Sinh ra và lớn lên tại Columbia, Missouri, Marilyn Sunderland là một nghệ sỹ đặc biệt. Cô có thể tạo một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo trên vỏ một quả bí ngô.
Những bức tranh hoàn hảo trên hoa quả này đã được bàn tay khéo léo của bậc thầy điêu khắc hoàn thiện. Có những tác phẩm lấy cảm hứng từ cảnh đẹp ở thung lung Utah nơi Marilyn Sunderland đã sống trong 30 năm qua.
Được biết, nữ nghệ sỹ này mới chỉ khắc trên vỏ bầu trong một vài năm trước, sau khi cô mua được một dụng cụ khắc ưng ý.
Trước đó, cô đã vẽ chân dung, phong cảnh và nhiều điều khác nhau với các thể loại như bút vẽ, mực, tranh sơn dầu, tranh bút chì...
Marilyn nói:"Nghệ thuật luôn là một phần trong cuộc sống của tôi". Vì thế người xem đã cảm nhận được cái hồn trong từng tác phẩm khắc siêu đẳng của cô.
Vỏ trứng, tưởng chừng là thứ bỏ đi, nhưng nghệ sĩ người Slovenia đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng đặc sắc có nét thẩm mỹ cao.
Nghệ sĩ Franc Grom, 72 tuổi dành 18 năm để thu gom và tự tay thực hiện các tác phẩm điêu khắc độc đáo trên vỏ trứng.
Để có thể tạo nên những đường sắc nét, Franc Grom đã sử dụng chiếc máy khoan điện tý hon để thực hiện. Chiếc máy khoan điện này cũng tạo ra hàng ngàn lỗ nhỏ li ti tùy theo kích thước của vỏ trứng. Ông sử dụng các họa tiết đối xứng nhau để tạo nên các công trình nghệ thuật này. Ý tưởng tạo nên những tác phẩm này bắt nguồn từ quả trứng Phục Sinh mà các tín đồ tặng nhau trong ngày lễ. Ông Franc Grom đã khéo léo tạo nên những hình ảnh như tháp Eiffel (Pháp), nhà anh hùng Che Guebara và nhiều hình ảnh nghệ thuật độc đáo khác.
Cùng chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật này :
Chân dung nhà anh hùng Che Guebara
Tháp Eiffel (Pháp)xuất hiện trên vỏ trứng
Chiếc khoan tý hon là công cụ để tạo nên tác phẩm này
Ý tưởng độc đáo này băt nguồn từ quả trứng Phục Sinh
Đi Đà Lạt về, tôi làm ảnh và đăng bài ngay cho Diễn đàn Kiev. Bao giờ cũng là những tin và ảnh nóng sốt nhất, vì biết anh chị em mong ngóng để xem.
Quay sang trang WEB KGU. Ô ! Bài và ảnh đã mọc lên như nấm, với rất nhiều tít thật hấp dẫn.
Chiều đó tôi chỉ cho mẹ vào các Diễn đàn xem hình anh chị em trong Du Xuân 2013.
Mẹ nhận ra các anh Quang Anh, Việt Trung và nhất là Tuấn Phương bên diễn đàn Kiev. Đến trang WEB KGU, trong tốp ca nữ của nhóm Sài gòn, mẹ nhận ra Ánh Tuyết con bác Đạt.
Xem điệu múa Mùa xuân nơi đầy nắng của các vũ nữ Hà nội trong xiêm y long lanh, mẹ xuýt xoa:
- Giống điệu múa Bên Đầm Sen ngày trước quá con nhỉ !
Mẹ nhắc đến kỷ niệm thời thơ ấu của các con, những tháng năm thời bao cấp. Con gái mẹ trong điệu múa Bên Đầm Sen. Ngày ấy, váy áo nghèo nàn, bằng vải xô màn, rồi nhuộm màu cánh sen,
thẫm dần từ trên xuống dưới, thật tội nghiệp!
Những năm đen tối đã qua.
Sang video với điệu Múa Quạt của tốp nữ Thành phố Hồ Chí Minh, mẹ thích lắm.
- Bây giờ các con còn trẻ ( ấy là trẻ với mẹ thôi, bà lão 84 tuổi rồi) còn dẻo dai, nên tham gia hoạt động các phong trào.Chứ sau này, lúc xương cốt đã yếu, mỏi mệt rồi, như mẹ, muốn cũng chẳng vươn tới được.
Tôi mở cho mẹ xem băng video Bùi Quang Ngọc quay đoạn phim Thời Trang Áo Dài của tốp nữ Hà nội, mẹ nhận ra Thúy Hoa, cô bạn học cấp II Hồng Châu, Thường Tín với tôi. Mẹ trầm trồ:
- Với phụ nữ mình, không có trang phục nào thay thế được cái áo dài, con nhỉ. Cô nào, cô nấy còn mềm, còn dẻo lắm !
- Mẹ ơi, toàn như con và lớn tuổi hơn nữa đấy.
