NHẠC TRƯỞNG KHẮC UYÊN
Mùa thu năm 2002, lúc ấy tôi còn có Asia Shop tại Cologne. Sáng đó mở hàng là hai vị khách trẻ với hai cây Violon. Một thanh niên châu Á, cao ráo đẹp trai, cậu đeo kính trắng, mái tóc để dài, rất nghệ sỹ, tôi nghĩ cậu người Nhật. Cô bé đi cùng là một thanh nữ châu Âu cùng độ tuổi. Đến lúc trả tiền, cậu rụt rè hỏi tôi người quốc gia nào. Tôi nói mình là người Việt và ở Hà nội. Thế là cậu thanh niên bỏ vội cây Violon xuống, reo lớn:
- Cháu người Việt đây cô ơi, cũng Hà nội nữa!
Cô cháu tôi quen nhau từ đấy. Khắc Uyên là một thanh niên rất dễ thương, luôn ấp ũ những kỷ niệm quê hương. Uyên kể, hôm mới nhập trại tị nạn Philipin, ban quản trại tách ba mẹ con Uyên ra khỏi tập đoàn, vì hai chị em Uyên và Sầm Thi vác hai cây Violon. Gia đình cậu rất lo sợ, chắc có một số phận không may đặc biệt nào đó chăng? Đúng là đặc biệt: Ba mẹ con Uyên, ngay lập tức được chuyển thẳng về Oslo, Nauy.
Cha cậu là Khắc Văn, chú ruột là Khắc Huề - cây Violon nổi tiếng một thời.
Những lúc dạt sang Đức, Uyên và các sinh viên nhạc thế giới, thường tổ chức biểu diễn trong các Nhà thờ, lấy tiền ủng hỗ các quỹ từ thiện, mặc dù cuộc sống của Uyên và các bạn hữu lúc ấy "nghèo mướp mồng tơi".
Cậu sinh viên Hà thành, chỉ đủ tiền mua gạo bể ( tấm) với chút mỳ gói loại rẻ nhất. Cậu phải đương đầu với những chật vật ban đầu như rất nhiều những sinh viên nghèo khác, lúc mới chập chững trên xứ người.
Cuối năm 2002, đã sắp tất niên. Uyên ghé Tiệm tôi, hỏi:
- Cô ơi, đã bánh trái gì chưa hả cô? Tôi nói mình không biết gói bánh chưng, mặc dù trong tiệm có đủ hết những nguyên liệu để gói bánh. Uyên nói:
- Cháu gói nhé! Và một khâm phục nữa trước tài gói bánh chưng của cậu bé. Uyên nói đừng gói khuôn cô ạ, cháu gói bằng tay cho chặt. Thế là chiều đó, tôi, Uyên và một cô nữa Hoàng Thị Cần (cũng là khách của tiệm) đã hoàn tất công việc lớn nhất, chuẩn bị cho một cái Tết.
Ra giêng, Uyên bày tỏ mối băn khoăn với tôi:
- Bọn cháu phải chuyển nhà cô ạ. Sang căn hộ mới rẻ hơn, và ở ghép với một Liên xô nữa. Như thế, tiền nhà sẽ đỡ ghê lắm. Cô ơi...
- Chắc lại lo vụ chuyển đồ sang nhà mới phải không?
- Sao hay thế, cô lại biết được cháu ngại nhờ cô. Uyên ngạc nhiên lắm.
- Mình sẽ làm được. Tôi nói với một tự tin.
Chiều chủ nhật, tôi ghé xe qua khu nhà Uyên ở. Hai cô cậu đã đứng chờ tôi với vỏn vẹn một cái valy cũ.
- Sao không bưng xuống luôn thể đi. Tôi hơi ngạc nhiên.
- Bọn cháu chỉ có thế thôi.
- Thế mà..
- Nhưng còn phải đón Liên Xô nữa cô ơi! Uyên ái ngại nói nhỏ. Ý cậu muốn nói việc đón cậu sinh viên Liên Xô, sẽ đến ở cùng.
- Vậy thì bọn mày lên xe đi, chỉ nhà nó cho cô....
Bẵng đi đến mùa xuân 2003, lúc ấy tôi chuyển tiệm về khu phố khác. Tình cờ, lại hai cậu thanh niên với hai cây Violon bước vào.
Tôi reo lên:
- Uyên, sao bọn mày ở đâu ra đấy!
Uyên cũng mừng quýnh:
- Hay thật, sao cứ vào Asia Shop là lại gặp cô.
