|
|
10 cô thanh niên xung phong hi sinh ở ngã ba Đồng Lộc duy nhất chỉ có tiểu đội trưởng Võ Thị Tần có người yêu... Đó là những gì xưa nay người ta thường viết còn chúng ta đọc và tin vậy. Cuốn sách: 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc của Nghiêm văn Tâm. NXB Phụ nữ 2007. Cho ta rất nhiều thông tin về cuộc sống chiến đấu anh dũng, vất vả gian lao thường ngày và những nỗi niềm thầm kín của các chị. Trong số các chị, hoàn cảnh của chị A phó Hồ Thị Cúc đặc biệt hơn cả...
Xin trích vài dòng từ sách trên nói về chị Cúc: ... Cuộc đời Tần đơn giản, hạnh phúc hơn Cúc nhiều. Bố mẹ Tần rất cưng con gái lớn. Bác Cung - cha Tần - bao giờ cũng coi Tần như còn nhỏ. Mẹ Tần càng yêu con gái hơn ai hết. Mẹ không muốn con đi lấy chồng xa. Mẹ đã nhận lời gả Tần cho một anh trai làng mà Tần yêu. Anh đã đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam. Còn Tần ngay sau đó đi Thanh niên xung phong. Tần hay cởi mở tâm sự với chị em, tính nết thẳng thắn, vô tư, yêu đời nên bạn bè đều quý... Còn về phần Cúc, cùng tuổi với Tần, sao cuộc đời nhiều đắng cay chua xót thế? Cúc cất tiếng khóc chào đời ngày mồng sáu tháng chín âm lịch năm một nghìn chín trăm bốn mươi tư trên mảnh đất Nương Bao, xã Sơn Bằng, bên sông Ngàn Phố, Hương Sơn. Mới được tám tháng tuổi, nạn đói khủng khiếp năm một nghìn chín trăm bốn mươi lăm đã cướp mất bà nội Cúc, cha Cúc và nhiều người khác trong làng. Bao nhiêu người chết đói vào lúc chỉ còn mười lăm ngày nữa là gặt được lúa chiêm. Ông nội Cúc đưa hai mẹ con Cúc về nhà nuôi, rau cháo lần hồi đợi ngày lúa chín... Đến năm Cúc lên ba tuổi, mẹ đi bước nữa. Từ đấy, Cúc sống trong sự đùm bọc của ông nội và o Loan. Chẳng được bao lâu, đến tháng chạp năm sau ông nội Cúc qua đời. Một mình o Loan nuôi cháu, cho đến năm sau chú Hồ Văn Dũng đi bộ đội về cưới vợ. Từ đấy, Cúc ở với chú, mợ và o. Bà Trinh - mẹ Cúc - lấy chồng ở Sơn Bằng có thêm bốn người con, thỉnh thoảng vẫn về thăm nhưng chẳng có gì để gửi nuôi Cúc. Thời gian này Cúc còi cọc, mặt choắt lại, đôi mắt luôn luôn nhìn xuống, lâu dần, thành thói quen. Tóc Cúc vàng hoe, cộc cỡn như một túm lông đuôi bò. Quanh năm cô chỉ có chiếc quần lửng với tấm áo vá. Cúc đi chăn bò, cắt cỏ, bế em, kiếm củi và làm bao nhiêu việc không tên khác ở trong nhà. Cúc làm chậm, nhưng cần cù, cẩn thận và thật thà, nên thường được gọi là "Cúc mục". Hồi Cúc lên tám, một hôm, đun nồi cám lợn xong, Cúc lúi húi quét dọn bếp. Mợ vào bưng nồi ra, chẳng may trượt chân đánh đổ cả nồi cám vừa sôi lên lưng cô. Cúc bị bỏng nặng, suốt ngày nằm sấp trên chiếc chõng con, lúc tỉnh, lúc mê... O Loan hồi ấy còn ở nhà, thương xót cháu, ba tháng liền chữa cho cháu bằng bài thuốc chữa bỏng dân gian. Cuối cùng, Cúc đã khỏi. Nhưng vết sẹo bỏng sần sùi rất lớn, suốt từ bả vai xuống đến thắt lưng Cúc, không bao giờ xóa được, chuyện này Cúc giấu mọi người kể cả Tần. Mỗi lần đi tắm Cúc chỉ đứng trông chừng máy bay cho các bạn. Cúc tắm riêng, về sau rốt. Ai cũng bảo Cúc lề mề. Cúc chỉ cười. Một nỗi buồn thoáng qua trên đôi mắt vẫn còn thói quen hay nhìn xuống của cô... Thật ra, Cúc không chạnh lòng, tủi thân vì không được đẹp bằng chị bằng em. Cúc đã tươi tắn hơn và phổng phao lên rất nhiều so với hồi còn là o "Cúc mục" tóc đuôi bò, áo vá vai, quần lửng, đi chân đất bên sông Ngàn Phố. Nhưng câu nói của Tần vô tình gợi cho Cúc nhớ đến chuyện lứa đôi bất hạnh của mình. Sông Ngàn Phố đối với nhiều người chỉ là một con sông nhỏ, nước trong xanh, chảy êm đềm bên đất Hương Sơn. Nhưng với Cúc, nó là một dòng sông kỷ niệm đau thương. Cách đây sáu năm, hồi Cúc mười tám tuổi, cậu mợ thấy Cúc côi cút, cần có nơi nương tựa suốt đời. Vì vậy, gia đình đã đồng ý gả cúc cho anh Cứ, một người có quan hệ họ hàng với bên mợ. Anh Cứ cũng mồ côi cha mẹ, ở một mình trên đất Sơn Tây. Hai người lấy nhau không cỗ bàn, lễ lạt gì, chỉ có một con đò dọc xuôi theo sông Ngàn Phố về đón Cúc ở Sơn Bằng lên. Về với anh Cứ, Cúc mới biết anh bị bệnh động kinh, thỉnh thoảng lại lên cơn ngất sùi bọt mép. Nhưng anh chăm làm, ít nói, thương vợ. Cùng cảnh mồ côi đơn chiếc, Cúc rất thương anh. Thấy anh tật bệnh, Cúc càng thương hơn. Cúc nghĩ: mình mà bỏ anh ấy thì anh ấy còn biết sống với ai? Thôi thì thương nhau, sống dựa vào nhau. Cúc đã mơ đến ngày có một vài đứa con, và mong chờ niềm hạnh phúc thiêng liêng được làm mẹ. nhưng điều đó không đến... Một hôm, anh Cứ đi chở vôi cho hợp tác xã. Thuyền về đến Hỏi Động thì bị chìm bất ngờ. Anh Cứ bị chết đuối. Xác anh trôi dạt mãi nơi nào trên sông Ngàn Phố, cũng không tìm thấy nữa. Được tin anh Cứ chết, Cúc như người mất hồn. Cúc hay đi thơ thẩn dọc theo bờ sông Ngàn Phố nở đầy hoa chạc chìu, nhìn đăm đăm xuống dòng nước trong xanh, mong tìm thấy anh. Gia đình Cúc lại lên Sơn Tây đón cô về. Tình nghĩa vợ chồng tuy mới mẻ, chưa tròn một năm, nhưng đối với Cúc là cả cuộc đời. Cúc gần như câm lặng suốt từ tháng tư năm 1963 - Sau ngày anh Cứ chết - mãi đến năm 1965 Cúc được lôi cuốn vào phong trào thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước sôi sục của địa phương. Cúc tình nguyện ra đi vừa để đóng góp sức mình, vừa để vui bạn bè, quên chuyện cũ. Hơn ba năm sống trong tập thể nam nữ thanh niên, Cúc đã trưởng thành và không còn là o Cúc ngày xưa ... Duy chỉ còn vết sẹo bỏng trên lưng và nỗi đau sâu thẳm trong lòng là không thể nào mất đi được. Cúc không muốn cho ai hay biết đoạn đời buồn tủi ấy của mình. Rồi đây, nếu có ai yêu Cúc, trước khi lấy nhau, Cúc sẽ nói hết sự thật với người đó. Cúc chỉ muốn nhắc lại chuyện này một lần trong đời mình thôi. Cúc cắn răng lại cố nén tiếng khóc, cố xua đuổi những kỷ niệm bi thảm vừa chồm dậy trong lòng mình. Nhưng không thể được. Cúc ôm chầm lấy Tần, gục đầu lên vai tần, nức nở. Tần ngạc nhiên trước thái độ lạ lùng của Cúc. Cô lặng yên vuốt tóc bạn. Gần nhau hơn ba năm, Tần đã hiểu cuộc đời Cúc trước đây rất khổ. Lý lịch Cúc, Tần nắm vững. Nhưng tâm hồn Cúc còn có điều u ẩn. Tần để ý thấy nhiều lần Cúc lảng tránh những câu chuyện về tình yêu một cách tế nhị. Tần chưa hiểu sao, nhưng không tiện hỏi. Gần đây Tần thấy như mình có lỗi, vì chưa san sẻ với Cúc nỗi buồn riêng của bạn... Trong lúc vô cùng xúc động khi đọc những dòng về chị Cúc, tôi đã khóc và xin được gửi gắm những dòng thơ mộc mạc của mình tới hương hồn chị. HƯƠNG SƠN, NGÀN PHỐ ĐỢI EM
Kính tặng hương hồn chị Hồ Thị Cúc
Ơi, Hương Sơn với con sông Ngàn Phố Nước có trong ? Trong như mắt em không ? Tuổi thơ nghèo nghiêng trên dòng sông nhỏ Cúc bé, Cúc thương - Bông Cúc tội tình.
Ấu thơ với em là rau, là cháo Côi cút sống trong thương đau hư ảo Tấm áo vá, như đời em từng vá Cả lúc xuống thuyền, rời bến sang sông... Cho bom nổ, đạn rơi, tuyến trước Bông Cúc ấy, ngày, đêm không dừng bước Em san đường, lấp những hố bom sâu Cúc ơi ! Xe các anh đã vượt qua cầu.
Chiều ấy, thương đau phủ đầy một dải Em không về, không trở lại san đường Em ngã xuống, vĩnh viễn rồi, ơi Cúc ! Bên hố bom, chồng tiếp những hố bom.
Nay em nằm lại nơi đất lạnh Hương Sơn mất rồi, bông Cúc thuở nào Có biết từ ngày em xa mãi Ngàn Phố thương em, sông ấy dâng trào. Cologne 24.07.2013 - Kỷ niệm ngày chị Hồ Thị Cúc với 9 đồng đội nữ hy sinh trên Ngã Ba Đồng Lộc.
|