NgocBQ
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


Đang xem 1 - 6 của tổng số 6 Blogs.


Hoa súng và sen chậu
Ngày đăng 11/10/2015 00:22:52

Xin gửi NguoiKGU một số ảnh hoa súng và sen chậu mà trong ao nhà tôi chụp tuần trước. Thấy mọi người up nhiều ảnh hoa quá nên tôi cũng góp ít ảnh (được chụp từ điện thoại Note 5).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Thế hệ KGU thứ 3 múa "Ca ngợi Tổ quốc"
Ngày đăng 26/04/2015 07:05:39

Xin giới thiệu clip cháu ngoại tôi, thế hệ KGU thứ 3, đang múa "Ca ngợi Tổ quốc" cùng bà ngoại.


Hành trình viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình
Ngày đăng 18/10/2013 22:20:17

Tôi mới nhận được bài viết do một người bạn FPT đã tham gia lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình ngày 13/10/2013. Xin gửi lên studentkgu để các bạn cùng tham khảo.

-------------------------------------------------------------------

Khi trở về, không ai nhắc đến sự vất vả, mệt nhọc ngày hôm trước. Mọi người đều thấy sự thanh thản, mãn nguyện vì được đưa vị Đại tướng của muôn dân về tận nơi yên nghỉ cuối cùng tại Vũng Chùa - đảo Yến, quê hương yêu dấu của Bác.

Chiều tối ngày 4/10, nghe tin bác Giáp mất, anh Bảo đang họp gọi về cho tôi. Một cảm giác sững sờ, hụt hẫng khó tả trào lên. Tôi vẫn không tin nên gọi cho chị Liên (vợ anh Trung Hà) để thăm dò thì chị gạt đi. Nhưng một lúc sau Liên gọi lại: “Đúng rồi, chị ạ”. Nỗi đau về sự mất mát quá lớn lại ào đến trong tôi. Phải cố chờ đến lúc thông tin chính thức trên mạng, tôi mới dám nhắn tin chia buồn với chị Phúc và Gia đình.

Hai ngày sau đó, anh Bảo liên tục liên hệ với anh Long để hỏi về việc an táng của bác Giáp. Anh Long là người được gia đình bác Giáp tin cậy, thay mặt gia đình nằm thường trực ở Quảng Bình - Vũng Chùa, lo phần mộ cho bác và anh chính là người điều kiển chiếc chuông trên tháp.

Thứ Hai (ngày 7/10), tôi thấy anh Bảo lên kế hoạch đi Quảng Bình đưa bác nên muốn đi cùng. Chị Liên đã đăng ký cho cả hai vợ chồng luôn.

Thứ Ba, anh Bảo thông tin anh Trương Gia Bình, chị Trương Thị Thanh Thanh, anh Tiến (chồng chị Thanh), anh Hoàng Minh Châu, anh Lê Quang Tiến cũng đã đặt vé và khách sạn để đi Quảng Bình. Tối thứ Ba ngày 8/10, đoàn quân khu Thủ lệ, đoàn FPT được vào viếng Bác tại 30 Hoàng Diệu, nhận thêm đăng ký của chị Liêu Ba (vợ anh Thành Nam) và chị Hà (vợ anh Trản).

Như vậy, tổng đoàn có 11 người, đoàn Hà Nội (8 người) vừa đặt vé máy bay theo phương án 1 lại vừa đăng ký với đoàn người nhà đi ôtô từ 30 Hoàng Diệu theo phương án 2. Đoàn HCM gồm 3 người chỉ có phương án bay thẳng tới Đồng Hới vào ngày 12/10.

Để vào được khu Vũng Chùa chắc chắn sẽ rất khó khăn vì rất đông nên Lại Hương Huyền "lĩnh chỉ" đi xin giấy ưu tiên để gắn xe. KiênHT (FPT Telecom) đang họp ở miền Trung, QuangNT phụ trách miền Trung cũng giao cho Hoàng Hà (Giám đốc chi nhánh FPT Telecom Quảng Bình) cố gắng xin thêm giấy ưu tiên. Việc xin giấy chắc cũng gặp nhiều khó khăn, tối thứ Năm vẫn mịt mù không có gì chắc chắn. Huyền nói: “Vẫn chưa lấy được, khó quá”.

Đến sáng thứ Sáu (ngày 11/10), Hương Huyền báo xin được một giấy vào khu A cho xe anh Bình và một giấy vào khu B cho một xe nữa. Ngọc, lái xe của anh Bình, giữ thẻ khu A, anh Tiến giữ thẻ khu B. Như vậy, có giấy thông hành, đoàn yên tâm hơn cho chuyến đi.

