HoaNT
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Những ngày này cách đây 60 năm
Ngày đăng: 02/10/2014 22:46:37

Hà nội vào thu, đang chuẩn bị ráo riết cho chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ Đô, đại đa số khóa 77 chúng tôi đều bằng tuổi với ngày này. Tôi được sinh ra đúng vào dịp tháng 7/1954 tại quân y viện 108 lúc bấy giờ ở chiến khu Việt Bắc. Chính bởi vì có con nhỏ nên bố mẹ tôi lại một lần nữa tạm chia tay để bố tôi cùng đoàn người tiến về tiếp quản Thủ đô vào những ngày này, còn tôi và mẹ ở lại chiến khu

 

Cho đến năm 1955 gia đình tôi mới được đoàn tụ tại Hà Nội. Bố mẹ của tôi cũng như biết bao chàng trai cô gái Hà Nội hăm hở tham gia tòng quân từ trước năm 1945 lúc mà họ còn rất trẻ như chúng ta ở thời sinh viên ở Kis. Năm 1952 bố mẹ tôi cưới nhau vào 06/01/1952 tại chiến khu Việt Bắc. Lúc bấy giờ bố mẹ tôi được Quân Y Viện 108 tổ chức cưới dưới sự chứng giám của bạn bè chứ chẳng có ai là họ hàng cả.

 

Nên cách đây 60 năm khi bố tôi cùng đoàn quân về Tiếp quản Thủ đô cũng là lần đầu tiên ra mắt họ hàng bên nhà gái.

Tình cờ tôi tìm thấy mấy lá vàng Kim Thành và  lá thư bố tôi viết vào những ngày này năm 1954 kể cho mẹ tôi biết bao nhiêu là chuyện Thấy lá thư bố tôi viết khá hay và chi tiết về không khí Hà Nội những ngày này cách đây 60 năm, tôi xin chép lại để mọi người cùng đọc: ( ở nhà mọi người gọi tôi là Hòa Bình)

 

 

Hà Nội, ngày 10/11/1954

Em thân yêu

Từ hôm về chưa viết thư cho em được vì chưa có hoàn cảnh gửi. Hôm nay viết về cho em yên lòng. Con Hòa Bình có ngoan không, nhớn tý nào chưa, em đã khỏe và công tác chưa. Cứ yên tâm và đừng thắc mắc gì nhé. Anh kể chuyện cho mà nghe.

