|
|
NghiPH
Bạn đã đọc cuốn Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân chưa? Đây là cuốn nhật ký do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2005. Tôi đã đọc liền một mạch cuốn nhật ký này. Đây là những trang viết của một con người, một chiến sĩ có tình yêu mãnh liệt với gia đình, với quê hương đất nước. Đọc hồi ký của anh, tôi cảm nhận một tâm hồn trong trẻo, trẻ trung, sôi nổi, đầy nhiệt huyết với sự nghiệp giải phóng đất nước.
Mỗi người có cảm nhận riêng khi đọc cuốn hồi ký này. Xin giới thiệu với anh chị em một số đoạn mà tôi đồng cảm nhất.
. Sợ sớm bị hy sinh
“Mình sẽ chiến đấu cho thật tốt, có mất mạng mình thì sẽ cũng phải đổi lấy vài ba mạng Mỹ đã, chẳng có gì đáng sợ lắm. Người ta đánh được, mình cũng đánh được thôi. Quý hồ đừng có mà chết sớm quá, phải khôn, phải cho thật nhanh nhẹn, tháo vát, ít nhất cũng phải được vài ba trận đã chứ. Có lẽ nào mới chỉ trận "đụng độ" đã quy tiên, đã "ngoẻo" rồi!”.
Anh Lân ơi! Anh đã nghĩ hệt như tôi trên đường vào chiến trường.
Người ta oánh được thì mình cũng oánh được. Nhưng đừng ngoẻo sớm quá. Sợ nhất là chưa bắn được viên nào đã trúng đạn lăn kềnh ra rồi!
. Nhớ về những người thân yêu để ta vững tin hơn
“Ở đây, những ngày căng thẳng nhất, con đã viết nhật ký vào một tập pôluya gấp nhỏ. Con muốn kể lại những gì con đã thấy, những cảm nghĩ và lòng quyết tâm chiến đấu của con đến hơi thở cuối cùng. Cũng là bản “di chúc” dặn dò, nếu nhỡ con có hy sinh, người ta sẽ gửi ra cho ba mẹ. Con mang đi theo hai chiếc ảnh, một cái chụp ba, con và em Ly, một cái chụp ba, con và em Phượng (cái này đã mất ở trong Nam) để xem cho đỡ nhớ. Lúc nào con cũng giở ảnh ra xem và mỗi lần như vậy, ruột gan bị cồn cào quá chừng. Những lúc chờ địch lên, ngồi trong công sự, con nhìn ảnh và thầm gọi tên từng người, trong bầu không gian tĩnh mịch, cái xú khí nặng mùi chết chóc, con thường tự hỏi và tưởng tượng ra: lúc này, ba đang làm gì? mẹ đang làm gì? các em đang làm gì?... …Có những đêm trăng, đứng gác, pháo sáng địch lơ lửng xa xa, sóng biển vỗ ầm ầm, con chim biển lạc lõng kêu trong một bụi dương nào đó, lòng con như thắt lại, con nhớ nhà vô cùng!”
Ai mà biết được lúc nào ta sẽ chết. Ta viết nhật ký như là viết di chúc.
Lúc chờ địch tràn lên, người chiến sĩ nhìn vào tấm ảnh mang theo và thầm gọi tên từng người thân yêu trong gia đình.
Hướng về những người thân yêu trong những lúc chờ đợi căng thẳng trước những trận chiến khốc liệt để ta vững tin hơn.
Anh chị em có thấy không người chiến sĩ ra trận rất lãng mạn. Anh tả một đêm trăng sáng rất mộng mơ: Pháo sáng địch lơ lửng xa xa, sóng biển vỗ ầm ầm, con chim biển lạc lõng kêu trong một bụi dương nào đó…
. Một trận đánh khốc liệt
«Lúc căng thẳng nhất đó, con vẫn bình tĩnh lắm. Biết là sẽ rất ác liệt, và cũng có thể sẽ chết ở đây. Nhưng không phải vì hiểu thế để mà dẫn tới chỗ lùi bước, hoảng sợ. Đàng hoàng lắm, giờ nghĩ lại con vẫn thấy buồn cười và có chút tự hào về con: tự thưởng nhiều quấn thuốc lá hút sau một đợt tấn công của địch. Máy bay sà sát ngọn tre, kêu gọi "hồi chánh với chính phủ", con liền giơ súng lên, ngắm và làm cho một loạt. Nhưng rồi cái lo sợ nó đến ngay, anh em chúng con thay nhau chết và bị thương. Số người còn ở lại tuyến trước rất ít, đạn bắn đã bắt đầu thấy lẻ tẻ rời rạc... Một đồng chí phụ trách B41 bị pháo làm lòi ruột. Con trông thấy, cuống cả lên, nếu bỏ súng mà chạy tới băng cho đồng chí đó thì nguy hiểm vô cùng. Con là chủ chốt nhất vì lúc này, chỉ có loại súng của con mới phát hỏa mạnh được. Nhưng rồi con cũng trườn tới băng, băng một cách vội vàng. Sau này đồng chí đó cũng hy sinh nốt. Vết thương quá nặng và máu ra quá nhiều. ….Vắng lặng quá! Con lang thang hết hầm này sang hầm nọ, lần theo vết máu đã khô của mấy đồng chí thương binh trước đã lùi vào đây. Gọi xuống từng hầm một xem có bộ đội không, nhưng chẳng hề có lấy một tiếng đáp. Lang thang như vậy trong trạng thái hết sức cô độc, vắng vẻ đã làm con cảm thấy sợ. Té ra con là người cuối cùng còn sót lại đây». Trong một trận đánh, lính Mỹ và lính của Quân lực Việt Nam cộng hòa với sự yểm trợ đắc lực của không quân, hải quân, pháo binh tấn công quyết liệt quân ta.
Đơn vị của anh Lân hy sinh và bị thương gần hết, chỉ còn 2 người: Tiểu đội trưởng và Hoàng Thượng Lân. Anh đã bình tĩnh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quả lựu đạn cuối cùng và lăn ra bất tỉnh vì quá mệt mỏi và do máu từ vết thương chảy ra rất nhiều. Tỉnh dậy, anh đi tìm đồng đội. Không thấy một ai. Cả một không gian vắng lặng. Anh rơi vào trạng thái cô độc và cảm thấy sợ. Lúc ầm ầm đạn bom ta đâu sợ.
Lúc vắng ta lại sờ sợ. Thế mới là Người, anh Thượng Lân ơi!
. Chiến trận nơi thử thách bản lĩnh con người
« Chỉ vài ba cá nhân còn rớt lại là làm hại đơn vị: T. - một thằng ba hoa, lắm mồm nhất - vào đây hóa ra nhát như một con gián. P. cảm tình Đảng, ở ngoài Bắc ai cũng phục về tài nói, tài làm; nhưng khi vào đây, ranh giới giữa cái chết và sự sống xích lại, P. đã nằm lì, kêu đau và xin ra Bắc... ».
Nhiều khi giữa lời nói và việc làm không đi liền với nhau. Người ta có ai giống ai đâu. Vì vậy, quân đội mới tổ chức ra các đơn vị thu dung để thu gom một số anh em sợ ra trận đi trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Những anh em này cũng đã làm những công việc có ích phù hợp với tạng người của mình. . Những cái chết bất ngờ
“Cái chết đến nhanh và bất ngờ vô cùng, không làm sao mà có thể biết nó sẽ đến lúc nào cả.
Dạo này địch đánh phá mạnh. Pháo biển Cửa Việt, Dốc Miếu, Cồn Tiên... bắn tung tóe khắp mọi nơi. Lân còn sống, đang và đã quen với bom đạn lắm rồi. Trúng thì chết thôi! Chẳng sao cả!
