|
|
NghiPH Đoàn của tôi đến Oslo vào lúc 0h25 ngày 17.11.2011 sau chuyến bay dài 11h30 phút từ Băng Cốc. Về tới khách sạn rửa mặt, đi ăn sáng, chúng tôi có buổi làm việc đầu tiên với các bạn Na Uy trong chương trình đối thoại nhân quyền thường niên Việt Nam- Na Uy. Chủ đề trao đổi hôm nay là: 1. Vụ khủng bố 22/7/2011 và nguyên tắc suy đoán vô tội; 2. Vụ khủng bố 22/7/2011 và báo chí.
Về chủ đề thứ nhất, ông phụ trách cảnh sát điều tra hình sự của Na Uy cung cấp thông tin: Vụ khủng bố 22/7 đã làm cả nước Na Uy rung chuyển. Cả đất nước chìm trong đau thương vô hạn. Vụ nổ bom gần tòa nhà chính phủ giết hại 7 người và làm bị thương nhiều người. Vụ xả súng giết chết 69 người. Kẻ giết người Breivik đã ra đầu thú. Theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, chúng tôi cần điều tra, thẩm vấn chu đáo nhưng dư luận xã hội và báo chí cho rằng tay này phạm tội là rõ ràng rồi, hắn đã tự thú thì không cần điều tra, thẩm vấn nữa. Chính vì vậy, chúng tôi đã mời các nhà báo đến dự thẩm vấn và đưa lên truyền hình. Xưa nay chưa làm như vậy bao giờ. Nguyên tắc suy đoán vô tội là thành tựu của nền tư pháp nhân loại chúng tôi nhất định không từ bỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Về chủ đề thứ hai, những người tham gia trao đổi đã điểm lại nội dung và thái độ của báo chí trong nước trong thời gian sau vụ khủng bố. Nhìn chung báo chí đã đề cập mấy nội dung sau: Thứ nhất, nói về cá nhân tên khủng bố Breivik- một người sống trong một gia đình bố mẹ ly hôn, ly tán, có tâm lý không ổn định, sớm bỏ học, việc làm bấp bênh. Từ đây hình thành tư tưởng ghét người nước ngoài, chống đối chính quyền đã cho đạo Hồi phát triển ở Na Uy. Thứ hai, viết về các nạn nhân của vụ khủng bố như về độ tuổi, nghề nghiệp, sở thích, tình cảnh gia đình. Thứ ba, viết về phản ứng của các cơ quan nhà nước, nhà chức trách trong thời gian xảy ra vụ khủng bố. Báo chí khen Chính phủ luôn sát cánh với người dân ngay trong thời gian vừa xảy ra khủng bố, thành lập ủy ban độc lập điều tra về khủng bố. Chê Chính phủ, lực lượng cảnh sát đã phản ứng chậm trong vụ khủng bố này. Tại sao lực lượng cảnh sát không được trang bị máy bay trực thăng để ứng phó kịp thời, tại sao các cơ quan trọng yếu của nhà nước không được bảo vệ? Thứ tư, viết về các khía cạnh chính trị- xã hội sau khủng bố. Các đảng chính trị đều học được nhiều bài học từ khủng bố. Nhân dân trấn an nhau, trấn an chính quyền không nên hốt hoảng vì khủng bố. Dư luận xã hội đòi hỏi các cơ quan công quyền chủ chốt phải được bảo vệ. Sau vụ khủng bố, xã hội Na Uy đồng thuận hơn, đoàn kết hơn, mọi người gắn kết với nhau hơn. Thứ năm, ở góc độ hình sự cần nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi: Ở Na Uy có nên xác lập lại hình phạt tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng không? (Hiện nay theo pháp luật của Na Uy không có hình phạt tử hình) Thứ sáu, chính báo chí phải nâng cao trách nhiệm xã hội, không thổi phồng các thiệt hại gây hoang mang cho nhiều người; không viết quá chi tiết về các tội ác. Ngày mai chúng tôi tiếp tục đối thoại.
Thời điểm này cả thành phố Oslo cũng đang được trải một mầu vàng rực (khá giống với màu vàng của thành phố Xanh Peterbua). Thủ đô Na Uy chỉ có 550 nghìn dân nên không có nhu cầu xây nhà cao tầng. Các nhà chỉ khoảng 3- 5 tầng. Cả thành phố chỉ có một khách sạn cao 34 tầng và bị coi là ngôi nhà xấu nhất thành phố. Rất nhiều gia đình sống trong những căn nhà nho nhỏ xinh xinh. Khắp nơi có các khoảng cây xanh, thảm cỏ. Trước năm 1914 Na Uy khi thì phụ thuộc Đan Mạch, khi thì phụ thuộc Thụy Điển. Nước này về diện tích tương đương với Việt Nam nhưng dân số chỉ có 5 triệu người. Họ có nguồn khoáng sản rất lớn, có nghề hàng hải, nghề đánh cá rất phát triển. Na Uy là một nước có mức sống rất cao trên thế giới. Chính quyền Na Uy khẳng định: Không vì nạn khủng bố mà thắt chặt, kiểm soát chặt con người đến mức vi phạm quyền con người. Nước Na Uy phải giữ gìn và phát huy thành tựu về dân chủ và pháp quyền đã đạt được sau nhiều thập kỷ tạo lập.
|