Đoàn trường phải có kết quả học tập từ khá trở lên (có thế, tiếng nói mới có sức thuyết phục) và đã tham gia BCH chi đoàn của từng lớp, từng khối như các chi đoàn của các lớp của khối Hóa, khối Luật, khối Sinh vật, khối Toán-Lý. Trước khi được bầu vào BCH đoàn trường, từ hồi sang Liên Xô, tôi chưa từng tham gia BCH chi đoàn lần nào. So với những thủ lĩnh đoàn ở Kisinhốp như anh Thịnh, anh HảiNV, anh Đình, anh Lương Văn Tròn, anh Trần Tiến Dũng (Mao) và các bí thư đoàn trường kỳ cựu khác tôi chỉ là “tép riu”. Tuy nhiên, trong lúc các thủ lĩnh Đoàn chưa lên tiếng, thì “tép riu” tôi xin “tranh thủ” viết ít dòng về hoạt động Đoàn ở Kisinnhốp. Xin chị em, anh em chỉnh lý, bổ sung giùm. 1. Tại sao tôi được bầu vào Ban chấp hành Đoàn trường? Vào đầu năm học mới, đối với sinh viên Việt Nam có hai cuộc họp quan trọng đều diễn ra ở Дом Kультуры. Cuộc họp thứ nhất là của Hội đồng đồng hương Việt Nam- Вьетнамское землячествo hoặc theo Đại sứ quán và anh chị em ta là Đơn vị (Đơn vị lưu học sinh Việt Nam tại KGU). Cuộc thứ hai chính là Đại hội Đoàn trường Tổng hợp Kisinhốp. Trước Đại hội đoàn trường là đại hội của các chi đoàn theo lớp, theo khối. Tại Đại hội Đoàn trường vào đầu năm học 1978-1979, sau khi nghe báo cáo của Ban chấp hành đoàn trường về tổng kết công tác nhiệm kỳ trước và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ mới, các đoàn viên thanh niên sôi nổi thảo luận về các chủ đề như: tình hình học tập; tình hình sinh hoạt đoàn của các chi đoàn; hoạt động hữu nghị, đối ngoại; công tác văn nghệ- thể thao- báo tường… Lúc đầu có ý kiến trao đổi về chuyện quần loe, tóc dài. Sau đó có nhiều ý kiến phê phán một số đoàn viên có kỷ luật học tập kém như đi học muộn, bỏ học, ngủ trong lớp học. Một số người tỏ ra không hài lòng với kết quả học tập thấp của một số đoàn viên, nhất là những đoàn viên đã kinh qua thời gian ở bộ đội, thanh niên xung phong với lý lẽ:- Tôi thấy thật xấu hổ cho kết quả thi của một số đồng chí. Toàn điểm 3. Mà điểm ba các đồng chí biết là gì không? Là các thầy cô không lỡ cho các đồng chí điểm hai để khỏi phải thi lại. Các đồng chí là những người đáng lẽ phải làm gương cho chúng tôi nhưng do không có quyết tâm, không cố gắng nên kết quả học tập mới thấp như thế! Sau khi chăm chú nghe các ý kiến đó, tôi giơ tay xin phát biểu:-"Việc đi học muộn, bỏ học cũng có nhiều lí do lắm. Có thể do ốm đau. Có thể do lỡ chuyến xe. Vả lại có những môn có đến nghe cũng chẳng hiểu gì thì có lẽ cũng không cần đến lớp. Tôi thấy việc bỏ học, đi học muộn phải xem xét cụ thể từng trường hợp không nên quy kết, chụp mũ luôn là ý thức, kỷ luật học tập thấp kém. Quan trọng là kết quả học tập có tốt không! Còn việc một số đồng chí có kết quả học tập thấp, theo tôi, là bình thường. Khi mà trình độ tiếng Nga còn hạn chế thì không thể có kết quả học tập cao được. Những đồng chí tiếng Nga kém học Luật như chúng tôi mà kết quả thi được điểm cao thì mới là không bình thường và đáng nghi ngờ. Không thể bắt một người chỉ có thể bê một tảng đá 20 ki lô phải bê một tảng đá 40 ki lô. Cứ bắt họ bê tảng đá đó họ sẽ bị sụn lưng mất thôi. Tôi thấy những đồng chí này đâu có lười học. Suốt ngày ở trong Góc đỏ, có dám đi dạo chơi, đi ra rạp xem phim, có dám dành thời gian xem tivi đâu. Có dám xem chương trình thời sự, chương trình bóng đá, хоккей gì đâu. Xin các đồng chí đừng kiểm điểm, đừng gây áp lực đối với người ta". Đây là lần đầu tiên tôi nói ở Đại hội đoàn trường. Lúc đầu hơi run, sau đó, càng nói càng hăng, càng thiết tha… Sau đó đến mục bầu BCH Đoàn trường khóa mới.Tại đại hội các chi đoàn đã có đề cử. Trước đó, chi bộ đã họp dự kiến người làm bí thư đoàn trường. Còn tại đại hội, Đoàn chủ tịch hỏi: Có ai tự ứng cử không? Không có ai. - Có ai giới thiệu, đề cử đồng chí nào vào danh sách bầu BCH Đoàn trường khóa mới nữa không? Anh Nguyễn Huy Ngát cùng lớp, cùng chi đoàn với tôi đứng dậy nói: - Tôi xin giới thiệu đồng chí Phạm Hữu Nghị. Thế là tôi được đưa vào danh sách. Khi kết quả bầu cử được công bố, tôi rất ngỡ ngàng:- Cái thằng tôi mà cũng trở thành cán bộ Đoàn ư? 2. Muôn mặt hoạt động đoàn 2.1. Những hoạt động, có lẽ, các đoàn viên không thích lắm Các chi đoàn ít nhất tháng họp một lần. BCH đoàn trường cũng thế, tháng họp một lần. Có dạo Đoàn trường có lập ra Đội Cờ đỏ để theo dõi việc đi học của các đoàn viên. Cuối năm học, có cuộc họp bình bầu đoàn viên bốn tốt. Trên cơ sở ý kiến của chi đoàn trong buổi họp cuối năm, Bí thư chi đoàn ghi nhận xét vào lý lịch đoàn viên, sau đó có chữ ký và dấu xác nhận của BCH Đoàn trường. Tôi xem lại quyển Lý lịch đoàn viên thì thấy trong hai năm học 1978-1979, 1979-1980 người viết nhận xét về tôi là đồng chí Nguyễn Hữu Hùng và đồng chí Đỗ Ý Thanh, còn người xác nhận và đóng dấu là Ủy viên Thường vụ Đoàn trường Lương Chi Mai. Tại các cuộc họp chi đoàn, BCH chi đoàn thường nhắc nhở về vấn đề kỷ luật học tập, về chuyện quần loe, tóc dài. Những đồng chí đi học muộn hay bỏ tiết học bị đưa ra kiểm điểm. Sau mỗi kỳ thi những đồng chí có kết quả thi kém: điểm thấp, nợ thi, phải thi lại được các đồng chí trong chi đoàn phân tích, mổ xẻ. Những người bị kiểm điểm trình bày lý do đi học muộn, lý do bỏ tiết học, lý do bị điểm kém…Sau đó sẽ ngồi nghe sự góp ý chân thành của các đoàn viên trong chi đoàn. Về quần loe, tóc dài có đồng chí đặt câu hỏi:- Các đồng chí mặc quần loe, để tóc dài thì đẹp ở chỗ nào nhỉ? Tôi chỉ thấy các đồng chí trông cứ như người ôm ốm thế nào ấy! 2.2. Những hoạt động mà các đoàn viên thấy lý thú và vui vẻ tham gia Những hoạt động do Đoàn trường đứng ra tổ chức mà đoàn viên cảm thấy lý thú, vui vẻ, bổ ích là văn nghệ và thể thao. Hằng năm vào dịp 8/3 BCH Đoàn trường phối hợp với Ban đại diện của Đơn vị tổ chức Hội diễn Mùa Xuân. Có thể nói, Hội diễn Mùa Xuân của sinh viên Việt Nam ở KGU đã thành truyền thống, nét đặc sắc, nét đẹp, thành “thương hiệu” của xứ Kisinhốp. Nói đến Hội diễn Mùa Xuân vào tháng Ba hàng năm chính là nói tới Kisinhốp, nói đến KGU. Một số bạn Việt Nam ở các thành phố cũng tranh thủ đến Moldavia thưởng thức Hội diễn Mùa Xuân. Một Ban tổ chức Hội diễn được thành lập để lo các khâu chuẩn bị. Có rất nhiều công việc phải lo: Các khoa đăng ký tiết mục; đăng ký hội trường với Ban quản lý Дом Kультуры để xếp lịch, để lo trang trí, hệ thống đèn; làm biểu tượng của Hội diễn; viết lời giới thiệu Hội diễn, lời dẫn cho các tiết mục; cử người dẫn chương trình; người lo phông màn…Đây là cuộc hội diễn được sự hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình của tất cả sinh viên Việt Nam học ở KGU. Người chưa bao giờ hát vẫn lên tham gia hát tốp ca, đồng ca, người chưa đóng kịch bao giờ nay đóng thấy rất có duyên. Trong đơn vị luôn có những nhạc công khá điêu luyện. Lớp đàn anh về nước thì có lớp đàn em nối tiếp. Các khối, các lớp, các chi đoàn tranh thủ tập luyện các tiết mục sau giờ học rất hăng. Có lớp, có khoa còn tập bí mật để khi biểu diễn sẽ gây ra sự bất ngờ… Các bạn không tham gia tiết mục nào cả thì lo khâu hậu cần, lo chăm sóc, động viên người tập. Tối ngày 7/3 Дом Kультуры chật ních người. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Ngoài sinh viên Việt Nam, các thầy cô dậy môn tiếng Nga thường được mời đến dự. Có cả một số sinh viên Nga, Moldavia và một số bạn sinh viên các nước khác cũng đến xem. Các tiết mục biểu diễn được chấm điểm theo từng thể loại: tốp ca, múa, kịch, ngâm thơ, thổi sáo, ban nhạc… Một số tiết mục xuất sắc tại Hội diễn Mùa Xuân sẽ được chọn để biểu diễn vào tối tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3. Chính hôm ấy BCH Đoàn trường và Ban đại diện của Đơn vị sẽ long trọng công bố và phát các phần thưởng về các hoạt động học tập, văn nghệ, thể thao, báo tường, đối ngoại cho những người, những tập thể đạt nhiều thành tích trong các hoạt động nói trên. Tôi nhớ có lần khi đến mục phát phần thưởng cho những người có thành tích về thể thao, báo tường, lúc tôi chuyển phần thưởng là cái bánh ga tô cho Đơn vị trưởng Nguyễn Văn Hiện- người lên trao phần thưởng thì xảy ra tình huống: Anh Hiện vừa giơ tay đón, bánh ga tô chưa chạm tay anh Hiện, tôi đã buông tay, chiếc bánh rơi xuống sàn nhà, nát bét ra trong tiếng vỗ tay vang dội của anh chị em ta. Về hoạt động thể thao, ngoài việc các buổi chiều rất đông anh chị em ta ra bãi sân trạt xi măng và sân đất trong khu vực ký túc xá chơi bóng đá, bóng chuyền, còn vào mùa đông ra Комсомольское Озеро trượt băng thì còn có việc tổ chức các giải thi đấu giữa các khoa trong Hội sinh viên Việt Nam và giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên các nước. Thời chúng tôi, các giải được tổ chức chỉ liên quan đến bóng đá, bóng chuyền. Có thể, đã có thời gian, Đoàn và Đơn vị đã tổ chức cả giải đánh cờ, giải cầu lông…
