NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Lần đầu uống rượu từ cái nậm nút lá chuối
Ngày đăng: 09/01/2011 22:43:31

            &nb sp; 

Năm tôi lên 15 tuổi, có một buổi trưa tôi sang nhà bác Hợp ăn giỗ. Mọi khi tôi ngồi mâm ở nhà dưới với bọn trẻ con nhưng hôm nay được bác tôi gọi lên ngồi mâm ở nhà trên. Bác lại bảo tôi ngồi cùng mâm với mấy bác nữa mới oai chứ. Tôi rón rén ngồi xuống bên cạnh bác, mắt lấm la lấm lét nhìn thầy tôi cũng đang ngồi mâm ấy.

 - Cháu rót ra tất cả các chén đi. Bác tôi ra lệnh. Tôi cầm cái nậm rượu có nút bằng lá chuối khô, mở ra, lóng ngóng rót rượu vào 6 cái chén. Do chưa quen, tôi làm rớt cả ra chiếu. Cái chén uống rượu của các cụ bé tí ấy mà. Bác tôi quan sát rồi động viên:- Lần đầu lóng ngóng là chuyện thường. Rồi sẽ quen thôi! Nào cháu cầm chén lên mời  rượu tất cả các bác và thầy cháu đi.

 Tôi run run cầm chén rượu lên thưa:- Cháu xin mời rượu các bác, con xin mời rượu thầy ạ. Bác tôi nói to:- Xin mời tất cả các ông uống chén rượu lạt! Cháu cũng uống đi! 

Tôi nhìn sang thầy tôi với ánh mắt dò hỏi. Thầy tôi:-  E hèm. Thấy thế, ông bác tôi bèn can thiệp:- Chú ơi! Năm nay cháu nó 15 tuổi rồi, lớn rồi, uống được một ít rượu rồi. Chú cứ để nó uống. Nào mời các ông!  

Được bác khuyến khích, tôi đưa chén lên miệng và uống một ngụm. Cái thứ gì mà cay thế! Cay nhưng lại thơm thế! Uống đến đâu cổ họng tôi nóng lên đến đấy. Rồi mặt tôi đỏ bừng.

 Bác tôi khuyên:- Cháu uống lấy một ít nước canh bí đao là không thấy làm sao nữa đâu.  Nghe lời bác tôi múc liền hai môi canh bí đao vào bát và uống ngay. Cảm giác nóng ran dần dần lan tỏa và dịu đi.

Bữa đó với sự khuyến khích của bác tôi, tôi còn uống hai chén nữa. Về nhà đầu bị váng vất, tôi phải đi nằm, đành bỏ mất buổi đánh dậm lúc xế chiều.

Sau lần ấy, tôi vẫn luôn nhớ đến cái chất lỏng cay cay, thơm thơm ấy.

Nhà tôi cũng có rượu nhưng thầy tôi cất rất kỹ, tìm mãi mới thấy dưới gầm bàn thờ. Vẫn là cái nậm rượu được nút bằng lá chuối khô. Tôi lấy ra, ngửa cổ tu một ngụm nhỏ. Thơm ơi là thơm, ngon ơi là ngon. Tôi lại chiêu một ngụm nữa. Ngon quá! Thơm quá! Tôi chiêu thêm một ngụm nữa. Tôi thở phà ra hơi rượu thơm, mắt lim dim,  mơ màng như ở cõi tiên.   

 Sau này, dường như chưa bao giờ  tôi có được cảm giác uống rượu ngon đến như thế, sướng đến  như thế!

Lúc đó, có lẽ,  tôi đích thực đã được thưởng thức tiên tửu.

Cùng cần nói thêm: Thời gian ấy, Nhà nước cấm nấu rượu nhưng bác tôi và thầy tôi không thể nhịn rượu được. Vì vậy, các cụ phải đi bộ 25- 30 cây số xuống vùng Kim Sơn mua rượu về uống. Hình như chính sách cấm rượu có được nới lỏng ở vùng công giáo này.  

            &nb sp;          



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: ThongNV
07/02/2011 07:16:43

Rượu cuốc lủi (miền bắc) và rượu đế (miền nam) đều chế biến từ gạo với men rượu làm từ 14 vị thuốc bắc (men chuẩn) trưng cất thủ công cho ta một loại rượu có màu trắng hơi đục (nếu làm bằng gạo nếp cái thì có màu hơi vàng như pha thêm mật ong). 10 kg gạo chế biến được 6-8 lít rượu có độ cồn từ trên 45độ, loại rượu này khi rót ra cốc ta thấy những bọt khí nhỏ như đầu tăm thành hàng nổi lên vuông góc với đáy cốc nên còn được gọi là rượu cắm tăm (chỉ rượu ngon, có độ cồn cao). Rượu được đựng trong những chiếc chum, vò trôn dưới đất hoặc để dưới gốc cây ngoài vườn (nay những người chơi rượu thường làm hầm để rượu. Anh Đinh Văn Thanh -thành viên KGU có một hầm rượu ngâm các loại khoảng trên 10 000 lít, một thành viên khác của KGU còn nhiều hơn). Những người đi bán rượu thường gánh một đôi vò  sành, mỗi chiếc đựng được khoảng 20 lít.


Công nghệ nấu rượu này có từ rất lâu rồi, nhưng khi Pháp chiếm Việt Nam thì cấm nấu rượu và thu thuế rất cao. Vì vậy sinh ra nấu rượu lậu (lậu có nghĩa là trốn thuế của Nhà nước). Khi Tây đoan, Tàu cáo đến băt thì người nấu rượu cất dấu dưới những đám cây ngoài đồng (Miền nam cất dưới những đám cây Đế mọc hoang), miền bắc cất dưới những đám cây lau, sậy. . . Những người đi bán rượu không còn dùng những vò sành, mà họ sản xuất ra một thứ đựng rượu khác làm từ bong bóng trâu, bò. Khi bị Tây đoan, Tàu cáo vây bắt họ ôm bọc rượu chiu lủi dưới nhứng đám cây lau sậy, lúa như những con chim cuốc. Sau này người ta gọi thứ rượu trắng nút lá chuối mà Nghị PH viết là Rượu cuốc lủi (miền Bắc) và Rượu đế (miền Nam).


Các sĩ phu Bắc Hà thích uống rượu trắng (vì ngon và rẻ) bình thơ và coi loại rượu này là quốc hồn, quốc túy của đất nước ta nên đã gọi là quốc rượu. Nhưng quốc rượu mà lại phải nấu lậu thì nhục quá cho dân mất nước nên đặt là Rượu quốc lủi. Cụm từ "quốc lủi" còn nhằm đối với cùm từ " quốc gia".


Đọc, suy ngẫm mới thấy các cụ ta ngày xưa dùng từ "đắt" thật.



Từ: KhanhT
17/01/2011 00:17:38

Dân gọi “quốc lủi” là để đối lại với “quốc doanh”, bởi thời ấy sản xuất rượu bị cấm, ngoài ra còn là chơi chữ với “CUỐC” là con chim cuốc: “lủi như cuốc” lại cho nghĩa là trốn (rượu) lậu mà. Nay thì chưa thấy dỡ bỏ lệnh cấm bao giờ, nhưng hầu như đâu đâu làng nào cũng thấy dân tự chưng cất để tự tiêu. Làng nào cũng tìm được người nấu rượu ngon nổi tiếng của làng. Văn hóa làng xã của ta nó thế.


Thầy tôi năm nay ngoại 80 rồi, tôi không biết chính xác là bao nhiêu, không hiểu sao cũng thấy bất tiện hỏi thầy, bởi thầy cũng có chút gì đó lấn cấn tuổi tác, mà tôi thì cũng thế. Thầy học văn ở Đại học TH đến năm cuối rồi lại chuyển sang học sinh học từ đầu, nên khi tốt nghiệp Thầy phải học ở trường đến 7-8 năm, chắc thế.. Không biết Thầy có theo Công giáo hay không, vì hồi dạy học ở quê tôi trong hoàn cảnh ấy Thầy không đi nhà thờ được, còn về quê Thầy thì tôi chỉ thỉnh thoảng cùng anh em về thăm không biết được mà cũng chưa bao giờ hỏi. Sau khi tôi đi học nước ngoài, vào những năm chiến tranh ác liệt nhất thì Thầy vào Đảng.


Hồi ở trường cấp 3 thầy chuyên dạy sinh vật. Nhà tôi coi như chỗ quen thân. Hồi học cấp 3 tôi học sinh vật kém lắm, đơn giản là không thích, nhưng mà làm mô hình nhồi rơm, làm tiêu bản bộ xương… thì tôi làm khá lắm, do thích vọc bậy, vẽ vời, rất trẻ con. Nhưng vì các môn tự nhiên khác tôi được điểm khá, kể cả môn văn, nên để được đánh giá là học sinh tiên tiến hay giỏi gì đó thì Thầy cũng nâng điểm sinh vật của tôi lên cho đủ tiêu chuẩn. Tôi cũng có một thầy nữa hay “cưu mang” là thầy dạy địa lý, nay nếu còn sống thầy phải >100 tuổi rồi, thầy cùng tuổi với cha tôi. Môn địa lý tôi cũng kém, chỉ mỗi vẽ bản đồ thì được điểm cao nên thầy dùng luật bù trừ rồi nhích lên cho.


