|
|
Đang xem 10 - 18 của tổng số 39 Blogs.
MOJE MILÁ KRÁSNÁ ZLATÁ PRAHANói đến Praha, là nói "Praha vàng". Praha nhỏ bé nhưng cực kỳ xinh đẹp. Con sông Vltava ( Moldau, tiếng Đức) êm đềm trôi, với hai bên bờ là những cụm phố xá xinh tươi và thành quách. Ai đã một lần đến Praha, phải một lần ghé thăm thành Hradčanské.Ai đã ghé qua Praha dấu yêu, cũng một lần ráng đến Quảng trường Con Gà. Cái đồng hồ cổ tọa trên quảng trường, mỗi khi đánh chuông báo giờ, chú gà gáy lảnh lót từ tòa tháp cao nhất và những vị thần lần lượt diễu qua ô cửa nhỏ... Ai đã đến Praha, phải một lần dạo bước trên Quảng trường Con Ngựa. Rộng thênh thang, với những kiến trúc cổ rất tinh tế, từ những bức phù điêu, một phong cách thật sự quý phái, đẹp muôn thuở. Nằm trong không gian của hai đầu với hai quảng trường Museum và Můstek , trên suốt hai dãy đại lộ chi chít những nhà hàng, quán bia, khách sạn và những nơi du hý. Tôi đã sống nhiều năm dài nơi đây. Văn phòng của công ty tôi làm việc, chỉ cách quảng trường với ba phút đi bộ. Trong nhiều nhà hàng sang trọng, các ban nhạc sống thường xuyên trình diễn. Các nhạc công đã chơi hết mình cho những khán thính giả dành lòng hâm mộ.
Người xem Tháp đồng hồ trên quảng trường con-gà Có những ngày cuối tuần, tôi ngồi suốt cả chiều trong nhà hàng. Thả hồn trong nhạc, trong cái du dương trầm ấm, hơi đục của Contrabass. Trong tiếng réo rắt lên vút cao của tiếng vỹ cầm cao sang. Trong âm thanh dìu dặt, quyến rũ, mời mọc của tiếng Cello và tiếng kèn Clarinet. Buồn gieo vào trong tôi một nhớ nhà đến nao lòng... Cầu Karlův trên sông Vltava, chụp từ trên caoAi đã một lần tới Praha, không thể quên bước chân tới chiếc cầu Karlův , cây cầu được người Việt nơi đây gọi là Cầu Tình. Cầu Karlův bắc trên con sông Vltava. Trên cầu là vô số những bức tượng, phong sương của năm tháng khiến những bức tượng đồng đen ấy khoác một màu xanh loáng thoáng. Tuy thế, chúng là những hình tượng khó phai trong tâm trí du khách nơi này. Trên cầu, người ta thấy một bức tranh sống động. Ngồi đây là anh họa sỹ đang chăm chú cao độ để họa lại chân dung lữ khách. Bức hình sẽ về với chủ nhân trong tâm trạng lưu luyến mãi với một Praha đầy thơ mộng. Đi một đoạn nữa, người chơi violón sẽ níu kéo chân những du khách thập phương với những bản nhạc nổi tiếng của Dvořák . - Pěkné ! Jeste jednou, prosím ! Tuyệt vời, làm ơn chơi lại lần nữa đi ! Bạn sẽ mềm lòng không cưỡng lại được việc bỏ vài đồng Korun vào cái mũ cũ mèm, để cảm ơn nhạc công tài ba này. Ở phía cuối cầu, đông nghịt một đám vòng trong vòng ngoài của những người làm xiếc rong. Bên này, người ta xúm xít vây quanh một người đàn bà, chị quàng trên đầu chiếc khăn hoa đỏ sặc sỡ, người đàn bà gốc Digan đang coi bói bài tây. Thanh niên nam nữ tay trong tay trên cầu Karlův. Thanh bình và yên tĩnh buông xuống nơi đây, trên cầu Karlův mộng mơ, đẹp như tranh vẽ.
Đêm trên Praha Đêm xuống, Praha đẹp lên gấp bội. Trên các quảng trường, đặc biệt khu vực Můstek và Museum, tất cả chìm trong sắc vàng của những công trình kiến trúc cực kỳ tuyệt tác. Người ta bước đi trong đêm, trong cái huyền ảo của màu vàng ngoạn mục. Nhiều sinh viên từ LX đến Praha, đã thốt lên với tôi : Các bến Metro ở LX đã đẹp, đã hoành tráng, mà ở Praha thấy còn đẹp hơn. Cũng vật liệu từ đá hoa cương của LX, nhưng với nghệ thuật riêng của xứ Tiệp, các bến xe điện ngầm ở Praha phô ra được những họa tiết, màu sắc và lối kết cấu vô cùng hấp dẫn, sống động. Thể hiện một bút pháp nghệ thuật có bản sắc của mình. Ở Praha có 3 tuyến Metro: A, B và C. Không bến nào có kiến trúc và hình họa bài trí giống bến nào. Đến Praha, người về sẽ nhớ mãi Pivo( Bia) Tiệp. Bia Smíchov, bia Plzeň với công nghệ bia nổi tiếng thế giới. Và một trong những món ăn dân tộc nhớ mãi đó là Knedliky - Bánh bao hấp cắt lát, được xếp xòe ra trên đĩa như hình dẻ quạt, rồi dưới lên đó một thứ nước sốt có màu trắng với thịt băm nhỏ... Ngon tuyệt vời. Trong các nhà hàng lớn, sang trọng, cũng là nơi tụ hội, gặp gỡ của Sinh viên với các giáo sư, nhất là SV VietNam. Đến Praha, mua sắm, khách du lịch sẽ vào cửa hàng lớn tầm cỡ như BILÁ LABUT - Thiên nga trắng. Cũng có khi chân theo chân, khách mua hàng lại ghé chợ CON BÒ. Ở đây giá cả phải chăng và đặc biệt với các mặt hàng thủ công, mang màu sắc Tiệp. Chúng là đồng hồ có con chim cúc cu. Là những búp-bê dân gian và nhiều đồ vật lưu niệm khác. Nói tới Praha, tới Tiệp-khắc là nói tới các sản phẩm thủy tinh, sứ và Crystal. Mời du khách vào cửa hàng chuyên bán mặt hàng này trên quảng trường Museum và phố cổ. Lần đầu tiên tôi đã ngây ngất, sững sờ vì hào quang chói lòa của cửa hàng. Thủy tinh với rất nhiều màu sắc chế ngự trên tất cả các chủng loại : Lọ hoa, ly cốc, gạt tàn thuốc, khung ảnh, chân dung các vỹ nhân, hình vóc các vũ nữ, tranh cổ, tranh hiện đại..... Và sau cùng là pha lê. Chúng tuyệt vời như những nữ hoàng với thật nhiều nâng niu, ôm ấp, gượng nhẹ. Pha lê mà.
