|
|
Tôi từng là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nay lại tham gia giảng dạy tại Học viện Lãnh đạo FPT (FLI). Nghề giáo là một nghề cao quý và có giá trị với xã hội, cho dù nền kinh tế và thời cuộc có thay đổi thế nào đi nữa. Trong FPT có khá nhiều bạn từng là học sinh của tôi. Đa phần các bạn ấy bây giờ là cán bộ cốt cán của FPT (có nhiều Level 6,7). Tôi tự hào có đóng góp một phần trong việc phát triển nguồn nhân lực trong FPT. Điều hành và giảng dạy tại FLI chiếm một phần không nhỏ quỹ thời gian của tôi. Nhưng với tôi, đó thực sự là việc làm có ý nghĩa. Nó cũng giúp tôi giữ được nghề giáo. Đánh trống khai giảng 1 lớp học tại FPT Tôi tham gia FLI từ tháng 8/2009, với nhiệm vụ ban đầu chỉ là set-up FLI. Sau đó, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình giao cho tôi việc điều hành FLI. Dù vậy, anh Bình vẫn là Giám đốc FLI, tôi chỉ là “người giúp việc” cho anh ấy. FLI đã và đang thực thi việc tổ chức đào tạo cho các cán bộ lãnh đạo của FPT. Chúng tôi đã tiến hành nhiều khóa đào tạo, nhiều Câu lạc bộ (CLB) chuyên môn, cũng như CLB dạng mentoring (dạng Sư phụ - Đề tử) các buổi sinh hoạt định kỳ như: FLI Club, Leader Talk, hay tham gia tổ chức đào tạo 3G cho một số công ty thành viên. Trong các khóa học, có lẽ MiniMBA là có tiếng vang nhất. Nhưng không chỉ thế, còn có nhiều tiếng “soạt”, tiếng “xịt” nữa đấy. Trên thế giới, MBA là khá chuẩn, nhưng MiniMBA thì gần như không có. Chúng tôi phải cùng Viện Quản trị Kinh doanh FSB (thuộc Đại học FPT, trước kia là trường HSB) thiết kế từng môn học sao cho với thời lượng bằng 1/3 MBA nhưng vẫn đủ các kiến thức cần thiết nhất. Thực tế, cán bộ FPT cần gì, cái gì là hữu ích, là quan trọng với họ không đơn giản thấy ngay cho mỗi môn. Tôi đã phải tham gia xem xét nội dung của hầu hết các môn học. Do tính chất “dồn toa” từ khi chưa tổ chức khóa này nên trong ba năm 2010-2012 phải đào tạo gần 800 học viên. Mỗi học viên học 2 đợt, cho 2 năm. Mỗi đợt trung bình 25 buổi học. Cuối tháng 11 năm nay sẽ có “lứa” đầu tiên tốt nghiệp MiniMBA. Có nhiều khó khăn từ phía học viên, như bận thêm (thời gian học là vào cuối tuần hoặc sau 6h chiều để đảm bảo ít ảnh hưởng công việc). Khi đi làm rồi cũng có tâm lý ngại đi học, nhưng chắc rằng, chẳng ai có đủ kiến thức, kinh nghiệm. Còn rất nhiều thứ bổ ích cần học thêm. Ngay anh Trương Gia Bình gần đây rất chịu khó tìm hiểu thêm về Quản trị Tài chính trong doanh nghiệp và khái niệm Balanced Scorecard. Chưa kể, những bằng cấp như MiniMBA sẽ được chuẩn hóa trong FPT. Ngoài ra, tham gia MiniMBA là có một môi trường liên bộ phận, liên công ty, các học viên sẽ gần gũi nhau hơn, có điều kiện hỗ trợ, phối hợp công việc tốt hơn ở ngoài khóa học. Theo thiết kế, mỗi môn đều có một buổi trình bày về thực tế FPT. Tôi có tham gia dạy môn FPT Way (đóng thế cho anh Trương Gia Bình), Quản trị dự án, Hệ thống quản trị FPT, Quản trị công ty và Quản trị hệ thống thông tin (toàn những môn xa lạ với những gì tôi đã được học tại KGU) . Tôi có điều kiện đã trải qua một số ví trị công việc liên quan tới các môn đó tại FPT nên tôi cố gắng truyền tải, chia sẻ những gì có được đến các bạn trẻ hơn. Sau nữa, tôi vẫn tâm đắc với câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đào tạo cán bộ thuộc về trồng người. Người ta dễ ham trồng cây lắm (ai mà chẳng thích kiếm tiền), nên nếu có điều kiện hãy tham gia trồng người. Cái đó giúp cho FPT phát triển bền vững hơn. Điều tâm đắc nhất khi tham gia giảng dạy MiniMBA tại FPT là việc tôi đã trình bày cho các học viên hiểu rõ rằng: “Bất kỳ ai cũng có thể đánh NC/NX, cho bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào, miễn có điều không tuân thủ hoặc tiềm năng dẫn tới không tuân thủ”. Ngày 20/11 tôi cùng các bạn phổ thông đi thăm các thầy cô của mình. Năm nào cũng vậy. Tôi không phải thăm thầy cô của các con tôi. Bây giờ chúng đã lớn, cháu nhỏ đang học ở nước ngoài nên không còn thủ tục đó nữa. Hồi bọn trẻ còn nhỏ thì vợ tôi hay đảm nhận việc này. (Trích từ báo Chúng ta, báo nội bộ hàng tuần của FPT, số ngày 17/11/2011)
|