HoaNT
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Những ngày này cách đây 60 năm
Ngày đăng: 02/10/2014 22:46:37

Hà nội vào thu, đang chuẩn bị ráo riết cho chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ Đô, đại đa số khóa 77 chúng tôi đều bằng tuổi với ngày này. Tôi được sinh ra đúng vào dịp tháng 7/1954 tại quân y viện 108 lúc bấy giờ ở chiến khu Việt Bắc. Chính bởi vì có con nhỏ nên bố mẹ tôi lại một lần nữa tạm chia tay để bố tôi cùng đoàn người tiến về tiếp quản Thủ đô vào những ngày này, còn tôi và mẹ ở lại chiến khu

 

Cho đến năm 1955 gia đình tôi mới được đoàn tụ tại Hà Nội. Bố mẹ của tôi cũng như biết bao chàng trai cô gái Hà Nội hăm hở tham gia tòng quân từ trước năm 1945 lúc mà họ còn rất trẻ như chúng ta ở thời sinh viên ở Kis. Năm 1952 bố mẹ tôi cưới nhau vào 06/01/1952 tại chiến khu Việt Bắc. Lúc bấy giờ bố mẹ tôi được Quân Y Viện 108 tổ chức cưới dưới sự chứng giám của bạn bè chứ chẳng có ai là họ hàng cả.

 

Nên cách đây 60 năm khi bố tôi cùng đoàn quân về Tiếp quản Thủ đô cũng là lần đầu tiên ra mắt họ hàng bên nhà gái.

Tình cờ tôi tìm thấy mấy lá vàng Kim Thành và  lá thư bố tôi viết vào những ngày này năm 1954 kể cho mẹ tôi biết bao nhiêu là chuyện Thấy lá thư bố tôi viết khá hay và chi tiết về không khí Hà Nội những ngày này cách đây 60 năm, tôi xin chép lại để mọi người cùng đọc: ( ở nhà mọi người gọi tôi là Hòa Bình)

 

 

Hà Nội, ngày 10/11/1954

Em thân yêu

Từ hôm về chưa viết thư cho em được vì chưa có hoàn cảnh gửi. Hôm nay viết về cho em yên lòng. Con Hòa Bình có ngoan không, nhớn tý nào chưa, em đã khỏe và công tác chưa. Cứ yên tâm và đừng thắc mắc gì nhé. Anh kể chuyện cho mà nghe.

          Hôm đầu tiên về Thủ đô, chưa được đi chơi đâu cả, một hôm đi công tác qua nhà cô Hồng( là em ruột của mẹ tôi), chỉ dám nghé vào một tý mà không dám vào, hành quân trông thấy chị ngồi bán hàng ở chợ Hàng Da cũng phải fớt đi. Sốt ruột nhưng độ 1 tuần sau thì được phép ra thăm gia đình. Trước hết anh đến nhà mợ ở 18 fố Cửa Đông, mợ thuê căn nhà này và ở với 3 em gái và 1 em giai của anh, Cô Nhâm và cô Tân bán vải ở chợ Hàng Da, em Hiền và em Thảo( là các em của bố tôi) đi học. Mợ cũng bán hàng vải. Các em hôm anh về thì mừng tíu tít, nhưng mợ thì đi vắng. Mấy hôm sau mợ về anh cũng tranh thủ về gặp. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cả nhà mong em và con Hòa Bình về lắm. Gia đình khỏe mạnh. Sau đó anh đến nhà anh Fan ở 22 Hàm Long. Anh Phan ( anh cả của bố tôi) vẫn làm ở nhà thương và đã có 6 cháu. Chúng nó cũng đều ngoan và anh chị Fan đều khỏe. Sau đó anh xuống phố Duy Tân (phố Huế bây giờ). Hồi hộp và cảm động lại hơi ngượng nữa. Nhìn xa xa hai chữ Hồng Điệp ( hàng kem Hồng Điệp, cửa hiệu lấy tên bà gì và cậu ruột của tôi, cậu cũng tham gia đi bộ đội cùng mẹ tôi ở 149 phố Huế nơi mà nhà tôi đã ở hơn 10 năm sau bị công tư hợp doanh trả nhà cho nhà nước, bây giờ là hàng bánh Thu Hương) anh cảm thấy gia đình em lúc nào cũng hướng về em và cậu Điệp ở ngoài kháng chiến. Thoạt bước vào thì gặp ngay vợ chồng cô Hồng. Hai người cũng tưởng là một anh bộ đội vào hỏi thăm cái gì kia. Biết là cô Hồng rồi nhưng anh cũng hỏi xem có đích thực là cô em gái em không?Sau đó anh mới tự giới thiệu: Tôi là Ứng đây. Cô Hồng reo lên và tíu tít chạy vào nhà gọi chị Đoan. Gia đình gặp anh vui vẻ lắm nhưng chưa nói chuyện được mấy chỉ mới nói qua tình hình Hà Nội, kháng chiến thôi. Sau đó cô Hồng, chị Đoan ( chị cả của mẹ tôi) và cu gì đấy con chị Đoan đưa anh lên nhà chị Chính. Các chị đều khỏe cả, các cháu cũng vậy. Anh Phụng và chồng cô Hồng cũng khỏe mạnh lắm. Trưa hôm đó anh ăn cơm ở nhà chị Chính. Anh định 1 hôm nào được phép sẽ về nhà tâm sự với các chị và cô Hồng nhiều hơn vì hôm đó chỉ được nghỉ từ sáng đến chiều mà lại phải đi thăm nhiều gia đình mà chẳng có em cùng đi thành thử cũng vẫn ngường ngượng thế nào ấy. Ai lại hôm đến cô Hồng anh khát nước ghê mà nhà có kem thì không mời ăn lại pha cafê mà anh cũng không dám phát biểu ý kiến đề nghị. Gia đình mong gặp em và con lắm. Biết tin cậu Điệp các chị cũng yên tâm. À con bé gì con chị Chính mà trước đây gọi em là má ấy bây giờ nó cũng từa tựa cô Lâm ấy, em về thì chả nhận được mặt cháu đâu. Ngay anh khi về nhà các em ruột có 4 đứa thì chỉ nhận được một còn các cháu thì quên hẳn vì nó khác quá. À anh gặp cả anh Đào nữa, nó khỏe và vui tính lắm. 

