NghiPH
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
Đình Thượng làng tôi
Ngày đăng: 11/07/2014 18:08:32

 

 phía bắc làng tôi- làng Thành Mỹ (trước đây có tên là Lực Giá) có ngôi Đình Thượng. Ngôi đình này ở rất gần nhà tôi. Nó vừa là đình vừa là đền. Gọi là đình vì đây là nơi xưa kia các chức sắc của làng họp bàn, quyết định các công việc của làng. Gọi là đền vì có thờ Đức Thánh Trấn- thành hoàng của làng và một vài vị khác mà tôi chưa có dịp tìm hiểu.

Xóm tôi nằm ở phía tây của đình/đền nên được đặt tên là xóm Tây Đình, còn bên kia là xóm Đông Đình.

Từ khi lên 5 tuổi cho đến khi đi bộ đội cuộc sống của tôi rất gắn bó với ngôi đình/đền này.

Như mọi ngôi đình/đền khác, ngôi đình/đền làng tôi có tam quan. Trước đây cửa của tam quan là cửa gỗ. Bọn trẻ con chúng tôi hay trèo lên gác cổng phía tây và phía đông vào trưa hè để hóng gió mát. Khi đó còn khá nhiều tán cây nhãn rủ xuống cổng tam quan. Cũng có khi lên tam quan để bắt chim chích (cái việc đáng lẽ không nên làm).

Có một trò mà chúng tôi hay đố nhau là: Trèo lên cổng chính và từ cổng chính nhảy sang hai cổng con. Trèo lên cổng chính rất khó vì không có chỗ nào để bám mà đu lên. Nhảy từ cổng chính sang cổng con run lắm, sợ lắm. Độ cao của hai cổng này chênh nhau khá lớn. Đứa nào cũng sợ nhẩy hụt, rơi xuống đất, chắc chắn què chân, què cẳng. Nhưng không nhảy là hèn nhát! Thế là hết đứa này đến đứa khác thi nhau nhảy. Nhảy được lần đầu thì các lần sau đỡ sợ hơn nhiều.

Nhiều đêm hè chúng tôi trèo lên tam quan ngủ cho mát.

Qua cửa đình nhìn sang hai bên có hàng voi đá, nghê đá, ngựa đá và lính đứng gác. Lần đầu tiên bước vào đền, nhìn thấy các vị này tôi sợ lắm. Một không gian đầy cây cối rậm rạp, yên tĩnh, linh thiêng. Thế mà đã có một thời người ta dám liều đem các ông voi đá, ngựa đá, nghê đá và lính gác ra dựng trước của đình. 

Gần tam quan và giữa sân đền có bốn cây nhãn rất to. Trong đó, cây nhãn phía đông được gọi là cây nhãn tiến cổ thụ. Quả cây nhãn tiến có cùi dầy, hạt nhỏ, ăn rất thơm gon. Tương truyền làng tôi đã hái quả của cây nhãn này dâng vua, dâng thành hoàng làng, dân tiên tổ, vì thế mới gọi là nhãn tiến. Đối diện với cây nhãn tiến là một cây nhãn cổ thụ có nhiều cành to  đùng, lá xum xuê. Dưới gốc cây nhãn cổ thụ có một tảng đá to, nhẵn nhụi. Chúng tôi hay ngồi chơi cờ trên tảng đá này.

Bây giờ các cụ nhãn đều đã ra đi.

Trong khu vườn hai bên đền có trồng nhiều cây hoa mẫu đơn, cây tóc tiên, nhãn, chuối, hồng, cau, đặc biệt có cây vam. Cho đến nay tôi mới thấy, mới được ăn quả vam của quê tôi, chưa thấy, chưa được thưởng thức quả vam ở các vùng quê khác. Quả vam hơi giống quả hồng bẹt, khi chín ăn ngọt lịm. Ăn ngon hơn cả quả măng cụt. Chúng tôi hay chọn quả vam vẹo để ăn vì loại quả này không có hạt.

Bên tây nhà hậu cung của đền có một cây khế rất to, rất sai quả, ăn rất chua. Các gia đình thường xin hái quả khế về kho cá. Bên đông nhà hậu cung đền và phía sau đền là dong, mít, chuối, na, hồng, mây. (Khu đất này nay đã chia cho mấy gia đình làm nhà ở).

Rất tiếc, đến nay tất cả các loài cây này không còn nữa. Hiện nay chỉ còn một cây lộc vừng cổ thụ (ở quê tôi gọi là cây mưng) ở giữa sân đền. Khi tôi còn ở quê cây lộc vừng này chưa cao to lắm, nay nó vươn lên tỏa bóng mát cả một khoảng sân đền.

Trước đây phía trước ngôi đình có một đôi rồng đá được chạm khắc khá công phu. Nay không thấy đâu nữa.

Ngôi đình làng của làng tôi không to lớn như các ngôi đình ở một số địa phương khác.

Đình/đền có hai nhà. Nhà phía trước rộng hơn là nơi hội họp. Nhà trong (hậu cung) nhỏ hơn thờ Đức Thánh Trấn. Giữa hai nhà có một cây có hoa nhỏ rất thơm mà lúc này tôi quên mất tên.

