NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Về Hội nghị Trung ương 3 ĐCS Trung Quốc
Ngày đăng: 14/11/2013 00:09:04

Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc với những quyết sách quan trọng


Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 sau 4 ngày làm việc đã bế mạc ngày 12/11/2013 với việc thông qua nghị quyết xác định mục tiêu và nhiệm vụ cải cách sâu sắc, toàn diện ở Trung Quốc. Có 10 điểm quan trọng thu hút sự quan tâm của mọi người:
1. Đặt ra mục tiêu cải cách sâu sắc, toàn diện. 
2. Thành lập Tiểu ban lãnh đạo cải cách sâu sắc, toàn diện. 
3. Thành lập Ủy ban An ninh Nhà nước. 
4. Xác định vai trò quyết định của thị trường trong bố trí các nguồn lực (chứ không phải của chính quyền). 
5. Thực hiện cải cách sâu sắc thể chế tài chính và thuế. 
6. Tiến hành cải cách tư pháp, bảo đảm quyền độc lập theo pháp luật của thẩm phán.
7. Dành quyền tài sản nhiều hơn cho nông dân, trong đó có quyền sử dụng đất. Thống nhất thị trường đất đai đô thị với thị trường đất đai nông thôn.
8. Đổi mới thể chế giải quyết mâu thuẫn xã hội, các vấn đề xã hội, an sinh xã hội, chú trong an sinh xã hội đối với khu vực nông thôn. 
9. Xác định vạch đỏ bảo vệ sinh thái, coi trọng bảo vệ môi trường. 
10. Điều chỉnh cải cách sâu sắc thể chế biên chế quân đội. 

Hội nghị Trung ương 3 ĐCS TQ đã đưa ra giải pháp cốt lõi trong cải cách kinh tế- đó là xây dựng quan hệ thích hợp giữa nhà nước với thị trường, giao lại vai trò quyết định cho thị trường trong phân phối nguồn lực. Trọng điểm cải cách là hạn chế, xóa bỏ các doanh nghiệp độc quyền nhà nước, nới lỏng các hạn chế gia nhập thị trường, giảm bớt tỉ trọng kinh tế quốc hữu trong nền kinh tế quốc dân, thay đổi mô hình quản lý tài sản nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Chính quyền, trong đó có chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò khác đi so với các giai đoạn điều hành kinh tế trước đây. Các chính quyền địa phương sẽ phải nhượng bộ lợi ích cho khu vực thị trường. Vì vậy, một trở ngại có thể lường trước là sự không hợp tác của chính quyền địa phương, vì đây là chủ thể được nhắm đến cho cả lộ trình cải cách đất đai và thuế theo hướng dành cho thị trường quyết định.

Những cải cách "chưa từng có tiền lệ" này được thể hiện ở bản Kế hoạch 383 - vốn được đưa ra bởi rất nhiều think tanks (các nhóm nghiên cứu chính sách, sách lược phát triển kinh tế), kế hoạch cải cách có hai tác giả nổi bật nhất: Li Wei và Liu He. Li Wei từng là thư ký cho cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ - người được biết đến với những chính sách cải cách kinh tế mạnh mẽ. Người thứ hai là Liu He, người hiện là cố vấn kinh tế quan trọng cho Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bản kế hoạch này đề ra ba cải cách trọng tâm, đó là mở cửa thị trường, chuyển đổi vai trò của chính quyền và cải cách doanh nghiệp. Tiếp đó là tám lĩnh vực cần được xử lý, bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy cạnh tranh, cải cách chính sách đất đai, mở cửa khu vực ngân hàng ,trong đó tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái, cải cách hệ thống tài chính gồm cả thiết lập an sinh xã hội cơ bản, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ xanh và mở cửa khu vực dịch vụ. 

Trong số này, Kế hoạch 383 xác định cần phải đạt được ba đột phá quan trọng: 1. Hạn chế, gỡ bỏ các rào cản thị trường để thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy cạnh tranh; 2 Thành lập một gói chương trình an sinh xã hội cơ bản; 3. Cho phép mua bán đất đai, vốn là sở hữu công.

Cải cách chính sách về đất đai cũng là một nội dung then chốt của kế hoạch này. Kế hoạch 383 đề xuất quyền bình đẳng giữa dân thành thị và nông thôn trong việc mua bán đất đai công hữu. Điều này có nghĩa là đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước hay chính quyền địa phương, nhưng những ai đã thuê đất dài hạn có thể bán nó và thu lợi (mà đa phần lợi nhuận về đất đai hiện nay thuộc về chính quyền, quan chức chính quyền).


 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 4 của tổng số 4 Comments

Từ: ThongNV
24/11/2013 20:40:58

Điểm khác biệt cơ bản giữa TQ và VN là: TQ thực thi triệt để, VN thực thi nửa vời. Nhưng không phải nước nào trên thế giới cũng thích sự phát triển kinh tế kiểu TQ. Theo sự hiểu biết của tôi thì TQ đang phát triển kinh thế theo kiểu "tự ăn thịt mính" rồi nước này sẽ phải gánh chịu một hậu quả về môi trường không thể tưởng tượng được. VN cũng sẽ chịu ảnh hưởng vì ở cuối nguồn nước, có biên giới chung với TQ. 



Từ: Guest KhoaDT
14/11/2013 21:06:28
Trước cứ hay nghĩ là VN ta giống hệt Tàu, nhưng càng ngày càng thấy là không. Nếu như VN có được một kế hoạch "383" thì chắc lại sẽ "cải lương" hơn nhiều để các nhóm lợi ích lớn không bị ảnh hưởng. Triển vọng nước ta mãi sẽ nghèo và lạc hậu so với hàng xóm càng ngày càng trở nên hiện hữu. Người ta thường tìm cách đổ cho "cơ chế" là hòa cả làng !!!


Từ: CucNT
14/11/2013 17:32:46

Họ có cách làm rất đặc biệt nên ta còn phải học họ dài dài.



Từ: HaiHH
14/11/2013 08:34:08

Loài người biết đến một đất nước Trung Quốc vĩ đại. Theo dõi các bước đi của Trung Quốc thì nước nào cũng muốn. Thế nhưng học được Trung Quốc thì không dễ chút nào. Có phải chăng  do họ có vị trí địa lý, nền văn hóa, phong tục tập quán, cách nghĩ, cách làm rất đặc biệt? Cám ơn bác Tổng có được những thông tin rất hay về người anh em láng giềng rất gần gũi với Việt Nam.