Sau cùng, đó là cái thú ăn kem - Zmrzliná . Tôi chưa từng thấy một ngôn ngữ nào có nhiều phụ âm đến như thế trong một từ. Nhưng kem Tiệp, kem Praha sẽ khiến bạn nhớ chẳng thể quên được, kể cả vào những ngày đông giá lạnh... Tôi chia tay Praha vào mùa thu 1990, lúc ấy cuộc cách mạng nhung của Tiệp khắc đang độ chín. Khắp nơi, Praha đắm trong tiết thu tuyệt đẹp và từ nhiều phía, cánh cửa rộng mở đón những làn gió dân chủ thổi vào. Nếu Moldavia, Kiev, Minsk, Leningrad hay Moscow... là quê hương thứ hai của các bạn. Thì Tiệp-khắc, Praha chính là quê hương thứ hai của tôi, chứ không phải Đức quốc. Zlatá Praha, thơ mộng , trữ tình, với những con người ăm ắp tình thương, gắn với tôi một thời dấu yêu. Cologne 02.08.2013
THỜI TRANG SINH VIÊN KGU NIÊN KHÓA 71-72 . Đặng Tuấn Phương
Trong buổi học chính trị cuối cùng ở Trường Đại học Kinh tế , cho số học sinh cấp III thi đậu đại học đi nước ngoài , danh sách đi đợt đầu được thông báo . Sau này như đã biết chúng ta lên :" Đường dẫn đến KGU " đợt đó. Ngay ngày hôm sau chúng ta mỗi người được nhận một số đồ dùng cá nhân cho chuyến " Xuất ngoại " đầu tiên trong đời . Hành trang gồm : Vali màu đen , hai áo sơmi trắng ,một bộ Comlê màu đen , hai đôi giày da ,một áo len màu xanh ,một khăn phula....lúc đó chúng ta thường nói với nhau : " Nhận đồ của bác Bửu " ( Ông Tạ Quang Bửu-Bộ Trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ ) . Thời gian đó đất nước ta đang rất khó khăn , thế mà nhà nước đã trang bị cho chúng ta được những thứ như thế là cả sự cố gắng của nhà nước và nhân dân dành cho chúng ta , những lưu học sinh ở nước ngoài. Đêm 27 tháng 7 năm 1971 , lên tàu rời Hà nội mọi người vẫn mặc những trang phục vốn có sẵn của mỗi người . Trên đất Trung Quốc , thời tiết không khác gì so với ở Việt Nam nên mọi người vẫn mặc bình thường , chứ chưa ai sử dụng đến trang phục bác Bửu . Khi sang đất CCCP , thời tiết đã khác , se lạnh và cũng từ đây lúc chuyển từ tàu Trung Quốc sang tàu Liên Xô ở ga Zabaikan , diễn ra cuộc trình diễn "Thời trang..." nhưng không phải của những người mẫu mà là của lưu học sinh KGU sau này. Các bạn nam súng sính trong bộ Comlê , có lẽ lần đầu tiên trong đời khoác lên mình bộ Comlê . Bộ nào cũng như bộ nấy , một kiểu duy nhất , chỉ có cỡ lớn cỡ nhỏ . Trước đó một ngày thôi nhìn đứa nào cũng trẻ con . Ấy thế mà hôm ấy khi khoác lên mình bộ Comlê trông đứa nào đứa nấy cũng có vẻ chững chạc , người lớn hẳn lên...đúng như Ông Bà ta nói : " Người đẹp vì lụa " . Dù thế nhưng vẫn không dấu được vẻ nguợng ngùng thế nào ấy...nhìn kỹ hơi bị buồn cười vì người cao , người thấp,người mập , người ốm...Mà Comlê thì may theo số , khỏi phải nói các bạn cũng biết nhìn vui mắt làm sao . Cánh nam giới thì thế . Còn các bạn nữ thì sao nhỉ ? Có lẽ cũng lần đầu khoác lên mình bộ áo váy cho nên hầu như bạn nào cũng không dấu được vẻ ngượng ngùng . Để bớt ngượng một số bạn khoác thêm áo Vinilon ở bên ngoài . Khi sách Vali chuyển tàu không ai chịu đi trước , đã thế người đi đàng sau cứ như muốn dinh chặt vào người đi trước...Chưa hết , khi ở trên toa tôi để ý thấy các bạn tụ lại từng nhóm to nhỏ điều gì đó , linh tính như mách bảo với tôi các bạn nữ đang to nhỏ bình phẩm về trang phục mà chúng ta đang khoác trên người...Đâu đó có lúc có tiếng cười khúc khích , lúc thì tiếng đánh thùm thụp vào lưng nhau...Còn chuyện gì khác nữa nào ? Vào cái thời điểm áo váy đang là chuyện thời sự . Áo Sơmi bác Bửu sau vài lần giặt đã có vấn đề : Bị co rút ( Vì vải không được ngân nước trước khi may ) thật thảm , cổ áo không cài được mỗi khi thắt Cravat , tay , vạt áo co rút lại...nhiều bạn vạt áo chỉ còn hơi dài quá rốn chút xíu ( Áo co lại , người thì cao thêm lên )...nhiều bạn mặc chật . Ví dụ như L.H. mập lên 10Kg.! điều dễ hiểu vì dù cuối tháng có ăn cháo mì Kinki đi chăng nữa thì vấn đề dinh dưỡng đối với chúng ta trong thời gian học ở CCCP đã được cải thiện rất nhiều so