Uyên nói muốn học để trở thành Nhạc trưởng, mộng ấy chỉ có thể thành khi có học bổng trong tay, chứ một thằng nghệ sỹ nghèo như cháu, học "chính quy" kham không được cô ạ!
Sau đó, cô cháu tôi mất liên lạc. Đến đầu 2010, khi tôi sang Thụy Sỹ thăm gia đình vợ chồng Thao, Hà. Lúc này Thao đang là Tham tán của Sứ quán VN tại Thụy Sỹ. Nhờ Thao, tôi đã lấy được số phone của Sầm Thi chị ruột Khắc Uyên, sống ở Luân Đôn và được biết Uyên đang ở Ba lan quê vợ. Cậu đã trở thành con rể của quê hương Chopin và đã trở thành Nhạc trưởng!
Tôi thật sự khâm phục, không chỉ tài năng âm nhạc, thiên phú violon của một gia đình nghệ sỹ mà còn khâm phục tính chiến đấu , sự vươn lên không mệt mỏi của cậu. Khát vọng cháy bỏng trong lòng nghệ sỹ trẻ tài ba, đã chắp cánh về tới đích ước mơ.
Tôi vẫn cứ nhớ mãi Uyên nói với tôi:
- Cô ơi, cứ thấy ai có vệt bầm dưới cầm như cháu, là người đó chơi Violon đấy cô ạ !
NHẠC TRƯỞNG KHẮC UYÊN
Chỉ huy trưởng Khắc Uyên là người Na Uy gốc Việt, được cha dạy chơi violin từ lúc 5 tuổi tại Hà Nội. Anh hoàn thành khoá học BMus tại Nhạc viện quốc gia Na Uy ở Oslo và tiếp tục theo học Cao học về Biểu diễn nâng cao dưới sự hướng dẫn của giảng viên David Takeno tại trường nhạc Guildhall.
Anh đã có 5 năm kinh nghiệm biểu diễn solo nhạc thính phòng tại các chương trình âm nhạc ở Châu Âu. Anh cũng đã cộng tác với Nhà hát Opera Malmo (Thuỵ Điển), Dàn nhạc giao hưởng Beethoven (Đức), Dàn nhạc thính phòng Kristiansand (Na Uy).
Năm 2005, Khắc Uyên hoàn thành chương trình Cao học Chỉ huy dưới sự dẫn dắt của thầy Colin Metters tại Nhạc viện hoàng gia. Anh đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm: giải thưởng Robert Alva Memorial, Mortimer Development Fund, và Học bổng Henry Wood.
Tại Nhạc viện, anh là trợ lý chỉ huy của Colin Davis cho các chương trình hoà nhạc của trường. Anh cũng đã học hỏi được rất nhiều từ những người thầy có tiếng như George Hurst, Kenneth Kiesler, Mark Shanahan, Jorma Panula, Martyn Brabbin.
Khắc Uyên thành lập Dàn nhạc Verdandi Camerata để tạo cơ hội phát triển cho các sinh viên trẻ tài năng cũng như là các nhà soạn nhạc đương đại. Verdandi Camerata được trao giải Concordia sau lần biểu diễn đầu tiên thành công tại Luân Đôn. Với thành tích này, dàn nhạc đã được London Organ Forum mời tham dự Hội nghị Durufle Quốc tế vào tháng 11 năm 2005. Tại đây, họ đã biểu diễn lần đầu tiên hai tác phẩm viết cho dàn nhạc của Durufle và nhận được những lời phê bình tích cực.
Khắc Uyên cũng đã từng chỉ huy Dàn nhạc thính phòng Scotland, Dàn nhạc Hebrides Ensemble, Klassische Philharmonie Bonn tại Đức. Anh cũng là khách mời chỉ huy của Dàn nhạc Suffolk, Dàn nhạc giao hưởng Southend, Dàn nhạc London City Side Sinfonia, Phó chỉ huy Dàn nhạc Maestri, cộng tác cùng với Jorma Panula.
Khắc Uyên là Giám đốc Âm nhạc của Dàn nhạc Southwark từ năm 2010. Anh cũng là thành viên của El Cimarron Ensemble, thành lập năm 1999, chuyên về biểu diễn nhạc đương đại với sự cộng tác của các nhạc sỹ đương thời. El Cimarrone đã tiến hành thu âm 02 CD theo bản hợp đồng 4 năm với hãng thu âm VDM của Italia.
Từ năm 2009, Khắc Uyên đã xây dựng định hướng phát triển mới cho Dàn nhạc Verdandi Camerata, phấn đấu là dàn nhạc góp phần thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc đương đại. Tháng 10 năm 2010, Dàn nhạc Verdandi của Anh đã biểu diễn lần đầu vở opera thính phòng "The Fiddler's Tale" của Marsallis và thu được thành công vang dội. Dự án gần đây nhất là trong tháng 4 năm 2011, Verdandi đã công diễn thế giới lần đầu bản Concerto mới của nhà soạn nhạc người Úc Kats-Chernin viết riêng cho Dàn nhạc Verdandi Camerata. Các dự án cho tương lai sẽ hướng Verdandi Camerata hợp tác cùng El Cimarron biểu diễn các tác phẩm của các nhà soạn nhạc người Italia như Luca Lombardi và Vito Palumbo.
Với sự liên kết cùng nhà xuất bản Norsk Musiksforlaget của Na Uy, Verdandi Camerata hướng đến việc giới thiệu các tác phẩm đương đại của Na Uy đến với trái tim những người yêu âm nhạc ở Luân Đôn.
Chính Tâm:
Khắc Uyên là con trai của nghệ sĩ violon Khắc Văn, cháu của nghệ sĩ violon lừng danh Hà Nội một thời Khắc Hoan và Khắc Huề, Tuyết trang.
Anh sinh ra trong một gia đình có nhiều người chơi violon tài giỏi ở Hà Nội. Những kiểu gia đình chuyên sâu về một cây đàn như thế thời sau giải phóng thủ đô (1954) nay gần như không còn, những nhân tài đặc biệt nhiều khi phải trải qua nhiều thế hệ mới có được người vươn tới đỉnh cao như Đặng Thái Sơn, Khắc Hoan...
Đây là một nét đẹp văn hoá đã mất đi trong nền kinh tế thị trường!
Một thông tin đáng tự hào như vậy không thấy được nhắc đến trong bài viết ?
Chính Tâm
Tôi đã đi xem cả hai buổi hoà nhạc do Khắc Uyên chỉ huy. Đó là những buổi hoà nhạc thực sự có chất lượng chuyên nghiệp.
Các dàn nhạc giao hưởng của chúng ta hiện nay gần như không có chỉ huy đạt chuẩn, đang có độ vênh lớn, đang có khoảng cách lớn giữa trình độ của các nhạc công tài năng và các chỉ huy tầm tầm ở ta. Nếu ví người chỉ huy như cái đầu tầu, thì các "đầu tầu nội" thường ì ạch, rão, không kéo nổi các toa, hoặc kéo một cách khó nhọc, gây bức xúc với các nhạc công khi ngồi dưới đũa của họ. Người chỉ huy phải là một bậc thầy như một huấn luyện viên của đội bóng đá.
Vì vậy, một điều mừng nổi bật nhất cho nền âm nhạc chuyên nghiệp nước nhà là: có thể chúng ta lại sẽ có thêm một chỉ huy tài năng thật sự, Khắc Uyên là con nhà nòi về âm nhạc chuyên nghiệp, được học hành, được hành nghề ở những thủ đô âm nhạc của thế giới, nơi có ánh sáng của trí tuệ như thủ đô của nước Anh, Na uy... đó là điểm ưu việt khó sánh được của anh..
Tôi mong và tin rằng anh sẽ thường niên trở về cộng tác với các DNGH của Việt Nam, quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của anh
Dù anh định cư ở đâu thì đầu tiên anh vẫn là một người Việt Nam, và theo quy luật (như Lão Tử viết) "Phù vật vân vân/ Các phục quy kỳ căn" (Mọi vật trùng trùng, Đều trở về cội rễ của nó).
Có nơi đâu trên thế giới này anh được nói tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mình với các nhạc công trong khi dàn dựng không?
Xin gửi lời chúc mừng thành công của 2 đêm diễn tới Khắc Uyên.
*Hòa nhạc 'Thế giới mới' tại Hà Nội
Chương trình nhạc cổ điển có sự tham gia của nghệ sĩ Piano
người Đức, Andrea Boyde, và nhạc trưởng người Nauy gốc Việt,
Khắc Uyên, sẽ diễn ra trong hai đêm 28 và 29/5 tại Nhà Hát Lớn.
Uyên ơi, tiếc quá, những ngày này cô đang nghỉ hè ở VietNam, Uyên ạ .
&nb sp;