ThuKK
PROFILE   THƯ VIỆN ẢNH   BLOGS   LƯU BÚT   BẠN BÈ   FAVORITES   VIDEO  
 


RSS
NGỌN LỬA BẤT KHUẤT
Ngày đăng: 05/05/2013 19:44:42

           

                 

Tháng Sáu năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam

sẽ  làm lễ trọng thể kỷ niệm lần thứ 50 ngày Hòa

thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Xin gửi tới Bạn

đọc một số hình ảnh lịch sử ấy.




HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC TỰ THIÊU


Dưới đây là một số ảnh do phóng viên Malcome Browne, văn phòng đại diện

AP tại Việt Nam chụp diễn tiến cuộc tự thiêu lịch sử của Hòa Thượng Thích

Quảng Đức vào 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 11 tháng 6 năm 1963.

Cùng có mặt tại hiện trường với Browne là David Halberstam lúc đó là

phóng viên trẻ của báo The New York Times. Halberstam cùng nhận

giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Browne nhờ bài báo nói về sự kiện này.


 

Chư tăng ni làm lễ tại chùa Phật Bửu Tự, do Hòa thượng

Thích Minh Trực tổ chức, tại đường Cao Thắng, Quận 3 Sài Gòn.




Sau khi xong khóa lễ, chư tăng ni xuống đường trực chỉ đi về phía

ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Chiếc xe Austin của cư sĩ

Trần Quang Thuận chở HT. Thích Quảng Đức (ngồi sau) và thầy Thích

Trí Minh (ngồi trước)-theo lời thuật của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp.





Chư tăng ni vừa đi vừa niệm Phật, dân

chúng và trẻ em hiếu kỳ đứng hai bên đường xem.



Đại Đức Thích Chơn Ngữ tưới xăng lên đầu và thân mình Hòa thượng Thích Quảng Đức. "Tay trái tôi xách thùng xăng, tay mặt tôi dìu Ngài bước ra xe và mời Ngài ngồi xuống. Ngài ngồi "Kiết Già" tay mặt đặt lên tay trái. Tôi cầm thùng xăng đáng lẽ tưới lên vai Ngài, nhưng vì hốt hoảng lo sợ mật vụ tới nên đã đổ xăng từ đầu Ngài trở xuống. Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh. Lửa tức tốc bừng cháy đốt ngay thân xác Ngài như một pho tượng trong khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm : A Di Đà Phật." (Đại đức Thích Chơn Ngữ thuật lại).




Hình số 2 (phía bên phải) trong loạt hình 9 tấm bên dưới được phóng

lớn chỉ rõ Đại đức Thích Chân Ngữ đã để thùng xăng xuống cách Ngài

khoảng một mét rồi bước vội về phía các Tăng Ni, để Ngài ngồi lại

một mình trên vũng xăng lênh láng.



 

Ảnh của Malcolm Browne đoạt giải World Press Photo năm 1963. Bức ảnh gây xúc động đến nỗi Tổng thống Mỹ lúc đó là John F. Kennedy phải thốt lên :

"Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử thế giới lại tạo ra nhiều cảm xúc như thế !"  Mới đây, trong danh sách các ảnh thời sự vĩ đại nhất mọi thời đại, do báo New Statesman (Anh) công bố, bức ảnh này của Malcolm Browne được xếp thứ hai (bức ảnh phóng viên Nick Út chụp cô bé 9 tuổi Kim Phúc bị phỏng do bom napalm xếp đầu danh sách).


 

Lửa tiếp tục cháy. Can xăng bị nóng nên lật nghiêng. Tiếng niệm Phật

rất não nùng thê thảm trong lúc ngọn lửa càng bốc cao, phủ kín cả người

Ngài, nhưng Ngài vẫn ngồi vững như bàn thạch chấp hai tay trước ngực.