          Hôm đầu tiên về Thủ đô, chưa được đi chơi đâu cả, một hôm đi công tác qua nhà cô Hồng( là em ruột của mẹ tôi), chỉ dám nghé vào một tý mà không dám vào, hành quân trông thấy chị ngồi bán hàng ở chợ Hàng Da cũng phải fớt đi. Sốt ruột nhưng độ 1 tuần sau thì được phép ra thăm gia đình. Trước hết anh đến nhà mợ ở 18 fố Cửa Đông, mợ thuê căn nhà này và ở với 3 em gái và 1 em giai của anh, Cô Nhâm và cô Tân bán vải ở chợ Hàng Da, em Hiền và em Thảo( là các em của bố tôi) đi học. Mợ cũng bán hàng vải. Các em hôm anh về thì mừng tíu tít, nhưng mợ thì đi vắng. Mấy hôm sau mợ về anh cũng tranh thủ về gặp. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cả nhà mong em và con Hòa Bình về lắm. Gia đình khỏe mạnh. Sau đó anh đến nhà anh Fan ở 22 Hàm Long. Anh Phan ( anh cả của bố tôi) vẫn làm ở nhà thương và đã có 6 cháu. Chúng nó cũng đều ngoan và anh chị Fan đều khỏe. Sau đó anh xuống phố Duy Tân (phố Huế bây giờ). Hồi hộp và cảm động lại hơi ngượng nữa. Nhìn xa xa hai chữ Hồng Điệp ( hàng kem Hồng Điệp, cửa hiệu lấy tên bà gì và cậu ruột của tôi, cậu cũng tham gia đi bộ đội cùng mẹ tôi ở 149 phố Huế nơi mà nhà tôi đã ở hơn 10 năm sau bị công tư hợp doanh trả nhà cho nhà nước, bây giờ là hàng bánh Thu Hương) anh cảm thấy gia đình em lúc nào cũng hướng về em và cậu Điệp ở ngoài kháng chiến. Thoạt bước vào thì gặp ngay vợ chồng cô Hồng. Hai người cũng tưởng là một anh bộ đội vào hỏi thăm cái gì kia. Biết là cô Hồng rồi nhưng anh cũng hỏi xem có đích thực là cô em gái em không?Sau đó anh mới tự giới thiệu: Tôi là Ứng đây. Cô Hồng reo lên và tíu tít chạy vào nhà gọi chị Đoan. Gia đình gặp anh vui vẻ lắm nhưng chưa nói chuyện được mấy chỉ mới nói qua tình hình Hà Nội, kháng chiến thôi. Sau đó cô Hồng, chị Đoan ( chị cả của mẹ tôi) và cu gì đấy con chị Đoan đưa anh lên nhà chị Chính. Các chị đều khỏe cả, các cháu cũng vậy. Anh Phụng và chồng cô Hồng cũng khỏe mạnh lắm. Trưa hôm đó anh ăn cơm ở nhà chị Chính. Anh định 1 hôm nào được phép sẽ về nhà tâm sự với các chị và cô Hồng nhiều hơn vì hôm đó chỉ được nghỉ từ sáng đến chiều mà lại phải đi thăm nhiều gia đình mà chẳng có em cùng đi thành thử cũng vẫn ngường ngượng thế nào ấy. Ai lại hôm đến cô Hồng anh khát nước ghê mà nhà có kem thì không mời ăn lại pha cafê mà anh cũng không dám phát biểu ý kiến đề nghị. Gia đình mong gặp em và con lắm. Biết tin cậu Điệp các chị cũng yên tâm. À con bé gì con chị Chính mà trước đây gọi em là má ấy bây giờ nó cũng từa tựa cô Lâm ấy, em về thì chả nhận được mặt cháu đâu. Ngay anh khi về nhà các em ruột có 4 đứa thì chỉ nhận được một còn các cháu thì quên hẳn vì nó khác quá. À anh gặp cả anh Đào nữa, nó khỏe và vui tính lắm. 

Hôm nay anh viết thư có lẽ cô Cả và mợ San( các bà là gì và mợ của bố tôi) cũng sắp về Hà Nội. Mợ và các em chờ cô Cả và mợ San lắm. À quên sau khi anh ăn cơm xong ở nhà chị Chính về thì đã 2 giờ chiều, tạt vào nhà anh Phan lại phần một mâm cơm tướng lại phải cố gắng ngồi nhắm với mấy thằng cháu vì anh Phan đi làm rồi. Sau đó anh trở về nhà các em thì lại cũng một mâm cơm linh đình chờ đợi. Anh lại cũng mạnh dạn ngồi ăn một cách ngon lành với các em mặc dù đã quá no. Những bữa cơm đó là những bữa anh không thể từ chối được.

          Bây giờ đến chuyện Hà Nội: vẫn như trước căn bản không có gì thay đổi. Chỗ bán hoa ở Tràng Tiền nay xây lại,

 

quanh Bờ Hồ có nhiều quán bán giải khát hơn, tàu điện sơn màu sặc sỡ hơn, chỗ ga tàu điện cũ ở Bờ Hồ phá mất và cạnh đấy dựng lên một trạm thông tin, không còn xe kéo nữa mà chỉ có cyclo và taxi. Phố xá thì vẫn vậy.

Còn chuyện công tác thì hiện nay đang làm công tác tiếp đón thương bệnh binh, sáng tập thể dục thay vào tăng gia. Hiện nay nhân viên biến thành những người công nhân sửa giường, sơn giường … Mọi người đều lo lắng với nhiệm vụ nặng nề sắp tới.

Thôi thư sau anh sẽ nói nhiều hơn vì mấy hôm nay bận lắm. Em cố gắng và yên tâm công tác nhé. Một ngày gần đây chúng ta đưa nhau cùng về thăm gia đình. Hôn con và em nhiều.

Nói với Thiện, Nga, chị Thái, Điệp, Tuyên và Phương, Toại là mình lúc nào cũng nhớ những người ở lại, không viết thư được là cũng áy náy lắm đấy. Nhưng đọc chung thư này vậy thôi, chúc tất cả mạnh.

Anh Ứng  

 

Nhanh thật mới ngày nào tôi còn bé tí tẹo, được mẹ bế trên tay nay đã 60 tuổi rồi, già và xấu hơn mẹ tôi ngày xưa nhiều.

 

 

Rồi tôi lại tần ngần nhìn những lá vàng Kim Thành của mẹ tôi được họ hàng gửi  ra chiến khu để bồi dưỡng sức khỏe, mẹ tôi tần tiện dành dụm để đến lúc trước khi chết dặn tôi tặng cho 4 cháu nội ngoại, mỗi cháu 1 cây vàng. Dạo này thấy giá vàng xuống giá nhiều người báo bán đi cho được giá, tôi thấy tiếc nên cứ để lại để cho các cháu làm kỷ niệm về ông bà của chúng nó. Nhìn thấy mấy lá vàng này tôi cứ xót xa thương bố mẹ quá. Lúc sống các cụ hết sức tần tiện, chẳng dám ăn tiêu gì cứ cố tiết kiệm dành dụm để cho con, cho cháu. Nghĩ mà thương nhớ bố mẹ quá.

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 10 của tổng số 19 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: ThanhLK
28/10/2014 22:24:20

Trong ảnh bác Ứng thời trẻ đẹp trai quá ! Mình vẫn nhớ mãi lần cuối đến thăm mẹ Hoa, bà Hội khoe vừa ăn thử dồi chó xem nó ngon thế nào vì nghe người ta nói: "Sống trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không"...Vậy mà mấy hôm sau bác đã đi xa. Thương các cụ thật !



Từ: HuyenBT
06/10/2014 23:50:57

Có những thời kỳ thật đẹp đẽ, khi mỗi người sống cùng với số phận của dân tộc. Niềm vui, nỗi buồn, mối quan tâm và trăn trở đều gắn với thăng trầm của đất nước. Một lá thư riêng mà thấy khung cảnh cả thủ đô ngày được tiếp quản, thấy hoàn cảnh của bao người dân, thấy không khí của những ngày lịch sử đáng nhớ...tuy vậy, vẫn chan chứa lắm tình cảm yêu thương vợ chồng. Ngày ấy, không dùng nhiều lời có cánh như bây giờ, mà em, (là phụ nữ), đọc cứ thấy muốn bay lên. Em cảm phục các Cụ nhà chị quá, chị Hoa ạ. Hình như người con gái nào đi xây dựng tổ ấm cũng mong ước được mang hình bóng của gia đình bố mẹ mình vào đó. Chị đúng là bông hoa hạnh phúc được nở ra từ trong yêu thương của những người cha, người mẹ đáng yêu kính biết bao. Cho em chia một chút niềm hạnh phúc này cùng chị nhé. Em cũng xin chia niềm hạnh phúc với các anh chị đã từng viết bài kể về bố mẹ mình, như chị Tuyết, anh Kỳ Minh, anh Châu HM, chị Kim Thanh, anh Nghị, chị Hạnh, em Cúc...và nhiều anh chị khác nữa.



Từ: NguyetTM
06/10/2014 13:33:16

Hôm trước đọc bài của chị Hoa, xem ảnh hai người con gái Hà Thành đang dạo phố Hà Nội em chưa biết người mặc áo dài hoa tím hồng là ai, hôm nay em biết rồi-đó là chị Yên. Em xin gửi lời thăm chị Yên nhé, chúc cho đôi mắt chị lại sáng đẹp như xưa nhé.



Từ: Guest HạnhLT
05/10/2014 23:02:31
Hôm nay tình cờ đọc được tên phố : Đỗ Đình Thiện, khg biết là ai, về nhà tra google mới biết thật đáng nể tinh thân yêu nước của ông, lại nghĩ đến những quan tham và nhóm lợi ích ngày nay.v


Từ: TungDX
05/10/2014 22:36:22

Đọc mà ghen tỵ với Hoa và ACE có bố mẹ từng kháng chiến và tiếp quản thủ đô. Những kỷ niệm ngọt ngào và rất rất đáng trân trọng:


Cha Mẹ xuất phát từ bùn lầy


Ngực Cha vai Mẹ Con bay trưởng thành


Tự hào thay lứa hậu sinh


Nối tiếp truyền thống gia đình rạng danh 



Từ: LyTM
05/10/2014 17:15:00

Duyên thầm các Cụ còn nguyên,


trên môi con cháu, nét hiền xa xưa


câu chuyện đọc mãi vẫn ưa,


mênh mang nỗi nhớ như vừa hôm qua



Từ: NghiPH
05/10/2014 16:12:52

Ông cụ chu đáo, tình cảm quá! Không quên ai, không quên mọi chi tiết của những cuộc gặp gỡ. 



Từ: Guest TyetHA
05/10/2014 14:00:36
Anh Minh giống hệt bố!


Từ: MinhCK
05/10/2014 10:45:22

Ngồi đọc những dòng tâm sự của GS Hoa lại làm tôi nghĩ tới bố mình, cũng một đời đi làm cách mạng rồi đến khi nhắm mắt suôi tay cũng chẳng có gì. Có chăng là những đứa con đã trưởng thành, đã lớn khôn mà cả một đời các Cụ đã hy vọng, đã mong ước. Khi ở Việt Bắc Cụ là trưởng phòng Quân Y của Cục Vận tải là người chứng kiến và hình như là người tác thành cho bố mẹ Hoa thì phải (lâu quá rồi tôi cũng quên mất). Bố tôi hay nhắc đến chú Ứng có cô con gái đi học ở Liên Xô. Sau này các Cụ lại cùng làm việc với nhau ở Cục Quân Y.



                                      Bố mẹ tôi ngày mới về tiếp quản Thủ Đô 10/1954   


 


Thời xưa ở thế hệ của các Cụ là một thời kỳ khó khăn, gian khổ của đất nước, của dân tộc. Đến khi sung sướng được tí chút thì các Cụ lại theo nhau ra đi mất rồi. Biết rằng đó là qui luật của muôn đời nhưng sao đấy trong lòng, mỗi lần ai đó nhắc lại kỷ niệm của "một thời đã xa..." làm tôi cũng cảm thấy bùi ngùi, nhớ tiếc không nguôi. Chẳng biết về sau con mình nó có nghĩ về mình như mình đã nghĩ về bố mình như vậy không, nhưng chắc chắn một điều rằng cuộc đời này đã có một thời như thế. Nhiều khi nghĩ lại thấy thương bố mẹ mình vất vả, cơ cực vì các con quá.



Từ: CucNT
04/10/2014 20:33:54

Vào những ngày này khi người dân Hà Nội đang chuẩn bị tưng bừng kỹ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, bài viết của chị Hoa càng thêm hấp dẫn và quý giá. Thư của bố chị gửi cho mẹ sẽ là những tư liệu lịch sử quý giá mà bây giờ haymai sau con cháu đọc sẽ hình dung ra được 1 giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc khi mà những đôi lứa tác thành hôn nhân vẫn coi nghĩa vụ đối với Tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu, chẳng mấy ai được sống cùng nhau dưới 1 mái nhà mà phần lớn mỗi người 1 nơi để làm nhiệm vụ. 


Cảm ơn chị Hoa với bài viết chân thực và rất nghĩa tình!




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>