Hôm nay anh viết thư có lẽ cô Cả và mợ San( các bà là gì và mợ của bố tôi) cũng sắp về Hà Nội. Mợ và các em chờ cô Cả và mợ San lắm. À quên sau khi anh ăn cơm xong ở nhà chị Chính về thì đã 2 giờ chiều, tạt vào nhà anh Phan lại phần một mâm cơm tướng lại phải cố gắng ngồi nhắm với mấy thằng cháu vì anh Phan đi làm rồi. Sau đó anh trở về nhà các em thì lại cũng một mâm cơm linh đình chờ đợi. Anh lại cũng mạnh dạn ngồi ăn một cách ngon lành với các em mặc dù đã quá no. Những bữa cơm đó là những bữa anh không thể từ chối được.

          Bây giờ đến chuyện Hà Nội: vẫn như trước căn bản không có gì thay đổi. Chỗ bán hoa ở Tràng Tiền nay xây lại,

 

quanh Bờ Hồ có nhiều quán bán giải khát hơn, tàu điện sơn màu sặc sỡ hơn, chỗ ga tàu điện cũ ở Bờ Hồ phá mất và cạnh đấy dựng lên một trạm thông tin, không còn xe kéo nữa mà chỉ có cyclo và taxi. Phố xá thì vẫn vậy.

Còn chuyện công tác thì hiện nay đang làm công tác tiếp đón thương bệnh binh, sáng tập thể dục thay vào tăng gia. Hiện nay nhân viên biến thành những người công nhân sửa giường, sơn giường … Mọi người đều lo lắng với nhiệm vụ nặng nề sắp tới.

Thôi thư sau anh sẽ nói nhiều hơn vì mấy hôm nay bận lắm. Em cố gắng và yên tâm công tác nhé. Một ngày gần đây chúng ta đưa nhau cùng về thăm gia đình. Hôn con và em nhiều.

Nói với Thiện, Nga, chị Thái, Điệp, Tuyên và Phương, Toại là mình lúc nào cũng nhớ những người ở lại, không viết thư được là cũng áy náy lắm đấy. Nhưng đọc chung thư này vậy thôi, chúc tất cả mạnh.

Anh Ứng  

 

Nhanh thật mới ngày nào tôi còn bé tí tẹo, được mẹ bế trên tay nay đã 60 tuổi rồi, già và xấu hơn mẹ tôi ngày xưa nhiều.

