NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Mùi cỏ cháy
Ngày đăng: 08/05/2012 09:03:01

Không còn đạn, dương lê xốc tới...

     Tối 01/5/2012 vợ chồng tôi đến Trung tâm chiếu phim quốc gia xem phim Mùi cỏ cháy. (Biên kịch: Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Đạo diễn chính: Nguyễn Hữu Mười). Con trai tôi mua vé xem phim tặng ba mẹ. Mấy năm trước cả nhà tôi đã đến Nghĩa trang Đường Chín, Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Thành Cổ thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất này. Con trai tôi chăm chú xem các sơ đồ, các sa bàn về các trận chiến khốc liệt năm 1972, đặc biệt những vị trí mà đơn vị ba nó chốt giữ.  

 

     Trong các phim về chiến tranh của Việt Nam tôi đã xem (như Hoa ban đỏ về chiến dịch Điện Biên Phủ, Đừng đốt được dựng theo cốt truyện của Nhật ký Đặng Thùy Trâm…), Mùi cỏ cháy đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

     Mùi cỏ cháy là bài ca bi tráng về những người lính trong 81 ngày đêm nơi Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 rực lửa. Mùi cỏ cháy đã dẫn dắt người xem theo số phận của 4 anh lính trẻ Hoàng, Thành, Thăng, Long - những trai tân trước khi nhập ngũ đã ra công viên chụp một bức ảnh kỷ niệm, nghịch ngợm tranh nhau đặt tay vào bầu vú nở nang của bức tượng cô gái đang đọc sách. Họ là những người lính- sinh viên cùng trang lứa với nhiều người KGU chúng ta. Những năm 1970- 1971, miền Bắc dường như đã cạn người trẻ, khỏe. Chính quyền gọi nhập ngũ những sinh viên đang học năm thứ hai, thứ ba. Các tân binh này được huấn luyện cấp tốc và được tung ngay vào chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị.

 

     Có thể chia phim thành 2 nửa: Nửa đầu nói về thời gian những người lính huấn luyện trên đất Bắc và hành quân vào Quảng Trị. Nửa sau mô tả chiến trận vô cùng khốc liệt: Lính dù của chính quyền Sài Gòn với sự chi viện hỏa lực tối đa của pháo binh và không quân dồn sức tấn công để cắm cờ trên Thành cổ Quảng Trị; quân ta chỉ với những khẩu súng bộ binh, không đủ cơ số đạn tối thiểu phải căng người ra giữ Thành Cổ.

 

      Hàng loạt cảnh đau thương, bi tráng diễn ra: những thân người bị bom đạn băm nát khi vượt sông Thạch Hãn sang Thành Cổ trong tiếng gọi “Mẹ ơi” xé lòng; lính dù phía bên kia dàn hàng ngang theo sau xe tăng, xe bọc thép hết đợt này đến đợt khác bền bỉ tấn công quân ta; quân ta hết đạn, không có quân tiếp viện, chỉ còn cách dương lưỡi lê lao vào kẻ địch; một chiến sĩ bị thương, hai mắt bị băng kín vẫn lao ra phía trước hỗ trợ đồng đội; chàng trai lần đầu ra trận sợ rúm cả người khi chứng kiến cảnh đầu rơi, máu chảy định tháo lui; lính ta trên đường khênh những bao xác tử sĩ đã trúng pháo bầy, pháo chụp của địch; các chiến sĩ chôn cất nhau trong cơn mưa tháng bảy xối xả, chôn cất đối phương chu đáo; các tử sĩ vừa được chôn cất đã bị bom đạn hất tung, xé nát…

 

      Trong phim ta gặp Thành, một anh lính vui tính hay hát chèo, luôn ân hận vì những lỗi lầm đã làm mẹ giận trước đây, day dứt vì khi mẹ giận lại không chịu nằm yên cho mẹ đánh.  Bây giờ ở giữa chiến trường, anh ước mong lắm chóng đến ngày trở về được nằm xuống để mẹ đánh cho một trận thật đau.

