NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Đã có lần tôi đánh oan con trâu nhà tôi...
Ngày đăng: 09/01/2013 22:34:34

Tôi đang trong “cơn say” viết về trẻ chăn trâu và những chú trâu nên xin phép anh chị em cho tôi “nhô” ra một lần nữa với bài viết về những kỷ niệm với chú trâu thân yêu mà tôi được chăn dắt hồi trẻ thơ…Cám ơn HuyềnBT và các anh chị em về sự gợi ý và khuyến khích.

 

Con trâu nhà tôi trở thành trâu của hợp tác xã khi thầy mẹ tôi được vận động vào hợp tác xã nông nghiệp Liên Thành. Là trâu chung thuộc sở hữu của của hợp tác xã, trâu nhà tôi đã từng được giao cho một hộ khác nuôi. Nuôi trâu được đến 900 điểm một vụ. Lại được chia khá nhiều rơm. Chất thải của nó cũng rất đáng giá. Vì thế mà có nhiều nhà cứ muốn nuôi trâu. Nhưng nhà này không biết nuôi. Hay như mẹ tôi nói, họ không mát tay. Thấy nó gầy quá, ốm quá, Ban quản trị HTX giao lại cho nhà tôi nuôi. Lúc đó, tôi lên 8 tuổi, có thể đi chăn trâu vững rồi.

Sau một thời gian được nhà tôi chăm sóc, nó đã trở thành một con trâu đực to lớn, kềnh càng, có dáng đi hùng dũng. Trong hợp tác xã có ba chú trâu to khỏe. Đó là trâu nhà ông Chí, trâu nhà ông Hát và trâu nhà tôi.

Con trâu nhà tôi đã giao chiến với cả trâu nhà ông Chí và trâu nhà ông Hát. Có trận thắng, có trận thua. Tôi nhớ có lần con trâu nhà tôi húc nhau với trâu nhà ông Hát. Nơi bắt đầu nghênh chiến là Đồng Đĩnh. Chúng đuổi đánh nhau sang Đồng Quen. Đây là cánh đồng ngập nước. Hai chú lao vào thủy chiến. Mấy đám lăn lác bị chúng quần nát.  Rồi chúng xô nhau lên Gò Giữa Đồng. Lồng sang khu Đá Trụt, Hậu Bành, vòng sang Vườn Vầu, ngoặt về Cửa Đình…

Cả làng ra xem trâu húc nhau như đi xem lễ hội. Nhân lúc chúng khóa sừng nhau, bốn thanh niên trai tráng dũng cảm lao vào gỡ ra.

Trận húc nhau giữa trâu nhà tôi và trâu nhà ông Hát lần ấy chưa phân thắng bại.

Hàng ngày sau nửa buổi đi học, chúng tôi đi chăn trâu kết hợp với đánh dậm, bắt cua, bắt cá. Tất nhiên, nhiều buổi chỉ chăn trâu và chơi các trò như đánh khăng, vật nhau hoặc đánh trận giả. Nơi chăn trâu là các rẻo đất ven các dãy núi và các gò giữa đồng.

Cũng có lúc ngồi túm tụm kể chuyện cho nhau nghe. Tôi thường làm người kể chuyện vì chịu khó đọc sách hơn các bạn một chút. Vừa kể chuyện, vừa phải ngó ra, để mắt đến trâu, sợ nó ăn lúa của hợp tác xã. Có lần con trâu của tôi xông ra ruộng lúa liếm nhanh cả một vạt con. Tôi lao ra định đánh mắng nó. Nó ngửa mặt lên trời nhe răng cười sảng khoái. Nó vừa được ăn những cây lúa sắp ra đòng mà. Tôi bật cười, không đánh mắng nó nữa. Đòng đòng lúa đến chúng tôi cũng mê nữa là những chú trâu!

