NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Tản mạn về hoạt động Đoàn ở Kisinhốp
Ngày đăng: 10/09/2011 23:41:45

         Tôi vốn là người không có tính tiền phong, gương mẫu, không hăng hái, học hành bình thường thế mà có đến hai năm học được các bạn đoàn viên bầu vào Ban chấp hành Đoàn trường. Đó là năm học 1978-1979 và năm học 1979-1980. Năm đầu tôi được phân công phụ trách mảng báo tường và thể thao. Năm sau tôi được phân công phụ trách mảng học tập. Việc tôi được bầu vào BCH đoàn trường là điều bất ngờ đối với tôi và đối với nhiều người. Thường thì anh chị em được bầu vào BCH Đoàn trường  phải có kết quả học tập  từ khá trở lên (có thế, tiếng nói mới có sức thuyết phục) và đã tham gia BCH chi đoàn của từng lớp, từng khối như các chi đoàn của các lớp của khối Hóa, khối Luật, khối Sinh vật, khối Toán-Lý. Trước khi được bầu vào BCH đoàn trường, từ hồi sang Liên Xô, tôi chưa từng tham gia BCH chi đoàn lần nào.

             So với những thủ lĩnh đoàn ở Kisinhốp như anh Thịnh, anh HảiNV, anh Đình, anh Lương Văn Tròn, anh Trần Tiến Dũng (Mao) và các bí thư đoàn trường kỳ cựu khác tôi chỉ là “tép riu”. Tuy nhiên, trong lúc các thủ lĩnh Đoàn chưa lên tiếng, thì “tép riu” tôi xin “tranh thủ” viết ít dòng về hoạt động Đoàn ở Kisinnhốp.   

           Xin chị em, anh em chỉnh lý, bổ sung giùm.

1. Tại sao tôi được bầu vào Ban chấp hành Đoàn trường?

            Vào đầu năm học mới, đối với sinh viên Việt Nam có hai cuộc họp quan trọng đều diễn ra ở Дом Kультуры. Cuộc họp thứ nhất là của Hội đồng đồng hương Việt Nam- Вьетнамское землячествo hoặc theo Đại sứ quán và anh chị em ta là Đơn vị (Đơn vị lưu học sinh Việt Nam tại KGU). Cuộc thứ hai chính là Đại hội Đoàn trường Tổng hợp Kisinhốp. Trước Đại hội đoàn trường là đại hội của các chi đoàn theo lớp, theo khối.

            Tại Đại hội Đoàn trường vào đầu năm học 1978-1979, sau khi nghe báo cáo của Ban chấp hành đoàn trường về tổng kết công tác nhiệm kỳ trước và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ mới, các đoàn viên thanh niên sôi nổi thảo luận về các chủ đề như: tình hình học tập; tình hình sinh hoạt đoàn của các chi đoàn; hoạt động hữu nghị, đối ngoại; công tác văn nghệ- thể thao- báo tường…

            Lúc đầu có ý kiến trao đổi về chuyện quần loe, tóc dài. Sau đó có nhiều ý kiến phê phán một số đoàn viên có kỷ luật học tập kém như đi học muộn, bỏ học, ngủ trong lớp học. Một số người tỏ ra không hài lòng với kết quả học tập thấp của một số đoàn viên, nhất là những đoàn viên đã kinh qua thời gian ở bộ đội, thanh niên xung phong với lý lẽ:- Tôi thấy thật xấu hổ cho kết quả thi của một số đồng chí. Toàn điểm 3. Mà điểm ba các đồng chí biết là gì không? Là các thầy cô không lỡ cho các đồng chí điểm hai để khỏi phải thi lại. Các đồng chí là những người đáng lẽ phải làm gương cho chúng tôi nhưng do không có quyết tâm, không cố gắng nên kết quả học tập mới thấp như thế!  

            Sau khi chăm chú nghe các ý kiến đó, tôi giơ tay xin phát biểu:-"Việc đi học muộn, bỏ học cũng có nhiều lí do lắm. Có thể do ốm đau. Có thể do lỡ chuyến xe. Vả lại có những môn có đến nghe cũng chẳng hiểu gì thì có lẽ cũng không cần đến lớp. Tôi thấy việc bỏ học, đi học muộn phải xem xét cụ thể từng trường hợp không nên quy kết, chụp mũ luôn là ý thức, kỷ luật học tập thấp kém. Quan trọng là kết quả học tập có tốt không!

            Còn việc một số đồng chí có kết quả học tập thấp, theo tôi, là bình thường. Khi mà trình độ tiếng Nga còn hạn chế thì không thể có kết quả học tập cao được. Những đồng chí tiếng Nga kém học Luật như chúng tôi mà kết quả thi được điểm cao thì mới là không bình thường và đáng nghi ngờ. Không thể bắt một người chỉ có thể bê một tảng đá 20 ki lô phải bê một tảng đá 40 ki lô. Cứ bắt họ bê tảng đá đó họ sẽ bị sụn lưng mất thôi. Tôi thấy những đồng chí này đâu có lười học. Suốt ngày ở trong Góc đỏ, có dám đi dạo chơi, đi ra rạp xem phim, có dám dành thời gian xem tivi đâu. Có dám xem chương trình thời sự, chương trình bóng đá, хоккей gì đâu. Xin các đồng chí đừng kiểm điểm, đừng gây áp lực đối với người ta".

            Đây là lần đầu tiên tôi nói ở Đại hội đoàn trường. Lúc đầu hơi run, sau đó, càng nói càng hăng, càng thiết tha…

            Sau đó đến mục bầu BCH Đoàn trường khóa mới.Tại đại hội các chi đoàn đã có đề cử. Trước đó, chi bộ đã họp dự kiến người làm bí thư đoàn trường. Còn tại đại hội, Đoàn chủ tịch hỏi: Có ai tự ứng cử không? Không có ai. - Có ai giới thiệu, đề cử đồng chí nào vào danh sách bầu BCH Đoàn trường khóa mới nữa không? Anh Nguyễn Huy Ngát cùng lớp, cùng chi đoàn với tôi đứng dậy nói: - Tôi xin giới thiệu đồng chí Phạm Hữu Nghị. Thế là tôi được đưa vào danh sách. Khi kết quả bầu cử được công bố, tôi rất ngỡ ngàng:- Cái thằng tôi mà cũng trở thành cán bộ Đoàn ư?

2. Muôn mặt hoạt động đoàn

          2.1. Những hoạt động, có lẽ, các đoàn viên không thích lắm

             Các chi đoàn ít nhất tháng họp một lần. BCH đoàn trường cũng thế, tháng họp một lần. Có dạo Đoàn trường có lập ra Đội Cờ đỏ để theo dõi việc đi học của các đoàn viên. Cuối năm học, có cuộc họp bình bầu đoàn viên bốn tốt. Trên cơ sở ý kiến của chi đoàn trong buổi họp cuối năm, Bí thư chi đoàn ghi nhận xét vào lý lịch đoàn viên, sau đó có chữ ký và dấu xác nhận của BCH Đoàn trường. Tôi xem lại quyển Lý lịch đoàn viên thì thấy trong hai năm học 1978-1979, 1979-1980 người viết nhận xét về tôi là  đồng chí Nguyễn Hữu Hùng và  đồng chí Đỗ Ý Thanh, còn người xác nhận và đóng dấu là Ủy viên Thường vụ  Đoàn trường Lương Chi Mai.

           Tại các cuộc họp chi đoàn, BCH chi đoàn thường nhắc nhở về vấn đề kỷ luật học tập, về chuyện quần loe, tóc dài. Những đồng chí đi học muộn hay bỏ tiết học bị đưa ra kiểm điểm. Sau mỗi kỳ thi những đồng chí có kết quả thi kém: điểm thấp, nợ thi, phải thi lại được các đồng chí trong chi đoàn phân tích, mổ xẻ. Những người bị kiểm điểm trình bày lý do đi học muộn, lý do bỏ tiết học, lý do bị điểm kém…Sau đó sẽ ngồi nghe sự góp ý chân thành của các đoàn viên trong chi đoàn.

            Về quần loe, tóc dài có đồng chí đặt câu hỏi:- Các đồng chí mặc quần loe, để tóc dài thì đẹp ở chỗ nào nhỉ? Tôi chỉ thấy các đồng chí trông cứ như người ôm ốm thế nào ấy!  

         2.2. Những hoạt động mà các đoàn viên thấy lý thú và vui vẻ tham gia

            Những hoạt động do Đoàn trường đứng ra tổ chức mà đoàn viên cảm thấy lý thú, vui vẻ, bổ ích là văn nghệ và thể thao.

            Hằng năm vào dịp 8/3 BCH Đoàn trường phối hợp với Ban đại diện của Đơn vị tổ chức Hội diễn Mùa Xuân. Có thể nói, Hội diễn Mùa Xuân của sinh viên Việt Nam ở KGU đã thành truyền thống, nét đặc sắc, nét đẹp, thành “thương hiệu” của xứ Kisinhốp. Nói đến Hội diễn Mùa Xuân vào tháng Ba hàng năm chính là nói tới Kisinhốp, nói đến KGU.  Một số bạn Việt Nam ở các thành phố cũng tranh thủ đến Moldavia thưởng thức Hội diễn Mùa Xuân.

            Một Ban tổ chức Hội diễn được thành lập để lo các khâu chuẩn bị. Có rất nhiều công việc phải lo: Các khoa đăng ký tiết mục; đăng ký hội trường với Ban quản lý Дом Kультуры để xếp lịch, để lo trang trí, hệ thống đèn; làm biểu tượng của Hội diễn; viết lời giới thiệu Hội diễn, lời dẫn cho các tiết mục; cử người dẫn chương trình; người lo phông màn…Đây là cuộc hội diễn được sự hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình của tất cả sinh viên Việt Nam học ở KGU. Người chưa bao giờ hát vẫn lên tham gia hát tốp ca, đồng ca, người chưa đóng kịch bao giờ nay đóng thấy rất có duyên. Trong đơn vị luôn có những nhạc công khá điêu luyện. Lớp đàn anh về nước thì có lớp đàn em nối tiếp. Các khối, các lớp, các chi đoàn tranh thủ tập luyện các tiết mục sau giờ học rất hăng. Có lớp, có khoa còn tập bí mật để khi biểu diễn sẽ gây ra sự bất ngờ… Các bạn không tham gia tiết mục nào cả thì lo khâu hậu cần, lo chăm sóc, động viên người tập.

            Tối ngày 7/3 Дом Kультуры chật ních người. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi.  Ngoài sinh viên Việt Nam, các thầy cô dậy môn tiếng Nga thường được mời đến dự. Có cả một số sinh viên Nga, Moldavia và một số bạn sinh viên các nước khác cũng đến xem. Các tiết mục biểu diễn được chấm điểm theo từng thể loại: tốp ca, múa, kịch, ngâm thơ, thổi sáo, ban nhạc…

            Một số tiết mục xuất sắc tại Hội diễn Mùa Xuân sẽ được chọn để biểu diễn vào tối tổ chức  kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3. Chính hôm ấy BCH Đoàn trường và Ban đại diện của Đơn vị sẽ long trọng công bố và phát các phần thưởng về các hoạt động học tập, văn nghệ, thể thao, báo tường, đối ngoại cho những người, những tập thể đạt nhiều thành tích trong các hoạt động nói trên. Tôi nhớ có lần khi đến mục phát phần thưởng cho những người có thành tích về thể thao, báo tường, lúc tôi chuyển phần thưởng là cái bánh ga tô cho Đơn vị trưởng Nguyễn Văn Hiện- người lên trao phần thưởng thì xảy ra tình huống: Anh Hiện vừa giơ tay đón, bánh ga tô chưa chạm tay anh Hiện, tôi đã buông tay, chiếc bánh rơi xuống sàn nhà, nát bét ra trong tiếng vỗ tay vang dội của anh chị em ta.    

            Về hoạt động thể thao, ngoài việc các buổi chiều rất đông anh chị em ta ra bãi sân trạt xi măng và sân đất trong khu vực ký túc xá chơi bóng đá, bóng chuyền, còn vào mùa đông ra Комсомольское Озеро trượt băng thì còn có việc tổ chức các giải thi đấu giữa các khoa trong Hội sinh viên Việt Nam và giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên các nước. Thời chúng tôi, các giải được tổ chức chỉ liên quan đến bóng đá, bóng chuyền. Có thể, đã có thời gian, Đoàn và Đơn vị đã tổ chức cả giải đánh cờ, giải cầu lông…

 

  

             Đội bóng của Hội Luật

           

Các giải bóng đá, bóng chuyền diễn ra rất sôi nổi, hào hứng, quyết liệt. Mọi người kéo ra cổ vũ rất đông. Tiếng hò hét vang trời. Lúc giải lao các tuyển thủ được chiêu đãi nước kвас rất thơm, ngon (Квас не только вкусный и дешевый напиток, прекрасно утоляющий жажду, но и основа для многих вкуснейших блюд русской кухни).

            Cuối năm 1978 tôi có tham gia tổ chức Giải bóng đá  hữu nghị giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên các nước học tại KGU. Đây là một giải đấu rất hấp dẫn với kết quả Đội Việt Nam vô địch trong niềm vui sướng vô bờ của sinh viên Việt Nam vì đội tuyển của chúng ta đã thắng đội Lào, đội CHDC Đức,  cả đội Châu Phi to khỏe, lẫn đội Nam Mỹ vừa khỏe người, vừa đá rất dẻo, rất khéo. Trong  Hồi ức Những năm tháng sinh viên (Phần 3), NgọcBQ có viết về giải này như sau: Nhưng ấn tượng còn lưu mãi cho tôi đến bây giờ là giải vô địch giữa sinh viên các nước cuối năm 1978. Khi đó tôi đã là năm thứ 5. Giải đấy có Việt Nam, Lào, Đông Đức, châu Phi và Nam Mỹ. Đội Việt Nam gồm thủ môn là Toàn (Lý 1980), hậu vệ Long (Luật 1980), hậu vệ nữa thường là Thành (Lý 1980) nhưng vị trí này không ổn định so với các vị trí khác. Đá giữa là Diện (Lý 1982), còn tiền đạo là cặp Thái Sơn và tôi (đều Toán 1979), vốn cùng đội Toán nên chúng tôi khá ăn ý trên hàng công. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, chúng tôi đá theo đội hình 2-1-2”.

Bên hoạt động văn nghệ, thể thao, anh chị em đoàn viên còn hăng hái tham gia  hoạt động báo tường. Đoàn trường có Ban báo trường do một Ủy viên BCH phụ trách mảng báo tường, thể thao làm trưởng ban. Trong ban có đại diện của các khoa. Tôi còn nhớ một số bạn trong Ban báo tường như Cẩm, Hạnh, Lành… Mỗi một ký túc xá đều có một tờ báo tường thường được treo ở chỗ chiếu nghỉ giữa tầng 1 và tầng 2. Tờ báo tường có đăng các bài văn, bài thơ, truyện vui, tin tức về việc học tập, về các hoạt động văn nghệ, thể thao, hoạt động hữu nghị, đối ngoại, về tình yêu, về cuộc sống. Chủ đề quần loe, tóc dài cũng được đưa lên thảo luận, trong đó có bài “Từ chuyện ‘âu hóa” đến chuyện quần loe, tóc dài”. Khi có giải bóng đá, bóng chuyền thì có bài tường thuật ngay về từng trận đấu. Đối với những người ít khi viết, ngại viết thì việc giao nhiệm vụ viết báo tường lại là “gánh nặng”. Từ đó mới có chuyện nhờ nhau:- Mày viết giỏi, viết nhanh quá! Tao nghĩ mãi không ra. Mày viết luôn cho tao một bài đi! Phẩy tay một cái là xong ấy mà!

Tháng 6/1979 khi được cử tham dự Hội nghị công tác đoàn toàn Liên Xô tại Thủ đô Moskva, tôi có đem tờ báo tường có các bài viết rất hay của anh Phư, anh Phú, anh Trương Xuân Thanh, anh Nguyễn Văn Thông, chi Đỗ Thu Thủy, chị  Huỳnh Thị Cẩm và của nhiều chị em khác đi dự thi. Kết quả là tờ báo tường của Đoàn trường KGU và được giải ba.

             Đoàn trường Kisinhốp tham gia tích cực vào hoạt động ủng hộ đồng bào trong nước, nhất là đồng bào ở những nơi bị bão lụt. Tất cả mọi người đều hăng hái đóng góp, kể cả những người đã tiêu hết tiền, không còn tiền ăn, mặt đang méo đi. Không có thì đi vay để đóng góp. Mặt khác, từ ngày ấy, có người đã đặt vấn đề:- Tôi sẵn sàng ủng hộ hơn mức mà đoàn trường gợi ý. Nhưng tôi chỉ băn khoăn là khoản đóng góp của chúng ta và của nhiều người khác có đến tay được đồng bào trong nước không hay chúng vẫn không thể thoát ra khỏi biên giới Liên Xô. Có cách gì để chúng ta biết tiền đóng góp đến được tay người cần được hỗ trợ hay không?     

            Một  hoạt động nữa mà các đoàn viên chúng ta tham gia rất sôi nổi- đó là hoạt động hữu nghị, đối ngoại. Khi chúng tôi học tại KGU có đến trên 30 nước cử sinh viên đến học. Trường có Câu lạc bộ Hữu nghị. Hàng năm Ngày sinh viên quốc tế được tổ chức rất trọng thể, vui nhộn, chúng ta đều có người tham gia.

 

      

     Tham gia Ngày sinh viên quốc tế

             

 Nhân dịp Lễ Quốc khánh của các nước, Đoàn và Đơn vị đều cử người tham dự và có phát biểu chào mừng. Tôi thường được cử dự lễ mừng Quốc khánh của các bạn Lào, Môdămbic, Ăngôla. Do các bạn Lào dạo đó được cử đi học Luật nhưng còn nhiều bỡ ngỡ nên Đoàn trường đưa ra chủ trương sinh viên Việt Nam hỗ trợ sinh viên Lào học tập. Tôi được phân công giúp đỡ bạn Bun Phon- một cô gái Lào nhỏ nhắn, xinh xinh. Chúng tôi thường học với nhau ở phòng ăn. Bun Phon biết tiếng Việt nên việc cùng nhau học rất thuận lợi và có hiệu quả. Việc tôi hay được phân công tham gia các hoạt động hữu nghị với các bạn Lào là vì tôi đã có thời gian chiến đấu ở Lào. Hồi đó tôi còn nói được vài câu bằng tiếng Lào, chẳng hạn, có thể  đọc bài thơ nổi tiếng sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Lào: 

Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Việt- Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long

Cùng học với các bạn Lào (bạn Bun Phon)

            Tháng 2 năm 1979 Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.. Đoàn trường đã tổ chức mít tinh phản đối Trung Quốc và nói lên quyết tâm kề vai, sát cánh của sinh viên Việt Nam ở Kisinhốp cùng đồng bào, chiến sĩ, sự sẵn sàng trở về Tổ quốc cùng đồng bào chiến đấu chống quân xâm lược. Tiếp đó, Đoàn trường và Đơn vị đã cử nhiều người đi dự các cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam do các cơ quan, trường học của Moldavia tổ chức. Tôi được cử dự mít tinh tại Trường Đại học Bách khoa và Đại học Nông nghiệp. Tại các cuộc mít tinh này các bạn đã thể hiện sự căm phẫn đối với nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đó và cam kết ủng hộ Việt Nam. Tôi rất xúc động phát biểu cảm ơn các bạn về sự ủng hộ quý báu và thể hiện niềm tin sắt đá vào chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt  Nam.

            Ba mươi hai năm đã qua, những kỷ niệm đó vẫn còn in rất đậm trong tâm trí tôi.        

 

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 11 - 16 của tổng số 16 Comments


<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |

Từ: GiangHV
12/09/2011 14:38:41

Liên ơi! Trong các giải thi đấu nội bộ của sinh viên Việt Nam mình thì 2 anh Hải chưa bao giờ chơi chung trong một đội đâu (kể cả cả bóng chuyền và bóng đá). Còn nếu là ở cấp độ đội tuyển (để thi đấu với các đội của Tây) thì có lẽ chỉ có anh Trương Nam Hải là có đủ tiêu chuẩn tham gia thôi (cả bóng chuyền và bóng đá). Về bóng chuyền, OB 76 luôn liên quân với OB77, gồm các anh: Mạnh, Nông Hải, Tuấn (OB76) và các anh: Cửu, Thịnh, Thìn và Giảng (OB77) Trong đó, anh Mạnh + anh Nông Hải (1 cặp), anh Cửu + anh Thịnh (1 cặp), 3 người còn lại (anh Tuấn, Thìn và Giảng) thay nhau chơi ở 2 vị trí không cốt yếu. Còn về bóng đá, OB78 (rất mạnh, gồm các anh: Thịnh, Nam Hải, Quốc Bình, Hòa và Cảnh) lại liên quân với OB77 (có mỗi anh Thịnh). Đội hình của đội là: Anh Cảnh-thủ môn, anh Bình và anh Hòa-hậu vệ, anh Hải- tiền vệ, còn hai anh Thịnh (1 Thịnh OB77 và 1 Thịnh OB78) đá tiền đạo. Đã có năm đội bóng này của khoa OB ta thắng đội VL76 gồm toàn các cầu thủ rất xuất sắc, đã làm cho các anh VL 76 (thường năm nào cũng vô địch) cay cú cho đến tận bây giờ. Không ngoa đâu Liên ạ, vì tại Du xuân Đầm Long vừa rồi, khi gặp lại nhau (không phải trên sân bãi, mà là tại các bàn ăn kê liền nhau) họ đã cùng nhau nhớ lại trận bóng đá đó với vẻ mặt đầy tự hào (của người thắng cuộc ) và rất ấm ức (của người thua cuộc). Thật quá vui.



Từ: LienTP
12/09/2011 09:59:12

Nghị khiêm tốn thế thôi chứ các cán bộ Đoàn ở KGU đều là những người tiên phong, rất năng nổ nhiệt tình. Lớp mình có Thảo đấy. Thảo bẩy cả một lũ ù lì như bọn mình tham gia vào các hoạt động Đoàn như văn nghệ, còn thể thao thì chỉ còn mình Thảo tiên phong, thỉnh thoảng rủ được Bích Hà tham gia bóng chuyền. Đội bóng chuyền nam khoa Sinh thường là mạnh. Mình nhớ là cặp đôi hai anh Hải Nông – Mạnh, anh nâng anh đập ghi bàn ra phết. Mình đưa lên đây ảnh đội bóng chuyền nữ liên quân, thật sự không nhớ năm nào nữa. Có mặt đại diện của Sinh, Luật, Toán,  Lý và hình như có một em Kinh tế thì phải?


 





Từ: HanhLM
11/09/2011 22:16:19

Anh Giảng siêu thật đấy! Nhớ từng ngày có biểu diễn văn nghệ. Em thì cũng nhớ như in là Hội diễn Mùa Xuân hàng năm là tổ chức vào tối ngày 07/3, sau đó chọn ra những tiết mục tiêu biểu để biểu diễn lại trong Lễ Kỷ niệm 26/3 (những tiết mục được giải cao trong Hội diễn, có tính đến yếu tố các khoa đều có, thể loại nào cũng có).


Em còn nhớ là có lần Hội mình được lên biểu diễn trên truyền hình. Có bài hợp xướng "Hành khúc thanh niên" (bài hát Nga) và điệu múa Nến của khoa Luật chúng em.



Từ: GiangHV
11/09/2011 16:58:58

Có thể tạm chia văn nghệ ở KGU thành 3 loại hình chính (được minh họa bằng album ảnh "Văn nghệ ở KGU" do NghiPH mới post):


- Hội diễn mùa xuân: được tổ chức vào tối 7 tháng 3 hàng năm (thời chúng tôi), mang tính quần chúng, hầu như tất cả SV Việt Nam tại KGU đều tham gia. Diễn viên đồng thời cũng là khán giả, mọi người thay nhau lên sận khấu biểu diễn, người nọ xem người kia, chi đoàn nọ xem chi đoàn kia. Hầu hết các ảnh trong album ảnh là ảnh của Hội diễn.


- Văn nghệ chào mừng:


   + Chào mừng ngày Quốc khánh 2-9: Thường chỉ là các ca sỹ có tên tuổi biểu diễn, như anh Uyển (OB73), chị Liên (CL74), anh Vinh (OB74), chị Cẩm Tú (OB75), chị Tỵ A (OB76), Thu Hồng (VL78),... Ngoài các tiết mục của sinh viên VN còn có sự tham gia của bạn bè Quốc tế.


   + Chào mừng ngày thành lập Đoàn 26-3: Là nội dung công diễn các tiết mục được chọn lọc từ Hội diễn trước đó 3 tuần. Ngoài ra còn có các tiết mục của sinh viên các nước bạn. Các ảnh 51, 52, 57 và 58 trong album ảnh là ảnh văn nghệ chào mừng ngày thành lập Đoàn.


   + Chào mừng ngày Bầu cử Quốc hội sau khi giải phóng miền Nam (duy nhất có một buổi vào tối 24 tháng 4 năm 1976): Là các tiết mục chung của cả Hội KGU. Các ảnh 49, 55 và 67 trong album ảnh là ảnh văn nghệ chào mừng ngày Bầu cử này.


- Văn nghệ đối ngoại: Biểu diễn trên truyền hình Moldavia, tại các cuộc mitting do Bạn tổ chức, trong các đợt Đi Hữu nghị tới các trường học, nhà máy, nông trang,... hay vào ngày Sinh viên quốc tế (thời chúng tôi chưa có ngày này). Các ảnh 24 và 32 trong album ảnh có lẽ là ảnh văn nghệ của ngày Quốc tế sinh viên.


     Có lẽ chỉ có Hội diễn là mọi người quan tâm đến việc chụp ảnh, nên trong album ảnh chỉ thấy hầu hết ảnh về Hội diễn. 




Từ: Meomun
11/09/2011 12:59:47

Anh Nghị ngày xưa khác nhỉ, bọn em không thể nhận ra nếu xem ảnh. Trong số những cán bộ Đoàn mà anh nhắc tới, bọn em biết anh Dũng Mao, tốt nghiệp năm 1984, một người rất chăm đọc các trước tác của các cụ Mac- Le nin và sẵn sàng phụ đạo cho các em.  



Từ: LyTM
11/09/2011 06:55:53

LyTM chưa bao giờ làm công tác Đoàn vì thế chả có chuyện gì để kể. Nhưng ông xã- Nguyễn Hữu Hùng thì làm Bí thư Thành Đoàn Kis hơi bị lâu thì phải! hình như những người làm công tác Đoàn đều được trời phú cho sự năng nổ, sự say mê công việc vác tù và hàng tổng. Tuy nhiên, LyTM đã rất may mắn được Đoàn trường chọn đi dự Hội nghị lần 4 năm 1979 giữa Đoàn TNVN với Đoàn thanh niên Liên Xô ở Alma-An ta cùng Ngọc Bình- Toán 1981. Chuyến đi ấy đã có rất nhiều dấu ấn sâu sắc về các thanh niên Anh hùng lực lượng vũ trang ở miền Nam sang, các Anh hùng lao động trẻ. được tham gia các hoạt động của các Đoàn trong nước và các Bang của bạn. Sau chuyến đi ấy, LyTM đã có nhiều thay đổi về vai trò Đoàn và sau này có rất nhiều bè bạn công tác bên TƯ Đoàn. Cám ơn Đoàn trường KGu nhiều lắm!




<< Đầu tiên  < Trước đó | Trang:  1 | 2 |