Sau khi cân nhắc, đoàn Hà Nội quyết định đi máy bay vào Đồng Hới trưa ngày 12/10. Như vậy phải gọi cho chị Phúc để xin lỗi không đi theo đoàn đường bộ từ 30 Hoàng Diệu. Chị Phúc nói có giấy cũng chưa chắc vào được vì rất đông, hoàn toàn không thể chủ động được. Liên lại lăn tăn lo nhỡ đến Quảng Bình mà không vào được thì mất công. Tôi nói: “Lòng thành, mình sẽ đi bộ vào được đến đâu hay đến đó”. Cất nhắc mãi đoàn Hà Nội vẫn quyết định theo phương án đi máy bay và xác định phải đi bộ rất nhiều nên ai nấy trang phục gọn gàng, đặc biệt lưu ý mang dép bệt, giầy thể thao để không bị đau chân.

Đến Quảng Bình khoảng 13h30 ngày 12/10, đoàn Hà Nội nhập với đoàn Sài Gòn đi ăn trưa. Sau đó, nhập tiếp với đoàn của miền Trung di chuyển từ Đà Nẵng gần 7 tiếng đến Đồng Hới (gồm KiênHT, Thái Sơn, KhanhNN, Hoàng Anh).

Mọi người vừa ăn trưa qua quýt vừa lên kế hoạch cho chiều 12/10, đoàn quyết định tách làm 2 tốp. Tốp thứ nhất (gồm 7 người) anh Bình làm trưởng đoàn đi hai xe của anh Bình và xe Hoàng Hà. Trên xe có thêm hai anh Tiến, anh Bảo, anh Châu, anh Trung Hà, đi thẳng Lệ Thủy để thăm viếng nhà tưởng niệm của gia đình bác. Tốp thứ hai do chị Thanh làm trưởng đoàn cùng 4 phụ nữ Thủ Lệ, KiênHT, Thái Sơn, Hoàng Anh, KhanhNN và rất đông nhân viên FPT đóng tại Quảng Bình đi viếng bác tại tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình. Đoàn này xếp hàng theo thứ tự khoảng 2 tiếng thì đến lượt được viếng bác.

Khoảng 16h30, tốp thứ hai viếng xong. Mọi người quyết định đi tiếp Lệ Thủy bằng xe 7 chỗ do KhanhNN lái (lái xe chính phải ở lại để có thêm chỗ cho đoàn). Xe vừa đi vừa hỏi chỉ sợ vượt quá lối rẽ. Mọi người chỉ đường nhiệt tình và chu đáo, từ người dân đến các cảnh sát viên đứng các đầu đường. Chúng tôi rất cảm động. Khoảng một tiếng đồng hồ thì đoàn đến nơi. Rất may trời đã nhá nhem tối nên dòng người đến viếng vắng hơn, chúng tôi được ban tổ chức sắp xếp chỉ sau 2-3 đoàn đi trước.

Căn nhà tưởng niệm của bác được phủ hoa rất nhiều, xung quanh từ ngoài vào trong, từ lối đi đến đường vào khu đặt bàn thờ. Hàng rào sân vườn ngợp hoa đủ màu sắc, đủ để thấy nhân dân vô cùng yêu kính bác. Chúng tôi đi vòng quanh nhà và cố gắng tranh thủ chụp một vài bức ảnh ở cổng, sân vườn nhà bác làm kỷ niệm. Không khí vùng quê bác thật yên tĩnh, trong lành, mát mẻ, gần gũi và thân thương như chính con người Lệ Thủy.

Khoảng 18h, xe chúng tôi quay về đến Đồng Hới. Đoàn ăn tối có gần 20 người, nhà hàng có tivi nên mọi người vừa ăn vừa xem được truyền hình các đoàn viếng tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng vào buổi sáng. Ăn cơm xong, cả đoàn về khách sạn ngồi vừa uống cà phê, vừa lên kế hoạch quan trọng cho ngày hôm sau (13/10), làm thế nào lên được Vũng Chùa nơi an táng bác.

Hoàng Hà đã lấy được thêm thẻ của Ban tổ chức cho anh Bình vào tận máy bay đón linh cữu của bác. Như vậy, đoàn chỉ còn một giấy ưu tiên vào khu B quyết định gắn cho xe 7 chỗ của miền Trung gồm các anh chị Hà Nội, HCM, còn các em FPT Telecom sẽ lên xe của Hoàng Hà (hy vọng Công an Quảng Bình nhận được mặt người quen). Đoàn lên kế hoạch chờ xe của anh Bình từ sân bay ra thì hai xe sau sẽ phải bám thật chặt xe của anh, dặn nhau cử ai lái xe cứng nhất mới được nhận nhiệm vụ này.

