BỔ ĐỀ CƠ BẢN
(Trích trong NGƯỢC CHIỀU VUN VÚT của Joe Ruelle)
Vừa rồi báo chí kể nhiều về giáo sư Ngô Bảo Châu. Bố mẹ anh làm gì, trước đây anh học ở đâu, thích gì, muốn gì, được gì. Anh đã nhận giải thưởng Fields ở thành phố nào, được người nào trao tặng huy chương. Thậm chí các báo đăng thông tin công trình nghiên cứu của anh dày 169 trang ( tận 169 trang cơ), nhà xuất bản tên gì, trụ sở ở đâu. Nhưng báo chí ít nhắc đến công việc cụ thể mà anh ấy đã làm - lý do khiến anh ấy nhận giải thưởng Fields.
"Nói chung anh ấy giỏi toán", là khái niệm sơ sơ của đa số tác giả viết bài. " Ngô Bảo Châu đã chứng minh được Bổ đề cơ bản, Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie!"
Thế thì mừng quá ! Nhưng.... "Bổ đề cơ bản là gì" và vì sao phải chứng minh nó ?
Tôi nghĩ các vấn đề khoa học có thể được thể hiện bằng lối viết hấp dẫn, nếu tác giả bỏ chút thời gian nghiên cứu. Đằng sau mọi thành đạt trong khoa học thường là câu chuyện thú vị, và đằng sau sự thành đạt của Ngô Bảo Châu là câu chuyện thú vị lắm.
Ngày xửa ngày xưa, các nhà toán học công bố hai lý thuyết lớn: Lý thuyết số học và Lý thuyết nhóm ( number theory và group theory). Bản chất sâu sắc của hai lý thuyết này không quá quan trọng ở đây - điều nên nhớ là hai lý thuyết (a) đặc biệt lớn, và (b) nhìn từ xa có vẻ riêng biệt với nhau như hai cành cây.
Cách đây khoảng 30 năm, một nhà toán học người Canada tên là Robert Langlands viết bài cho rằng hai lý thuyết ấy có sự liên quan đa dạng, không riêng biệt nhau như nhiều người nghĩ, mà đi với nhau như mây và mưa. Quan điểm của Robert khiến nhiều nhà toán học há hốc mồm. Nó khiến chính cái mồm của Robert há hốc ra khi ông phát hiện sẽ mất mấy thế hệ, để chứng minh sự liên quan đa dạng đó.
" Nhưng bước đầu tiên sẽ tương đối đơn giản", Robert tự tin nói với đồng nghiệp. Bước đầu tiên ấy Robert đặt tên là "Fundamental Lemma". Đó chính là "Bổ đề cơ bản" mà người Việt nghe kể nhiều trong thời gian vừa qua.
Robert tựa như đang đứng trên đảo nhỏ. Nhìn về phía Đông là con tàu lớn. Nhìn về phía Tây cũng là con tàu lớn. Hai con tàu không có người lái, trôi nổi trên mặt biển.
Mặc dù không nhìn được rõ, Robert vẫn cho rằng hai con tàu đó có nhiều điểm chung. Có khi đóng từ cùng loại thép. Có khi lúc bánh lái của "tàu Đông" hướng về phía tay phải, thì bánh lái của "tàu Tây" tự động hướng về tay tay trái. Khỏi phải nói, hai con tàu đó là "number theory" và "group theory".
Với ông Robert, việc chứng minh Bổ đề cơ bản có thể so sánh với việc ném hai sợi dây móc sang hai con tàu. Làm xong việc đó, các nhà toán học khỏe mạnh có thể đứng trên đảo Robert, cầm dây và kéo hai con tàu lên bờ - khi đó mới nghiên cứu kỹ, phát hiện điểm chung. Robert nghĩ việc nghiên cứu đó sẽ mất mấy thế hệ. Nhưng vụ ném dây thì không. Một năm .Hai năm. Thế thôi.
Robert đã nhầm. Hóa ra việc ném dây khó lắm. Robert cùng một số sinh viên của ông ném thử nhiều lần - lần nào cũng thất bại. Họ chỉ biết ném gần bằng dây mảnh, chứ ném chính xác bằng dây chất lượng, gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Đảo Robert trở nên nổi tiếng. Trong suốt 30 năm, nhiều nhà toán học giỏi bơi sang và ném thử. Ai cũng lau mồ hôi, kêu khổ. Nhiều nhà toán học trên đất liền chuẩn bị các công cụ để kiểm tra hai con tàu lúc được kéo về bờ. Họ sản xuất máy kiểm tra sơn, lập trình phần mềm phân tích chân vịt; thậm chí có người tập cách đứng trên boong tàu để không bị say sóng. Nhưng toàn bộ sự nỗ lực đó sẽ trở nên vô nghĩa, nếu không có người ném dây và ngoắc móc.
Xuất hiện anh Ngô Bảo Châu ! (Tiếng kèn Trompet). Nghe nhiều người kể về đảo Robert, anh ấy cởi áo, bơi sang, xin phép ném thử.
"Thử đi !" các nhà toán học giỏi nhất thế giới động viên.
" Thử xong ngồi uống trà đá với bọn mình nhé!"
Anh Châu ném thử, ném rất mạnh, dùng dây loại chất lượng nhất. Các nhà toán học đứng lên, cốc trà đá rơi xuống. Cách ném của anh Châu rất lạ ; anh dùng kỹ thuật đặc biệt mà mọi người chưa từng thấy.
"Lại đi anh ơi !" Họ động viên tiếp. "Biết đâu anh sẽ là nhà toán học đầu tiên bắt tàu hai tay !"
Ngô Bảo Châu ném lại một lần nữa. Hai cái móc bám ngay vào hai con tàu, khiến các nhà toán học giỏi nhất thế giới sững sờ ngưng cả thở ( thêm tiếng Trompet). Xong việc đó anh Châu nhờ các đồng nghiệp ngưng cả thở ấy giữ dây, để anh ấy có thể bay sang Ấn Độ nhận giải thưởng Fields.
Chứng minh Bổ đề cơ bản là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành toán học hiện đại, được tạp chí Time xếp vào danh sách "Top 10" phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Vì Ngô Bảo Châu hoàn thành xong công việc của mình, nên hàng trăm nhà toán học khác có thể bắt đầu hoàn thành công việc của họ, tự tin vào cuộc dựa trên nền tảng vững chắc.
Cả Việt Nam nên rất tự hào về anh hùng ném dây tên Ngô Bảo Châu.