Viết tặng những người phu xe,
nhân ngày Quốc tế Lao động.
BÁC XE
Hà nội những năm thập niên 40.
Ngõ Văn Chương với những dãy nhà lá lụp xụp, xác xơ, tiêu điều, dựa vào nhau giống một cảnh chợ chiều. Phần đông là dân nghèo thành thị. Đàn bà thì buôn thúng bán mẹt, đàn ông chạy xe cho các chủ, hoặc làm thuê ở các tiệm tạp hóa trên phố. Buổi đực, buổi cái. Có việc thì làm oải lưng, không có việc thì về nằm khoèo, uống nước suông.
Ông bà trẻ tôi thì có khá hơn. Ông có cái xe khách nhỏ cà khổ, mua được của chủ tây cũ. Cũng chỉ vận tải được quanh quanh Hà nội, Mơ, Vọng, Hà Đông. Cả người cả xe đều hom hem, tập tàng, nên chả bao giờ dám vươn tới đèo heo hút gió như mấy phường xe khách, xe tải lớn. Tiếng là chủ xe thế thôi, chứ ông trẻ nợ đìa ra kia kìa. Ông giật tạm, vay mượn khắp cả họ mạc hai bên. Quanh năm tứ thời, ông trẻ đánh bộ vét cà rỉ cho đúng cái mã là "ông chủ", ra đường ai cũng ngỡ hào nhoáng lắm. Công chính là ở tay bà trẻ tôi, chăm bẵm cho bộ cánh ấy, được sạch, được bền. Lỡ mà nó có toạc, có rách thì khốn nạn. May mới bây giờ chả phải dễ gì ở cái thời đắt cắt cổ này.
Chiều tối hôm ấy cơm nước vừa xong, thì nhà ông bà trẻ có khách. A, thì ra bác Xe. Hàng xóm quen gọi thế từ bao giờ, vì bác ấy chạy xe xích lô.
- Ông bà đã xơi cơm chưa ạ ? Bác Xe chào rõ to từ ngoài sân.
- Bác đã xong bữa rồi ư, mà sang thăm tôi sớm thế ? Ông trẻ chế thêm nước vào cái ấm chuyên, ngoảnh ra nhìn người đàn ông đang đập đôi bàn chân trước bậc tam cấp, để rũ bẩn. Bác ấy tên thật là Dín, người Thủy nguyên, Hải phòng, lên Hà nội đã lâu lắm, từ dạo còn trai trẻ. Mới ngoài bốn mươi mà nom bác ấy khọm quá. Tóc ngả trắng, người hom hem, nhất là đôi mắt trũng xuống như hai cái hốc nhỏ, chứa đầy những lo âu, mỏi mệt.
- Con ăn rồi ông ạ. Ăn thì có bao nhiêu đâu, loáng cái là xong. Tối nay nhà con khao nồi cháo hến, ăn cho mát.
- Dạo này bác đông khách chứ? Ông trẻ kéo cái ghế mời bác Xe.
- Chả có đâu ông ạ, ế lắm. Bác Xe ghé xuống ngồi, đưa mắt nhìn ông trẻ.
- Con sang xin ông một chân phụ xe với, ông có thương thì nhận cho con có việc. Cả xóm biết ông bà ăn ở đức độ, con mới dám thưa.
Bác Xe nói nhỏ đủ để ông trẻ nghe được.
Ông trẻ ngừng tay mồi thuốc vào điếu, ngắm bác Xe. Khốn nạn, bác ấy hóp đi nhiều thật so với năm nào ông bà trẻ dọn về đây. Người dáng dấp bé nhỏ, mà trên vai nặng gánh gia đình. Bác gái chả làm ăn buôn bán gì được, chỉ quây vào với đàn con sáu đứa. Cũng có dăm ba khi đi gánh nước thuê cho mấy nhà làm hàng xáo. Nhưng vợ chồng ăn ở với nhau tình nghĩa lắm. Cấm có ai nghe được hai vợ chồng bác Xe to tiếng, cãi vã nhau lấy một lời. Thi thoảng, ông trẻ vẫn bảo bà trẻ:
- Những cái rau dưa, măng tươi nào ế quá, bán chả được, bà hỏi thử xem bên bác Xe có lấy về xào xáo cho lũ con nó không nhé.
