HaiTB
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


Đang xem 1 - 9 của tổng số 60 Blogs.


Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>


KÍNH NHỚ BÀ
Ngày đăng 18/03/2018 06:03:31

Năm ngoái chúng tôi về Hà Nội, các em cũng bận mà chúng tôi cũng vội vàng, chỉ kịp ghé thăm Bà và em một thoáng. Tôi nắm bàn tay lạnh của Bà mà không chắc Bà còn nhận ra mình, nhớ được ngày nào mình đến thăm nhà, Bà còn tự vào bếp nấu ăn được. Bà được chăm sóc rất kỹ lưỡng nên mặc dù phải nằm liệt từ lâu mà da thịt vẫn lành lặn. Người già phải liệt giường thì sợ nhất là loét da và viêm phổi.

Vậy là Bà đã ra đi, và tôi nghĩ là một chuyến đi thanh thản, để lại đằng sau những đứa con, đứa cháu thành đạt, hạnh phúc. Chúng sẽ tiếp tục cuộc đời của Bà

Kính viếng Bà đôi nén hương từ xa, thật xa.    

Tags: Ngọc Nguyệt


GIẬT MÌNH
Ngày đăng 14/08/2017 16:55:48

GIẬT MÌNH

Nhạc: Trần Bắc Hải; Lời: Chợ KGU

Hình ảnh: Chợ KGU

***

Để coi clip xin copy/past link Youtube sau đây: 

 

 

 

https://www.youtube.com/watch?v=8z1Tlid0Kts

***

Giật mình chiều đi qua phố

Thoáng như dáng người ngày xưa

Xa lắc xa xa lơ tháng năm qua bụi mờ như chưa hề phai

Kishinew ơi lung linh có tia nắng mặt trời cháy trong lòng ai...

.

Giật mình hồi đêm hôm qua

Có con tắc kè gọi mưa

Mơ thấy mưa lao xao lá rơi nghiêng nghiêng nghẹn ngào ướt mi ngày xưa

Kishinew ơi lung linh giấc mơ ta dại khờ giống như trẻ thơ...

.

Giật mình vì men chưa say

Chúc nhau mấy vòng rượu xoay

Ai lỡ nhắc tên ai khiến ai đã giật mình thức lại cùng ai

Kishinew ơi lung linh trái nho thơm ngọt ngào có men thật cay...

.

Giật mình gặp người thương mến

Hắt hơi có người gọi tên

Bên sóng vỗ lăn tăn nhớ chân xưa ngập ngừng bước bên hồ Thanh Niên

Kishinew ơi lung linh sáng trong mối tình đầu biết bao giờ quên...

 

 

Tags: 3Chai


NGƯỜI KGU, TÔI MẾN YÊU NGƯỜI
Ngày đăng 24/04/2017 07:34:55

Lâu lâu tôi mới vào chợ KGU. Bữa nay đọc bài “BẢN HỢP XƯỚNG VỀ TÌNH THẦY TRÒ” của em Cúc một mạch và thấy lòng biết ơn những “người giữ lửa” như em, như Ngọc, như anh Thắng, như Huyền Kỳ… (thôi thôi tôi đành để 3 dấu chấm ở đây, tuy biết rằng điều ấy sẽ là thiếu sót vì bỏ qua rất nhiều ngọn lửa khác mà nếu thiếu họ, cũng chẳng thể có được hội chợ KGU như hôm nay).

...

Tôi tự hỏi vì sao mình lại thưa vào thăm chợ KGU, cho dù tình cảm với người KGU thì vẫn còn đó?

Có lẽ sự trải bạch của tôi sẽ làm một số anh chị và các bạn phật lòng, nhưng nếu tôi đã không muốn tự dối lừa lòng mình, thì tại sao lại còn đi dối lừa những người bạn của mình.

Người KGU, với tất cả sự đáng yêu, đáng quý của họ, có một điểm yếu tương đối phổ biến. Ấy là ngưỡng chịu những ý kiến khác biệt của họ khá là thấp, và bản thân họ cũng thường là lựa chọn những ý kiến an toàn, nghĩa là đi theo đám đông, thích nói lời khen, ngại nói lời phê phán. Nói một cách hình ảnh, phần đông người KGU yêu màu hồng. Yêu màu gì thì đó là quyền của mỗi người, nhưng vấn đề là nhiều người không thích những mảng màu khác chen vào cuộc sống dễ chịu của họ.

Tôi nghĩ đây cũng là đặc điểm “bao cấp về trí tuệ” khá phổ biến của lứa trí thức được đào tạo dưới đôi cánh bảo hộ của lý tưởng XHCN.