Mẹ bồi hồi với bao nhiêu cảm xúc. Bà nhớ lại một thời tuổi trẻ.
- Phải chơi, phải tham dự và thưởng thức những Du Xuân như thế. Nếu không, khi lục lại trong dĩ vãng, các con không thể tìm được hình bóng của mình.
Mẹ ơi, tất cả chúng con ai cũng ấp ủ một suy tư như mẹ nói.
Những Du Xuân như một nhịp cầu giao lưu tình cảm, kết nối những con tim, những tấm lòng. Đan chặt tay nhau hơn nữa với biết bao thân ái và sẻ chia. Những Du Xuân gói trọn nghĩa nặng tình thâm của những anh chị em, thậm chí chỉ biết nickname trên Forum, mà chưa một lần gặp mặt. Du Xuân như một mặt trời, làm sáng hơn, rạng rỡ hơn tình cảm thiêng liêng của những đứa con cùng một mẹ, chung một mái nhà.
Một nhà nghèo như vô vàn những gia đình nghèo. Nhất nữa, là lại đông con.
Anh trai, học buổi sáng. Em gái nhỏ, học buổi chiều.Cả hai chỉ chừng 9, 10 tuổi sêm sêm nhau.
Cái xóm nhỏ nằm xen trong những cái cống lớn, trông giống như những con kênh, con rạch, với mực nước không sâu, nhưng hun hút một màu xám xịt.
Thằng anh đi học về, ra khỏi trường, tụt vội đôi giày, cắp nó vào trong nách, nâng niu nó, dù nó đã cũ, đã sờn. Đôi giày không phải là sở hữu riêng của cậu bé. Đôi giày còn có một chủ nhân nữa chung quyền sử dụng : cô em gái. Chính vì thế, giá trị của nó càng gia tăng. Nó giống như một vật báu cho cả hai, cả hai cùng có quyền hạn sử dụng như nhau và với một trách nhiệm bảo quản đôi giầy ấy như nhau.
Thằng anh ôm đôi giày trong tay, chạy về nhà cho kịp đến điểm đã hẹn. Bao giờ cũng thế, ở tại cái ngõ ấy, chảy qua đó là một cái cống lớn với một màu nước đen, không sâu mà hun hút. Con em gái, cô bé thấp hơn anh một cái chỏm đầu, chạy từ nhà tới trường với đôi chân trần, đã quen với nhem nhuốc của bụi đường. Quen với gập ghềnh của tất cả các ổ gà, quen với nhấp nhô của từng mô đất và nhất là đã quen với cái đau rát của sỏi đá cứa vào gan bàn chân còn non, rất tròn trịa mịn màng. Cô bé chạy tới nơi, điểm hẹn đây rồi. Cô bé thở hổn hển, khuôn mặt ửng đỏ, mồ hôi lấm tấm trên gương mặt ấy. Những cọng tóc mai phất phơ trong gió khi cô chạy, nay bết lại thành từng mảng vì mồ hôi. Anh cô cũng vừa đến. Cậu rũ ra vì mệt, vì đói sau giờ tan học, vì đã dồn hết sinh lực cho đoạn đường, vì đã tăng tốc, để rút ngắn đoạn đường con em phải chạy. Mình chỉ cố một phút, mình chỉ tăng tốc một chút, muội của mình sẽ đỡ loạng choạng trên đoạn đường từ nhà tới trường. Cậu bé nghĩ như thế và chạy, chạy nhanh hơn. Cả hai chiều chuyển động, dù ngược nhau, với các véc-tơ chuyển động khác chiều, nhưng đều hướng tới một đích duy nhất. Cái đích, không phải hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng mà đã lâu lắm rồi, ngày càng được hoàn thiện. Thằng anh cúi xuống, trao vào tay em gái đôi giày vải. Giờ đây, cậu đâu cần đến đôi giầy ấy. Người cần là em gái nhỏ kia cơ. Học trò nào đến trường cũng phải mang vào chân mình một đôi dép, đôi giày.Cô em, ngồi phệt xuống mép cống cạnh đường, nong vội đôi giày vải anh đưa vào chân, chẳng kịp chào anh, bước vội tới trường...
Thế rồi trong cuộc thi chạy, thằng anh đoạt giải. Nhưng em gái cậu lại mơ một ước mơ: Giải thưởng ơi, hãy là một đôi giày !
Người xem bộ phim này, quay đi dấu những giọt nước mắt không kiềm nổi: Thương quá, xót quá, đau lòng quá cho những đứa bé nghèo. Người xem phim muốn nấc lên vì sự thật phũ phàng ấy, nhưng nể phục và ngưỡng mộ. Những thiên thần nhỏ biết vươn lên, giành quyền chiến thắng và chối từ những cay đắng, trớ trêu trong chuỗi ngày thơ...
