|
|
NghiPH
Chiều thứ Sáu 26/8/2011, sau giờ làm việc, tôi gọi cho MoN: - Anh muốn gặp em chuyện trò, được không?- Nhất trí, anh đến thẳng quán café 28 Lý Thường Kiệt nhé! Tôi phóng xe đến. Do chưa đến chỗ này bao giờ nên tôi đang tìm cửa để vào thì thấy tiếng ai đấy trong quán vọng ra:- Cháu ra đưa cái bác đội mũ bảo hiểm mầu xanh vào đây giùm chú với! Đích thị là MoN rồi. - Sao vắng bóng trên web KGU lâu thế?- Em bị tai nạn suýt chết anh ơi! Rồi MoN kể tóm tắt tai nạn xảy ra với em. Nay tai qua nạn khỏi rồi. Em đã đi làm từ một tuần nay. Công việc tồn đọng lại nhiều quá. Bận ngập đầu gặp cổ, anh ơi!- MoN than thở.- Chúc mừng em đã tai qua nạn khỏi! Gần đây lại thấy em chăm lên mạng.- Toàn vào đêm khuya, thôi anh. Hai anh em ngồi chuyện trò về thời sinh viên, về các chị Luật 1, các bạn khoa Luật những năm sau này, về công việc hiện nay của hai anh em, về các con, về thú vui sưu tẩm và đọc sách. Một lúc sau, có hai đứa cùng làm với MoN ở Bộ Khoa học và Công nghệ đến tham gia. Hai đứa này trẻ hơn chúng tôi, ngồi một lúc chúng thấy ngứa ngáy:- Hai bác ơi! Đi uống bia đi! Ngồi quán này bí quá! Chúng tôi chuyển sang 11 Dã Tượng- một quán bia cỏ, vỉa hè, uống bia với đậu phụ chấm mắm tôm- một kiểu uống bia rất thịnh hành của bọn tôi hồi những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Bia vào lời ra. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Nhìn sang phía Sở Công an- nói chuyện công an. Nhìn về phía trụ sở Tòa án, nói chuyện tòa án. Nhìn sang Bộ Giao thông- Vận tải nói chuyện bác Đinh La Thăng- Bộ trưởng mới của bộ này. Trông vào ngõ nơi có mấy bác nhà văn đã từng ở, chúng tôi nói chuyện về Lặng lẽ Sa Pa. Một lúc mới ngớ ra. Hai lão già nói nhiều quá. - Bây giờ đến bọn em kể chuyện gì đi. MoN yêu cầu. Chúng bèn tâng bốc hai ông anh:- Các bác cứ nói để bọn em được học hỏi các bậc đàn anh! Bọn này khôn thật. Tôi nói với MoN:- Mình ngồi đây là gần nhà của Người chuyên còm bằng thơ và nhà của Suối tóc 82!- Anh nói Quê Hương có mái tóc rất dài ấy à.- Ôi, MoN ơi, với Quê Hương sao chú mày chỉ gọi là mái tóc, phải gọi là suối tóc.- Ông anh tôi còn lãng đãng lắm. Thế mà trên mạng anh viết em là tay viết lãng đãng nhất KGU! Anh gọi cho LýTM xem chị ấy có nhà không? Tôi gọi cho LyTM:- Em về nhà chưa? Anh đang ngồi ở rất gần nhà em đây. Anh muốn rẽ thăm Hùng và em. Bọn anh có đến 4 tên. – Em vừa về (nàng này chăm chỉ thế). Anh Hùng về Hà Nam rồi. Chỉ có em và cháu Ngọc thôi.- Anh rẽ thăm em và cháu nhé. Thế có ổi Bo không?- Các anh vào chơi đi, em ra ngõ đón. Có ổi Bo đấy! Cả bọn bỏ xe ở quán bia, hành quân vào nhà Lý. Từ xa đã thấy một cô gái nhỏ nhắn xinh xinh ra đón. Chắc là con gái của Lý. Lại gần hóa ra chính là LyTM. MơN nấp sau gốc cây chưa chịu ra trình diện. Tôi nói:- Có một đứa nó vừa viết trên web là Tôi yêu Thái Bình muốn gặp chị Lý. - Mon hả anh. Nấp gì nữa. Vào ăn ổi Bo đi thôi. Cả lũ 4 tên ùa vào nhà Lý. Cháu Nguyễn Khánh Ngọc- con gái thứ hai của Lý- Hùng ra chào chúng tôi. Trên mặt bàn có ổi Bo, có chuối, có na. Cháu Ngọc đon đả mời chúng tôi ăn hoa quả. Tôi hỏi luôn: - Ở nhà cháu, bố và cả nhà có bảo là mẹ Lý hơi không bình thường không? - Ôi bác ơi, đâu còn là hơi không bình thường. Hơn mức ấy nhiều. Bị nặng lắm rồi- Cháu hóm hỉnh trả lời. - Thế có nghĩa là mẹ Lý hơi hâm hấp vì suốt ngày lên mạng, còm bằng thơ?- Tôi vẫn hỏi một cách nhẹ nhàng. - Bác ơi! Bố Hùng và các cháu đều nói là mẹ Lý bị hâm nặng rồi. Bác chưa biết à - Cháu vừa cười vừa nói. Ở nhà này có không khí dân chủ thật. Nếu ở nhà khác, khi khách hỏi như thế, chắc là các con phải dè dặt lắm mới dám trả lời: - Mẹ cháu bình thường mà. Có hấp gì đâu? Có ai nói về mẹ cháu như bác nói đâu. Đằng này, biết bác nói đùa nó cũng hòa theo một cách tự nhiên. Trước khi chúng tôi đến Lý đang ngồi còm. Tôi bảo Lý còm tiếp đi. Bạn đang trao đổi về chủ đề Nhà máy cháo với Nữ đại sứ Thanh Huyền. Còm xong, Lý nói:- Nhân có anh Nghị và các em đến chơi, mình đọc một số bài thơ cho các bạn nghe nhé. Lý đọc liền một lúc 4 bài thơ đã đăng trên mạng cho cả đoàn nghe. Các bài này đều liên quan đi cỏ may. Em Nam trong nhóm khen:- Các anh các chị tươi trẻ thế! Bọn em nể phục! Nể phục! Ngồi chơi ở nhà Lý một lúc, tôi bảo MoN gọi xem Quê Hương có nhà không để sang thăm. May quá, Quê Hương và cháu thứ hai có nhà. Chúng tôi sang nhà Quê Hương. Tôi và Lý đã gặp Quê Hương rồi. MoN hôm nay mới gặp. Chuyện trò nở như ngô rang. Q. Hương khoe:- Em đi suốt ngày, gặp gỡ đủ mọi loại lớp, ăn cũng rất nhiều. Có hôm mệt quá! Thằng lớn đi chơi với bạn. Còn thằng bé có vẻ oải lắm rồi. Mai thứ bảy còn 2 cuộc gặp nữa, chắc nói cô Ái Cần đến dẫn nó đi chơi, không bắt theo mẹ nữa. Chúng tôi đang ở trong căn phòng của nhà văn Nguyễn Thành Long- tác giả của Lặng lẽ Sa Pa. Lại kể về thời ở Kisinhop, về bóng đá, bóng chuyền, về hội diễn mùa xuân, về các lần đi pokhod, về Nam Mai, Ý Thanh, chị Định, cô bạn gái người Lào Bun Phon, về bao người khác... Kể về cái sự ngây thơ ngày xưa. Học đến năm thứ tư đại học rồi, bạn trai mới chỉ ôm nhẹ một tí vội chạy đi hỏi các chị lớn tuổi hơn đã từng ở trong quân đội: Trong trường hợp như vậy thì em có bị... làm sao không. Rồi chuyển sang chuyện giáo dục, đào tạo và chuyện làm dự án. Q. Hương thú nhận các giáo sư ở Mỹ đều ngại làm dự án. Rồi cái sự cứ “nước đến chân mới nhẩy” nữa. Q Hương tâm sự:- Có việc đến thứ tư tới là phải hoàn thành, hôm nay chủ nhật, tự nhủ còn 3 ngày nữa, vội gì. Thứ hai, vẫn tâm niệm còn những 2 ngày. Thứ ba, ôi còn có mỗi 1 ngày, thế là lao vào làm, thức trắng đêm để làm. Tôi khẽ la lên:- Sao giống anh thế! Minh Lý tham gia:- Còn em, có việc là em làm ngay, làm xong mới thôi. Dân khoa học gì mà cứ đủng đà đủng đỉnh thế?- Thế em mới làm lãnh đạo được, Lý ơi! Định chỉ thăm mẹ con Q. Hương một chút rồi về để cho các vị ấy còn nghỉ. Thế mà mãi gần 11h chúng tôi mới dứt ra được. Chúng tôi chia tay nhau, chúc mẹ con Q. Hương lên đường về Mỹ bình an! Gửi lời hỏi thăm Q. Anh Lác. Q Hương nhờ MoN tư vấn mua một số sách văn học Việt Nam để đem sang Mỹ đọc. MơN đã tư vấn chọn bộ tiểu thuyết về làng quê Việt Nam của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, trong đó có Đội gạo lên chùa vừa mới ra đời. Tôi lấy xe máy phóng về nhà. MoN đi taxi. Về tới nhà, tôi nhắn luôn cho MoN:- Em đã về tới nhà chưa.- Em cũng vừa vào nhà- MoN trả lời tắp lự. Tôi có phần lo cho em vì dù sao MoN vừa mới ra viện, vẫn đang phải uống thuốc.
Sáng nay, 27/8 tôi được đón hai bạn KGU đến chơi. Đó là anh ThôngNV, Luật 1981 và Anh SơnTM, Hóa 76. Anh Thông đến trước. Hai anh em tôi chuyện trò khá lâu về giới luật, về công việc của hai người, không quên nói về hoa lan. Sau đó anh Sơn đến. Một lúc sau các ông cựu sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, các chiến hữu của bố vợ tôi đến chơi. Có ông Phương, GS Long và ông Đặng Văn Việt. Anh Sơn rất vui vì được tiếp xúc với các lão thành cách mạng đều đã trên 90 tuổi, thế mà vẫn đi xe máy được đến nhà tôi. Trong số đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với ông Đặng Văn Việt người trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 174 lập lên chiến thắng lẫy lừng trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Các tướng Pháp bại trận trước ông đã gọi ông là Hùm Xám đường 4. Hùm Xám đang ngồi hiền lành trước chúng tôi đây. Ông Việt đau đáu về việc có đến trên hai nghìn chiến sĩ của ta hy sinh tại Đồi A1 thuộc Trung đoàn 174 của ông. Lúc đó người ta lại cử ông đi học ở Trung Quốc, không được cầm quân nữa. Người thay ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn này là một người quả cảm nhưng có ít kinh nghiệm trận mạc hơn ông. Vị này cũng đã mất rồi. Ông trăn trở: Giá như, giá như tôi được cầm quân... Chiến sĩ ta hy sinh nhiều quá... Ông lặng người đi... Các cựu chiến binh ở vào tuổi 90- 92 đến bàn với ba tôi về việc đẩy mạnh việc phát hành quyển sách của ông Kostar Nguyễn văn Lập để có tiền ủng hộ nạn nhân chất da cam. Hai anh Sơn và Thông hôm nay đến còn có mục đích mua sách ủng hộ việc làm đầy nghĩa tình của ông Lập và các cựu chiến binh- bạn chiến đấu của ông Lập. (Hôm qua Lý đã lấy 10 cuốn, MoN lấy 3 cuốn. NgocBQ đã đăng ký mua 100 cuốn, HuyềnBT 20 cuốn, chị ThanhLK 3 cuốn, anh HiệnĐN 100 cuốn. Nhiều anh chị em khác cũng đã đăng ký mua ủng hộ). Tôi đã báo cáo với các ông đầy đủ việc một số anh chị em Hội KGU hỗ trợ kinh phí để in sách và bây giờ lại mua sách ủng hộ. Các ông gửi lời cám ơn anh chị em Hội ta về sự hỗ trợ, ủng hộ quý báu, đầy tình nghĩa này. Việc thứ hai, các ông bàn và phân công nhau dịch sách của ông Kostar Nguyễn Văn Lập sang tiếng Anh và tiếng Pháp để xuất bản và phát hành rộng rãi ở nước ngoài theo ý kiến của Bộ Ngoại giao. Bộ cho chủ trương như thế. Đợi Bộ có thể lâu lắm, các ông nhận lấy việc dịch luôn. Cuộc họp đã phân công cựu chiến binh, GS Long dịch sang tiếng Anh. Hùm Xám đường 4 Đặng Văn Việt dịch sang tiếng Pháp. Cố gắng dịch xong trước tết Âm lịch. Việc thứ ba, chăm chú lắng nghe sự góp ý của bạn đọc để chỉnh sửa cuốn sách vừa ra mắt để có thể tái bản vào năm sau. Đây là những công việc không ai giao. Các ông say sưa làm làm vì tình bạn chiến đấu, vì nạn nhân chất da cam. Chúng tôi rất kính phục các ông!
|