…  

Bài viết của em Cúc tuy cũng toàn tình cảm màu hồng như đa phần các bài viết khác của em, nhưng rất hay và rất cần thiết, như đa số mọi người công nhận. Vậy thì sao em Cúc phải hờn dỗi ngay với một lời bông đùa của chị Tuyết, cho dù lời bông đùa đó có lẽ chưa mấy hay ho? Nếu em luôn dặn lòng mình rằng người KGU, cho dù họ có điểm chung là cùng học dưới một mái trường, thì họ cũng là những người bình thường như mọi người với rất nhiều sự khác biệt nhau, thì chắc là em đã bình tĩnh hơn. Tôi dám chắc vẫn sẽ có những ý kiến khác bênh vực em, an ủi em cho dù nếu em không phản ứng ra lời.

Nhưng tôi cũng hơi ngạc nhiên là mặc dù em Cúc đã có phản ứng như vậy, và sau đó là rất nhiều ý kiến khác an ủi em, nhưng chả có ai dám góp ý thẳng với chị Tuyết, trong khi chị ấy thì vẫn im lặng. Nếu là tôi, tôi sẽ xin lỗi em trên chợ này. Cũng có thể là tôi chưa biết rằng sau đó chị Tuyết đã điện thoại nói chuyện riêng với em Cúc rồi chăng. Nếu là vậy, thì tôi xin lỗi Tuyết.  

Cũng có thể là tôi sai. Thành ngữ tiếng Anh có câu “Life is too short to drink bad wine”/”Cuộc đời quá ngắn hơi đâu đi uống rượu vang tồi”.  Bởi vậy nên có thể các anh chị và các bạn đang hành động đúng khi chỉ lựa chọn rượu ngon và ngó lơ những thứ rượu tồi.

Nhưng quả thật, tôi hơi sờ sợ phải nghe, phải nhìn chúng ta tự khen nhau là tuyệt vời, là có một không hai, và cùng nhau chụp những bức hình tự sướng, cùng giơ tay (hoặc chân) về một hướng. Không, không, không! Người KGU chỉ là những người bình thường! Và đất nước chúng ta nữa, chúng ta cũng chỉ là một đất nước bình thường! Cho dù đất nước ấy rất đặc biệt vì đó là Tổ quốc ta, nhưng cũng như mọi đất nước khác, Tổ quốc ta phải là nơi sự khác biệt được công nhận và cuộc sống cần phải đi lên không phải bằng sự hài lòng, tự hào với quá khứ, mà là cái nhìn phê phán, rộng mở ra xung quanh và mổ xẻ chính mình, để thấy mình đang đứng ở đâu, đang bị những thách thức gì.

 

Và nếu được vậy, thì tôi sẽ cạn thêm 1 ly vang tồi, 1 ly trung bình, để đến ly thứ 3 là vang thật ngon, rồi kêu to lên: “Người KGU ơi, tôi càng mến yêu người”. 