Cuối tuần, người ta tản bộ trong công viên, dưới tán những cây sồi già. Nước róc rách từ những tượng đá nhỏ. Đám trẻ nô đùa trên những thảm cỏ ven hồ. Chân chúng mang những đôi giày thương hiệu Adidas, Puma, Nike , All Star... Tâm hồn chúng thanh thản, chỉ lo sao trong cuộc chơi hôm nay, phần thắng sẽ về tay mình. Chúng không có những điểm hẹn phía trước để phải chạy, chạy nhanh hơn, chạy đến nơi đưa đôi giày cũ mèm duy nhất cho em, để em gái đi tiếp tới trường, vào lớp học. Đôi giầy đã nâng đôi chân không biết mệt mỏi, vượt phá những kìm hãm và vươn tới.
Tên của ‘Paso Doble' trong tiếng Tây Ban Nha là " hai bước". Cũng có ý kiến cho rằng nó biến thể từ ‘Paso a Dos' nghĩa là "Điệu nhảy cho hai người". Mô phỏng bước tự nhiên của con người, Paso Doble là điệu nhảy dân gian được phát triển từ các cuộc đấu bò ở Tây Ban Nha.
Paso Doble mô tả người võ sĩ đấu bò với áo choàng và được nhảy với nhịp điệu hành khúc. Điệu nhảy khá nổi tiếng trong tầng lớp trên ở Pháp với nhiều bước bổ xung vào năm 1930. Nhưng không phổ biến lắm trong các nước nói tiếng Anh.
Đặc điểm là ngực nâng cao, vai mở rộng, đầu ra sau nhưng thân nghiêng thẳng ( để theo dõi bò tót). Trọng tâm ở phía trước, phần lớn các bước tiến bằng gót. Các bước quay có nguồn gốc từ điệu nhảy của người Digan- Tây Ban Nha. Paso Doble là điệu nhảy latinh không có nguồn gốc từ văn hoá của người Da đen.
Điệu Paso Doble tạo ra một không khí trên sàn tương tự cuộc đấu bò ở Tây Ban Nha. Điệu này thích hợp với bạn nam thích chuyển động theo cả ba chiều của không gian. Đặc điểm điệu này là kiêu hãnh và đĩnh đạc, nên mình rất thích. Điệu này là một trong những điệu rất khó, nếu có thời gian, bạn thử tham gia lớp dance sport, vừa tập thể dục, vừa thư giãn với âm nhạc, thú vị lắm.
Xin gửi tới các bạn đọc, các Quý Đạo hữu và các Phật tử, trích đoạn dưới đây trong cuốn THẤY PHẬT của tác giả Cao Huy Thuần
HAI BÀI KINH BÁT-NHÃ
Tuần vừa qua, một cuốn phim Đại Hàn ra mắt khán giả Paris, được khen ngợi. Báo Mỹ cũng khen. Tên của phim là: Xuân Hạ Thu Đông...rồi lại Xuân. Không phải người sành điệu điện ảnh, đọc tên phim là tôi muốn đi xem ngay vì nên thơ quá. Xuân hạ thu đông thì chẳng có gì lạ, nhưng xuân hạ thu đông...rồi xuân thì cái duyên đã phát tiết ra ngoài. Huống hồ ở trong phim, xuân rồi lại xuân trên một ngôi chùa nhỏ... trên một ngôi chùa nhỏ chênh vênh giữa núi non. Thơ và đẹp là chuyện của phim. Bằng im lặng, cảnh nói thay người, vì người chẳng có gì để nói.Chẳng có gì để nói giữa ông thầy và chú tiểu. Chẳng có gì để nói giữa chú tiểu và cô gái. Giữa ba nhân vật là một chiếc thuyền, có khi có người chèo, có khi không có người chèo vẫn trôi, trôi từ bờ bên này qua bờ bên kia, từ thề giới bên ngoài không hiện diện qua thế giới ngôi chùa không ai cần nói với ai. Chiếc thuyền là nét động duy nhất giữa tĩnh lặng mênh mông, là vùng vẫy giữa lắng đọng. Nói gì? Có gì để nói? Nói gì giữa chú tiểu và cô gái? Chuyện xảy ra là chuyện tất nhiên, bình thường như xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi qua trên mái chùa. Mới hôm qua mùa xuân, chú tiểu hãy còn là búp măng, con ai đem bỏ chùa này, ngây thơ đùa ngịch với cóc nhái, rắn rít. Hôm nay khi cô gái đến,tuổi đời của chú đã bắt đầu vào hạ.