Sáng hôm sau (13/10), kế hoạch lại bị đảo lộn hoàn toàn. Anh Bình ra sân bay rất sớm vì chắc anh cũng sợ đông sẽ gặp bất trắc. Anh đi một mình cùng lái xe riêng cho thuận lợi.

Chị Thanh đã thăm dò được thông tin đoàn người nhà đi từ 30 Hoàng Diệu đang ở khách sạn Ban Mai cách nơi đoàn ở khoảng 7-8 km. Ăn sáng xong, chị Thanh sang bên khách sạn Ban Mai xem xét tình hình và làm quen. Chị liên hệ được thêm 3 suất. Chị theo xe của đoàn sư chủ trì, anh Châu, anh TiếnLQ lên xe của đoàn người nhà.

Thắng "Kều" (HSB) lại có thông tin, đoàn Ban tổ chức Bộ Quốc Phòng đang ở trong tỉnh ủy có thể gửi thêm một suất, khả năng vào được khá cao. Thế là anh Bảo theo sang bên đó, không thấy quay lại, tôi nghĩ chắc anh đã đi được rồi.

Khoảng hơn 9h, chị Thanh gọi về cho tôi, nói tôi phụ trách đội còn lại cho xe sang khách sạn Ban Mai khoảng 11h. Chị còn nắm được thông tin 10h30 đoàn ăn trưa. Tôi lại nhận được thông tin đưa thêm người vào xe của anh Bình, giờ ưu tiên đến lượt anh Tiến (chồng chị Thanh) và anh Trung Hà. Hoàng Hà lại đưa 2 anh ra sân bay.

Gần 11h, đoàn còn lại gồm 3 xe chỉ có một xe 7 chỗ có thẻ, thêm xe của Cảnh FPT Land (QuangNT đi cùng). Xe của Hoàng Hà đều không có thẻ đậu ngay trước khách sạn Ban Mai. Trên xe gồm 4 phụ nữ Thủ Lệ và đội FPT Miền Trung 7 người (KiênHT, Quang, Cảnh, Khánh, Hà Quảng Bình, Hoàng Anh, Thái Sơn).

Mấy chị em vào trong, tôi đi một vòng vào khu người nhà đang ăn trưa xem có ai quen không. Chị Liên, Liêu Ba gặp được chị Ngọc, Tổng biên tập báo Khám phá quen nhưng từ lâu không gặp lại, vội vàng tíu tít làm quen. May trong đoàn có chị Diễm Hằng quen biết nên 2 chị đi cùng luôn. Tôi ngó nghiêng tìm chị Thanh thì thấy chị đang ngồi với sư chủ trì trong phòng VIP nên gọi chị ra. Chị kể tình cờ thấy một cậu đi hộ tống sư trụ trì chào chị, nói trước kia ở câu lạc bộ Chim Én. Chị làm thân rất nhanh, nhờ cậu này giới thiệu với nhà sư và đi theo.

Đảo quanh một vòng, tôi lại nhận ra cậu Hùng, con cô Kỹ nấu ăn cho bác Giáp, đang làm ở FPT IS, nên tôi nhờ Hùng dẫn ra gặp anh Trưởng đoàn 10 xe gia đình. Tôi trình bày rất hoàn cảnh một hồi: “Em đi theo đoàn của FPT, giờ mọi người tứ tán khắp nơi còn mỗi mình em nên anh cho em đi theo đoàn với”. Chắc không nỡ từ chối lòng thành đang hết sức thiết tha, nên nói tôi đưa giấy tờ là thẻ máy bay để làm tin (CMT của tôi thì khách sạn giữ mất rồi).

Đến giờ ra xe, không ai bảo ai cứ xem xe nào còn chỗ là lên. Thật tình cờ khi cả 6 người (anh TiếnLQ, anh Châu, Liên, Liêu Ba, Hà Trản, tôi) lên cùng một xe khiến xe chật cứng. Trưởng xe và phó xe phải đứng, thấy lạ nên điểm danh, còn trơ 6 người. Cũng lại rất may phụ trách xe này là Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc và anh Long cũng đã quen anh Châu, anh TiếnLQ nên lờ đi không nhắc gì 2 anh. Chị Diễm Hằng bảo lãnh cho chị Liên, Chị Liêu Ba. Chị Hà Trản cuống lên nói nhịu thành: “Anh Bắc là quân của em hóa ra chị Hà là quân anh Bắc” cũng được cho qua.