GIỜ TÝ, THÁNG TÝ, VÀ NGUỒN GỐC TẾT ÂM LỊCH
Ngày đăng 12/01/2017 20:13:33

GIỜ TÝ, THÁNG TÝ, VÀ NGUỒN GỐC TẾT ÂM LỊCH
Người phương Tây gọi Trung Quốc là China, chữ này có gốc từ Qin (Chin), tức là vương triều nhà Tần với Tần Thủy Hoàng khét tiếng bạo ngược. Người China tự gọi mình là quốc gia ở giữa (Tung Của), xung quanh là người Man, Di, Rợ, Khương… Người Việt bị nô dịch rồi cũng bắt chước gọi theo là Trung Quốc.
.
Thời cổ đại trên vùng đất bây giờ là China có nhiều quốc gia nhỏ, gồm hai chủng tộc chủ yếu, là người Hán, và các tộc Bách Việt. Người Hán ở phía Bắc, Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang). Hán Khẩu có nghĩa là “cánh cổng vào nước Hán” là một địa danh cổ nơi Hán Giang nhập vào Dương Tử, bây giờ đã nhập vào thành phố Vũ Hán.
.
Cư dân Bách Việt vốn gốc trồng lúa, không giỏi kiếm cung cưỡi ngựa như người Hán gốc săn bắn, nên dần dần đã bị đồng hóa gần hết vào nước Hán. Khi chinh phục Bách Việt, người Hán cũng thu nhận các nét văn minh của Bách Việt, trong đó có Tết Âm lịch gắn liền với thời vụ lúa nước. Sách Kinh Lễ chép lời Khổng Tử nói rằng: “Ta không biết Tết là gì. Nghe đâu đó là tên của một lễ hội lớn của bọn người Man (cách người Hán gọi Bách Việt). Họ nhảy múa như điên uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó. Họ gọi ngày đó là: Tế Sạ".
.
Vậy Tết Âm lịch nguyên thủy có phải lúc nào cũng là vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai Dương lịch như bây giờ không? Câu trả lời là không.
.
Năm Âm lịch gồm các tháng Dần (Giêng), Mão (Hai), Thìn (Ba), Tỵ (Tư), Ngọ (Năm), Mùi (Sáu), Thân (Bảy), Dậu (Tám), Tuất (Chín), Hợi (Mười), Tý (Một), Sửu (Chạp). Một ngày cũng được chia thành 12 giờ theo tên gọi các con giáp như vậy. Cái cũ đã đến tận cùng thì hẳn phải là bắt đầu của cái mới. Giờ Tý, tức là nửa đêm, được coi là bắt đầu của ngày mới, vì khi âm khí đạt tới cực tận thì dương khí đến lúc sinh ra. Tháng Tý là tháng có ngày Đông Chí (giữa Đông), sau khi trời đạt đến lạnh nhất thì trời hẳn sẽ phải ấm lên. Bởi vậy người Bách Việt cổ đã chọn tháng Tý là tháng đầu năm. Có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà tháng Tý lại có tên gọi là tháng Một, nhưng tiếc thay bây giờ nhiều người Việt vẫn gọi lầm tháng Tý là tháng Mười Một. Như vậy, Tết Âm lịch ở Bách Việt cổ cũng gần trùng với Tết Dương lịch bây giờ, sang đến đời Hán, Tết của người Bách Việt mới bị chuyển sang tháng Dần [Nguyễn Ngọc Thơ: "Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong quan hệ với văn hóa truyền thống Việt Nam", Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, 2011].
.
Sử China cũng chép rằng Tết cũng thay đổi nhiều lần theo các triều đại: Triều Hạ thì chọn Tết vào tháng Dần, triều Thương thì chọn tháng Sửu, triều Chu thì chọn tháng Tý, triều Tần thì chọn tháng Thìn, triều Hán đổi lại về tháng Dần…
.
Như vậy, Tết Âm lịch có nguồn gốc từ văn minh lúa nước của Bách Việt, và nguyên thủy là vào tháng Tý. Người Việt Nam coi trọng Tết Âm lịch, điều ấy cũng chính đáng, nhưng nhất quyết đừng gọi nó là Tết Tàu hay Tết China mà oan uổng cho truyền thống cội nguồn. Việc đặt Tết Âm lịch vào tháng Giêng (tháng Dần), hay hay tháng nào khác thật ra cũng chỉ là do các triều đình ngày xưa do người Hán thống trị trên đất nước China tự thay đổi đi, người Việt bị nô dịch cả ngàn năm nên cũng bị bắt buộc mà theo. Giả sử bây giờ người Việt có đổi lại Tết âm lịch vào tháng Tý để cho trùng với Tết dương lịch thì cũng chỉ là khôi phục lại một truyền thống xưa đã mất mà thôi.     

Tags: 3Chai


BÀI CA DƯỚI LÒNG BIỂN
Ngày đăng 14/06/2016 01:03:07

BÀI CA DƯỚI LÒNG BIỂN

Nhạc và lời: Trần Bắc Hải

Demo: Trần Bắc Hải

http://www.studentkgu.vn/music/song/id_861/

.

Anh em ta ơi có lệnh là ra khơi

Không sóng bạc đầu thì thầm nào tiễn ta

Không có chân trời trên màn hình sonar

Mệnh lệnh là lặng im!

Tàu ta không dấu vết

Sẽ không thấy hình cả chiến tích

Lẫn ngày ta có hy sinh

Tàu ta là chiến hữu

Sẻ chia phút giây cùng sống chết

Là mẹ mãi ôm tất cả trong lòng.

.

Nơi đây không cho đố kị và gian manh

Không góc riêng nào để giành cho ốm đau

Không chú vi trùng nào còn được có chỗ

Ở lòng biển thẳm sâu!

Mặt trời lặn tới đáy

Lính ta xuống đây mà đánh thức

Quẫy mình con sóng lân tinh

Hải trình bận lắm đấy

Biết đâu bến nào mình sẽ tới

Là một bến xa có người đang chờ.

 

 

 

Tags: 3Chai


DƯƠNG CẦM BUỒN NHƯ MƯA
Ngày đăng 14/06/2016 00:50:54

DƯƠNG CẦM BUỒN NHƯ MƯA

Thơ: Bùi Ngọc Hải – Nhạc: Trần Bắc Hải

Demo: Trần Bắc Hải

http://www.studentkgu.vn/music/song/id_862/

 

Đã lâu rồi không tiếc

Đã lâu rồi không đau

Sáng sớm nay mầm biếc

Vươn ngập đầy hố sâu

.

Bới sỏi tìm dấu cũ

Hoa dại lùa kẽ tay

Dấu xưa nào đâu thấy

Hương tuyệt tình đã bay?

.

Giấc mơ nào vội vã

Có một bầy chim đêm

Bay xuyên qua miền tối

Để gục rơi trước hiên

.

