NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Mùi cỏ cháy
Ngày đăng: 08/05/2012 09:03:01

Không còn đạn, dương lê xốc tới...

     Tối 01/5/2012 vợ chồng tôi đến Trung tâm chiếu phim quốc gia xem phim Mùi cỏ cháy. (Biên kịch: Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Đạo diễn chính: Nguyễn Hữu Mười). Con trai tôi mua vé xem phim tặng ba mẹ. Mấy năm trước cả nhà tôi đã đến Nghĩa trang Đường Chín, Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Thành Cổ thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất này. Con trai tôi chăm chú xem các sơ đồ, các sa bàn về các trận chiến khốc liệt năm 1972, đặc biệt những vị trí mà đơn vị ba nó chốt giữ.  

 

     Trong các phim về chiến tranh của Việt Nam tôi đã xem (như Hoa ban đỏ về chiến dịch Điện Biên Phủ, Đừng đốt được dựng theo cốt truyện của Nhật ký Đặng Thùy Trâm…), Mùi cỏ cháy đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

     Mùi cỏ cháy là bài ca bi tráng về những người lính trong 81 ngày đêm nơi Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 rực lửa. Mùi cỏ cháy đã dẫn dắt người xem theo số phận của 4 anh lính trẻ Hoàng, Thành, Thăng, Long - những trai tân trước khi nhập ngũ đã ra công viên chụp một bức ảnh kỷ niệm, nghịch ngợm tranh nhau đặt tay vào bầu vú nở nang của bức tượng cô gái đang đọc sách. Họ là những người lính- sinh viên cùng trang lứa với nhiều người KGU chúng ta. Những năm 1970- 1971, miền Bắc dường như đã cạn người trẻ, khỏe. Chính quyền gọi nhập ngũ những sinh viên đang học năm thứ hai, thứ ba. Các tân binh này được huấn luyện cấp tốc và được tung ngay vào chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị.

 

     Có thể chia phim thành 2 nửa: Nửa đầu nói về thời gian những người lính huấn luyện trên đất Bắc và hành quân vào Quảng Trị. Nửa sau mô tả chiến trận vô cùng khốc liệt: Lính dù của chính quyền Sài Gòn với sự chi viện hỏa lực tối đa của pháo binh và không quân dồn sức tấn công để cắm cờ trên Thành cổ Quảng Trị; quân ta chỉ với những khẩu súng bộ binh, không đủ cơ số đạn tối thiểu phải căng người ra giữ Thành Cổ.

 

      Hàng loạt cảnh đau thương, bi tráng diễn ra: những thân người bị bom đạn băm nát khi vượt sông Thạch Hãn sang Thành Cổ trong tiếng gọi “Mẹ ơi” xé lòng; lính dù phía bên kia dàn hàng ngang theo sau xe tăng, xe bọc thép hết đợt này đến đợt khác bền bỉ tấn công quân ta; quân ta hết đạn, không có quân tiếp viện, chỉ còn cách dương lưỡi lê lao vào kẻ địch; một chiến sĩ bị thương, hai mắt bị băng kín vẫn lao ra phía trước hỗ trợ đồng đội; chàng trai lần đầu ra trận sợ rúm cả người khi chứng kiến cảnh đầu rơi, máu chảy định tháo lui; lính ta trên đường khênh những bao xác tử sĩ đã trúng pháo bầy, pháo chụp của địch; các chiến sĩ chôn cất nhau trong cơn mưa tháng bảy xối xả, chôn cất đối phương chu đáo; các tử sĩ vừa được chôn cất đã bị bom đạn hất tung, xé nát…

 

      Trong phim ta gặp Thành, một anh lính vui tính hay hát chèo, luôn ân hận vì những lỗi lầm đã làm mẹ giận trước đây, day dứt vì khi mẹ giận lại không chịu nằm yên cho mẹ đánh.  Bây giờ ở giữa chiến trường, anh ước mong lắm chóng đến ngày trở về được nằm xuống để mẹ đánh cho một trận thật đau.

 

      Còn chàng Long, người trước giờ nhập ngũ đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ ra tòa ly hôn nhưng vẫn  hy vọng bố mẹ sum họp nên đã chạy về nhà xếp hai cái giường ly thân làm một và mang theo ra trận tấm ri-đô ngăn đôi căn phòng nhỏ. Trong giây phút sắp từ giã cõi đời, anh đã được gối đầu lên tấm ri-đô đó. Anh đã vĩnh viễn nằm xuống dưới bùn lầy Quảng Trị, mang theo ước mơ về một tương lai sum họp gia đình, mang theo cả khát vọng tình đầu vừa chớm nở bên bờ giếng với một cô gái có vẻ đẹp bình dị, mặn mà trong những ngày anh tạm nghỉ tại nhà dân giữa chặng đường ra trận.

 

       Thăng mang bóng dáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, viết nhật ký miệt mài với những dòng tiên tri tháng 4/1975 sẽ là ngày toàn thắng. Khi lao ra sông Thạch Hãn cắn răng vào dây điện nối liên lạc cho đài chỉ huy, anh đã bị địch xả súng giết chết. Hoàng chàng thi sĩ đem theo chú ve con của tuổi thơ trong suốt chặng đường hành quân….

Hát chèo giữa chiến trận

       Trong phim có những khoảng lặng hiếm hoi, quý giá của người lính trên đường hành quân gian khổ và trong cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Có chàng trên đường ra trận vẫn say sưa chơi đánh trận giả với trẻ em nơi đóng quân bằng những khẩu súng làm từ sống tầu lá chuối. Khi chia tay, người lính đã chia những hòn bi cho bọn trẻ. Những chàng lính trẻ non tơ chưa dứt khỏi tuổi thơ hồn hậu mà.  

         Giữa bom rơi, đạn nổ ta vẫn được nghe tiếng rền rã của chú ve kim, tiếng cọ cánh của chú dế mèn, vẫn thấy những viên bi ve giấu dưới đáy ba lô.  Lời hò hẹn với cô gái nơi giếng làng trong tiếng ghi ta bập bùng “Anh sẽ về!”, “Anh sẽ về!”, điệu chèo cổ giữa hoang tàn trận mạc, tiếng đọc thơ giữa trùng trùng bước chân về phía trước:“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc... sao mà da diết. Cảnh các chiến sĩ ta khi nhặt được tấm ảnh người mẹ của đối phương đã rất đau xót vì con của người mẹ ấy ra đi mà không có ngày về. Rồi cảnh chú ve sầu trên ngực người lính vừa ngã xuống. Người lính từ giã cõi đời, chú ve sầu chết. Người lính ấy, trong ký ức chúng ta cứ mãi mãi tuổi đôi mươi. 

 

Chia tay với người yêu

 

        Rồi lời huấn thị của Đại đội trưởng Phong, khi đứng trong đội hình tân binh “Kiến cắn không được gãi, con gái đi qua không được nhìn”, nghe thật kiên quyết, dõng dạc, nhưng khi hai cô gái thắt đáy lưng ong, vai quàng súng trường đạp xe qua, tất cả những chàng lính trẻ và người chỉ huy từng trải đều ngước mắt nhìn! Đó là những khung hình đẹp, lay động lòng người. Những tình cảm sâu nặng, nhân ái, nhân văn lấp lánh trong trái tim người lính là hành trang thiêng liêng, là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn giúp họ vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, khốc liệt.

 

        Vợ chồng tôi rất xúc động khi xem phim này. Chúng tôi đã lặng đi, nấc lên. Mắt chúng tôi đỏ hoe, ngấn lệ. Thương lắm, nhớ lắm những đồng đội của tôi đã ra đi mãi mãi khi mới bước vào tuổi mười chín, đôi mươi ở chiến trường Quảng Trị vào năm 1972 rực lửa ấy!

        Cám ơn nhà biên kịch, cám ơn các đạo diễn, các diễn viên và cả đoàn làm phim đã cho tôi xem một bộ phim chân thật về cuộc chiến đã qua.

        Tối hôm qua, vợ chồng tôi ở nhà trông cháu để con trai và con dâu đi xem Mùi cỏ cháy.

Thả hoa tri ân

 

 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 10 của tổng số 17 Comments


Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>

Từ: HanhLM
21/05/2012 07:57:41

Cúc à, cám ơn em đã giới thiệu một số phim về đề tài chiến tranh cho anh Nghị.


Cũng xin "bật mý" với em là nhà anh chị gần Trung tâm chiếu phim quốc gia (theo cách nói của cu Nhốp nhà chị là "nhà mình xa Chợ trời, gần trung tâm văn hóa") nên hầu như có phim nào mới của Việt Nam là con trai mua vé cho cả nhà đi xem. Vì thế những phim em kể thì anh chị đều đã được thưởng thức ngay khi vừa được trình chiếu, trước khi chúng được giải này giải kia, em ạ.



Từ: CucNT
20/05/2012 16:34:19

Em rat hay xem phim ve chien tranh nhung chua duoc  xem phim "Mui Co chay". Cam on anh Nghi da giup em hinh dung bo phim nay. Luc nao chieu o TP. HCM em se di xem.


Em da xem phim "Dung dot".


Anh Nghi xem "Ao lua Ha Dong", "Doi cat " di nhe! Em co phim "Doi cat', neu khong ra rap, em se gui buu dien cho anh.



Từ: VinhDT
19/05/2012 20:21:59


Vợ chồng tôi cũng được mời đi xem phim Mùi Cỏ Cháy, buổi giới thiệu phim giải Cánh diều Vàng. Khi giới thiệu phim nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói: những người đã hy sinh sẽ không chết nếu họ vẫn sống trong lòng chúng ta. Đấy là những người cùng lứa với chúng tôi đã hy sinh. khi 4 chàng trai Hà Nội nhập ngũ tháng 9-1971, đúng thời gian khóa 77 chúng tôi bước chân vào giảng đường trường Tổng hợp Kishinhop. Một đại đội 107 cậu lính trẻ, qua sông Thạch Hãn dưới bom đạn, sang bờ bên kia còn 49 người. Cuối phim  câu thơ của Lê Bá Dương vang lên như tiếng vọng:


  "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ


  Đáy sông còn đó bạn tôi nằm


Có tuổi 20 thành sóng nước


 Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm..."


Chúng tôi khóc mãi. Một bộ phim về đề tài chiến tranh rất cảm động.




Từ: NghiPH
12/05/2012 17:28:01

Bài thơ còm của Lý có những tứ thơ lạ và hay.


Giữa mịt mù bom rơi, vẫn còn đó ngọn cỏ gượng dậy dáng gầy nhìn bão lửa với đôi mắt xanh huyền ảo.


Nhiều năm qua đi, đất mẹ cỏ đã mọc xanh, hoa nở bốn mùa. Anh đi giữa khung cảnh yên bình ấy sao lại nhận ra Mùi cỏ cháy đâu đây.


Không phải mùa hè nhưng sao anh vẫn nghe thấy tiếng ve râm ran.



Từ: LyTM
12/05/2012 11:31:59

Sao lại thế, bom nổ cày mặt đất,


để lửa lan cháy ngút những mầm cây,


ngọn cỏ sớm qua còn gượng dậy dáng gầy,


nhìn bão lửa với mắt xanh huyền ảo!


Sao lại thế, tuổi xuân tràn vai áo,


ngước vội nhìn ngan ngát một trời thương,


con ve sầu còn đó vấn vương,


và mảnh áo ai cháy trong bom nham nhở!


Sao lại thế, để người xa nức nở,


còn cái nhìn vụng dại lúc chia tay,


và quyển sách xưa ai vẽ cánh chim bay,


cháy nham nhở, không một lời ly biệt!


Sao lại thế, hỡi chàng trai thuần khiết,


yêu tuổi thơ, viên bi nhỏ còn lăn,


đời mẹ nghèo, dế mèn gõ âm thanh,


Vẫn non nỉ, trong đêm trường xa nhớ!


Sao lại thế, ly biệt đời sách vở,


đất mẹ đau nghiền nát dưới bom thù,


súng dương lê và tuổi trẻ thiên thu


anh ngã xuống cỏ cháy mùi tuổi trẻ!


Anh đã xa, chỉ còn đây đất mẹ,


cỏ đã xanh và và hoa nở bốn mùa,


còn một góc xưa bom cày nát giấc trưa,


ai đau đớn thương sao Mùi cỏ cháy!



Từ: NghiPH
11/05/2012 18:52:08

Chị Ngô Thị Thúy Hằng- Phụ trách trang nhantimdongdoi.org có viết:


 


Cảm ơn các anh chị KGU đã đăng bài viết về bộ phim Mùi cỏ cháy.


Cám ơn chị Khuất Minh Hoa đã mua vé cho em đi xem phim.


90 phút của bộ phim đã lấy nhiều nước mắt. Nước mắt cứ tuôn trào, tim thắt lại, cổ nghẹn đắng.


Bốn gương mặt non tơ- đại diện cho cả một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, gửi lại bao thương nhớ ở hậu phương, ở Thủ đô.


Ba chiến sĩ ấy đã ngã xuống trong lòng Thành Cổ…



Từ: ChiNB
11/05/2012 15:04:48

Ngồi xem “Mùi cỏ cháy” tâm trạng chị cũng run lên, nghẹn lại và nước mắt tuôn trào. Chiến tranh quá khốc liệt với toàn thể dân tộc mình nói chung và với những thanh niên - những sinh viên chỉ quen cầm bút và đọc sách nói riêng. Trong Phòng chiếu phim số 5 của Trung tâm chiếu phim Quốc gia, lượng khán giả chỉ khoảng 1/3, không đông như những phim đang “hot” nhưng tất cả đều thực sự xúc động. Bộ phim phản ánh khá chân thật những sự kiện khốc liệt, những tâm tư, tình cảm, hành động của những sinh viên trẻ: hăng hái, nhiệt huyết, tình cảm, lãng mạn, vô tư nhưng cũng có lúc sợ hãi giữa chiến trường - đấy là chuyện bình thường, ai mà không sợ, không ghét chiến tranh? Xem phim chị thật sự cảm phục những người lính KGU đã có mặt trong đội ngũ chiến trường lúc đấy. Cám ơn Nghị đã giới thiệu về bộ phim và đã mô tả rất hay trên blog của mình.



Từ: NghiPH
11/05/2012 07:49:15

Anh Minh ơi! Một bạn KGU chưa đăng ký thành viên Studentkgu.vn sau khi xem phim Mùi cỏ cháy đã nhắn tin cho em: Xem phim em thấy thương quá, sợ quá, mặc dù em biết rằng sự thật còn khủng khiếp hơn thế nhiều. Sự thật của chiến tranh lần đầu được phơi bày trần trụi như nó vốn vậy. Dù phim rất hay nhưng em không dám đi xem một lần nữa đâu.


Chính người con gái KGU này đã không ngại gian khổ, vất vả, bền bỉ trong nhiều năm đi tìm hài cốt anh trai hy sinh ở chiến trường Thừa Thiên- Huế. Chị đã leo đèo, vượt suối, băng ngàn như một người lính thật sự. Chị đã đưa các đồng đội của ông anh đi tìm đồng đội trên chiến trường xưa. Và cuối cùng, chị đã tìm thấy nơi người anh trai hy sinh bên một thân cây đổ chắn ngang đường mòn…Tôi thật sự khâm phục chị.


...Mùi cỏ cháy, đúng là một bộ phim đáng xem, anh Minh nhỉ!



Từ: MinhCK
11/05/2012 06:18:11

Nghị ơi ! Anh chị vừa xem phim "MÙI CỎ CHÁY" tối qua, cảm động, quá ác liệt. Phải chăng chiến tranh là như thế. "Mùi cỏ cháy" tối hôm qua đã để lại nhiều suy nghĩ trong thế hệ anh em mình, thế mới thấy chiến tranh đau thương và ác liệt thật. Bây giờ nhà nước mình mới cho làm những bộ phim như thế này, cũng hơi muộn nhưng (nói thật) - rất cần thiết. Nó hơi nặng nề một chút nhưng có lẽ đã phản ánh được 70 - 80% cái ác liệt, cái tàn nhẫn, cái đau thương của cuộc chiến này. Nếu ai chưa xem cũng nên đi. Phim nói về thế hệ những người lính của chúng tôi. Năm 1967 đi bộ đội chúng tôi có nghĩ mình đc đi học đâu. Nhận quần áo xong, cũng balo trên vai, cũng đi bộ một quãng đường dài gần 40 km, cũng đủ mọi chuyện như phần 1 của bộ phim....  Rất tiếc rồi cũng có thể là may mắn mình mới sống được đến ngày hôm nay. Cuộc đời mà đúng không các bạn. Một bộ phim đáng xem.



Từ: NghiPH
10/05/2012 23:24:31

Nghe NgọcNT thông báo: Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười là ông xã của Đỗ Thu Thuỷ, Luật Kis khoá bọn em- 93 đấy, anh cho rằng, nếu vào một buổi nào đó, anh chị em Hội KGU mời được đạo diễn Hữu Mười đến nói chuyện về phim Mùi cỏ cháy và dự định tiếp tục làm phim về chiến tranh của ông, thì rất thú vị. Em NgọcNT tìm hiểu xem có thể mời được đạo diễn Hữu Mười không? 




Trang:  1 | 2 | Tiếp theo >  Cuối cùng >>