Đội bóng của Hội Luật
Các giải bóng đá, bóng chuyền diễn ra rất sôi nổi, hào hứng, quyết liệt. Mọi người kéo ra cổ vũ rất đông. Tiếng hò hét vang trời. Lúc giải lao các tuyển thủ được chiêu đãi nước kвас rất thơm, ngon (Квас не только вкусный и дешевый напиток, прекрасно утоляющий жажду, но и основа для многих вкуснейших блюд русской кухни). Cuối năm 1978 tôi có tham gia tổ chức Giải bóng đá hữu nghị giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên các nước học tại KGU. Đây là một giải đấu rất hấp dẫn với kết quả Đội Việt Nam vô địch trong niềm vui sướng vô bờ của sinh viên Việt Nam vì đội tuyển của chúng ta đã thắng đội Lào, đội CHDC Đức, cả đội Châu Phi to khỏe, lẫn đội Nam Mỹ vừa khỏe người, vừa đá rất dẻo, rất khéo. Trong Hồi ức Những năm tháng sinh viên (Phần 3), NgọcBQ có viết về giải này như sau: “Nhưng ấn tượng còn lưu mãi cho tôi đến bây giờ là giải vô địch giữa sinh viên các nước cuối năm 1978. Khi đó tôi đã là năm thứ 5. Giải đấy có Việt Nam, Lào, Đông Đức, châu Phi và Nam Mỹ. Đội Việt Nam gồm thủ môn là Toàn (Lý 1980), hậu vệ Long (Luật 1980), hậu vệ nữa thường là Thành (Lý 1980) nhưng vị trí này không ổn định so với các vị trí khác. Đá giữa là Diện (Lý 1982), còn tiền đạo là cặp Thái Sơn và tôi (đều Toán 1979), vốn cùng đội Toán nên chúng tôi khá ăn ý trên hàng công. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, chúng tôi đá theo đội hình 2-1-2”. Bên hoạt động văn nghệ, thể thao, anh chị em đoàn viên còn hăng hái tham gia hoạt động báo tường. Đoàn trường có Ban báo trường do một Ủy viên BCH phụ trách mảng báo tường, thể thao làm trưởng ban. Trong ban có đại diện của các khoa. Tôi còn nhớ một số bạn trong Ban báo tường như Cẩm, Hạnh, Lành… Mỗi một ký túc xá đều có một tờ báo tường thường được treo ở chỗ chiếu nghỉ giữa tầng 1 và tầng 2. Tờ báo tường có đăng các bài văn, bài thơ, truyện vui, tin tức về việc học tập, về các hoạt động văn nghệ, thể thao, hoạt động hữu nghị, đối ngoại, về tình yêu, về cuộc sống. Chủ đề quần loe, tóc dài cũng được đưa lên thảo luận, trong đó có bài “Từ chuyện ‘âu hóa” đến chuyện quần loe, tóc dài”. Khi có giải bóng đá, bóng chuyền thì có bài tường thuật ngay về từng trận đấu. Đối với những người ít khi viết, ngại viết thì việc giao nhiệm vụ viết báo tường lại là “gánh nặng”. Từ đó mới có chuyện nhờ nhau:- Mày viết giỏi, viết nhanh quá! Tao nghĩ mãi không ra. Mày viết luôn cho tao một bài đi! Phẩy tay một cái là xong ấy mà! Tháng 6/1979 khi được cử tham dự Hội nghị công tác đoàn toàn Liên Xô tại Thủ đô Moskva, tôi có đem tờ báo tường có các bài viết rất hay của anh Phư, anh Phú, anh Trương Xuân Thanh, anh Nguyễn Văn Thông, chi Đỗ Thu Thủy, chị Huỳnh Thị Cẩm và của nhiều chị em khác đi dự thi. Kết quả là tờ báo tường của Đoàn trường KGU và được giải ba. Đoàn trường Kisinhốp tham gia tích cực vào hoạt động ủng hộ đồng bào trong nước, nhất là đồng bào ở những nơi bị bão lụt. Tất cả mọi người đều hăng hái đóng góp, kể cả những người đã tiêu hết tiền, không còn tiền ăn, mặt đang méo đi. Không có thì đi vay để đóng góp. Mặt khác, từ ngày ấy, có người đã đặt vấn đề:- Tôi sẵn sàng ủng hộ hơn mức mà đoàn trường gợi ý. Nhưng tôi chỉ băn khoăn là khoản đóng góp của chúng ta và của nhiều người khác có đến tay được đồng bào trong nước không hay chúng vẫn không thể thoát ra khỏi biên giới Liên Xô. Có cách gì để chúng ta biết tiền đóng góp đến được tay người cần được hỗ trợ hay không? Một hoạt động nữa mà các đoàn viên chúng ta tham gia rất sôi nổi- đó là hoạt động hữu nghị, đối ngoại. Khi chúng tôi học tại KGU có đến trên 30 nước cử sinh viên đến học. Trường có Câu lạc bộ Hữu nghị. Hàng năm Ngày sinh viên quốc tế được tổ chức rất trọng thể, vui nhộn, chúng ta đều có người tham gia.
Tham gia Ngày sinh viên quốc tế
Nhân dịp Lễ Quốc khánh của các nước, Đoàn và Đơn vị đều cử người tham dự và có phát biểu chào mừng. Tôi thường được cử dự lễ mừng Quốc khánh của các bạn Lào, Môdămbic, Ăngôla. Do các bạn Lào dạo đó được cử đi học Luật nhưng còn nhiều bỡ ngỡ nên Đoàn trường đưa ra chủ trương sinh viên Việt Nam hỗ trợ sinh viên Lào học tập. Tôi được phân công giúp đỡ bạn Bun Phon- một cô gái Lào nhỏ nhắn, xinh xinh. Chúng tôi thường học với nhau ở phòng ăn. Bun Phon biết tiếng Việt nên việc cùng nhau học rất thuận lợi và có hiệu quả. Việc tôi hay được phân công tham gia các hoạt động hữu nghị với các bạn Lào là vì tôi đã có thời gian chiến đấu ở Lào. Hồi đó tôi còn nói được vài câu bằng tiếng Lào, chẳng hạn, có thể đọc bài thơ nổi tiếng sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Lào: Thương nhau mấy núi cũng trèo Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua Việt- Lào hai nước chúng ta Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long
Cùng học với các bạn Lào (bạn Bun Phon) Tháng 2 năm 1979 Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.. Đoàn trường đã tổ chức mít tinh phản đối Trung Quốc và nói lên quyết tâm kề vai, sát cánh của sinh viên Việt Nam ở Kisinhốp cùng đồng bào, chiến sĩ, sự sẵn sàng trở về Tổ quốc cùng đồng bào chiến đấu chống quân xâm lược. Tiếp đó, Đoàn trường và Đơn vị đã cử nhiều người đi dự các cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam do các cơ quan, trường học của Moldavia tổ chức. Tôi được cử dự mít tinh tại Trường Đại học Bách khoa và Đại học Nông nghiệp. Tại các cuộc mít tinh này các bạn đã thể hiện sự căm phẫn đối với nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đó và cam kết ủng hộ Việt Nam. Tôi rất xúc động phát biểu cảm ơn các bạn về sự ủng hộ quý báu và thể hiện niềm tin sắt đá vào chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam. Ba mươi hai năm đã qua, những kỷ niệm đó vẫn còn in rất đậm trong tâm trí tôi.
Xem phim Đồng chí Hồ Chí Minh- vị khách quý của chúng ta trên web của Hội Người KGU NghiPH
Nhân đọc bài thơ Bác đã gửi chúng con về nơi ấy của anh Nông Văn Hải và bài thơ Qua Lăng Bác của anh Đỗ Xuân Tung, nhớ Bác, tôi vào Mục Video trên trang web của Hội ta tại trang số 9 (gần trang cuối cùng) có video Bác Hồ tại Moldova do Hội trường Bùi Quang Ngọc đã trực tiếp đến Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh xin về và đưa lên mạng từ khi trang mạng của Hội mới ra đời. Đây là một phim thời sự ngắn, quý hiếm do xưởng phim Moldova sản xuất tháng 6/1962, đến nay xem vẫn rất rõ, rất đẹp. Tên của phim là Đồng chí Hồ Chí Minh- vị khách quý của chúng ta. Mở đầu phim là cảnh đón Bác tại sân bay Kisinhop. Đồng chí Bí thư thứ nhất và tất cả các ủy viên Bộ chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Moldavia đã ra tận chân cầu thang máy bay đón Bác. Một đoàn các cháu thiếu nhi hân hoan tặng Bác những bó hoa tươi thắm và cùng chụp ảnh với Người. Bác một mình bay từ Moskva đến Moldavia mà không có người Việt Nam nào tháp tùng. Trong thời gian ở Moldavia, Bác đã đi thăm Trung tâm nghiên cứu khoa học- sản xuất giống cây trồng, các vườn nho, vườn táo, thăm nông trang, nông trường. Bác tìm hiểu tỉ mỉ kỹ thuật canh tác: làm đất, bón phân, trồng các loại cây ăn quả như táo, nho, cà chua. Bác tự mình đo khoảng cách giữa hai hàng cây bằng bước chân, chăm chú xem từng loại cây được giới thiệu, ăn ngon lành những trái nho, trái táo do những nông trang viên mời Bác.
Sau này anh chị em ta hàng năm được đi lao động hái hoa quả và thưởng thức táo, nho tại bờ ruộng là theo thông lệ từ thuở Bác đến Moldavia đấy! Bác dự bữa cơm thân mật tại nông trang. Cả khách và chủ rất tự nhiên, thỏa mái như trong một bữa liên hoan gia đình. Tại nhà hát của nông trường Bác đã được thưởng thức điệu nhảy Giok dân tộc nổi tiếng của người Modova. Bác đã tặng các diễn viên những bông hồng đỏ thắm. Giờ chia tay lưu luyến đã đến. Bác ôm hôn từng người ra tiễn, nhất là chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi. Bác trìu mến nói với họ: Tôi không bao giờ quên các bạn! Tôi không bao giờ quên xứ Moldavia đầy nắng! Chuyến đi của Bác Hồ đã mở đường cho chúng ta sang xứ Moldavia đầy nắng ấy học tập và nên người hôm nay! Người ta hay nói đến phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Xem phim thời sự này, tôi hiểu một phần phong cách ngoại giao của Bác: Tự nhiên, thoải mái, thân thiện, gần gũi, không kiểu cách, không cầu kỳ, thông minh, dí dỏm. Khi đi thăm các nước, Bác đều đến với những người lao động, tận mắt chứng kiến họ làm việc, cùng vui chơi, cùng liên hoan với họ. Bác của chúng ta là con người có trái tim nhân ái bao la, dễ hòa đồng, đồng cảm với người lao động. Ai cũng thấy Bác thật gần gũi và họ đã đón tiếp Bác như đón người thân trong gia đình đi xa trở về!
NghiPH
Chiều thứ Sáu 26/8/2011, sau giờ làm việc, tôi gọi cho MoN: - Anh muốn gặp em chuyện trò, được không?- Nhất trí, anh đến thẳng quán café 28 Lý Thường Kiệt nhé! Tôi phóng xe đến. Do chưa đến chỗ này bao giờ nên tôi đang tìm cửa để vào thì thấy tiếng ai đấy trong quán vọng ra:- Cháu ra đưa cái bác đội mũ bảo hiểm mầu xanh vào đây giùm chú với! Đích thị là MoN rồi. - Sao vắng bóng trên web KGU lâu thế?- Em bị tai nạn suýt chết anh ơi! Rồi MoN kể tóm tắt tai nạn xảy ra với em. Nay tai qua nạn khỏi rồi. Em đã đi làm từ một tuần nay. Công việc tồn đọng lại nhiều quá. Bận ngập đầu gặp cổ, anh ơi!- MoN than thở.- Chúc mừng em đã tai qua nạn khỏi! Gần đây lại thấy em chăm lên mạng.- Toàn vào đêm khuya, thôi anh. Hai anh em ngồi chuyện trò về thời sinh viên, về các chị Luật 1, các bạn khoa Luật những năm sau này, về công việc hiện nay của hai anh em, về các con, về thú vui sưu tẩm và đọc sách. Một lúc sau, có hai đứa cùng làm với MoN ở Bộ Khoa học và Công nghệ đến tham gia. Hai đứa này trẻ hơn chúng tôi, ngồi một lúc chúng thấy ngứa ngáy:- Hai bác ơi! Đi uống bia đi! Ngồi quán này bí quá! Chúng tôi chuyển sang 11 Dã Tượng- một quán bia cỏ, vỉa hè, uống bia với đậu phụ chấm mắm tôm- một kiểu uống bia rất thịnh hành của bọn tôi hồi những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Bia vào lời ra. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Nhìn sang phía Sở Công an- nói chuyện công an. Nhìn về phía trụ sở Tòa án, nói chuyện tòa án. Nhìn sang Bộ Giao thông- Vận tải nói chuyện bác Đinh La Thăng- Bộ trưởng mới của bộ này. Trông vào ngõ nơi có mấy bác nhà văn đã từng ở, chúng tôi nói chuyện về Lặng lẽ Sa Pa. Một lúc mới ngớ ra. Hai lão già nói nhiều quá. - Bây giờ đến bọn em kể chuyện gì đi. MoN yêu cầu. Chúng bèn tâng bốc hai ông anh:- Các bác cứ nói để bọn em được học hỏi các bậc đàn anh! Bọn này khôn thật. Tôi nói với MoN:- Mình ngồi đây là gần nhà của Người chuyên còm bằng thơ và nhà của Suối tóc 82!- Anh nói Quê Hương có mái tóc rất dài ấy à.- Ôi, MoN ơi, với Quê Hương sao chú mày chỉ gọi là mái tóc, phải gọi là suối tóc.- Ông anh tôi còn lãng đãng lắm. Thế mà trên mạng anh viết em là tay viết lãng đãng nhất KGU! Anh gọi cho LýTM xem chị ấy có nhà không? Tôi gọi cho LyTM:- Em về nhà chưa? Anh đang ngồi ở rất gần nhà em đây. Anh muốn rẽ thăm Hùng và em. Bọn anh có đến 4 tên. – Em vừa về (nàng này chăm chỉ thế). Anh Hùng về Hà Nam rồi. Chỉ có em và cháu Ngọc thôi.- Anh rẽ thăm em và cháu nhé. Thế có ổi Bo không?- Các anh vào chơi đi, em ra ngõ đón. Có ổi Bo đấy! Cả bọn bỏ xe ở quán bia, hành quân vào nhà Lý. Từ xa đã thấy một cô gái nhỏ nhắn xinh xinh ra đón. Chắc là con gái của Lý. Lại gần hóa ra chính là LyTM. MơN nấp sau gốc cây chưa chịu ra trình diện. Tôi nói:- Có một đứa nó vừa viết trên web là Tôi yêu Thái Bình muốn gặp chị Lý. - Mon hả anh. Nấp gì nữa. Vào ăn ổi Bo đi thôi. Cả lũ 4 tên ùa vào nhà Lý. Cháu Nguyễn Khánh Ngọc- con gái thứ hai của Lý- Hùng ra chào chúng tôi. Trên mặt bàn có ổi Bo, có chuối, có na. Cháu Ngọc đon đả mời chúng tôi ăn hoa quả. Tôi hỏi luôn: - Ở nhà cháu, bố và cả nhà có bảo là mẹ Lý hơi không bình thường không? - Ôi bác ơi, đâu còn là hơi không bình thường. Hơn mức ấy nhiều. Bị nặng lắm rồi- Cháu hóm hỉnh trả lời. - Thế có nghĩa là mẹ Lý hơi hâm hấp vì suốt ngày lên mạng, còm bằng thơ?- Tôi vẫn hỏi một cách nhẹ nhàng. - Bác ơi! Bố Hùng và các cháu đều nói là mẹ Lý bị hâm nặng rồi. Bác chưa biết à - Cháu vừa cười vừa nói. Ở nhà này có không khí dân chủ thật. Nếu ở nhà khác, khi khách hỏi như thế, chắc là các con phải dè dặt lắm mới dám trả lời: - Mẹ cháu bình thường mà. Có hấp gì đâu? Có ai nói về mẹ cháu như bác nói đâu. Đằng này, biết bác nói đùa nó cũng hòa theo một cách tự nhiên. Trước khi chúng tôi đến Lý đang ngồi còm. Tôi bảo Lý còm tiếp đi. Bạn đang trao đổi về chủ đề Nhà máy cháo với Nữ đại sứ Thanh Huyền. Còm xong, Lý nói:- Nhân có anh Nghị và các em đến chơi, mình đọc một số bài thơ cho các bạn nghe nhé. Lý đọc liền một lúc 4 bài thơ đã đăng trên mạng cho cả đoàn nghe. Các bài này đều liên quan đi cỏ may. Em Nam trong nhóm khen:- Các anh các chị tươi trẻ thế! Bọn em nể phục! Nể phục! Ngồi chơi ở nhà Lý một lúc, tôi bảo MoN gọi xem Quê Hương có nhà không để sang thăm. May quá, Quê Hương và cháu thứ hai có nhà. Chúng tôi sang nhà Quê Hương. Tôi và Lý đã gặp Quê Hương rồi. MoN hôm nay mới gặp. Chuyện trò nở như ngô rang. Q. Hương khoe:- Em đi suốt ngày, gặp gỡ đủ mọi loại lớp, ăn cũng rất nhiều. Có hôm mệt quá! Thằng lớn đi chơi với bạn. Còn thằng bé có vẻ oải lắm rồi. Mai thứ bảy còn 2 cuộc gặp nữa, chắc nói cô Ái Cần đến dẫn nó đi chơi, không bắt theo mẹ nữa. Chúng tôi đang ở trong căn phòng của nhà văn Nguyễn Thành Long- tác giả của Lặng lẽ Sa Pa. Lại kể về thời ở Kisinhop, về bóng đá, bóng chuyền, về hội diễn mùa xuân, về các lần đi pokhod, về Nam Mai, Ý Thanh, chị Định, cô bạn gái người Lào Bun Phon, về bao người khác... Kể về cái sự ngây thơ ngày xưa. Học đến năm thứ tư đại học rồi, bạn trai mới chỉ ôm nhẹ một tí vội chạy đi hỏi các chị lớn tuổi hơn đã từng ở trong quân đội: Trong trường hợp như vậy thì em có bị... làm sao không. Rồi chuyển sang chuyện giáo dục, đào tạo và chuyện làm dự án. Q. Hương thú nhận các giáo sư ở Mỹ đều ngại làm dự án. Rồi cái sự cứ “nước đến chân mới nhẩy” nữa. Q Hương tâm sự:- Có việc đến thứ tư tới là phải hoàn thành, hôm nay chủ nhật, tự nhủ còn 3 ngày nữa, vội gì. Thứ hai, vẫn tâm niệm còn những 2 ngày. Thứ ba, ôi còn có mỗi 1 ngày, thế là lao vào làm, thức trắng đêm để làm. Tôi khẽ la lên:- Sao giống anh thế! Minh Lý tham gia:- Còn em, có việc là em làm ngay, làm xong mới thôi. Dân khoa học gì mà cứ đủng đà đủng đỉnh thế?- Thế em mới làm lãnh đạo được, Lý ơi! Định chỉ thăm mẹ con Q. Hương một chút rồi về để cho các vị ấy còn nghỉ. Thế mà mãi gần 11h chúng tôi mới dứt ra được. Chúng tôi chia tay nhau, chúc mẹ con Q. Hương lên đường về Mỹ bình an! Gửi lời hỏi thăm Q. Anh Lác. Q Hương nhờ MoN tư vấn mua một số sách văn học Việt Nam để đem sang Mỹ đọc. MơN đã tư vấn chọn bộ tiểu thuyết về làng quê Việt Nam của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, trong đó có Đội gạo lên chùa vừa mới ra đời. Tôi lấy xe máy phóng về nhà. MoN đi taxi. Về tới nhà, tôi nhắn luôn cho MoN:- Em đã về tới nhà chưa.- Em cũng vừa vào nhà- MoN trả lời tắp lự. Tôi có phần lo cho em vì dù sao MoN vừa mới ra viện, vẫn đang phải uống thuốc.
Sáng nay, 27/8 tôi được đón hai bạn KGU đến chơi. Đó là anh ThôngNV, Luật 1981 và Anh SơnTM, Hóa 76. Anh Thông đến trước. Hai anh em tôi chuyện trò khá lâu về giới luật, về công việc của hai người, không quên nói về hoa lan. Sau đó anh Sơn đến. Một lúc sau các ông cựu sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, các chiến hữu của bố vợ tôi đến chơi. Có ông Phương, GS Long và ông Đặng Văn Việt. Anh Sơn rất vui vì được tiếp xúc với các lão thành cách mạng đều đã trên 90 tuổi, thế mà vẫn đi xe máy được đến nhà tôi. Trong số đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với ông Đặng Văn Việt người trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 174 lập lên chiến thắng lẫy lừng trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Các tướng Pháp bại trận trước ông đã gọi ông là Hùm Xám đường 4. Hùm Xám đang ngồi hiền lành trước chúng tôi đây. Ông Việt đau đáu về việc có đến trên hai nghìn chiến sĩ của ta hy sinh tại Đồi A1 thuộc Trung đoàn 174 của ông. Lúc đó người ta lại cử ông đi học ở Trung Quốc, không được cầm quân nữa. Người thay ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn này là một người quả cảm nhưng có ít kinh nghiệm trận mạc hơn ông. Vị này cũng đã mất rồi. Ông trăn trở: Giá như, giá như tôi được cầm quân... Chiến sĩ ta hy sinh nhiều quá... Ông lặng người đi... Các cựu chiến binh ở vào tuổi 90- 92 đến bàn với ba tôi về việc đẩy mạnh việc phát hành quyển sách của ông Kostar Nguyễn văn Lập để có tiền ủng hộ nạn nhân chất da cam. Hai anh Sơn và Thông hôm nay đến còn có mục đích mua sách ủng hộ việc làm đầy nghĩa tình của ông Lập và các cựu chiến binh- bạn chiến đấu của ông Lập. (Hôm qua Lý đã lấy 10 cuốn, MoN lấy 3 cuốn. NgocBQ đã đăng ký mua 100 cuốn, HuyềnBT 20 cuốn, chị ThanhLK 3 cuốn, anh HiệnĐN 100 cuốn. Nhiều anh chị em khác cũng đã đăng ký mua ủng hộ). Tôi đã báo cáo với các ông đầy đủ việc một số anh chị em Hội KGU hỗ trợ kinh phí để in sách và bây giờ lại mua sách ủng hộ. Các ông gửi lời cám ơn anh chị em Hội ta về sự hỗ trợ, ủng hộ quý báu, đầy tình nghĩa này. Việc thứ hai, các ông bàn và phân công nhau dịch sách của ông Kostar Nguyễn Văn Lập sang tiếng Anh và tiếng Pháp để xuất bản và phát hành rộng rãi ở nước ngoài theo ý kiến của Bộ Ngoại giao. Bộ cho chủ trương như thế. Đợi Bộ có thể lâu lắm, các ông nhận lấy việc dịch luôn. Cuộc họp đã phân công cựu chiến binh, GS Long dịch sang tiếng Anh. Hùm Xám đường 4 Đặng Văn Việt dịch sang tiếng Pháp. Cố gắng dịch xong trước tết Âm lịch. Việc thứ ba, chăm chú lắng nghe sự góp ý của bạn đọc để chỉnh sửa cuốn sách vừa ra mắt để có thể tái bản vào năm sau. Đây là những công việc không ai giao. Các ông say sưa làm làm vì tình bạn chiến đấu, vì nạn nhân chất da cam. Chúng tôi rất kính phục các ông!
Sách của chiến sĩ quốc tế Kostas Sarantidis- Nguyễn Văn Lập đã ra đời Sau một thời gian mệt mài chuẩn bị, các cựu chiến binh đã ở vào độ tuổi 80- 90 trong Ban liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 803 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Liên khu 5 đã chuyển cho Nhà xuất bản Quân đội nhân dân bản dịch hai cuốn sách “Tại sao tôi theo Việt Minh” và “Ở một trại tù binh Nam Việt Nam”. Hôm nay sách đã được xuất bản với số lượng 1040 cuốn. Cuốn sách có tên là Chiến sĩ quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ- Kostas Sarantidis- Nguyễn Văn Lập. Sách dầy 372 trang, khổ 14,5 X 20,5. Sách có 2 phần: Phần 1: Hồi ký của ông Kostas Sarantidis- Nguyễn Văn Lập, gồm 2 hồi ký của ông: 1. Tại sao tôi theo Việt Minh 2. Ở một trại tù binh Nam Việt Nam (Ông Kostas Sarantidis- Nguyễn Văn Lập là Giám thị trại tù binh này) Phần 2: Những câu chuyện nghĩa tình: Bao gồm các bài viết của các đồng đội, các nhà báo, những người ngưỡng mộ, yêu mến ông Lập viết về những kỷ niệm, về tình cảm đối với ông và tình cảm, tấm lòng của ông Lập đối với nhân dân Việt Nam, nhất là tình cảm của ông đối với những nạn nhân chất độc màu da cam và trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Trong số các bài này, có bài của NguoiKGU viết về ông Lập. Hôm nghe tin ông Lập được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và được công nhận quốc tịch Việt Nam, Hội trưởng Bùi Quang Ngọc và một số anh chị em đã đến chia vui và tặng quà cho ông. Một số anh chị em khác của Hội NguoiKGU cũng đã được gặp và chuyện trò cùng ông Lập.
Sách Chiến sĩ quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ- Kostas Sarantidis- Nguyễn Văn Lập là do ông Lập và các đồng đội tự tổ chức dịch, biên tập và đưa Nhà xuất bản xuất bản nên không nằm trong kế hoạch xuất bản của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và không được hỗ trợ kinh phí. Sách ra đời là nhờ nguồn đóng góp của các cơ quan, tổ chức, trong đó có sự hỗ trợ của một số người trong Hội NguoiKGU. Ông Lập và các đồng đội dự kiến dành một số sách tặng các đồng đội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, tặng một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Số còn lại- khoảng 900 cuốn, ông Lập và đồng đội sẽ bán và dùng số tiền thu được tặng Quỹ nạn nhân chất độc mầu da cam và trực tiếp trao tặng cho một số trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc màu da cam ở một số những khu vực. Các ông rất hy vọng sang năm sách được tái bản. Ông Lập và Ban liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 803 rất mong các tổ chức và các cá nhân, trong đó có các thành viên của Hội NguoiKGU tích cực ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam bằng việc mua cuốn sách này. Các ông dự định bán với 70.000 đồng/1 cuốn. Hiện nay 500 cuốn sách đã được tập kết tại gia đình chị Lâm Thị Minh Hạnh, con gái đại tá Lâm Quang Minh- Trưởng Ban liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 803. Địa chỉ liên hệ: số nhà 43, ngõ 151, phố Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04 3 8561120. Xin trân trọng thông báo.
Hướng dẫn thu nhỏ kích thước ảnh, lập album ảnh, minh họa và chèn ảnh vào bài viết
Hiện nay còn một số anh chị em chưa thông thạo việc minh họa ảnh và chèn ảnh vào các bài viết. Tôi xin hướng dẫn cách làm đơn giản như sau.
A. Hướng dẫn thu nhỏ kích thước ảnh Muốn đưa ảnh lên mạng, ảnh cần phải được thu nhỏ kích thước. Anh chị em cần cài phần mềm Adobe Photoshop vào máy tính của mình. Việc thu nhỏ ảnh, được thực hiện như sau:
1. Vào Adobe Photoshop 2. Nhấn vào File 3. Nhấn tiếp vào Open 4. Tìm ảnh trong máy tính cần thu nhỏ. Nhấn Open. 5. Ảnh hiện lên trong khung Adobe Photoshop 6. Nhấn vào Image, tìm Image size nhấn vào đó 7. Hiện lên một khung. Ta ghi vào mục Width: Con số từ 300 đến 400, nếu ảnh đó sẽ đưa vào chèn bài. Ghi từ 500 đến 600, nếu ảnh này chỉ để trong album. Các ô khác không cần quan tâm vì đã có sự tự điều chỉnh. Nhấn Ok. 8. Ta đã có ảnh thu nhỏ bên góc trên cùng bên trái. Ta nhấn vào ô ngoài cùng bên phải của tấm ảnh để tắt. 9. Hiện lên dòng chữ: Save changes to the Adobe Photoshop docunment, có 3 ô nhỏ: Yes No Can cel Ta nhấn vào: Yes 10. Hiện lên bảng Jpeg Options Có ô Quality. Ta nên chọn Medium hoặc High Sau đó bấm Ok Ảnh của bạn đã được thu nhỏ kích thước nhưng xem vẫn khá rõ. Tiếp tục thu nhỏ kích thước các ảnh khác ta cũng làm theo thứ tự trên đây.
B. Hướng dẫn lập album ảnh
1. Vào Góc ảnh ở phía trên màn hình bên phải 2. Vào Upload your pics 3. Hiện lên khuôn: Upload Hình ảnh. Có các mục nhỏ, ta làm các động tác như sau. 4. Tại Mục Tiêu đề của ảnh: Ta đặt tên ảnh dự định đưa vào album 5. Tại Mục ảnh: Ta không cần ghi gì cả. 6. Tại mục Album: Ta kích vào Tạo mới. Ta ghi tên album theo ý mình. Thí dụ: Mùa thu Vàng. 7. Mục Tags: Ta không cần ghi gì cả 8. Tại Mục Hình ảnh: Ta nhấn vào Browse… 9. Hiện lên một khung để ta tìm ảnh từ máy tính đưa vào. Ta tìm ảnh cần đưa vào album và nhấn Open Hình ảnh đã được lưu vào Mục Hình ảnh 10. Nhấn vào Upload ảnh tại khung xanh phía dưới Ảnh đã được đưa vào album ảnh của anh chị. Để tiếp tục đưa ảnh vào Album ta nhấn vào Đăng tải dự liệu ở phía trên màn hình. Thấy có Upload ảnh. Ta nhấn vào đây và tiếp tục làm như hướng dẫn ở trên. Lúc nào rỗi, anh chị em thử làm đi nhé. Một điều quan trọng là ảnh đưa vào Album cần dùng Adobe Photoshop để thu nhỏ kích thước ảnh đến mức hợp lý.
C. Hướng dẫn minh họa ảnh
I Giả định thứ nhất: Ta cần có ảnh minh họa khi lần đầu đưa bài lên trang Web Ta làm như sau: 1. Ta vào mục cần thiết 2. Nhấn vào ô Tạo bài viết ở phía trên màn hình 3. Hiện ra các ô: - Tiêu đề: Ta đặt tên bài viết - Ảnh minh họa: Ta thao tác như sau: Ta nhấn vào chữ Browse file. Tìm ảnh để minh họa đã thu nhỏ trong máy tính. Nhấn Open. Ảnh đã được lưu vào Mục ảnh.
4. Dán bài viết vào khung cuối. 5. Nhấn vào Summit news ở cuối trang Bài và ảnh của bạn đã được đưa lên. II. Giả định thứ hai: Ta cần đưa ảnh vào bài đã đưa lên mà chưa có ảnh minh họa 1. Ta mở bài viết ra 2. Nhấn vào Edit 3. Vào Mục ảnh : Ta nhấn vào chữ Browse file - Tìm ảnh để minh họa đã được thu nhỏ kích thước. Nhấn Open. Ảnh đã được lưu vào Mục ảnh. - Nhấn Summit news ở cuối trang Ảnh của bạn đã được đưa lên đầu bài viết để minh họa.
D. Hướng dẫn chèn ảnh vào bài đã đăng
Anh chị em làm từ từ theo các thao tác sau đây là chèn được ảnh: 1. Khi đã vào trang mạng studentkgu.vn ta vào Góc ảnh. 2. Đến album ảnh của mình hoặc album ảnh của anh chị em khác trên Góc ảnh 3. Mở album ảnh 4. Tìm ảnh mà mình cần 5. Mở ảnh này ra 7. Ảnh hiện ra, hãy kéo chuột xuống phía dưới, thấy có những mục sau đây: Ngày: Lượt xem: Comment: Độ phân giải: Dung lượng: Url của hình ảnh//Link: Thí dụ: http://www.studentkgu.vn/file/pic/gallery/4337_view.jpg Copy toàn bộ dòng chữ này 7. Trở lại trang chủ Mở bài cần chèn 8. Kích vào Edit. Toàn bộ bài cần chèn đã ở trong khung edit 9. Chỉ chuột vào chỗ cần chèn 10. Chuyển lên phía trên của khung, kích vào ô có biểu tượng cây xanh. Từ trái sang phải, bắt đầu là ô có hình cái kéo đến ô này là ô thứ 6. 11. Kích vào ô này 12. Hiện ra một khung có tên là Insert/edit image 13. Dán dòng đã copy từ Góc ảnh vào khung ô nhỏ có tên là Image URR 14. Nhấn vào Insert, một khung nhỏ hiện ra, kích tiếp vào Ok 15. Sau cùng, nhấn vào sumbmit news Ảnh đã được chèn vào chỗ thích hợp.
Chúc anh chị em thành công!
|