Nghe một bài hát mới

Sống dậy bờ môi xưa

Ngón tay mềm như phím

Dương cầm buồn như mưa.

Tags: 3Chai


QUÊ EM
Ngày đăng 10/06/2015 22:28:28

CON ĐƯỜNG KHÔNG QUÊN
Con đường không quên. Con tàu ì ạch xuôi Nam chưa đầy trăm cây nhưng có khi mất cả đêm, rồi nhả chúng mình xuống Nam Định. Mau mau mau tiến về bến xe! Nam Định về Đông Bình còn 55 cây, kịp mua được vé xe đò thì chỉ chừng 3-4 giờ lắc lư trên chuyến xe may mắn là về đến nhà.
Con đường không quên, sông Ninh Cơ chảy một bên, những Đò Năm Đò Mười, những lò gạch suốt ngày nhả khói, một bên là những cánh đồng lúa ngút ngát, những ngôi làng bình yên tháp chuông nhà thờ. Cây gạo cao lênh khênh báo đã được nửa đường, rặng tre báo vào lối rẽ…
Chuyến nào mang xe đạp, có nhỡ xe đò thì ta đạp xe. Con đường không quên sinh ra từ thuở chúng mình chưa ra đời, ổ gà ổ vịt chen nhau cùng đá hộc, nhưng sát vệ đường luôn có một vệt đất nhẵn vừa đủ cho bánh xe đạp bon qua. Xe đạp Sputnik tay lái quặp cho các cua-rơ gập lưng xuôi gió, nhưng mình lắp ngược lên như sừng hươu để được ngồi thẳng lưng. Trông cũng ngộ, trẻ trâu chạy theo kêu “Ơ chúng mày ơi xe”! Vui vui, nhưng gặp hôm mưa thì cũng bết. Cô cậu vừa đi Tây về, xắn quần bắp vế trắng lốp, trẻ trâu chạy theo “Ơ chúng mày ơi chân”!
Về quê bao nhiêu là hạnh phúc. Quê ngọt ngào như hạt gạo thơm. Mẹ cha khi ấy còn cả. Thằng rể lính giày da Kosyghin lộp cộp vào sân, mẹ cười bảo “Cứ tưởng tiếng con trâu nó đi”. Cha ngồi chẻ lạt trên thềm chỉ tủm tỉm cười hiền. Mấy ngày quê tíu tít gói bánh, đồ xôi, thăm chú thăm cậu, thăm mợ thăm dì. Ngày đi từ lúc trời chưa sáng, bịn rịn bánh xe dạt xuống cả rãnh nước vệ đường. Đi rồi nỗi nhớ mới ập về giàn giụa, vừa đi vừa bâng khuâng muốn một bài thơ cho quê. Rồi lần lữa nhiều năm, nhiều chuyến về quê mà thơ thì vẫn chưa ra. Rồi cha mẹ lần lượt ra đi khi con đường về quê đã kéo dài thành cả ngàn cây số. Rồi đến khi bước chân lưu lạc thêm gần mười ngàn cây số nữa qua tận London mới nghĩ được bài hát cho con đường không quên, cho những ngày xưa, những người xưa.


Mời nghe bài hát TẠI ĐÂY

http://www.studentkgu.vn/music/song/id_833/


QUÊ EM
Con đường không quên
Sông chảy một bên
Bên này lúa trổ
Ruộng đồng thân quen
Xưa dắt nhau ta về nhà em
***
Năm đôi lần về thăm mẹ cha
Thương cũng nhiều mà quê thì xa
Trăm mấy cây con đi cả ngày
Có khi đêm
Rồi hết phép con lại phải đi
Đường mờ sương có đôi xe đạp
Quà của mẹ chỉ bao gạo thôi
Nặng xiết bao giọt lệ chảy xuôi
***
Bao phù du trôi
Sông chở về xuôi
Tan thành muối mặn
Hòa vào xanh khơi
Ơi Nghĩa Hưng quê nhà của tôi
***
Trên con đường em đi thật xa
Hoa cũng nhiều mà quê người ta
Rồi đến khi bước chân cũng mỏi
Quê chờ em
Làn khói lam nóc gianh tỏa nghiêng
Ngoài bờ ao có đôi cá lội
Chiều dịu dàng hương ngâu ngoài hiên
Nghe đó đây chuông chiều bình yên
***
Con đường không quên
Sông chảy một bên
Bên này lúa trổ
Ruộng đồng thân quen
Ơi nhớ thương quê nhà của em
Trần Bắc Hải, London 2005

Tags: 3Chai Quê Em


LẦN ĐẦU TỚI MIỀN NAM
Ngày đăng 24/04/2015 15:20:27

LẦN ĐẦU TỚI MIỀN NAM
Năm 1979 mình làm giảng viên ở K20 Đại học Quân y ngoài Hà Nội đã được 2 năm. Anh Vũ Công Lập vừa nhận bằng Tiến sỹ ở Đông Đức về, cùng các anh Lê Thanh Cần và Nguyễn Đăng Việt trong bộ môn K20 kết thành một nhóm rất thân thiết. Mình nhỏ tuổi hơn các anh, chả biết có giống d’Artagnan ở chỗ nào không mà cũng được kết nạp, thành ra bộ tứ ngự lâm quân.
Các chàng ngự lâm quân đưa ra sáng kiến đi Đà Lạt, chuẩn bị cho việc tổ chức định kỳ khám sức khỏe cho cán bộ nhân viên tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân ở đây. Trừ anh Việt ra thì 3 chàng còn lại chưa ai vượt vĩ tuyến 17, trong thâm tâm ai cũng muốn vào thăm Miền Nam một chuyến. Các thủ trưởng duyệt, vậy là nhóm chuẩn bị lên đường. Mình không nhớ anh nào trong bộ tứ có mối quen biết mà lại xin được giấy giới thiệu mua những 4 vé máy bay một chiều Hà Nội-Sài Gòn. Vé bao cấp nên cực rẻ, ông cậu mình ngồi tính ra thì mỗi vé chỉ bằng giá một con gà sống thiến. Rẻ hay đắt thực ra chả thành vấn đề vì đằng nào thì tài vụ của Trường cũng thanh toán cho hết. Nhưng vì là bao cấp nên xếp hàng rất dài, sợ hết vé nên anh Cần phải dậy sớm ra Bờ Hồ giữ chỗ trước trụ sở Hàng không Việt Nam ở đầu phố Hàng Trống. Lấy được vé đã gian nan, mà đi được cũng phải mất tới 5 ngày ra chầu chực ở Bờ Hồ từ sáng sớm, để rồi hôm thì được báo hoãn, giải tán ngay tại chỗ, hôm thì được chở sang Gia Lâm hoặc Nội Bài rồi mới được báo hoãn và lại được chở về thả ở Bờ Hồ.
Hồi đó khách vào phòng cách ly thì được phát một tấm bìa có màu. Gần tới giờ bay, loa kêu thẻ màu nào thì đến cửa nào, trả lại thẻ rồi mới ra khỏi cửa để lên tàu, muốn lẫn lộn chắc cũng khó mà lẫn được. Có bữa chúng mình đã được phát thẻ màu rồi, bị nhốt đến tầm trưa thì có cô nhân viên hàng không ra gọi tên những hành khách phải ở lại, ai không bị đọc tên thì mới thoát. Mình cũng chả hiểu lý do làm sao mà người này thì đi, kẻ kia thì ở, nhưng tới lúc cô hàng không nhỡ miệng, có vẻ hơi đắc ý kêu vào loa “Ông Nguyễn Văn X., nghỉ!”, thì bỗng nhiên cả phòng chờ náo loạn. Mấy chục vị khách bị bắt buộc phải “nghỉ” đứng ra chẹn cửa, không cho cô hàng không đi ra nữa với lý do cô ấy hỗn hào quá và đòi gặp xếp nhớn. Một anh trung niên xưng là xếp nhớn tới xin lỗi, tính giải vây cho cô hàng không, bảo rằng quá trưa rồi, thôi các bác thông cảm thả cho em ấy về ăn cơm. Một hành khách quát: “Các anh các chị còn có cơm mà ăn, vậy chúng tôi bị nhốt từ sáng sớm trong phòng cách ly này thì sao?”. Mình đoán vị hành khách này có thể muốn gợi ý cách giải cứu cho bổn hãng hàng không Việt Nam, vì sau đó thì cả nhóm hành khách đã được dễ dàng xoa dịu bằng lời hứa “tất cả các bác ngày mai sẽ đều được đi, còn bây giờ thì mời tất cả các bác sang căng tin dùng bữa trưa”. Sau khi đã được đút lót bằng một bát phở hay mỳ gì đó mà 36 năm qua rồi mình cũng không nhớ mùi vị nữa, các bác hể hả trở về Bờ Hồ, hẹn ngày mai tất cả gặp lại cùng lên tàu. Riêng tấm thẻ màu thì không thấy bị thu lại, càng tăng thêm niềm tin. Sáng hôm sau, chúng mình đến hẹn lại lên. Lại được báo hoãn. Nhưng các bác đồng minh thẻ màu bữa qua thì đã tản mác đi đâu hết, chả còn lực lượng gì nữa. Vậy là hậm hực trở về Bờ Hồ.
Đến ngày thứ 5 thì chúng mình cũng lên được tàu. Máy bay vừa cất cánh, anh Lập đã đứng dậy tuyên bố: “Tao phải vào toilet cái đã. Coi xem đái ở trên trời có sướng hơn dưới đất không!” Cả bọn cười rũ. Mình đã giữ cái thẻ màu không bị thu lại ấy làm kỷ niệm hành trình 5 ngày với hàng không Việt Nam, tiếc là sau này di chuyển nhiều lần rồi để mất.