Đất trời ấm mùa hạ, cô gái ấm mùa hạ, chú cũng vậy. Chuyện gì xảy ra, tất phải xảy ra, chú tiểu hay ai cũng vậy thôi, đất đá cũng biết, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi qua. Cô gái đến chùa để ở lại chữa bệnh. Khi đến cô u sầu.Dưới mặt trời mùa hạ, trời ấm, người ấm, cô rạng rỡ. Ông sư nói:"Cô lành bệnh rồi đấy, về nhà được rồi". Ông biết hết nhưng thản nhiên như không, có gì để nói? Cô gái xuống thuyền, thuyền đưa cô từ bờ bên này của núi non, qua bờ bên kia của một thế giới chẳng ai biết. Đó là thế giới chú tiểu sắp bước vào, bởi vì, sau khi cô gái đi, chú tiểu cũng khăn gói rời chùa, làm con bươm bướm đuổi theo mùi hương. Trong khăn gói, chú cẩn thận nhét thêm tượng Phật .Nằm trong gói, chắc tượng Phật nói thầm:"Chú tiểu ơi, chẳng sao đâu,chú đi như thế cũng tốt như ở, bình thường thôi, xuân hạ thu đông". Chùa hai người, bây giờ chỉ còn một. Một ông sư già và một con mèo con. Mặt trời dịu lại, mùa hạ cũng ra đi.Mùa thu dần đến, núi non vàng rực một màu. Nhưng chẳng mấy chốc, chú tiểu trở về. Chú về với râu, với tóc, với tướng mạo hiên ngang của thanh niên đô thị.Và với con dao! Con dao mà chú đã thọc vào cổ của người yêu bây giờ là người phản. Chú vào chùa, giận dữ bốc cháy người chú.Trong tay chú, condao như muốn thọc cả vào núi non. Thản nhiên như không, ông sư càng già càng ít nói.Chỉ nói:" Chú khổ thì người khác cũng khổ". Nghe chừng như chuyện khổ cũng tất nhiên, nói gì, có gì để nói, chỉ là xuân hạ thu đông. Cũng tất nhiên, cảnh sát đến chùa bắt kẻ sát nhân. Cảnh sát có súng.Sát nhân có dao. Dao ấy huơ lên trước súng. Máu sẽ đổ chăng? Đổ trên sân chùa? Đổ trên lưng ông già đang lom khom nắm nót viết chữ trên sân? Đâu có! Không rời bút, cũng chẳng nhìn lên, ông bảo chàng thanh niên buông dao. Dao buông xuống thì dao hết là dao. Dao hết là dao, thì súng cũng hết là súng, cảnh sát hết là cảnh sát,thanh niên hết râu tóc. Chỉ còn chữ viết trên sân. Với con dao đã buông, ông bảo chú thanh niên tiếp tục khắc chữ trên nền sân, khắc theo chữ ông viết.Chú khắc suốt ngày và suốt đêm. Khắc rách da tay, khắc kiệt sức. Khắc: sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.... Bài kinh Bát Nhã... Mùa thu trôi qua, tuyết mùa đông phủ trắng núi non.Một mùa tuyết ,hai mùa tuyết, chẳng biết bao nhiêu mùa tuyết trôi qua, chỉ biết ông sư già đã tịch. Giữa băng giá phủ kín mặt hồ, bỗng một hôm, giữa mùa tuyết như thế, một người đàn ông đứng tuổi hiện ra, đi từ bờ bên kia qua bờ bên này của ngôi chùa bỏ hoang. Cũng một người ấy thôi, mãn giấc bướm, mãn tù, mãn cuộc đời, quay về chùa cũ. Cũng một người ấy thôi,nhưng không phải người ấy nữa. Người ấy bây giờ là sư. Có sư, chùa sống lại.Tượng được đặt trên bàn thờ, bế lên núi, ngự trên chóp đỉnh, tạc cả vào băng. Giữa băng giá, sư mình trần leo núi, thách đố với trời đất,thách đố với cả chính mình. Sư thắng. Sư đã từ giã bờ bên kia.Sẽ không còn ai biết sư là ai nữa, kể cả con thuyền khi hết băng giá sẽ nối lại hai bờ, kể cả chính sư. Nhưng từ giã cuộc đời bên kia đâu có phải là diệt nó.Trái lại phải sống với nó. Mà cuộc đời ở bên kia cũng chẳng để cho sư quên sư đâu. Nó nhắc nhở hành trình của sư ở chính cái chỗ bắt đầu: ở tiếng khóc khi bắt đầu sự sống.Cho nên giữa giá băng như thế, một buổi sáng, chùa chưa mở cửa, bỗng vang dội tiếng khóc sơ sinh trước sân. Một thiếu phụ,chẳng biết ai, giấu nước mắt, đem con lên bỏ chùa này,giao cho chùa giọt máu chắc hẳn là kết quả của một hạnh phúc không bền hơn sương tan đầu cỏ. Tiếng khóc! Trẻ thơ!Câu chuyện của chính ông sư, có lẽ của cả mọi người, sẽ lặng lẽ diễn ra hàng ngày trước mắt ông.Câu chuyện đó,ông đã quá biết rồi, cho nên có gì xảy ra chắc ông đều sẽ thản nhiên, chẳng nói một lời, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông trôi qua trên mái chùa của ông. Đấy, băng giá tan rồi, mùa đông đã trôi qua, một mùa đông, hai mùa đông.... Rồi mùa xuân! Trẻ sơ sinh đã thành chú tiểu nhỏ, ngây thơ đùa nghịch vớ cóc nhái, rắn rít đang bò ra khỏi hang. Chỉ chừng mươi mùa xuân nữa thôi, là chú tiểu sẽ vào hạ. Coi chừng, chú sắp rút dao.Sắp khắc trên nền gạch:"Có chẳng khác không, không chẳng khác có.." Nói gì nữa, có gì đề nói?...
