|
|
(Xin có đôi dòng về tình trạng lạm dụng từ “khiêm tốn” hiện nay ở nước ta). Vừa rồi có trận bóng đá giao hữu quốc tế giữa tuyển Anh và tuyển Brazil. Tuyển Brazil nổ tưng bừng, tuyển Anh khiêm tốn. Ở ta, hoa hậu, người mẫu học hành kém nên bảng điểm khiêm tốn. Vòng một của cô ấy rất khiêm tốn. Cô ấy trả lời không hay vì khiêm tốn! Đi dự lễ cưới, thấy người ta phán: Chàng rể có chiều cao khiêm tốn! Cô dâu có sắc đẹp khiêm tốn! Xuất khẩu sang Mỹ la tinh của ta còn khiêm tốn. Vỡ đập thủy điện do chất lượng công trình khiêm tốn. Công việc bê trễ vì cán bộ, công chức, viên chức ta khiêm tốn quá. Lương thấp, ấy là lương khiêm tốn. Lúc đầu chỉ có ít người khiêm tốn, ít ngành khiêm tốn. Nhưng khiêm tốn là phong trào dễ lan rộng. Bởi vậy cho nên, bây giờ bài ca “khiêm tốn” được ca vang ở khắp nơi!
TB: Từ điển Tiếng Việt định nghĩa về khiêm tốn như sau:” Biết đánh giá cái hay của mình vừa phải và dè dặt”. (Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, HN-1997,tr.425). Cuốn Từ điển này đã cũ chưa?
Đồng chí Song Tùng, Đại sứ Việt Nam nhiều năm ở nước ngoài kể một câu chuyện về Bác Hồ liên quan đến đức tính khiêm tốn như sau: “Sáng ngày 23 tháng 7 năm 1957, trong bữa cơm thân mật, Chủ tịch nước Balan Davátski có hỏi Bác: “Thưa Chủ tịch, đồng chí là một người nổi tiếng về khiêm tốn . Vậy theo đồng chí khiêm tốn phải thế nào?”. Bác trả lời: “ Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam. Đối với bản thân bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Đối với đồng chí và bạn bè ai cũng là thầy học của mình phải học tập. Đối với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”. Theo cuốn Khắc sâu những lời Bác dạy” (Nxb Chính trị quốc gia, HN-2009, tr.56-57).
|