 

 

Rồi tôi lại tần ngần nhìn những lá vàng Kim Thành của mẹ tôi được họ hàng gửi  ra chiến khu để bồi dưỡng sức khỏe, mẹ tôi tần tiện dành dụm để đến lúc trước khi chết dặn tôi tặng cho 4 cháu nội ngoại, mỗi cháu 1 cây vàng. Dạo này thấy giá vàng xuống giá nhiều người báo bán đi cho được giá, tôi thấy tiếc nên cứ để lại để cho các cháu làm kỷ niệm về ông bà của chúng nó. Nhìn thấy mấy lá vàng này tôi cứ xót xa thương bố mẹ quá. Lúc sống các cụ hết sức tần tiện, chẳng dám ăn tiêu gì cứ cố tiết kiệm dành dụm để cho con, cho cháu. Nghĩ mà thương nhớ bố mẹ quá.

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 11 - 19 của tổng số 19 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: TuyetHA
04/10/2014 16:09:40

Hoa ơi, nhanh thế đấy, mới đó mà 60 năm đã trôi qua. Mới ngày nào các cụ còn là những chàng trai, cô gái HN thanh lịch, theo tiếng gọi thiêng liêng của TQ, từ biệt gia đình để lao vào cuộc kháng chiến trường  kỳ 9 năm chống Pháp, và sau đó lại tiếp tục cuộc chiến chống Mỹ đằng đẵng hơn 20 năm với biết bao khó khăn gian khổ, bây giờ cụ ông nhà mình và các cụ nhà Hoa đã về bên kia "thế giới người hiền" rồi. Nơi ấy, những ngày này chắc các cụ cũng đang tụ tập để cùng nhau nhớ lại một thời vẻ vang Hoa nhỉ? Ngày còn sống các cụ vốn thân nhau, hay đi chơi với nhau mà! Nhớ các cụ quá Hoa ơi! Chúng mình thật tự hào được làm con của các cụ!


Nhân 60 năm ngày HN giải phóng xin được góp một tấm ảnh gia đình mình chụp trong cái Tết đầu tiên HN sau giải phóng - 1955.




Từ: ChiNB
04/10/2014 11:07:17

Gia đình Hoa giữ được nhiều kỷ niệm vô cùng quý giá đối với cuộc sống gia đình nói riêng cùng với những biến cố của lịch sử nói chung. Một gia đình Hà Nội gốc rất lãng mạn nhưng cũng thật giản dị, mộc mạc. BinhK nói đúng đấy, những đoạn bố Hoa tả cảnh đến thăm nhà ngoại vui thật đấy, rồi những đoạn bố Hoa kể về phố phường Hà Nội những ngày đầu sau tiếp quản, nhớ những hình ảnh đấy quá. Quầy bán hoa phố Tràng Tiền bên hồ Gươm bây giờ chẳng còn dấu tích gì nữa, hồi trước chị cũng hay mua hoa ở đấy, ngay cả trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ, quầy hoa này vẫn bán hoa, bây giờ Hà Nội không đâu có một quầy bán hoa như thế nữa mà toàn các cửa hàng nhỏ, không đẹp như cửa hàng xưa, thật tiếc cho những gì truyền thống xưa của Hà Nội bị phá bỏ.


Các bài viết của Hoa bao giờ cũng rất thật và hay như con người Hoa ở ngoài vậy. Đúng là Hoa được thừa hưởng gen này từ bố mẹ. Hoa rất giống mẹ, chị cũng rất thích ảnh mẹ Hoa cưỡi ngựa mà lần đầu tiên chị được xem là ở Kisinhop, phục sát đất con gái Hà thành đi ra chiến khu theo cách mạng.



Từ: VinhDT
03/10/2014 19:34:51

Bố Hoa kể chuyện HN cách đây 60 năm mà mình thấy gần quá. Mình rất thích câu chuyện của anh bộ đội cụ Hồ ra mắt nhà ngoại. Mình biết bố mẹ Hoa rất dí dỏm, bây giờ lại biết các bác cũng rất thơ mộng nữa. Hoa ơi, giữ được di sản quý báu này thỉnh thoảng giở ra xem, nhớ các cụ lắm, nhớ tuổi thơ bình yên ở HN những năm xưa ấy. 



Từ: ThoaNP
03/10/2014 16:18:28

Nhà Hoa giỏi thật, còn giữ được thư, ảnh, và cả mấy lá vàng nữa, từ những ngày đó. Hoa cứ giữ tất cả lại làm kỷ niệm Hoa à, quý giá lắm, không phải nhà nào cũng có được.