 

      Còn chàng Long, người trước giờ nhập ngũ đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ ra tòa ly hôn nhưng vẫn  hy vọng bố mẹ sum họp nên đã chạy về nhà xếp hai cái giường ly thân làm một và mang theo ra trận tấm ri-đô ngăn đôi căn phòng nhỏ. Trong giây phút sắp từ giã cõi đời, anh đã được gối đầu lên tấm ri-đô đó. Anh đã vĩnh viễn nằm xuống dưới bùn lầy Quảng Trị, mang theo ước mơ về một tương lai sum họp gia đình, mang theo cả khát vọng tình đầu vừa chớm nở bên bờ giếng với một cô gái có vẻ đẹp bình dị, mặn mà trong những ngày anh tạm nghỉ tại nhà dân giữa chặng đường ra trận.

 

       Thăng mang bóng dáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, viết nhật ký miệt mài với những dòng tiên tri tháng 4/1975 sẽ là ngày toàn thắng. Khi lao ra sông Thạch Hãn cắn răng vào dây điện nối liên lạc cho đài chỉ huy, anh đã bị địch xả súng giết chết. Hoàng chàng thi sĩ đem theo chú ve con của tuổi thơ trong suốt chặng đường hành quân….

Hát chèo giữa chiến trận

       Trong phim có những khoảng lặng hiếm hoi, quý giá của người lính trên đường hành quân gian khổ và trong cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Có chàng trên đường ra trận vẫn say sưa chơi đánh trận giả với trẻ em nơi đóng quân bằng những khẩu súng làm từ sống tầu lá chuối. Khi chia tay, người lính đã chia những hòn bi cho bọn trẻ. Những chàng lính trẻ non tơ chưa dứt khỏi tuổi thơ hồn hậu mà.  

         Giữa bom rơi, đạn nổ ta vẫn được nghe tiếng rền rã của chú ve kim, tiếng cọ cánh của chú dế mèn, vẫn thấy những viên bi ve giấu dưới đáy ba lô.  Lời hò hẹn với cô gái nơi giếng làng trong tiếng ghi ta bập bùng “Anh sẽ về!”, “Anh sẽ về!”, điệu chèo cổ giữa hoang tàn trận mạc, tiếng đọc thơ giữa trùng trùng bước chân về phía trước:“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc... sao mà da diết. Cảnh các chiến sĩ ta khi nhặt được tấm ảnh người mẹ của đối phương đã rất đau xót vì con của người mẹ ấy ra đi mà không có ngày về. Rồi cảnh chú ve sầu trên ngực người lính vừa ngã xuống. Người lính từ giã cõi đời, chú ve sầu chết. Người lính ấy, trong ký ức chúng ta cứ mãi mãi tuổi đôi mươi. 

 

Chia tay với người yêu

 

        Rồi lời huấn thị của Đại đội trưởng Phong, khi đứng trong đội hình tân binh “Kiến cắn không được gãi, con gái đi qua không được nhìn”, nghe thật kiên quyết, dõng dạc, nhưng khi hai cô gái thắt đáy lưng ong, vai quàng súng trường đạp xe qua, tất cả những chàng lính trẻ và người chỉ huy từng trải đều ngước mắt nhìn! Đó là những khung hình đẹp, lay động lòng người. Những tình cảm sâu nặng, nhân ái, nhân văn lấp lánh trong trái tim người lính là hành trang thiêng liêng, là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn giúp họ vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, khốc liệt.

 

        Vợ chồng tôi rất xúc động khi xem phim này. Chúng tôi đã lặng đi, nấc lên. Mắt chúng tôi đỏ hoe, ngấn lệ. Thương lắm, nhớ lắm những đồng đội của tôi đã ra đi mãi mãi khi mới bước vào tuổi mười chín, đôi mươi ở chiến trường Quảng Trị vào năm 1972 rực lửa ấy!

        Cám ơn nhà biên kịch, cám ơn các đạo diễn, các diễn viên và cả đoàn làm phim đã cho tôi xem một bộ phim chân thật về cuộc chiến đã qua.

        Tối hôm qua, vợ chồng tôi ở nhà trông cháu để con trai và con dâu đi xem Mùi cỏ cháy.

Thả hoa tri ân

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 11 - 17 của tổng số 17 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: HanhLM
10/05/2012 22:58:19

Cám ơn em Huyền đã kể cho anh chị em KGU biết thêm về ngày 9/5 ở Moldova. Chị cũng nghĩ là cách gọi ngày 9/5 như ở Moldova hiện nay là hợp lý hơn và đúng bản chất hơn.


Hôm Về nguồn, anh chị ra "5 Cây súng" khi bình minh đang lên. Đứng trước Ngọn lửa vĩnh cửu và những bức phù điêu thật xúc động.



Từ: HuyenBT
10/05/2012 20:41:00

Em chưa kịp viết là hôm qua bên em ngày 9/5, kỷ niệm ngày chiến thắng Phát xit. Năm nào nhà em cũng ra đặt hoa tại "5 khẩu súng", vì thế, em có dịp để năm nào cũng quan sát cách mà người ta kỷ niệm ngày lễ này. Chắc mọi gnười còn nhớ, hồi còn Liên xô, người ta kỷ niệm ngày 9/5 thật hào hùng, với diễu binh, biểu dương lực lượng vũ trang, những khúc quân hành, những khải hoàn ca, và chỉ một màu hoa đỏ ngập tràn, hoa chiến thắng...Còn những năm gần đây, ít nhất là hơn chục năm gần đây, ngày đó được kỷ niệm khác hẳn: Trầm lắng hơn, đâu đó có nhạc, nhưng hầu hết là các bài hát về những mất mát  trong chiến tranh, những người đi đặt hoa lặng lẽ, không mấy ồn ào, họ không ra quảng trường để rầm rập bước chân, mà chậm rãi đi quanh các bức phù điêu chiến tranh, quanh mộ các liệt sĩ, quanh đài tưởng niệm, và đặt lên đó những bông hoa các màu khác nhau: tím, trắng, vàng, chứ không nhất thiết là chói đỏ. Họ có thời gian để ngồi lại, tĩnh tại, ngắm nhìn và nghĩ suy, nhất là các cựu chiến binh, những người mỗi năm lại thấy vắng dần, vắng dần... Thành phố tổ chức buổi khiêu vũ ngoài trời không mất tiền cho cựu chiến bình, có dàn nhạc sống. Và đôi khi có những bữa ăn trưa cho người ta,(đôi lần công ty em cũng đóng góp cho bữa ăn trưa đó). Nói chung, tâm trạng và cách kỷ niệm ngày lễ đã khác đi nhiều lắm. Riêng em, em muốn như thế hơn. Em muốn ngày 9/5 là ngày tưởng nhớ, nhớ những người đáng ra cũng đang được sống như mình bây giờ, hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp...mà giờ này, họ nằm sâu dưới đất, không kịp biết tuổi 20 của mình ra sao, chưa kịp hình dung ra nét mặt người yêu của mình. Khái niệm chiến thắng trong chiến tranh cũng là tương đối. Tốt nhất là không có chiến tranh, không mất mát.


Em muốn thông báo là ngày 9/5 ở Moldova từ lâu đã được ghi trong bộ luật lao động không chỉ đơn thuần là ngày chiến thắng, họ ghi là "ngày tưởng nhớ những người đã hy sinh cho Tổ quốc". Có vẻ dài dòng, nhưng theo em là cần thiết, vì đúng bản chất.



Từ: NghiPH
10/05/2012 19:47:34



Một số ý thơ trong bài Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu đã được thể hiện tinh tế, xúc động trong phim Mùi cỏ cháy.


Tôi xin giới thiệu bài thơ:  


 


Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu


            Hoàng Nhuận Cầm


 


Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu


Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ


Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có


Một hai ba giọng hát chú ve kim?


 
Vào mặt trận lúc giọng ve đang kêu


Hay tiếng gọi lên đỉnh cao đánh giặc
Đây mùa hạ lòng tôi sung sướng nhất


Bao điểm chốt anh hùng, tôi nổ súng cùng ai.


 


Vào mặt trận lúc giọng ve rất dài
Như sông suối, như đoàn quân vô tận
Da diết tiếng ve ngân chẳng tắt
Tiếng ve bay theo chân bước trùng trùng.


 


Vào mặt trận lúc giọng ve đang rung
Chúng tôi sống tháng năm xao động lắm
Truy kích giặc có rất nhiều đêm trắng


Nhiều đêm trong, tâm hồn cùng thức bên nhau.


 


Ra mặt trận lúc giọng ve kêu mau
Là khẩu hiệu khẩn trương vào trận cuối
Những báng súng trong tay đều nóng hổi
Những tim người đập theo tiếng ve kêu...


 


Mùa khô ơi, mùa khô thân yêu
Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ


Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có


Một hai ba giọng hát chú ve kim?



Từ: HuyenBT
10/05/2012 18:29:27

Phim VN, em chỉ hay xem những phim về chiến tranh. Nghe anh Nghị giới thiệu phim Mùi cỏ cháy, em cũng muốn được xem. Trước hết vì em tin vào ông đạo diễn này. Thứ hai, nếu kể về những người lính trẻ trong chiến tranh, em cũng tin là Hoàng Nhuận Cầm sẽ tìm được những chi tiết hay. (Nhà thơ này đã từng làm thi đàn những năm 70 xôn xao vì những bài thơ về lính trẻ, về những ký ức tuổi thơ, tuổi học trò với những chiếc lá đầu tiên, những chú ve con, với "mãi mãi tuổi hai mươi"...


Nhưng đặc biệt là cách kể chuyện phim của anh Nghị đã thuyết phục em. Anh chọn hình ảnh, khung hình...những thứ rất đặc trưng của môn nghệ thuật thứ 7 này. Anh kể với một xúc cảm của người đã từng trong cuộc, như là anh đang nhớ lại, ngẫm nghĩ lại những gì mình và đồng đội đã trải qua. Vậy nên, khi anh xem phim , anh lặng đi, anh nhòe nước mắt,,..để em cũng thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Em cảm ơn anh về một bài viết xúc động.



Từ: NgocNT
10/05/2012 12:19:09

Bác Tổng ơi, bận nhưng em cũng phải còm mấy câu cho bài viết này của Bác! Bài viết rất thực và rất tình cảm. Chiến tranh xảy ra, em cũng sinh vào thời gian đó, nhưng cũng chỉ lờ mờ nhớ 1-2 lần trú hầm thôi!Cám ơn bác nhiều nhiều!


Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười là ông xã của Đỗ Thu Thuỷ, Luật Kis khoá bọn em- 93 đấy! Lần nào họp hội, đón thầy cô em cũng thông tin cho nó nhưng không bao giờ thấy nó xuất hiện. May ra, bây giờ nó mới vào làm việc ở Bộ KH-CN-MT (thanh tra Bộ, về sở hữu trí tuệ) thì có thể cậy nhờ vào các bác Khoa, bác Thắng, bác Lộ thì mới :kích" cô nàng được! Biết đâu Hội mình có ngày lại là khách mời của đạo diễn ấy chứ!



Từ: PhuND
08/05/2012 18:45:54

NghiPH ơi, rất cảm động ! Khi nào ở SG chiếu phim này Phư sẽ đi xem. Mùa hè đỏ lửa 1972 của tuổi chúng ta sẽ còn lưu giữ . Đúng là phải cảm ơn các nhà làm phim, nhưng trước hết xin cảm ơn những người đã ngã xuống vì nền hòa bình hôm nay.



Từ: 3Chai
08/05/2012 11:14:38

@Nghị. Trời ban cho chúng ta khả năng khóc, cười để giúp giữ gìn sức khỏe... Cứ khóc khi còn khóc được. Chúc Ông bà Tổng khỏe.




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |