|
|
Lâu lâu tôi mới vào chợ KGU. Bữa nay đọc bài “BẢN HỢP XƯỚNG VỀ TÌNH THẦY TRÒ” của em Cúc một mạch và thấy lòng biết ơn những “người giữ lửa” như em, như Ngọc, như anh Thắng, như Huyền Kỳ… (thôi thôi tôi đành để 3 dấu chấm ở đây, tuy biết rằng điều ấy sẽ là thiếu sót vì bỏ qua rất nhiều ngọn lửa khác mà nếu thiếu họ, cũng chẳng thể có được hội chợ KGU như hôm nay). ... Tôi tự hỏi vì sao mình lại thưa vào thăm chợ KGU, cho dù tình cảm với người KGU thì vẫn còn đó? Có lẽ sự trải bạch của tôi sẽ làm một số anh chị và các bạn phật lòng, nhưng nếu tôi đã không muốn tự dối lừa lòng mình, thì tại sao lại còn đi dối lừa những người bạn của mình. Người KGU, với tất cả sự đáng yêu, đáng quý của họ, có một điểm yếu tương đối phổ biến. Ấy là ngưỡng chịu những ý kiến khác biệt của họ khá là thấp, và bản thân họ cũng thường là lựa chọn những ý kiến an toàn, nghĩa là đi theo đám đông, thích nói lời khen, ngại nói lời phê phán. Nói một cách hình ảnh, phần đông người KGU yêu màu hồng. Yêu màu gì thì đó là quyền của mỗi người, nhưng vấn đề là nhiều người không thích những mảng màu khác chen vào cuộc sống dễ chịu của họ. Tôi nghĩ đây cũng là đặc điểm “bao cấp về trí tuệ” khá phổ biến của lứa trí thức được đào tạo dưới đôi cánh bảo hộ của lý tưởng XHCN. … Bài viết của em Cúc tuy cũng toàn tình cảm màu hồng như đa phần các bài viết khác của em, nhưng rất hay và rất cần thiết, như đa số mọi người công nhận. Vậy thì sao em Cúc phải hờn dỗi ngay với một lời bông đùa của chị Tuyết, cho dù lời bông đùa đó có lẽ chưa mấy hay ho? Nếu em luôn dặn lòng mình rằng người KGU, cho dù họ có điểm chung là cùng học dưới một mái trường, thì họ cũng là những người bình thường như mọi người với rất nhiều sự khác biệt nhau, thì chắc là em đã bình tĩnh hơn. Tôi dám chắc vẫn sẽ có những ý kiến khác bênh vực em, an ủi em cho dù nếu em không phản ứng ra lời. Nhưng tôi cũng hơi ngạc nhiên là mặc dù em Cúc đã có phản ứng như vậy, và sau đó là rất nhiều ý kiến khác an ủi em, nhưng chả có ai dám góp ý thẳng với chị Tuyết, trong khi chị ấy thì vẫn im lặng. Nếu là tôi, tôi sẽ xin lỗi em trên chợ này. Cũng có thể là tôi chưa biết rằng sau đó chị Tuyết đã điện thoại nói chuyện riêng với em Cúc rồi chăng. Nếu là vậy, thì tôi xin lỗi Tuyết. … Cũng có thể là tôi sai. Thành ngữ tiếng Anh có câu “Life is too short to drink bad wine”/”Cuộc đời quá ngắn hơi đâu đi uống rượu vang tồi”. Bởi vậy nên có thể các anh chị và các bạn đang hành động đúng khi chỉ lựa chọn rượu ngon và ngó lơ những thứ rượu tồi. Nhưng quả thật, tôi hơi sờ sợ phải nghe, phải nhìn chúng ta tự khen nhau là tuyệt vời, là có một không hai, và cùng nhau chụp những bức hình tự sướng, cùng giơ tay (hoặc chân) về một hướng. Không, không, không! Người KGU chỉ là những người bình thường! Và đất nước chúng ta nữa, chúng ta cũng chỉ là một đất nước bình thường! Cho dù đất nước ấy rất đặc biệt vì đó là Tổ quốc ta, nhưng cũng như mọi đất nước khác, Tổ quốc ta phải là nơi sự khác biệt được công nhận và cuộc sống cần phải đi lên không phải bằng sự hài lòng, tự hào với quá khứ, mà là cái nhìn phê phán, rộng mở ra xung quanh và mổ xẻ chính mình, để thấy mình đang đứng ở đâu, đang bị những thách thức gì.
Và nếu được vậy, thì tôi sẽ cạn thêm 1 ly vang tồi, 1 ly trung bình, để đến ly thứ 3 là vang thật ngon, rồi kêu to lên: “Người KGU ơi, tôi càng mến yêu người”.
|