Anh Bắc hỏi đến tôi, tôi nói đã xin anh Trưởng đoàn và đã đưa giấy tờ cho anh Châu thư ký đoàn, anh Bắc vẫn nói không biết. Tôi bí quá nói em ở đoàn FPT xin đi nhờ. “Em bám chặt thành ghế rồi có đuổi em cũng không xuống đâu”. Nói vậy thôi nhưng tôi biết chắc không ai nỡ đuổi. Sau đó, mọi người bảo nhau chịu khó ngồi chật một chút, ai cũng muốn đi, nghĩa tử nghĩa tận. Thật cảm động, trong lòng tôi thầm cảm ơn mọi người rất nhiều. Thế là trưởng và phó xe đồng ý cho xe chuyển bánh để kịp nối tiếp xe cảnh sát dẹp đường cho đoàn.

Vậy là các anh chị đoàn Hà Nội, HCM phân tán khắp nơi, hầu hết đã lên được các xe có xác suất đi vào được đến mộ bác cao hơn. Thái Sơn được giao nhiệm vụ lái xe sẽ phải bám thật chắc xe của chị Thanh đi cuối cùng của đoàn gia đình. Kiên dồn người vào một xe 7 chỗ có thẻ ưu tiên khu B, 2 lái xe đi sau để đón đoàn lúc quay ra.

Trên đường, chị Thanh và tôi liên tục thông báo cho Kiên, Thái Sơn tình hình phía trước, nhắc cố bám sát theo đoàn. Mấy lần chúng tôi khá lo lắng khi thấy đoàn gia đình cũng bị dừng lại. Chị Bích Ngọc Tổng biên tập báo Khám phá liên tục cập nhật tình hình di chuyển của linh cữu qua các kênh. Khi nhận được tin nào của anh Bảo trong đoàn đưa bác từ sân bay, tôi đọc to cho mọi người cập nhật thông tin.

Gần 13h, đoàn đến được Vũng chùa, xe phải đỗ ở bãi ngoài vì lượng dân đổ về rất đông, dòng người nối dài tưởng như vô tận. Rất may mắn cả đoàn, cả xe 7 chỗ cũng đến nơi. Mọi người xuống xe đi bộ, đến ngã ba đầu tiên có ngay cảnh sát, cảnh vệ phân luồng. Đoàn người nhà cũng bị hỏi, nhiều người phải quay ra đi đường nhân dân. Tôi quan sát thấy có đoàn sư chủ trì vào, mang theo rất nhiều đồ cúng. Tôi nghĩ ra phương án bảo mấy người đưa cho đoàn của mình một thùng carton có hương và nến và nhờ các em FPT Telecom thay nhau cho lên vai vác để theo đoàn sư vào. Mọi người rất mệt nhưng đều cố gắng, cuối cùng đoàn tiến sát đến chân mộ (chỉ cách khoảng 10 m) thì có cảnh vệ đón mang đồ vào mộ cho sư chủ trì làm lễ trước cho bác.

Chị Thanh, chị Liên, chị Hà, chị Liêu Ba theo đoàn sư chủ trì đều vào đến Tháp Chuông như tôi, nhưng chưa thấy anh TiếnLQ, anh Châu. Hóa ra anh Tiến không vào được phải đi vòng xuống sát bờ biển (thêm cả km) mới vòng lên được Tháp Chuông. Anh Châu đau chân, Hoàng Hà đi sau cùng hình như cũng chỉ vào được đến phía dưới của khu tập kết. Thái Sơn bị ngăn không vào được do còn phải tìm chỗ để xe.

Phải đến gần 15h, xe của Ban tổ chức Bộ Quốc Phòng dẫn đầu đoàn linh cữu mới tới, xe cũng bị ngăn đi bộ từ ngoài như đoàn của người nhà. Anh Bảo đi bộ vào cùng đoàn, Thái Sơn đi cùng anh Bảo để được vào cùng và cũng nhích dần lên đến gần Tháp Chuông.

Xe của anh Bình (có anh Bình, anh Tiến chồng chị Thanh, anh Trung Hà) do dân đông quá, chen ngang đã không theo được đoàn xe tang bị tụt lại đằng sau. Vũng Chùa mỗi lúc một đông, biển người đều hướng về phía đoàn linh cữu chờ đợi lâu đến ngẹt thở.

Rồi đoàn xe đưa linh cữu của bác cũng xuất hiện, linh cữu được đưa vào rất chậm. Các anh áo quân phục trắng tinh khiêng linh cữu nhẹ nhàng di chuyển lên khu an táng, nơi nâng niu giấc ngủ ngàn thu của bác. Theo sau là đoàn con, cháu, chắt cùng người thân của gia đình.

Tôi cùng các anh chị trong đoàn hòa vào dòng người lặng lẽ nhìn theo, mọi người ai cũng cố gắng nhích dần, nhích dần để được gần bác hơn. Liên mang can nước thơm tưới mộ. Mọi người lần lượt đều lên được mộ bác, nhân dân ai ai cũng cố gắng đưa lên một thẻ hương, một cành hoa cúc mà Ban tổ chức đã chuẩn bị đặt lên mộ bác thể hiện tấm lòng thành kính.

Phải gần 18h, các anh theo xe của anh Bình mới lên được mộ. Hóa ra xe anh Bình vẫn bị kẹt ở ngoài đường 1 rất xa lối rẽ. Anh Bình, anh Tiến chồng chị Thanh, anh Trung Hà phải đi bộ từ rất xa dễ đến 5-6 km. Mọi người vái bác lần cuối rồi lần lượt quay ra xe.

Lại thêm một tình huống ngoài dự kiến nữa. Hai xe lên đón đoàn đều bị kẹt, một xe ở rất xa, một xe cách lối rẽ vào Vũng Chùa 2-3 km. Vậy là đội miền Trung phải đi bộ khoảng 7-8 km để ra xe, nhường xe cho các anh chị, duy chỉ có KiênHT trưởng đoàn và Thái Sơn lái xe ở lại.

Điểm danh 1, 2, 3, ….đến 12 người mà chỉ có một xe 7 chỗ. Tôi gọi cho Thắng "Kều", Hưng "Đỉnh" xem xe còn chỗ không thì cả hai xe đều chạy thẳng ra Vinh không về Đồng Hới nữa.

Mọi người đành “nhồi” tất cả lên xe. Ghế dưới cùng có Chị Thanh, Chị Liên, anh Bảo, anh Tiến chồng chị Thanh (04 người đều to, cao, béo), ghế giữa có anh TiếnLQ, tôi, chị Hà, anh Trung Hà và chị Liêu Ba phải ngồi tụt xuống sàn không dám ngồi lên chân anh Tiến (mặc dù anh sẵn sàng). Xe chạy lắc một lúc thấy có vẻ rộng hơn, mọi người quên luôn việc bắt taxi dọc đường, lấy đồ ăn lót dạ. Lúc đó, anh Châu mới nhớ ra cả ngày hôm nay mới ăn bữa sáng của khách sạn. Cũng may đến km 49 về Đồng Hới thì đón được xe của Hoàng Hà, chuyển được hai người sang xe này, xe 7 chỗ còn 10 người.

Về đến Ba Đồn, đoàn nghỉ ăn tối xong, có thêm xe của Cảnh nên anh Bảo và tôi sang xe này. Ba xe nối đuôi nhau về Đồng Hới. Xe của Cảnh, Quang về Đà Nẵng đi ngay trong đêm, dự kiến 3h ngày 14/10 sẽ đến Đà Nẵng còn lo chống đợt bão mới.

Sáng hôm sau, đoàn về Hà Nội, đoàn về TP HCM, không một ai nhắc đến sự vất vả, mệt nhọc ngày hôm trước mặc dù người đi bộ ít nhất cũng phải 8km, còn nhiều thì phải trên 10km. Mọi người ai cũng chỉ thấy sự thanh thản, mãn nguyện vì đã có được một chuyến đi đầy ý nghĩa, được đến viếng bác tại Lệ Thủy và Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, may mắn hơn, đoàn được đưa vị Đại tướng của muôn dân về tận nơi yên nghỉ cuối cùng tại Vũng Chùa - đảo Yến, quê hương yêu dấu của bác.

Người người, nhà nhà luôn nhớ ơn và kính yêu bác, con cháu FPT càng ghi nhớ công ơn của Đại tướng nhiều hơn. Tôi lại nhớ đến nơi thai nghén ra Tập đoàn FPT, địa chỉ 30 Hoàng Diệu nhà riêng của bác.

Xin cầu chúc bác Giáp bình an trong giấc ngủ ngàn thu, phù hộ cho đất nước Việt Nam ngày thêm hưng thịnh, cho dải đất miền Trung mưa thuận gió hòa, bớt đi những cơn bão nghiệt ngã, cho con người Việt Nam ngày càng xích lại gần nhau, luôn phấn đấu vì một ngày mai tươi đẹp hơn, trong sáng hơn.

 

Hà nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

Nguyễn Thị Dư


 

 

 


Cháu ngoại tôi đầy tháng
Ngày đăng 21/10/2012 17:20:24

Thế là tôi lên chức ông ngoại được đúng 1 tháng. Hôm nay chúng tôi tổ chức cho cháu Minh Anh (tên cháu ngoại của chúng tôi) lễ đầy tháng.

Mỗi người vẫn phát triển, vẫn đi lên cùng thời gian. Nếu mấy chục năm trước việc lên chức bố là một bước thay đổi lớn lao với tôi, thì lần này, lên chức ông ngoại cũng là một sự phát triển không kém phần quan trọng. Gia đình tôi có thêm một thế hệ. Từ hôm cháu ra đờì, tôi được mọi người gọi là ông, ông ngoại (tất nhiên người gọi tôi như vậy nhiều nhất chính là bà ngoại cháu). Đi làm về việc đầu tiên là ngó xem cháu đang làm gì. Nếu cháu đang thức thì chơi với cháu một chút, nếu cháu đang ngủ thì ngắm xem cháu ngủ ra sao. Một thành viên mới ra đời nhưng nhiều xáo trộn không nhỏ trong gia đình tôi. Bà ngoại thì quá bận rộn, một phần vì mẹ cháu đang còn yếu, một phần người lớn tuổi vẫn cẩn thận, vẫn chi li hơn các bạn trẻ. Từ ngày có cháu, 10h sáng bà mới có mặt ở cơ quan. Buổi sáng bà còn phải tắm nắng cho cháu, tắm (nước lá đào hay mướp đắng) cho cháu rồi mới đi làm. Ai cũng tất bật hơn một ít. Ai cũng được lên chức (vì cháu Minh Anh là cháu đầu của chúng tôi). Mẹ tôi lên chức cụ, Ngọc Minh, con trai tôi, lên chức cậu (tuy rằng cháu cũng nhấn mạnh rằng cháu bị mất chức, chức bé nhất nhà). Cháu Minh Anh trở thành trung tâm của gia đình. Câu chuyện về cháu là chủ đề chính. Cháu hắt hơi, cháu khóc nhiều, cháu ăn nhiều hay ăn ít, ngủ nhiều hay ngủ ít đều được quan tâm chi tiết (trong khi người lớn có làm sao chưa chắc đã được để ý đến). Mọi người nói khẽ hơn, đi nhẹ hơn vì để cháu ngủ không giật mình. Mẹ cháu thì bị dặn dò kiêng đủ thứ, bắt ăn đủ thứ. Mọi câu nhận xét về cháu đều phải có từ “trộm vía” là tiếp đầu ngữ bắt buộc, ví như “Trộm vía hôm nay cháu ngoan, chơi nhiều ít quấy”. Với cháu, nếu có đồ dùng gì thiếu, dù rất nhỏ, thì cũng chỉ mấy phút sau có người đi mua ngay. Nếu nói cháu là trung tâm vũ trụ cũng chẳng sai.

Hôm nay cháu đầy tháng, chúng tôi (mà đúng ra là ông bà ngoại là chính), làm lễ cho cháu. Mấy hôm trước chúng tôi đã dùng Google để tra cứu cách thức làm lễ đầy tháng rồi. Té ra lễ này đã có từ lâu đời, cả miền xuôi miền ngược, miền Nam, miền Bắc đều có. Thế nhưng thời chúng tôi có con, có đâu những lễ đó? Hồi đó khó khăn, lo đủ sữa cho các cháu đã là vất vả rồi. Gần đây có điều kiện, nhiều phong tục được phát triển hơn, được thực hành nhiều hơn, âu cũng là điều tốt. Với trẻ thơ, một sinh mạng ra đời, là một ý nghĩa rất lớn lao, với cháu bé, với bố mẹ, ông bà cháu. Cũng cần có lễ để tạ ơn trời đất, tạ ơn các bề trên, tạ ơn các bà Mụ đã cho cháu ra đời mẹ tròn con vuông, cũng là để báo cáo với các cụ tổ tiên rằng dòng họ thêm một cháu, thậm chí thêm một thế hệ mới như cháu Minh Anh chúng tôi. Mà cũng có nhiều cách thức làm lễ khác nhau. Chúng tôi chọn cách không quá phức tạp những vẫn đầy đủ thành phần.

Mâm cúng đầy tháng cháu Minh Anh

Trước tiên là mâm cúng, bao gồm nhiều thức nhưng thức nào cũng 13 (12 bà Mụ và bà Mụ Chúa) như 13 quả trứng gà luộc, 13 con cua, 13 con tôm, 13 nắm xôi, 13 bát chè, 13 cấy nến, 13 cơi trầu, đĩa ngũ quả những đúng 13 quả, 13 nén vàng,.. Lọ hoa hồng cũng đúng 13 bông. Giờ Ngọ bố mẹ cháu bế cháu lên cúng trên gác 2 nhà tôi, nơi bầy mâm cúng. Trước tiên bố mẹ cháu bế cháu khấn trước bàn thờ gia tiên, rồi bố cháu bế cháu trong khi mẹ cháu nhẩm đọc lời khấn cảm tạ trước mâm cúng. Cháu ngoại tôi khi đó đang ngủ ngon, chằng biết gì. Tiếp đến bà ngoại cháu bế cháu khấn tiếp. Tiết mục cuối cùng là cân cháu để xem cháu nặng thêm bao nhiêu sau 1 tháng. Trộm vía cháu cũng lớn lên nhiều.

Lễ một tháng cho cháu Minh Anh tuy ngắn gọn nhưng đã diễn ra vui vẻ, trang trọng, làm tăng thêm ý nghĩa cháu ngoại tôi tròn một tháng. Hy vọng cháu sẽ lớn lên trong sự yêu thương của gia đình và sẽ là một công dân tốt.

Cháu Minh Anh và ông bà ngoại


Giảng dạy tại FLI ở FPT giúp tôi giữ nghề
Ngày đăng 19/11/2011 11:19:35

Tôi từng là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nay lại tham gia giảng dạy tại Học viện Lãnh đạo FPT (FLI). Nghề giáo là một nghề cao quý và có giá trị với xã hội, cho dù nền kinh tế và thời cuộc có thay đổi thế nào đi nữa. Trong FPT có khá nhiều bạn từng là học sinh của tôi. Đa phần các bạn ấy bây giờ là cán bộ cốt cán của FPT (có nhiều Level 6,7). Tôi tự hào có đóng góp một phần trong việc phát triển nguồn nhân lực trong FPT.  Điều hành và giảng dạy tại FLI chiếm một phần không nhỏ quỹ thời gian của tôi. Nhưng với tôi, đó thực sự là việc làm có ý nghĩa. Nó cũng giúp tôi giữ được nghề giáo.

Đánh trống khai giảng 1 lớp học tại FPT

Tôi tham gia FLI từ tháng 8/2009, với nhiệm vụ ban đầu chỉ là set-up FLI. Sau đó, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình giao cho tôi việc điều hành FLI. Dù vậy, anh Bình vẫn là Giám đốc FLI, tôi chỉ là “người giúp việc” cho anh ấy.

FLI đã và đang thực thi việc tổ chức đào tạo cho các cán bộ lãnh đạo của FPT. Chúng tôi đã tiến hành nhiều khóa đào tạo, nhiều Câu lạc bộ (CLB) chuyên môn, cũng như CLB dạng mentoring (dạng Sư phụ - Đề tử) các buổi sinh hoạt định kỳ như: FLI Club, Leader Talk, hay tham gia tổ chức đào tạo 3G cho một số công ty thành viên.

Trong các khóa học, có lẽ MiniMBA là có tiếng vang nhất. Nhưng không chỉ thế, còn có nhiều tiếng “soạt”, tiếng “xịt” nữa đấy. Trên thế giới, MBA là khá chuẩn, nhưng MiniMBA thì gần như không có. Chúng tôi phải cùng Viện Quản trị Kinh doanh FSB (thuộc Đại học FPT, trước kia là trường HSB) thiết kế từng môn học sao cho với thời lượng bằng 1/3 MBA nhưng vẫn đủ các kiến thức cần thiết nhất.

Thực tế, cán bộ FPT cần gì, cái gì là hữu ích, là quan trọng với họ không đơn giản thấy ngay cho mỗi môn. Tôi đã phải tham gia xem xét nội dung của hầu hết các môn học. Do tính chất “dồn toa” từ khi chưa tổ chức khóa này nên trong ba năm 2010-2012 phải đào tạo gần 800 học viên. Mỗi học viên học 2 đợt, cho 2 năm. Mỗi đợt trung bình 25 buổi học. Cuối tháng 11 năm nay sẽ có “lứa” đầu tiên tốt nghiệp MiniMBA.

Có nhiều khó khăn từ phía học viên, như  bận thêm (thời gian học là vào cuối tuần hoặc sau 6h chiều để đảm bảo ít ảnh hưởng công việc). Khi đi làm rồi cũng có tâm lý ngại đi học, nhưng chắc rằng, chẳng ai có đủ kiến thức, kinh nghiệm. Còn rất nhiều thứ bổ ích cần học thêm. Ngay anh Trương Gia Bình gần đây rất chịu khó tìm hiểu thêm về Quản trị Tài chính trong doanh nghiệp và khái niệm Balanced Scorecard. Chưa kể, những bằng cấp như MiniMBA sẽ được chuẩn hóa trong FPT. Ngoài ra, tham gia MiniMBA là có một môi trường liên bộ phận, liên công ty, các học viên sẽ gần gũi nhau hơn, có điều kiện hỗ trợ, phối hợp công việc tốt hơn ở ngoài khóa học.