với trước kia ở trong nước , cho nên việc tăng trọng ở chúng ta là chuyện bình thường. Lưu học sinh KGU lần đầu đón những bông tuyết của mùa Đông CCCP . Đồ bác Bửu không đủ ấm . Chúng ta được đưa đi mua đồ Đông . Theo lịch từng nhóm đến cửa hàng , nhưng không phải mua tại quầy mà chọn đồ trong phòng riêng . Ở đây mỗi người được chọn cho mình số đồ có giá trị 300 rúp ( Không biết tôi nhớ có chính xác không . Nếu không đúng nhờ các bạn đính chính dùm ). Hầu như ai cũng chọn cho mình những món đồ cơ bản : một áo bành tô màu xám tro ,một mũ lông màu nâu . một đôi găng tay da ,một đôi giầy trong lót nỉ , một bộ Comlê màu tím than hình như do Đức sản xuất . Vài bạn còn chọn cho mình áo len , tôi nhớ áo len ô trắng ô đen , lúc đầu nhìn chưa quen thấy rất rằn ri , sau nhìn hoài thấy cũng được . Cũng như Comle bác Bửu chỉ có một kiểu duy nhất với các kích cỡ khác nhau . Cho nên có người mặc vừa có người mặc không vừa... Thế là xuất hiện một số thợ may sửa đồ tay ngang . Ấy thế những cái quần qua mấy ông thợ tay ngang lại trở nên vừa vặn hơn và có phần đẹp hẳn lên...ai cũng vui , ai cũng hài lòng với bộ vó mới của mình . Sinh viên KGU thật lắm người tài , mọi lúc , mọi nơi , mọi lĩnh vực...Phải chăng đây cũng là yếu tố làm cho chúng ta gắn kết với nhau hơn ? Thế mới là sinh viên KGU chứ .
10 cô thanh niên xung phong hi sinh ở ngã ba Đồng Lộc duy nhất chỉ có tiểu đội trưởng Võ Thị Tần có người yêu... Đó là những gì xưa nay người ta thường viết còn chúng ta đọc và tin vậy. Cuốn sách: 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc của Nghiêm văn Tâm. NXB Phụ nữ 2007. Cho ta rất nhiều thông tin về cuộc sống chiến đấu anh dũng, vất vả gian lao thường ngày và những nỗi niềm thầm kín của các chị. Trong số các chị, hoàn cảnh của chị A phó Hồ Thị Cúc đặc biệt hơn cả...
Xin trích vài dòng từ sách trên nói về chị Cúc: ... Cuộc đời Tần đơn giản, hạnh phúc hơn Cúc nhiều. Bố mẹ Tần rất cưng con gái lớn. Bác Cung - cha Tần - bao giờ cũng coi Tần như còn nhỏ. Mẹ Tần càng yêu con gái hơn ai hết. Mẹ không muốn con đi lấy chồng xa. Mẹ đã nhận lời gả Tần cho một anh trai làng mà Tần yêu. Anh đã đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam. Còn Tần ngay sau đó đi Thanh niên xung phong. Tần hay cởi mở tâm sự với chị em, tính nết thẳng thắn, vô tư, yêu đời nên bạn bè đều quý... Còn về phần Cúc, cùng tuổi với Tần, sao cuộc đời nhiều đắng cay chua xót thế? Cúc cất tiếng khóc chào đời ngày mồng sáu tháng chín âm lịch năm một nghìn chín trăm bốn mươi tư trên mảnh đất Nương Bao, xã Sơn Bằng, bên sông Ngàn Phố, Hương Sơn. Mới được tám tháng tuổi, nạn đói khủng khiếp năm một nghìn chín trăm bốn mươi lăm đã cướp mất bà nội Cúc, cha Cúc và nhiều người khác trong làng. Bao nhiêu người chết đói vào lúc chỉ còn mười lăm ngày nữa là gặt được lúa chiêm. Ông nội Cúc đưa hai mẹ con Cúc về nhà nuôi, rau cháo lần hồi đợi ngày lúa chín... Đến năm Cúc lên ba tuổi, mẹ đi bước nữa. Từ đấy, Cúc sống trong sự đùm bọc của ông nội và o Loan. Chẳng được bao lâu, đến tháng chạp năm sau ông nội Cúc qua đời. Một mình o Loan nuôi cháu, cho đến năm sau chú Hồ Văn Dũng đi bộ đội về cưới vợ. Từ đấy, Cúc ở với chú, mợ và o. Bà Trinh - mẹ Cúc - lấy chồng ở Sơn Bằng có thêm bốn người con, thỉnh thoảng vẫn về thăm nhưng chẳng có gì để gửi nuôi Cúc. Thời gian này Cúc còi cọc, mặt choắt lại, đôi mắt luôn luôn nhìn xuống, lâu dần, thành thói quen. Tóc Cúc vàng hoe, cộc cỡn như một túm lông đuôi bò. Quanh năm cô chỉ có chiếc quần lửng với tấm áo vá. Cúc đi chăn bò, cắt cỏ, bế em, kiếm củi và làm bao nhiêu việc không tên khác ở trong nhà. Cúc làm chậm, nhưng cần cù, cẩn thận và thật thà, nên thường được gọi là "Cúc mục". Hồi Cúc lên tám, một hôm, đun nồi cám lợn xong, Cúc lúi húi quét dọn bếp. Mợ vào bưng nồi ra, chẳng may trượt chân đánh đổ cả nồi cám vừa sôi lên lưng cô. Cúc bị bỏng nặng, suốt ngày nằm sấp trên chiếc chõng con, lúc tỉnh, lúc