Những hôm thày tôi đi cày, đi bừa, tôi đi đón trâu cùng với mấy đứa trong  xóm. Tôi đi ra đồng gặp thày để nhận trâu, rồi đưa trâu lên gò gặm cỏ đến căng bụng mới về. Bọn trẻ đi đón trâu thường đem theo 1-2 củ khoai lang luộc ăn thay bữa tối. Khoai vừa vớt trong nồi ra bỏ vào túi áo, nóng lắm. Mấy đứa vừa đi vừa nhảy tưng tưng vì nóng, trông rất buồn cười. Những buổi chiều tối ở ngoài đồng thật đẹp. Cảnh vật, thiên nhiên, cây cỏ rất nên thơ. Trăng sáng và trong vắt. Sau này sống ở thành phố, tôi vẫn luôn thèm được nhìn ánh trăng như thế, mà chưa bao giờ được thấy. Bầu trời đầy sao, gió hiu hiu thổi. Tôi và các bạn thi nhau đếm sao trời, đếm đến mỏi cả miệng, mỏi cả mắt. Cũng có lúc nghêu ngao đọc thơ. Rồi có lần ngủ quên trên mình trâu. Trâu quen ngõ đưa chúng tôi về nhà.

Rồi Mỹ đem máy bay ra miền Bắc đánh phá. Vào một sáng chủ nhật, tôi và thằng Giá đang chăn trâu ven núi Voi thì máy Mỹ ào đến ném bom vào khu kho của quân đội đóng ở đây. Bom rơi ra ngoài cả khu kho, khu doanh trại bộ đội. Tôi bị ù tai. Đất tung lên rồi rơi xuống ào ào trên người chúng tôi và hai chú trâu. Rất may tôi và Giá đều đội mũ rơm. Chúng tôi lao một khe núi tránh bom. Hai chú trâu chạy tứ tung.

Mấy cái máy bay quần đảo vài lượt rồi mới bỏ đi. Chúng tôi chui ra khỏi hang, nhớn nhác đi tìm trâu. Nó chạy đi đâu mất rồi? Có bị trúng bom không? Tôi chạy ra cánh Đồng Quen tìm. Không thấy. Tôi chạy sang khu Nương Sơn. Cũng không thấy. Tôi vù sang khu vực xa hơn là Vườn Vầu. Vẫn không thấy. Buồn quá, tôi thất thểu đi về với bao nhiêu hình dung khốn khổ về chú trâu tội nghiệp của tôi, thì kìa, tôi nhìn thấy gì đây? - Chú trâu của tôi đang ung dung nằm dưới gốc cây mưng cạnh nhà bỏm bẻm nhai lại cỏ gặm được sáng nay! Nó quay lại nhìn tôi bình thản, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi mừng đến nỗi, nếu ôm được nó trọn trong tay, có lẽ tôi đã ôm nó ngấu nghiến!

…Có một lần tôi đã đánh rất đau trâu nhà tôi. Mà lại là đánh oan mới tội chứ! Chả là, mùa hè nóng quá, chú trâu của tôi cũng như bao con trâu khác rất thích đằm bùn. Tôi đã hì hụi tắm sạch cho nó, nhưng vừa sểnh ra, nó lại lao xuống vũng bùn để vầy. Toàn thân lấm be lấm bét. Cáu quá, tôi cột chặt dây thừng trâu vào một gốc cây. Tôi dùng roi làm bằng cành cây găng quất rất mạnh vào mình nó.

Đau quá, nó chạy vòng quanh thân cây mà có thoát được đâu. Sau đó nó đứng im chịu đòn của đứa trẻ ranh vẫn thường ngồi vắt vẻo trên lưng nó hàng ngày. Cái đứa trẻ ranh ấy, chiều nay sao mà ác thế! Rồi nước mắt nó ứa ra. Nó khóc, khóc lặng lẽ. Tôi buông roi, ôm lấy đầu nó, nước mắt lưng tròng.

