|
|
“Nhà” tôi nằm viện Trong một bài Bình Kều CL77 đã viết về Giáo sư đi khám bệnh thì lần này tôi lại kể tiếp chuyện anh Vĩnh nhà này đi nằm viện để mọi người cùng suy nghĩ và cảm nhận về bệnh viện của nước nhà bây giờ.Anh Vĩnh nhà tôi được khám bảo hiểm ở Bệnh viện Việt Xô với tiêu chuẩn A cho nên cũng đươc được ưu tiên hơn trong những lúc chờ đợi, nhưng mà loại ưu tiên này cũng có rất nhiều người nữa nên cũng rất mất thời gian chờ đợi với lại loại ưu tiên này cũng chỉ có vài khoa thôi chứ cũng bình đẳng như mọi bệnh nhân khác. Sau mấy lần đi khám bệnh trĩ thì bác sỹ cho đơn thuốc hoạt huyết dưỡng não và bảo là: anh cứ về uống thuốc này ăn được ngủ được là khỏi hết bệnh, rồi khám dạ dày lại cấp cho Bổ thận âm vì bác sỹ nói bảo hiểm thì chỉ có thế thôi. Chán quá nên anh Vĩnh nhà tôi bẵng đi một thời gian dài không đi khám nữa nhưng lần này vì bị ù tai và nghe có tiếng lạo xạo trong tai nên lại đi vào Việt Xô khám và được bác sỹ trả lời là: đây là bệnh tuổi già cứ phải chung sống với bệnh. Thấy khó chịu nên anh Vĩnh lại vào bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương để khám tự nguyện thì được các bác sỹ ghi vào sổ y bạ là ĐĐN (sau này mới biết là viết tắt của bệnh “điếc đột ngột”)và đề nghị vào khoa Tai-Tai thần kinh để điều trị ngay. Thời gian này tôi có đợt đi công tác miền Trung gần 1 tháng nên sau khi Du Xuân Đà Nẵng tôi lại phải mua vé máy bay ra Hà Nội để kịp đợt công tác đột xuất này không dự đươc Hậu Du Xuân mặc dù đã mua vé Đà Nẵng –Hà Nội nhưng do mua vé rẻ nên không cho đổi ngày. Cũng may là hôm đó là hôm cuối cùng của đợt tôi đang ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa nên tôi có gọi điện cho anh bạn là PGs.Ts Bác sỹ Quang là Viện trưởng Viện Tai mũi Họng nhờ giúp thì anh Quang có hẹn anh Vĩnh sau giờ làm việc đến phòng khám tư của anh ấy để kiểm tra lại vì lúc đó cũng muộn rồi. Thấy anh Vĩnh kể lại với sự khó chịu là gọi điện mãi Bs. Quang mới ra vì phòng khám khá đông bệnh nhân, sau khi xem qua hồ sơ bệnh án Bs. Q đề nghị là anh phải vào viện cấp cứu ngay. Anh Vĩnh chần chừ muốn vài hôm nữa mới vào viện với lý do là vợ đang đi công tác và phải đi đón con đi học thêm. Bs.Q nói luôn: tôi không biết vì anh phải biết là với bệnh của anh thì cứ mỗi ngày tai của anh sẽ giảm nghe đi 20% nếu tuần sau anh vào thì sẽ điếc hẳn, tùy anh tôi không quan tâm tới những lý do riêng của anh, vào cấp cứu sớm ngày thì tốt ngày đấy, mà cũng không chắc là chữa khỏi được. Sau này Quang bảo: em phải nói gắt gao như thế thì anh Vĩnh mới chịu vào viện nằm. Thế là anh Vĩnh vội vào viện ngay mặc dù hôm đấy là thứ sáu. Trưa hôm sau về đến Hà Nội tôi đến Viện Tai Mũi Họng TƯ thì thấy anh Vĩnh nằm trong phòng có 3 giường,điều hòa mát mẻ, sạch sẽ, anh Vĩnh nằm giường giữa còn 2 giường bên cạnh là 2 bệnh nhân nữ tầm tuổi gần 60, vừa truyền thuốc vừa nói chuyện rôm rả, TV mở với volum khá to để theo dõi tình hình biển Đông, vì cả phòng đều bị căn bệnh ĐĐN giống nhau. Hai em bệnh nhân cùng phòng bảo tôi là: 3 anh em em đã thống nhất với nhau rồi cứ nằm ở phòng này điều trị một tuần thôi chả tội gì đi đi về về gì vào lúc Hà Nội đang nóng cực điểm 40 độ C, chị không cần phải vào đâu, bọn em sẽ giúp nhau và cùng đi ăn cơm ở viện luôn cho người nhà khỏi vất vả, cứ yên tâm các phòng toàn cửa kính trong suốt mà chúng em già rồi chẳng làm ăn gì được vả lại còn đang tập trung vào chữa tai là chính.
Vì hàng ngày phải tiêm vào tai theo phương pháp nội soi và truyền thuốc 2 lần nên nằm viện là hợp lý.Tôi sướng quá, phải động viên mọi người cố gắng chữa bệnh vì mấy hôm ấy Hà Nội nóng lắm tôi cứ ra vào bệnh viện, đến cơ quan, rồi đón con, đi chợ … từ nóng vào điều hòa bị cảm sốt và ho suốt từ hôm Du Xuân mãi không khỏi được. Mỗi giường như thế là 600.000 đồng/ngày, còn không thì nằm phòng 3 người/1giường với giá 150.000 đ/1người không có điều hòa và tiền phòng này không nằm trong chế độ bảo hiểm mà bệnh nhân phải trả 100%. Trước khi vào viện bệnh nhân nào đúng tuyến (tất cả các bệnh nhân ở các tỉnh khác chuyển về bệnh viện Hà Nội là đúng tuyến) nộp đặt cọc 2,5 triệu tiền viện phí và 5 triệu tiền phòng được hưởng 100% bảo hiểm còn những bệnh nhân nào ở Hà Nội như anh Vĩnh phải nộp 8 triệu đặt cọc tiền viện phí và 5 triệu tiền phòng và chỉ được hưởng 30% bảo hiểm thôi. Lúc ra viện phải xếp hàng chờ thanh toán mất khoảng một ngày để hoàn tất các thủ tục rất phức tạp, nhiêu khê, máy móc, và còn phải trả rất nhiều khoản phát sinh trong quá trình nằm viện nữa nên gây khá nhiều phiền hà cho người bệnh nhất là đối với những người ở các tỉnh xa. Nếu ai không có tiền chữa bệnh theo kiểu tự nguyện thì cứ chờ đợi đến khi nào có chỗ mới được vào mà bây giờ tất cả các bệnh viện ở Hà Nội đều quá tải trầm trọng. Như vậy người nghèo vẫn là khổ nhất. Có một anh nông dân ở Thanh Hóa đưa con gái 12 tuổi về nói rằng:nằm viện 1 ngày ở đây là mất vài tạ thóc cả năm làm ăn vất vả của nhà cháu rồi, nghe mà đắng lòng.
Nghe kể chuyện mấy chị CL77 cùng với chị Thảo vội vào thăm anh Vĩnh luôn. Vừa vào Bình K đã nói luôn là: bọn chị tuy là vào thăm anh Vĩnh nhưng thực ra là thăm 2 em là chính. Thế là cả lũ cười nói rôm rả và mong sau này nếu được nằm viện cùng nhau thế này thì vui quá vì từ hồi còn ở Kis. chúng tôi cũng ước ao được như thế và sau này thì dự định mua một mảnh đất để làm trại dưỡng lão lúc già cùng ở cho vui.
Trong lúc điều trị tai phải thì các bác sỹ đề nghị anh Vĩnh mổ luôn tai bên kia vì cách đây gần 50 năm anh Vĩnh bị viêm tai giữa phải mổ nên sau đó bị mất xương trong tai vì vậy màng nhĩ và xương không liên kết được với nhau ảnh hướng đến thính giác, tai bên ấy hầu như không nghe được, bây giờ mổ để áp dụng phương pháp mới cấy xương vào với sắc xuất nghe là khoảng 50-60% trở lên. Tin tưởng vào khoa học và lo có nguy cơ bị điếc cả 2 tai nên anh Vĩnh đồng ý ra viện và 2 tuần sau lại nhập viện để mổ tai. Lại phải xếp hàng chụp cắt lớp, rồi thử máu, chụp phổi…Đến ngày hôm sau Bs đề nghị sang Bv Bạch Mai ngay cạnh đấy kiểm tra lại tim, có lẽ do đi lại leo trèo cầu thang nhiều quá nên nhịp tim hơi nhanh. Sang bên Bạch Mai khám lại phải thử máu, chụp X-quang lại vì không công nhận kết quả của Bv. Tai Mũi Họng, đúng là quá bất cập, vừa tốn sức và tốn tiền của bệnh nhân. Trước mấy hôm mổ anh Vĩnh vốn cẩn thận đã lên tham khảo một số bệnh nhân đã mổ để lấy thêm kinh nghiệm vì chưa nằm viện bao giờ nên cũng hồi hộp dù là mổ tai cũng vẫn lo sợ. Sau đó anh Vĩnh gặp trực tiếp Bs mổ trao đổi và xin nhập viện trước 2 ngày để trấn an tinh thần mặc dù bác sỹ cho phép về nhà và đến viện trước khi mổ 1-2 tiếng. Theo đề nghị của viện trưởng Quang thì anh Vĩnh sẽ được ưu tiên mổ đầu tiên nhưng vì có rất nhiều cháu nhỏ phải gây mê nên anh Vĩnh nhường cho các cháu. Trước khi vào mổ Viện trưởng đã xuống phòng mổ trức tiếp gặp bệnh nhân Vĩnh cùng Bác sỹ Huy mổ trực tiếp để trao đổi, động viên, chỉ đạo về chuyên môn đối với trường hợp bệnh nhân Vĩnh, mặc dù trước đấy cũng đã gặp trực tiếp và gọi điện vài lần và dặn tôi ngồi ngoài chờ khi nào hồi sức xong thì vào. Sau 2 tiếng thì mổ xong tôi được mời vào phòng hồi sức thấy anh Vĩnh đang nằm trên cáng tươi cười và chỉ vào tai mổ nói: tai này đã nghe được rồi mặc dù vẫn còn băng kín tai, đúng là yếu tố tinh thần đã quyết định rất nhiều.
Tôi cảm ơn kíp mổ và gửi quà cám ơn nhưng các bác sỹ từ chối bảo người nhà y tế không cần phải quà song tôi nói đây là quà của gia đình cảm ơn các bác sỹ và kíp mổ cũng như anh chị em trong khoa. Sau khi về giường nằm bệnh nhân Vĩnh chẳng hề chóng mặt, không cần dùng đến thuốc giảm đau của bệnh viện phát cho và không kêu đau như các bệnh nhân khác, ăn 2 bát cháo, uống sữa ngon lành, đi lại bình thường, đêm ngủ say ngáy to làm bệnh nhân bên cạnh cùng tôi mất ngủ, nhưng tất cả mọi người đều thán phục. Cũng có thể người có thần kinh khá vững vàng và anh Vĩnh hầu như không bao giờ bị say ô tô, tàu thủy, hôm ra đảo Trường Sa công tác tất cả mọi người say lướt khướt mà anh Vĩnh chẳng làm sao. Sau 2 ngày nằm viện cùng anh Vĩnh các nhân viên và bệnh nhân trong khoa đều nói đùa: anh Vĩnh sướng quá có ô sin cao cấp vừa có học hàm học vị phục vụ, đúng là không có gì bằng bà trông ông trong lúc tuổi già và bảo thôi ô sin có thể về nhà được rồi để thổi cơm và mang cơm vào cho bệnh nhân không phải ở lại đêm nữa cho đỡ bị mất ngủ. Hôm qua các bạn CL77 vào thăm nói chuyện vui vẻ và anh Vĩnh đã trao đổi kỹ càng với các bạn về bệnh tật cũng như kinh nghiệm và bảo ai bị các triệu chứng như anh Vĩnh thì cứ dùng theo đơn thuốc và phương pháp của anh Vĩnh. Các bạn Kim Thanh, Hương Hương, Bình Trần bảo từ nay Hoa phải nói năng ít thôi không anh Vĩnh phải nghe nhiều quá và nghe được hết. Theo nhận xét của các bạn CL77 thì anh Vĩnh bắt đầu nói nhiều hơn cả chị em CL77 rồi. Cám ơn tất cả các ACE KGU, đặc biệt là anh chị em đồng nghiệp của tôi cùng các bạn CL77 đã thăm hỏi, động viên nhà mình nhé, mỗi khi có ai đến thăm, gửi lời hỏi thăm, động viên là anh Vĩnh nhà mình vui lắm, bác sỹ bảo sau 1 tháng còn nghe rõ hơn nhiều. Chúc mọi người có sức khỏe, vui, hạnh phúc, tinh thần sảng khoái nhất là đối với những người đã về hưu để không có bệnh tật và không bao giờ phải đến khám và nằm bệnh viện.
|