|
|
Đang xem 73 - 80 của tổng số 80 Blogs.
Cám ơn anh Chu Kỳ Minh với bài thơ Mầu tím đã tạo cho em xúc cảm viết những dòng này
Trên trang giấy trắng Ta bặm môi viết những chữ cái đầu tiên Nét chữ run run sắc tím Mực tím vương khắp bàn tay Đậu lên đôi má đen gầy Ta cười bẽn la bẽn lẽn: - Cô ơi, xem em viết đây này!
Tím trắng màu hoa rau muống Tim hồng màu hoa cà Tím rung rinh dây bìm bìm Bồng bềnh trên ao sắc tím hoa bèo, hoa súng Môi đứa nào đứa nấy tím đen khi ăn trái sim
Xuân về, từ những cành cây khô khẳng Hoa xoan nở tím trời quê Tỏa hương nồng nồng, ngai ngái Ôi! Những sắc hoa đồng nội Hương hoa của tuổi thơ tôi!
Chiều tím Tây Nguyên buồn miên man Mơ màng Đất Mũi Cà Mau Trường Sa, Hoàng Sa -tím thề đau đáu Thảng thốt Trà Cổ Lung linh Lũng Cú- Hà Giang Tím lắng đọng trong lòng Thành Cổ Tím dứt day trên đồi A1 Điện Biên
Quê hương ơi! Biết bao nhiêu là sắc tím Mầu tím bình dị, kiên cường, chung thủy Bao trùm trời đất Việt của ta!
Hoa cà
Hoa xoan
Hoa sim
Đồi A1 Điện Biên
Bãi biển Trà Cổ
Mũi Cà Mau
Đảo Trường Sa Lớn
Ngày 15/01/2011, vào thời kỳ vẫn còn rét đậm, tôi ngồi nghĩ về thời trẻ con ở quê. Bỗng tôi nhớ đến một món mà bu tôi hay nấu cho chúng tôi ăn- món mẻ ngào khoai nước dại. Tôi ngồi gõ bài Mẻ ngào khoai nước dại của bu tôi và đưa lên mạng của hội ta. Có khá nhiều anh chị em đọc và comment bài viết mang âm hưởng nhớ quê ấy của tôi. Anh KhánhT, anh ThôngNV nói là ở quê các anh không gọi là ngào khoai nước mà gọi là ngó khoai nước. Anh HảiNV gọi là đọt hoặc chồi khoai nước. Kẻ ham chơi cho rằng: Có phải Tổng Nghị thèm món "ngào khoai nước" đâu, Tổng Nghị đang nhớ Mẹ đấy. VinhTQ quả quyết: Chưa thấy anh Nghị trổ tài nấu nướng bao giờ, nay thấy mô tả cách thức nấu nướng, đặc biệt là cách làm mẻ thì bái phục! Thấy HạnhLM có vẻ “coi thường” chồng về khả năng nấu nướng, chị TuyếtHA động viên tôi: Giỏi "ný" thuyết cũng đáng nể rồi Hạnh ơi! Sau khi đọc các comment rất hay của các anh các chị, HuyềnBT tỏ nỗi lòng: Các anh, các chị là quê hương cho em rồi đấy! Còn Trần Minh Nguyệt viết: Quê em gọi là bồng khoai nước. Nguyệt còn khoe: “Em cũng rất thích món ngào khoai nước đấy. Thỉnh thoảng về Hải Phòng, mấy đứa em biết em thích món đó nên cũng làm để đãi chị. Đôi khi em mang mấy bó lên Hà Nội "ăn dần" cho đỡ nhớ”. Nguyệt nói: Lần sau về quê em sẽ mang bồng khoai nước lên cho anh nhé. Bốn tháng đã qua. Chiều chủ nhật 08/5 vừa rồi, Nguyệt gọi cho chúng tôi:- Em vừa về Hải Phòng lên. Em kiếm được ngào khoai nước cho anh chị rồi. Khoảng 10 phút nữa anh chị ra ngoài ngõ lấy nhé! Tôi đang có một bài viết phải kết thúc để còn gửi đi nên Hạnh đã chạy ra ngõ nhận món quà quý của Nguyệt. Một lúc sau vợ tôi trở về hồ hởi nói:- Nguyệt nó cho nhà mình 3 bó ngào khoai nước rất to đây. Anh xuống mà làm. Em nói với Nguyệt là anh nhớ bu viết trên mạng thế thôi chứ có biết làm đâu mà. Thế mà nó cứ nói là anh biết làm đấy. Vậy anh làm đi! Trước mắt tôi là 3 bó ngào khoai nước khá to. Các cọng ngào khoai nước rất mập mạp, cọng nào ra cọng ấy. Nhìn thấy là mê ngay. Tôi reo lên: - Đây đúng ngào khoai nước dại rồi! Nhưng ngào khoai nước của đất Hải Phòng sao to thế nhỉ.
Vợ tôi hỏi: - Anh có làm được không? Còn em không làm đâu vì nghe nói nó sẽ gây ngứa, khó chịu lắm. - Anh làm được mà- Tôi khảng khái trả lời. Nói xong tôi săng sái xông vào làm. Tôi tỉ tê với các con:- Còn thiếu món mẻ nữa. Nếu có cua đồng để làm món canh ngào khoai nước thì ngon lắm đấy! Vợ con tôi hăng hái ra chợ mua mẻ và mua cua. Tôi cầm từng cọng ngào khoai nước dại tước vỏ, ngắt thành từng đoạn ngắn rồi bỏ vào chậu nước muối ngâm. Lâu không làm nên tôi cảm thấy bị ngứa. Nhưng dù có bị ngứa tôi quyết không gãi vì càng gãi càng bị ngứa. Tôi làm xong thì vợ con tôi cũng mang mẻ và cua về. Tôi lọc mẻ. Các con tôi tranh nhau lọc cua. Tôi bỏ mớ ngào khoai nước dại đã làm sạch vào xoong luộc chín rồi vớt ra rổ. Nồi nước cua đã lọc xong, tôi trút bát nước mẻ vào, tra mắm muối. Tôi cho thêm 2 quả cà chua nữa. Khi xoong canh gần sôi tôi bỏ mớ ngào khoai nước đã luộc vào. Đun sôi khoảng 3 phút, xoong canh được bắc ra. Tôi múc canh cua ngào khoai nước ra hai bát to và mời cả nhà ngồi vào bàn ăn. Cả nhà sì sụp ăn món canh cua ngào khoai nước với bánh cuốn cũng do Nguyệt cho. Ai nấy đều tấm tắc khen ngon. Món này có vị ngòn ngọt, chua thanh thanh, dìu dịu rất khác so với món dấm cua chỉ nấu với cà chua.