(Đại đức Thích Chơn Ngữ thuật lại)


 

Hòa Thượng tiếp tục ngồi thiền định. Can xăng bị nóng nên lật nghiêng


"Sau 7 phút toàn thân Ngài ngã xuống nhưng hai tay vẫn còn chắp trên ngực. Xung quanh các tăng ni vừa bái lạy vừa khóc, vừa niệm Phật, nhưng có một người vẫn đứng thẳng như một trụ đá, không khóc, nét mặt rất đau thương đến độ trông rất lạnh lùng, chấp hai tay nhìn thẳng vào thân xác cháy đen của Ngài Quảng Đức. Đó là Thượng tọa Thích Tâm Châu mà nay là Hòa thượng tu hành tại nước Pháp" [Đại đức Thích Chơn Ngữ thuật lại]. (Hiện nay, Hòa Thượng Thích Tâm Châu là Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới và đang trụ trì Tổ Đình Từ Quang, Montreal, Canada - Ghi chú của người viết)

Cùng có mặt tại hiện trường với Browne là David Halberstam lúc đó là phóng viên trẻ của báo The New York Times . Halberstam cùng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Browne nhờ bài báo nói về sự kiện này. Halberstam viết : "Tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó thêm một lần nữa, một lần đã là quá đủ... Tôi đã quá sốc, không thể đưa ra bất cứ câu hỏi gì, thậm chí không thể nghĩ gì được. Khi ông ấy tự thiêu, ông ấy không hề cử động, không rên la, cái vẻ ngoài điềm tĩnh của ông trái ngược hẳn với đám đông nức nở xung quanh". Trong ảnh : Hòa thượng đổ xuống đường trong ngọn lửa vẫn bùng cháy.


                 

                    Tượng Bồ tát Thích Quảng Đức


Lời thuật lại của những chứng nhân lịch sử hôm ấy như Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp, cựu Đại Đức Thích Chơn Ngữ và cựu nhiếp anh gia Nguyễn Văn Thông đều thấy và kể lại rằng "Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh". Sự kiện này được chứng minh bởi chín tấm hình đen trắng bấm liên tục của thông tín viên Malcolm Browne chụp từ cùng một góc độ nhìn, lấy chiếc xe Austin làm nền hình, ghi lại khá chi tiết và trung thực diễn tiến động thái tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, đặc biệt trong một tấm hình (ảnh số 2), Đại Đức Chơn Ngữ đã bước đi ra xa về phía các chư Tăng Ni, để lại Hòa thượng Thích Quảng Đức một mình tìm cách tự quẹt diêm giữa vũng xăng lênh láng.

Malcolm Browne : 1931 - 2012



Malcolm Browne (1931-2012), phóng viên duy nhất của AP (Associates Press) có mặt tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Tấm hình mà Malcolm Browne chụp đã xuất hiện trên trang nhất toàn thế giới khiến Tòa Bạch Ốc rùng mình và TổngThống Kennedy đã phải ra lệnh tái lượng giá chính sách đối với Việt Nam và chỉ thị Đại Sứ Henry Cabot Lodge qua nhận nhiệm sở ở Sài Gòn. Ông Malcolm Browne mất vào Thứ Hai 27/8/2012 tại bệnh viện New Hampshire, thọ 81 tuổi.

 

                                HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC TỰ THIÊU

Tags: Khanht



Bookmark:

[ Xem thêm Emoticons ]



Xem 1 - 9 của tổng số 9 Comments

Từ: Guest uyen
11/11/2019 14:58:16


Từ: NhuanNT
09/05/2013 16:21:48

Vị bồ tát dùng tấm thân vô thường của mình để thắp lên ngọn đuốc chống chiến tranh, cho hòa bình . Ngài ở đâu giờ này? hãy giúp chúng con bớt tham lam, si mê, sân hận để có nhiều thương yêu cho nhau và cho mọi chúng sinh ! 



Từ: Guest Việt Trung
07/05/2013 00:45:35
Quả tim Bồ tát Quảng Đức hiện giờ ở đâu?
18/09/2010 09:28 (GMT+7)

Nhục thân của Ngài Bồ tát Quảng Ðức đã tự thiêu cháy trong lửa 15 phút và sau đó được đốt trong lò thiêu nóng hàng ngàn độ mà quả tim vẫn không cháy, biến thành ngọc.
Từ khi thoát khỏi cuộc đánh cướp của gia đình họ Ngô thì quả tim của Ngài nằm yên trong tủ sắt một ngân hàng tại Sài Gòn.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, các ngân hàng công lẫn tư đều vào hệ thống Ngân hàng Nhà nước, vì vậy nên quả tim cũng được Ngân hàng Nhà nước bảo quản. Quả tim này khi gởi vào Ngân hàng lần thứ hai đã được thực hiện đúng thủ tục pháp lý hành chánh, nghĩa là đủ ba chữ ký: Ðức Tăng thống, Ngài Viện trưởng Viện Hóa đạo và trụ trì Việt Nam Quốc Tự đồng ký tên.
Năm 1981, Phật giáo Việt Nam cả các hệ phái và các miền, đều thống nhất thành một Giáo hội, danh xưng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã xin Nhà nước lãnh quả tim về Giáo hội để tôn thờ, nhưng vì chưa đủ nguyên tắc và chưa đủ điều kiện nên không lãnh được. Hòa thượng gọi tôi dạy rằng: "Của cha mẹ gởi Ngân hàng, tộc họ đứng tên vì con cháu dại khờ. Ngày nay Thầy Thông Bửu đã lớn khôn, Giáo hội đứng ra bảo lãnh để vị Trưởng tử Bồ tát tôn nghinh quả tim về thờ tại nơi di tích của Bồ tát là Tổ đình Quán Thế Âm, còn hơn là để tại Ngân hàng. Khi nào có ngôi chùa chung của Giáo hội Trung ương đủ tầm cỡ quốc gia, Giáo hội sẽ thỉnh về thờ, chứ cứ để yêm yểm trong tủ sắt Ngân hàng thì xót xa quá!". Sự việc chưa thực hiện thì Hòa thượng viên tịch. Vì vậy cho nên quả tim của Bồ tát vẫn còn tại Ngân hàng Nhà nước ở phía Nam.
Ðến năm 1991, một văn bản thứ ba được ký vào ngày 26 tháng 4 năm 1991, lúc 11 giờ do Văn bản số 03/BB-TG. Bên đứng tên ký gởi là: Hòa thượng Thích Thiện Hào - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Thích Từ Nhơn - Phó Trưởng ban Tăng sự TƯGH, Thượng tọa Thích Giác Toàn - Uỷ viên Kiểm soát HĐTS. Bên cạnh còn có: ông Trịnh Thanh Tùng - Vụ phó Vụ Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Thủ kho Ngân hàng Nhà nước, bà Trần Thị Kim Liên - Kế toán Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Ngọc - Vụ phó Vụ Tôn giáo Trung ương, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TP. HCM, ông Bùi Văn Hàn - Cục phó Bộ Nội vụ, ông Ðỗ Quốc Dân - Phó ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh.
Vì giá trị của quả tim có tính cách quý báu của quốc gia và nhân loại, nên văn bản ký gởi và ký nhận, bởi thành phần đáng được quần chúng Việt Nam và nhân loại hoàn toàn đặt trọn niềm tin tưởng.

Nguồn tư liệu: Tổ đình QUÁN THẾ ÂM, Gia Định - Việt Nam


Từ: CucNT
06/05/2013 19:46:06

 


Xin cảm ơn chị Thu, anh Hoài, anh Cường, chị Lý, guest Phanm, những tư liệu này em đã đọc đâu đó nhưng bây giờ đọc lại vẩn thấy rưng rưng.


Ông Nguyễn Minh Triết khi qua Mỹ đã đi trên bờ sông Potomac và đọc bài thơ của Tố Hữu cho kiều bào nghe.


 


 



Từ: Guest Phanm
06/05/2013 09:55:36
Hiện nay chiếc xe oto của Hòa thượng Thích Quảng Đức đi và trái tim không cháy hóa kim cương của Người vẫn được bảo quản tại Chùa Thiên Mụ Thành phố Huế


Từ: HoaiPV
06/05/2013 09:05:49
Sau đấy 2 năm Norman Morrison cũng đã  thắp tiếp ngọn đuốc yêu hòa bình, chống chiến tranh ngay tại nước Mỹ








Norman Morrison


Sinh
29/12/1933
Erie, Pennsylvania, Hoa Kỳ


Mất
2 tháng 11, 1965 (31 tuổi)
Virginia, Hoa Kỳ


Quốc tịch
Hoa Kỳ



Trong phong bì để lại cho người vợ trước khi tự thiêu, Norman Morrison viết:


"Anne yêu quý, đừng chỉ trích anh. Đã nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, anh chỉ cầu nguyện được thấy điều anh phải làm. Sáng nay, thật tình cờ anh đã thấy nó, rõ ràng như điều anh biết vào đêm thứ sáu, tháng 8/1955 rằng em sẽ trở thành vợ anh... Hãy hiểu rằng anh yêu các con, nhưng phải hành động vì những đứa trẻ trong ngôi làng của vị linh mục".

Vợ của Morrison và hai người con gái đã tới Việt Nam vào năm 1999 và họ đã gặp nhà thơ Tố Hữu, người đã sáng tác bài thơ "Emily, con ơi". Emily là tên con gái của Morrison. Trước khi chết anh đã bế con, khi đó mới được 1 tuổi, đặt trước cửa Bộ quốc phòng trước khi anh tự thiêu.


 


"Emily, con đi cùng cha


Sau khôn lớn, con thuộc đường, khỏi lạc...


-Đi đâu cha?


-Ra bờ sông Potomac.


-Xem gì cha?


-Không con ơi, chỉ có Lầu ngũ giác!


Ôi con tôi, đôi mắt tròn xoe


Ôi con tôi, mái tóc vàng hoe


Đừng có hỏi cha nhiều con nhé!


Cha bế con đi, tối con về với mẹ!...


Oa- sinh- tơn


Buổi hoàng hôn


Ôi những linh hồn


Còn, mất


Hãy cháy lên, cháy lên Sự thật!..."



Từ: CuongLV
05/05/2013 23:22:41

  Xin góp thêm tư liệu về Hòa Thượng Thích Quảng Đức (tải từ mạng)


Trái Tim Hòa-Thượng Thích Quảng Đức


Cư Sĩ Minh Lạc Vũ Văn Phường


(trích báo Nguồn Đạo số 70 Tết Đinh Hợi tháng 2 năm 207)


 


Lời Tòa Sọan : Câu chuyện về trái tim của Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã đuợc nói nhiều trên các báo, và đã đi vào lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Tòa Sọan Nguồn Đạo vừa hân hạnh nhận được bài viết của Cư Sĩ Minh Lạc Vũ Văn Phường (Seattle, USA) đã ưu ái gửi cho, để chứng minh sự việc lịch sử này. Đạo Hữu Minh Lạc đã là nhân chứng thực sự đã tham gia vào việc bảo tòan trái tim của Ngài Quảng Đức trong thời kỳ đấu tranh Phật Giáo năm 1963. Nay xin đăng tải bài viết ày để đóng góp thêm vào phần tài liệu về Ngài Thích Quảng Đức đồng thời để quý độc giả thưởng lãm. Nguồn Đạo


 Trong thời kỳ tranh đấu bảo vệ Phật-Giáo tại Việt-Nam vào năm 1963, Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức phát nguyện hy sinh nhục thân, tự thiêu để cúng dường Tam Bảo, thức tỉnh nhà cầm quyền.  Ủy Ban Tranh Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo lúc đó đặt trụ sở tại chùa Xá-Lợi Saigon, sau khi xem xét và nghiên cứu cẩn thận, đã chấp thuận và tổ chức cuộc thiêu thân cúng dường của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức.


Ngày 11-06-1963, cuộc tự thiêu đã diễn ra hoàn hảo, nghiêm túc và hùng tráng làm rung động thế-giới.  Nhục thân của Hòa-Thượng được đưa về quàn taị chùa Xá-Lợi, ngay chính Giảng Đường để các Tăng, Ni, Phật tử và mọi người tới viếng, tụng kinh cầu siêu, trang nghiêm và xúc động.  Mấy ngày sau, nhục thân của Ngài được liệm trong quan tài bằng gỗ thật tốt và đưa đi hỏa thiêu ở An-Dưỡng-Địa, Phú-Lâm, Chợ Lớn.  Lửa cháy mạnh, khói bốc cao, mọi người niệm Phật rất chân thành.  Hôm sau, các Tăng, Ni mở lò thiêu để hốt xương thì thấy một vật to bằng nắm tay lẫn lộn giữa những xương tro.  Tôi là đại diện Hội Phật-Học Nam-Việt được cử đi chứng kiến việc hốt tro, đã thấy tận mắt những xương nhỏ cháy thành tro vụn, mầu trắng, những xương lớn như xương đầu gối, xương ống chân cũng tan vụn thành những mảnh nhỏ, nhưng trái tim của Hòa-Thượng thì còn nguyên, tuy có bị cháy chung quanh chút ít.  Mọi người đều bàng hoàng và đưa tro cốt cùng trái tim của Hòa-Thượng về trình lên Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo.


Thượng-Tọa Thích Trí-Quang nói:  "Do công phu tu hành có định lực kiên cố của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức đã kết tinh thành Xá-Lợi, trái tim này sẽ cứu Phật-Giáo Việt-Nam, cần phải bảo tồn và gìn giữ ".  Cụ Chánh-Trí Mai-Thọ-Truyền, Hội-Trưởng Hội Phật-Học Nam-Việt và là một thành-viên của Ủy Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo bảo tôi: "Đạo-Hữu là Dược-Sĩ có thuốc gì và phương cách gì để bảo tồn trái tim này không?"  Tôi nhận lời, lau rửa trái tim sạch sẽ, ngâm vào formol và tôn trí trong một bình thủy tinh.  Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo gọi thợ đến chụp hình trái tim, in ra và phân phát.  Mọi người chấn động cho là phép lạ.


Cuộc tranh đấu bảo vệ Phật-Giáo bùng nổ rầm rộ hơn trước:  Học sinh bãi khóa, sinh viên biểu tình, nhà buôn đóng cửa, bãi thị, quân đội hoang mang, lại thêm nhiều cuộc tự thiêu của các Tăng, Ni ở Huế, Saigon và các tỉnh… làm Ngô triều phản ứng mạnh.  Đêm 20-8-1963, công an, cảnh sát phá chùa, bắt bớ Tăng, Ni và Phật-Tử, trên từ Hoa-Thượng Tăng Thống Thích-Tịnh-Khiết, các vị Thượng-Tọa, Đại-Đức Tăng Ni, dưới đến các Phật-Tử, sinh viên, học sinh… đều bị bắt giữ.


Dĩ nhiên chùa Xá-Lợi được chiếu cố tận tình, vừa là trụ sở của Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo, vừa là chỗ cư trú của Hoà-Thượng Tăng-Thống cùng các Hòa-Thượng, Thượng-Tọa, Đại-Đức nòng cốt của phong-trào tranh đấu, các cấp chỉ huy các Tăng, Ni và Phật-Tử, vừa là chỗ trưng bày “trái tim bật diệt” của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức.  Cửa kính bị đập nát, các chậu cây kiểng đổ vỡ ngổn ngang, mọi người trong chùa đều bị bắt đi.


 Trái Tim của Hòa-Thượng Thich Quảng-Đức ra sao?


Tối ngày 20-8-1963, được tin mật báo nhà Ngô sẽ phá chùa,Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo ra lệnh cất “trái tim bất diệt” vào tủ sắt của Hội Phật-Học.  Tủ sắt này có 2 lớp, lớp bên ngoài đựng các giấy tờ quan rọng, lớp bí mật bên rong cất giấu những bảo vật như Kinh bằng Lá Bối, tiền bạc …


Sau khi bắt giữ các Hòa-Thượng, Thượng-Tọa, Đại-Đức Tăng, Ni và Phật-Tử, và cho ra mắt các vị Tăng mới thân chánh quyền, và muốn trấn an Phật-Tử cùng hòa hoãn với sự đòi hỏi và điều tra của Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Tôn-Giáo và Nhân Quyền của Liên-Hiệp-Quốc, nhà Ngô cho phép (cũng như bắt buộc) mở cửa chùa Xá-Lợi để cho mọi người tới lễ bái, vì sắp đến ngày Đại Lễ Vu-Lan (Rằm Tháng Bảy âm-lịch).


Ngoài Cụ Chánh-Trí Mai-Thọ-Truyền và đạo hữu Tổng Thư Ký Huệ-Đức Lê Ngọc Diệp đã bị bắt cùng với chư Hòa Thượng, Thượng-Tọa, Đại-Đức… những nhân viên ban quản trị Hội Phật-Học Nam-Việt, trong đó có tôi, được gọi tới sở Công-An, đường Nguyễn-Trãi, Chợ-Lớn, yêu cầu mở cửa chùa Xá-Lợi,  Tránh không được, dù muốn, dù không, chúng tôi đưọc xe của Công-An đưa về chùa Xá-Lợi, mở cửa cho mọi người tự do ra vào lễ bái, dĩ nhiên có công-an, cảnh sát theo rõi, canh chừng


Sau khi quét dọn sạch sẽ Chánh-Điện, Giảng-Đường và phòng ốc, dâng hoa cúng Phật, làm lễ tẩy tịnh, chúng tôi xuống mở két sắt, thấy cửa két bị đập thủng, xập một nửa xuống nên ngăn bí mật bên trong được che kín, như có bàn tay Hộ-Pháp bảo vệ.  Chúng tôi hồi hộp, gọi thợ sắt đến gỡ từng mảnh sắt ra, thì thật là nhiệm mầu:  Chiếc hộp đựng “trái tim bất diệt” vẫn còn y nguyên, trái tim vẫn ngự trị bên trong, kiên cố và hùng tráng như thách đố với cơn bão tố Pháp nạn.  Chúng tôi bảo nhau mang cất “trái tim bất diệt” vào một chỗ bí mật, thề không tiết lộ.


Sau ngày Cách Mạng thành công lật đổ Ngô triều vào ngày 1-11-1963, cửa chùa Xá-Lợi rộng mở, mọi người tấp nập đến chùa lễ Phật và cung kính lễ “trái tim bất diệt” còn nguyên vẹn trải qua cơn giông tố phũ phàng.


Sau cùng “trái tim bất diệt” được đưa về tôn thời tại Việt-Nam Quốc-Tự, đường Trần-Quốc-Toản, Chợ Lớn, trụ sở Viện Hóa-Đạo, thuộc Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất.


Sau biến cố 30-4-1975, chúng tôi được Hoà-Thượng Thích-Tâm-Châu, Viện-Trưởng Viện Hóa-Đạo tại Việt –Nam Quốc-Tự cho biết:  Cộng-Sản cất “trái tim bất diệt” của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức vào tủ sắt một ngân hàng ở Saigon.


Đây là sự thật một trăm phần trăm về “trái tim bất diệt” của Hoà-Thượng Thích Quảng-Đức.  Chúng tôi xin viết ra dể làm tài liệu lịch sử và để cho những thế hệ sau được biết rõ.


 Cư-Sĩ Minh-Lạc Vũ Văn Phường


 


 



05/05/2013 22:02:26

 


Comment của Nguyễn Ngọc Chu :


Tổng thống Kennedy đã bỏ phòng họp ra ngoài rất lâu khi xem đoạn phim tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Nếu TT Kennedy còn sống chắc chiến tranh VN đã đi theo hướng khác. Xem lại ảnh và Video không thể cầm được nước mắt. Ngài đã ngồi trong ngọn lửa ngùn ngụt mấy phút cho đến khi gục ngã trong lửa. Một bản lĩnh cao cường và một nhân cách cao thượng làm sao. Có những con người như thế, Đất nước không thể không tự do hùng cường giàu mạnh. 


 


 



Từ: LyTM
05/05/2013 20:19:59

Toà Bạch ốc rùng mình!


Tăng ni trong nức nở


Người ra đi trong lửa,


Lửa đỏ cho Hoà Bình


rực trái tim quyên sinh


Bồ Tát cho độc lập!