Trong sân trường trung học Jena, tên một thành phố nhỏ ba ngàn dân nằm trong vùng Louisiana ở miền Nam nước Mỹ, sừng sững một cây cổ thụ oai nghiêm,tỏa bóng mát cho học sinh hàng ngày đến đó ăn trưa. Nhưng đó là học sinh da trắng, bóng mát của cây dành cho da trắng từ xưa đến giờ như một tập tục bất di bất dịch của miền Nam trắng đen phân biệt. Tựu trường 2006, một học sinh da đen cắc cớ đặt câu hỏi: "Chúng tôi có thể ngồi dưới bóng cây được chăng?". Vài chú da đen mon men đến ngồi với bóng mát. Ngày hôm sau, ba dây thòng lọng đu đưa trên cành, hai dây màu đen quấn quanh một dây màu vàng, màu của trường học. Thòng lọng là hình ảnh rùng rợn của trừng phạt, của tắm máu, của khủng bố Ku Klux Klan, mà dân da đen là nạn nhân trong lịch sử. Ai treo? Ba học sinh da trắng. Các bà mẹ da đen hoảng hốt. Có bà không dám cho con đến trường. Học sinh xôn xao. Ban giám hiệu họp, lấy quyết định: phạt ba chú da trắng ba ngày không được đến trường.Hình phạt quá nhẹ,một nhúm nhỏ học sinh da đen biểu tình dưới cây. Trong nhúm đó, có sáu vô địch thể thao của trường mà xuất sắc nhất là Mychal Bell, mười sáu tuổi, siêu sao của đội bóng, đối tượng mà nhiều trường đại học đang nhắm.Cảnh sát tức tốc can thiệp, tuần tiễu trong trường, báo địa phương tố cáo cha mẹ da đen xúi con làm loạn, biến một chuyện đùa không đâu thành tranh chấp chủng tộc vô căn cứ. Ngòi lửa lịm dần, tưởng tắt hẳn, bỗng nổ tung ba tháng sau, nhân một vụ cháy trường. Trường cháy, mười bốn lớp bị thiêu rụi, thành phố náo lên, cảnh sát báo động,ẩu đả xảy ra trong trường, ngoài phố, học sinh da đen bị da trắng gây hấn, hai bên chửi bới, đánh nhau,một chú da trắng ra xe rút súng hăm dọa, một chú da đen tước súng, móc thêm một quả đấm thôi sơn vào mặt, khiến xe cứu thương phải hú còi chở chú kia đi. Nhưng trả chú về lại thành phố sau ba giờ thuốc thang để tái nhập giang hồ. Sáu chú da đen biểu tình dười cây,nay bị bắt về bót,đuổi ra khỏi trường, tống vào nhà giam,lủng lẳng trên cổ cái tội "mưu sát", láng cháng trăm năm tù ở. Tòa xử ngày đầu vào tháng 6-2007. Mychal Bell đầu đảng da đen ra tòa trước hết với một đoàn bồi thẩm toàn trắng, thẩm phán trắng, 17 nhân chứng trắng tinh, chỉ luật sư là đen, nhưng là luật sư được chỉ định, ù ù cạc cạc, hồ sơ hết bác,nói năng biện hộ chẳng ra hồn,cái cây trong sân cũng chẳng biết. Tòa xử biến cố vừa xảy ra, đâu có xử chuyện xa xôi kia,mắc mớ gì trở lại với cây cho bóng, cành treo lủng lẳng ba dây thòng lọng? Huống hồ, công tố viên đã tỏ ý khoan hồng, không quy tội "mưu sát" nữa, chỉ kết tội "đả thương trầm trọng" và "âm mưu" thôi, 100 năm sụt xuống còn 22 năm tù, đâu có mọt gông! Phiên tòa sẽ kéo dài trong ba tháng. Mà tháng sáu là tháng mùa hè. Mùa hè ở miền Nam nước Mỹ nóng bức, có gì thích hơn là ngồi ghế xích đu, hưởng chút hơi mát buổi chiều trước hiên nhà? 85% dân số ở Jena là da trắng, trật tự lại đã vãn hồi, chuyện ẩu đả là chuyện hàng ngày, mấy thằng da đen đánh người thì phải đi tù thôi, đâu có vấn đề đen trắng ở Jena! Ông thị trưởng, ông sếp cảnh sát, bộ máy hành chánh, giới thượng lưu, giới trung lưu, hầu hết dân da trắng lim dim với buổi chiều nồng, ly rượu đá trong tay, nghe gió thổi hơi nóng trong cây lá. Mychal Bell và đồng bọn, sáu đứa nằm trong ngục tạm giam, cũng nghe hơi nóng uể oải của mùa hè thổi vào vụ án, hứa hẹn một phiên tòa xử như bao nhiêu phiên tòa đã xử nơi miền Nam trắng đen kỳ thị này. Nhưng chuyện lạ đã xảy ra! Chuyện lạ xảy ra giữa thành phố Jena hầu hết trắng! Ngày 29-6-2007, sau khi tòa họp phiên đầu,vẫn chỉ có ngần ấy người trương biểu ngữ trước tòa thôi: các bà mẹ và bạn của các bà mẹ có con bị bắt. Dần dà, các hội đoàn bảo vệ công lý, bảo vệ công dân,bảo vệ quyền bình đẳng chủng tộc, luật gia, mạng lưới Internet, mục sư, bao nhiêu tổ chức khác tham gia phản đối. 200.000 người ký tên kêu gọi thống đốc Louisiana can thiệp. Thành phố Jena bỗng chốc trở thành thời sự nóng. Giữa tháng tám, tờ Newsweek viết một bài dài lên án chủ nghĩa ký thị chủng tộc; các tên tuổi lớn trong giới da đen đổ xô về Jena. Vang dội khắp nước khẩu hiệu: "Tất cả hãy lấy xe buýt về Jena ngày 20-9!". 20-9 là ngày tòa sẽ tuyên án Mychal Bell. Một tuần trước đó,ngày 13, ứng cử viên tổng thống Barack Obama lên tiếng, tố cáo ba cái dây thòng lọng treo trên cành:"Đây không phải là chuyện của Jena, đây là chuyện của chính nước Mỹ". Hillary Clinton đâu để yên, tuyên bố:" Không thể tha thứ được cách tòa án đã đối xử với giới trẻ như vậy". Ngày 20-9-2007, một biển người tràn ngập Jena; thành phố bé con ấy không chứa nổi 30.000 người đổ về từ rất xa,từ miền Bắc, miền Đông, miền Tây.Trong một ngày, Jena là trái tim của nước Mỹ. Đến nỗi tổng thống Bush cũng đã phải lên đài loan báo chỉ thị cho Bộ Tư pháp theo dõi sự việc. Và sự việc kết thúc như một chuyện đời xưa: ngày 27 Mychal Bell ra tù. Cũng như trong thành phố, trật tự đã vãn hồi đâu vào đấy trong trường Jena từ trước mùa hè. Chỉ khác một điều: cây cổ thụ biến mất! Lợi dụng trường đóng cửa nghỉ hè, ban giám hiệu đã lén đốn cây, thủ tiêu nhân chứng của ba dây thòng lọng, thủ tiêu tang chứng, thủ tiêu vết tích của ký thị, xóa đi mất cái bóng mát không được quyền ôm ấp mọi làn da. Thêm một chứng nhân mất con mắt. Nhưng đâu có phải mất con mắt thì Tự Do không biết khóc? Không biết nhìn?
BỔ ĐỀ CƠ BẢN (Trích trong NGƯỢC CHIỀU VUN VÚT của Joe Ruelle)
Vừa rồi báo chí kể nhiều về giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố mẹ anh làm gì, trước đây anh học ở đâu, thích gì, muốn gì, được gì. Anh đã nhận giải thưởng Fields ở thành phố nào, được người nào trao tặng huy chương. Thậm chí các báo đăng thông tin công trình nghiên cứu của anh dày 169 trang ( tận 169 trang cơ), nhà xuất bản tên gì, trụ sở ở đâu. Nhưng báo chí ít nhắc đến công việc cụ thể mà anh ấy đã làm - lý do khiến anh ấy nhận giải thưởng Fields. "Nói chung anh ấy giỏi toán", là khái niệm sơ sơ của đa số tác giả viết bài. " Ngô Bảo Châu đã chứng minh được Bổ đề cơ bản, Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie!" Thế thì mừng quá ! Nhưng.... "Bổ đề cơ bản là gì" và vì sao phải chứng minh nó ? Tôi nghĩ các vấn đề khoa học có thể được thể hiện bằng lối viết hấp dẫn, nếu tác giả bỏ chút thời gian nghiên cứu. Đằng sau mọi thành đạt trong khoa học thường là câu chuyện thú vị, và đằng sau sự thành đạt của Ngô Bảo Châu là câu chuyện thú vị lắm. Ngày xửa ngày xưa, các nhà toán học công bố hai lý thuyết lớn: Lý thuyết số học và Lý thuyết nhóm ( number theory và group theory). Bản chất sâu sắc của hai lý thuyết này không quá quan trọng ở đây - điều nên nhớ là hai lý thuyết (a) đặc biệt lớn, và (b) nhìn từ xa có vẻ riêng biệt với nhau như hai cành cây. Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học người Canada tên là Robert Langlands viết bài cho rằng hai lý thuyết ấy có sự liên quan đa dạng, không riêng biệt nhau như nhiều người nghĩ, mà đi với nhau như mây và mưa. Quan điểm của Robert khiến nhiều nhà toán học há hốc mồm. Nó khiến chính cái mồm của Robert há hốc ra khi ông phát hiện sẽ mất mấy thế hệ, để chứng minh sự liên quan đa dạng đó. " Nhưng bước đầu tiên sẽ tương đối đơn giản", Robert tự tin nói với đồng nghiệp. Bước đầu tiên ấy Robert đặt tên là "Fundamental Lemma". Đó chính là "Bổ đề cơ bản" mà người Việt nghe kể nhiều trong thời gian vừa qua. Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là con tàu lớn. Hai con tàu không có người lái, trôi nổi trên mặt biển. Mặc dù không nhìn được rõ, Robert vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi đóng từ cùng loại thép. Có khi lúc bánh lái của "tàu Đông" hướng về phía tay phải, thì bánh lái của "tàu Tây" tự động hướng về tay tay trái. Khỏi phải nói, hai con tàu đó là "number theory" và "group theory". Với ông Robert, việc chứng minh Bổ đề cơ bản có thể so sánh với việc ném hai sợi dây móc sang hai con tàu. Làm xong việc đó, các nhà toán học khỏe mạnh có thể đứng trên đảo Robert, cầm dây và kéo hai con tàu lên bờ - khi đó mới nghiên cứu kỹ, phát hiện điểm chung. Robert nghĩ việc nghiên cứu đó sẽ mất mấy thế hệ. Nhưng vụ ném dây thì không. Một năm .Hai năm. Thế thôi. Robert đã nhầm. Hóa ra việc ném dây khó lắm. Robert cùng một số sinh viên của ông ném thử nhiều lần - lần nào cũng thất bại. Họ chỉ biết ném gần bằng dây mảnh, chứ ném chính xác bằng dây chất lượng, gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Đảo Robert trở nên nổi tiếng. Trong suốt 30 năm, nhiều nhà toán học giỏi bơi sang và ném thử. Ai cũng lau mồ hôi, kêu khổ. Nhiều nhà toán học trên đất liền chuẩn bị các công cụ để kiểm tra hai con tàu lúc được kéo về bờ. Họ sản xuất máy kiểm tra sơn, lập trình phần mềm phân tích chân vịt; thậm chí có người tập cách đứng trên boong tàu để không bị say sóng. Nhưng toàn bộ sự nỗ lực đó sẽ trở nên vô nghĩa, nếu không có người ném dây và ngoắc móc. Xuất hiện anh Ngô Bảo Châu ! (Tiếng kèn Trompet). Nghe nhiều người kể về đảo Robert, anh ấy cởi áo, bơi sang, xin phép ném thử. "Thử đi !" các nhà toán học giỏi nhất thế giới động viên. " Thử xong ngồi uống trà đá với bọn mình nhé!" Anh Châu ném thử, ném rất mạnh, dùng dây loại chất lượng nhất. Các nhà toán học đứng lên, cốc trà đá rơi xuống. Cách ném của anh Châu rất lạ ; anh dùng kỹ thuật đặc biệt mà mọi người chưa từng thấy. "Lại đi anh ơi !" Họ động viên tiếp. "Biết đâu anh sẽ là nhà toán học đầu tiên bắt tàu hai tay !" Ngô Bảo Châu ném lại một lần nữa. Hai cái móc bám ngay vào hai con tàu, khiến các nhà toán học giỏi nhất thế giới sững sờ ngưng cả thở ( thêm tiếng Trompet). Xong việc đó anh Châu nhờ các đồng nghiệp ngưng cả thở ấy giữ dây, để anh ấy có thể bay sang Ấn Độ nhận giải thưởng Fields. Chứng minh Bổ đề cơ bản là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành toán học hiện đại, được tạp chí Time xếp vào danh sách "Top 10" phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Vì Ngô Bảo Châu hoàn thành xong công việc của mình, nên hàng trăm nhà toán học khác có thể bắt đầu hoàn thành công việc của họ, tự tin vào cuộc dựa trên nền tảng vững chắc. Cả Việt Nam nên rất tự hào về anh hùng ném dây tên Ngô Bảo Châu.