Cảm ơn vợ chồng Nguyệt- Ngọc đã cho chúng tôi được thưởng thức một món ăn dân dã rất ngon lành. Lâu lắm rồi tôi mới được ăn món ngào khoai nước. Tôi lại nhớ về thuở xưa ở quê được bu nấu cho ăn món mẻ ngào khoai nước!
Trên thế giới này, hình như người ta đang hiểu sai về chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Thay vì hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển thì người ta biến những “bờ xôi ruộng mật” thành khu công nghiệp với bất cứ giá nào ở khắp hành tinh xanh. Tại sao trên thế giới này người ta lai phát triển các cơ sở công nghiệp xây dựng, hóa chất, xi măng, lại xây dựng sân gôn, phát triển các khu nghỉ dưỡng, các khu chung cư tràn lan trên đất nông nghiệp. Người ta đang “nhốt” đất trong các bức tường, sau các hàng rào đủ kiểu. Người ta đang bê tông hóa trái đất này. Cứ đà này sẽ còn rất ít đất cho giới sinh vật sinh sống. Đất bị bê tông hóa sẽ sinh ra ngập lụt khắp nơi. Đất bị bê tông hóa, đất nghẹn lời, khó thở. Đất kêu lên: Trời ơi! Nhưng Cao xanh thì ở xa quá, cao quá dưới mặt đất này toàn người là người thôi. Có nên để xảy ra tình trạng này không? Sẽ đến lúc không còn đủ đất để trồng cây lương thực nữa. Rất nhiều nước sẽ lại nhập khẩu lương thực. Nhưng đến lúc đó có tiền để nhập lương thực không? Có mấy nước khi đó có sự dư giả về lương thực? Tấn công vũ bão vào Đất mẹ, vào thiên nhiên để làm giàu không bền vững, loài người đã phát triển theo một triết lý sai lầm chăng? Loài người ơi, có cách làm khác không?
Nhớ chuôm quê…
Một phần tuổi thơ tôi gắn với chuôm quê.
Ven các chân núi Nương Sơn, Nà Mả, núi Voi, núi Ngậu, núi Đầu Gai... có khá nhiều chuôm. Không biết các chuôm ven chân núi ở quê tôi có từ thời nảo thời nào. Chỉ biết tôi ra đời thì đã có chúng rồi.
Chuôm là cái ao được đào ở ven chân núi. Các bậc tiền bối từ lâu đã biết chọn những nơi có địa thế đẹp để đào chuôm. Chuôm được tạo ra giữa cái hòn đá mới nên thơ. Có lần, tôi được các cụ già kể lại rằng, vào mùa nước cạn, sau khi đã tìm được nơi vừa ý, người ta đắp bờ tát cạn nước rồi đào chuôm. Đất đào lên được đắp thành bờ chuôm và cũng là nơi trồng cây ăn quả, cây lấy bóng mát. Sau khi đã đào sâu khoảng từ 1,5 m đến 2,5 m các cụ đã dựa vào thế của những hòn đá, hốc đá có sẵn, kê thêm hoặc sắp xếp lại thành chỗ đứng tắm, thành các hang để cá, tôm trú ngụ. Các cụ còn thả vào trong các hang đá gốc cây xù xì, cành cây để làm chà cho cá tôm. Sau vài ngày nước được tháo vào chuôm.
Không có chuôm nào giống chuôm nào. Chuôm ông Hát được kê những hòn đá rất nhẫn nhụi. Chuôm ông Liểu có cây cối bao quanh rất um tùm. Chuôm ông Biểu Kỳ có rất nhiều hang hốc. Có chuôm do nước rất trong mát và con gái thường đến tắm nên được gắn với tên Chuôm Tiên. Có chuôm có những mỏm đá hình thù kỳ quái nên bị gọi là Chuôm Ma…
Chuôm luôn là nơi tắm tiên lý tưởng của những kẻ chăn trâu chúng tôi sau những trận bắn nhau nổ trời hay sau những keo vật gay cấn. Được ngâm mình trong làn nước trong mát đúng là sướng hơn tiên.
Vào những năm hạn hán, chuôm chính là nơi lưu giữ nguồn nước quý hơn vàng. Khi ruộng lúa bị cạn nước, bà con nông dân dùng gàu tát nước từ chuôm ra ruộng.
Chuôm là nơi bảo tồn các loài thủy sản khi thời tiết khắc nghiệt. Vào những hôm trời rét dưới 10 độ C nếu không có chuôm thì nhiều loài cá sẽ bị chết cóng, nhất là các loài cá trắng. Vào hè, khi nhiệt độ lên đến 38-40 độ C, cá tôm "nhanh chân" chạy vào các chuôm trú ngụ để khỏi bị chết vì nước nóng bỏng.
Thi thoảng người ta có tát chuôm vào dịp Tết Nguyên đán. Có cái hay là bà con chỉ tát một vài chuôm chứ không đồng loạt tát tất cả các chuôm. Nếu tát tất cả các chuôm thì năm sau đồng ruộng quê tôi đâu còn cá tôm.
Thường các chuôm có rất nhiều ngóc ngách nên các chủ chuôm không thể bắt hết được cá. Vả lại, họ muốn cho chúng tôi những kẻ đi hôi cá kiếm được vài con để khi về nhà không bị mẹ mắng chăng?
Trong các chuôm có nhiều lăn, lác, có rong rêu, cây tóc tiên, có trang, có hoa súng. Các chú chuồn chuồn thường đậu trên các cành cây được thả làm chà trong chuôm. Tôi đã chứng kiến các chú cá nhảy lên đớp chuồn chuồn rất điệu nghệ.
Rong rêu, tóc tiên được chúng tôi lấy về nấu cám lợn. Còn hoa súng thì để ngắm chơi chứ không hái về nhà.
Nay con người sinh ra nhiều quá. Người ta đành phải lấp chuôm để dựng nhà. Một ít chuôm còn lại không được các con cháu chăm sóc nên dần dần đã bị đất lấp đầy. Không còn thấy tiếng ếch nhái kêu uôm uôm nữa. Những chú cá rô chuôm nay chỉ còn trong hoài niệm.
Còn đâu chuôm của tuổi thơ tôi…
Đối với một trang mạng mở cho các thành viên như trang mạng của hội ta thì việc viết bài và viết bình luận là tự do. Ai viết về chủ đề gì đều đáng quý. Viết ngắn, viết dài, viết chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay đều được. Còn về phía người đọc, có người thích kiểu viết này, có người thích kiểu viết khác; có người thích chủ đề này, có người thích chủ đề khác. Chuyện này là bình thường. Khi đọc xong có người để lại comment nhưng có người chỉ vào đọc thôi mà không bình luận gì cả (những người này luôn chiếm số đông). Tuy nhiên, nếu bài viết ra mà không được ai đọc, không được ai comment thì người viết chắc cũng hơi buồn, hơi… tủi thân. Do vậy, ta cũng nên khuyến khích, động viên bạn ta bằng các comment. Ngoài comment bài viết chính ta cũng nên comment các comment của người khác. Mạng là trao đổi, chia sẻ, trải lòng… với nhau mà. Ngoài tham gia vào trang mạng của hội ta, tôi thấy một số bạn cũng như tôi còn tham gia một số trang mạng khác với các bút danh khác nhau. Nhiều người đã biết là, có trang mạng người viết trả lời cho từng comment. Đây là điều nên làm, nếu có thời gian. Có lúc re-com ngắn, có lúc re-com dài. Tất nhiên, ít người có thể recom từng comment. Re-com như là sự trao đổi lại, ghi nhận tấm lòng, sự thịnh tình của người đưa ra bình luận và cũng là sự cảm ơn đối với người để lại comment. Vậy, việc re-com là chuyện cũng rất bình thường và đáng khuyến khích. Qua chuyện trò tôi được biết, có một số người không thích bài viết, cách viết, cách com, re-com… của người này hay người khác. Đây cũng là chuyện "phình phường thôi"! Cái chính là ta không nên định kiến. Ta đang tham gia vào trang mạng của một cộng đồng. Ta chấp nhận sự khác nhau. Ta hướng về sự đa dạng, phong phú, sự muôn mầu muôn vẻ. Ta sẽ giàu có hơn lên nhờ chấp nhận sự khác nhau. Ta lớn lên nhờ sự bao dung! Xin có vài điều tâm sự. Có gì không phải, xin anh chị em đại xá, đại xá!
(Để tưởng nhớ cụ Vũ Đình Hòe)
. Thời đi học và các phong trào thanh niên, sinh viên sôi nổi Vũ Đình Hòe sinh năm 1912 khi phong trào văn thân đã thất bại, người Pháp đã hoàn toàn thống trị Việt Nam, Nho học bất lực trong cuộc cứu nước. Tuy nhiên, gia phong trí thức Nho giáo còn để lại cho lớp hậu sinh một chí khí và nhân cách thanh cao, một ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận mệnh đất nước cùng tinh thần canh tân của Đông Kinh Nghĩa Thục, khao khát đổi mới. Cũng như những người bạn cùng trang lứa như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục… Vũ Đình Hòe quyết chí học hành, trau dồi cho mình một vốn kiến thức mới để có thể lập thân, tồn tại độc lập trong xã hội thực dân nửa phong kiến và đóng góp được chút gì cho dân cho nước. Nhà nghèo, cha chỉ làm ông đồ cắp sách đi dạy thuê ở các làng, mẹ chạy chợ, chàng thanh niên Hòe dạy học tư, chấm bài thuê, kèm cặp các cậu ấm, cô chiêu nhà giàu để kiếm tiền ăn học bằng hình thức gửi thư xin bài, nộp bài sang tận Paris, hết phần I tú tài Tây, rồi đua tranh ngang ngửa với Tây ở Trường Trung học Albert Sarraut để thi đỗ phần II. Tú tài Tây lúc ấy đã là học lực cao, văn bằng có giá, dễ dàng lập thân được rồi, nhưng Vũ Đình Hòe quyết chí học lên cao nữa: anh nộp phí ghi tên vào Luật khoa của Đại học Đông Dương. Học phí đại học rất cao, nhưng không sao. Dẫu còn trẻ, 21 tuổi, anh đã là một thầy giáo dạy tư có tiếng, nên được mời đứng lớp ở hai trường tư thục danh giá đất Hà thành là Thăng Long và Gia Long. Anh chủ động được thời gian vì học đại học tự học là chính. Mỗi tuần có 5 buổi giảng, mỗi buổi 3 tiết do các giáo sư từ Paris sang giảng. Sinh viên không bắt buộc phải đến lớp, miễn là hoàn thành được bài vở qua tự nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu trên thư viện, dự các phiên tòa… Sinh viên được phép xin gặp riêng thầy tại trường hoặc tại tư gia để thảo luận những vấn đề mình tự đề xuất. Từ những ngày học luật ở Đại học Đông Dương Vũ Đình Hòe đã biết đến Đại cách mạng Pháp với những tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Dân quyền, Pháp quyền. Mặc dù thủ tục nhập học Đại học Đông Dương khá dễ dàng, chỉ đòi hỏi có bằng tú tài và nộp phí ghi danh, nhưng trụ lại được không phải dễ. Khoá II Luật khoa của Vũ Đình Hòe nhập học có 18 sinh viên Việt Nam nhưng chỉ có 11 người được nhận bằng cử nhân Luật. Tuy học tập căng thẳng, nhưng sinh viên Đại học Đông Dương là lớp thanh niên ưu tú tài hoa nên hoạt động của họ rất đa dạng và sôi nổi. "Khách thỉnh" (như kiểu câu lạc bộ bây giờ) tại tư gia Vũ Đình Hòe tập họp nhiều anh tài thơ ca, nghệ thuật như Vân