Bà trẻ tôi bán măng tươi với vài thứ vặt . Mà phần lớn là bán chịu cho khách quen trong xóm. Đến đầu tháng, các bà các cô mới có lương của chồng để trả tiền.
Ông trẻ đưa tách trà vào tay bác Xe, rồi chậm rãi:
- Bác Dín này. Ông trẻ gọi đúng tên ruột của bác ấy.
- Tôi biết bác, biết gia cảnh của bác lắm, nhưng chưa thể nhận bác vào làm được. Hiện tôi vẫn có anh lơ xe. Mà cũng chẳng khá khẩm gì, nhiều tháng phải khất lương anh ấy đấy. Bác cố một thời gian nữa đi. Có khi tôi nhờ cánh xe khách đường dài, xe chạy mãi mạn ngược cơ, nhận bác vào phụ việc.
Mặt bác Xe đã rạng lên, đặt chút hy vọng vào cái "có khi" mà ông trẻ vừa gợi ý.
Từ hôm sau, bác Xe vẫn đạp xích lô như cũ.
Tinh mơ, bác ăn vội mấy củ khoai vợ luộc đêm trước. Xúc miệng xong hớp trà, là bác lên phố. Đầu tiên tới nhà ông cai xe, người có dăm cái xích lô cho đám "xế" nghèo kiết xác như bác đến thuê. Ngày đầu thuê xe phải đặt cọc. Lúc ấy, xích lô có nhiều trong Nam, chứ ngoài Bắc này hãy còn khan lắm. Thế nên các chủ xe Hà nội vênh váo ra mặt. Bác Xe đã bán cái vườn dưới quê, tính mua đứt cái xích lô, nhưng chẳng đủ tiền. Bác đành phải thuê xe mỗi ngày.
Từ hạ cho chí sang đông, chả bao giờ bác Xe có dép. Bác độc đi đất. Chân đạp đất, đầu đội cái mũ rách. Chân như thép được luyện, đạp lên đắng cay, cơ cực của cuộc đời, chỉ mưu cầu duy nhất có cơm cho con, có cái túp đừng bị dột để chui ra, chui vào.
Mùa hè, những trưa tháng sáu ta nó bức, nó nóng nực như hỏa thiêu trên đường nhựa. Ở nhà bác gái quạt rã cánh cho đám con nhỏ. Đói, nóng bức, chúng nó quấy quá thể. Trên phố, bác Xe rạp người xuống, lưng bác còng gập lại, lấy nốt chỗ sức trong cái thân còm, kéo cho xe hàng lên dốc.Cái nóng từ mặt đường hầm hập hắt lên, khiến khuôn mặt bác giờ đỏ gay, tóc ướt nhèm vì mồ hôi, bết lại thành tảng trên trán. Bác liếm đôi môi khô cong, như ruộng cằn bị hạn mong mưa. Thèm một bát nước chè xanh, cho mát ruột, mát gan. Bác không đạp nổi xe lên cái dốc phố này, vì hàng quá nặng. Nhưng bác thấy lòng mình nhẹ bẫng đi, vơi cả nhọc, lúc nghĩ đến lũ con có bìa đậu phụ với bát canh riêu trên mâm cơm chiều nay. Bác thở dốc một lúc, bặm môi lại, thót bụng vào - cái bụng vốn đã thót tự bao giờ, chỉ thấy hai mạng sườn, lấy sức dồn cho đôi cánh tay gầy guộc. Lên được dốc rồi ! Bác chả thiết vào bà cụ hàng nước dưới gốc đa kia làm bát nước chè xanh nữa. Lại hết đến hai xu chứ ít a. Uống lắm, chỉ tổ ra mồ hôi, chứ báu gì.
Nhìn xuống đôi chân đất, bác giật cả mình: Nhựa đường bị nóng hun đúc, chảy ra, dính cả dưới lòng bàn chân bác. Bây giờ bác mới biết thế nào là bỏng. Bác bỏ xe, chạy lại vệ cỏ, ngồi phệt xuống, gỡ vội đám nhựa dưới gan bàn chân.
