LẦN ĐẦU TỚI MIỀN NAM
Năm 1979 mình làm giảng viên ở K20 Đại học Quân y ngoài Hà Nội đã được 2 năm. Anh Vũ Công Lập vừa nhận bằng Tiến sỹ ở Đông Đức về, cùng các anh Lê Thanh Cần và Nguyễn Đăng Việt trong bộ môn K20 kết thành một nhóm rất thân thiết. Mình nhỏ tuổi hơn các anh, chả biết có giống d’Artagnan ở chỗ nào không mà cũng được kết nạp, thành ra bộ tứ ngự lâm quân.
Các chàng ngự lâm quân đưa ra sáng kiến đi Đà Lạt, chuẩn bị cho việc tổ chức định kỳ khám sức khỏe cho cán bộ nhân viên tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân ở đây. Trừ anh Việt ra thì 3 chàng còn lại chưa ai vượt vĩ tuyến 17, trong thâm tâm ai cũng muốn vào thăm Miền Nam một chuyến. Các thủ trưởng duyệt, vậy là nhóm chuẩn bị lên đường. Mình không nhớ anh nào trong bộ tứ có mối quen biết mà lại xin được giấy giới thiệu mua những 4 vé máy bay một chiều Hà Nội-Sài Gòn. Vé bao cấp nên cực rẻ, ông cậu mình ngồi tính ra thì mỗi vé chỉ bằng giá một con gà sống thiến. Rẻ hay đắt thực ra chả thành vấn đề vì đằng nào thì tài vụ của Trường cũng thanh toán cho hết. Nhưng vì là bao cấp nên xếp hàng rất dài, sợ hết vé nên anh Cần phải dậy sớm ra Bờ Hồ giữ chỗ trước trụ sở Hàng không Việt Nam ở đầu phố Hàng Trống. Lấy được vé đã gian nan, mà đi được cũng phải mất tới 5 ngày ra chầu chực ở Bờ Hồ từ sáng sớm, để rồi hôm thì được báo hoãn, giải tán ngay tại chỗ, hôm thì được chở sang Gia Lâm hoặc Nội Bài rồi mới được báo hoãn và lại được chở về thả ở Bờ Hồ.
Hồi đó khách vào phòng cách ly thì được phát một tấm bìa có màu. Gần tới giờ bay, loa kêu thẻ màu nào thì đến cửa nào, trả lại thẻ rồi mới ra khỏi cửa để lên tàu, muốn lẫn lộn chắc cũng khó mà lẫn được. Có bữa chúng mình đã được phát thẻ màu rồi, bị nhốt đến tầm trưa thì có cô nhân viên hàng không ra gọi tên những hành khách phải ở lại, ai không bị đọc tên thì mới thoát. Mình cũng chả hiểu lý do làm sao mà người này thì đi, kẻ kia thì ở, nhưng tới lúc cô hàng không nhỡ miệng, có vẻ hơi đắc ý kêu vào loa “Ông Nguyễn Văn X., nghỉ!”, thì bỗng nhiên cả phòng chờ náo loạn. Mấy chục vị khách bị bắt buộc phải “nghỉ” đứng ra chẹn cửa, không cho cô hàng không đi ra nữa với lý do cô ấy hỗn hào quá và đòi gặp xếp nhớn. Một anh trung niên xưng là xếp nhớn tới xin lỗi, tính giải vây cho cô hàng không, bảo rằng quá trưa rồi, thôi các bác thông cảm thả cho em ấy về ăn cơm. Một hành khách quát: “Các anh các chị còn có cơm mà ăn, vậy chúng tôi bị nhốt từ sáng sớm trong phòng cách ly này thì sao?”. Mình đoán vị hành khách này có thể muốn gợi ý cách giải cứu cho bổn hãng hàng không Việt Nam, vì sau đó thì cả nhóm hành khách đã được dễ dàng xoa dịu bằng lời hứa “tất cả các bác ngày mai sẽ đều được đi, còn bây giờ thì mời tất cả các bác sang căng tin dùng bữa trưa”. Sau khi đã được đút lót bằng một bát phở hay mỳ gì đó mà 36 năm qua rồi mình cũng không nhớ mùi vị nữa, các bác hể hả trở về Bờ Hồ, hẹn ngày mai tất cả gặp lại cùng lên tàu. Riêng tấm thẻ màu thì không thấy bị thu lại, càng tăng thêm niềm tin. Sáng hôm sau, chúng mình đến hẹn lại lên. Lại được báo hoãn. Nhưng các bác đồng minh thẻ màu bữa qua thì đã tản mác đi đâu hết, chả còn lực lượng gì nữa. Vậy là hậm hực trở về Bờ Hồ.
Đến ngày thứ 5 thì chúng mình cũng lên được tàu. Máy bay vừa cất cánh, anh Lập đã đứng dậy tuyên bố: “Tao phải vào toilet cái đã. Coi xem đái ở trên trời có sướng hơn dưới đất không!” Cả bọn cười rũ. Mình đã giữ cái thẻ màu không bị thu lại ấy làm kỷ niệm hành trình 5 ngày với hàng không Việt Nam, tiếc là sau này di chuyển nhiều lần rồi để mất.
Tới Sài Gòn, chúng mình tới cơ sở Sài Gòn của Viện Hạt nhân nằm trên đường Lê Văn Duyệt. May mắn được hẹn nhập ngay vào một đoàn cán bộ của Viện chuẩn bị lên Đà Lạt. Đoàn đi trên một chiếc xe lớn khoảng 40 chỗ, nhãn hiệu Hải Âu, thường xuyên chạy tiếp tế, giao thông giữa Viện với cơ sở Sài Gòn. Anh Việt mấy năm trước đã lên công tác ở Viện Hạt nhân rồi, giờ như thổ công, dẫn chúng mình đi coi tất cả những chỗ nào anh ấy tự xét là đáng coi ở đất Đà Lạt. Lần đầu tới Đà Lạt, mình cứ có cảm giác như được trở lại những năm tháng êm đềm du học. Đà Lạt với những điểm nhấn kiến trúc dễ nhận, dễ thương như một thành phố châu Âu; tháp nhà thờ Con Gà, nóc nhà Nha Địa dư Đông Dương, tháp Sao Đại học… Tất cả hòa mình vào giữa thiên nhiên. Đồi Cù khi ấy còn là của toàn dân, chúng mình thường đi tắt từ khu Giáo hoàng Học viện sang Đại học Đà Lạt. Trường Đại học ở trên một khu đồi, giảng đường, thư viện, phòng lab… ẩn khuất dưới những tàng cây, với vẻ đẹp lặng lẽ mà không thể lẫn vào đâu. Viện Hạt nhân tiếp đón chúng mình rất chu đáo, có lẽ vì chúng mình không phải chỉ là người tới thăm lò nguyên tử như rất nhiều đoàn khách khác, mà là đoàn tiền trạm cho việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Mỗi bữa ra nhà ăn tập thể, mâm có cá có thịt được dọn riêng cho 4 thằng, nhưng nhìn xung quanh ngượng ngùng vì thấy bữa của chủ nhà đạm bạc lắm. Tới ngày về Sài Gòn thì được tiến sỹ Cao Chi đánh một chuyến xe Uaz kéo theo một cái rơ moóc nhở chở hành lý, dọc đường thảy lên đó một trái mít với mấy buồng chuối làm quà cao nguyên nữa.
Ở Sài Gòn mấy hôm, mình có cảm giác thật lạ. Ngoài cái nóng khiến cho mình có thể tắm bất cứ lúc nào mình thích là một bầu không khí tạo cho mình cảm giác tất cả đều chuyển động không ngơi nghỉ. Tiếng máy xe lam? Hay là mùi khói? Hay là mồ hôi nhễ nhại của cần lao? Khi mà Hà Nội thời bao cấp nhẫn nhục chịu đựng cái đói nhiên liệu cùng với cái bụng người lúc nào cũng như còn vơi còn thiếu, thì các bác tài Sài Gòn không chịu vì đói nhiên liệu mà phải đói bụng. Vậy là động cơ xe đò, xe tải được biến cải để chạy bằng mọi thứ nhiên liệu họ kiếm được, kể cả than củi, và người Sài Gòn cũng dễ dãi chấp nhận sự thụt lùi công nghệ bất đắc dĩ ấy. Khi mà Hà Nội còn chờ tem phiếu để mua từng bánh xà phòng, thì Sài Gòn tự nấu lấy những thanh xà bông nhỏ mà dài, tuy ít bọt hơn nhưng mà là Made in Vietnam. Mình ra chợ, mua cho vợ được mấy cục xà bông, một chiếc đèn dầu, mấy mét vải đen may quần, và một ký cá khô là cả một gia tài lớn.
Rồi đến ngày trở về Hà Nội. Không còn tiêu chuẩn đi máy bay, các chàng ngự lâm quân ra đăng ký đi tàu giao liên. Nhờ xe của cơ sở 2 Đại học Quân y chở lên ga Hố Nai, chúng mình chờ ở đó cả ngày. Đêm xuống thì trải vải mưa xuống sân ga, được một giấc mà chả bị con tàu nào đánh thức. Gần sáng thì có tiếng loa, tiếng còi báo tàu quân sự đã đến. Chúng mình lên tàu, và thời gian chuyến trở về dọc chiều dài đất nước cũng là 5 ngày, bằng đúng thời gian của hành trình đi vào bằng máy bay. Vậy cũng là nhanh chán rồi, bạn cùng lớp ngày xưa với mình, những đứa không được đi du học, từ Hà Nội ra đi đã phải mất 5 năm trời mà nhiều đứa cũng không vào được đến Sài Gòn, nói chi chuyện trở về Hà Nội.
Sài Gòn, Đà Lạt, Miền Nam… mình đã yêu ngay từ lần đầu tiên ấy.
Đồi Cù bây giờ là của tư nhân, nhưng ngày xưa vốn là của chung, ai đến chơi cũng được.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Mình tới đây công tác nhiều lần thời kỳ 1979-1985. Năm 1987 ra khỏi quân đội, được chuyển ngành về đây. Hồi đó còn sang Tỉnh Đội Lâm Đồng nộp hồ sơ đại úy sĩ quan dự bị nữa.