mê... O Loan hồi ấy còn ở nhà, thương xót cháu, ba tháng liền chữa cho cháu bằng bài thuốc chữa bỏng dân gian. Cuối cùng, Cúc đã khỏi. Nhưng vết sẹo bỏng sần sùi rất lớn, suốt từ bả vai xuống đến thắt lưng Cúc, không bao giờ xóa được, chuyện này Cúc giấu mọi người kể cả Tần. Mỗi lần đi tắm Cúc chỉ đứng trông chừng máy bay cho các bạn. Cúc tắm riêng, về sau rốt. Ai cũng bảo Cúc lề mề. Cúc chỉ cười. Một nỗi buồn thoáng qua trên đôi mắt vẫn còn thói quen hay nhìn xuống của cô... Thật ra, Cúc không chạnh lòng, tủi thân vì không được đẹp bằng chị bằng em. Cúc đã tươi tắn hơn và phổng phao lên rất nhiều so với hồi còn là o "Cúc mục" tóc đuôi bò, áo vá vai, quần lửng, đi chân đất bên sông Ngàn Phố. Nhưng câu nói của Tần vô tình gợi cho Cúc nhớ đến chuyện lứa đôi bất hạnh của mình. Sông Ngàn Phố đối với nhiều người chỉ là một con sông nhỏ, nước trong xanh, chảy êm đềm bên đất Hương Sơn. Nhưng với Cúc, nó là một dòng sông kỷ niệm đau thương. Cách đây sáu năm, hồi Cúc mười tám tuổi, cậu mợ thấy Cúc côi cút, cần có nơi nương tựa suốt đời. Vì vậy, gia đình đã đồng ý gả cúc cho anh Cứ, một người có quan hệ họ hàng với bên mợ. Anh Cứ cũng mồ côi cha mẹ, ở một mình trên đất Sơn Tây. Hai người lấy nhau không cỗ bàn, lễ lạt gì, chỉ có một con đò dọc xuôi theo sông Ngàn Phố về đón Cúc ở Sơn Bằng lên. Về với anh Cứ, Cúc mới biết anh bị bệnh động kinh, thỉnh thoảng lại lên cơn ngất sùi bọt mép. Nhưng anh chăm làm, ít nói, thương vợ. Cùng cảnh mồ côi đơn chiếc, Cúc rất thương anh. Thấy anh tật bệnh, Cúc càng thương hơn. Cúc nghĩ: mình mà bỏ anh ấy thì anh ấy còn biết sống với ai? Thôi thì thương nhau, sống dựa vào nhau. Cúc đã mơ đến ngày có một vài đứa con, và mong chờ niềm hạnh phúc thiêng liêng được làm mẹ. nhưng điều đó không đến... Một hôm, anh Cứ đi chở vôi cho hợp tác xã. Thuyền về đến Hỏi Động thì bị chìm bất ngờ. Anh Cứ bị chết đuối. Xác anh trôi dạt mãi nơi nào trên sông Ngàn Phố, cũng không tìm thấy nữa. Được tin anh Cứ chết, Cúc như người mất hồn. Cúc hay đi thơ thẩn dọc theo bờ sông Ngàn Phố nở đầy hoa chạc chìu, nhìn đăm đăm xuống dòng nước trong xanh, mong tìm thấy anh. Gia đình Cúc lại lên Sơn Tây đón cô về. Tình nghĩa vợ chồng tuy mới mẻ, chưa tròn một năm, nhưng đối với Cúc là cả cuộc đời. Cúc gần như câm lặng suốt từ tháng tư năm 1963 - Sau ngày anh Cứ chết - mãi đến năm 1965 Cúc được lôi cuốn vào phong trào thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước sôi sục của địa phương. Cúc tình nguyện ra đi vừa để đóng góp sức mình, vừa để vui bạn bè, quên chuyện cũ. Hơn ba năm sống trong tập thể nam nữ thanh niên, Cúc đã trưởng thành và không còn là o Cúc ngày xưa ... Duy chỉ còn vết sẹo bỏng trên lưng và nỗi đau sâu thẳm trong lòng là không thể nào mất đi được. Cúc không muốn cho ai hay biết đoạn đời buồn tủi ấy của mình. Rồi đây, nếu có ai yêu Cúc, trước khi lấy nhau, Cúc sẽ nói hết sự thật với người đó. Cúc chỉ muốn nhắc lại chuyện này một lần trong đời mình thôi. Cúc cắn răng lại cố nén tiếng khóc, cố xua đuổi những kỷ niệm bi thảm vừa chồm dậy trong lòng mình. Nhưng không thể được. Cúc ôm chầm lấy Tần, gục đầu lên vai tần, nức nở. Tần ngạc nhiên trước thái độ lạ lùng của Cúc. Cô lặng yên vuốt tóc bạn. Gần nhau hơn ba năm, Tần đã hiểu cuộc đời Cúc trước đây rất khổ. Lý lịch Cúc, Tần nắm vững. Nhưng tâm hồn Cúc còn có điều u ẩn. Tần để ý thấy nhiều lần Cúc lảng tránh những câu chuyện về tình yêu một cách tế nhị. Tần chưa hiểu sao, nhưng không tiện hỏi. Gần đây Tần thấy như mình có lỗi, vì chưa san sẻ với Cúc nỗi buồn riêng của bạn... Trong lúc vô cùng xúc động khi đọc những dòng về chị Cúc, tôi đã khóc và xin được gửi gắm những dòng thơ mộc mạc của mình tới hương hồn chị. HƯƠNG SƠN, NGÀN PHỐ ĐỢI EM
Kính tặng hương hồn chị Hồ Thị Cúc
Ơi, Hương Sơn với con sông Ngàn Phố Nước có trong ? Trong như mắt em không ? Tuổi thơ nghèo nghiêng trên dòng sông nhỏ Cúc bé, Cúc thương - Bông Cúc tội tình.