…Rồi tôi đi lính, hợp tác xã giao chú trâu cho nhà khác chăn. Khi vừa ở chiến trường Quảng Trị ra, tôi hỏi ngay thầy tôi:- Con trâu nhà ta bây giờ ai nuôi, hả thầy? Con muốn đi thăm nó! Thầy tôi khẽ nói:- Nó chết rồi, con ơi! Tôi lặng người đi. Sao một con trâu vốn khỏe mạnh thế, cường tráng như thế lại có thể bị chết cơ chứ!

Mãi mãi trong tâm trí tôi ghi đậm hình ảnh của chú trâu thân yêu mà có lần tôi đã đánh oan nó!

 

Ghi chú: Tấm ảnh minh họa là ảnh chụp lại bức tranh Chăn trâu, cắt cỏ do cháu Hoàn (con bà chị thứ ba của tôi) vẽ tặng cậu nó- một đứa trẻ có nhiều năm chăn trâu.

 

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 21 - 30 của tổng số 37 Comments



Từ: NghiPH
16/01/2013 09:04:47

@ HuyềnBT:


 


Ở xóm anh có đến 11 con trâu. Chỉ có một con bò nhà ông Bạt do Phấn chăn dắt. Con bò của Phấn rất đẹp. Nó có dáng của một chú ngựa. Bọn anh rất thích chú bò của Phấn.


Bò có những điểm giống trâu: 1.Cùng là động vật ăn cỏ, nhai lại; 2. Kéo cày, kéo bừa  tốt; 3. Có tình cảm với người chăn như trâu.


Còn những điểm khác là: 1. Bò thường nhỏ hơn trâu; 2. Bò phi nhanh hơn trâu (thi phi trâu bò Phấn và bò của hắn toàn chiến thắng thôi); 3. Cưỡi bò sướng hơn vì bộ lông của nó mềm hơn; 4. Trâu thích tắm, thích đằm bùn còn bò không thích; 5. Bò chịu rét và chụi nóng tốt hơn trâu vì cấu tạo của bộ da và lông khác với trâu.


Đây là anh nói con bò nhà ông Bạt do Phấn chăn, còn những chú bò khác, rồi bò sữa và bò tót thì anh không biết.


Ý kiến cho rằng, bò đần và dữ hơn trâu, chắc là không đúng.


 


Nhà anh có bức tranh Chăn trâu do cháu Hoàn vẽ tặng. Có một bức tranh về gia đình chim. Có hai bức tranh về đồng quê Moldova với những sườn đồi rải nắng, có những ruộng nho, có các cô thôn nữ đang thu hoạch nho, có cảnh ngôi nhà quê Moldova, cảnh người đàn ông đang làm rượu nho tại nhà, do một người bạn gửi tặng. Chưa có các bức tranh về cây đa, bến nước, sân đình, em ạ.


 


@ MM:


Bây giờ ở khắp nơi người ta nuôi nhiều bò vì nó mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn. Chương trình Lục lạc vàng của Đài truyền hình TP HCM tặng bò, tặng bê cho các gia đình nghèo (chứ không tặng trâu, tặng nghé). Ở vùng Bảy Núi, An Giang hằng năm có tổ chức lễ hội thi đua bò kéo bừa trên một cái bãi ruộng nước, rất hay.


Ở Đồ Sơn và một số nơi khác có Lễ hội Chọi trâu. Anh thấy các cặp trâu đánh nhau ít thời gian quá, vừa đánh nhau một chút đã có con thua. Xem thế không thích. Một điều rất đáng buồn là người ta giết thịt tất cả trâu dự thi, cả trâu thắng và trâu thua.


Trên Tây Nguyên có lễ hội đâm trâu. Một con trâu được cột chặt vào một cái cột. Cả một đám đông dùng dao nhọn đâm nó đến chết.


Đây là những lễ hội, tập tục lâu đời nhưng anh thấy thương những chú trâu quá! Các chú trâu có tội tình chi? Có nên thay đổi một số chi tiết của lễ hội Chọi trâu như các chú trâu đều được tôn vinh và giữ lại để năm sau đấu tiếp. Còn ở lễ hội đâm trâu, hãy làm một con trâu giả để cho mọi người tha hồ đâm.


*


 Còn đây là ý kiến của Nữ Kiến trúc sư  Trần Thanh Vân:


   January 11, 2013 at 4:54 am


Người Trung Quốc gọi con trâu và con bò đều là NGƯU.
Con trâu mầu đen, hay ngâm mình dưới nước, gọi là THỦY NGƯU: Trâu nước.
Còn con bò mầu vàng thì gọi là HOÀNG NGƯU: Trâu vàng.
Hồi kháng chiến chín năm, gia đình tôi tản cư về quê mẹ tôi ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, mẹ tôi cũng mua một con HOÀNG NGƯU để chị em tôi có việc hòa nhập cùng chị em bạn trong xóm cho vui vẻ.
Cho nên, tôi cũng được coi là một trong lũ trẻ chăn trâu thời bấy giờ.


Đó là những ngày rất đẹp trong ký ức tuổi thơ của tôi.



Từ: Meomun
16/01/2013 07:31:05

@Cúc+Huyen: Trong Nam thì lại nhiều bò. Những lần đi xuống Đồng Nai, thấy cả đàn bò cả trăm con đi tràn ra quốc lộ, phải chờ chúng đi qua hẳn mới dám chạy xe qua. Mọi người có nhớ ngày xưa mình học có bài "đi vàng về xanh" không, kể về chuyện học sinh tranh thủ đi chăn bò rồi hái lá về ủ phân xanh ấy? 



Từ: HuyenBT
16/01/2013 01:22:09

@Cúc và anh Nghị ơi : Trước tiên chị phải xin lỗi em Cúc và con Bò nhà em, nhiều lần xin lỗi ấy. (Chị vừa đọc những tâm sự của Cúc trong com bài Lũ trẻ chăn trâu " của anh Nghị). Nhưng chị rất muốn được biết một điều: Thấy ai cũng nói rằng Trâu khôn và ngoan bao nhiêu thì Bò đần và dữ bấy nhiêu. Chị chưa bao giờ được đến gần một con trâu, con bò nào, nên cứ hay đi hỏi ngươi này người nọ. Trong văn học, nhất là tục ngữ, ca dao, dân ca...thấy nhắc nhiều đến trâu, mà ít nói đến bò. (Chị biết bò ở đồng bằng hiếm hơn trâu, và vì nó không gắn với văn minh lúa nước nên xa lạ một chút với văn hóa Kinh). Nhưng về bản chất, con trâu hiểu người hơn và tình cảm hơn, trung thành hơn, có phải thế không? Ví dụ, con bò nhảy qua mương, làm ướt cô chủ, chứ con trâu khi có cô chủ trên lưng, nó bơi qua ao, hồ rất khẽ, chỗ nào nước nông thì mới lội, hỗ nào nước sâu thì bơi...để cô chủ không bị ngợp trong nước. Anh Nghị và Cúc ơi, trả lời em được không?


@ Anh Nghị ơi, bức tranh của cháu anh bây giờ treo ở đâu ạ? Cháu vẽ bằng chất liệu gì thế ạ, qua ảnh chụp em nhìn không ra. Em cảm thấy là nhà anh Nghị chắc phải treo nhiều tranh đồng quê lắm. Thế nào cũng có cảnh cây đa, bến nước, sân đình. và em biết chắc chắn là cũng có cả những bức tranh về đồng quê Moldova, có những sườn đồi rải nắng, có những ruộng nho, có các cô thôn nữ đang thu hoạch nho, có cảnh ngôi nhà quê Moldova, cảnh người đàn ông đang làm rượu nho tại nhà...



Từ: CucNT
15/01/2013 14:57:48

Đang miên nam với cảm xúc chăn bò mùa lạnh thì được đọc thêm tình cảm thắm tiết của chú bé chăn trâu dành cho con vật của mình. Đọc bài của bác tổng đã thấy mê, đọc còm của mọi người nhật là thơ của chị Lý và còm của chị Huyền càng thấy say hơn nữa. Thì ra đâu phải lúc nào cũng "đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Không từng đi chăn trâu, bò như bác Tổng và em Cúc nhưng mọi người vẫn có những sự cảm thông, những tình cảm chân thật dành cho "bạn nhà nông".


Xin cảm ơn tất cả!



Từ: NghiPH
15/01/2013 11:15:41

Thưa anh chị em! Tôi sẽ nói với cháu Hoàn là bức tranh Chăn trâu được mọi người khen lắm. Chắc cháu sẽ rất vui.


Chị ThảoĐP viết về các con vật trong nhà đi nhé. Về cả thời gian sống ở các vùng quê nữa. Em và mọi người đợi đấy!



Từ: HanhLM
15/01/2013 09:45:21

Ơ chị Thảo ơi! Chị đi sơ tán ở Sài Sơn - Chùa Thầy vào năm nào đấy? Em sơ tán ở đây từ năm 1965-1967, rồi quay lại đây dạo tháng 4/1972 khi Mỹ ném bom B52 xuống Miền Bắc. Chúng em đi theo Trại trẻ của Công ty thực phẩm Hà Nội.Trại trẻ ở ngay trong chùa dưới chân Núi Thầy. Lớp học cũng ngay trong chùa Cả.


Mấy năm nay thỉnh thoảng tụi em lại trở lại Chùa Thầy thăm các bác chủ nhà (bà Quyền, bà Gan, bà Chỉ). Cách đây 1 tháng chị em em về thăm thầy Ất- thầy chủ nhiệm dạy văn của chị Châu em. Thầy vui và xúc động lắm.



Từ: ThaoDP
14/01/2013 17:20:36

Cảm ơn Nghị đã cho ta quay lại thời thơ ấu và những tình cảm gắn bó với với bè bạn, làng xóm, với chú trâu thân thiết.  


Mình đi sơ tán về Sài Sơn chuà Thày, cũng đi chăn trâu cho bác chủ, cũng mò cua, bắt ốc và chơi với trẻ con trong làng, bày ra đủ trò để chơi mà không bao giờ biết chán. 


Đúng là nếu có thì giờ thì mình cũng sẽ viết về những con vật nuôi trong nhà như chó, mèo - những con vật gắn bó và vô cùng tình nghĩa với con người.


Bức tranh của cháu Nghị vẽ đẹp thật đấy!


 


 



Từ: NghiPH
14/01/2013 12:24:41

Hoàn toàn đồng ý với bạn LiênTP: Những gì gắn bó từ thuở còn bé thơ là những gì đọng lại sâu lắng nhất, không thể phai mờ!



Từ: LienTP
12/01/2013 20:54:27

bài viết rất cảm động. Cảm ơn Tổng Nghị đã chia xẻ với bọn mình những tình cảm chân thành, tình yêu quê hương tha thiết. Thế mới biết những gì gắn bó từ thửa con bé thơ là những gì đọng lại sâu lắng nhất. Con trâu giống như con người vậy.



Từ: ThoaNP
11/01/2013 22:24:32

Bức tranh cháu Hoàn vẽ thu hút tôi quá nên không còn thời gian đọc kỹ bài của cậu nó nữa. Cháu phối màu rất đẹp, nhất là quầng sáng bên trên mà tôi không biết chắc là ánh mặt trời lúc chiều tà hay bình minh, chắc là hoàng hôn. Khóm tre bên dưới (phải) cũng rất sống động và đẹp. Cây và lá bên trái tuy hơi cách điệu nhưng có cảm giác như đang run rẩy trong gió.