Đài, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung… Ngày Hội sinh viên do họ tổ chức với diễu xe hoa, manơcanh hoá trang, làm tưng bừng khắp phố phường Hà Nội. Phong trào sinh viên do Tổng hội sinh viên mà Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Dương Đức Hiền, Huy Cận, Vũ Văn Cẩn, Đỗ Đức Dục, Phan Mỹ… góp phần sáng lập và lãnh đạo, có định hướng xã hội rõ rệt, phối hợp chặt chẽ với phong trào Hướng đạo của các huynh trưởng Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu. Họ cùng nhau tiến hành các hoạt động quy mô lớn, nhằm tập hợp lớp trẻ để học tổ chức, quản lý, chỉ huy như "trại thanh niên" ở các vùng nông thôn, giải thích luật lệ thường thức, phổ biến cho đồng bào nông dân cách dùng phân hoá học, vệ sinh phòng chống đau mắt hột, chích thuốc, mở lớp dạy chữ quốc ngữ, cổ vũ tinh thần yêu nước với các đêm kịch Hội nghị Diên Hồng, Lam Sơn tụ nghĩa, chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng… . Ra trường, đi dạy học và những hoạt động xã hội thiết thực Tấm bằng cử nhân luật thời bấy giờ là điều kiện tốt để được tuyển làm quan hành chính hoặc tư pháp trong bộ máy cai trị thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, Vũ Đình Hòe đã tiếp nối truyền thống của gia tộc đã 6 đời liên tục giữ nghiệp ông đồ, chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long, lương đủ nuôi gia đình sống đàng hoàng, lại đảm bảo cho mình một vị thế tương đối độc lập với Nhà nước "bảo hộ". Và phải nói thầy Hòe đã thành công trong sự nghiệp trồng người nếu như 60 - 70 năm đã qua mà các cô cậu học trò thuở ấy, giờ cũng đã 70 - 80, vẫn nhớ các bài giảng của thầy về Cách mạng Pháp, về đạo làm người và hàng năm vẫn đến tư gia chúc thọ thầy; không ít bức thư ấm tình thầy trò gửi về từ khắp địa phương trong nước, từ Pháp, Mỹ, Đức… Vũ Đình Hòe không chỉ là thầy giáo mà còn là một người đi tiên phong trong nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam, từ trước 1945 đã viết nhiều bài về giáo dục bình dân và cải cách giáo dục, sau hợp biên thành 2 cuốn sách "Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục" (1945) và "Một nền giáo dục bình dân" (1946). Không ít ý tưởng nhà giáo dục học Vũ Đình Hòe đề xuất từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, như: triết lý giáo dục vị nhân sinh, định hướng thực nghiệp, "lưu thông" (ngày nay nói: liên thông) giữa phổ thông trung học có chuyên ban và phổ thông chuyên nghiệp, lập hệ Cổ học Á Đông ở bậc phổ thông chuyên ban và tiếp nối lên cao đẳng (đại học) Hán Nôm như một chuyên ngành có ý nghĩa "then chốt quan trọng" trong công cuộc xây dựng văn hoá dân tộc. Theo tấm gương của cụ tổ Vũ Tông Phan, Vũ Đình Hòe cũng kết hợp công tác sư phạm với hoạt động văn hoá - xã hội, cùng Phan Anh, Vũ Văn Hiền hoạt động tích cực trong Ban Chấp hành Tổng hội sinh viên khi còn đang học Khoa luật, cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám tham gia phân bộ Đảng Xã hội Pháp của Jaurès, cùng nhà văn Nhất Linh và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện lập Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo, làm Phó cho Hội trưởng Nguyễn Văn Tố ở Hội truyền bá Quốc ngữ, chuyên trách các lớp cao đẳng cho người lớn. Năm 1941, ông cùng một nhóm bạn chí cốt, tâm huyết như các tiến sĩ luật khoa Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân ra tờ Thanh Nghị - một trong những tờ báo nổi tiếng thời ấy, tập hợp hàng trăm cây bút có uy tín, tài năng và đức độ thuộc cả hai giới cựu học và tân học, cả những vị cao niên và tráng niên. Dưới sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển của luật gia Vũ Đình Hòe với tư cách chủ nhiệm của báo, nhiều bài viết trong 120 số Thanh Nghị đã cung cấp cho giới trí thức Việt Nam lúc đó những hiểu biết cần thiết, đặc biệt về hiện trạng đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, để nhằm kín đáo nhắc mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai. Như vậy, nói tới Vũ Đình Hòe không thể không nói tới tờ báo Thanh Nghị- một tập hợp tự nguyện của một nhóm trí thức tiên tiến, hy vọng xây dựng một xã hội mới khi nước Việt Nam độc lập. Tờ báo này là yếu tố thu hút một bộ phận ưu tú những nhà trí thức dấn thân tìm đường cứu nước như Nghiêm Xuân Yêm, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Trọng Khánh...Tờ báo này đề cập nhiều đến đời sống kinh tế, xã hội và cả chính trị nữa. Nhóm “Thanh Nghị” của Vũ Đình Hoè từng có những cuộc trao đổi, tranh luận trên tờ “Thanh Nghị” về các thể chế chính trị mà nước Việt Nam phải lựa chọn khi cảm nhận thấy thời cơ độc lập đang đến gần. . Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên của chính thể mới Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông Vũ Đình Hòe, 33 tuổi, được cử vào Chính phủ nhân dân lâm thời, giữ chức Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục. Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đưa ra những đề nghị đầu tiên sớm khai giảng Đại học, chấp thuận giá trị bằng cấp của chế độ cũ và chủ động nhắc đến việc xóa nạn mù chữ và đã được Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh giải quyết nhanh chóng, dứt khoát. Chỉ không đầy hai tuần sau cách mạng thành công, chính quyền mới đã khai giảng niên khóa đầu tiên. Ông cũng là người có công khôi phục lại nền giáo dục đại học từ nền giáo dục thuộc địa, chuyển Đại học Đông Dương cũ thành Đại học của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sử dụng quốc ngữ.