Theo thiết kế, mỗi môn đều có một buổi trình bày về thực tế FPT. Tôi có tham gia dạy môn FPT Way (đóng thế cho anh Trương Gia Bình), Quản trị dự án, Hệ thống quản trị FPT, Quản trị công ty và Quản trị hệ thống thông tin (toàn những môn xa lạ với những gì tôi đã được học tại KGU) . Tôi có điều kiện đã trải qua một số ví trị công việc liên quan tới các môn đó tại FPT nên tôi cố gắng truyền tải, chia sẻ những gì có được đến các bạn trẻ hơn. Sau nữa, tôi vẫn tâm đắc với câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đào tạo cán bộ thuộc về trồng người. Người ta dễ ham trồng cây lắm (ai mà chẳng thích kiếm tiền), nên nếu có điều kiện hãy tham gia trồng người. Cái đó giúp cho FPT phát triển bền vững hơn.

Điều tâm đắc nhất khi tham gia giảng dạy MiniMBA tại FPT là việc tôi đã trình bày cho các học viên hiểu rõ rằng: “Bất kỳ ai cũng có thể đánh NC/NX, cho bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào, miễn có điều không tuân thủ hoặc tiềm năng dẫn tới không tuân thủ”.

Ngày 20/11 tôi cùng các bạn phổ thông đi thăm các thầy cô của mình. Năm nào cũng vậy. Tôi không phải thăm thầy cô của các con tôi. Bây giờ chúng đã lớn, cháu nhỏ đang học ở nước ngoài nên không còn thủ tục đó nữa. Hồi bọn trẻ còn nhỏ thì vợ tôi hay đảm nhận việc này.

(Trích từ báo Chúng ta, báo nội bộ hàng tuần của FPT, số ngày 17/11/2011)

 


Tôi đã từng sử dụng sản phẩm máy tính của Steve Jobs
Ngày đăng 12/10/2011 17:54:51

Nếu hôm nay rất nhiền bạn trẻ đang sử dụng iPod, iPhone, IPad hay MacBook (mà tôi chẳng sử dụng thứ nào trong những thứ đó). Tuy nhiên tôi đã từng sử dụng những sản phẩm đầu tiên của Apple.

Đó là vào năm 1986, năm cuối cùng làm nghiên cứu sinh của tôi ở Pháp. Khi đó tôi là giảng viên ĐHBK Hà Nội. Chúng tôi có nhiệm vụ vận động Việt kiều (chủ yếu các cụ cao tuổi) ủng hộ tiền mua máy tính cho trường ĐHBK Hà Nội. Các Việt kiều đã mua 6 máy tính tặng ĐHBK HN, có cả Apple 2 và  IBM PC/XT. Những máy đó khi đó đang là máy thịnh hành, Cấu hình rất thấp, ví dụ như Apple 2 chỉ có ổ mềm dung lượng là 360K. Tuy nhiên với VN khi đó là rất quý.

Máy tính Apple 2

Để đáp lại tấm lòng của các Việt kiều đó, tôi đã viết một trình nhỏ trên ngôn ngữ BASIC của Apple 2, nội dung là vẽ bản đồ VN, có gắn ngôi sao vào các tỉnh quê các cụ Việt kiều đã đóng góp và một danh sách các cụ, danh sách lần lượt hiện tên các cụ, tên cụ nào thì ngôi sao tỉnh quê nhà của cụ đó sẽ to ra nhấp nháy. Sau đó trình diễn cho các cụ Việt kiều xem, các cụ rất phấn khởi.

Dạo đó việc in ấn và hiện chữ Việt đang là v/đ mới và nóng hổi. Máy Machintos với giao diện đồ họa (khi đó Windows đang trong giao đoạn thiết kế) cho phép vẽ chữ Việt rất dễ. Tôi đã ngồi dựng 1 bộ chữ Việt đầy đủ trên Mac, rồi chuyển thành dữ liệu đồ họa từng điểm, rồi chuyển sang XT, với mục tiêu viết một trình lên trang chữ Việt trên XT. Chẳng là theo chỉ đạo từ VN, chỉ có máy XT mới có máy in đi kèm.

Hồi đó có một trình dịch Pascal gọi là Turbo Pascal 3.0. Tôi chọn Pascal và viết một trình xử lý văn bản tiếng Việt, in được chữ Việt, có format căn lề, thụt ra thụt vào, chữ nghiêng, béo, gạch chân, khổ chữ to nhỏ tùy thích. Tất nhiên đầu vào của văn bản chỉ gồm chữ cái ASCII, thêm các ký tự để mô tả chữ Việt. Ví dụ Hà Nội được viết là Ha` No^.i. Điều quan trọng là văn bản in ra vẫn khá đẹp và đầy đủ chữ Việt.

Tôi đã dùng trình in văn bản Việt này để viết thư cám ơn các cụ Việt kiều và viết thư về báo cáo cho lãnh đạo trường ĐHBK HN.

Có lẽ đó cũng là một trong các trình in văn bản Việt sớm nhất.

Máy tính Machintos