Bây giờ mới thấy Hoa rất giống mẹ, tuy nhiên mẹ vẫn đẹp hơn. Mình rất thích ảnh mẹ Hoa cưỡi ngựa hồi trước Hoa post lên. Post lại đi cho mọi người cùng ngắm. Bố Mẹ chúng mình ngày xưa tằn tiện, đến lượt tụi mình thì cũng tằn tiện hơn lứa con cái chúng mình. Âu cũng là quy luật chung.



Từ: BaLX
03/10/2014 15:44:05

Hoa, em còn giữ được bức thư của bố gửi cho mẹ cho đến tận ngày hôm nay, thật quý giá vô cùng. Bố mẹ em đều là bộ đội, cùng làm việc tại BV quân y 108 từ thời kháng chiến chống Pháp, chắc hẳn các cụ đã có biết bao kỷ niệm với nhau trong suốt những năm cùng chung sống và công tác. Bản thân em - con gái của bố mẹ cũng đã có nhiều đóng góp cho ngành Y của nước nhà, đó là niềm tự háo đó Hoa à.Chị chúc tất cả bọn em, những người sinh vào năm 1954, năm ngựa lúc nào cũng vui khỏe và chạy nhanh, chạy nhiều hơn nữa nhé.



Từ: BinhNH
03/10/2014 10:52:44

Quên mất, chuyện Hoa còn có tên ở nhà là Hòa Bình, Hoa đã nói từ lâu , nay thấy cả vật chứng. Như vậy lớp mình có những 3 Bình chứ không phải 2 Bình nhỉ?



Từ: BinhNH
03/10/2014 10:45:57

Hoa ơi, những câu chuyện giản dị của người lính quân y trở về Hà nội, tình cảm dạt dào với họ hàng nội ngoại, nhớ vợ thương con của bố Hoa là có lẽ là tâm trạng chúng của tất cả các ông bố, bà mẹ của khóa 77 mình ngày ấy.( chúng mình đều sinh ra năm 54,)  đều có bố mẹ trở về tư vùng kháng chiến. Nhưng những bức thư gửi cho nhau thì e rằng không phải ai cũng giữ được.


các đoạn ông nêu tên và tả cảnh phố phường Hà nội rất đặc sắc, nhận xét từ việc xe kéo tay không còn thay vao đó là xích lô, đến cảnh tàu điện. Rồi kể chuyện gia đình ai làm nghề gì, như một bức tranh ấy cậu ạ. Mình nhắm mắt lại vẫn hình dung ra luôn.... Hay thế.


Nhưng buồn cười nhất là đoạn :Ai lại hôm đến cô Hồng anh khát nước ghê mà nhà có kem thì không mời ăn lại pha cafê mà anh cũng không dám phát biểu ý kiến đề nghị


Chết cười, cái này bạn Hoa nhà ta di truyền gen bố rồi. Ăn kem vô địch cùng với mình và Lan.


Cả đoạn do tình cảm mà phải ăn 3 mâm cỗ liền cũng hơi đặc sắc đấy... Chúng mình có lẽ cũng hơi lây tính ăn nhiều đấy nhỉ.


Cám ơn Hoa đã chia sẻ bức thư cảm động và còn mang tính lịch sử nữa. Mình tin rằng ở nhà các bạn nữ 77 còn nhiều bức thư vào thời kỳ đó gần như vậy...



Từ: NguyetTM
03/10/2014 10:40:58

Cảm ơn chị Hoa đã chia sẻ những tình cảm Vàng Ngọc của bố mẹ với người thân, với chiến khu, với Hà Nội và Tổ Quốc. Đọc thư bố chị gửi co mẹ chị nhưng em thấy trong đó chứa đựng biết bao tình cảm thiêng liêng và sự hy sinh vì Tổ Quốc của thế hệ cha ông mình. Sắp đến ngày giải phóng Thủ Đô rồi, Hà Nội 60 năm, các chị cũng 60 tuổi. Em chúc mừng Sinh Nhật của các anh chị KGU sinh năm 1954 nhé.


Chị giữ được những tấm ảnh, những kỷ niệm rất đẹp về bố mẹ. Nhìn ảnh mẹ chị hồi trẻ mới thấy chị giống mẹ, chứ sau này gặp mẹ chị khi đã già em không thấy rõ điều đó.



Từ: Guest BìnhPT
03/10/2014 09:02:16
Cảm động quá Hoa ạ!Những bức thư là những bằng chứng thật sống động về những gì đã xảy ra, không màu mè hoa mỹ!Cám ơn cậu đã chia sẻ cùng bạn bè! Bức ảnh cậu chụp cùng bố mẹ đẹp quá!



<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |