|
|
БРЕСТСКАЯ КРЕПОСТЬ (tiếp theo)
Đấy là đáy cái xô bằng kẽm. Anh lập tức nhớ ra hồi ấy, năm 41, anh và các bạn đã không đặt lá cờ vào cái xô mà úp cái xô lên trên đề phòng nếu như căn hầm bị phá hủy thì cái xô sẽ bảo vệ cho lá cờ khỏi bị ngấm nước mưa và nước tuyết tan từ mặt đất thấm xuống. Mọi người xúc động cúi xuống gần cái hố. Còn Xêmêniuc ráo riết đào đất xung quanh cái xô và cuối cùng cũng đã lấy được nó lên. Trí nhớ đã không phản bội anh: gói cờ vẫn ở đây, nơi anh và các bạn đã chôn giấu nó mười lăm năm trước. Nhưng bản thân lá cờ còn hay không? Cái xô kẽm đã gỉ suốt từ ngoài vào trong, lỗ chỗ như mạng sàng. Nó đã bị muối trong đất ăn mòn. Hai tay run run, Xêmêniuc lấy chiếc xô thứ 2 bằng vải bạt nằm dưới chiếc xô kẽm. Nó tan vụn trên tay đồng chí, năm tháng đã làm miếng vải bục hết. Dưới lớp vải ấy là lớp vải bạt mỏng hơn mà trước đây họ dùng để bọc lá cờ. Nó cũng bở bục và rách tã ra khi đồng chí vội vã mở cái gói. Nhưng trước mắt đã hiện ra tấm vải đỏ thắm và những chữ vàng sáng lóe. Xêmêniuc thận trọng chạm nhẹ vào lá cờ. Không, nó không bị mục, nó vẫn được bảo quản tốt. Thế là đồng chí thong thả mở ra, căng rộng và giơ cao tên đầu. Trên lớp vải đỏ lấp lóe hàng chữ vàng: "Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại" Mọi người im lặng, đứng ngây ra như bị phù phép, nhìn cái di tích chiến đấu được lấy lên từ dưới đất sau mười lăm năm. Xêmêniuc trân trọng trao lá cờ đó cho một sĩ quan, rồi lên khỏi hố. Đồng chí sung sướng tới bủn rủn cả người.
Hôm sau, ở sân trung tâm của pháo đài, đơn vị quân đội đóng tại nơi này đứng xếp hàng thành đội ngũ trân trọng. Tiếng nhạc nổi nên, một người cầm cờ bước từng bước, đi qua trước hàng quân, và sau lưng người ấy là một lá cờ đỏ phấp phới trước gió. Tiếp theo sau lá cờ ấy là một lá cờ khác diễu qua trước hàng quân, nhưng nó không được cắm vào cán. Nó được một người tầm thước mặc thường phục, trân trọngng nâng lên trên tay mang đi. Những hàng quân đứng im phăng phắc tỏ lòng tôn kính lá cờ quang vinh của các anh hùng pháo đài Brest, lá cờ còn phảng phất mùi khói súng của những trận đánh ác liệt để bảo vệ Tổ quốc và giờ đây đang nằm trên tay một người từng giữ nó trên ngực trong lúc chiến đấu, giữ gìn nó cho hậu thế.
Lần đầu tiên câu chuyện về việc bảo vệ pháo đài Brest được biết đến vào tháng Hai năm 1942, khi phát hiện kho lưu trữ của Sư đoàn bộ binh số 45 của Đức tham gia tấn công vào pháo đài. Trong một biên bản, các nhân viên báo cáo rằng Hồng quân bảo vệ pháo đài đã đáp trả rất mạnh mẽ. Nhà nghiên cứu lịch sử quân đội Yuri Knutov nói: “Những người lính Liên Xô đã cho thấy rằng Hồng quân có thể chống lại những kẻ thù độc ác nhất. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, tại pháo đài Brest có khoảng 9.000 người. Khoảng 20 000 binh sĩ của quân đội Hitler đã xông vào pháo đài Brest. Theo kế hoạch tấn công của Đức, pháo đài phải bị chiếm trong vòng 6 giờ, tức là trưa ngày 22 tháng Sáu. Tuy nhiên, theo các văn bản, tiếng súng kéo dài cho đến tận tháng Tám.” Ngày 8 tháng 5 năm 1965, pháo đài Brest được phong danh hiệu Pháo đài Anh hùng cùng với thủ đô Moskva và nhiều thành phố Liên Xô khác được phong danh hiệu Thành phố Anh hùng theo một sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô. Pháo đài Brest là một trong những đài tưởng niệm cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được du khách đến thăm nhiều nhất. Qua nhiều năm, đã có hơn 23 triệu người từ 140 quốc gia đến nơi này.
|