CÓ HAI CHỮ NGƯỜI ĐỜI ÍT BIẾT (Trích trong Quán Cháo Trắng của tiểu tăng Giới-Sân)
Trong trấn Diểu có một hộ gia đình nọ, gia cảnh giàu có, rất thèm có đứa con trai, thậm chí chịu đóng tiền phạt để sanh thêm con, nhưng sanh mãi đến lần thứ ba mới được, nên rất yêu chìu. Đứa con trai ấy cứ thấy thức ăn ngon, đồ chơi đẹp thì liền đòi cho bằng được, cũng may là gia đình giàu có nên đều có thể đáp ứng. Bé trai tuy có chút bốc đồng nhưng cũng không hư hỏng gì. Mùa hạ năm nọ, nhà đó dẫn cậu con trai, đang học lớp ba, lên núi du ngoạn. Họ lễ Phật trong chánh điện, hai vợ chồng toàn khấn nguyện cho con, như hy vọng việc học của con trai sau này sẽ thành đạt, thân thể khỏe mạnh v.v... Đứa con trai nhìn thấy Giới Si, Giới Trần bằng tuổi cậu đang chạy đi chạy lại trong sân chùa, không ai quản thúc, cũng không cần làm bài tập, liền sanh tâm ngưỡng mộ, nói với cha mẹ rằng cậu muốn ở chùa Thiên Minh một thời gian. Hai vợ chồng khuyên con không được, bèn tìm sư phụ để thương lượng. Quý sư phụ mới đầu không đồng ý, nhưng rồi không chịu nổi cảnh hai vợ chồng cứ năn nỉ ỉ ôi, nên đành phải đồng ý cho đứa trẻ trú lại trong chùa 10 ngày, với điều kiện: nếu muốn ở chùa, cậu bé phải tuân thủ mọi quy luật của chốn thiền môn, các giới cấm của Sa di, ngay chỉ một giới cũng không được phạm. Đứa trẻ vì nhất định muốn ở chùa nên đồng ý. Cha mẹ cậu bé không an tâm, liền thỉnh sư phụ chiếu cố, khi xuống núi lại sai người mua nhiều đồ ăn, đồ dùng đem lên chùa. Sư phụ Trí Duyên cho người mang trả, nói đứa bé chỉ ở chùa có 10 hôm, không có gì phải quan trọng hóa vấn đề. Chập tối, sư phụ Trí Duyên dẫn cậu bé đến thiền đường, giảng cho hắn nghe quy củ. Hắn cứ tò mò nhìn khắp phòng, không ngừng gật đầu, mà chẳng biết có nhớ lời dạy của sư phụ hay không. Sư phụ Trí Duyên nói xong, cậu nhỏ chuẩn bị đi vào phòng ngủ cùng mấy tiểu. Sư phụ Trí Hằng chợt nói với cậu, chùa còn một quy củ nữa, nếu như phạm hết 10 giới, thì phải dùng đến hình phạt nặng nhất. Giới Sân lấy làm lạ, vì tiểu đã ở trong chùa lâu như vậy, cũng không biết hình phạt nào nặng nhất dùng để phạt tăng chúng. Cậu bé không quen quy củ, lúc 4 giờ khuya hôm sau vẫn cứ say ngủ, Giới Trần, Giới Si phải kéo hắn ngồi dậy, sợ hắn bị phạt. Khi tụng kinh khuya, hắn cứ ngủ gà ngủ gật, bị sư phụ Trí Hằng đánh mấy cái. Sư phụ Trí Duyên còn kể chuyện bảo hắn rót trà, hắn lại làm bể ly của khách. Dần dần, cậu bé phát hiện ra cuộc sống của chùa không hề dễ dàng như cậu nghĩ, không chỉ riêng lề lối sinh hoạt, mà cả chuyện ăn uống cũng khó kham, vì chùa chỉ ăn một ngày 2 bữa. Ngày nọ, lúc gần tối, sư phụ Trí Hằng lại cản không cho gia đình cậu bé đem thức ăn vặt đến. Buổi tối, cậu bé cứ lăn qua trở lại mãi mới ngủ được. Vài ngày liên tiếp sau đó, hắn phạm hết giới này đến giới khác. Ngày thứ năm, hắn đã phạm giới tám lần, còn những việc nhỏ nhặt khác thì khỏi phải nói. Buổi chiều, cha mẹ hắn đến thăm, hắn nhào vào lòng cha và mẹ khóc òa, nhất định đòi theo họ xuống núi. Người mẹ ôm con trai vào lòng bật khóc, người cha bên cạnh cũng không ngớt thở dài. Khi cậu bé sắp xuống núi, cha mẹ hắn còn bảo hắn lại nói lời tạm biệt với các chú tiểu, hắn chỉ dám cầm tay mấy tiểu, sau đó ôm chặt lấy người mẹ không dám buông ra. Nghe nói hồi trước, mỗi khi cậu ta không nghe lời, hai vợ chồng liền hù cậu, nếu không vâng lời sẽ bị ông Kẹ bắt đi, nhưng chẳng có chút hiệu quả gì. Sau này chỉ cần nói, nếu không vâng lời sẽ đưa trở lại chùa núi, hắn ta liền ngoan ngoãn vâng lời. Nhiều lần, Giới Sân hỏi sư phụ Trí Hằng rằng hình phạt nghiêm trọng của chùa là gì? Sư phụ cười nói:Chỉ sợ thằng nhỏ không chịu về nhà, nên nói hù nó thôi, chứ thực sự cũng không có gì. Trên núi Mao Sơn tuy có hương thơm bay phảng phất, nhưng đó không phải là nơi tịnh độ như chúng ta nghĩ; dưới núi Mao Sơn có nhiều việc phiền phức, nhưng không phải là cuộc sống tẻ nhạt.Trên đời có hai chữ mà người đời ít biết, đó chính là hai chữ Tri Túc.