Ấu thơ với em là rau, là cháo Côi cút sống trong thương đau hư ảo Tấm áo vá, như đời em từng vá Cả lúc xuống thuyền, rời bến sang sông... Cho bom nổ, đạn rơi, tuyến trước Bông Cúc ấy, ngày, đêm không dừng bước Em san đường, lấp những hố bom sâu Cúc ơi ! Xe các anh đã vượt qua cầu.
Chiều ấy, thương đau phủ đầy một dải Em không về, không trở lại san đường Em ngã xuống, vĩnh viễn rồi, ơi Cúc ! Bên hố bom, chồng tiếp những hố bom.
Nay em nằm lại nơi đất lạnh Hương Sơn mất rồi, bông Cúc thuở nào Có biết từ ngày em xa mãi Ngàn Phố thương em, sông ấy dâng trào. Cologne 24.07.2013 - Kỷ niệm ngày chị Hồ Thị Cúc với 9 đồng đội nữ hy sinh trên Ngã Ba Đồng Lộc.
BÍ QUYẾT SỐNG VUI VÀ HẠNH PHÚC
Nhà thơ Khổng Văn Đương là tác giả câu chuyện CHÚ CHÓ TRUNG THÀNH
Nhà thơ Khổng Văn Đương và mối tình đẹp trong ký ức "Tôi viết bài thơ 2 tuần sau khi Valentina gửi thư trách móc. Trong phòng vắng, nhìn qua cửa sổ tuyết rơi đầy, tôi thấy trơ trọi ghê gớm. Bài thơ phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina", nhà thơ kể lại xuất xứ "Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng". - Chuyện tình của ông và cô sinh viên xinh đẹp người Romania thật xúc động. Ông và cô ấy yêu nhau trong trường hợp nào? - Tôi gặp Valentina lần đầu trong dịp nghỉ hè ở Biển Đen vào năm 1966. Cô ấy có mái tóc màu vàng hạt dẻ, đôi mắt to, đẹp như thiên thần, nhìn là bị hớp hồn ngay. Tôi lập tức hỏi chuyện một cách tự nhiên và được nàng thân tình đáp lại. Một năm sau, trong dịp nghỉ hè, Valentina lên nhà chú của cô ấy ở Bucharest, ngay chỗ tôi đang học. Nàng gọi điện thoại cho tôi đến chơi. Run bắn lên vì sung sướng, tôi vội vàng chạy ngay đi gặp nàng. Chúng tôi đã qua lại với nhau suốt kỳ nghỉ hè đó. Đấy thật sự là những ngày đẹp đẽ. - Bố mẹ cô ấy nói gì về chuyện này? - Bố mẹ cô ấy rất ủng hộ mối quan hệ của chúng tôi. Mùa đông năm 1967, bão tuyết mịt mùng, tôi quyết định về quê cô ấy chơi. Khi thấy tôi, Valentina nhảy ra ôm chầm và giới thiệu với bố mẹ. Từ đó, mỗi lần lên Bucharest, mẹ nàng lại giúi cho tôi lúc thì giỏ táo, lúc thì trứng gà, rượu trái cây. - Điều gì đã khiến Valentina chấp nhận đến với anh chàng sinh viên nghèo, lại là người ngoại quốc như vậy? - Thấy phong tục của VN yêu là chung thủy nên nàng rất thích. Hồi đó, tôi học cũng khá, tính tình lại xởi lởi dễ gần, tiếng "Ru" lại rất rành. Thậm chí còn biết làm thơ bằng tiếng "Ru" nữa cơ mà. Mình yêu bằng cả trái tim, chân thành và trong sáng. Có lẽ những điều đó đã làm nàng rung động. - Tình yêu đẹp thế, vì sao cuối cùng phải nói lời chia tay? - Tôi bị tổ chức phát hiện, bắt làm kiểm điểm và yêu cầu chấm dứt quan hệ. Nếu cứ tiếp tục, tôi sẽ bị trục xuất về nước. Tôi mà về nước thì gia đình, bà con họ hàng ai nhìn mặt tôi. Hơn nữa, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ác liệt, trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy có lỗi phần nào với các chiến sĩ trên mặt trận... Mặc dù ai cũng biết, tình yêu có thể nảy nở ngay trong chiến hào. - Người ta đồn sau khi ông nói lời chia tay, Valentina bị điên. Sự thật là thế nào? - Nàng trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn đến nỗi phải nghỉ mất một năm ở Đại học Tổng hợp Bucharest. Tôi nhớ mãi lần về thăm Valentina khi nàng bị bệnh. Bước vào cổng, cảnh tượng đập vào mắt tôi là những cây hạnh nhân bị nhổ nham nhở, tan hoang. Đang nằm trên giường, thấy tôi đến nàng chồm dậy kêu lên: "Đương, Đương", rồi ôm tôi khóc nức nở. - Từ khi về nước đến bây giờ, ông biết tin gì về Valentina? - Tôi chỉ gặp lại nàng một lần duy nhất khi tôi có dịp sang Tiệp Khắc công tác vào năm 1979. Tôi đã gọi điện thoại cho cô ấy, chỉ mấy ngày sau Valentina đã có mặt tại Tiệp Khắc cùng với chồng và một đứa con. Lúc bấy giờ, trông Valentina đã đỡ hơn nhiều. Cô ấy khoe đang làm việc tại Hội Hữu nghị Romania - Đức. - Bức thư ông viết cho Nhà Xuất bản Văn hóa nhằm khẳng định mình mới là tác giả đích thực của