Đình/đền Thượng quê tôi đã trải qua nhiều biến cố.

Năm 1952 Pháp ném bom xuống phía tây của đền làm cho các nhà chuẩn bị tế lễ và hàng loạt cây cối bị phá hủy.

Đình làng tôi cũng đã chứng kiến những năm tháng đau thương của cải cách ruộng đất, chứng kiến những màn đấu tố theo lệnh của cán bộ cải cách (thực hiện một cách vô lối, mù quáng theo chỉ đạo của cố vấn Trung Quốc).

Năm 1963 cơn bão C tràn về, quật ngã nhiều cây cối trong đình làng, nhất là những cây nhãn chỉ bộ rễ chùm ăn không sâu xuống mặt đất.

Bão xảy ra vào mùa hoa quả chín rộ. Bọn trẻ con chúng tôi không hề sợ bão, lao ra đình nhặt quả nhãn, quả hồng, quả vam về ăn.

Những năm trong chế độ hợp tác xã kiểu cũ sân đền được láng xi măng để đưa lúa về đập, trục. Tôi nhớ đến những buổi tối trăng sáng đập lúa, trục lúa, chia thóc, chia khoai vang động sân đình hồi đó.

Một phần nhà hội họp của đình trở thành kho chứa thóc, khoai, lạc và cả phân hóa học.

Trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ bên phía tây của đền hợp tác xã Liên Thành có xây dựng một sân khấu ngoài trời. Tôi đã xem các vở tuồng, chèo Lưu Bình- Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám... và cả các vở kịch như vở Nổi Gió, Tiền tuyến gọi tại sân khấu đình làng. Các diễn viên chính là các xã viên hợp tác xã, ban ngày đi cấy đi cầy, ban đêm hóa thân thành các nhân vật chèo, tuồng, kịch làm say động lòng người. Đạo diễn các tiết mục là ông Lê Trản nổi tiếng khắp vùng. Chị Hạnh con gái bà Tý Bảnh hát chèo rất hay.

Đền Thượng quê tôi còn là nơi huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư) tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ của các hợp tác xã trong toàn huyện. Nào là tập huấn xử lý thóc giống 3 sôi 2 lạnh, nuôi bèo hoa dâu,  nào là tập huấn cấy dầy đúng kỹ thuật, dùng bờ cào cải tiến... Tôi nhớ dạo đó luôn có phong trào: Cấy xong trước Tết. Dù trời lạnh đến mấy cũng cứ cấy. Cái chính là đạt tiêu chuẩn thi đua cấy xong trước Tết. Sau đó gặp trời lạnh lúa chết cấy lại cũng không sao!!!

Đây cũng là nơi trung đội dân quân tập lăn lê bò toài, tập ngắm bắn, tập võ gậy, võ tay không.

Còn bọn trẻ con dùng vườn đền làm nơi đánh trận giả.

Có dạo người ta cho đem cả trâu bò vào cột dưới các gốc cây.

Sau này nghề dệt chiếu và thêu ren phát triển, nhiều cây cối trong vườn đền bị chặt hạ để lấy chỗ làm các ngôi nhà đặt các khung dệt chiếu, thêu thảm ren.

Có một thời gian ông bác Hợp của tôi được giao trông coi Đình Thượng (trước đó là ông Hoạt). Người trông coi đền được thu hoạch hoa quả đem bán để chi dùng vào việc chung trong đền và việc của hợp tác xã. Khi đó bác Hợp gái của tôi đã trên 60 tuổi rồi mà vẫn trèo thoăn thoắt từ cành này sang cành khác hái nhãn, hái vam. Tôi rất phục tài leo trèo của bác Hợp gái.

Trên sân Đình Thượng tôi đã tập đi xe đạp. Cũng tại nơi đây ngày 18/8/1971 Hợp tác xã Liên Thành đã tổ chức tiễn đưa 13 chàng thanh niên chúng tôi đi lính. Mới đó mà đã gần 43 năm...

Ngày 12/12/ 2012 Đình Thượng làng tôi được công nhận là Di tích lịch sử -văn hóa cấp tỉnh. Tôi chỉ biết Đình Thượng gắn với những kỷ niệm thời thơ bé, thời học sinh của tôi. Tôi chưa tìm hiểu hết những căn cứ, những lý do đình làng tôi được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh. Tôi cũng chưa biết Đình Thượng có gắn gì với những trang lịch sử của Cố đô Hoa Lư hay không?