Tới Sài Gòn, chúng mình tới cơ sở Sài Gòn của Viện Hạt nhân nằm trên đường Lê Văn Duyệt. May mắn được hẹn nhập ngay vào một đoàn cán bộ của Viện chuẩn bị lên Đà Lạt. Đoàn đi trên một chiếc xe lớn khoảng 40 chỗ, nhãn hiệu Hải Âu, thường xuyên chạy tiếp tế, giao thông giữa Viện với cơ sở Sài Gòn. Anh Việt mấy năm trước đã lên công tác ở Viện Hạt nhân rồi, giờ như thổ công, dẫn chúng mình đi coi tất cả những chỗ nào anh ấy tự xét là đáng coi ở đất Đà Lạt. Lần đầu tới Đà Lạt, mình cứ có cảm giác như được trở lại những năm tháng êm đềm du học. Đà Lạt với những điểm nhấn kiến trúc dễ nhận, dễ thương như một thành phố châu Âu; tháp nhà thờ Con Gà, nóc nhà Nha Địa dư Đông Dương, tháp Sao Đại học… Tất cả hòa mình vào giữa thiên nhiên. Đồi Cù khi ấy còn là của toàn dân, chúng mình thường đi tắt từ khu Giáo hoàng Học viện sang Đại học Đà Lạt. Trường Đại học ở trên một khu đồi, giảng đường, thư viện, phòng lab… ẩn khuất dưới những tàng cây, với vẻ đẹp lặng lẽ mà không thể lẫn vào đâu. Viện Hạt nhân tiếp đón chúng mình rất chu đáo, có lẽ vì chúng mình không phải chỉ là người tới thăm lò nguyên tử như rất nhiều đoàn khách khác, mà là đoàn tiền trạm cho việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Mỗi bữa ra nhà ăn tập thể, mâm có cá có thịt được dọn riêng cho 4 thằng, nhưng nhìn xung quanh ngượng ngùng vì thấy bữa của chủ nhà đạm bạc lắm. Tới ngày về Sài Gòn thì được tiến sỹ Cao Chi đánh một chuyến xe Uaz kéo theo một cái rơ moóc nhở chở hành lý, dọc đường thảy lên đó một trái mít với mấy buồng chuối làm quà cao nguyên nữa.
Ở Sài Gòn mấy hôm, mình có cảm giác thật lạ. Ngoài cái nóng khiến cho mình có thể tắm bất cứ lúc nào mình thích là một bầu không khí tạo cho mình cảm giác tất cả đều chuyển động không ngơi nghỉ. Tiếng máy xe lam? Hay là mùi khói? Hay là mồ hôi nhễ nhại của cần lao? Khi mà Hà Nội thời bao cấp nhẫn nhục chịu đựng cái đói nhiên liệu cùng với cái bụng người lúc nào cũng như còn vơi còn thiếu, thì các bác tài Sài Gòn không chịu vì đói nhiên liệu mà phải đói bụng. Vậy là động cơ xe đò, xe tải được biến cải để chạy bằng mọi thứ nhiên liệu họ kiếm được, kể cả than củi, và người Sài Gòn cũng dễ dãi chấp nhận sự thụt lùi công nghệ bất đắc dĩ ấy. Khi mà Hà Nội còn chờ tem phiếu để mua từng bánh xà phòng, thì Sài Gòn tự nấu lấy những thanh xà bông nhỏ mà dài, tuy ít bọt hơn nhưng mà là Made in Vietnam. Mình ra chợ, mua cho vợ được mấy cục xà bông, một chiếc đèn dầu, mấy mét vải đen may quần, và một ký cá khô là cả một gia tài lớn.
Rồi đến ngày trở về Hà Nội. Không còn tiêu chuẩn đi máy bay, các chàng ngự lâm quân ra đăng ký đi tàu giao liên. Nhờ xe của cơ sở 2 Đại học Quân y chở lên ga Hố Nai, chúng mình chờ ở đó cả ngày. Đêm xuống thì trải vải mưa xuống sân ga, được một giấc mà chả bị con tàu nào đánh thức. Gần sáng thì có tiếng loa, tiếng còi báo tàu quân sự đã đến. Chúng mình lên tàu, và thời gian chuyến trở về dọc chiều dài đất nước cũng là 5 ngày, bằng đúng thời gian của hành trình đi vào bằng máy bay. Vậy cũng là nhanh chán rồi, bạn cùng lớp ngày xưa với mình, những đứa không được đi du học, từ Hà Nội ra đi đã phải mất 5 năm trời mà nhiều đứa cũng không vào được đến Sài Gòn, nói chi chuyện trở về Hà Nội.
Sài Gòn, Đà Lạt, Miền Nam… mình đã yêu ngay từ lần đầu tiên ấy.Doi Cu used to belong to everyone

Đồi Cù bây giờ là của tư nhân, nhưng ngày xưa vốn là của chung, ai đến chơi cũng được.

 

 

 

 

 

Dalat Nuclear Research Institute

Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Mình tới đây công tác nhiều lần thời kỳ 1979-1985. Năm 1987 ra khỏi quân đội, được chuyển ngành về đây. Hồi đó còn sang Tỉnh Đội Lâm Đồng nộp hồ sơ đại úy sĩ quan dự bị nữa.


TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG ƠI
Ngày đăng 17/02/2015 17:29:14

17/2/1979: NHÂN DÂN KHÔNG QUÊN

TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG ƠI!
Kính dâng hương hồn Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh và các Liệt sỹ Sư đoàn 356
Lời thơ: Nguyễn Ngọc Chu-Trần Bắc Hải; Nhạc: Trần Bắc Hải
Phối khí: Trần Mạnh Hùng
Trình bày: Quang Thọ và Tốp Nam

Đỉnh núi chìm trong sương mù
Lộp độp mưa tiếng rừng âm u
Vượt Cốc Nghè mây giăng trắng đầu
Lính dừng chân hơi thuốc chia nhau
    Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
    Nào cùng chan lã chã nước mưa
    Đêm nay đi ai còn ai mất
    Mãi mãi còn là đất cha ông!
    Tiểu đoàn trưởng ơi...

Mẹ ơi mẹ! Nếu con không về
Mẹ chờ con mắt mòn ngóng trông
Vợ yêu ơi! Nếu em góa chồng
Thương mình em nuôi lớn con côi
    Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
    Nào cùng chan lã chã nước mưa
    Đêm nay đi ai còn ai mất
    Mãi mãi còn là đất cha ông!
    Tiểu đoàn trưởng ơi...

Nước vẫn reo trên Thác Gọi Hồn
Lò Vôi Thế Kỷ vẫn còn
Đất nước ơi! Với bao anh hùng
Sư đoàn tôi hóa đá nơi đây
    Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
    Nào cùng chan lã chã nước mưa
    Năm xưa đi thân còn hay mất
    Mãi mãi hòa vào đất cha ông!
    Tiểu đoàn trưởng ơi...

Đạn bắn đi đến viên cuối cùng
Đồng đội xâu pháo lựu quanh lưng
Chân nát rồi lấy thân mình
Hóa thành bom chia xác với quân thù
    Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
    Về mời anh lã chã nước mưa
    Năm xưa đi thân làm bộc phá
    Anh đã hòa vào đất cha ông!
    Tiểu đoàn trưởng ơi...

Đỉnh núi chìm trong sương mờ
Lộp độp mưa gõ nhịp lá khô
Rừng tháng Bảy mây giăng trắng đầu
Ta về đây hương khói thăm nhau
    Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
    Về mời anh lã chã nước mưa
    Sống bám đá chết thành tượng đá
    Ba Trăm Năm Sáu Sư đoàn của tôi...

 

Sống bám đá, chết bám đá, thành bất tử


Từ 1979 đến 1989, nước Việt ta ở vào gọng kìm giữa 2 cuộc chiến tranh, phía Bắc với giặc Tàu, phía Tây Nam với quân Khmer Đỏ. Đầu 1984, khi Việt Nam tập trung lực lượng truy quét quân Khmer Đỏ, thì quân Tàu tấn công trở lại dọc biên giới phía Bắc Việt Nam.
Tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang khi ấy lực lượng Việt chủ yếu gồm quân địa phương nên quân Tàu lần lượt chiếm giữ được các đỉnh núi, đẩy quân Việt lùi xuống tổ chức phòng ngự ở tuyến dưới thấp hơn. Quân Tàu làm đường lên tận các điểm cao vừa chiếm được của ta, đưa lực lượng pháo rất mạnh lên các đỉnh núi. Từ điểm cao 1509, trọng pháo của chúng có thể bắn về tận thị xã Hà Giang cách phòng tuyến gần 20km.
Các cuộc phản công của quân ta nhằm chiếm lại các điểm cao không thành công trước hỏa lực pháo binh áp đảo của quân Tàu, quân ta hy sinh rất nhiều. Những địa danh mới do lính ta đặt ra như Thác Gọi Hồn, Đồi Thịt Băm, Lò Vôi Thế Kỷ... đã phần nào nói lên sự hy sinh ấy. Tên gọi Lò Vôi Thế Kỷ là do đạn pháo Tàu thiêu trụi rừng già, đỉnh đồi trơ lại toàn đá, rồi đá lại tiếp tục bị băm vỡ trắng xóa bởi đạn pháo.
Sau này, chiến sỹ ta chuyển sang chiến thuật bám sát địch, giành lại từ tay quân thù từng gốc cây, mô đất, mỏm đá tai mèo... Họ khắc lên báng súng lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.  Sư đoàn 356 chủ công trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang đã hóa đá, thành tượng đài bất tử trấn giữ miền biên cương Tổ Quốc.   