Nói chuyện thỉnh giáo, Thầy về quê cũng là đến tuổi nghỉ hưu, thì vợ Thầy từ lâu đã “nghỉ hưu” và không còn ở nhà chờ Thầy nữa, sao đó một thời gian thế nào mà Thầy cưới một cô vợ trẻ còn ít tuổi hơn con gái Thầy, nên con trai Thầy năm nay mới chừng hơn mười. Gặp Thầy một bạn tôi ướm hỏi “kinh nghiệm”, Thầy bảo hay lắm, các cậu không có kinh nghiệm không biết được đâu, giá mà tớ còn đi dạy, các cậu còn đi học thì tớ sẽ giảng cho.


Mình vừa đi ăn cưới ở Tam Nông, Phú Thọ về, cũng vừa được uống rượu nút lá chuối, thú vị lắm, ko xả láng ko được, cái chén hạt mít con con mà cứ đều đều nâng lên hạ xuống, quên!




Từ: NghiPH
13/01/2011 09:06:10

-          Thầy giáo dậy môn Sinh vật của anh Khánh quê ở Kim Sơn thọ bao nhiêu tuổi rồi? Thầy có theo Thiên chúa giáo không? Anh có thích học môn của thầy từ hồi học phổ thông không?


      Ở độ tuổi này, chúng ta còn có các thầy cô giáo cao tuổi và thi thoảng được gặp, được thỉnh giáo thầy cô thì thật là quý hóa!


-          Ở nhà cũng như ở cơ quan, em vẫn hay bị anh chị em chê là nói “quê “ quá. Vẫn nói: canh lạt muối, vẫn nói: cho ba môi canh, vẫn nói: dưng mà, cái đồ ăn sẫn,  thi thoảng vẫn ngọng L, N…


-          Em nhớ có lần đem rượu sakê- quốc tửu Nhật Bản về biếu thầy và các bác. Các cụ thưởng thức rồi phán:- Sao nó như dấm bỗng ấy nhỉ? Không thể bằng cái anh “quốc lủi” Việt Nam! (Quê  anh Khánh có ăn dấm bỗng không?)


Cái từ “quốc lủi” mà anh nhớ ra và đưa vào comment rất hay!



Từ: KhanhT
12/01/2011 21:54:52

“Xin mời tất cả các ông uống chén rượu lạt! (rượu nhạt)


“Nghe lời bác tôi múc liền hai môi canh bí đao (hai muôi)


Mình cứ nghĩ qua khỏi cái đèo Ba Dội (một đèo, một đèo lại một đèo) của bà Xuân Hương thì tiếng nó khác đi, ai dè dân Ninh Bình vẫn gọi là rượu lạt với lại cái môi ! lạt, môi ấy là tiếng xứ Nghệ nhà choa. Rượu thì ở đâu cũng nút lá chuối.


…các cụ phải đi bộ 25- 30 cây số xuống vùng Kim Sơn mua rượu về uống. Hình như chính sách cấm rượu có được nới lỏng ở vùng công giáo này.”  Thầy học cấp 3 của tôi cũng quê ở Kim Sơn, ngày xưa Thầy học ĐHTH Hà nội, khoa văn, đang là sinh viên mà Thầy cũng dính vào NVGP, thế là không học văn nữa, Thầy chuyển sang học sinh vật, tốt nghiệp Thầy được “phân công” về dạy cấp 3 Trường huyện tôi. Thầy trở thành bạn vong niên với Cha tôi, cũng là một thầy giáo Trường Collège de Vinh “lưu dụng”, có lẽ cùng hoàn cảnh éo le. Hai vị cũng hay “rượu quốc lủi” với nhau cả cái thời chiến tranh còn cấm gắt ấy.  Nay thầy rất già rồi, hiện vẫn sống ở Kim Sơn, thỉnh thoảng anh em chúng tôi học sinh cũ của Thầy vẫn về quê thăm Thầy. Và đến chơi là Thầy mời rượu bằng nậm nút lá chuối.