|
|
Nhớ chuôm quê…
Một phần tuổi thơ tôi gắn với chuôm quê.
Ven các chân núi Nương Sơn, Nà Mả, núi Voi, núi Ngậu, núi Đầu Gai... có khá nhiều chuôm. Không biết các chuôm ven chân núi ở quê tôi có từ thời nảo thời nào. Chỉ biết tôi ra đời thì đã có chúng rồi.
Chuôm là cái ao được đào ở ven chân núi. Các bậc tiền bối từ lâu đã biết chọn những nơi có địa thế đẹp để đào chuôm. Chuôm được tạo ra giữa cái hòn đá mới nên thơ. Có lần, tôi được các cụ già kể lại rằng, vào mùa nước cạn, sau khi đã tìm được nơi vừa ý, người ta đắp bờ tát cạn nước rồi đào chuôm. Đất đào lên được đắp thành bờ chuôm và cũng là nơi trồng cây ăn quả, cây lấy bóng mát. Sau khi đã đào sâu khoảng từ 1,5 m đến 2,5 m các cụ đã dựa vào thế của những hòn đá, hốc đá có sẵn, kê thêm hoặc sắp xếp lại thành chỗ đứng tắm, thành các hang để cá, tôm trú ngụ. Các cụ còn thả vào trong các hang đá gốc cây xù xì, cành cây để làm chà cho cá tôm. Sau vài ngày nước được tháo vào chuôm.
Không có chuôm nào giống chuôm nào. Chuôm ông Hát được kê những hòn đá rất nhẫn nhụi. Chuôm ông Liểu có cây cối bao quanh rất um tùm. Chuôm ông Biểu Kỳ có rất nhiều hang hốc. Có chuôm do nước rất trong mát và con gái thường đến tắm nên được gắn với tên Chuôm Tiên. Có chuôm có những mỏm đá hình thù kỳ quái nên bị gọi là Chuôm Ma…
Chuôm luôn là nơi tắm tiên lý tưởng của những kẻ chăn trâu chúng tôi sau những trận bắn nhau nổ trời hay sau những keo vật gay cấn. Được ngâm mình trong làn nước trong mát đúng là sướng hơn tiên.
Vào những năm hạn hán, chuôm chính là nơi lưu giữ nguồn nước quý hơn vàng. Khi ruộng lúa bị cạn nước, bà con nông dân dùng gàu tát nước từ chuôm ra ruộng.
Chuôm là nơi bảo tồn các loài thủy sản khi thời tiết khắc nghiệt. Vào những hôm trời rét dưới 10 độ C nếu không có chuôm thì nhiều loài cá sẽ bị chết cóng, nhất là các loài cá trắng. Vào hè, khi nhiệt độ lên đến 38-40 độ C, cá tôm "nhanh chân" chạy vào các chuôm trú ngụ để khỏi bị chết vì nước nóng bỏng.
Thi thoảng người ta có tát chuôm vào dịp Tết Nguyên đán. Có cái hay là bà con chỉ tát một vài chuôm chứ không đồng loạt tát tất cả các chuôm. Nếu tát tất cả các chuôm thì năm sau đồng ruộng quê tôi đâu còn cá tôm.
Thường các chuôm có rất nhiều ngóc ngách nên các chủ chuôm không thể bắt hết được cá. Vả lại, họ muốn cho chúng tôi những kẻ đi hôi cá kiếm được vài con để khi về nhà không bị mẹ mắng chăng?
Trong các chuôm có nhiều lăn, lác, có rong rêu, cây tóc tiên, có trang, có hoa súng. Các chú chuồn chuồn thường đậu trên các cành cây được thả làm chà trong chuôm. Tôi đã chứng kiến các chú cá nhảy lên đớp chuồn chuồn rất điệu nghệ.
Rong rêu, tóc tiên được chúng tôi lấy về nấu cám lợn. Còn hoa súng thì để ngắm chơi chứ không hái về nhà.
Nay con người sinh ra nhiều quá. Người ta đành phải lấp chuôm để dựng nhà. Một ít chuôm còn lại không được các con cháu chăm sóc nên dần dần đã bị đất lấp đầy. Không còn thấy tiếng ếch nhái kêu uôm uôm nữa. Những chú cá rô chuôm nay chỉ còn trong hoài niệm.
Còn đâu chuôm của tuổi thơ tôi…
|