Ngày 13/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe dự lễ khai giảng Đại học Việt Nam
Một tuần sau Lễ độc lập, ông đã trình Hồ Chủ tịch ký hai sắc lệnh: về thanh toán nạn mù chữ và về thành lập một ngành học chính thức mới trong hệ thống giáo dục quốc dân - Bình dân học vụ. Chỉ non 3 tháng sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, theo lệnh của Chính phủ nhân dân lâm thời, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe cho mở cửa lại Đại học Đông Dương, từ nay là Đại học Quốc gia Việt Nam giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Như một lẽ tự nhiên, bản thân ông trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, cùng ông Võ Nguyên Giáp giảng môn Kinh tế cho các lớp xã hội - chính trị đặc biệt, đào tạo chuyên gia cho các cơ quan chính quyền nhân dân non trẻ. Vài tháng sau, ông đã trình Hồ Chủ tịch Đề án cải cách giáo dục với mục tiêu "giáo dục vị nhân sinh" và trên các nguyên tắc dân chủ, dân tộc và khoa học. Trong một phiên họp của Chính phủ nhân dân lâm thời, Hồ Chủ tịch biểu dương Bộ Quốc gia Giáo dục trong thời gian ngắn đã làm được nhiều việc. Chỉ trong mấy tháng làm Bộ trưởng Quốc gia giáo dục, GS Vũ Đình Hòe có 3 chủ trương mang tính “tạo nền” cho nền giáo dục nước nhà: Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm với mức tốn phí tiền bạc không đáng kể, vì chủ yếu dựa vào sức dân. Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học. Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học. . Bộ trưởng Bộ Tư pháp với sự nghiệp xây dựng pháp luật Sau một thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ quốc gia giáo dục Vũ Đình Hoè được cử sang giữ Bộ tưởng Tư pháp vào đầu năm 1946, trong một Chính phủ Liên hiệp Lâm thời với sự tham dự của nhiều đảng phái có khuynh hướng chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau, nhưng có một quan điểm chung là chống cuộc xâm lăng trở lại của thực dân Pháp. Bộ Tư pháp dưới sự lãnh đạo của luật gia Vũ Đình Hòe đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng một số lượng rất lớn các văn bản pháp luật để xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, duy trì trật tự xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.Chỉ trong một thời gian rất ngắn kể từ ngày Bản Tuyên ngôn Độc lập được công bố đến ngày 19/12/1946- Ngày toàn quốc kháng chiến, Nhà nước ta đã ban hành 479 văn bản pháp luật, trong đó có 243 sắc lệnh ,172 nghị định, 46 thông tư và 12 văn bản khác. Các văn bản pháp luật được ban hành trong vòng 14 tháng kể từ ngày Lễ Độc lập 02/9/1945 đến cuối tháng 12/1946 đã tập trung vào việc tạo cơ sở pháp lý cho: Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước; Tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp; Tổ chức và hoạt động của lực lượng quốc phòng, an ninh; Tổ chức đời sống dân sự, đời sống văn hoá, xã hội; sự nghiệp giáo dục. Mặc dù còn muôn vàn khó khăn do nạn đói và giặc ngoại xâm đe doạ, Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử đại đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, củng cố nền độc lập và chính quyền dân chủ nhân dân. Luật gia Vũ Đình Hòe được cử vào Ban dự thảo điều lệ Tổng tuyển cử. Cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành ngày 6/01/1946 một cách thực sự tự do, dân chủ, bình đẳng và thắng lợi rực rỡ bất chấp sự phá hoại của bọn phản động . Một cuộc Tổng tuyển cử mà thể lệ của nó bảo đảm tinh thần dân chủ tối đa, ngay cả nhiều quốc gia tiên tiến đương thời cũng chưa thực hiện. Thí dụ chế độ phổ thông đầu phiếu trên cơ sở bình đẳng nam nữ, dân tộc, tôn giáo , thân phận xã hội... Tiếp đó là một bản Hiến pháp được soạn thảo bởi một tập thể các nhà trí thức và chuyên môn am hiểu với một tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc. Những nhà luật học của chế độ cũ, kể cả vị Thượng thư Bộ Hình của Nam triều là cụ Bùi Bằng Đoàn cũng được mời tham gia. Ngày 09/11/1946 Hiến pháp được Quốc hội thông qua. Bản hiến pháp này phản ánh đúng tinh thần pháp quyền. Những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực nhà nước sao cho lạm quyền, chuyên quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo đảm, bảo vệ đã được thể hiện ở những điểm sau đây: - Hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước. Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70 Hiến pháp 1946). - Các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thay vì được nhà nước ghi nhận và bảo đảm. - Quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế. - Quyền năng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân chia rất rõ. - Vai trò độc lập xét xử của toà án được bảo đảm. Các cơ quan khác không có quyền can thiệp. . 