|
|
Vào giữa tháng 4/2012 vợ chồng tôi có chuyến đi tháp tùng Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Tây Tiến (bố mẹ của Lâm đều là lính của Trung đoàn 52 Tây Tiến, hiện bà là Trưởng ban liên lạc CCB Tây Tiến) tổ chức buổi giao lưu giữa tuổi trẻ Hòa Bình với các CCB Tây Tiến và lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến được tổ chức tại Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc thị xã Hòa Bình. Anh Nguyễn Phú Cương - phó ban liên lạc CCB Tây Tiến (hiện là cộng tác viên của báo điện tử Vietnamnet) đã mời nhà phê bình văn học Vũ Nho và nhà văn Vũ Ngọc Tiến dự buổi giao lưu và lễ kỷ niệm này. Đi cùng xe với vợ chồng tôi có anh Vũ Nho và anh Vũ Ngọc Tiến. Lúc đầu mọi người còn thăm hỏi xã giao, sau câu chuyện mới biết toàn là dân đã từng có thời gian gắn bó với nước Nga (tôi và anh Vũ Nho nhận ra nhau cùng học nghiên cứu sinh tại Leningrad vào đầu những năm 80, anh Tiến cũng có thời gian công tác ở Nga và vợ anh cũng là dân học Moscow) nên chúng tôi chuyện trò với nhau rất cởi mở nhắc lại những kỷ niệm cũ ở nước Nga và văn học Nga. Trên đường về Hà Nội, do đã quen nhau nên các câu chuyện càng rôm rả hơn. Các anh Vũ Nho, anh Tiến và anh Cương là những người làm công tác văn nghệ, mọi người bàn chuyện văn thơ, về các tác phẩm, tác giả mà họ quen biết, vợ chồng tôi là dân ngoại đạo nên cũng chỉ dám thỉnh thoảng xen đôi lời khi nói đến những tác phẩm viết về thời khó khăn trước đây. Tôi là “người cầm lái vĩ đại”, nên có câu chuyện vui đưa đẩy càng tỉnh táo và “cầm lái” an toàn hơn. Trong không khí sôi nổi về văn chương, Lâm fan thơ của nhà thơ Chử Văn Long đã đọc bài thơ “Tạm bợ” của anh Long, không ngờ anh Long lại là bạn của anh Cương nên câu chuyện lại càng thêm thú vị. Thời gian có hạn, mà câu chuyện của các anh về thơ văn biết bao giờ cho hết, anh Vũ Nho hứa là nếu có dịp sẽ có lời bình về bài thơ “Tạm bợ”, thế là chúng tôi nhất trí sẽ có buổi gặp mặt vào thời gian gần nhất để tiếp tục câu chuyện về thơ văn. Nhân dịp kỷ niệm 30/4/2012, vợ chồng tôi tổ chức buổi gặp mặt như đã hứa. Tại buổi gặp mặt ngoài các anh đã quen biết trong chuyển đi Hòa Bình kỷ niệm Tây Tiến: anh Nguyễn Phú Cương, anh Vũ Nho, anh Vũ Ngọc Tiến và tất nhiên không thể thiếu được vợ chồng tôi Lâm & Bưu, anh Cương còn mời được cả anh Chử Văn Long tác giả bài thơ “Tạm Bợ” và vợ là nhà thơ Quỳnh Hoa. Buổi gặp mặt thật vui, câu chuyện của các anh toàn tập trung vào văn và thơ và quên hết những gì đang xảy ra ngoài xã hội: khủng hoảng kinh tế, tham nhũng ... có lẽ máu thơ văn là vậy, khi đã đến với nó thì người ta quên hết mọi nỗi vất vả và những stress trong cuộc sống. Cũng như mọi lần tụ tập bạn bè, chúng tôi nhâm nhi thưởng thức các loại rượu và tất nhiên không thể thiếu được loại rượu mà chính tay cựu sinh viên CL 74 pha chế. Rượu vào máu văn thơ bắt đầu bốc, mọi người phỏng vấn anh Long về xuất xứ bài thơ “Tạm bợ” anh Long trầm xuống và bùi ngùi kể lại thời bao cấp khó khăn, còn đang loay hoay để tìm cách thoát ra thì vợ ốm, anh còn đang ngơ ngác chưa biết sẽ giải quyết sao đây thì chị đã ra đi, để lại cho anh bao nỗi niềm thương xót và bài thơ ra đời trong những ngày chống chếnh hẫng hụt đó. Lâm fan hâm mộ của anh Long đọc lại bài thơ “Tạm bợ” với tất cả những gì sâu lắng chắt lọc được từ bài thơ. Anh Nguyễn Phú Cương MC của buổi tọa đàm sôi nổi hào hứng dẫn dắt chương trình đề nghị mọi người trình bày những tác phẩm yêu thích của mình. Anh Vũ Nho sau khi kể những kỷ niệm về thời học nghiên cứu sinh ở Lenigrad, đọc những vần thơ do anh sáng tác của thời đi học và anh hát bài “Đôi bờ” cả bằng tiếng Nga và tiếng Việt rất hay, thật đúng là một cán bộ Đoàn ưu tú của một thời trẻ trung và sôi nổi (anh Vũ Nho là Bí thư Thành đoàn sinh viên Việt Nam hồi học nghiên cứu sinh lại Leningrad). Anh Tiến đọc bài thơ của Puskin do chính anh dịch bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga, rồi anh còn hát cả một bài hát bằng tiếng Nga làm mọi người ngạc nhiên về năng khiếu tiếng Nga của anh. MC Phú Cương thì nói về xuất sứ của việc anh phổ nhạc bài "Con ngựa buộc bên hàng rào" thơ của anh Chử Văn Long trong hoàn cảnh nào và sau đó anh trình bày luôn (tự biên tự diễn), thật là vui hết cỡ, Anh Long và chị Hoa nói về các bài thơ của anh Long, về việc anh “sưu tầm” một nghìn câu ca dao Hà Nội ra sao, và vì sao anh chị quen nhau rồi thành duyên chồng vợ. Trong khi mọi người đang sôi nổi bình thơ, anh Vũ Nho thấy trên bàn tập thơ “Người tìm cỏ may” và hỏi tôi sao tôi lại có tập thơ này (đó là tập thơ của chị Tạ Thị Minh Lý tặng hôm gặp mặt tại Thiên sơn Suối Ngà), thế là được dịp tôi rất tự hào kể cho các anh nghe về Hội các cựu sinh viên KGU cũng có rất nhiều anh chị nổi tiếng thơ văn trong đó có chị Minh Lý- tác giả tập thơ và cũng rất mong những buổi sinh hoạt văn thơ sau có mặt của Minh Lý để mình được dịp khoe về bạn mình một tý chứ. Không khí của buổi gặp mặt thật là vui và sinh động, ai cũng hào hứng bàn về thơ văn, vợ chồng tôi cũng rất thích buổi gặp mặt này, theo anh Vũ Nho thì buổi gặp mặt đã tự nó biến thành buổi sinh hoạt thơ văn và ai cũng vui vì các báo cáo viên linh hoạt, say sưa mà cử tọa cũng …tuyệt vời! Mọi người đều nhất trí là sẽ còn nhiều dịp gặp mặt nhau để cùng nhau chia sẻ những cảm xúc về thơ văn. Tôi xin dẫn lại bài thơ “Tạm bợ” của nhà thơ Chử Văn Long mà Lâm đã chép vào sổ tay: Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà Có gian buồng không đủ mua cánh cửa Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng Để ghép nên cánh cửa Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền… * Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi? Chép lại 5/12/2002
|