bài thơ "Em đi tìm anh trên đảo Balkan", nhưng sau đó không được gửi đi. Bẵng đi mấy năm, điều gì khiến ông lại viết thư nhờ Trung tâm Quyền tác giả làm thủ tục đăng ký bản quyền bài thơ? - Thật ra tôi cũng không có ý định đó. Một số phóng viên trong quá trình viết bài đã khuyên tôi viết đơn và chuyển giùm đơn của tôi cho Trung tâm Quyền tác giả. Trong đơn, tôi đã nói rõ việc đề nghị của tôi không nhằm mục đích bảo hộ quyền lợi về vật chất, bất kể ai cũng có thể sử dụng, sao chép vào những mục đích tuyên truyền văn hóa lành mạnh. - Thơ là của mình làm ra nhưng ông lại không mặn mà với việc yêu cầu đính chính. Vì sao vậy? - Tôi từng viết thư cho bạn bè, tâm sự: "Văn chương vốn dĩ là sự thanh cao, tinh khiết. Thế nên mọi tranh chấp đều có thể làm tổn thương đến sự thanh cao, tinh khiết ấy. Do đó mặc dù bài thơ là của tôi 100%, tôi cũng không muốn cải chính lại làm gì nữa. Vả lại, bài thơ đã ra đời 35 năm rồi, cốt sao bài thơ có nhiều người thích đọc, còn tác giả là ai không quan trọng. Tuy nhiên, sẽ rất đáng tiếc nếu người đọc không biết lai lịch xuất thân của bài thơ, nên khi đọc sẽ kém đi phần thi vị". - Ông nói rằng toàn bộ tập thơ ông viết, trong đó có khoảng 50 bài tặng cho Valentina cũng như thư từ, ảnh đã bị phát hiện, tịch thu hết. Việc chứng minh bài thơ "Em đi tìm anh" gặp khó khăn gì? - Rất may là tôi đã lục tìm lại được hai trang chép tay, trong đó có bốn khổ thơ của bài Em đi tìm anh... Theo nhà văn Trần Thị Trường (Trung tâm Quyền tác giả VN), thì đây là loại giấy viện trợ của Nga, chỉ có vào những năm 1960-1970. Mặt khác, rất nhiều sinh viên VN học ở Romania cùng thời điều biết bài thơ ấy là của tôi. Ví dụ anh Ngô Xuân Khoa, Công ty Liên doanh Dầu khí Petronas Malaysia; anh Đỗ Công Doanh, người cùng đi với tôi đến nhà Valentina; anh Trần Đức (Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu VN)... Ông Lâm Quế, nguyên bí thư thứ 2 đại sứ quán VN ở Romania phụ trách lưu học sinh, cách đây không lâu cũng đến thăm và an ủi tôi nên coi chuyện cũ là một kỷ niệm.
EM ĐI TÌM ANH TRÊN BÁN ĐẢO BAN-CĂNG Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng Một mình em trong màn đêm thanh vắng Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng. Em trèo lên đỉnh núi cao Cácpat Nhìn theo anh mất hút biết về đâu Chân ai đi xa lắc tím trời Âu Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát! Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt. Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền! Ôi dòng xanh rầm rì sông Đanuyp Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng! Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát Cho loài người chia biên giới thế gian Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn? Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật: Cõi niết bàn có mãi mãi mùa xuân Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân? Con lạy Chúa Jê-su ban phép lạ Cho nước Người hết ly biệt, chia phôi Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ Xin hòa tan làm một, ngàn đời! Em cầu nguyện. Còn anh, anh chẳng biết Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ? Và hôm nay dù tình anh đã hết Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ... Vẫn trèo lên đỉnh núi cao Cácpat Vẫn theo dòng Đanuyp những đêm trăng Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt Đi tìm anh trên bán đảo Bancăng! Bucharest, 19/3/1969
(sưu tầm)
CHÚ CHÓ TRUNG THÀNH
Hồi tôi mới độ 15 tuổi, bố tôi mang về một con chó đực. Con chó có bộ lông trắng, đôi mắt màu nâu đen rất đẹp. Năm đó mất mùa đói kém, gia đình tôi phải thường xuyên ăn độn khoai sắn. Lạ lùng thay, con chó này cứ lớn phổng phao, mượt mà. Nó phải nặng đến 15kg. Cũng như nhiều gia đình khác, những con chó nuôi đều không được đặt tên. Nó là loài vật, nên vô danh! Mỗi lần muốn gọi, chỉ cần: "Êu, Êu" là nó xuất hiện, ve vẩy đuôi, miệng rít lên những tiếng như tiếng rên, rất dễ thương!