Trong cả năm, có lẽ đỡ khổ nhất vào tiết tháng chín, tháng mười. Chứ mùa đông thì hơn gì. Rét cắt da, cắt thịt, lại gặp mưa phùn gió bấc, có mặc mấy cái áo tơi, cũng chả thấm tháp. Thương thân mình thì ít, bác xót xa lũ con và vợ ở nhà thì nhiều. Trong nhà cứ như ngoài sân. Gió thốc vào cửa trước, rồi gió bạt ra cửa sau. Đã rét lại thiếu ăn. Mà mùa đông, sao nó chóng đói thế. Đói nó mới càng rét tợn. Những đêm khát sữa, thằng cu con khóc ngằn ngặt. Sợ thầy nó bị mất ngủ, bác gái ẵm vội con ra ngõ. Bác Xe chả chịu được cái cảnh ấy, gọi giật vợ lại:
- Có ôm thằng bé vào ngay không, ra ngõ để chết rét cả hai à?!
Vợ bác chẳng bao giờ than thở một lời. Bác gái thương chồng lắm, nhưng có bao giờ biết an ủi bằng những lời ngọt ngào.
- Để xem xem, cuối tháng mà khá, tôi mua thêm phên, liếp, chắn lại cái bức đằng sau. Ấm lên ngay ấy mà.
Bác Xe quay mặt vào vách, co ro trong cái màn đụp, nới với một câu an ủi.
Cuối ngày làm việc, bác Xe phải nộp một đồng cho cai xe. Thu nhập hôm ấy mà nhỉnh hơn một đồng, thì phần ấy mới đến lượt bác. Những đồng tiền mỏng manh, còm cõi, nó dền dứ bác, nó chơi vơi trước tầm tay bác, như những cái bóng, rất ảo. Bác trông cả vào đấy, cho vợ cho con , cho chính cả cái thân bác nữa.
Có hôm bác Xe đã nghĩ ra, hay mình mang thêm thằng cu lớn đi, nó phụ mình lúc có hàng nặng ? Năm nay nó đã 12. Nhưng ngộ nhỡ không có hàng, chẳng có khách, lại chơi dài ra, rồi tiền đâu bác lo cho hai xuất ăn trưa. Dù chỉ là khoanh sắn hay củ khoai. Lại tiền nước nôi dọc đường. Mà rồi thằng bé đâm khổ. Có nó, chả nỡ lòng nào ăn quấy ăn quá cho qua bữa. Thôi, mình cố một chút, có cực thì mình cũng đã quen rồi.
Thế nhưng cũng có hôm khá. Bác Xe ghé hàng bà trẻ, đon đả vui vẻ ra mặt:
- Bà cho con một cân gạo nếp, nhà con nó làm xôi sắn thạo lắm. Cân cho con mấy lạng măng tươi, lấy cho con cái đằng mới nhá. Hôm nay con khao lũ trẻ bún măng bà ạ. Măng tươi non mỡ ra thế này, cứ xào qua lên rồi nấu canh với tí nước mắm, chả phải vẽ thịt thà. Ngon chán ra rồi.
- Thế bác không lấy chỗ măng nứa cũ này à, tôi không tính tiền đâu.
- Con biết bà vẫn thương lũ trẻ, nhưng hôm nay con trả được bà ạ. Hay bà để cho cánh nhà Sinh. Nhà nó có đến tuần nay chả được hột cơm vào bụng.
Bà trẻ dừng tay, nhìn bác Xe. Trước mắt bà, một người đàn ông ốm nhẳng ốm nhèo, nghèo kiệt nghèo quệ với một lũ con đàn, mà vẫn thương, vẫn xót xa cho người hàng xóm cùng cảnh ngộ. Bà trẻ nhón thêm vài cây hành hoa vào gói măng cho bác Xe.
Rồi đến đêm ấy, đã hơn 12 giờ khuya , bà trẻ còn thức để thay nước ngâm măng. Nhìn ra đầu ngõ thấy vợ bác Xe bế cắp nách thằng cu con, đi cứ thẫn thờ như con mẹ dại. Bà vẫy bác gái lại hỏi:
- Sao bác còn lanh thang ngoài ấy khuya thế. Sở cẩm nó đi tua mà nom thấy, nó lại lục vấn cho.