Đồng chí Việt hy sinh vì pháo đêm 6 tháng 10. Lúc pháo bắn cấp tập, Việt còn đùa bỡn, chửi tếu: "Ngu! Bố đây mà sao bắn mãi không trúng?". Vừa dứt lời, chẳng may một quả khác bay đến trúng giữa hầm.
Đồng chí Vĩnh B trưởng B1 đã hai năm ở chiến trường. Đánh đã nhiều trận mà không hề xây xát lấy một miếng da. Đêm 9/10, đi địa hình thôn 8 với Kịa, bị phục kích, Kịa chạy thoát, còn Vĩnh bị trúng năm viên đạn "cực nhanh", chết. Tội nghiệp! Hôm hành quân vào Nam, dọc đường ở Vĩnh Thành, Vĩnh tình cờ gặp người yêu. O ấy tặng cho Vĩnh một chiếc khăn mùi xoa mới, thêu khá đẹp và hẹn: "Khi quay ra, phải nhớ vào nhà em đã nhé!".
Hồi ở chiến trường giữa tiếng bom rơi đạn nổ ầm ầm, lính tráng chúng tôi đã từng tếu táo: Trúng này ! Quả này trúng này ! Bố mày ở đây mà đ. biết à!
. Những giờ phút ngắn ngủi được ngồi bên những người con gái
« …Mấy o kể chuyện về một mối tình của anh ả nọ ở trong Vĩnh Sơn thật keo sơn thắm thiết. Nhưng rồi ả nọ bỗng chẳng may trúng bom, cụt mất một chân. Anh nọ đã xa lánh ả và bỏ hẳn. Kể xong, o Kính ngẩng mặt nhìn mình, thở dài, lắc đầu, kết luận: "Các anh là một lũ vô đạo đức!".
Mình không chịu, ngồi bịa ra, kể cho mấy o nghe về sự phản bội của đằng phụ nữ và cũng kết luận: "Đàn bà các o thật là một giống dã man !!!".
O Cường quê ở Vĩnh Tú, trắng trẻo, đẹp mặt, đẹp người. Vui tính và có học thức, tế nhị trong khi nói năng cười cợt. Có lúc mình nghĩ thầm, giá đừng có chiến tranh, mình sẽ "xách" o ta ra ngoài đó, chắc "ông bô bà bô" mình chẳng thể chê lấy được một câu nào! Cường cứ đòi nhận làm "chị", và đòi "út" Lân làm em để: "Ả có trách nhiệm lo lắng cho tương lai của út. Út có thiếu thốn gì, cứ bảo với ả sắm sửa cho!". Và Cường căn dặn mình: "Út đừng đi "cưa" (tức là tán tỉnh) kẻo khổ chị. Cưa lắm hàng xóm họ chê bai là chị không biết dạy dỗ em!".
Mình giả bộ thật thà, như một đứa em ngoan, nói: "Vâng ạ, chị dạy đúng. Út sẽ nghe lời chị, út chẳng đi cưa ai đâu. Khi nào buồn, út chỉ tìm đến chị chơi cho đỡ buồn thôi!". Mình nhấn rõ câu "Chỉ tìm đến chị chơi thôi" một cách thích thú.
Cường bụm môi lại, lườm mình, rồi bất ngờ cười phá lên, trong trẻo ».
Anh Thượng Lân ơi! Đây đúng là những giờ phút thần tiên.
Được ngồi kề bên các o trong nớ. Được các o truyền cho hơi ấm. Được hít hà cái mùi con gái. Được nghe giọng nói trong trẻo của các o. Được tán đủ chuyện trên trời dưới bể với các cô gái xinh ơi là xinh! Những giờ phút ta sống như trong mơ!
. Hoàng Thượng Lân ơi, anh là ai?