MỘT NGÀY Ở NURSING HOME " Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
CHIA TAY VÀ LỜI DẶN DÒ Mọi khi, sau 8 rưỡi tối, bố tôi đã lên giường, ông sinh hoạt rất điều độ, răm rắp với giờ giấc. 8 rưỡi tối đi ngủ, sau khi xem chương trình thời sự trên TV. Sáng mai, đúng 5 giờ đã dậy, lục đục pha trà và làm một bài thể dục. Mấy năm về trước còn khỏe, mỗi ngày ông tập 2 tiếng rưỡi, chia làm 2 lần. Bây giờ, mỗi cử động đều kèm theo nhăn nhó vì đau đớn, nên "tinh thần thể dục" ấy đã sút giảm rõ rệt. Hôm nay, phá thông lệ, ông thức khuya, đợi chia tay với con gái, kết thúc những ngày nghỉ phép của năm 2013. Mẹ tôi thì còng rạp cả người, mắt đờ ra vì mệt mỏi, ngồi còm ròm một góc đi-văng. Bà yếu đi nhiều lắm, buổi chiều đến chỉ ăn cháo đặc và uống sữa. 9 giờ tối, taxi đến. Bố ngồi bật dậy, vén màn vẫy tôi lại gần, giang hai tay ra bắt. Ông vẫn giữ cái phong cách của những năm trong quân ngũ. Nắm hai tay tôi, bố ân cần: - Thu đi may mắn nhé. Giữ sức khỏe, rồi lại về. Bố mong lắm đấy. Một chút ngập ngừng. - Bố chỉ dặn Thu.... Ông nhìn tôi ngần ngại. - Con đang nghe đây ạ. Tôi nói, và biết tỏng cái muốn "dặn dò" ấy của ông. - Thu cứ viết cho Diễn đàn, cho trang WEB như những bài bố đã đọc là ổn. Nhưng đừng đi quá cái ngưỡng cho phép. Thu chưa đủ trình độ để phán xét những diễn biến thời cuộc trong nước. Không nên.... Bố chỉ sợ... - Con nói nhé. Nếu bố biết sợ, cũng hiểu được rằng mình nên dừng ở đâu, không viết cái gì. Thì con cũng hiểu được điều đó lắm chứ. Bố không cần phải nhắc lại đâu. Tôi bắt đầu chạm tự ái. - Ở đây bố muốn nói đến anh Nguyễn Ngọc Chu. Cậu ấy rất sắc sảo, cập nhật kịp thời và rất chính xác những sự kiện sôi động. Vừa ở Châu Phi về, tin tức bài phát biểu của nguyên thủ quốc gia đã nắm bắt được ngay và cho ra một bài thơ. Rất khâm phục. Rất đáng khen ngợi. Từ nãy mẹ tôi vẫn theo dõi những "dặn dò" của bố. Bây giờ thì bà vào cuộc. - Thế hóa ra ông nói Thu đừng phát biểu, đừng viết lách gì ; nhưng lại khuyến khích, động viên anh Chu. Vậy thì có khác nào đi đôn đốc, nhắc nhở con nhà hàng xóm nhập ngũ, lên đường ra trận, còn con mình hãy ở nhà ráng mà học đại học cho xong đi. Ông cứ ngồi đó giữa bốn bức tường với đống báo chí. Ông làm sao có được những thu thập năng động như các con. Báo chí không phải là tất cả! Giọng mẹ nghe chừng đã pha bực bội. Ái chà, bà hắc quá đấy ! - Tôi không nói cái ý như bà suy diễn. Chỉ dặn Thu thế thôi, con nó chưa thể có được cái nhìn chính xác, có thể bị thiển cận và ấu trĩ nữa. Thôi thế là bừng dậy như một diễn đàn chính trị. Tôi hiểu những lo âu của cha và cũng rất quen cá tính của mẹ. Mẹ là người đặt toàn bộ niềm tin vào các con. Các con được học, hiểu biết nhiều. Các con nói gì với mẹ cũng đúng, bảo gì mẹ, mẹ cũng thấy hay. Mẹ tôi đấy ! Bây giờ thì cả hai ông bà đều rất mê say đọc bài và xem ảnh trên Diễn đàn Kiev, trên trang WEG KGU. Chú Taxi đã bưng hết đồ lên xe. Tôi quay sang chào mẹ, mà mắt không dám nhìn vào gương mặt bà, sợ mình không chặn nổi dòng nước mắt sắp òa ra, như lúc đê vỡ, nước tràn. - Con đi mẹ ạ ! Bà chỉ gật đầu, đôi mắt mệt mỏi, buồn bã nhìn tôi. Vừa mới hôm nào xuống xe, nhào vào nhà như một cơn lốc. Thấy mẹ tươi như hoa, rạng rỡ chờ con. Thấy bố giơ hai tay ra phía trước hướng tới tôi mừng rỡ, sau bao ngày xa cách, đợi chờ... Thế mà thoắt cái, một tháng đã trôi qua. Tôi không quay lại, không dám dùng dằng, không đưa tay lên vẫy. Ngồi trong xe, mắt hướng về phía trước, nói với chú lái xe: - Ra sân bay quốc tế, em nhé ! Đêm nay, có một người mẹ già sẽ thao thức, trằn trọc, nước mắt rơi ướt gối, vì thương nhớ và xa cách. Mẹ ơi, con sẽ lại về. Mình sẽ xem tiếp những bài và ảnh trên các Diễn đàn và trang WEB. Con xin ghi vào lòng mình những lời dặn dò của bố, của mẹ - Những đóng góp quý giá cho chúng con, cho các Forum. Tạm biệt VietNam, tạm biệt Sài gòn. Tạm biệt nhé, những người thân, yêu dấu của tôi. Cologne 03.04.2013
THÙNG GIÀY QUYÊN GÓP Chuyện từ tháng trước rồi. Hôm ấy thứ hai, ngày đầu tuần, tôi ra xe đi làm. Ngay ở bậc tam cấp của tòa nhà, một thùng nhựa màu đỏ chót, đậy nắp nghiêm chỉnh. Dù rất vội, tôi vẫn cứ bớt ra vài phút cho thỏa cái sự tò mò. " GIÀY QUYÊN GÓP CHO CÁC NƯỚC NGHÈO" Dòng chữ in đậm, to tát, rõ ràng , mực đen nhánh, nằm trong túi giấy nilon, để tránh mưa ướt. Bên dưới một dòng nhỏ hơn : "Chúng tôi sẽ lấy thùng giày đi vào thứ sáu. Cảm ơn !" Nhìn quanh phố một lượt, ái chà, hầu như ở tất cả các tòa nhà, trên các bậc thềm cửa, đều đỏ chót màu cái thùng nhựa ấy.
