|
|
Tối hôm nay 31/10/2011 chúng tôi đến Cung Văn hóa Hữu nghị dự Cầu truyền hình trực tiếp đặc biệt với hai đầu cầu là thủ đô Hà Nội và thủ đô Moskva mang tên “Bài ca chiến thắng” nhân kỷ niệm 70 năm cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ (7/11/1941-7/11/2011), cũng như năm bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Điểm cầu ở Moskva là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật của khách sạn Kosmos- nơi đoàn Về nguồn đã lưu lại trong những ngày tham quan thủ đô của nước Nga. Anh chị em Hội Người KGU tham dự Cầu truyền hình trực tiếp có cả nhà chị Chi (4 người gồm anh chị và hai cháu), chị Phạm Thanh Bình, vợ chồng anh Vũ Chu Hiền, vợ chồng Hạnh- Nghị và chị Hương Hương. Có thể có những anh chị em khác nữa cũng đến dự mà chúng tôi chưa nhận ra.
Trong khoảng ba giờ đồng hồ của Cầu truyền hình, chúng tôi đã được xem lại những thước phim lịch sử về những mốc quan trọng nhất kể từ ngày chiến tranh bắt đầu là ngày 22/06/1941 cho tới ngày chiến thắng 9/5/1945: Đức bất ngờ tấn công Liên Xô 22/6/1941; Phòng thủ Moskva, trong đó có có sự kiện những sỹ quan và chiến sỹ tham gia duyệt binh ngày 07/11/1941 trên Quảng trường Đỏ đã tiến thẳng ra mặt trận đánh phát xít Đức; Trận Stalingrad; Trận vòng cung Kurk; Lêningrad 900 ngày đêm bị phong tỏa và phá phong tỏa của bọn Đức...
Tôi rất xúc động khi nghe một số nhân chứng của các sự kiện này kể lại những năm tháng khốc liệt và hào hùng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Liên Xô đã chịu gánh nặng nhất của chiến tranh. Liên Xô bị tổn thất to lớn nhất, nặng nề nhất, riêng số người bị hy sinh, bị chết là trên 20 triệu người. Liên Xô đã giải phóng cả loài người khỏi họa phát xít.
Một người lính đã kể về việc mình tham gia trận vòng cung Kurk như thế nào. Ông nói: Lần đầu tiên tôi ra trận run bần bật. Bên cầu Hà Nội, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tán đồng:- Tôi còn run hơn thế!
Và điều đặc biệt là chúng tôi đã được nghe 15 bài hát về chiến tranh, về thân phận con người trong chiến tranh, về tình yêu, về tình người trong chiến tranh, về niềm vui chiến thắng qua giọng hát của ba ca sĩ Nga và một số ca sĩ Việt Nam. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng và các đồng đội cũng đã hát khá hay bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Dàn nhạc của quân đội Nga đã chơi rất hay.
15 bài hát chúng tôi được thưởng thức, đó là: 1. Bài ca thanh niên sôi nổi 2. Cuộc chiến tranh thần thánh 3. Cachiusa 4. Giờ này anh ở nơi đâu? 5. Đêm đen 6. Cô bé ơi, đừng khóc! 7. Mẹ ơi, hãy nói với ! 8. Đàn sếu 9. Ba chiến sĩ xe tăng 10. Năm anh em trên một chiếc xe tăng 11. Họa mi 12. Aliosa 13. Những con đường 14. Trận chiến đấu cuối cùng 15. Ngày chiến thắng
Mấy anh em chúng tôi đã tham gia hát rất to cùng cả hội trường hai bài Bài ca thanh niên sôi nổi và Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Đại tá Chu Kỳ Minh hát to nhất, rõ nhất, trầm hùng nhất. Các bài hát khác anh chị em ta đều thuộc, nhất là chị Bình Phạm, chị Hương Hương, Hạnh và anh Kỳ Minh. Các ca sĩ hát đến bài nào mấy anh chị đều hát theo say sưa. Chị Chi bình luận: -Toàn bài về lính, về Chiến tranh Vệ quốc nên đại tá Minh thuộc hết mà.
Cám ơn Đài truyền hình Việt Nam đã làm một công việc rất có ý nghĩa- thực hiện C truyền hình cảm động, tưởng nhớ, tri ân. Chúng ta không bao giờ quên công lao và sự hy sinh to lớn của nhân dân và quân đội Liên Xô đã cứu nhân loại khỏi ách phát xít. Không ai có thể bị lãng quên, không có gì có thể bị quên lãng! Vinh quang đời đời thuộc về nhân dân Liên Xô và các chiến sĩ Xô Viết!
Hỡi nhân loại! Hãy luôn cảnh giác!
|