Chú dẫn ảnh:

1.     Tam quan nhìn từ hướng tây giếng đình:


2.     Tam quan chụp gần từ hướng đông của đình:



3.     Bảng đá ghi nhận việc Đình Thượng được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh:


4.     Tam quan nhìn từ sân đình:



5.     Gốc nhãn cổ thụ năm xưa còn sót lại:


6.      Một phần cành của cây nhãn cổ thụ còn sót lại:



7.      Tại vị trí cây nhãn tiến năm xưa nay có một cây nhãn con:


8.      Cây mưng cổ thụ ở giữa sân đình


9.Ngôi đình, sân đình đang cần trùng tu:



10. Chùa Lẽ nhìn từ cửa Đình Thượng:


11 Núi Voi và Núi Nương Sơn nhìn từ cửa Đình Thượng:


 



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 5 của tổng số 5 Comments

Từ: Guest Anh Doan
20/01/2020 15:47:44
Xin hỏi các anh chị là Cây "Vam" ở vùng quê nay còn không ạ. Gia đình tôi xưa kia có một cây nhưng già cỗi và chết đi, nay đã mất giống. Tôi rất muốn tìm và nhân giống loại cây này nhưng tìm ở nhiều vùng miền không có. Cảm ơn các anh chị. atd.cpt@gmail.com


Từ: NghiPH
21/07/2014 08:44:00

 


 


Cảm ơn các bạn Lý, Cúc, Liên đã chia sẻ với tôi về những dòng viết về ngôi đình làng!


Xin giới thiệu comment của anh Trự:


Nhi Tru Nguyen: "Quê anh Nghị thật may mắn còn giữ được những gì cổ xưa. Tôi sinh ra ở một xã trên bờ sông Lam, hồi nhỏ từng học Vỡ lòng trong ngôi đình giông giống như đình làng anh. Thiên tai, chiến tranh và những cuộc "cách mạng" đã lấy đi tất cả. Quê tôi không còn bất kỳ công trình nào xây trước 1975, kể cả nhà dân, họa chăng chỉ còn những cột gỗ. Ở quê tôi cây lộc vừng cũng được gọi là cây mưng, khi còn nhỏ tôi thường thấy mọc ở bờ ao. Thật tiếc, giờ cũng không còn gốc nào vì đã được đào đi bán cho dân thành phố. Mừng cho quê anh!".


Như anh Trự viết thì tôi thật hạnh phúc khi đình làng  tôi qua bao biến đổi của đất nước vẫn còn.


 


 


 


 



Từ: LienTP
20/07/2014 21:05:44

Ngôi đình với những cây cổ thụ và ký ức tuổi thơ của Tổng Nghị thật cảm động. Dù đi đâu, ở đâu thì những năm tháng tuổi còn thơ vẫn mãi gắn liền với quê hương, với gia đình và những người thân yêu nhất. 



Từ: CucNT
14/07/2014 21:53:48

Với cái tên gọi giản dị "Đình thượng làng tôi" nhưng tác giả đã cất giấu trong bài viết bao nhiêu kỹ niệm, cảm xúc về ngôi đình của làng mình. Tôi không biết tác giả đã đứng trầm tư trước ngôi đền bao nhiều thời gian để viết ngắm nhìn, hồi tưởng mà có thể miêu tả rất chi tiết từng gốc nhãn, cây mưng từng góc đình, bậc tam quan hướng đông, hướng tây...


Đọc bài viết, ta hình dung lịch sử của quê hương tác giả từ khi anh ra đời cho đến hôm nay. Đình làng, nơi diễn ra bao sự kiện lịch sử, từ cái cách ruộng đất có những dấu ấn đau thương đến những ngày vinh quang khi tác giả cùng bạn bè đồng trang lứa trở thành người lính lên đường ra trận. 


Tác giả đã rời xa quê hương định cư nơi thủ đô hoa lệ nhưng vẫn nặng lòng với bao kỹ niệm nơi Đình làng  linh thiêng mà gần giũ. Mới biết tấm chân tình dành cho quê hương của tác giả sâu lắng hơn bao trang giấy viết về quê hương. 


Cảm ơn tác giả!



Từ: LyTM
12/07/2014 11:22:38

@ anh Nghị ơi, viết rất hay, anh đưa lên trên cho mọi người cùng đọc chứ!


Gió xào xạc đưa nhau về bến cũ,


nắng lưa thưa, cây cổ thụ gật đầu,


chuyện trăm năm, chồng chất những sắc màu,


niềm xốn xang, nỗi nhớ đâu đến lạ,...


 


Tìm đâu dấu chân thời chăn trâu, nhổ mạ,


thời đằm mình cùng trâu chốn ao quê,


góc đình xưa vẫn đăm đắm nhớ về,


đã một thuở, hợp tác vui tiếng kẻng,...


 


Có cô bé bạn mình bẽn lẽn,


đội mũ rơm, áo nâu chín thật thà,


đôi mắt ngây thơ chẳng dám nhìn người ta,


thế mà cách xa, ai thành bà chăm cháu,...


 


Mái đình xưa, chắc còn in dấu,


dưới rêu phong câu chuyện của trẻ thơ,


để bây giờ bỗng thấy ngẩn ngơ,


tìm đâu nhỉ, dấu vết thời xa vắng,...


 


Tìm đâu nhỉ, để vào vắng lặng


nỗi niềm quê, chất chứa kỷ niệm vui,


lẫn bâng khuông, chút day dứt ngậm ngùi,


dấu thời gian đang vùi dần, quên lãng,...