15 năm nghiên cứu luật học Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể (đến năm 1981 mới lập lại), ông Vũ Đình Hòe được chuyển về Tổ Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học nhà nước (từ năm 1967 là Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam), làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp. Tổ Luật học khi đó do ông Phạm Văn Bạch, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm tổ trưởng. Luật gia Vũ Đình Hòe được giao phụ trách Phân tổ Luật dân sự- kinh tế. 15 năm ông lặng lẽ, miệt mài làm công tác nghiên cứu, chủ biên và tham gia nhiều công trình luật học như "Từ điển thuật ngữ luật học Nga - Trung - Pháp - Việt", "Những vấn đề nhà nước và pháp luật", "Hợp đồng kinh tế", "Nhà nước và cách mạng", “Hiến pháp xã hội chủ nghĩa- một số vấn đề lý luận cơ bản; giảng dạy Luật dân sự và Luật kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Hành chính Trung ương, ở các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý... Năm 1975 luật gia Vũ Đình Hòe nghỉ hưu. . Những trang hồi ký Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Cụ Vũ Đình Hòe viết Hồi ký (Hồi ký Vũ Đình Hòe, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004). Sách của Cụ viết không hoàn toàn chỉ là hồi ức của một cá nhân, mà giống như Võ Nguyên Giáp, qua những trải nghiệm của “người trong cuộc” để viết đến những vấn đề gắn với lịch sử cuộc Cách mạng giải phóng và công cuộc xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập. Trong Hồi ký Cụ viết về nhiều nội dung: Báo Thanh Nghị, Nhóm Thanh Nghị, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh… Trong bài này tôi chỉ xin đề cập đôi dòng liên quan đến hồi ức của Cụ về tư pháp. Với cụ Vũ Đình Hòe, đó là lịch sử một thế hệ trí thức đi theo Cách mạng với tất cả vẻ đẹp hào hùng xả thân vì nghĩa lớn cùng những bi kịch của một quá trình “tự lột xác” để phù hợp với một cuộc đấu tranh giai cấp được coi như là một động lực cách mạng; là lịch sử xây dựng thiết chế nhà nước, đặc biệt về thiết chế tư pháp. Với cương vị một cựu Bộ trưởng Tư pháp, Cụ Vũ Đình Hoè viết về những vấn đề nảy sinh trong quan điểm xây dựng pháp luật. Cuộc tranh luận quyết liệt trên báo “Sự thật” và báo “Độc lập” xoay quanh chủ đề “Tư pháp và Nhà nước” với nội dung chủ yếu là có hay không có nguyên tắc “Tư pháp độc lập” đã nêu lên nhiều vấn đề nóng bỏng mà đến nay đọc lại vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Thực tiễn nảy sinh xung đột giữa bộ máy hành pháp và tư pháp đã được bàn luận vào thời điểm bộ máy chính quyền bắt đầu nẩy sinh hiện tượng lộng quyền, chuyên quyền. Trong hồi ức, Cụ Vũ Đình Hòe có kể đến một vụ án một chủ tịch huyện đã thụ án tử hình vì tội lộng quyền khi đã xử lý một cách vô đạo với một gia đình giàu có từ vùng địch chạy vào vùng tự do của kháng chiến. Người chồng của gia đình này bị giết để lấy của, người vợ bị làm nhục... Cuối sách, Cụ Vũ Đình Hoè kể rằng, vài chục năm sau, vị nhà báo của báo Sự thật đã tranh luận với các luật gia (học luật ở chế độ cũ) có gặp Cụ và xác nhận rằng: Nhớ lại hồi nổ ra tranh luận, đến nay có nhiều điều vị ấy phải nghĩ lại. Cụ Hòe cảm kích khi nhắc đến chi tiết này và càng thấu hiểu cái điều Cụ Hồ đã dạy là “cứ nghĩ đến Đại Nghĩa” mọi việc rồi sẽ ổn.
. Ba ước nguyện của vị Giáo sư 100 tuổi Khi Tạp chí Thế Giới Mới hỏi Cụ Vũ Đình Hòe về những ước nguyện đầu Xuân về giáo dục, Cụ đã trả lời như sau: “Nhà báo hỏi tôi những điều ước nguyện đầu Xuân về giáo dục. Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi. Một mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hoà đầy khó khăn gian khổ, đó là: “nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Và chí ít ra, ngày Chủ nhật ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau. Hai mong người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng và chăm sóc để được yên vui và thanh thản hưởng tuổi trời. Ba mong nền giáo dục của ta thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh. Có gì thì đã viết hết trong Hồi ký rồi. Chỉ xin phép được nói thêm vài lời: đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng. Và cố gắng in lại những bài “Áo vải bàn suông” (tức “Thanh Nghị”). Nhân năm Nguyên đán Tân Mão sắp đến, tôi có lời chúc các bạn sức khỏe dồi dào và một năm mới an lành”. Nguyên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Chính phủ nhân dân lâm thời Vũ Đình Hòe”.