Hoàng Thượng Lân (tức Lâm) sinh năm 1946 tại Hà Nội. Là một người tài hoa, anh chơi thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ: ghi-ta, sáo, kèn ácmônica... Ngay từ nhỏ, cậu bé Lân đã nhiều lần đoạt giải cuộc thi vẽ tranh quốc tế tại Ấn Độ và Ba Lan. Nguyên là sinh viên của Trường Mỹ thuật Hà Nội (bạn cùng trang lứa với các họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng,...), Lân xung phong vào bộ đội tháng 7.1967. Sau 3 tháng huấn luyện tại Hòa Bình, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 395, thuộc Sư đoàn 320B và hành quân vào chiến trường miền Nam.
Đầu năm 1968, đơn vị của Lân đã vào đến Vĩnh Linh, sau đó thì sang hẳn với đồng bào Gio Linh - Cam Lộ để bám dân, chống càn và giữ đất. Đó là một địa bàn vô cùng ác liệt. Máy bay địch quần đảo suốt ngày trút bom đạn. Các trận địa pháo của chúng từ các tàu chiến ngoài biển, từ các căn cứ trên đất liền luôn sẵn sàng dội xuống bất cứ lúc nào. Đơn vị của Lân được trang bị chủ yếu là các loại vũ khí hạng nhẹ (các loại súng bộ binh như AK, B40, DKZ...), nên họ phải ngồi trong hầm cát, lăn lê, bò, trườn dưới cái nắng đổ lửa của vùng "gió Lào cát trắng" chống lại với các loại xe tăng, đại bác và máy bay hiện đại của kẻ thù...
Chàng trai Hà Nội tài hoa Hoàng Thượng Lân vốn chỉ quen vẽ tranh, chơi đàn, thổi kèn... đã trực tiếp tham dự hàng chục trận đánh đẫm máu với bọn lính Mỹ - ngụy. Tiêu biểu như trận chống càn ở Đại Độ (Cam Lộ) bên sông Cửa Việt, suốt ngày quần nhau với giặc, cả đơn vị thương vong hết, chỉ còn một mình Lân; anh bị thương, đi lạc đường nhưng tối đến vẫn tự dò đường để trở về hậu cứ... Sau trận đánh này, anh đã được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và Huân chương Chiến công giải phóng. Ba tháng sau, Lân bị thương lần thứ hai trong một trận đánh ở Mai Xá (Gio Linh)... Đầu năm 1970, Hoàng Thượng Lân được ra Bắc an dưỡng. Tiếp đó, anh được đi học Trường Bồi dưỡng văn hóa thuộc Bộ Tư lệnh Công binh để thi vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. Nhưng sau đó Hoàng Thượng Lân đã có một quyết định khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và không ai ngăn cản nổi: Xin được lại vào chiến trường B! Vậy là, tháng 4.1971, một lần nữa Hoàng Thượng Lân vượt Trường Sơn vào chiến trường!
Ra trận chiến đấu vì quê hương đất nước đã trở thành lẽ sống của anh!
…Tháng 10.1971, trong một lần vượt sông Xê Băng Hiên đi làm nhiệm vụ, Hoàng Thượng Lân mang theo tập bản thảo mới viết định gửi ra Hà Nội, nhưng khi anh còn đang bơi giữa dòng, thì một loạt bom B52 dữ dội của kẻ thù đã trút xuống... Mộ của anh được đồng đội đặt trên một quả đồi cao, gần binh trạm, sau đó được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. …Có thể nói, những người lính Quảng Trị lúc bấy giờ đặc biệt quý trọng Hoàng Thượng Lân và coi anh như một người "Anh hùng" của những người lính sinh trưởng ở Hà Nội, không những vì phong thái hào hoa, phong nhã cùng những tri thức hiểu biết của Lân mà cái chính là vì cách đánh trận quá dũng cảm của anh. Có những trận, Hoàng Thượng Lân bật dậy từ chiến hào, tay vác súng máy RBD lao thẳng về phía địch, vừa chạy vừa bắn rất dũng mãnh, bất chấp việc có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Chính vì cách đánh trận dữ dằn, quá dũng cảm như vậy nên đồng đội ngày ấy thường gọi anh là "đại ca".
Một trong những bức ký họa của Hoàng Thượng Lân
|