Bình thường, ở mỗi khu phố đều có những công-ten-nơ chứa đồ quyên góp. Đủ cả, áo ấm, áo hè, giày dép các loại, túi xách, ba-lô, giây lưng, mũ các kiểu... Ai có gì không dùng tới nữa, dù mới, dù cũ, đều có thể thả vào đấy mà ủng hộ, tất cả với hai chữ VÌ NHAU. Sang đến thứ ba, tôi thấy cái thùng nhựa đã kênh bật cả nắp. Thế là đã thu hút được khối người quan tâm rồi đấy, tôi nhủ thầm trong đầu. Tôi đã từng làm công việc phân chia đồ ủng hộ, quyên góp cho các gia đình nghèo, nên tôi biết cái cung cách làm của thành phố lắm. Hồi ấy là cuối tháng Mười 1990, hai mẹ con tôi vừa đặt chân lên đất Đức. Ngôn ngữ chính để tiếp cận với người Đức của bọn tôi lúc ấy là tiếng Anh. Nhiều quốc gia, dân tình nói tiếng Anh sịn lắm. Mình thì không được học bài bản, chẳng theo trường lớp nào, nên bị hạn chế. Thế mà, Ban quản lý Tàu lại giao cho tôi việc chia bôi, phân phát đồ quyên góp của Thành phố cho các gia đình tỵ nạn. Có lẽ, họ ấy đã nhìn thấy một lần tôi làm tờ trình kê khai, chữ nghĩa, bảng biểu sáng sủa, rành mạch chăng? Lúc ấy, hai mẹ con tôi còn sống ở thành phố Mainz (Mainz am Rhein). Tất cả những lô quần áo, cả giày dép nữa, sau khi đã thu thập về từ những công-ten-nơ trên các khu phố, được giặt lại, và tổng tảy uế. Chúng trở nên sạch sẽ, mới mẻ, thơm tho hơn. Lúc này, toàn bộ các gia đình của tất cả cá quốc gia đang xin cư trú tại Đức, sống tạm trên một tàu thủy quân sự rất lớn, kéo sát vào bờ sông Ranh. Ban quản lý Tàu gọi tôi ra đề nghị giúp họ một tay. Tôi ưng thuận ngay, vì rảnh rang lắm và nữa là để học tiếng, học cung cách làm việc của họ. Sau một vài ngày, hàng phân chia đã hoàn thành. Tôi đưa lại cho Ban quản lý tàu danh sách các gia đình đã nhận hàng với chi chít những chữ ký của họ. Tôi còn nhớ cậu phụ trách chính, mà chúng tôi vẫn gọi là "Ông áo đỏ", vì lúc nào cậu cũng khoác cái áo của binh chủng hải quân bằng nỉ đỏ,với hai cái ngù vai màu vàng tươi roi rói, trông rất oách. Cậu ấy vui vẻ đề nghị tôi ký vào văn bản với số giờ đã làm việc. Tôi dúm lại, sợ sệt. Có gì đâu, mỗi người một chân một tay vào, công việc sẽ chạy nhanh hơn thôi, tôi nghĩ thế. Cậu ấy cười: - Chị làm việc, chị phải được hưởng thù lao cho công việc chứ. Không có cảm ơn xuông đâu nhé ! Thế là tôi nhận được 120 DM, hồi ấy còn đồng Đức Mã. Nhiều quá ! Tôi thật sự mừng vì mình đã có một chút đóng góp cho xã hội. Mừng nữa, vì đã làm ra tiền, dù mới đặt chân tới xứ người... Bẵng đi vài ngày, mai đã thứ sáu rồi, tôi mới để ý đến cái thùng giày quyên góp kia. Tôi mở nắp thùng, bên trong chẳng còn lấy một chiếc giày. Thế này là thế nào nhỉ ? Vừa hôm trước còn đầy vật vã một thùng giày, cái thùng trước cửa nhà tôi ? Tôi đang chưa hiểu ai đã cuỗm sạch lô giày của bao nhiêu người ủng hộ, thì từ tòa nhà đối diện, một cụ ông hỏi vọng sang: - Bên ấy có được khá giày không hả cô ? - Hôm trước cháu thấy thùng giày đã đầy, kênh cả nắp. Thế mà, hôm nay, chả còn lấy một chiếc cụ ạ. - Người ta không tính được cái việc gần làm trước, cái việc xa, hãy làm sau, nên nó ra nông nỗi ấy. Tôi đi sang dãy đối diện, bên cụ ông, ngó vào cái thùng giày nhựa đỏ, giống hệt bên này, cũng chỉ có thùng không. - Những người còn nghèo, thu nhập thấp, lại đông con, ở ngay khu vực này lấy đi cả rồi. Họ cũng cần giày, cần dép, vì chúng là những đôi còn tốt cả. Thành phố nên quyên góp trước hết cho chính địa phương mình đã, rồi hãy nhìn ra trường quốc tế. Tôi nghĩ thế có phải không cô ? Cụ dừng lại chờ một phản ứng của tôi. Tôi cứ tưởng bệnh hình thức, bệnh chạy đua lấy phong trào chỉ có ở quê tôi. Nơi đây cũng vậy ư. Tôi ngẫm lại lời cụ ông mà thấy nó ngấm, nó thấm: Lo cái gần trước, lo cái xa sau. Hãy thiết thực một chút . Đừng bắt đầu vào cái gì phù phiếm, hão huyền, xa vời, khi cái cụ thể, gần gụi nhất với mình chưa hoàn thiện. Có lẽ những căn bệnh hình thức hão, bệnh lấy thành tích cho phong trào còn nhiều lắm, ở khắp mọi nơi. Cologne 13. 06. 2013
|