&nb sp; Năm tôi lên 15 tuổi, có một buổi trưa tôi sang nhà bác Hợp ăn giỗ. Mọi khi tôi ngồi mâm ở nhà dưới với bọn trẻ con nhưng hôm nay được bác tôi gọi lên ngồi mâm ở nhà trên. Bác lại bảo tôi ngồi cùng mâm với mấy bác nữa mới oai chứ. Tôi rón rén ngồi xuống bên cạnh bác, mắt lấm la lấm lét nhìn thầy tôi cũng đang ngồi mâm ấy. - Cháu rót ra tất cả các chén đi. Bác tôi ra lệnh. Tôi cầm cái nậm rượu có nút bằng lá chuối khô, mở ra, lóng ngóng rót rượu vào 6 cái chén. Do chưa quen, tôi làm rớt cả ra chiếu. Cái chén uống rượu của các cụ bé tí ấy mà. Bác tôi quan sát rồi động viên:- Lần đầu lóng ngóng là chuyện thường. Rồi sẽ quen thôi! Nào cháu cầm chén lên mời rượu tất cả các bác và thầy cháu đi. Tôi run run cầm chén rượu lên thưa:- Cháu xin mời rượu các bác, con xin mời rượu thầy ạ. Bác tôi nói to:- Xin mời tất cả các ông uống chén rượu lạt! Cháu cũng uống đi! Tôi nhìn sang thầy tôi với ánh mắt dò hỏi. Thầy tôi:- E hèm. Thấy thế, ông bác tôi bèn can thiệp:- Chú ơi! Năm nay cháu nó 15 tuổi rồi, lớn rồi, uống được một ít rượu rồi. Chú cứ để nó uống. Nào mời các ông! Được bác khuyến khích, tôi đưa chén lên miệng và uống một ngụm. Cái thứ gì mà cay thế! Cay nhưng lại thơm thế! Uống đến đâu cổ họng tôi nóng lên đến đấy. Rồi mặt tôi đỏ bừng. Bác tôi khuyên:- Cháu uống lấy một ít nước canh bí đao là không thấy làm sao nữa đâu. Nghe lời bác tôi múc liền hai môi canh bí đao vào bát và uống ngay. Cảm giác nóng ran dần dần lan tỏa và dịu đi. Bữa đó với sự khuyến khích của bác tôi, tôi còn uống hai chén nữa. Về nhà đầu bị váng vất, tôi phải đi nằm, đành bỏ mất buổi đánh dậm lúc xế chiều. Sau lần ấy, tôi vẫn luôn nhớ đến cái chất lỏng cay cay, thơm thơm ấy. Nhà tôi cũng có rượu nhưng thầy tôi cất rất kỹ, tìm mãi mới thấy dưới gầm bàn thờ. Vẫn là cái nậm rượu được nút bằng lá chuối khô. Tôi lấy ra, ngửa cổ tu một ngụm nhỏ. Thơm ơi là thơm, ngon ơi là ngon. Tôi lại chiêu một ngụm nữa. Ngon quá! Thơm quá! Tôi chiêu thêm một ngụm nữa. Tôi thở phà ra hơi rượu thơm, mắt lim dim, mơ màng như ở cõi tiên. Sau này, dường như chưa bao giờ tôi có được cảm giác uống rượu ngon đến như thế, sướng đến như thế! Lúc đó, có lẽ, tôi đích thực đã được thưởng thức tiên tửu. Cùng cần nói thêm: Thời gian ấy, Nhà nước cấm nấu rượu nhưng bác tôi và thầy tôi không thể nhịn rượu được. Vì vậy, các cụ phải đi bộ 25- 30 cây số xuống vùng Kim Sơn mua rượu về uống. Hình như chính sách cấm rượu có được nới lỏng ở vùng công giáo này. &nb sp;
Đi riu, đi cất vó tép và mắm tép NghiPH
Mấy hôm nay trời rét đậm, rét hại, tôi hay nhớ về mắm tép do bu tôi làm khi xưa ở quê. Trời rét thế này mà có mắm tép ăn với cơm nóng thì tuyệt cú mèo. Trong ký ức của tôi những ngày đi rủi, đi cất vó lại hiện về. Thuở nhỏ ở quê, tôi thấy rất nhiều cánh đồng ngập nước. Những trái núi mọc lên giữa những cánh đồng ngập nước. Cảnh đẹp như ở chốn bồng lai. Chẳng gì người ta cũng gọi quê tôi là Vịnh Hạ Long trên cạn. Khi còn bé tôi chưa biết điều này. Tôi chỉ biết đây chính là địa bàn lý tưởng cho việc đi rui, đi rủi, đánh dậm, tát cá, bắt cua của dân quê tôi. Cái riu (có nơi gọi là cái te) đan bằng tre, nứa với nan vót nhỏ được ken rất dầy, có hình con tôm lộn ngược. Cái rủi thì có hình dáng giống chiếc gầu sòng. Muốn có tép ta phải lội xuống ruộng, đặt cái riu, cái rủi xuống và đẩy nó đi trong nước để hớt tép. Rui được dùng ở những cánh đồng nước nông. Rủi thì được dùng ở cánh đồng nước sâu. Đẩy riu trong nước rất nặng. Đẩy rủi còn nặng hơn rất nhiều vì nước sâu. Muốn có sức để đẩy ta phải ăn no thì mới có đẩy được. Ai mới đẩy lần đầu đi được một đường đã bở hơi tai. Dần dà rồi cũng quen thôi. Đi rui, đi rủi hay bị đỉa làm phiền. Chúng tôi không sợ đỉa nhưng nó hút máu của mình thì tiếc lắm, căm nó lắm. Loại đỉa to khi bám vào người rồi cắn hút máu còn cảm thấy nhột nhột. Còn loại đỉa con nó hút cứ êm ru. Mình hận mấy con đỉa ở chỗ đã hút no rồi nhả ra nhưng nó lại “không biết cách” hàn vết cắn lại cho cầm máu. Từ vết cắn của đỉa máu vẫn rỉ ra thấy xót quá. Nay thì thương đỉa lắm rồi, đỉa ơi! Mày đâu còn không gian để sinh sống và phát triển nữa. Đi rui, đi rủi hớt được tép riu, nhỏ con, mầu đen đen, hơi đo đỏ, thường gọi là tép riu. Đi cất vó tép có phần nhàn hơn vì chỉ cần đứng trên bờ thả vó và cất vó. Ở quê tôi. bọn con gái hay đi cất vó tép vì không phải lội ruộng và dĩ nhiên là không bị đỉa đốt. Nhưng cất vó kỳ công hơn ở chỗ phải chuẩn bị mồi. Muốn rủ tép đến với vó của mình thì mồi phải thật quyến rũ. Mồi làm bằng cám thính rang thơm, giã thật nhỏ. Ta xát một chút mồi thính vào đáy vó (làm bằng vải màn) rồi thả từ từ xuống mặt ruộng. Khác với đi rui, đi rủi người ta thường cất vó tép ở những thửa ruộng nước cạn, nước vừa phải. Để đặt vó xuống và cất vó lên ta dùng một cây sào nhỏ, đầu sào có đóng một cái đinh để vó không bị tuột. Số lượng vó đem theo tùy thuộc ào khu vực mà ta dự định đến cất. Khu vực ruộng rộng ta có thể mang theo đến 30 chục cái, khu vực ruộng hẹp thì chỉ nên mang theo 15-20 cái. Đặt vó xuống hết một lượt ta quay lại cất từ cái vó đặt đầu tiên và cứ thế quay vòng. Cất vó lên nghe rào rào biết là được mẻ có nhiều tép. Tuy là đi cất vó tép nhưng các bác cua nhà ta cũng hay bò vào ăn thính. Mấy bác này hay cắp nát cả vó. Ngày xưa vải màn rất hiếm (vải gi vải gì cũng hiếm) nên những cái vó bị cua cắp rách hoặc do dùng lâu ngày bị rách về nhà tôi phải ngồi vá lại. Có cái vó vá chồng vá đụp lên nhau trông ngộ lắm. Khi cất vó vá do khó thoát nước nên kéo lên rất chi là nặng. Nhiều khi tép kịp nhảy ra ngoài hết. Tép kiếm được do cất vó là tép to có màu trắng, thường được gọi là tép gạo. Tép riu hay tép gạo thường có ba các cách chế biến chính: Rang (chỉ có tép hoặc với khế), nấu với dưa cải và làm mắm. Tuy nhiên, tép gạo thích hợp nhất với việc rang hoặc nấu với dưa vì nó nhiều thịt. Còn làm mắm phải chọn tép riu, nho nhỏ, đen đen, đo đỏ thì nó mới có mầu đỏ đẹp và hương vị thơm ngon. Cách thức làm mắm tép cũng không khó lắm. Tôi đã xem bu tôi làm nhiều lần. Ai cũng có thể làm được. Nhưng có lần nghe bu tôi nói: Làm mắm tép cũng phải có "tay", có duyên thì mắm mới ngon! Tép sau khi bắt về nhặt bỏ hết rong, rác, rửa thật sạch. Nếu không rửa sạch mắm sẽ mất màu đỏ thơm và ngả sang nâu, thậm chí bị hỏng. Sau khi để ráo nước, tép được trộn với muối và bột gạo rang nghiền thành thính gạo theo tỷ lệ khoảng cứ mười bát tép là bốn bát muối, hai bát gạo rang giã nhỏ. Trộn đều nguyên liệu sau đó cho vào hũ hoặc vò rồi bịt kín bằng bát ăn cơm ngoài cùng chít đất, ủ khoảng một tháng lấy ăn được. Để lâu mắm càng ngấu càng ngon. Đó là cách làm mắm đơn giản ở quê tôi. Thời nay, một số người còn sử dụng cả đường, bột ngọt, gừng, riềng, tỏi, ớt băm, rượu trắng để trộn vào tép làm mắm. Sau khi thành phẩm hoàn tất mắm lại được trộn với đu đủ ương xắt nhỏ. Theo tôi, chúng ta có thể thêm gừng, riềng, ớt (đều đã được thái nhỏ, băm nhỏ) và rượu gạo nhưng không nên dùng đường và bột ngọt. Đưa hai thứ này vào thì còn gì là mắm tép. Mắm tép nguyên chất sánh đặc, màu đỏ hồng tươi, vị ngọt đậm và không nặng mùi như mắm tôm hoặc mắm cá. Nếu muốn nấu nước mắm, người ta cho mắm tép sánh đặc vào một túi vải, rồi vắt kiệt lấy nước cốt cho vào nồi nấu lên, khi đun vừa lửa, nếu muốn mắm đặc thì đun lâu hơn. Riêng tôi, thích ăn mắm tép sống, sánh đặc. Hồi còn ở quê chúng tôi ăn mắm tép nguyên chất, sánh đặc với khế chua, chuối ương hoặc đu đủ ương, thêm chút hành hoa, hẹ, gừng. Cả nhà quây quần xuýt xoa khen ngon. Thi thoảng nhà tôi mới được ăn thịt lợn luộc chấm mắm tép. Ngày nay, người ta dùng mắm tép phối trộn với gừng, tỏi, ớt để làm nước chấm cho rau thơm, cá lóc nướng trui hay cá lóc chiên xù; cuốn bánh tráng với mắm tép, thịt ba chỉ luộc và tôm đất luộc lột vỏ… Và vẫn như ngày xưa những thứ sau đây rất hợp khi kèm mắm tép là thịt lợn luộc, rau thơm, khế xanh, gừng, hành hoa, hẹ, bún. Về thức uống, rượu Tây có vẻ không hợp khi để ăn mắm, không "vào" với mắm tép. Bia càng không, vì nó làm trôi tuột vị mắm và để lại mùi tanh. Rượu quê ngon (rượu gạo) là hợp với mắm tép nhất. Ngày nay, người ta cũng đã bắt đầu nói về nghệ thuật thưởng thức mắm tép. Có người ví von: Ăn mắm cũng như ngắm hoa, tỉa cây, phải vào lúc lòng thật thanh thản, yên tĩnh. Ăn một miếng mắm, phải gắp vào bát tới chục lần những chi tiết tỉ mẩn của rau, của ớt, của gừng, của hành, của hẹ, của các loại rau thơm, khế, chuối... Miếng mắm đừng lớn quá, trông thô lại không ngon vì phải nhai vội vã. Vị nồng ấm và thơm ngọt của mắm tép hòa với hương của rau thơm, vị chua chua của khế, chán chát của chuối, cay cay của ớt, của gừng... lan tỏa trong miệng, trong người, tạo một cảm giác dễ chịu, thư giãn và trầm tĩnh. Nhai nửa chừng mà nhấp một chút rượu nếp quê, thì cảm giác hưởng thụ đã tới độ trọn vẹn, lâng lâng. |