- Con chờ nhà con đấy bà ạ. Giờ này rồi mà mãi chưa thấy về. Cơm canh nguội lạnh từ bao giờ. Khổ, đói rã họng ra còn đạp xe gì.
- Hay bác trai phải cảm ở đâu. Bác đưa thằng bé đây tôi trông cho, lên phố xem nào, lên chỗ cai xe ấy. Đi quàng lên, kẻo nó khóc hết hơi.
- Vâng, con nghe bà, con đi đây. Nhưng thằng lớn nó trông thằng cu con được bà ạ.
Hôm ấy là một ngày vô cùng đen đủi đến cho bác Xe. Bác chả kiếm được hào nào, không có tiền nộp đủ cho cai xe, bác biết trông vào đâu. Đến hôm nay là lần thứ bao nhiêu trong tháng rồi. Lơ mơ, cai xe bắt con về làm không công cho nó thì còn xót chảy máu mắt... Bác Xe còn thiết gì đến ăn, với uống. Khuya rồi, nhưng bác chợt nghĩ ra: Đến ga Hàng Cỏ, giáp Tết này chắc hàng họ nhiều, có khi vớt được vài chuyến.
Thế mà đúng.
Sân ga đông như nêm. Nhưng sức vóc còm nhom, yếu ớt, bác Xe không lại được với đám trẻ và dân anh chị trong ga. Họ đánh nhau, tranh nhau, giành giật khách, giành giật hàng. Bác Xe đang hoang mang, chưa kịp định thần trước biển người hỗn loạn, thì cả một xe hàng đổ cái rầm. Vô phúc cho bác Xe, nó ụp cả vào người bác. Lúc tỉnh ra biết mình đang ở đâu, thì sân ga đã vắng hoe. Bác nằm đấy với cái chân gẫy.
Thế là tiền mất tật mang. Nước mắt bác ướt đầm trên hai cái hố mắt sâu hoắm. Đêm trên sân ga vắng lặng, cái rét càng cứa vào chỗ chân đau. Cái cực, cái đắng cay găm sâu vào lòng bác phu xe . Một đêm đông cuối cùng cho nghiệp xích lô của bác.
Sang tuần. Bác lết đến nhà cai xe. Chủ xe chẳng thèm chào hỏi, chỉ gọi bác Xe vào điểm chỉ tay trên một tờ giấy. Bao nhiêu tiền đặt cọc ban đầu lúc nhận xe cũng bị trừ nghiến. Khấu vào những ngày không bù được vốn trong tháng.
Bác thất thểu ra về với cái chân gẫy chưa lành.
Không có xích lô nào hết
Chẳng bao giờ còn còng rạp lưng xuống mặt đường, để kéo hàng lên dốc.
Từ hôm nay con sẽ không có cơm. Nhà sẽ không có gạo. Mà cũng chẳng có tấm phên, tấm liếp nào, để che cho cái bức đằng sau nữa.
Gió sẽ vẫn thốc từng đợt vào nhà, mỗi khi cái rét cắt ruột tràn về...
Sau tiếp quản thủ đô, mẹ tôi đưa bà trẻ về thăm xóm cũ - cái ngõ Văn Chương nghèo ngày xưa. Ông trẻ tôi mất sau một tai nạn xe, lúc ấy bác Xe vẫn còn cái nghiệp phu xe.
Dân cư đã khác xưa lắm. Bà trẻ tôi hỏi đến bác Xe, thì bấy nhiêu người đều nói bác ấy đã bỏ nhà vào Nam kiếm việc.
Mẹ tôi ngừng kể, quay đi giấu đôi mắt đỏ hoe.
- Mẹ ơi, mẹ có nhớ bác Xe ấy không? Tôi hỏi, để mẹ quay về với thực tại.
- Mẹ nhớ bác gái nhiều hơn. Thi thoảng có sang gánh nước cho bà trẻ để thay nước măng, những hôm bà trẻ yếu người. Nhìn các bác xích lô bây giờ, mẹ lại nghĩ thương bác Xe quá.
Cologne 30 Tháng Tư 2013