***    
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh và trận đánh ngày 12/7/1984 trên “Đồi Thịt Băm” (Cao điểm 772)


Từ chiều 11/7, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 vượt đỉnh Cốc Nghè trong mưa lạnh rồi tạm dừng chân để chia thành hai mũi. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh sẽ dẫn đội đặc công khoảng 70 chiến sỹ,  thọc sâu “mở cửa” điểm D3 trên đồi 772. Chính trị viên tiểu đoàn Đặng Việt Châu chỉ huy thê đội 2. Tiểu đoàn có nhiệm vụ chiếm D3, từ đó thọc sâu vào sở chỉ huy của địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đánh các điểm D1 và D2 để chiếm lại toàn bộ đồi 772. Anh Châu nhớ lại, rừng tháng Bảy lạnh lẽo, chỉ nghe tiếng mưa lộp độp trên lá, và thác nước ầm ào phía xa. Những người lính chia nhau từng hơi thuốc, ăn cơm sấy trộn nước mưa, lặng lẽ chờ màn đêm xuống là xuất kích. Chiến sĩ xin ăn hết lương khô dự phòng. Tiểu đoàn trưởng Thanh im lặng giây lát rồi nói “Cứ để anh em ăn, biết ngày mai có còn sống mà được ăn nữa không”. 
4 giờ 10 phút sáng, pháo binh ta khai hỏa, bộ binh thét xung phong. Mũi đặc công của Tiểu đoàn trưởng Thanh vào được D3, giành giật với địch từng đoạn chiến hào. Thanh bị thương ở đầu và cả hai chân vẫn cố tiến lại gần hầm chỉ huy địch. Bắn hết hai loạt đạn AK, anh kích nổ toàn bộ lựu đạn trên người, hy sinh khi chỉ còn cách hầm chỉ huy của địch 15 mét.
Từ các điểm cao xung quanh quân Tàu nã pháo cày nát xung quanh đồi 772. Trong sương mù dày đặc, quân ta tổ chức hàng chục đợt tấn công lên đỉnh đồi nhưng không thành. 11 giờ, sương tan dần, địch phản kích dữ dội hơn. Quân ta bị pháo đánh bạt xuống hết chân đồi. Địch tập trung phản kích quyết liệt chiếm lại D3.
Chỉ trong một ngày 12/7, Trung đoàn 876 hy sinh gần 600 chiến binh. Sau trận chiến là những ngày mưa dai dẳng. Vách núi đá dựng đứng, lính trinh sát và công binh phải dùng dây võng đưa đồng đội về. Nước mắt người sống chan hòa máu người nằm xuống, họ chỉ lấy được tử sĩ từ dưới chân cao điểm, còn những người ngã xuống gần chiến hào quân địch thì phải nằm lại.

***
28 năm sau


Đại úy Nguyễn Hữu Thanh hy sinh khi vợ anh là chị Lưu Thị Lan ở Quảng Bình mới 29 tuổi, vừa sinh con trai Nguyễn Hữu Long được 7 tháng. Chị gửi lại con nhỏ rồi đi khắp nơi dò hỏi tin anh. Gặp đồng đội của anh, họ khuyên chưa nên trở lại nơi anh nằm vì còn rất nhiều bom mìn. Năm 2006, chị Lan và con trai lần đầu tiên lên được Hà Giang. Hai mẹ con đi suốt nghĩa trang mênh mông với 1700 mộ liệt sỹ nhưng không thấy anh. Năm 2008 hai mẹ con lại trở lại Hà Giang, thấy có thêm nhiều mộ liệt sỹ được quy tập về, nhưng vẫn không tìm được anh. Hai mẹ con lại thắp hương cho các đồng đội của bố, cho những liệt sỹ chưa tìm được tên. Thế rồi có người chỉ bảo chị chụp hình giấy báo tử của anh đưa lên Internet.  Không lâu sau, chị nhận được tin từ anh Đặng Việt Châu. Ngày 20/6/2012, mẹ con chị Lan cùng các cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 được một đội công binh mở đường tiến lên đỉnh D3. Một phần hài cốt với ngôi sao trên mũ của anh đã được tìm thấy tại chiến hào 1. Vậy là 28 năm sau, anh mới được đón trở về quê nhà Quảng Bình. Sau 28 năm, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 chỉ tìm được 50 thi thể đồng đội, còn lại 140 người vẫn còn nằm đâu đó hoặc đã hòa hết vào đất miền biên ải Tổ quốc. 




Trang:  1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>